Hiển thị các bài đăng có nhãn vệ sinh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn vệ sinh. Hiển thị tất cả bài đăng

An toàn vệ sinh lao động: Thanh tra nhiều, vi phạm không giảm


Nhân tháng An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ năm 2011 (từ ngày 1-3 đến 15-4), Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đã thanh tra 19 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật lao động…

Lỗi sai phạm: “vũ như cẩn”!
Trong 19 doanh nghiệp mà đoàn thanh tra đợt này, có 16 đơn vị là công ty cổ phần, 2 công ty TNHH và 1 hợp tác xã. Tổng số lao động đến thời điểm kiểm tra có trên 2 ngàn người, trong đó có gần 500 lao động nữ, chiếm 22% trên tổng số.
Theo cán bộ thanh tra trong đoàn, những lỗi vi phạm năm nay vẫn là những lỗi mà hầu hết các doanh nghiệp đã mắc phải trong những lần kiểm tra trước. Chẳng hạn: Có 8 đơn vị chưa xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc đã xây dựng nhưng chưa đăng ký theo quy định; 5 đơn vị chưa xây dựng và đăng ký thang, bảng lương theo quy định là: Công ty CP XL Bưu điện miền Trung, Công ty CP Xây dựng miền Trung, Nhà máy sản xuất thép Tấn Quốc, Công ty CP XL và CN tàu thủy miền Trung, Công ty CP XD Sông Hồng Đà Nẵng. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến những vi phạm trong việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ tranh chấp, đình công trong những năm gần đây do không bảo đảm quyền lợi, thu nhập cho người lao động như thỏa thuận.

Công ty TNHH Daiwa Việt Nam là một trong những đơn vị thực hiện tốt chính sách BHXH cho người lao động.

Hầu hết các doanh nghiệp được thanh tra lần này không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng chưa đúng về công tác an toàn vệ sinh lao động. Đã có 12 doanh nghiệp không thực hiện báo cáo định kỳ về bảo hộ lao động và tai nạn lao động theo quy định; 8 doanh nghiệp chưa xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động; 9 đơn vị chưa thành lập hội đồng bảo hộ lao động, 11 doanh nghiệp chưa thực hiện công tác  huấn luyện định kỳ cho lao động đang làm việc… Đặc biệt, trong khi thanh tra, đoàn đã phát hiện 9 thiết bị cần có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn của 4 đơn vị: Công ty TNHH SX&TM Hải Vy, Nhà máy Sản xuất thép Tấn Quốc, Công ty CP Muối và thương mại miền Trung; Công ty CP Dinco nhưng chưa được đăng ký và kiểm định. Bên cạnh đó, còn có 13 đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại. 4 doanh nghiệp là Công ty CP XD giao thông 325, Công ty CP XD miền Trung, Công ty CP Công nghệ Tâm Hợp nhất và Công ty CP Cơ khí XD công trình 623 tại Đà Nẵng đã chưa cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, 10 đơn vị khác chưa thực hiện khám sức khỏe định kỳ và lưu hồ sơ cho lao động, 15 đơn vị không có cán bộ y tế doanh nghiệp…

Xử lý và tái phạm?
Qua đợt thanh tra này, đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp. Trong đó có 2 đơn vị là Công ty CP Dinco và HTX Sản xuất sắt Thanh Tín bị xử phạt về hành vi vi phạm pháp luật lao động với số tiền 15 triệu đồng; 3 đơn vị khác là Công ty CP XD Sông Hồng Đà Nẵng, Công ty CP XD Bưu điện miền Trung và Công ty CP cơ khí XD công trình 623 tại Đà Nẵng số tiền gần 10 triệu đồng… Ngoài ra, đoàn cũng đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định cũng như áp dụng pháp luật lao động trong các trường hợp cụ thể về lao động, tiền lương, BHXH, công tác an toàn lao động…
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết: “Năm nào Sở cũng tổ chức 2-3 cuộc thanh tra về việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, riêng công tác kiểm tra luôn là công việc thường xuyên. Trong lần thanh tra này, có 1.577 lao động được đóng BHXH (chiếm tỷ lệ cao 99,8%). Đây là con số đáng mừng. Tuy nhiên, các đơn vị cũng vẫn mắc phải những lỗi vi phạm như những lần trước. Hầu hết các doanh nghiệp đều sai sót trong ghi hợp đồng lao động, ảnh hưởng quyền lợi của người lao động. Nhiều tổ chức Công đoàn chưa bảo vệ được quyền lợi cho người lao động”. Như vậy, “đến hẹn lại lên” các đợt thanh, kiểm tra hằng năm không ít nhưng các hành vi vi phạm pháp luật lao động vẫn còn nhiều, quyền lợi của người lao động không được bảo đảm. Đó là bởi chế tài chưa đủ mạnh, mức phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các đơn vị.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

(Theo www.nguyenbathanh.com)