Hiển thị các bài đăng có nhãn đầu tư. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn đầu tư. Hiển thị tất cả bài đăng

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh: Đà Nẵng sẵn sàng đầu tư cho Hoàng Quý Phước


Theo đề nghị của Hiệp hội Bơi lội Việt Nam (Tổng cục TDTT), năm 2012, “dị nhân sông Hàn” Hoàng Quý Phước sẽ sang Mỹ tập huấn để nhắm đến Olympic London 2012 và những mục tiêu xa hơn nữa.

 

Câu chuyện”dị nhân sông Hàn” phá kỷ lục trên đường đua xanh tại SEA Games 26 là đề tài râm ran trong dư luận tại thành phố Đà Nẵng trong buổi sáng 14-11.

images727202 HQPhuoc Đồng chí Nguyễn Bá Thanh: Đà Nẵng sẵn sàng đầu tư cho Hoàng Quý Phước

Kính ngư Hoàng Quý Phước. Ảnh: ĐNĐT

Là hiện tượng của bơi lội Việt Nam những năm gần đây và lần thứ hai tham dự SEA Games, kình ngư Đà Nẵng Hoàng Quý Phước được đặt hy vọng rất lớn.

 

Tuy nhiên, việc tay bơi mới 18 tuổi này phá kỷ lục SEA Games với thành tích 53,07 giây (kỷ lục cũ 53,82 giây) là điều nằm ngoài sức tưởng tượng của giới chuyên môn lẫn người hâm mộ. Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng Nguyễn Phúc Linh không giấu nỗi niềm tự hào khi cho biết, đây cũng là lần đầu tiên thành phố có một VĐV phá được kỷ lục SEA Games.

 

Ông Lê Nguyên Hồng, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước Đà Nẵng cho biết, từ trước lúc Hoàng Quý Phước đi dự SEA Games 26, khi Hiệp hội Thể thao dưới nước Đà Nẵng bảo vệ kế hoạch chuẩn bị tiến đến Đại hội TDTT toàn quốc tại Nam Định (vào năm 2015) thì Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã chỉ đạo, nếu Hoàng Quý Phước muốn đi Mỹ, Úc hay chỗ nào tốt nhất để tiếp tục nâng cao thành tích thì Đà Nẵng sẵn sàng đầu tư.

 

Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng Nguyễn Phúc Linh cũng khẳng định, do Hoàng Quý Phước là trường hợp đặc biệt nên Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo có sự đầu tư thích đáng. Theo đề nghị của Hiệp hội Bơi lội Việt Nam, năm 2012, Hoàng Quý Phước sẽ đi tập huấn tại Mỹ bằng nguồn kinh phí “hợp tác” giữa Tổng cục TDTT và UBND thành phố Đà Nẵng.

Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đã chính thức có tờ trình với lãnh đạo thành phố về vấn đề này. “Với thành tích mà Hoàng Quý Phước vừa đạt được, tôi tin chắc chắn là lãnh đạo thành phố Đà Nẵng sẽ ủng hộ. Mục tiêu của việc đưa Hoàng Quý Phước sang Mỹ tập huấn không chỉ nhắm đến Olympic London 2012 mà vì em còn rất trẻ nên phải có chiến lược đầu tư lâu dài”, ông Nguyễn Phúc Linh nhấn mạnh.

 

Trước mắt, Hoàng Quý Phước vẫn còn nhiều nội dung thi đấu tại SEA Games và ông Nguyễn Phúc Linh hy vọng kình ngư này sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tích vang dội cho thể thao nước nhà. Ngay trong sáng 14-11, ông Lê Nguyên Hồng cho biết, Hiệp hội Thể thao dưới nước Đà Nẵng đã quyết định thưởng nóng cho Hoàng Quý Phước 10 triệu đồng.

 

Việt Ân(THeo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Văn phòng đại diện Đà Nẵng tại Nhật Bản : nhịp cầu đầu tư vào Đà Nẵng


Liên tiếp trong nhiều năm qua, quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa Đà Nẵng – Nhật Bản diễn ra thường xuyên, bất chấp những khó khăn sau thảm họa động đất và sóng thần. Có được điều này là từ sự đóng góp của Văn phòng đại diện thành phố Đà Nẵng tại Nhật Bản (VPĐD) và đây là nhịp cầu đầu tư từ Nhật vào thành phố.

Nhật ký nhịp cầu đầu tư

Ngày 13-5, Đoàn Hiệp hội NPO Hữu nghị Nhật-Việt vùng Kansai do ông Nishimura Teiichi – Chủ tịch Hiệp hội kiêm Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Osaka và là Tổng Giám đốc Công ty Sakura Lepas làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Đà Nẵng. Ông Nishimura cho biết mục đích chuyến thăm của đoàn là góp phần vun đắp tình hữu nghị đã được xây dựng và phát triển trong nhiều năm qua và tăng cường quan hệ hợp tác trên lĩnh vực kinh tế giữa 2 nước Việt Nam – Nhật Bản, giữa Đà Nẵng với vùng Kansai nói riêng. Cũng theo ông Nishimura, trong thành phần đoàn có sự tham gia của đại diện các tập đoàn lớn đến từ vùng Kansai, điều này thể hiện phía Kansai rất quan tâm đến tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư tại Đà Nẵng. Ông đặc biệt nhấn mạnh cộng đồng các DN Nhật Bản hết sức mong muốn đường bay trực tiếp Osaka – Đà Nẵng nhanh chóng được thiết lập, qua đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại từ vùng Kansai – Nhật Bản đến Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai bên.

Khách du lịch Nhật Bản tìm hiểu Đà Nẵng qua vietnamairline tại Osaka.

Khách du lịch Nhật Bản tìm hiểu Đà Nẵng qua vietnamairline tại Osaka.

Ngày 17-5, ông Takahashi, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tokai Kogyo đã dẫn đầu đoàn công tác đến Đà Nẵng để xúc tiến đầu tư sản xuất vào Đà Nẵng với tổng vốn 20 triệu USD. Ông Takahashi cho biết, tập đoàn Tokai Kogyo chuyên sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng cơ khí để cung cấp cho các hãng sản xuất ô-tô như Toyota, Nissan, BMW. Hiện tập đoàn có nhà máy sản xuất tại Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Việc đầu tư vào Đà Nẵng là địa điểm chiến lược trong phát triển của Tokai Kogyo bất chấp những khó khăn về kinh tế.

Và mới đây, ngày 24-6, Đoàn cán bộ Hội Nông nghiệp thành phố Yaizu (Nhật Bản) gồm 18 thành viên, do ông Uchida Masayuki, Chủ tịch Hội Nông nghiệp thành phố làm trưởng đoàn, đã đến Đà Nẵng. Mục đích của đoàn là tìm hiểu về tình hình phát triển nông, ngư nghiệp của thành phố với kỳ vọng về hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp giữa 2 thành phố.

Được biết, hiện nay có hơn 60 dự án FDI của các DN Nhật Bản đầu tư tại Đà Nẵng với tổng vốn hơn 300 triệu USD. Đà Nẵng cũng đã tiếp nhận hơn 300 triệu USD vốn ODA hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, trong đó nhiều dự án lớn như Hầm đường bộ Hải Vân, nâng cấp Cảng Tiên Sa, đê chắn sóng biển… đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Những hoạt động tại Nhật Bản

VPĐD thành phố Đà Nẵng đang vận động dự án ODA về xử lý nước thải tại các khu công nghiệp với số vốn đầu tư dự kiến 100 triệu USD. Trong đó, trước mắt tập trung dự án ODA xử lý nước thải Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với số vốn 14,9 triệu USD, vận động xây dựng Nhà đại đoàn kết hỗ trợ dân nghèo, vận động dự án phi chính phủ (NGO) từ Nhật Bản.

Năm 2010, VPĐD đã tổ chức 5 đoàn tham gia các hoạt động xúc tiến, giới thiệu quảng bá Đà Nẵng thông qua các Hội chợ, Tuần lễ văn hóa tại Nhật Bản và 3 đoàn đại diện thành phố công tác tại Nhật Bản; đón tiếp và hướng dẫn 54 đoàn khách Nhật Bản với tổng số 252 lượt người, hỗ trợ 9 DN Nhật Bản thành lập công ty tại Đà Nẵng với số vốn đăng ký 15.823.689 USD. Ngoài ra, VPĐD còn tham gia tổ chức các hoạt động giao lưu với nước ngoài về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao; ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế với các địa phương Nhật Bản như Biên bản ghi nhớ về hợp tác giao lưu với thành phố Sakai; tăng cường hợp tác với Kawasaki; triển khai hợp tác với Nagasaki; hợp tác với thành phố Mitsuke, thành phố Kobe; Chương trình Citynet và hiện ký kết thỏa thuận giữa UBND thành phố Đà Nẵng và Tổ chức JICA… “VPĐD cũng đã tham dự và phối hợp thực hiện 4 chương trình quảng bá du lịch; tổ chức đón tiếp 4 đoàn Famtrip gồm các công ty lữ hành nổi tiếng như JTB, NTA, KNT, Nokyokanko… sang khảo sát tuyến điểm, cơ sở vật chất tại Đà Nẵng.

Đã đón tiếp 2 đoàn Presstrip cho 10 phóng viên Nhật sang viết bài giới thiệu về du lịch Đà Nẵng và miền Trung; triển khai biên tập và xuất bản 10.000 bản đồ giới thiệu du lịch và Khu công nghiệp bỏ túi bằng tiếng Nhật phát miễn phí cho du khách và các DN Nhật; tổ chức giảng dạy lớp hướng dẫn viên du lịch tiếng Nhật cho 82 học viên để chuẩn bị nhân lực cho đường bay trực tiếp Nhật Bản – Đà Nẵng”, ông Mai Đăng Hiếu, Phó trưởng VPĐD thành phố Đà Nẵng tại Nhật Bản, cho hay.

Với mục đích cung cấp đầy đủ thông tin về môi trường đầu tư – du lịch của Đà Nẵng, VPĐD đã biên tập và phát hành 15.000 cuốn tập gấp bằng tiếng Nhật và tiếng Việt. Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội DN Nhật Bản tại Đà Nẵng và Tổ chức JETRO tiếp tục đưa Đà Nẵng vào danh sách 30 thành phố tại châu Á được chú ý nhất của các DN Nhật năm 2010.

PV


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu SCIC đầu tư những ngành then chốt của nền kinh tế


Chiều 31/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng làm việc với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chú trọng vào đầu tư hạ tầng và các ngành nghề sinh lợi, đặc biệt là những ngành nắm giữ vị trí then chốt của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu SCIC tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá.

Báo cáo về các hoạt động của SCIC, Tổng Giám đốc Lại Văn Đạo cho biết, từ khi chính thức hoạt động (1/8/2006), tính đến nay SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 933 doanh nghiệp (DN), giá trị vốn nhà nước là 7.540 tỷ đồng.

Sau khi bán vốn nhà nước tại các DN, đồng thời thành lập, góp vốn tại một số DN, hiện nay SCIC đang quản lý danh mục đầu tư gồm 469 DN, giá trị phần vốn nhà nước là 12.600 tỷ đồng, giá trị thị trường ước đạt 33.000 tỷ đồng.

Một trong những nhiệm vụ chính SCIC đang thực hiện là tái cơ cấu, bán vốn nhà nước tại các DN. Tổng số DN đã thực hiện bán vốn thành công là 499 (trong đó bán hết 455 DNp, bán bớt 44 DN), thu về cho Nhà nước 2.585 tỷ đồng.

Theo tính toán, tổng số tiền bán vốn đã thu về và dự kiến thu về đến năm 2012 khoảng 7.800 tỷ đồng. SCIC sẽ sử dụng số tiền này đầu tư vào các dự án trong các ngành, lĩnh vực then chốt, các sự án lớn, quan trọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đầu tư linh hoạt để tăng trưởng nguồn vốn Nhà nước.

SCIC cần chú trọng đầu tư vào các ngành then chốt

Trọng tâm ưu tiên đầu tư của SCIC thời gian tới hướng tới hỗ trợ sự phát triển của hạ tầng kinh tế gồm các dự án hạ tầng cơ sở giao thông đường bộ, đường biển, cảng biển, hàng không, các dự án năng lượng; đồng thời, tập trung vào mục tiêu tăng trưởng vốn khác gồm những lĩnh vực có tiềm năng phát triển cao và ổn định, đảm bảo việc tạo ra giá trị gia tăng cho vốn Nhà nước. Một số lĩnh vực trọng tâm như cơ khí, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp nông thôn, điện tử tin học, môi trường, bệnh viện, hợp tác đầu tư với nước ngoài…

Đánh giá về các hoạt động của SCIC, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, SCIC đã tiếp quản một số lượng doanh nghiệp khá lớn và làm tốt việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, đem lại cho nguồn lợi cho ngân sách nhà nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các DN Nhà nước cần tiến tới đổi mới hoạt động theo hướng đầu tư vào các ngành trọng yếu, hình thành các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đa sở hữu nhưng có vốn nhà nước chi phối. Đây là con đường các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần hướng đến.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh những việc SCIC cần làm trong thới gian sắp tới là tiếp tục nhận DN về, hạn chế bán bớt DN, xúc tiến việc thực hiện bán hết, tiến tới việc đưa các DN lên thị trường chứng khoán đấu giá 100%. Phó Thủ tướng yêu cầu SCIC tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá, chú trọng vào đầu tư hạ tầng và các ngành nghề sinh lợi, đặc biệt là những ngành nắm giữ vị trí then chốt.

Thu Cúc

http://nguyensinhhung.com


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Đà Nẵng: Đầu tư 1.062 tỷ đồng xây cầu, đường Nguyễn Tri Phương nối dài


Ngày 14-5, UBND thành phố Đà Nẵng khởi công dự án cầu và đường Nguyễn Tri Phương nối dài, bắt đầu từ nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) qua hai cầu bắc qua sông đến đường Trần Đại Nghĩa (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.

Phối cảnh cầu Nguyễn Tri Phương

Công trình có tổng chiều dài toàn tuyến 6,83km, gồm 6 làn xe với tổng vốn đầu tư 1.062 tỷ đồng. Trong đó, cầu Nguyễn Tri Phương dài hơn 800m vượt sông Cẩm Lệ và cầu Khuê Đông dài gần 427m vượt sông Cái.

Đây là hợp phần thuộc dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng có tổng mức đầu tư hơn 218 triệu USD, trong đó vay của Ngân hàng Thế giới hơn 152 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam, triển khai từ năm 2008-2013.

Dự án cầu và đường Nguyễn Tri Phương nối dài do CDM International.Inc (Mỹ)  tư vấn thiết kế, The Louis Berger Group.Inc (Mỹ) tư vấn giám sát, thi công trong vòng 24 tháng.

ĐNĐ


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Đà Nẵng: Cấp thêm giấy chứng nhận hai dự án đầu tư FDI


FDI

Theo thông tin từ Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, UBND thành phố vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho hai dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 560.000 USD.

Đó là dự án may mặc Gsafe (Việt Nam) của Công ty G Hardware (Singapore) chuyên sản xuất quần áo bảo hộ lao động và găng tay bảo hộ lao động công nghiệp để xuất khẩu và dự án thiết kế bảng mạch in UNITEC của Công ty cổ phần Điện tử UNITEC (Nhật Bản) cung cấp dịch vụ thiết kế bảng mạch in.

Được biết, trong ba tháng đầu năm 2011, có 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký gần 237 triệu USD; 7 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 185,6 triệu USD; nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn Đà Nẵng đến nay lên 196 dự án với tổng vốn đầu tư đạt trên 3,2 tỷ USD.

ĐNĐT


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Vì sao nên đầu tư vào Đà Nẵng?


I. VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC

Thành phố Đà Nẵng ở trung độ của đất nước, cách Hà Nội 759km và thành phố Hồ Chí Minh 960km, nằm trên trục giao thông Bắc – Nam về đường bộ (Quốc lộ 1A), đường sắt, đường biển và đường hàng không; phía bắc giáp Thừa Thiên-Huế, phía nam và phía tây giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp biển Đông. Thành phố nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm là 25,70C, có diện tích tự nhiên 1.256 km2, dân số năm 2008 là 822.300 người, gồm 6 quận và 2 huyện.

I.1. Đà Nẵng – thành phố động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Ngày 13 tháng 8 năm 2004, Thủ tuớng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm năm tỉnh và thành phố: Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định nhằm  phát huy tiềm năng, vị trí địa lý và các lợi thế so sánh của vùng, từng bước phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thành một trong những vùng phát triển năng động của cả nước. Trong đó, Đà Nẵng được xác định là thành phố đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Trong những năm gần đây, Chính phủ đang tập trung nguồn lực đầu tư cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nhiều dự án lớn về kết cấu hạ tầng đã và đang được triển khai như  xây dựng đường hầm xuyên đèo Hải Vân – một trong mười công trình đường hầm lớn nhất Đông Nam Á nối Huế với Đà Nẵng; đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam); Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) gắn với phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu; Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định); nâng cấp và mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng…



Bản đồ vùng Kinh tế Trọng điểm miền Trung

I.2. Đà Nẵng – Cửa ngõ phía đông của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây

Hành lang kinh tế Đông Tây là một trong năm hành lang kinh tế được phát triển theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển Châu Á ở khu vực tiểu vùng sông Mê Kông. Đây là tuyến giao thông dài 1450km đi qua bốn nước, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine đến cửa khẩu Myawaddy (Myanma), đi qua bảy tỉnh của Thái Lan tới Lào và cuối cùng đến Việt Nam (chạy từ cửa khẩu Lao Bảo qua các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế tới cảng Đà Nẵng

Hiện nay, hệ thống đường bộ trên lãnh thổ Lào, Thái Lan và tuyến đường bộ từ Đà Nẵng đến Savanakhet đã hoàn tất. Chiếc cầu quốc tế thứ hai bắc qua sông Mê Kông được hoàn thành vào cuối năm 2006 tạo thụân lợi cho việc lưu thông hàng hoá và hành khách bằng đường bộ từ Đà Nẵng đến các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và ngược lại. Hành lang Kinh tế Đông Tây không chỉ đem lại cơ hội cho các quốc gia trên tuyến đường đẩy mạnh hợp tác khu vực và nâng cao mức sống cho nhân dân mà còn tạo khả năng cho các doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn các vùng nguyên liệu, thị trường dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động…nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư và buôn bán qua biên giới, đa dạng hóa hoạt động kinh tế và xuất khẩu, thúc đẩy phát triển du lịch.

Cảng Đà Nẵng được xác định là một trong những trọng điểm của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây và là cửa ngõ ra Thái Bình Dương, cảng xuất nhập khẩu hàng hóa của cả vùng nội địa giàu tiềm năng chưa được khai thác ở  Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan, Myanma và miền Trung Việt Nam. Khi việc tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực ASEAN được thực hiện thì vị trí của thành phố cảng sẽ là một lợi thế quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho Đà Nẵng mở rộng giao lưu kinh tế với các nước, tạo lực để thành phố trở thành trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

I.3. Đà Nẵng – Cửa vào của các di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới

Đà Nẵng nằm ở trung tâm của “Con đường di sản thế giới” dài 1500km, trải dọc bờ biển miền Trung từ thành phố Vinh đến Đà Lạt. Từ Đà Nẵng, theo Quốc lộ 1A, du khách có thể tiếp cận một cách nhanh chóng và thuận lợi bốn trong số năm di sản thế giới ở Việt Nam – một tài sản vô giá được thiên nhiên ưu đãi và do tiền nhân để lại trên dải đất miền Trung, gồm Phong Nha – Kẻ Bàng, cố đô Huế, Hội An và Mỹ Sơn.

Cách Đà Nẵng khoảng 100km về phía bắc, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cung điện, lăng tẩm và những phong cảnh hữu tình của cố đô Huế, kinh đô cuối cùng triều đại quân chủ Việt Nam. Bên cạnh din văn hoá vật thể, Nhã nhạc Cung đình Huế – loại nhạc được sử dụng trong các nghi lễ, yến tiệc của triều đình – được UNESCO ghi tên vào danh mục các kiệt tác di sản phi vật thể của nhân loại. Xa hơn nữa, khoảng 300km về phía bắc từ Đà Nẵng là vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Động Phong Nha có chiều dài 13.000m gồm 14 hang có chiều cao từ 10-40m với cảnh trí tự nhiên huyền ảo do các nhũ đá tạo thành. Trong vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng còn có cả một khu rừng nguyên sinh với nhiều động thực vật quý hiếm như vượn bạc má, cá chép tím, rùa vàng và có cây chò hàng ngàn năm tuổi. Phong Nha-Kẻ Bàng nằm trong danh sách bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Cách Đà Nẵng hơn 30km về phía đông nam là đô thị cổ Hội An, nơi đây từ thế kỷ XVI đã là một thương cảng sầm uất, là nơi giao thoa của các nền văn hoá phương Tây, Nhật Bản, Trung Quốc…với hơn 1.000 di tích văn hoá lịch sử đang được lưu giữ. Từ Đà Nẵng đi về phía tây nam khoảng 70 km, du khách sẽ đến thăm thánh địa Mỹ Sơn với di tích của hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch, đá sa thạch phản ánh các phong cách kiến trúc đa dạng và nền văn hoá Champa được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 13.

Với lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch phong phú, đa dạng, Đà Nẵng thực sự là một điểm dừng chân lý tưởng cho du khách cũng như các nhà đầu tư ở miền Trung Việt Nam.

II. CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ DỊCH VỤ ĐẦU TƯ KHÁ HOÀN THIỆN

Thành phố Đà Nẵng là một đầu mối giao thông quan trọng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước với hệ thống sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, các tuyến đường bộ, đường sắt Bắc Nam đã phát triển hoàn chỉnh và thuận lợi

Cảng Đà Nẵng là cảng thương mại lớn thứ ba ở Việt Nam sau cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng. Với độ sâu cầu cảng 11m, hệ thống kho bãi và trang thiết bị đồng bộ vừa được nâng cấp bằng nguồn vốn của Chính phủ Nhật Bản, cảng Đà Nẵng có thể tiếp nhận các loại tàu hàng có trọng tải 45.000 DWT và các tàu chuyên dùng khác như tàu container, tàu khách, tàu hàng siêu trường siêu trọng. Năng lực bốc dỡ hàng hoá 4 triệu tấn/năm. Từ cảng Đà Nẵng hiện có các tuyến tàu biển quốc tế đi Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng là một trong ba sân bay tốt nhất của Việt Nam. Ngoài các chuyến bay nội địa, hàng tuần còn có các chuyến bay quốc tế trực tiếp từ Đà Nẵng đi Singapore, Bangkok, Đài Bắc. Trong tương lai không xa sẽ mở thêm các tuyến bay đi Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện đang được nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách và hàng hóa ngày càng tăng.

Hệ thống đường giao thông trong và ngoài thành phố không ngừng được mở rộng và xây mới. Nhiều công trình lớn đã đưa vào sử dụng hoặc đang trong giai đoạn hoàn thiện như đường Nguyễn Tất Thành, đường Điện Biên Phủ, đường Ngô Quyền, đường Bạch Đằng, đường Sơn Trà – Điện Ngọc, hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, cầu Sông Hàn, cầu Tuyên Sơn, cầu Thuận Phước…không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông và phát triển du lịch mà còn tạo cảnh quan, làm thay đổi cơ bản diện mạo của một đô thị thuộc loại sầm uất nhất ở miền Trung Việt Nam.

Hệ thống bưu chính viễn thông: Đà Nẵng là một trong ba trung tâm bưu chính viễn thông lớn của đất nước, có trạm cáp quang biển quốc tế SE-ME-WE 3, đường truyền quốc tế tốc độ 355Mbps với chất lượng tốt hàng đầu các nước Đông Nam Á. Bưu điện Đà Nẵng hiện đang cung cấp các dịch vụ viễn thông đa dạng và hiện đại, đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu của khách hàng.

Hệ thống cấp điện, cấp nước: Nguồn điện dùng cho sinh hoạt và sản xuất của thành phố Đà Nẵng được đảm bảo cung cấp từ lưới điện quốc gia thông qua đường dây 500 KV Bắc – Nam. Nhà máy cấp nước Đà Nẵng hiện có công suất hơn 80.000m3/ngày đêm. Thành phố đang đầu tư xây dựng một nhà máy mới với công suất 120.000m3/ngày đêm nhằm nâng tổng công suất cấp nước lên 210.000m3/ngày đêm trong thời gian đến.  Được sự  hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, mạng lưới cung cấp điện, nước của thành phố đã được đầu tư hoàn chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.

Các dịch vụ hỗ trợ đầu tư khác (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…): Hầu hết các ngân hàng và các công ty tài chính lớn của Việt Nam đều có chi nhánh tại Đà Nẵng. Một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài và công ty bảo hiểm quốc tế cũng đang hoạt động có hiệu quả tại thành phố. Các dịch vụ này ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Hiện nay tại Đà Nẵng có khoảng 47 chi nhánh ngân hàng cấp I, 09 công ty bảo hiểm và 04 công ty kiểm toán đang hoạt động.

III. NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN NĂNG ĐỘNG

Đà Nẵng được xác định là một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học và công nghệ của miền Trung và cả nước với mức tăng trưởng kinh tế liên tục và khá ổn định gắn liền với các mặt tiến bộ trong đời sống xã hội, cơ sở hạ tầng phát triển, đô thị được chỉnh trang, vv…Tốc độ tăng GDP bình quân trong giai đoạn 2001-2006 đạt 12.47%, năm 2008 tăng 11,04%. Cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch theo hướng tích cực: ngành công nghiệp-xây dựng chiếm tỉ trọng 47,59%; ngành dịch vụ 49,4%; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 3,01%.

Hiện nay có hơn 10.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động tại thành phố. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2008 tăng 17,6% so với năm 2007. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu là thủy sản, săm lốp cao su, dệt may, giày, cơ khí, vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ… Công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghiệp phần mềm, hiện đang được thành phố tập trung phát triển trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực có hiệu quả kinh tế cao và đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng GDP của thành phố. Ngoài ra, ở Đà Nẵng hiện có bốn làng nghề truyền thống gồm: làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, nước mắm Nam Ô, đan lát Yến Nê và dệt chiếu Cẩm Nê.

Hoạt động thương mại – xuất nhập khẩu của thành phố trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu không ngừng tăng lên qua các năm với tỉ lệ tăng trưởng bình quân 10,37%/năm (giai đoạn 1997-2006). Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ năm 2008 đạt 905,11 triệu USD, tăng 19,6% so với năm 2007. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của thành phố gồm dệt may, thuỷ hải sản, dăm gỗ, đồ chơi trẻ em, hàng thủ công mỹ nghệ…Với phương châm chủ động mở rộng thị trường theo hướng đa phương hoá quan hệ kinh tế, tích cực thâm nhập các thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới, đến nay các sản phẩm của Đà Nẵng đã có mặt ở hơn chín mươi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài ra, quan hệ thương mại giữa Đà Nẵng với các nước nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây như Lào, Thái Lan…hiện cũng đang được chú trọng phát triển.



IV. TIỀM NĂNG DU LỊCH PHONG PHÚ

Nằm trên “Con đường Di sản thế giới”, gần kề với bốn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, gắn liền với “Đường Trường Sơn huyền thoại”, thành phố Đà Nẵng được du khách biết đến như là một trong những điểm nhấn của du lịch miền Trung.

Thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố gần 70km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, quanh năm chan hòa ánh nắng như biển Nam Ô, Xuân Thiều, Thanh Bình, Bắc Mỹ An, Non nước… Chính vì lẽ đó biển Đà Nẵng đã được tạp chí uy tín Forbes của Mỹ bình chọn là một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.

Một trong những điểm du lịch của thành phố hiện đang hấp dẫn du khách là bán đảo Sơn Trà. Đây không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên mà còn là khu du lịch sinh thái có thể phát triển các loại hình du lịch biển, du lịch thể thao hấp dẫn như leo núi, lặn biển, tắm suối, câu cá…

Nói đến Đà Nẵng không thể không nói đến Ngũ Hành Sơn – một trong những biểu tượng của thành phố với một quần thể hang động kỳ ảo và những ngôi chùa cổ kính. Ngay dưới chân núi là ngôi làng điêu khắc đá với hàng trăm nghệ nhân nổi tiếng tài hoa.

Đà Nẵng còn nổi tiếng bởi Khu Du lịch Bà Nà – “Đà Lạt của miền Trung”. Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh vật nên thơ và nhiều khu rừng có hệ động thực vật đa dạng, phong phú.

Bên cạnh đó, đến Đà Nẵng du khách còn có dịp đến với một vùng đất lưu giữ nhiều di tích lịch sử như Bảo tàng Chăm – bảo tàng duy nhất ở Đông Nam Á lưu giữ di sản văn hóa Chămpa độc đáo với hơn 400 tác phẩm điêu khắc nguyên bản được sáng tạo trong giai đoạn từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ XIII và các chứng tích mang đậm truyền thống anh hùng của nhân dân thành phố trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc như Bảo tàng Đà Nẵng..

Song có thể nói, tạo nên phần hồn cho thành phố Đà Nẵng chính là những sinh hoạt lễ hội dân gian truyền thống như lễ hội Quán Thế Âm, lễ hội Cầu Ngư, hát bài chòi, hò chèo thuyền, hò khoan, đua thuyền… phản ánh đời sống tinh thần phong phú và mang đậm bản sắc dân tộc của người dân nơi đây. Đặc biệt, Hát Tuồng là một loại hình nghệ thuật độc đáo ở Đà Nẵng có sự kết hợp hài hòa giữa sân khấu, âm nhạc, vũ đạo đến mức thành thục cổ điển.

Với những lợi thế về vị trí và tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng cũng như cơ sở hạ tầng du lịch khá đồng bộ, Đà Nẵng được xác định là một mắt xích quan trọng trong vùng du lịch trọng điểm của Việt Nam. Lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Đà Nẵng ngày càng tăng, trung bình khoảng 10,87%/năm (2001-2005), trong đó lượng khách quốc tế tăng bình quân 19,05%/năm, năm 2008 tăng 24%. Doanh thu chuyên ngành du lịch tăng bình quân 7,98%/năm (2001-2005) năm 2008 tăng 36%. Hệ thống cơ sở lưu trú không ngừng được xây dựng mới hoặc nâng cấp, mở rộng với chất lượng ngày càng cao; các dịch vụ du lịch ngày càng được cải thiện đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

Trong những năm gần đây, để tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, thành phố đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch dọc tuyến đường ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc (đặc biệt từ khu nghỉ dưỡng Furama đến Ngũ Hành Sơn – khu vực có cảnh quan thiên nhiên và môi trường ven biển được đánh giá là tốt nhất tại Việt Nam). Nơi đây sẽ hình thành một tổ hợp du lịch, dịch vụ ven biển tầm cỡ châu lục và thế giới. Các dự án lớn đã được cấp phép và được quản lý bởi các tên tuổi như Hyatt, Raffle…quản lý  các khách sạn, khu du lịch, nghỉ mát đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao, tạo bước đột phá trong phát triển du lịch Đà Nẵng.



V. NGUỒN NHÂN LỰC DỒI DÀO VÀ ĐƯỢC ĐÀO TẠO

Đà Nẵng có nguồn nhân lực dồi dào (nguồn lao động chiếm hơn 50% dân số thành phố), chủ yếu là trẻ, khỏe. Số lao động có chuyên môn kỹ thuật đã qua đào tạo chiếm gần một phần tư lực lượng lao động. Chi phí lao động ở Đà Nẵng thấp hơn so với một số thành phố khác trong nước.

Đà Nẵng là một trong những tỉnh thành trong cả nước có các chỉ số phát triển giáo dục cao với hệ thống giáo dục khá hoàn chỉnh, tạo nền tảng thuận lợi và vững chắc cho việc phát triển nguồn nhân lực của thành phố nhằm thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng cuộc sống. Thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở và đang tiến tới thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục phổ thông trung học. Thành phố có 14 trường đại học, cao đẳng và 15 trường trung học chuyên nghiệp với gần 140.000 sinh viên. Hệ thống các trường này thực hiện chuyên ngành đào tạo trên hầu hết các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin, kinh tế, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ và sư phạm… Đại học Đà Nẵng còn hợp tác với trường đại học của các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada, New Zealand… trong việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cũng như đưa sinh viên sang học tập tại các nước này.

Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng hiện là một trong những đơn vị sản xuất phần mềm hàng đầu tại Việt Nam và là trung tâm đào tạo công nghệ thông tin hàng đầu của khu vực miền Trung. Trong những năm qua, Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng đã hợp tác chặt chẽ với các công ty của Ấn Độ (Aptech) và Nhật Bản (AOTS) để đào tạo lập trình viên, kỹ thuật viên và kỹ sư công nghệ thông tin đạt trình độ quốc tế.

Ngoài ra thành phố còn có khoảng 55 trung tâm dạy nghề thường xuyên cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn về tin học, may công nghiệp, cơ khí, điện – điện tử, kỹ thuật xây dựng, vv…

Hàng năm các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tại Đà Nẵng đã đào tạo hàng ngàn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, trình độ tay nghề đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực không chỉ cho thành phố mà còn cho cả khu vực miền Trung. Đây cũng là một lợi thế cạnh tranh của thành phố trong thu hút đầu tư nước ngoài.



VI. CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

Cùng với tiến trình đô thị hóa, sự tăng trưởng kinh tế trong những năm qua đã giúp cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân Đà Nẵng không ngừng được cải thiện.

Mạng lưới giao thông, các dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng đô thị đã và đang được xây dựng, chỉnh trang giúp cho điều kiện sống ở thành phố trở nên thuận lợi hơn. Những khu dân cư được quy hoạch, những đường phố mới, công viên, bãi tập thể dục, siêu thị, trung tâm thương mại, nơi dạo chơi hóng mát của người dân,…đã làm thay đổi cơ bản diện mạo của thành phố. Các giá trị văn hóa, các loại hình nghệ thuật truyền thống thường xuyên được gìn giữ và phát huy. Nhiều thiết chế văn hoá, cơ sở giáo dục – đào tạo, y tế và các dịch vụ vui chơi giải trí như trung tâm hội nghị – triển lãm, nhà biểu diễn đa năng, trường học, bệnh viện, sân gôn…đạt chuẩn quốc tế đang được đầu tư xây dựng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân đồng thời đáp ứng nhu cầu của những nguời nước ngoài đang và sẽ đến đầu tư, làm việc và đi du lịch tại thành phố. Ngoài ra, giá cả sinh hoạt tại Đà Nẵng hiện chỉ ở mức trung bình so với cả nước.

Đà Nẵng là một trong những thành phố sạch, đẹp và an toàn nhất cả nước. Diện tích vườn hoa, thảm cỏ ở khu vực nội thị ngày càng tăng, hàng ngàn cây xanh được trồng mới. Rác thải được thu gom, xử lý tốt. Nhiều phong trào như “Vì một thành phố xanh, sạch, đẹp”, “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, “Phòng chống tệ nạn xã hội”, các chương trình “Thành phố năm không”, “Thành phố ba có”,vv…đã và đang được thực hiện, thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân.

Khác với những thành phố lớn ở Việt Nam, bên cạnh sự sôi động, tấp nập của một đô thị đang trên đà phát triển, cuộc sống ở Đà Nẵng luôn đem lại cảm giác thanh bình, dễ chịu và gần gũi với thiên nhiên. Đà Nẵng là một trong số rất ít những tỉnh/thành ở Việt Nam có sự kết hợp hài hòa giữa núi cao, rừng thẳm, biển dài, sông sâu. Sau giờ làm việc bạn có thể dễ dàng tìm được không gian để thư giãn bên bờ sông Hàn lộng gió hoặc trên những bãi biển tuyệt đẹp. Nếu quỹ thời gian rộng rãi hơn, bạn còn có dịp thưởng ngoạn và khám phá sự kỳ vĩ, bí ẩn và nên thơ của đèo Hải Vân, khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, khu du lịch Bà Nà – Suối Mơ…Đặc biệt, người dân Đà Nẵng chân chất, mộc mạc, giản dị trong lời ăn tiếng nói nhưng dám nghĩ dám làm, lao động cần cù, ham học hỏi và rất mến khách luôn để lại ấn tượng sâu sắc cho những ai đã từng đến Đà Nẵng. Họ đang từng ngày, từng giờ nỗ lực lao động, học tập để có thể cống hiến tài năng, trí tuệ và sức lực của mình cho sự nghịêp xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu, đẹp và hiện đại.

Đà Nẵng hôm nay là một thành phố có môi trường văn hoá lành mạnh, có nếp sống văn minh đô thị, trình độ dân trí được nâng cao, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Có thể nói, Đà Nẵng là một nơi thú vị để sống, làm việc, đầu tư và đi du lịch ở Việt Nam.

VII. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI

*. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính – viễn thông và tài chính – ngân hàng; một trong những trung tâm văn hoá – thể thao, giáo dục – đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung;

1. Một số chỉ tiêu chủ yếu thời kỳ 2006- 2010

- Tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2006-2010:  11-12%.

- GDP bình quân đầu người đạt 2.000 USD.

- Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hằng năm 23-25%

- Cơ cấu kinh tế đến năm 2010: Dịch vụ 49,1%, Công nghiệp 47,5%, Nông nghiệp 3,4%

- Giảm tỷ suất sinh bình quân hằng năm 0,03%

- Giải quyết việc làm cho 3,28 vạn lao động mỗi năm.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu thời kỳ 2010-2020

- Tăng trưởng kinh tế (GDP) với tốc độ 12%-13%/năm

- GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 4.500 USD-5000USD

- Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm 23-25%

- Tỷ trọng GDP ngành dịch vụ đến năm 2020 sẽ chiểm 55,7%, công nghiệp 42,7%, nông nghiệp 1,6%

- Duy trì nhịp độ tăng dân số tự nhiên ở mức 1%

- Tạo việc làm mới khoảng 3,2-3,5 vạn người/năm


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)