Hiển thị các bài đăng có nhãn Trung Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trung Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng

Gặp gỡ cấp cao Việt Nam Trung Quốc về Biển Đông


nguyên-ba-thanh
Đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam (Ảnh: Thanh Vũ)

Ngày 25-6, tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình Biển Đông thời gian gần đây.

Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc đã trình bày lập trường và chủ trương của phía Trung Quốc về việc phát triển quan hệ song phương và vấn đề trên biển. Trước đó, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã hội đàm với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân.

Hai bên cho rằng, quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, đáp ứng nguyện vọng chung và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước Việt-Trung, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

Hai bên nhấn mạnh cần kiên trì đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển theo đúng phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Hai bên khẳng định, cần tích cực thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị; áp dụng biện pháp có hiệu quả, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông; tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước; đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc”; thúc đẩy việc thực hiện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các công việc tiếp theo, cố gắng sớm đạt tiến triển thực chất.

TTXVN


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Trung Quốc xuyên tạc sự thật và hăm dọa dân tộc Việt Nam


Ngày 11-6 vừa qua, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đã phát đi một bài xã luận đầy lời lẽ xuyên tạc thực chất của vụ việc và xuyên tạc phản ứng chính đáng của Việt Nam dưới đầu đề “Cứng rắn với Trung Quốc không thể mang lại lợi ích gì cho Việt Nam”. Để dư luận ở Việt Nam và Trung Quốc cũng như ở khu vực và trên thế giới hiểu đúng sự việc, nghĩ cũng cần nói lại đôi điều.

nguyen ba thanh
2 trong số 3 tàu hải giám Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam, lao vào cắt cáp và cản trở hoạt động của tàu Bình Minh 02 ngày 26-5-2011

Năm nay vừa tròn 20 năm hai nước Việt Nam và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ với nhau sau những năm tháng sóng gió. Một trong những nguyên tắc cơ bản hai bên đã thỏa thuận là “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, xây dựng mối quan hệ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, trở thành “láng giềng tốt, anh em tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Hơn thế nữa, gần đây hai nước còn thỏa thuận xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Đó là những tài sản quý giá, phải mất bao nhiêu công sức mới tạo dựng được và phía Việt Nam hết sức trân trọng giữ gìn.

Tiếc rằng, một số sách báo và báo mạng ở Trung Quốc không biết vì lẽ gì không ngớt đưa ra những bài không thiện chí, xuyên tạc về Việt Nam và mối quan hệ Trung-Việt. Tình hình này càng rộ lên sau hai sự việc liên tiếp trong chỉ có hai tuần lễ là vụ tầu hải giám của Trung Quốc vô cớ xông vào cắt phá cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 và dưới sự yểm trợ của tàu ngư chính, tàu cá Trung Quốc phá hoại tuyến cáp của tàu Viking II đang hoạt động khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Trong số những tờ báo ấy, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc “lớn tiếng” nhất. Ngày 11-6 vừa qua, Thời báo này đã phát đi một bài xã luận đầy lời lẽ xuyên tạc thực chất của vụ việc và xuyên tạc phản ứng chính đáng của Việt Nam dưới đầu đề “Cứng rắn với Trung Quốc không thể mang lại lợi ích gì cho Việt Nam”.

Để dư luận ở Việt Nam và Trung Quốc cũng như ở khu vực và trên thế giới – đang rất lo ngại về những hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông – hiểu đúng sự việc, thiết nghĩ cũng cần nói lại đôi điều.

Bài xã luận nói Việt Nam “đe dọa”, “dọa dẫm” Trung Quốc thì thật nực cười vì đâu phải tàu Việt Nam lao vào tàu Trung Quốc mà là ngược lại. Hành vi của tàu Trung Quốc không chỉ là “đe dọa” hay “dọa dẫm” mà là hành vi khiêu khích, gây hấn như luật pháp và thông lệ quốc tế đã định nghĩa rõ. Đó là chưa kể hàng loạt bài trên báo in và báo mạng ở Trung Quốc đã dồn dập tung ra những lời lẽ hằn học, ngỗ ngược, xúc phạm sâu sắc lòng tự trọng của nhân dân Việt Nam và chắc là cũng rất xa lạ với người dân Trung Quốc. Những lời lẽ như vậy thật không phù hợp chút nào với cách hành xử giữa các nước văn minh chứ chưa nói đến hai nước XHCN với nhau.

Đoạn cáp của tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt ngày 26-5-2011

Bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu ngày 11-6 đầy rẫy những lời hăm dọa như: phía Việt Nam “dường như hoàn toàn không đếm xỉa đến những phản ứng mà Trung Quốc có thể đưa ra”, “nếu dùng biện pháp chiến tranh để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, Việt Nam sẽ đều thất bại…” (nhân đây, tuy rất không muốn nhưng buộc phải nhắc lại những sự kiện năm 1974 quân đội Trung Quốc tiến đánh Hoàng Sa, năm 1979 tiến hành chiến tranh biên giới, năm 1988 tiến đánh một số đảo ở Trường Sa để thấy rõ ai là người chẳng những hay đe dọa mà còn dùng biện pháp chiến tranh trong quan hệ Trung-Việt). Nhân dân Việt Nam đã phải bỏ ra hàng mấy chục năm đấu tranh chống ngoại xâm, nay thiết tha mong có hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, lẽ nào lại muốn gây hấn với bất kỳ ai, nếu độc lập không bị đe dọa, chủ quyền không bị chà đạp.

Chính hành vi ngỗ ngược của tàu hải giám Trung Quốc và những bài đại loại như xã luận ngày 11-6 của Thời báo Hoàn cầu đã làm cho những cảm giác của người dân Việt Nam đối với Trung Quốc (không phải với nhân dân Trung Quốc nói chung) bị xói mòn, chứ không phải là “người dân Trung Quốc khi nhìn thấy các kiểu thể hiện của Việt Nam thông qua tin tức báo chí thì những cảm giác tốt đẹp của họ về Việt Nam tích lũy trong những năm qua gần như đã tiêu tan hết” như Thời báo Hoàn cầu viết.

Một mệnh đề được tác giả bài xã luận nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại là mối quan hệ giữa “nước lớn” và “nước nhỏ”. Trên thực tế, quả thật cũng có nước lớn và nước nhỏ. Song trong quan hệ quốc tế thì mọi quốc gia đều bình đẳng – một điều chính Trung Quốc cũng hay rao giảng. Hành vi ứng xử của phía Trung Quốc trong những ngày qua rõ ràng không phản ánh, hay nói đúng hơn là đi ngược lại chủ trương “tôn tiểu” mà bài báo nói tới; hơn thế nữa còn lộ rõ thái độ lấn lướt theo kiểu nước lớn – một điều đang gây lo ngại trong dư luận khu vực và quốc tế, làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh một nước Trung Hoa “trỗi dậy hòa bình”.

Bài xã luận còn suy luận rằng, sự phản ứng chính đáng của phía Việt Nam dường như do áp lực nội bộ, cổ vũ tinh thần trong nước, tăng cường sự chú ý của cộng đồng quốc tế…, phản ứng chủ nghĩa dân tộc, gây nên sự đối lập giữa nhân dân hai nước… Gốc gác của vấn đề chính là nằm ở sức ép của phía Trung Quốc thông qua hành vi ngang ngược, chà đạp luật pháp và thông lệ quốc tế của tàu thuyền Trung Quốc trên Biển Đông. Bất kỳ một người Việt Nam nào cũng đều bất bình; bất luận người nào có lương tri trên thế giới cũng đều lo ngại. Trong quan hệ giữa các quốc gia thời hiện đại không thể hành xử theo kiểu cứ lấn lướt rồi buộc đối phương câm lặng theo kiểu “trùm chăn mà đánh” được! Thử hỏi, tác giả bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu sẽ hành xử ra sao nếu tàu nước ngoài xông vào cắt cáp của tàu địa chấn Trung Quốc đang hoạt động bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế thực sự của Trung Quốc đúng theo luật pháp quốc tế (chứ không phải cái đường 9 đoạn tự dựng lên ở cách xa bờ biển Trung Quốc hàng ngàn dặm)? Trung Quốc đã từng bị nước ngoài xâm lấn, người dân Trung Quốc đã từng bị hạ nhục. Vì vậy, chắc rằng họ có thể hiểu nỗi bất bình của người dân Việt Nam.

Vị trí tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp cách Mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên, Việt Nam 120 hải lý ngày 26-5-2011

Bài xã luận đánh giá rằng, “Hà Nội đang có bước thụt lùi trước những kinh nghiệm thành công về giải quyết vấn đề trên bộ và phân định Vịnh Bắc Bộ, đang đưa hai nước quay lại con đường đọ sức giữa cứng rắn và cứng rắn”. Có lẽ chẳng cần tốn lời bác bỏ luận điệu nực cười như vậy. Cho nên, chỉ cần thay chữ “Hà Nội” bằng chữ “Bắc Kinh” là đủ! Thật đáng tiếc, trong hai chục năm qua đã phải bỏ ra biết bao công sức mới khép lại được quá khứ bất hạnh, tạo dựng được mối quan hệ hợp tác mới, thế mà hành vi quá khích của tàu Trung Quốc đã đẩy quan hệ hai nước giật lùi! Tác giả bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu đã kết thúc bài báo bằng câu: “mời các ngươi hãy xem lại lịch sử đi”. Đúng vậy! Hãy xem lại lịch sử mấy ngàn năm sống bên cạnh nhau để ứng xử sao cho phải đạo là hai nước láng giềng hữu hảo!

Ứng xử sao cho đúng là hai nước láng giềng hữu nghị, đó là mong mỏi chân thành của mỗi người dân Việt Nam. Và chắc rằng đó cũng là ý nguyện của người dân Trung Quốc và khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.

Hoàng Trường


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

GS Đại học Hải quân Mỹ: Trung Quốc vi phạm căn bản luật quốc tế


 

nguyen ba thanh
Đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Thanh Vũ)

Sáng 21/6, cuộc hội thảo về an ninh Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ tiếp tục diễn ra với các phiên thảo luận đánh giá tính hiệu quả của các cơ chế an ninh trên biển hiện có tại Biển Đông và đề xuất chính sách nhằm tăng cường an ninh khu vực.

Đánh giá về các cơ chế hiện có để giải quyết tranh chấp, giáo sư Peter Dutton của Đại học Hải quân Mỹ cho rằng hiện có hai cơ chế là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).

“UNCLOS nói rõ rằng tuyên bố về quyền tài phán của một quốc gia đối với tài nguyên phải dựa trên yếu tố địa lý của đường bờ biển. Việc Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán trong đường chữ U, hay đường 9 khúc, mà không đề cập dù là gián tiếp đến các đặc điểm địa lý từ bờ biển hay đường cơ sở là một vi phạm căn bản luật quốc tế.”

Ông Dutton nhấn mạnh rằng đường chữ U là một trong hai nguồn chính gây căng thẳng trên Biển Đông.

Liên quan đến DOC, trong cuộc thảo luận trước đó, Giám đốc Chính trị và An ninh của Ban Thư ký ASEAN, ông Termsak Chalermpalanupap cho biết ASEAN đã 20 lần đưa ra dự thảo về hướng dẫn thực hiện DOC, nhưng đều bị Trung Quốc từ chối và hiện ASEAN đang chuẩn bị dự thảo thứ 21.

Tiến sỹ Dutton cho rằng không bao giờ thiếu những ý tưởng để giải quyết vấn đề, mà chỉ thiếu ý chí chính trị. “Các bên đều phải có nhượng bộ về chính trị, nếu không sẽ dẫn đến việc nước mạnh hơn sẽ làm những gì có thể làm và nước nhỏ làm điều phải làm.”

Chung quan điểm này, tiến sỹ Stein Tonnesson thuộc Viện Hòa bình Oslo của Nauy đề xuất một số điểm ông cho rằng các quốc gia có thể nhượng bộ để giải quyết tranh chấp.

Ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho rằng cần thúc đẩy hợp tác về biển và quân sự dưới hình thức tuần tra chung, diễn tập chung với sự tham gia của Trung Quốc, ASEAN và các nước có liên quan; đồng thời các bên cần công khai, minh bạch, giảm mua sắm vũ trang và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin.

Về cơ chế “khai thác chung,” hầu hết các học giả đều nhận định rằng cơ chế này đã không phát huy tác dụng, bởi các bên không thống nhất với nhau trong việc xác định đâu là khu vực tranh chấp, đâu là khu vực không có tranh chấp.

Cuộc hội thảo diễn ra trong hai ngày 20 và 21/6, với sự tham gia của hơn 100 học giả, quan chức ngoại giao và nhà báo quốc tế.

Một số quan chức cấp cao như Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain, Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia John Negroponte đã có bài phát biểu quan trọng, kêu gọi việc giải quyết tranh chấp bằng các cơ chế đa phương và luật pháp quốc tế./.

Đỗ Thúy


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Mở nhiều đường bay từ Trung Quốc đến Đà Nẵng


Chiều 31-12, chuyến bay thẳng đầu tiên Côn Minh – Đà Nẵng theo hình thức bay thuê chuyến do China Eastern Airlines, một trong ba hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc, khai thác đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng với 142 du khách Trung Quốc.

Một máy bay của China Eastern Airlines

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết, China Eastern Airlines sẽ khai thác định kỳ đường bay này đến hết năm 2011 với tần suất 2 chuyến/tuần.

Theo kế hoạch đã đăng ký, đến ngày 26-1, China Eastern Airlines sẽ thực hiện tiếp chuyến bay đầu tiên từ Thành Đô (Trung Quốc) đến Đà Nẵng. Hai ngày sau, đường bay Thượng Hải – Đà Nẵng cũng sẽ được hãng này đưa vào khai thác. Đến đầu tháng 2-2011, China Eastern Airlines sẽ đưa vào khai thác thêm đường bay Bắc Kinh – Đà Nẵng. Các đường bay trên đều được thực hiện theo hình thức bay thuê chuyến.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cũng cho biết thêm, ngày 1-1, cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) sẽ đón tàu du lịch biển quốc tế Seabourn Pride với 200 khách Đức, Anh, Mỹ… do Công ty du lịch Tân Hồng khai thác “xông đất” năm 2011. Trong năm 2010, Đà Nẵng đã đón 49 tàu du lịch biển quốc tế với gần 35.000 lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2009.

Cẩm An


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Cam Trung Quốc bị nhuộm màu độc


Nhà chức trách Thượng Hải đã yêu cầu những người bán hoa quả rong dừng bán cam bị cho là có nhuộm sáp độc. Đây là cảnh báo mới nhất về an toàn thực phẩm ở Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc hôm nay (10/12) đưa tin, chính quyền Thượng Hải đã ra lệnh kiểm tra các quả cam sau khi người tiêu dùng phàn nàn da bị biến thành màu đỏ sau khi tiếp xúc với những trái cam được bán ở những khu chợ địa phương.

Báo Oriental Morning Post viết: “Giấy ăn chuyển thành màu đỏ sau khi bạn lau cam hoặc nếu bạn cầm cam trong lòng bàn tay, tay sẽ có màu đỏ”, một người tiêu dùng họ Hu cho biết.

Một người bán hàng tại chợ bán buôn nông sản cho biết, một số quả cam bị nhuộm màu bằng sáp công nghiệp độc hại để trông tươi hơn và bán được giá cao hơn.

Nhà chức trách Thượng Hải yêu cầu những người bán cất cam khỏi giá và đang tiến hành các xét nghiệm.

Hiện chưa rõ số cam trên bị những người bán trong thành phố nhuộm hay đó là tác phẩm của các nhà sản xuất ở tỉnh Jiangxi, phía đông Trung Quốc. Thuốc nhuộm công nghiệp có thể phá huỷ trí nhớ, hệ thống miễn dịch và gây ra các vấn đề hô hấp ở người.

Chính phủ Trung Quốc hiện đang chịu sức ép ngày càng tăng từ phía công chúng cũng như ở các quốc gia như Mỹ và Nhật về việc tăng tiêu chuẩn đối với thực phẩm và thuốc.

Trong một vụ bê bối năm 2008, ít nhất 6 em nhỏ thiệt mạng và khoảng 300.000 em khác bị ốm sau khi dùng sữa bột nhiễm hoá chất công nghiệp melamine, vốn được cho vào sữa nguyên liệu để làm tăng hàm lượng protein giả tạo.

Hoài Linh (Theo Asia)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Mỹ – Nhật bắt đầu tập trận, Triều Tiên huy động thêm tên lửa


(ĐNĐT) – Ngày 3-12, một cuộc diễn tập lớn nhất từ trước tới nay giữa Mỹ và Nhật Bản đã được tiến hành trên vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, trong khi Triều Tiên huy động thêm tên lửa.


Trong cuộc trình diễn hỏa lực quân sự chung mang tên “Keen Sword”, Mỹ và đồng minh bên kia bờ Thái Bình Dương tiến hành cuộc tập trận 8 ngày với 60 tàu chiến, máy bay 500 và 44.000 quân tại vùng biển phía nam Nhật Bản. Đây là cuộc tập trận đánh dấu kỷ niệm 50 năm liên minh Mỹ-Nhật.








Lực lượng quân đội Mỹ và Nhật Bản tại nghi lễ khai mạc cuộc tập trận ngày 3-12. Ảnh: THX

Cuộc tập trận đã lên kế hoạch từ trước vượt xa cuộc tập trận Mỹ-Hàn trên Hoàng Hải tuần này vốn có ý nghĩ như một cuộc biểu dương lực lượng với Bình Nhưỡng, sau khi Triều Tiên nã pháo tấn công đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc.

Trung Quốc, thay vì công khai lên án Triều Tiên về vụ nã pháo vào Hàn Quốc, đã kêu gọi đàm phán với Bình Nhưỡng và cho rằng đàm phán thì tốt hơn là “dương oai diễu võ”.

Tuy nhiên, Washington, Tokyo và Seoul đã phớt lờ đề xuất của Bắc Kinh về đàm phán sáu bên với sự tham gia của Moscow. Thay vào đó, họ sẽ tổ chức một hội nghị ba bên do Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton Mỹ chủ trì vào thứ hai tới (6-12). 

Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao hội nghị này. Do tình hình trên bán đảo Triều Tiên cực kỳ phức tạp và nhạy cảm. Chúng tôi hy vọng hội nghị sẽ làm giảm căng thẳng và thúc đẩy đối thoại, hơn là làm căng thẳng tình hình và đẩy mạnh sự đối đầu.”

Cũng trong ngày 3-12, hãng Yonhap đưa tin, Hàn Quốc cho biết, sẽ sớm tổ chức diễn tập bắn đạn thật trên vùng biển Hoàng Hải và sẽ trả đũa mạnh mẽ hơn đối với bất kỳ sự xâm lược nào của Triều Tiên sau vụ nã pháo.

Một quan chức thuộc Tham Mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi có kế hoạch tiếp tục diễn tập bắn đạn thật gần 5 hòn đảo trên Hoàng Hải, kể cả đảo YeonPyeong, càng sớm càng tốt.”

Trước khi bắt đầu diễn tập, chúng tôi đang kiểm tra các biện pháp đối phó lại các khiêu khích trong tương lại của Triều Tiên và huy động vũ khí để đáp trả nếu Triều Tiên gây hấn một lần nữa trong quá trình diễn tập”, quan chức trên cho biết.

Triều Tiên huy động thêm tên lửa nhiều nòng


Trong khi đó, ngày 3-12, một nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho hay Triều Tiên đã huy động thêm các giàn phóng tên lửa nhiều nòng có khả năng dội pháo vào Seoul, một thành phố chỉ nằm cách biên giới chỉ 50 km.

Nguồn tin giấu tên cho biết: “Triều Tiên gần đây đã gia tăng số lượng giàn tên lửa nhiều nòng khoảng từ 100 đến khoảng 5.200 quả, có khả năng tập trung tấn công từ các căn cứ của họ vào Seoul và các khu vực lân cận”.




Tên lửa SA-2. Ảnh: abovetopsecret.com


Tuy nhiên, nguồn tin trên không cho biết liệu các giàn phóng tên lửa nhiều nòng được huy động đến gần biên giới với Hàn Quốc hay không. Seoul và các vùng lân cận là nơi sinh sống của gần một nửa trong số 50 triệu dân Hàn Quốc.

Trước đó, Triều Tiên còn được cho là đã huy động các tên lửa đất đối không SA-2 và SA-5 đến gần biên giới.

Căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên đã dâng cao kể từ khi Triều Tiên nã pháo lên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc hôm 23-11 gần khu vực tranh chấp trên biển Hoàng Hải. Hai dân thường và hai lính hải quân Hàn Quốc đã thiệt mạng trong vụ này, đánh dấu cuộc tấn công đầu tiên vào một khu vực dân sự kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Trong một diễn biến khác,  tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản đưa nguồn tin trích dẫn cho hay, Kim Jong-un, con trai út đồng thời là người kế vị lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, đã lệnh cho quân đội vào đầu tháng 11 sẵn sàng cho một cuộc tấn công bằng pháo binh vào Hàn Quốc.

Tờ nhật báo trên dẫn một tin rất thân cận với quan hệ Triều Tiên-Trung Quốc cho rằng: “Đầu tháng trước, quân đội Triều Tiên đã phát đi chỉ thị dưới danh nghĩa Kim Jong-un, gửi cho các chỉ huy cao cấp của quân đội sẳn sàng đối phó với sự khiêu khích của kẻ thù bất kỳ lúc nào”.

Nguồn tin dẫn lời một sĩ quan quân đội giấu tên khi đánh giá về vụ nã pháo lên đảo Yeonpyeong rằng: “Nó đã được lên kế hoạch. Chúng tôi đã chuẩn bị cho việc đó trong thời gian dài”.

Quân đội Triều Tiên đã đợi một cơ hội và dựa trên cái cớ chống lại cuộc tập trận thường niên của Hàn Quốc. Ngoài ra, đây cũng là một nỗ lực nhằm thiết lập hình ảnh của Kim Jong-un như là một lãnh đạo mạnh mẽ để gạt bỏ những sự bất tín nhiệm trong một số binh sĩ”, tờ báo cho biết.

Quang Hiển

(Theo AFP, BBC, Yonhap, Chosun Ilbo)

.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Tấm bản đồ bất chính


Bản đồ do Trung Quốc tự vẽ và trưng ra như vậy không có giá trị pháp lý và đã vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia có các vùng biển, đảo bị cái “lưỡi bò” tham lam này “liếm” mất.

LTS: Chuyên đề An ninh Thế giới tuần số 1009 đăng tải bài viết “Tấm bản đồ bất chính” của tác giả Lưu Nguyễn liên quan đến việc Trung Quốc chính thức đưa lên bản đồ trực tuyến đường yêu sách 9 đoạn trên Biển Đông. Tuần Việt Nam giới thiệu như một góc nhìn tham khảo.

Việc Trung Quốc chính thức đưa lên bản đồ trực tuyến đường yêu sách 9 đoạn đã bộc lộ dã tâm và tiếp tục ngang nhiên công khai hóa tham vọng bành trướng của Trung Quốc muốn thâu tóm quyền kiểm soát đối với phần lớn Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và nhiều nước khác, kể cả những nước từng bày tỏ lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm tự do hàng hải ở đây.

Cục Đo đạc bản đồ quốc gia Trung Quốc mới đây đã khai trương dịch vụ bản đồ trực tuyến mang tên Map World tại địa chỉ http://www.tianditu.cn/ và http://www.chinaonmap.cn/ , mà trên đó họ thể hiện đường yêu sách 9 đoạn bao trùm lên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam.

Việc làm ngang ngược này của Trung Quốc tất nhiên đã bị Việt Nam phản đối.

Ngày 5/11/2010, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta nêu rõ rằng việc làm này “đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, vi phạm Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc”, đồng thời nhấn mạnh rằng “Việt Nam phản đối việc làm này của phía Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc nhanh chóng gỡ bỏ các dữ liệu tại bản đồ nêu trên có nội dung vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam, tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc duy trì hòa bình, ổn định, không làm phức tạp hoặc mở rộng tranh chấp ở Biển Đông”.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra đường yêu sách 9 đoạn, thể hiện tham vọng bành trướng của họ trên Biển Đông.

Đường yêu sách lưỡi bò đầy tham vọng của Trung Quốc

Ngày 7/5/2009, Trung Quốc cũng đã trưng ra một bản đồ với 9 đường kẻ ngắt quãng (đường gián đoạn), thể hiện đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông kèm theo lời phản đối của họ đối với các hồ sơ đăng ký riêng của Việt Nam và chung của Việt Nam và Malaysia  về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý được trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hiệp quốc (UNCLCS) một ngày trước đó.

9 đường kẻ ngắt quãng trên bản đồ do Trung Quốc đưa ra tạo thành một vùng có hình chữ U, còn gọi là đường lưỡi bò, bao phủ tới 80% diện tích Biển Đông.

Tất nhiên, cái bản đồ do Trung Quốc tự vẽ và trưng ra như vậy không có giá trị pháp lý và đã vấp phải sự phản đối của  nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia có các vùng biển, đảo bị cái “lưỡi bò” tham lam này “liếm” mất, trong đó có những vùng biển cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Nay Trung Quốc lại chính thức đưa lên bản đồ trực tuyến của Cục Đo đạc bản đồ quốc gia nước họ đường yêu sách 9 đoạn này, với các địa chỉ truy cập rất rõ ràng.

Việc làm này không chỉ “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc  về Luật Biển 1982, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc”, như tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta, mà còn bộc lộ dã tâm và tiếp tục ngang nhiên công khai hóa tham vọng bành trướng của Trung Quốc muốn thâu tóm quyền kiểm soát đối với phần lớn Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và nhiều nước khác, kể cả những nước từng bày tỏ lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm tự do hàng hải ở đây.

Với lắm mưu, nhiều kế, Trung Quốc đã tìm mọi cách và đã làm nhiều việc để thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ của họ trên Biển Đông. Chỉ riêng đối với Việt Nam, đã có thể thống kê hàng loạt hành động ngang ngược của họ. Họ đã chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Hàng năm họ ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong một thời gian dài trên Biển Đông mà “vùng cấm” bao gồm cả những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, rồi bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam hành nghề trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động mưu sinh của ngư dân Việt Nam.

Họ cũng đã quyết định thành lập cái gọi là ủy ban thôn trên hai đảo Vĩnh Hưng và Triệu Thuật, tức đảo Phú Lâm và Đảo Cây, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam  mà họ đang chiếm giữ trái phép.

Họ còn thông qua cái gọi là “Luật bảo vệ hải đảo” liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông; thông qua “Cương yếu quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010-2020″, trong đó xác định khu tổ hợp chức năng biển do tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đồng thời vạch ra kế hoạch tăng cường mở tuyến du lịch đường không và đường biển tới quần đảo Hoàng Sa, khuyến khích việc đăng ký quyền sử dụng đối với các đảo không người ở trên Biển Đông; và thiết lập mạng điện thoại di động ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ chiếm giữ trái phép.

Ngoài ra, họ thường xuyên cử các tàu ngư chính đến các vùng mà họ gọi là “Tây Sa” và “Nam Sa” (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), rồi gia tăng sức mạnh quân sự trên biển v.v. . Trong khi đó, trên mặt trận dư luận, các trang mạng mà Bắc Kinh khoác cho cái áo “không chính thức” cũng tung ra nhiều loại thông tin, kể cả những thông tin không có lợi cho quan hệ hữu nghị Việt – Trung, thậm chí là thông tin hù dọa, phục vụ cho mưu đồ bành trướng trên biển của họ…

Như vậy, việc Cục Đo đạc bản đồ quốc gia Trung Quốc khai trương dịch vụ bản đồ trực tuyến thể hiện đường yêu sách 9 đoạn bao trùm lên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam, cũng giống như các hành động được liệt kê trên đây của họ, tiếp tục làm phức tạp thêm tình hình vốn đã rất phức tạp trên Biển Đông, hoàn toàn  bất lợi đối với tiến trình đàm phán tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và càng không có lợi cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Tìm mọi mánh khóe, công khai hoặc ngấm ngầm, để vơ lấy những gì không phải là của mình, nói theo kiểu dân dã, là nhận vơ, là ăn gian.

Vì tham nên mới gian.

Tác giả: LƯU NGUYỄN


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Nhật bắt thủ phạm vụ rò rỉ video va chạm tàu cá


Cảnh sát Nhật Bản đang lên kế hoạch bắt giữ một nhân viên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển (JCG) vì người này đã tung đoạn băng ghi hình vụ va chạm giữa tàu đánh cá Trung Quốc với tàu tuần tra của Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku, phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, hồi đầu tháng Chín.

Vụ việc khiến quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng.

Chỉ huy JCG Hisayasu Suzuki ngày 10/11 đã thông báo vắn tắt trước Ủy ban Ngân sách Hạ viện rằng một nhân viên của lực lượng này thú nhận với thuyền trưởng tàu tuần tra Uranami là chính anh ta đã tung đoạn băng ghi hình trên lên mạng Internet. Được biết, tàu Uranami hiện đang trên đường trở về cảng Kobe.

Nhân viên trên đã thú nhận sau khi các nhà điều tra phân tích những dữ liệu thu được từ Youtube LLC – một đơn vị của Tập đoàn Google – và phát hiện đoạn băng hình bị rò rỉ được đưa lên mạng từ một máy tính cá nhân tại một quán càphê Internet gần trụ sở Văn phòng JCG ở Kobe.

Các nhà điều tra sẽ tiếp tục phân tích các bản ghi tên khách hàng sử dụng Internet và băng ghi hình của quán cà phê Internet trên để xác định rõ xem nhân viên trên có phải là người đã đưa đoạn băng lên mạng hay không.

Nếu đúng là nhân viên trên đưa đoạn băng hình lên mạng, các nhà điều tra sẽ phải xác minh làm thế nào anh ta có đoạn băng ghi hình đó vì Văn phòng JCG Kobe không tham gia các cuộc điều tra của cảnh sát về vụ va chạm giữa tàu đánh cá Trung Quốc với tàu tuần tra của Nhật Bản.

Băng ghi hình trên được lưu giữ tại các văn phòng của JCG ở Ishigaki và Naha, đều ở Okinawa, và cách Kobe 1.500km.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshito Sengoku cùng ngày cho biết chính Chỉ huy JCG Suzuki – mà không phải là các thành viên Nội các – phải chịu trách nhiệm về vụ rò rỉ này.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan lại có quan điểm thận trọng hơn sau khi có tin đã tìm ra thủ phạm của vụ rò rỉ trên.

Ông Kan cho rằng cần phải làm rõ nguyên nhân vụ việc sau đó mới đến quy trách nhiệm cho ai, đồng thời yêu cầu các bộ quan tâm đến vấn đề bảo mật thông tin và siết chặt các quy định đối với nhân viên./.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)