Vì sao nên đầu tư vào Đà Nẵng?


I. VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC

Thành phố Đà Nẵng ở trung độ của đất nước, cách Hà Nội 759km và thành phố Hồ Chí Minh 960km, nằm trên trục giao thông Bắc – Nam về đường bộ (Quốc lộ 1A), đường sắt, đường biển và đường hàng không; phía bắc giáp Thừa Thiên-Huế, phía nam và phía tây giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp biển Đông. Thành phố nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm là 25,70C, có diện tích tự nhiên 1.256 km2, dân số năm 2008 là 822.300 người, gồm 6 quận và 2 huyện.

I.1. Đà Nẵng – thành phố động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Ngày 13 tháng 8 năm 2004, Thủ tuớng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm năm tỉnh và thành phố: Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định nhằm  phát huy tiềm năng, vị trí địa lý và các lợi thế so sánh của vùng, từng bước phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thành một trong những vùng phát triển năng động của cả nước. Trong đó, Đà Nẵng được xác định là thành phố đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Trong những năm gần đây, Chính phủ đang tập trung nguồn lực đầu tư cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nhiều dự án lớn về kết cấu hạ tầng đã và đang được triển khai như  xây dựng đường hầm xuyên đèo Hải Vân – một trong mười công trình đường hầm lớn nhất Đông Nam Á nối Huế với Đà Nẵng; đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam); Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) gắn với phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu; Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định); nâng cấp và mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng…



Bản đồ vùng Kinh tế Trọng điểm miền Trung

I.2. Đà Nẵng – Cửa ngõ phía đông của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây

Hành lang kinh tế Đông Tây là một trong năm hành lang kinh tế được phát triển theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển Châu Á ở khu vực tiểu vùng sông Mê Kông. Đây là tuyến giao thông dài 1450km đi qua bốn nước, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine đến cửa khẩu Myawaddy (Myanma), đi qua bảy tỉnh của Thái Lan tới Lào và cuối cùng đến Việt Nam (chạy từ cửa khẩu Lao Bảo qua các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế tới cảng Đà Nẵng

Hiện nay, hệ thống đường bộ trên lãnh thổ Lào, Thái Lan và tuyến đường bộ từ Đà Nẵng đến Savanakhet đã hoàn tất. Chiếc cầu quốc tế thứ hai bắc qua sông Mê Kông được hoàn thành vào cuối năm 2006 tạo thụân lợi cho việc lưu thông hàng hoá và hành khách bằng đường bộ từ Đà Nẵng đến các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và ngược lại. Hành lang Kinh tế Đông Tây không chỉ đem lại cơ hội cho các quốc gia trên tuyến đường đẩy mạnh hợp tác khu vực và nâng cao mức sống cho nhân dân mà còn tạo khả năng cho các doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn các vùng nguyên liệu, thị trường dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động…nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư và buôn bán qua biên giới, đa dạng hóa hoạt động kinh tế và xuất khẩu, thúc đẩy phát triển du lịch.

Cảng Đà Nẵng được xác định là một trong những trọng điểm của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây và là cửa ngõ ra Thái Bình Dương, cảng xuất nhập khẩu hàng hóa của cả vùng nội địa giàu tiềm năng chưa được khai thác ở  Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan, Myanma và miền Trung Việt Nam. Khi việc tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực ASEAN được thực hiện thì vị trí của thành phố cảng sẽ là một lợi thế quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho Đà Nẵng mở rộng giao lưu kinh tế với các nước, tạo lực để thành phố trở thành trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

I.3. Đà Nẵng – Cửa vào của các di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới

Đà Nẵng nằm ở trung tâm của “Con đường di sản thế giới” dài 1500km, trải dọc bờ biển miền Trung từ thành phố Vinh đến Đà Lạt. Từ Đà Nẵng, theo Quốc lộ 1A, du khách có thể tiếp cận một cách nhanh chóng và thuận lợi bốn trong số năm di sản thế giới ở Việt Nam – một tài sản vô giá được thiên nhiên ưu đãi và do tiền nhân để lại trên dải đất miền Trung, gồm Phong Nha – Kẻ Bàng, cố đô Huế, Hội An và Mỹ Sơn.

Cách Đà Nẵng khoảng 100km về phía bắc, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cung điện, lăng tẩm và những phong cảnh hữu tình của cố đô Huế, kinh đô cuối cùng triều đại quân chủ Việt Nam. Bên cạnh din văn hoá vật thể, Nhã nhạc Cung đình Huế – loại nhạc được sử dụng trong các nghi lễ, yến tiệc của triều đình – được UNESCO ghi tên vào danh mục các kiệt tác di sản phi vật thể của nhân loại. Xa hơn nữa, khoảng 300km về phía bắc từ Đà Nẵng là vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Động Phong Nha có chiều dài 13.000m gồm 14 hang có chiều cao từ 10-40m với cảnh trí tự nhiên huyền ảo do các nhũ đá tạo thành. Trong vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng còn có cả một khu rừng nguyên sinh với nhiều động thực vật quý hiếm như vượn bạc má, cá chép tím, rùa vàng và có cây chò hàng ngàn năm tuổi. Phong Nha-Kẻ Bàng nằm trong danh sách bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Cách Đà Nẵng hơn 30km về phía đông nam là đô thị cổ Hội An, nơi đây từ thế kỷ XVI đã là một thương cảng sầm uất, là nơi giao thoa của các nền văn hoá phương Tây, Nhật Bản, Trung Quốc…với hơn 1.000 di tích văn hoá lịch sử đang được lưu giữ. Từ Đà Nẵng đi về phía tây nam khoảng 70 km, du khách sẽ đến thăm thánh địa Mỹ Sơn với di tích của hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch, đá sa thạch phản ánh các phong cách kiến trúc đa dạng và nền văn hoá Champa được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 13.

Với lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch phong phú, đa dạng, Đà Nẵng thực sự là một điểm dừng chân lý tưởng cho du khách cũng như các nhà đầu tư ở miền Trung Việt Nam.

II. CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ DỊCH VỤ ĐẦU TƯ KHÁ HOÀN THIỆN

Thành phố Đà Nẵng là một đầu mối giao thông quan trọng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước với hệ thống sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, các tuyến đường bộ, đường sắt Bắc Nam đã phát triển hoàn chỉnh và thuận lợi

Cảng Đà Nẵng là cảng thương mại lớn thứ ba ở Việt Nam sau cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng. Với độ sâu cầu cảng 11m, hệ thống kho bãi và trang thiết bị đồng bộ vừa được nâng cấp bằng nguồn vốn của Chính phủ Nhật Bản, cảng Đà Nẵng có thể tiếp nhận các loại tàu hàng có trọng tải 45.000 DWT và các tàu chuyên dùng khác như tàu container, tàu khách, tàu hàng siêu trường siêu trọng. Năng lực bốc dỡ hàng hoá 4 triệu tấn/năm. Từ cảng Đà Nẵng hiện có các tuyến tàu biển quốc tế đi Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng là một trong ba sân bay tốt nhất của Việt Nam. Ngoài các chuyến bay nội địa, hàng tuần còn có các chuyến bay quốc tế trực tiếp từ Đà Nẵng đi Singapore, Bangkok, Đài Bắc. Trong tương lai không xa sẽ mở thêm các tuyến bay đi Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện đang được nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách và hàng hóa ngày càng tăng.

Hệ thống đường giao thông trong và ngoài thành phố không ngừng được mở rộng và xây mới. Nhiều công trình lớn đã đưa vào sử dụng hoặc đang trong giai đoạn hoàn thiện như đường Nguyễn Tất Thành, đường Điện Biên Phủ, đường Ngô Quyền, đường Bạch Đằng, đường Sơn Trà – Điện Ngọc, hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, cầu Sông Hàn, cầu Tuyên Sơn, cầu Thuận Phước…không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông và phát triển du lịch mà còn tạo cảnh quan, làm thay đổi cơ bản diện mạo của một đô thị thuộc loại sầm uất nhất ở miền Trung Việt Nam.

Hệ thống bưu chính viễn thông: Đà Nẵng là một trong ba trung tâm bưu chính viễn thông lớn của đất nước, có trạm cáp quang biển quốc tế SE-ME-WE 3, đường truyền quốc tế tốc độ 355Mbps với chất lượng tốt hàng đầu các nước Đông Nam Á. Bưu điện Đà Nẵng hiện đang cung cấp các dịch vụ viễn thông đa dạng và hiện đại, đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu của khách hàng.

Hệ thống cấp điện, cấp nước: Nguồn điện dùng cho sinh hoạt và sản xuất của thành phố Đà Nẵng được đảm bảo cung cấp từ lưới điện quốc gia thông qua đường dây 500 KV Bắc – Nam. Nhà máy cấp nước Đà Nẵng hiện có công suất hơn 80.000m3/ngày đêm. Thành phố đang đầu tư xây dựng một nhà máy mới với công suất 120.000m3/ngày đêm nhằm nâng tổng công suất cấp nước lên 210.000m3/ngày đêm trong thời gian đến.  Được sự  hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, mạng lưới cung cấp điện, nước của thành phố đã được đầu tư hoàn chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.

Các dịch vụ hỗ trợ đầu tư khác (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…): Hầu hết các ngân hàng và các công ty tài chính lớn của Việt Nam đều có chi nhánh tại Đà Nẵng. Một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài và công ty bảo hiểm quốc tế cũng đang hoạt động có hiệu quả tại thành phố. Các dịch vụ này ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Hiện nay tại Đà Nẵng có khoảng 47 chi nhánh ngân hàng cấp I, 09 công ty bảo hiểm và 04 công ty kiểm toán đang hoạt động.

III. NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN NĂNG ĐỘNG

Đà Nẵng được xác định là một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học và công nghệ của miền Trung và cả nước với mức tăng trưởng kinh tế liên tục và khá ổn định gắn liền với các mặt tiến bộ trong đời sống xã hội, cơ sở hạ tầng phát triển, đô thị được chỉnh trang, vv…Tốc độ tăng GDP bình quân trong giai đoạn 2001-2006 đạt 12.47%, năm 2008 tăng 11,04%. Cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch theo hướng tích cực: ngành công nghiệp-xây dựng chiếm tỉ trọng 47,59%; ngành dịch vụ 49,4%; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 3,01%.

Hiện nay có hơn 10.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động tại thành phố. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2008 tăng 17,6% so với năm 2007. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu là thủy sản, săm lốp cao su, dệt may, giày, cơ khí, vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ… Công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghiệp phần mềm, hiện đang được thành phố tập trung phát triển trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực có hiệu quả kinh tế cao và đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng GDP của thành phố. Ngoài ra, ở Đà Nẵng hiện có bốn làng nghề truyền thống gồm: làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, nước mắm Nam Ô, đan lát Yến Nê và dệt chiếu Cẩm Nê.

Hoạt động thương mại – xuất nhập khẩu của thành phố trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu không ngừng tăng lên qua các năm với tỉ lệ tăng trưởng bình quân 10,37%/năm (giai đoạn 1997-2006). Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ năm 2008 đạt 905,11 triệu USD, tăng 19,6% so với năm 2007. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của thành phố gồm dệt may, thuỷ hải sản, dăm gỗ, đồ chơi trẻ em, hàng thủ công mỹ nghệ…Với phương châm chủ động mở rộng thị trường theo hướng đa phương hoá quan hệ kinh tế, tích cực thâm nhập các thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới, đến nay các sản phẩm của Đà Nẵng đã có mặt ở hơn chín mươi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài ra, quan hệ thương mại giữa Đà Nẵng với các nước nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây như Lào, Thái Lan…hiện cũng đang được chú trọng phát triển.



IV. TIỀM NĂNG DU LỊCH PHONG PHÚ

Nằm trên “Con đường Di sản thế giới”, gần kề với bốn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, gắn liền với “Đường Trường Sơn huyền thoại”, thành phố Đà Nẵng được du khách biết đến như là một trong những điểm nhấn của du lịch miền Trung.

Thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố gần 70km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, quanh năm chan hòa ánh nắng như biển Nam Ô, Xuân Thiều, Thanh Bình, Bắc Mỹ An, Non nước… Chính vì lẽ đó biển Đà Nẵng đã được tạp chí uy tín Forbes của Mỹ bình chọn là một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.

Một trong những điểm du lịch của thành phố hiện đang hấp dẫn du khách là bán đảo Sơn Trà. Đây không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên mà còn là khu du lịch sinh thái có thể phát triển các loại hình du lịch biển, du lịch thể thao hấp dẫn như leo núi, lặn biển, tắm suối, câu cá…

Nói đến Đà Nẵng không thể không nói đến Ngũ Hành Sơn – một trong những biểu tượng của thành phố với một quần thể hang động kỳ ảo và những ngôi chùa cổ kính. Ngay dưới chân núi là ngôi làng điêu khắc đá với hàng trăm nghệ nhân nổi tiếng tài hoa.

Đà Nẵng còn nổi tiếng bởi Khu Du lịch Bà Nà – “Đà Lạt của miền Trung”. Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh vật nên thơ và nhiều khu rừng có hệ động thực vật đa dạng, phong phú.

Bên cạnh đó, đến Đà Nẵng du khách còn có dịp đến với một vùng đất lưu giữ nhiều di tích lịch sử như Bảo tàng Chăm – bảo tàng duy nhất ở Đông Nam Á lưu giữ di sản văn hóa Chămpa độc đáo với hơn 400 tác phẩm điêu khắc nguyên bản được sáng tạo trong giai đoạn từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ XIII và các chứng tích mang đậm truyền thống anh hùng của nhân dân thành phố trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc như Bảo tàng Đà Nẵng..

Song có thể nói, tạo nên phần hồn cho thành phố Đà Nẵng chính là những sinh hoạt lễ hội dân gian truyền thống như lễ hội Quán Thế Âm, lễ hội Cầu Ngư, hát bài chòi, hò chèo thuyền, hò khoan, đua thuyền… phản ánh đời sống tinh thần phong phú và mang đậm bản sắc dân tộc của người dân nơi đây. Đặc biệt, Hát Tuồng là một loại hình nghệ thuật độc đáo ở Đà Nẵng có sự kết hợp hài hòa giữa sân khấu, âm nhạc, vũ đạo đến mức thành thục cổ điển.

Với những lợi thế về vị trí và tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng cũng như cơ sở hạ tầng du lịch khá đồng bộ, Đà Nẵng được xác định là một mắt xích quan trọng trong vùng du lịch trọng điểm của Việt Nam. Lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Đà Nẵng ngày càng tăng, trung bình khoảng 10,87%/năm (2001-2005), trong đó lượng khách quốc tế tăng bình quân 19,05%/năm, năm 2008 tăng 24%. Doanh thu chuyên ngành du lịch tăng bình quân 7,98%/năm (2001-2005) năm 2008 tăng 36%. Hệ thống cơ sở lưu trú không ngừng được xây dựng mới hoặc nâng cấp, mở rộng với chất lượng ngày càng cao; các dịch vụ du lịch ngày càng được cải thiện đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

Trong những năm gần đây, để tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, thành phố đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch dọc tuyến đường ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc (đặc biệt từ khu nghỉ dưỡng Furama đến Ngũ Hành Sơn – khu vực có cảnh quan thiên nhiên và môi trường ven biển được đánh giá là tốt nhất tại Việt Nam). Nơi đây sẽ hình thành một tổ hợp du lịch, dịch vụ ven biển tầm cỡ châu lục và thế giới. Các dự án lớn đã được cấp phép và được quản lý bởi các tên tuổi như Hyatt, Raffle…quản lý  các khách sạn, khu du lịch, nghỉ mát đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao, tạo bước đột phá trong phát triển du lịch Đà Nẵng.



V. NGUỒN NHÂN LỰC DỒI DÀO VÀ ĐƯỢC ĐÀO TẠO

Đà Nẵng có nguồn nhân lực dồi dào (nguồn lao động chiếm hơn 50% dân số thành phố), chủ yếu là trẻ, khỏe. Số lao động có chuyên môn kỹ thuật đã qua đào tạo chiếm gần một phần tư lực lượng lao động. Chi phí lao động ở Đà Nẵng thấp hơn so với một số thành phố khác trong nước.

Đà Nẵng là một trong những tỉnh thành trong cả nước có các chỉ số phát triển giáo dục cao với hệ thống giáo dục khá hoàn chỉnh, tạo nền tảng thuận lợi và vững chắc cho việc phát triển nguồn nhân lực của thành phố nhằm thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng cuộc sống. Thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở và đang tiến tới thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục phổ thông trung học. Thành phố có 14 trường đại học, cao đẳng và 15 trường trung học chuyên nghiệp với gần 140.000 sinh viên. Hệ thống các trường này thực hiện chuyên ngành đào tạo trên hầu hết các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin, kinh tế, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ và sư phạm… Đại học Đà Nẵng còn hợp tác với trường đại học của các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada, New Zealand… trong việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cũng như đưa sinh viên sang học tập tại các nước này.

Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng hiện là một trong những đơn vị sản xuất phần mềm hàng đầu tại Việt Nam và là trung tâm đào tạo công nghệ thông tin hàng đầu của khu vực miền Trung. Trong những năm qua, Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng đã hợp tác chặt chẽ với các công ty của Ấn Độ (Aptech) và Nhật Bản (AOTS) để đào tạo lập trình viên, kỹ thuật viên và kỹ sư công nghệ thông tin đạt trình độ quốc tế.

Ngoài ra thành phố còn có khoảng 55 trung tâm dạy nghề thường xuyên cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn về tin học, may công nghiệp, cơ khí, điện – điện tử, kỹ thuật xây dựng, vv…

Hàng năm các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tại Đà Nẵng đã đào tạo hàng ngàn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, trình độ tay nghề đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực không chỉ cho thành phố mà còn cho cả khu vực miền Trung. Đây cũng là một lợi thế cạnh tranh của thành phố trong thu hút đầu tư nước ngoài.



VI. CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

Cùng với tiến trình đô thị hóa, sự tăng trưởng kinh tế trong những năm qua đã giúp cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân Đà Nẵng không ngừng được cải thiện.

Mạng lưới giao thông, các dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng đô thị đã và đang được xây dựng, chỉnh trang giúp cho điều kiện sống ở thành phố trở nên thuận lợi hơn. Những khu dân cư được quy hoạch, những đường phố mới, công viên, bãi tập thể dục, siêu thị, trung tâm thương mại, nơi dạo chơi hóng mát của người dân,…đã làm thay đổi cơ bản diện mạo của thành phố. Các giá trị văn hóa, các loại hình nghệ thuật truyền thống thường xuyên được gìn giữ và phát huy. Nhiều thiết chế văn hoá, cơ sở giáo dục – đào tạo, y tế và các dịch vụ vui chơi giải trí như trung tâm hội nghị – triển lãm, nhà biểu diễn đa năng, trường học, bệnh viện, sân gôn…đạt chuẩn quốc tế đang được đầu tư xây dựng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân đồng thời đáp ứng nhu cầu của những nguời nước ngoài đang và sẽ đến đầu tư, làm việc và đi du lịch tại thành phố. Ngoài ra, giá cả sinh hoạt tại Đà Nẵng hiện chỉ ở mức trung bình so với cả nước.

Đà Nẵng là một trong những thành phố sạch, đẹp và an toàn nhất cả nước. Diện tích vườn hoa, thảm cỏ ở khu vực nội thị ngày càng tăng, hàng ngàn cây xanh được trồng mới. Rác thải được thu gom, xử lý tốt. Nhiều phong trào như “Vì một thành phố xanh, sạch, đẹp”, “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, “Phòng chống tệ nạn xã hội”, các chương trình “Thành phố năm không”, “Thành phố ba có”,vv…đã và đang được thực hiện, thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân.

Khác với những thành phố lớn ở Việt Nam, bên cạnh sự sôi động, tấp nập của một đô thị đang trên đà phát triển, cuộc sống ở Đà Nẵng luôn đem lại cảm giác thanh bình, dễ chịu và gần gũi với thiên nhiên. Đà Nẵng là một trong số rất ít những tỉnh/thành ở Việt Nam có sự kết hợp hài hòa giữa núi cao, rừng thẳm, biển dài, sông sâu. Sau giờ làm việc bạn có thể dễ dàng tìm được không gian để thư giãn bên bờ sông Hàn lộng gió hoặc trên những bãi biển tuyệt đẹp. Nếu quỹ thời gian rộng rãi hơn, bạn còn có dịp thưởng ngoạn và khám phá sự kỳ vĩ, bí ẩn và nên thơ của đèo Hải Vân, khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, khu du lịch Bà Nà – Suối Mơ…Đặc biệt, người dân Đà Nẵng chân chất, mộc mạc, giản dị trong lời ăn tiếng nói nhưng dám nghĩ dám làm, lao động cần cù, ham học hỏi và rất mến khách luôn để lại ấn tượng sâu sắc cho những ai đã từng đến Đà Nẵng. Họ đang từng ngày, từng giờ nỗ lực lao động, học tập để có thể cống hiến tài năng, trí tuệ và sức lực của mình cho sự nghịêp xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu, đẹp và hiện đại.

Đà Nẵng hôm nay là một thành phố có môi trường văn hoá lành mạnh, có nếp sống văn minh đô thị, trình độ dân trí được nâng cao, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Có thể nói, Đà Nẵng là một nơi thú vị để sống, làm việc, đầu tư và đi du lịch ở Việt Nam.

VII. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI

*. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính – viễn thông và tài chính – ngân hàng; một trong những trung tâm văn hoá – thể thao, giáo dục – đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung;

1. Một số chỉ tiêu chủ yếu thời kỳ 2006- 2010

- Tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2006-2010:  11-12%.

- GDP bình quân đầu người đạt 2.000 USD.

- Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hằng năm 23-25%

- Cơ cấu kinh tế đến năm 2010: Dịch vụ 49,1%, Công nghiệp 47,5%, Nông nghiệp 3,4%

- Giảm tỷ suất sinh bình quân hằng năm 0,03%

- Giải quyết việc làm cho 3,28 vạn lao động mỗi năm.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu thời kỳ 2010-2020

- Tăng trưởng kinh tế (GDP) với tốc độ 12%-13%/năm

- GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 4.500 USD-5000USD

- Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm 23-25%

- Tỷ trọng GDP ngành dịch vụ đến năm 2020 sẽ chiểm 55,7%, công nghiệp 42,7%, nông nghiệp 1,6%

- Duy trì nhịp độ tăng dân số tự nhiên ở mức 1%

- Tạo việc làm mới khoảng 3,2-3,5 vạn người/năm


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đối thoại với Sinh viên: Đào tạo nhân lực không có cửa sau!


Dù đã quá 11g trưa 7-1-2006, bên trong hội trường của Trung tâm Giáo dục thể chất Đại học Đà Nẵng vẫn còn hàng chục cánh tay đưa lên. Trước đó, cả hội trường đã nóng thật sự khi một nhóm SV các trường ĐH Bách khoa, Kinh tế đặt nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề nghiên cứu khoa học trong SV. SV Nguyễn Hữu Đông – khoa quản trị kinh doanh (ĐH Kinh tế) – đặt vấn đề:

“Khả năng sáng tạo, nghiên cứu khoa học của giới SV là không yếu, không thiếu, vậy lãnh đạo TP có tính đến việc hỗ trợ này không?”. Ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định: “TP sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để các bạn sáng chế, tuy nhiên TP sẽ không đầu tư vào những dự án nghiên cứu không thực tế”.

Một nữ SV phát biểu tại buổi đối thoại – Ảnh: Đ.Nam

SV Nguyễn Hữu Đông hỏi tiếp: “Vậy sắp tới TP có nghĩ đến việc sẽ lập ra một quĩ gọi là quĩ hỗ trợ mạo hiểm cho SV không?”, ông Thanh: “TP sẽ không thành lập quĩ đó, nhưng nếu xét thấy những nhóm SV nào có ý tưởng hay, thực tế có ảnh hưởng đến sự phát triển của TP, thì thông qua các trường, TP sẽ xem xét và quyết định mức hỗ trợ. Nếu không các bạn cứ gửi thẳng cho lãnh đạo TP hoặc cá nhân tôi ở trụ sở của HĐND TP – 44 Bạch Đằng” (ông Nguyễn Bá Thanh là chủ tịch HĐND TP – PV). Bạn Nguyễn Phương Loan (SV năm 4, ĐH Ngoại ngữ) thẳng thắn: “Những ngành nghề nào sẽ được TP đưa đi đào tạo ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách, số lượng hằng năm và liệu có tình trạng “đi cửa sau” hay không?”.

Ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh: “Từ 2006-2010, TP Đà Nẵng sẽ đưa đi đào tạo ở nước ngoài khoảng 100 thạc sĩ, tiến sĩ, với các ngành nghề chính như viễn thông, xây dựng, kiến trúc, quản lý đô thị, quản trị kinh doanh… Bình quân kinh phí đào tạo là 15.000 USD/người”. Ông khẳng định: trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, sẽ không có chuyện “đi cửa sau”.

Cả hội trường bỗng chùng xuống khi vị bí thư thành ủy hỏi “vặn” lại: “Sau năm 2010, nguồn thu chính của TP sẽ là từ du lịch, dịch vụ. Đã có SV nào nghiên cứu những giải pháp để giúp “đánh bật lên” ngành du lịch Đà Nẵng?”. Không một câu trả lời, không một cánh tay đưa lên. Cuối cùng ông Thanh nhấn mạnh: “Có được những đề tài, dự án như thế, TP sẵn sàng ủng hộ và tạo điều kiện hết sức, thậm chí sẽ mời các bạn làm chuyên gia, cố vấn cho TP”.

Đ.NAM – V.HÙNG


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ông Nguyễn Bá Thanh: “Lãng phí gây hậu quả không kém tham nhũng”


Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La)

Đó là nhận xét của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận về dự thảo luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại hội trường chiều qua. Và để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả, các đại biểu đề nghị: Trung ương hãy gương mẫu trước.

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Bí thư thành uỷ Đà Nẵng) đã thẳng thắn nhận định về tình trạng lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực hiện nay. Ông cho rằng, lãng phí lớn nhất là thời gian, là con người, là đào tạo… Ông ví dụ: Vẫn còn tình trạng đào tạo cử nhân ra thì ngồi đóng dấu, bác sỹ ra trường thì đi bán thuốc…

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La) cho rằng, việc sử dụng không đúng người cũng là một hành vi lãng phí. Bà lấy dẫn chứng: “Hôm qua, tôi được biết một thông tin rất buồn. Có một Tiến sĩ ở trường ĐH Xây dựng có luận án được đồng nghiệp quốc tế đánh giá xuất sắc, và đã được ứng dụng thực tế ở nước ngoài nhưng khi về nước ông lại được giao cho việc theo dõi đi muộn về sớm của sinh viên”. Đây là một ví dụ về lãng phí chất xám trong cơ quan nhà nước, bà đề nghị: “Phải nghiên cứu, xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc”.

Về việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong dự thảo luật, đại biểu Vy nhận xét dự thảo luật chưa tập trung vào việc tuyển và sử dụng biên chế, đúng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, tinh giản biên chế… “Tiết kiệm không có nghĩa là gặp việc đáng chi mà không chi, việc đáng làm mà không làm”, bà Vy phát biểu. Chính vì vậy, bà Vy đề nghị Luật nên đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tuyển dụng và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Bí thư thành uỷ Đà Nẵng) kể: Cách đây 3 năm, Đà Nẵng mỗi năm chỉ gần 3 tỷ đồng cho cán bộ học tiếng Anh, nhưng sau 3 năm học nhiều cán bộ gặp người nước ngoài nói họ chẳng hiểu gì cả. Trước thực trạng đó tôi đã cho dừng chương trình này.

Về chống lãng phí trong các hội nghị, hội thảo… đại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hoá) băn khoăn: Tôi không tin tưởng lắm về quy định này. Theo tôi, Chính phủ cần quy định chi tiết về hội nghị, hội thảo ở từng vùng, miền cho phù hợp về thời gian, đối tượng tham gia… Đại biểu Hứa Chu Khem (Sóc Trăng) lại nhìn nhận sự lãng phí ở các cuộc hội nghị, hội thảo dưới một góc độ khác, ông buồn rầu nói: “Có hội nghị tập trung đại biểu của tất cả các tỉnh trong cả nước, vậy mà chỉ có mỗi một văn bản báo cáo và một vài ý kiến phát biểu, như thế là rất lãng phí”.

Về tình trạng xây trụ sở cơ quan, mỗi nơi một kiểu, đại biểu Nguyễn Văn Mễ (Thừa Thiên Huế) đưa ra dẫn dụ: “Nhiều hội trường lớn của các cơ quan xây rất to, nhưng cả năm chỉ sử dụng có 5, 6 lần mà hàng tháng vẫn phải mất tiền bảo dưỡng, điện, nước. Nên chăng nên xây trụ sở hành chính tập trung, mở rộng hệ thống thông tin để tiết kiệm chống lãng phí”. Ông cũng đề nghị nên sớm triển khai áp dụng luật này để khắc phục tình trạng lãng phí như hiện nay.

Thực hành tiết kiệm: Trung ương hãy gương mẫu trước!

Đánh giá về thực trạng thực hành tiết kiệm, đại biểu Nguyễn Bá Thanh ta thán: “Tám năm qua, tôi không thấy bộ, ngành nào tổng kết tiết kiệm, chống lãng phí mà chỉ nói chung chung, không đánh giá được gì. Tôi không biết, Trung ương, địa phương lãng phí nhiều hay ít. Nhưng kinh nghiệm cho thấy Trung ương phải gương mẫu trước, địa phương gương mẫu sau”.

Ông Thanh nhận xét: Cả bộ luật này tôi thấy chỉ có chế tài về hành chính, không thấy xử lý về hình sự. Theo ông Thanh, nếu không nghiêm khắc trong việc xử lý những cá nhân sai phạm trong thực hành tiết kiệm thì sẽ rất khó kiểm soát tình trạng này.

Về việc tổ chức thực hiện chế độ sử dụng phương tiện đi lại theo các chức danh, chức vụ, mặc dù Chính phủ đã có quy định nhưng theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La) thì vẫn chưa đúng, chưa đủ và chưa sát với thực tế, bà dẫn giải: Hiện nay, Chính phủ quy định, người có chức danh, chức vụ cao thì đi xe tốt, xe nhiều tiền, người có chức danh, chức vụ thấp hơn thì đi xe ít tiền hơn (chắc chắn là nhanh hỏng hơn) nhưng thực tế người có chức danh cao ít đi hơn, đường đi cũng tốt hơn, người có chức danh thấp đi nhiều hơn, đường đi cũng xấu hơn (đường huyện, xã chắc chắn xấu hơn đường quốc lộ), nên qui định như vậy là chưa thực tế”. Bà đề nghị: “Nên trang bị phương tiện đi lại theo chức danh, chức vụ kết hợp với địa bàn công tác”.

Đại biểu Phạm Thế Duyệt tỉnh Hải Dương nhận định hậu quả của lãng phí không hề kém tham nhũng. Đề cập đến sự lãng phí trong các đề tài nghiên cứu khoa học, ông đề nghị: “Với các đề tài nghiên cứu khoa học mặc dù có chất lượng nhưng không sử dụng, để lãng phí thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm. Nên chăng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng lo cả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

Đức Hoà – Hồng Hạnh


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

“Hoan hô ông Nguyễn Bá Thanh, làm việc cũng giỏi, đá banh cũng tài”


Năm 2003 là một năm thành công lớn của TP. Đà Nẵng: được Chính phủ đánh giá là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế khá, đặc biệt là kỷ luật hành chính được thiết lập tốt, trật tự, kỷ cương nghiêm… Người có công lớn trong việc đưa Đà Nẵng thành một điển hình mà nhiều địa phương trong cả nước đã tới để học tập kinh nghiệm chính là Bí thư Thành uỷ TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.

Ông nổi tiếng là một người nói thẳng…

Tôi đã từng chứng kiến không chỉ một lần, trên diễn đàn các cuộc họp với lãnh đạo 61 tỉnh, thành phố trong cả nước, khi nói về trật tự, kỷ cương Thủ tướng Phan Văn Khải thường nhắc tới 2 người, đó là ông Trương Đình Tuyển và ông Nguyễn Bá Thanh. Khi làm Bí thư Nghệ An, ông Trương Đình Tuyển được coi là nhà tổ chức “cứng rắn” trong việc thiết lập lại “cái trật tự kỷ cương đang rất lỏng lẻo” ở xứ Nghệ. Dạo ấy, vào Nghệ An gặp ông Trương Đình Tuyển, ông Bí thư tỉnh uỷ cười, bảo: “Tay Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng còn “rắn” hơn tớ nhiều”. Tuy nhiên dạo ấy nhiều người biết tới ông Nguyễn Bá Thanh như là người đã có công lớn: “biến” Đà Nẵng thành một thành phố “5 không” (không có giết người, cướp của; không có người nghiện ma tuý; không có người mù chữ; không có hộ đói; không có người lang thang, ăn xin). Mới đây quay trở lại Nghệ An, người xứ Nghệ nói: “Tiếc là ông Tuyển trở lại Trung ương làm Bộ trưởng Thương mại sớm quá…”.

Từ lâu tôi cứ tự hỏi không hiểu tại sao cùng những điều kiện, cơ chế, chính sách như nhau mà “ông Thanh ở Đà Nẵng làm được” còn những nơi khác thì không. Bí quyết là ở đâu? Khi vào Đà Nẵng tôi mới vỡ lẽ ra rằng, thực ra chẳng có bí quyết nào cả. Cái cần phải làm thì ai cũng biết, mà biết rất rõ nữa là khác, nhưng người ta có chịu làm và có muốn làm hay không mà thôi. Ngồi trò chuyện với ông Nguyễn Bá Thanh, ông bảo: “Giống như một trận đấu bóng đá ầy mà. Muốn có cơ hội thắng được đối phương thì khi ra sân 11 cầu thủ đều phải cố gắng hết mình. Ai chẳng hiểu điều ấy, nhưng khi vào trận rồi thì có anh đá hết sức, có anh lại chỉ lo giữ “giò”. Ấy vậy mà khi chia tiền thưởng thì 11 cầu thủ được chia đều như nhau. Đá hăng cũng như không đá mà lại được hưởng như nhau thì cần gì phải đá”. Cựu Phó Chủ tịch Quảng Nam- Đà Nẵng cũ Ngô Văn Trấn nói một cách hình ảnh rằng: “Ông Thanh là một “cầu thủ” chuyên nghiệp, khi đã ra sân là đá hết mình. Mục tiêu lớn nhất là đem lại một trận thắng cho đội nhà, bất chấp cá nhân mình có bị làm sao”. Khi còn là “cầu thủ” ông đã làm đúng như vậy. Đúng là cái “triết lý bóng đá” đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách lãnh đạo của ông. Sau này, khi trở thành “huấn luyện viên”, ông yêu cầu “các cầu thủ” của mình phải có kỷ luật nghiêm. “Đã ra sân thì các cầu thủ phải thực hiện triệt để ý đồ chiến thuật của Huấn luyên viên. Nếu cầu thủ nào không đáp ứng đúng yêu cầu thì phải thay ra khỏi sân”- ông nói.

Trong công việc ông Thanh là người quyết liệt, không thích nói nhiều, không vòng vo, không ưa dùng những từ hoa mỹ, đã nói là làm, đã làm là đến nơi đến chốn, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Trong công tác lãnh đạo ông tôn trọng ý kiến của tập thể, nhưng lại đề cao tuyệt đối vai trò của cá nhân. Ồng không cho phép cán bộ dưới quyền nhân danh tập thể này nọ mà yêu cầu phải chịu trách nhiệm cá nhân. “Tập thể là những con người cụ thể hợp lại, vì vậy khi giao việc là giao cho những con người cụ thể, chứ không phải con người chung chung. Khi chịu trách nhiệm cũng phải có người cụ thể, chứ không phải là tập thể chung chung”. Ông nói như thế và ông đã làm đúng như vậy kể từ khi ông còn là Chủ nhiệm HTX Hoà Nhơn, rồi Phó Bí thư huyện uỷ Hoà Vang, hay khi đã là Giám đốc Nông trường chè Quyết Thắng, rồi Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Nam- Đà Nẵng và ngay cả khi đã là Chủ tịch TP. Đà Nẵng (thuộc Quảng Nam- Đà Nẵng) rồi Chủ tịch TP. Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và nay là Bí thư thành uỷ Đà Nẵng.

Ngoài công việc ông có một niềm đam mê thực sự với bóng đá. Người dân Đà Nẵng kể rằng, trước mỗi trận đấu của đội bóng đá Đà Nẵng ông thường mời các huấn luyện viên của đội tới để cùng thảo luận từ đấu pháp của trận đấu cho tới cách bố trí đội hình suốt cả đêm. Thế nên dân Đà Nẵng mới có thơ rằng: “Hoan hô ông Nguyễn Bá Thanh/ Làm việc cũng giỏi, đá banh cũng tài”.

… và nghiêm khắc

Cựu Phó Chủ tịch Quảng Nam- Đà Nẵng Ngô Văn Trấn kể: “Khi vừa được bầu vào chức Chủ tịch TP. Đà Nẵng, tại một cuộc họp triển khai thực hiện nhiệm vụ năm tới ông yêu cầu Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố lên kết luận hội nghị. Vừa kết luận xong, theo thói quen trước đây, một vị Giám đốc sở lên phát biểu bác lại nhiều kết luận vì cho rằng không thể triển khai công việc như vậy được. Ông Thanh lên diễn đàn: “Đã kết luận rồi thì không nói lại nữa, cứ thế mà làm và phải làm cho được, còn sai thì Chủ tịch UBND Thành phố chịu trách nhiệm”. Nói rồi ông Trấn kết luận: “Điều cơ bản là anh Thanh đã làm thay đổi cả một phong cách lãnh đạo: vừa cương quyết, vừa mạnh mẽ, dám làm và tự chịu trách nhiệm, những điều mà thế hệ chúng tôi không có được”. Lại một chuyện nữa: “Trước khi tiến hành xây dựng cầu Sông Hàn đã có không ít ý kiến phản bác. Thậm chí ông Thanh còn bị chất vấn ngay gắt tại một “hội nghị Diên Hồng” toàn các bô lão: “Ai quyết định xây chiếc cầu này và nếu thất bại thì ai chịu trách nhiệm?”. Ông Thanh trả lời: “Quyết định là tập thể thường vụ Thành uỷ và người chịu trách nhiệm là tôi- Chủ tịch UBND thành phố!”. Chiếc cầu được xây và hiện là một trong những chiếc cầu hiện đại và đẹp nhất ở Đà Nẵng. Một lão nông chúng tôi gặp ở bến đò sang xã Hoà Xuân, đã đọc cho chúng tôi nghe một câu vè về ông Thanh: “Mong ông công tác dài lâu/ Để ông xây tiếp vài cầu cho dân”. “Người Đà Nẵng nói vậy không ngoa đâu. Ngay từ khi còn làm Chủ nhiệm HTX Hoà Nhơn (Hoà Vang, Quảng Nam- Đà Nẵng cũ) ông Thanh đã nổi tiếng là người xây cầu. Không biết bao nhiêu chiếc cầu ở đó đều được người dân Hoà Nhơn gọi với cái tên trìu mến: “cầu ông Thanh” rồi đó”- ông Ngô Văn Trấn kể.

Chưa hết, “Tại một cuộc họp  kiểm tra các công trình xây dựng đang ở giai đoạn nước rút, không thấy cán bộ có thẩm quyền dự họp. Hỏi ra mới biết Trưởng Ban quản lý các công trình công nghiệp dân dụng (Sở xây dựng) cùng một vài cán bộ dưới quyền kéo nhau đi du lịch. Quay trở về ông Trưởng ban này bị cách chức. “Từ nay ai không làm đúng, làm tròn chức trách thì thôi không làm nữa!”- ông Thanh tuyên bố. Ông Phan Văn Kha, Phó Văn phòng  Thành uỷ Đà  Nẵng, người đã làm trợ lý cho 4 đời Chủ tịch và Bí thư Quảng Nam- Đà Nẵng và nay là TP. Đà Nẵng nói: “Trong công việc ông là người hết sức nghiêm khắc”. “Muốn làm được vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp. Nhưng muốn cán bộ dưới quyền mình như vậy thì bản thân người lãnh đạo phải “ngay ngắn”, chứ lãnh đạo mà cũng “lèm nhèm” thì nói ai nghe”- ông Thanh nói.

Cho đến tận hôm nay người dân Đà Nẵng vẫn kể cho nhau nghe về chuyện ông ra góc phố ăn ốc luộc, khi phát hiện ra mức thuế quá cao về đã chỉ đạo điều chỉnh lại mức thuế. Rồi thì chuyện hai ba giờ sáng ông đột nhiên vào bệnh viện để xem tinh thần phục vụ của các y, bác sỹ đã tốt chưa… Tuy nhiên người Đà Nẵng bàn tán nhiều nhất vẫn là chuyện ông tiếp dân: “Ai tới ông cũng tiếp: tiếp tại cơ quan, tại nhà riêng. Chỗ nào người dân bức xúc là ông có mặt ngay. Có những vụ việc khiếu kiện của dân mà trước đây năm lần bảy lượt, hết cơ quan này tới cấp kia xem xét, nâng lên hạ xuống mãi mà vẫn không giải quyết được thành thử người dân cứ khiếu kiện kéo dài từ năm này qua năm khác. Khi ông lên làm Chủ tịch Thành phố, người dân kéo tới tìm ông, ông xuống tận nơi xem xét cụ thể, nghe người dân trình bày, thấy hợp lý, hợp tình ông quyết ngay tại chỗ. Rồi chuyện từ 2 năm trước đây ông đối thoại với hàng trăm người vừa ở trại cải tạo ra, cho họ vay vốn, tạo công ăn việc làm cho họ vẫn còn được người dân Đà Nẵng kể lại cho tới tận hôm nay…

Chia tay ông Thanh tôi cứ thấm thía cái “triết lý bóng đá” lý thú của ông: “Muốn có cơ hội thắng đối phương thì ra sân 11 cầu thủ phải đá hết mình”. Trong công cuộc xây dựng đất nước cũng vậy thôi: muốn phát triển thì mọi người đều phải hợp sức, đồng lòng.

  • Lê Thọ Bình

    (Đà Nẵng- Hà Nội

    Cuối năm 2003)

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)