Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhật Bản. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhật Bản. Hiển thị tất cả bài đăng

Đội tầu Lực lượng Tự vệ biển Nhật Bản thăm hữu nghị Đà Nẵng


Được phép của Chính phủ Việt Nam, sáng 17-9, đội tầu Lực lượng Tự vệ biển Nhật Bản đã cập cảng Tiên Sa, chính thức thăm hữu nghị thành phố Đà Nẵng.

Đội tầu gồm 2 chiếc tàu phá mìn là: Uraga và Tsushima, gồm 174 sỹ quan và thủy thủ. Đón đoàn có Đại diện UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ CHQS, Bộ CHBĐ Biên phòng và Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng.

Đội tầu Lực lượng Tự vệ biển Nhật Bản cập cảng Tiên Sa Đà Nẵng.

Đội tầu Lực lượng Tự vệ biển Nhật Bản cập cảng Tiên Sa Đà Nẵng.

Thủy thủ đoàn sẽ ở thăm thành phố Đà Nẵng trong 3 ngày từ 17 đến 19-9, với các hoạt động: chào xã giao UBND thành phố Đà Nẵng; chào xã giao Bộ Tư lệnh Quân khu 5, chào xã giao Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đón thủy thủ đoàn tại cầu cảng Tiên Sa

Đón thủy thủ đoàn tại cầu cảng Tiên Sa

Ngoài ra, thủy thủ đoàn còn được tham quan 2 tầu của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân và giao lưu giữa cán bộ, chiến sĩ Hải quân Vùng 3; thăm một số danh lam thắng cảnh ở Thành phố Đà Nẵng.

Tin ảnh: Đặng Trung Hội (Theo QDND)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Văn phòng đại diện Đà Nẵng tại Nhật Bản : nhịp cầu đầu tư vào Đà Nẵng


Liên tiếp trong nhiều năm qua, quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa Đà Nẵng – Nhật Bản diễn ra thường xuyên, bất chấp những khó khăn sau thảm họa động đất và sóng thần. Có được điều này là từ sự đóng góp của Văn phòng đại diện thành phố Đà Nẵng tại Nhật Bản (VPĐD) và đây là nhịp cầu đầu tư từ Nhật vào thành phố.

Nhật ký nhịp cầu đầu tư

Ngày 13-5, Đoàn Hiệp hội NPO Hữu nghị Nhật-Việt vùng Kansai do ông Nishimura Teiichi – Chủ tịch Hiệp hội kiêm Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Osaka và là Tổng Giám đốc Công ty Sakura Lepas làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Đà Nẵng. Ông Nishimura cho biết mục đích chuyến thăm của đoàn là góp phần vun đắp tình hữu nghị đã được xây dựng và phát triển trong nhiều năm qua và tăng cường quan hệ hợp tác trên lĩnh vực kinh tế giữa 2 nước Việt Nam – Nhật Bản, giữa Đà Nẵng với vùng Kansai nói riêng. Cũng theo ông Nishimura, trong thành phần đoàn có sự tham gia của đại diện các tập đoàn lớn đến từ vùng Kansai, điều này thể hiện phía Kansai rất quan tâm đến tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư tại Đà Nẵng. Ông đặc biệt nhấn mạnh cộng đồng các DN Nhật Bản hết sức mong muốn đường bay trực tiếp Osaka – Đà Nẵng nhanh chóng được thiết lập, qua đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại từ vùng Kansai – Nhật Bản đến Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai bên.

Khách du lịch Nhật Bản tìm hiểu Đà Nẵng qua vietnamairline tại Osaka.

Khách du lịch Nhật Bản tìm hiểu Đà Nẵng qua vietnamairline tại Osaka.

Ngày 17-5, ông Takahashi, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tokai Kogyo đã dẫn đầu đoàn công tác đến Đà Nẵng để xúc tiến đầu tư sản xuất vào Đà Nẵng với tổng vốn 20 triệu USD. Ông Takahashi cho biết, tập đoàn Tokai Kogyo chuyên sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng cơ khí để cung cấp cho các hãng sản xuất ô-tô như Toyota, Nissan, BMW. Hiện tập đoàn có nhà máy sản xuất tại Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Việc đầu tư vào Đà Nẵng là địa điểm chiến lược trong phát triển của Tokai Kogyo bất chấp những khó khăn về kinh tế.

Và mới đây, ngày 24-6, Đoàn cán bộ Hội Nông nghiệp thành phố Yaizu (Nhật Bản) gồm 18 thành viên, do ông Uchida Masayuki, Chủ tịch Hội Nông nghiệp thành phố làm trưởng đoàn, đã đến Đà Nẵng. Mục đích của đoàn là tìm hiểu về tình hình phát triển nông, ngư nghiệp của thành phố với kỳ vọng về hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp giữa 2 thành phố.

Được biết, hiện nay có hơn 60 dự án FDI của các DN Nhật Bản đầu tư tại Đà Nẵng với tổng vốn hơn 300 triệu USD. Đà Nẵng cũng đã tiếp nhận hơn 300 triệu USD vốn ODA hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, trong đó nhiều dự án lớn như Hầm đường bộ Hải Vân, nâng cấp Cảng Tiên Sa, đê chắn sóng biển… đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Những hoạt động tại Nhật Bản

VPĐD thành phố Đà Nẵng đang vận động dự án ODA về xử lý nước thải tại các khu công nghiệp với số vốn đầu tư dự kiến 100 triệu USD. Trong đó, trước mắt tập trung dự án ODA xử lý nước thải Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với số vốn 14,9 triệu USD, vận động xây dựng Nhà đại đoàn kết hỗ trợ dân nghèo, vận động dự án phi chính phủ (NGO) từ Nhật Bản.

Năm 2010, VPĐD đã tổ chức 5 đoàn tham gia các hoạt động xúc tiến, giới thiệu quảng bá Đà Nẵng thông qua các Hội chợ, Tuần lễ văn hóa tại Nhật Bản và 3 đoàn đại diện thành phố công tác tại Nhật Bản; đón tiếp và hướng dẫn 54 đoàn khách Nhật Bản với tổng số 252 lượt người, hỗ trợ 9 DN Nhật Bản thành lập công ty tại Đà Nẵng với số vốn đăng ký 15.823.689 USD. Ngoài ra, VPĐD còn tham gia tổ chức các hoạt động giao lưu với nước ngoài về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao; ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế với các địa phương Nhật Bản như Biên bản ghi nhớ về hợp tác giao lưu với thành phố Sakai; tăng cường hợp tác với Kawasaki; triển khai hợp tác với Nagasaki; hợp tác với thành phố Mitsuke, thành phố Kobe; Chương trình Citynet và hiện ký kết thỏa thuận giữa UBND thành phố Đà Nẵng và Tổ chức JICA… “VPĐD cũng đã tham dự và phối hợp thực hiện 4 chương trình quảng bá du lịch; tổ chức đón tiếp 4 đoàn Famtrip gồm các công ty lữ hành nổi tiếng như JTB, NTA, KNT, Nokyokanko… sang khảo sát tuyến điểm, cơ sở vật chất tại Đà Nẵng.

Đã đón tiếp 2 đoàn Presstrip cho 10 phóng viên Nhật sang viết bài giới thiệu về du lịch Đà Nẵng và miền Trung; triển khai biên tập và xuất bản 10.000 bản đồ giới thiệu du lịch và Khu công nghiệp bỏ túi bằng tiếng Nhật phát miễn phí cho du khách và các DN Nhật; tổ chức giảng dạy lớp hướng dẫn viên du lịch tiếng Nhật cho 82 học viên để chuẩn bị nhân lực cho đường bay trực tiếp Nhật Bản – Đà Nẵng”, ông Mai Đăng Hiếu, Phó trưởng VPĐD thành phố Đà Nẵng tại Nhật Bản, cho hay.

Với mục đích cung cấp đầy đủ thông tin về môi trường đầu tư – du lịch của Đà Nẵng, VPĐD đã biên tập và phát hành 15.000 cuốn tập gấp bằng tiếng Nhật và tiếng Việt. Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội DN Nhật Bản tại Đà Nẵng và Tổ chức JETRO tiếp tục đưa Đà Nẵng vào danh sách 30 thành phố tại châu Á được chú ý nhất của các DN Nhật năm 2010.

PV


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ông Trương Tấn Sang: Việt Nam sẵn sàng tham gia tái thiết Nhật Bản


Ngày 1/6, ông Trương Tấn Sang – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khẳng định “Việt Nam sẵn sàng tham gia vào quá trình tái thiết Nhật Bản,” sẵn sàng “cung cấp nhân lực, vật liệu xây dựng và hàng hóa cần thiết phục vụ công tác tái thiết.”

Ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh như vậy trong cuộc gặp với các lãnh đạo lưỡng viện trong Quốc hội, Nhật Bản hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao và gặp nguyên Thủ tướng Shinzo Abe cùng nhiều nghị sỹ khác.Tại các cuộc gặp, ông Trương Tấn Sang cũng bày tỏ tình đoàn kết, sự chia sẻ và cảm thông về những tổn thất do thảm họa động đất-sóng thần gây ra đối với Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ Nhật Bản vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ông Trương Tấn Sang hội kiến với Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Takahiro Yokomichi. (Ảnh: Hồng Hà)

Về sự phát triển quan hệ hai nước trong 40 năm qua, ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh Đảng và Nhà nước Việt Nam đánh giá cao quan hệ với Nhật Bản và chủ trương thúc đẩy phát triển toàn diện quan hệ “đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” giữa hai nước. Việt Nam tiếp tục thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn đã thỏa thuận trong chuyến thăm Việt Nam tháng 10/2010 của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và xem xét hợp tác trong các dự án mới.

Ông Trương Tấn Sang cũng bày tỏ cảm ơn Nhật Bản đã ưu tiên và liên tục dành mức viện trợ phát triển chính thức (ODA) cao cho Việt Nam, vì điều này không chỉ thể hiện thiện chí hợp tác của Nhật Bản đối với Việt Nam mà còn là cam kết chính trị của Nhật Bản cho sự nghiệp phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Ông Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam luôn quan tâm phát huy hiệu quả nguồn vốn ODA và đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục quan tâm, ủng hộ việc duy trì nguồn vốn này ở mức cao cho Việt Nam. Ngoài ra, ông Trương Tấn Sang cũng đề nghị tăng cường hợp tác giữa hai nước trong ứng phó với tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời đề nghị lấy năm 2013 – năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước – làm “Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.”

Về phần mình, lãnh đạo hai viện Quốc hội Nhật Bản gửi lời cảm ơn đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì sự giúp đỡ quý giá và chân tình đối với Nhật Bản trong thảm họa động đất-sóng thần hôm 11/3. Phía Nhật Bản đã giải thích về tình hình sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 và cam kết sẽ công khai tất cả thông tin liên quan đến sự cố.

Về quan hệ hai nước, Chủ tịch Hạ viện Takahiro Yokomichi bày tỏ vui mừng vì sự phát triển trong quan hệ Nhật Bản-Việt Nam, đặc biệt kể từ sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Kan tháng 10/2010.

Ông Yokomichi cho biết sẽ nỗ lực củng cố hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Trong khi đó, Chủ tịch Thượng viện Takeo Nishioka đề nghị quốc hội hai nước tăng cường hợp tác để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương.

Cùng chung quan điểm với lãnh đạo hai viện Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeaki Matsumoto cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Ông chúc mừng thành công của Đại hội toàn quốc lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam và cảm ơn sự giúp đỡ của Chính phủ, nhân dân Việt Nam đối với Nhật Bản sau thảm họa ngày 11/3.  Trong khi đó, thay mặt Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Chủ tịch JBIC Hiroshi Watanabe bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Trước đó, ông Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tới thăm hỏi, động viên cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và đại diện của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước này. Ông khẳng định quan hệ Việt-Nhật đang ở giai đoạn tốt đẹp hơn bao giờ hết và bây giờ là lúc hiện thực hóa, sâu sắc hóa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước./.

Vietnam+

 


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Nhật Bản đối phó rò rỉ phóng xạ cao gấp 1.000 lần bình thường


Phóng xạ tăng cao gấp 1.000 lần so với bình thường ở trong và quanh công ty điện Tokyo, thuộc nhà máy điện hạt nhân Số 1 Fukushima vào hôm nay, một ngày sau khi xảy ra trận động đất 8,9 richter, Cơ quan an toàn hạt nhân nước này cho biết.

Sau thảm họa động đất, sóng thần, Nhật còn phải đối mặt với nguy cơ rò rỉ phóng xạ.

Đây là trường hợp rò rỉ phóng xạ đầu tiên được ghi nhận tại Nhật kể từ khi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần vào ngày hôm qua. Như vậy điều nhiều người ở quốc gia phụ thuộc khá lớn vào nguồn năng lượng điện hạt nhân này đã hiện hữu.

Tuy nhiên, Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật cho rằng lượng phóng xạ sẽ không gây ảnh hưởng tức thì tới sức khỏe của người dân sống gần đó.

Song khu vực gần nhà máy điện hạt nhân số 2 Fukushima cũng được cơ quan này khoanh vùng là khu vực cần phải được sơ tán. Nhà máy Số 2 cũng gặp trục trặc sau khi xảy ra động đất.

Nhà quản lý của cả hai nhà máy này tại tỉnh Fukushima dự kiến sẽ giảm áp lực ở các nhà chứa lò phản ứng, theo một sắc lệnh chưa từng có tiền lệ của chính phủ, để phòng trường hợp các nhà máy bị hư hại. Tuy nhiên, việc giảm áp lực cũng đồng thời làm thải hơi nước có thể mang theo chất phóng xạ.

Lượng phóng xạ đã lên cao gấp 1.000 lần bình thường ở phòng điều khiển của lò phản ứng số 1 trong nhà máy điện hạt nhân Số 1 Fukushima, Cơ quan an toàn Hạt nhân và Công nghiệp Nhật cho hay.

Cơ quan này cũng cho biết phóng xạ ở gần cổng chính của nhà máy cao gấp hơn 8 lần so với bình thường.

Giới chức trách đã mở rộng khu vực dân cư phải sơ tán quanh nhà máy Số 1 từ 3km lên 10km, theo lệnh của Thủ tướng Nhật Naoto Kan, người đã tới thị sát nhà máy.

Chính phủ cũng tuyên bố nhà máy Số 2 Fukushima được đặt trong tình trạng khẩn cấp về hạt nhân, bên cạnh nhà máy Số 1, theo đó cũng mở rộng khu vực sơ tán quanh nhà máy này.

Vũ Quý Theo Kyodo


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Vietnam Airlines mở đường bay Đà Nẵng – Nhật Bản


Ngày 15-11, Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng cho biết, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã chính thức phê chuẩn lịch bay thẳng Nhật Bản – Đà Nẵng – thành phố Hồ Chí Minh – Nhật Bản với tần suất bay 7 chuyến/tuần.

Máy bay của Vietnam Airlines tại sân bay quốc tế Kansai, Nhật Bản

Theo đó, từ ngày 15-12-2010 Vietnam Airlines thực hiện khai thác tuyến bay mùa đông hai chiều từ Narita – Đà Nẵng – thành phố Hồ Chí Minh – Narita trên máy bay Airbus A321 với 184 ghế. Hành khách khởi hành tại Đà Nẵng vào lúc 2 giờ 55 phút và đến Narita (Tokyo- Nhật Bản) vào lúc 13 giờ 20 phút giờ Tokyo.

Theo Vietnam Airlines, tuyến bay hai chiều mùa đông này sẽ duy trì đến hết quý I/2011. Sau đó, Vietnam Airlines sẽ tiến hành lịch bay trực tiếp hai chiều từ Đà Nẵng – Nhật Bản – Đà Nẵng, không trung chuyển qua thành phố Hồ Chí Minh.

Được biết, qua một năm xúc tiến hình thành đường bay thẳng từ Nhật Bản – Đà Nẵng, các đơn vị chức năng đã thực hiện thành công 4 chuyến bay thuê và 10 chuyến bay tiếp dầu kỹ thuật. Từ những kết quả này, Vietnam Airlines đã triển khai chuyến bay trực tiếp Đà Nẵng – Nhật Bản với mục tiêu phát triển du lịch, thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng.

Tin và ảnh: NAM PHƯƠNG


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Nhật bắt thủ phạm vụ rò rỉ video va chạm tàu cá


Cảnh sát Nhật Bản đang lên kế hoạch bắt giữ một nhân viên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển (JCG) vì người này đã tung đoạn băng ghi hình vụ va chạm giữa tàu đánh cá Trung Quốc với tàu tuần tra của Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku, phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, hồi đầu tháng Chín.

Vụ việc khiến quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng.

Chỉ huy JCG Hisayasu Suzuki ngày 10/11 đã thông báo vắn tắt trước Ủy ban Ngân sách Hạ viện rằng một nhân viên của lực lượng này thú nhận với thuyền trưởng tàu tuần tra Uranami là chính anh ta đã tung đoạn băng ghi hình trên lên mạng Internet. Được biết, tàu Uranami hiện đang trên đường trở về cảng Kobe.

Nhân viên trên đã thú nhận sau khi các nhà điều tra phân tích những dữ liệu thu được từ Youtube LLC – một đơn vị của Tập đoàn Google – và phát hiện đoạn băng hình bị rò rỉ được đưa lên mạng từ một máy tính cá nhân tại một quán càphê Internet gần trụ sở Văn phòng JCG ở Kobe.

Các nhà điều tra sẽ tiếp tục phân tích các bản ghi tên khách hàng sử dụng Internet và băng ghi hình của quán cà phê Internet trên để xác định rõ xem nhân viên trên có phải là người đã đưa đoạn băng lên mạng hay không.

Nếu đúng là nhân viên trên đưa đoạn băng hình lên mạng, các nhà điều tra sẽ phải xác minh làm thế nào anh ta có đoạn băng ghi hình đó vì Văn phòng JCG Kobe không tham gia các cuộc điều tra của cảnh sát về vụ va chạm giữa tàu đánh cá Trung Quốc với tàu tuần tra của Nhật Bản.

Băng ghi hình trên được lưu giữ tại các văn phòng của JCG ở Ishigaki và Naha, đều ở Okinawa, và cách Kobe 1.500km.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshito Sengoku cùng ngày cho biết chính Chỉ huy JCG Suzuki – mà không phải là các thành viên Nội các – phải chịu trách nhiệm về vụ rò rỉ này.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan lại có quan điểm thận trọng hơn sau khi có tin đã tìm ra thủ phạm của vụ rò rỉ trên.

Ông Kan cho rằng cần phải làm rõ nguyên nhân vụ việc sau đó mới đến quy trách nhiệm cho ai, đồng thời yêu cầu các bộ quan tâm đến vấn đề bảo mật thông tin và siết chặt các quy định đối với nhân viên./.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Thủ tướng Việt Nam – Nhật Bản ký tuyên bố chung ngày 31/10.


Thủ tướng Việt Nam - Nhật Bản ký tuyên bố chung ngày 31/10.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố chọn Nhật Bản là đối tác lâu dài để điều tra, thăm dò và khai thác đất hiếm tại Việt Nam.

Quyết định trên được đưa ra trong tuyên bố chung về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản, được thủ tướng hai nước ký ngày 31/10 tại Hà Nội.

Ngoài nội dung trên, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng  thông báo, Việt Nam đã quyết định chọn Nhật Bản là đối tác hợp tác và giúp Việt Nam thực hiện xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2 tại Ninh Thuận.

Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Naoto Kan, khẳng định quốc gia này sẽ đáp ứng các điều kiện mà Việt Nam đưa ra khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân, như hỗ trợ nghiên cứu khả thi dự án, cho vay vốn ưu đãi lãi suất thấp cho dự án, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất và an toàn ở mức cao nhất, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác xử lý chất thải, cung cấp nhiên liệu ổn định trong toàn bộ thời gian dự án.

Đối với lĩnh vực đất hiếm, Thủ tướng Naoto Kan cho rằng, thông qua các biện pháp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ phía Nhật Bản, hợp tác lâu dài trong ngành công nghiệp khai thác đất hiếm của hai nước sẽ tiến triển tốt đẹp.

Ngoài ra, Thủ tướng Nhật cũng khẳng định, chính phủ nước này sẽ xem xét nghiêm túc và nhanh chóng hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện dự án sân bay quốc tế Long Thành, dự án đường cao tốc đoạn Ninh Bình – Bãi Vọt, đường cao tốc Nha Trang – Phan Thiết, xây dựng Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), các tuyến đường tàu điện ngầm mới của Hà Nội và Tp.HCM.

Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam về đào tạo phát triển nhân lực, công nghiệp phụ trợ, thúc đẩy thương mại, đầu tư, khoa học, kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Bao gồm 17 loại khoáng sản, đất hiếm là một loại nguyên vật liệu đầu vào không thể thiếu đối với hàng loạt sản phẩm công nghệ cao, từ động cơ chạy nhiên liệu tổ hợp, điện thoại di động tới màn hình TV. Theo Tổng hội Địa chất Việt Nam, tổng số trữ lượng tài nguyên đất hiếm toàn cầu là khoảng gần 100 triệu tấn, sản lượng khai thác hằng năm là khoảng 125.000 tấn.

Giới khoa học ước đoán, trữ lượng đất hiếm của Việt Nam có thể lên tới 22 triệu tấn, xếp hàng thứ 3 thế giới.

Việt Nam đã từng hợp tác với nước ngoài khai thác đất hiếm từ những năm 1960. Tuy nhiên, do công nghệ khai thác còn hạn hẹp, công suất thấp, không tách được hết thành phần nên hoạt động khai thác đất hiếm ở Việt Nam chủ yếu để sản xuất thép, với khối lượng không nhiều.

Liên quan đến thông tin một số doanh nghiệp Nhật Bản đã được chấp thuận khai thác đất hiếm tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc trao đổi với báo chí cuối tuần qua cho biết, hiện chưa có doanh nghiệp Nhật nào đưa ra lời đề nghị hợp tác với Việt Nam.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngọc cũng khẳng định, việc hợp tác với Nhật Bản, một quốc gia có kinh nghiệm trong khai thác, chế biến đất hiếm sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện Trung Quốc là nước khai thác đất hiếm nhiều nhất thế giới, với sản lượng khoảng 120.000 tấn mỗi năm, chiếm 97% toàn cầu.

Cuối tháng 9 vừa qua, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản (quốc gia đang nhập khẩu đến 96% đất hiếm từ Trung Quốc) phản ánh tình trạng gặp khó khăn trong việc nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc. Báo chí nước ngoài dẫn lời một quan chức đề nghị không tiết lộ danh tính của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã ban lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản để gây áp lực buộc Nhật phải thả thuyền trưởng một tàu đánh cá của Trung Quốc, bị phía Nhật bắt giữ hồi đầu tháng 9.

Ngay sau đó, chính quyền Tokyo đã công bố một loạt các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung đất hiếm cho lĩnh vực công nghiệp, trong đó có đẩy mạnh việc phát triển các nguồn đất hiếm thay thế, đưa Nhật thành trung tâm toàn cầu về tái chế đất hiếm, và giúp các nhà sản xuất lắp đặt các thiết bị nhằm giảm tiêu thụ đất hiếm. Chính phủ Nhật cũng sẽ hỗ trợ các công ty tìm kiếm quyền thuê mỏ đất hiếm bên ngoài Trung Quốc và nghiên cứu khả năng xây dựng kho dự trữ đất hiếm.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)