Hiển thị các bài đăng có nhãn vi phạm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn vi phạm. Hiển thị tất cả bài đăng

Ông Nguyễn Bá Thanh tham gia thảo luận về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính


Chiều 10-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên và thành phố Cần Thơ.

images726518 Than Duc Nam Ông Nguyễn Bá Thanh tham gia thảo luận về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính

ĐBQH Thân Đức Nam thảo luận ở tổ.

Chủ trì thảo luận, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến những vấn đề lớn của Luật như phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (XLHC); vấn đề giao Tòa án thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp XLHC; mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính; việc bỏ quy định đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh; các hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả; các chức danh có thẩm quyền xử phạt và cách quy định thẩm quyền xử phạt theo tỷ lệ phần trăm so với mức phạt tiền tối đa; vấn đề giao Chính phủ quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng một hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương.

 

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị tiếp tục duy trì việc quy định biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh là biện pháp XLHC, vì nếu không quy định biện pháp này thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn mại dâm, ma túy hiện nay. Theo ĐB thì đây cũng là biện pháp cần thiết và hiệu quả để quản lý trật tự xã hội.

 

ĐB cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, biện pháp bắt buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh được áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn nghiện ma túy hoặc người bán dâm thường xuyên có độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn tái phạm hoặc không có nơi cư trú nhất định. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma túy cũng quy định một trong những hình thức cai nghiện là cai nghiện ma túy bắt buộc.

 

Luật Phòng, chống ma túy vẫn xác định người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì phải áp dụng biện pháp XLHC là đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. ĐB cho rằng nếu bãi bỏ biện pháp hành chính này trong dự án luật thì sẽ không có các trình tự, thủ tục mang tính cưỡng chế đủ mạnh để đưa đối tượng nêu trên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

 

ĐB đề nghị nên giao Bộ Công an quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, vì hiện nay phần lớn các vụ việc vi phạm hành chính do Công an giải quyết. Bên cạnh đó, bộ máy giúp việc của Bộ Công an trong lĩnh vực này là Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã được kiện toàn, có thể bảo đảm tốt công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, Bộ Tư pháp mới chỉ có một vụ giúp việc là Vụ Hành chính – Hình sự. Vì vậy, đề nghị luật quy định theo hướng giao Bộ Tư pháp có chức năng phối hợp với Bộ Công an trong công tác thi hành pháp luật về XLHC. Theo ĐB thì đây là vấn đề rất quan trọng, đề nghị Quốc hội cần xem xét thận trọng trước khi quyết định, bởi lẽ khi giao nhiệm vụ này cho Bộ Tư pháp thì sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề như tăng biên chế để thực hiện nhiệm vụ từ cấp xã, phường trở lên, trình độ, kinh nghiệm…

 

ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đề nghị luật quy định theo hướng việc XLHC nên dứt điểm, tránh tình trạng cùng một hành vi vi phạm nơi này đã xử phạt rồi cho đi, đến nơi khác lại phạt tiếp… ĐB đề nghị cần nghiên cứu có chế tài quy định theo hướng đã xử phạt rồi thì hành vi đó phải chấm dứt ngay sau khi xử phạt.

 

ĐB Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng, biện pháp giáo dục tại xã, phường từ trước đến nay rất hiệu quả, hợp lý; biện pháp đưa các em đi trường giáo dưỡng cũng phát huy hiệu quả tốt; biện pháp bắt buộc chữa bệnh có tính nhân đạo, vừa đưa người bán dâm đi chữa bệnh vừa tránh lây lan bệnh tật trong cộng đồng. Tuy nhiên, ĐB bày tỏ sự băn khoăn khi giao Tòa án thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC, vì nhân sự ngành Tòa án hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu, nên chăng cần giữ nguyên thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC như hiện nay. Về mức xử phạt, ĐB cho rằng không nên quy định ở nông thôn mức phạt thấp, thành phố mức phạt cao, như vậy là không hợp lý.

 

ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) bày tỏ quan điểm đồng ý phương án 2 trong Tờ trình của Chính phủ, việc giao cho ngành Tòa án thẩm quyền áp dụng các biện pháp XLHC là một vấn đề lớn cần có lộ trình thích hợp, trước mắt đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.

 

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, việc nhận định các cơ quan Tòa án không đủ nhân sự, năng lực để thực hiện thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC là chưa hợp lý. ĐB đề nghị luật cứ quy định giao thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC cho Tòa án, nhưng gia hạn cho Tòa án 2 năm để chuẩn bị nhân sự, bộ máy, sau đó mới triển khai thực hiện thẩm quyền này. Về mức xử phạt nên hợp lý, không nên phạt quá cao nhằm tránh tình trạng “cưa đôi” số tiền phạt giữa người thi hành công vụ và người vi phạm.

 

Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng dự thảo luật giao Chính phủ quy định quá nhiều, cần xem lại một cách nghiêm túc vấn đề này. Vừa qua, Quốc hội mở rộng thẩm quyền tố tụng hành chính cho ngành Tòa án đã thêm gánh nặng rất nhiều cho ngành Tòa án. Bây giờ giao thêm cho ngành Tòa án chức năng áp dụng biện pháp XLHC thì không hợp lý, vượt quá khả năng hiện nay của ngành Tòa án.

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng, việc quy định mức xử phạt hành chính 2 tỷ đồng là quá cao, vì với số tiền lớn như vậy có khi đã vi phạm pháp luật hình sự, nếu luật quy định dễ dẫn đến tình trạng “lách luật”. ĐB đề nghị nên xem lại chế định về tuổi vị thành niên hiện nay, nhất là đối với các trường hợp phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng mà đương sự chỉ thiếu 2-3 ngày nữa là đủ tuổi vị thành niên. Theo ĐB thì Luật Xử lý vi phạm hành chính là một dự luật rất quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống hằng ngày của nhân dân nên cần xem xét thận trọng.

 

PHẠM HỮU HOA(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

GS Đại học Hải quân Mỹ: Trung Quốc vi phạm căn bản luật quốc tế


 

nguyen ba thanh
Đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Thanh Vũ)

Sáng 21/6, cuộc hội thảo về an ninh Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ tiếp tục diễn ra với các phiên thảo luận đánh giá tính hiệu quả của các cơ chế an ninh trên biển hiện có tại Biển Đông và đề xuất chính sách nhằm tăng cường an ninh khu vực.

Đánh giá về các cơ chế hiện có để giải quyết tranh chấp, giáo sư Peter Dutton của Đại học Hải quân Mỹ cho rằng hiện có hai cơ chế là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).

“UNCLOS nói rõ rằng tuyên bố về quyền tài phán của một quốc gia đối với tài nguyên phải dựa trên yếu tố địa lý của đường bờ biển. Việc Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán trong đường chữ U, hay đường 9 khúc, mà không đề cập dù là gián tiếp đến các đặc điểm địa lý từ bờ biển hay đường cơ sở là một vi phạm căn bản luật quốc tế.”

Ông Dutton nhấn mạnh rằng đường chữ U là một trong hai nguồn chính gây căng thẳng trên Biển Đông.

Liên quan đến DOC, trong cuộc thảo luận trước đó, Giám đốc Chính trị và An ninh của Ban Thư ký ASEAN, ông Termsak Chalermpalanupap cho biết ASEAN đã 20 lần đưa ra dự thảo về hướng dẫn thực hiện DOC, nhưng đều bị Trung Quốc từ chối và hiện ASEAN đang chuẩn bị dự thảo thứ 21.

Tiến sỹ Dutton cho rằng không bao giờ thiếu những ý tưởng để giải quyết vấn đề, mà chỉ thiếu ý chí chính trị. “Các bên đều phải có nhượng bộ về chính trị, nếu không sẽ dẫn đến việc nước mạnh hơn sẽ làm những gì có thể làm và nước nhỏ làm điều phải làm.”

Chung quan điểm này, tiến sỹ Stein Tonnesson thuộc Viện Hòa bình Oslo của Nauy đề xuất một số điểm ông cho rằng các quốc gia có thể nhượng bộ để giải quyết tranh chấp.

Ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho rằng cần thúc đẩy hợp tác về biển và quân sự dưới hình thức tuần tra chung, diễn tập chung với sự tham gia của Trung Quốc, ASEAN và các nước có liên quan; đồng thời các bên cần công khai, minh bạch, giảm mua sắm vũ trang và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin.

Về cơ chế “khai thác chung,” hầu hết các học giả đều nhận định rằng cơ chế này đã không phát huy tác dụng, bởi các bên không thống nhất với nhau trong việc xác định đâu là khu vực tranh chấp, đâu là khu vực không có tranh chấp.

Cuộc hội thảo diễn ra trong hai ngày 20 và 21/6, với sự tham gia của hơn 100 học giả, quan chức ngoại giao và nhà báo quốc tế.

Một số quan chức cấp cao như Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain, Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia John Negroponte đã có bài phát biểu quan trọng, kêu gọi việc giải quyết tranh chấp bằng các cơ chế đa phương và luật pháp quốc tế./.

Đỗ Thúy


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

An toàn vệ sinh lao động: Thanh tra nhiều, vi phạm không giảm


Nhân tháng An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ năm 2011 (từ ngày 1-3 đến 15-4), Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đã thanh tra 19 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật lao động…

Lỗi sai phạm: “vũ như cẩn”!
Trong 19 doanh nghiệp mà đoàn thanh tra đợt này, có 16 đơn vị là công ty cổ phần, 2 công ty TNHH và 1 hợp tác xã. Tổng số lao động đến thời điểm kiểm tra có trên 2 ngàn người, trong đó có gần 500 lao động nữ, chiếm 22% trên tổng số.
Theo cán bộ thanh tra trong đoàn, những lỗi vi phạm năm nay vẫn là những lỗi mà hầu hết các doanh nghiệp đã mắc phải trong những lần kiểm tra trước. Chẳng hạn: Có 8 đơn vị chưa xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc đã xây dựng nhưng chưa đăng ký theo quy định; 5 đơn vị chưa xây dựng và đăng ký thang, bảng lương theo quy định là: Công ty CP XL Bưu điện miền Trung, Công ty CP Xây dựng miền Trung, Nhà máy sản xuất thép Tấn Quốc, Công ty CP XL và CN tàu thủy miền Trung, Công ty CP XD Sông Hồng Đà Nẵng. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến những vi phạm trong việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ tranh chấp, đình công trong những năm gần đây do không bảo đảm quyền lợi, thu nhập cho người lao động như thỏa thuận.

Công ty TNHH Daiwa Việt Nam là một trong những đơn vị thực hiện tốt chính sách BHXH cho người lao động.

Hầu hết các doanh nghiệp được thanh tra lần này không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng chưa đúng về công tác an toàn vệ sinh lao động. Đã có 12 doanh nghiệp không thực hiện báo cáo định kỳ về bảo hộ lao động và tai nạn lao động theo quy định; 8 doanh nghiệp chưa xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động; 9 đơn vị chưa thành lập hội đồng bảo hộ lao động, 11 doanh nghiệp chưa thực hiện công tác  huấn luyện định kỳ cho lao động đang làm việc… Đặc biệt, trong khi thanh tra, đoàn đã phát hiện 9 thiết bị cần có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn của 4 đơn vị: Công ty TNHH SX&TM Hải Vy, Nhà máy Sản xuất thép Tấn Quốc, Công ty CP Muối và thương mại miền Trung; Công ty CP Dinco nhưng chưa được đăng ký và kiểm định. Bên cạnh đó, còn có 13 đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại. 4 doanh nghiệp là Công ty CP XD giao thông 325, Công ty CP XD miền Trung, Công ty CP Công nghệ Tâm Hợp nhất và Công ty CP Cơ khí XD công trình 623 tại Đà Nẵng đã chưa cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, 10 đơn vị khác chưa thực hiện khám sức khỏe định kỳ và lưu hồ sơ cho lao động, 15 đơn vị không có cán bộ y tế doanh nghiệp…

Xử lý và tái phạm?
Qua đợt thanh tra này, đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp. Trong đó có 2 đơn vị là Công ty CP Dinco và HTX Sản xuất sắt Thanh Tín bị xử phạt về hành vi vi phạm pháp luật lao động với số tiền 15 triệu đồng; 3 đơn vị khác là Công ty CP XD Sông Hồng Đà Nẵng, Công ty CP XD Bưu điện miền Trung và Công ty CP cơ khí XD công trình 623 tại Đà Nẵng số tiền gần 10 triệu đồng… Ngoài ra, đoàn cũng đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định cũng như áp dụng pháp luật lao động trong các trường hợp cụ thể về lao động, tiền lương, BHXH, công tác an toàn lao động…
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết: “Năm nào Sở cũng tổ chức 2-3 cuộc thanh tra về việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, riêng công tác kiểm tra luôn là công việc thường xuyên. Trong lần thanh tra này, có 1.577 lao động được đóng BHXH (chiếm tỷ lệ cao 99,8%). Đây là con số đáng mừng. Tuy nhiên, các đơn vị cũng vẫn mắc phải những lỗi vi phạm như những lần trước. Hầu hết các doanh nghiệp đều sai sót trong ghi hợp đồng lao động, ảnh hưởng quyền lợi của người lao động. Nhiều tổ chức Công đoàn chưa bảo vệ được quyền lợi cho người lao động”. Như vậy, “đến hẹn lại lên” các đợt thanh, kiểm tra hằng năm không ít nhưng các hành vi vi phạm pháp luật lao động vẫn còn nhiều, quyền lợi của người lao động không được bảo đảm. Đó là bởi chế tài chưa đủ mạnh, mức phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các đơn vị.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

(Theo www.nguyenbathanh.com)