Hiển thị các bài đăng có nhãn thảo luận. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn thảo luận. Hiển thị tất cả bài đăng

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh thảo luận ở tổ về dự án Luật Giám định tư pháp


Chiều 15-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Giám định tư pháp. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên và thành phố Cần Thơ.

images727907 TTXVN Đồng chí Nguyễn Bá Thanh thảo luận ở tổ về dự án Luật Giám định tư pháp

Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng tham gia thảo luận ở tổ chiều 15-11. Ảnh: TTXVN

Chủ trì thảo luận, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến những vấn đề lớn của dự án luật như phạm vi điều chỉnh, quyền yêu cầu giám định của đương sự trong vụ việc dân sự, hành chính; cơ cấu tổ chức, địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ của các tổ chức GĐTP; việc xã hội hóa hoạt động GĐTP; về hội đồng GĐTP, kết luận GĐTP và trách nhiệm người đứng đầu tổ chức GĐTP; chế độ đối với người GĐTP; chính sách đối với hoạt động GĐTP; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động GĐTP.

 

Về vấn đề có nên giữ lại bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh hay không, các vị đại biểu Quốc hội có nhiều quan điểm khác nhau.

 

ĐB Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cho rằng, hoạt động giám định pháp y cần có cơ sở vật chất, đội ngũ bác sĩ giỏi của ngành Y tế. Hiện nay, 63/63 tỉnh đều có pháp y y tế, riêng pháp y công an thì vẫn còn 13 tỉnh chưa có. Theo ĐB, pháp y y tế có cả đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đầu ngành, nên đã đến lúc cần đặt pháp y vào đúng vị trí, đúng chuyên môn như Điều 13, quy định tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y bao gồm Viện Pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm Pháp y tỉnh; Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm Giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. ĐB đề nghị luật cần quy định rõ khi có mâu thuẫn giữa kết luận giám định pháp y công lập và tư nhân thì giải quyết thế nào? Đồng thời, ĐB cũng đề nghị quy định rõ việc thành lập hội đồng giám định lại.

 

ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) bày tỏ quan điểm nhất trí với quy định tại Điều 1 và Điều 24 dự thảo luật, cho phép các bên đương sự trong vụ án dân sự, hành chính được quyền trưng cầu GĐTP, nhưng đề nghị bổ sung theo hướng cho phép đương sự trong vụ án hình sự cũng được quyền yêu cầu GĐTP nếu yêu cầu đó không liên quan đến vấn đề xác định tội danh hay vấn đề chịu trách nhiệm hình sự. Về xã hội hóa GĐTP, ĐB nhất trí như quy định dự thảo luật. Riêng về Điều 13 dự thảo luật quy định theo hướng bỏ bộ phận giám định pháp y của Công an cấp tỉnh, ĐB đề nghị nên cân nhắc giữ lại như hiện nay, vì lĩnh vực này luật chưa cho xã hội hóa.

 

ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng, GĐTP là công cụ quan trọng phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, góp phần giải quyết các vụ án chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Theo ĐB, dự thảo luật có nhiều điểm mới rất cần thiết và quan trọng như đổi mới mô hình tổ chức GĐTP trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần; tạo cơ chế đáp ứng yêu cầu giám định hiện nay; có chính sách tôn vinh, đãi ngộ đối với ngành GĐTP; tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực GĐTP; quy định rõ trách nhiệm của giám định viên tư pháp… Tuy nhiên, về vấn đề xã hội hóa GĐTP, ĐB đề nghị cần nghiên cứu thật sự nghiêm túc, có chế tài cụ thể, bảo đảm tính hiệu quả cao khi thực hiện.

 

ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đề nghị giữ lại bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, vì pháp y công an có đặc thù riêng, luôn lên đường làm nhiệm vụ cho dù nắng, mưa hay bão lũ.

 

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, Điều 8 dự án luật quy định thời hạn công tác thực tế để đề nghị bổ nhiệm chức danh giám định viên chỉ có 5 năm là quá ít, đề nghị luật cần quy định thời hạn này ít nhất từ 10 năm trở lên. Về vấn đề bồi thường, ĐB đề nghị luật cần quy định rõ tổ chức GĐTP ban hành kết quả giám định sai thì bồi thường thế nào, không nên ghi chung chung như dự thảo luật.

 

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng, trong những năm qua, lực lượng pháp y công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, phục vụ kịp thời yêu cầu điều tra, đấu tranh, phát hiện tội phạm, nhất là việc điều tra những vụ trọng án. Do đó, ĐB đề nghị cần phải tiếp tục duy trì bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh. Theo ĐB thì công tác giám định pháp y trong thực tế rất vất vả, nhất là việc giám định thi thể những người đã chết 2 – 3 ngày. Anh em làm công tác giám định pháp y trong ngành Công an đã không quản ngại khó khăn, mưa, nắng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lực lượng này đang hoạt động có hiệu quả, có kinh nghiệm, ngoài kiến thức pháp y còn có kiến thức về kỹ thuật hình sự, có tính kỷ luật cao, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu giám định. Do đó, ĐB cho rằng, giao cho ngành Công an tiếp tục thực hiện công tác giám định pháp y thì chỉ có lợi, nhất là trong tình hình hiện nay.

 

Các vị đại biểu Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng), Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) đều bày tỏ quan điểm ủng hộ việc giữ lại bộ phận pháp y Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như hiện nay.

 

PHẠM HỮU HOA


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ông Nguyễn Bá Thanh tham gia thảo luận về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính


Chiều 10-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên và thành phố Cần Thơ.

images726518 Than Duc Nam Ông Nguyễn Bá Thanh tham gia thảo luận về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính

ĐBQH Thân Đức Nam thảo luận ở tổ.

Chủ trì thảo luận, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến những vấn đề lớn của Luật như phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (XLHC); vấn đề giao Tòa án thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp XLHC; mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính; việc bỏ quy định đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh; các hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả; các chức danh có thẩm quyền xử phạt và cách quy định thẩm quyền xử phạt theo tỷ lệ phần trăm so với mức phạt tiền tối đa; vấn đề giao Chính phủ quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng một hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương.

 

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị tiếp tục duy trì việc quy định biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh là biện pháp XLHC, vì nếu không quy định biện pháp này thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn mại dâm, ma túy hiện nay. Theo ĐB thì đây cũng là biện pháp cần thiết và hiệu quả để quản lý trật tự xã hội.

 

ĐB cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, biện pháp bắt buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh được áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn nghiện ma túy hoặc người bán dâm thường xuyên có độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn tái phạm hoặc không có nơi cư trú nhất định. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma túy cũng quy định một trong những hình thức cai nghiện là cai nghiện ma túy bắt buộc.

 

Luật Phòng, chống ma túy vẫn xác định người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì phải áp dụng biện pháp XLHC là đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. ĐB cho rằng nếu bãi bỏ biện pháp hành chính này trong dự án luật thì sẽ không có các trình tự, thủ tục mang tính cưỡng chế đủ mạnh để đưa đối tượng nêu trên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

 

ĐB đề nghị nên giao Bộ Công an quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, vì hiện nay phần lớn các vụ việc vi phạm hành chính do Công an giải quyết. Bên cạnh đó, bộ máy giúp việc của Bộ Công an trong lĩnh vực này là Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã được kiện toàn, có thể bảo đảm tốt công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, Bộ Tư pháp mới chỉ có một vụ giúp việc là Vụ Hành chính – Hình sự. Vì vậy, đề nghị luật quy định theo hướng giao Bộ Tư pháp có chức năng phối hợp với Bộ Công an trong công tác thi hành pháp luật về XLHC. Theo ĐB thì đây là vấn đề rất quan trọng, đề nghị Quốc hội cần xem xét thận trọng trước khi quyết định, bởi lẽ khi giao nhiệm vụ này cho Bộ Tư pháp thì sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề như tăng biên chế để thực hiện nhiệm vụ từ cấp xã, phường trở lên, trình độ, kinh nghiệm…

 

ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đề nghị luật quy định theo hướng việc XLHC nên dứt điểm, tránh tình trạng cùng một hành vi vi phạm nơi này đã xử phạt rồi cho đi, đến nơi khác lại phạt tiếp… ĐB đề nghị cần nghiên cứu có chế tài quy định theo hướng đã xử phạt rồi thì hành vi đó phải chấm dứt ngay sau khi xử phạt.

 

ĐB Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng, biện pháp giáo dục tại xã, phường từ trước đến nay rất hiệu quả, hợp lý; biện pháp đưa các em đi trường giáo dưỡng cũng phát huy hiệu quả tốt; biện pháp bắt buộc chữa bệnh có tính nhân đạo, vừa đưa người bán dâm đi chữa bệnh vừa tránh lây lan bệnh tật trong cộng đồng. Tuy nhiên, ĐB bày tỏ sự băn khoăn khi giao Tòa án thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC, vì nhân sự ngành Tòa án hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu, nên chăng cần giữ nguyên thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC như hiện nay. Về mức xử phạt, ĐB cho rằng không nên quy định ở nông thôn mức phạt thấp, thành phố mức phạt cao, như vậy là không hợp lý.

 

ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) bày tỏ quan điểm đồng ý phương án 2 trong Tờ trình của Chính phủ, việc giao cho ngành Tòa án thẩm quyền áp dụng các biện pháp XLHC là một vấn đề lớn cần có lộ trình thích hợp, trước mắt đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.

 

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, việc nhận định các cơ quan Tòa án không đủ nhân sự, năng lực để thực hiện thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC là chưa hợp lý. ĐB đề nghị luật cứ quy định giao thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC cho Tòa án, nhưng gia hạn cho Tòa án 2 năm để chuẩn bị nhân sự, bộ máy, sau đó mới triển khai thực hiện thẩm quyền này. Về mức xử phạt nên hợp lý, không nên phạt quá cao nhằm tránh tình trạng “cưa đôi” số tiền phạt giữa người thi hành công vụ và người vi phạm.

 

Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng dự thảo luật giao Chính phủ quy định quá nhiều, cần xem lại một cách nghiêm túc vấn đề này. Vừa qua, Quốc hội mở rộng thẩm quyền tố tụng hành chính cho ngành Tòa án đã thêm gánh nặng rất nhiều cho ngành Tòa án. Bây giờ giao thêm cho ngành Tòa án chức năng áp dụng biện pháp XLHC thì không hợp lý, vượt quá khả năng hiện nay của ngành Tòa án.

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng, việc quy định mức xử phạt hành chính 2 tỷ đồng là quá cao, vì với số tiền lớn như vậy có khi đã vi phạm pháp luật hình sự, nếu luật quy định dễ dẫn đến tình trạng “lách luật”. ĐB đề nghị nên xem lại chế định về tuổi vị thành niên hiện nay, nhất là đối với các trường hợp phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng mà đương sự chỉ thiếu 2-3 ngày nữa là đủ tuổi vị thành niên. Theo ĐB thì Luật Xử lý vi phạm hành chính là một dự luật rất quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống hằng ngày của nhân dân nên cần xem xét thận trọng.

 

PHẠM HỮU HOA(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)