Hiển thị các bài đăng có nhãn Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng

Ông Nguyễn Bá Thanh: cán bộ phải tâm huyết với phong trào, có bản lĩnh, lòng trắc ẩn


Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố tại Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố lần thứ XII)

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng,

Thưa đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,

Thưa các đồng chí đại biểu cùng toàn thể chị em thân mến,

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Hôm nay, Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố lần thứ XII long trọng khai mạc. Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi nhiệt liệt chào mừng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các vị khách mời, chào mừng 205 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 141.000 hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ toàn thành phố về dự Đại hội. Xin gửi đến các đồng chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Trong thời gian qua, đồng hành với sự phát triển của thành phố, trăn trở với những khó khăn của cuộc sống, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã thực sự tập hợp, đoàn kết được đông đảo phụ nữ tham gia vào các phong trào do Hội phát động. Nhiều chương trình, phong trào và mô hình hoạt động đã được triển khai một cách sâu rộng, chứng tỏ được tính bền vững và có hiệu quả cao như phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” hay sáng kiến “Quỹ góp vốn quay vòng”. Quan trọng hơn, Hội đã có sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả trong hướng dẫn cách làm ăn, tạo việc làm cho nhiều chị em, góp phần tích cực vào thành công của chương trình “xóa đói giảm nghèo” của thành phố. Có thể nói, qua hoạt động của các cấp Hội, kết quả nổi bật nhất chính là rất nhiều mảnh đời phụ nữ gặp khó khăn trong cuộc sống đã có được mái ấm hạnh phúc, nhiều trẻ em hư, lang thang cơ nhỡ đã trở lại trường học, nhiều phụ nữ cô đơn được chăm sóc, nhiều gia đình có nguy cơ ly tán được sum họp. Công lao ấy, nỗ lực ấy rất đáng trân trọng và đó chính là minh chứng rõ nét cho sự nhiệt tình, tận tụy của các cán bộ Hội từ cấp thành phố xuống tới cơ sở.

Có thể nói, nhờ vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với công tác phụ nữ vào thực tiễn sinh động của phong trào phụ nữ thành phố, với nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, đội ngũ cán bộ Hội đã giúp hoạt động của các cấp Hội sôi nổi hơn, dần thoát khỏi tình trạng thụ động, cầm chừng và hình thức. Chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng rằng, Hội sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố, đặc biệt là trong vận động nhân dân thực hiện thành công các chủ trương lớn như giải tỏa, đền bù, tái định cư, chỉnh trang đô thị, tạo công ăn việc làm và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, làm cho diện mạo của thành phố ngày càng hiện đại và giàu mạnh.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương những thành tích cùng sự đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ và các cấp Hội vào sự phát triển chung của thành phố. Cũng nhân dịp này, tôi xin gửi lời cảm ơn tới Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo kịp thời, dành sự ưu ái và hỗ trợ to lớn đối với phong trào phụ nữ thành phố Đà Nẵng.

Thưa Đại hội,

Thành quả mà Hội đạt được rất đáng trân trọng và sẽ luôn được lãnh đạo cùng nhân dân thành phố ghi nhận. Thành quả đó cần tiếp tục được phát huy dù hoạt động của các cấp Hội đang còn nhiều khó khăn, thách thức. Những đòi hỏi cấp bách từ cuộc sống, những trở ngại về cách thức tiếp cận trong hoạt động phong trào, những khó khăn về tập hợp lực lượng cần được phân tích và đánh giá nghiêm túc để từ đó Hội xây dựng được những chương trình hành động sát thực và có sức thu hút.

Với tinh thần đó, trong nhiệm kỳ đến, Hội cần chú trọng các nội dung sau:

Thứ nhất, các chương trình, phong trào của Hội cần tập trung ưu tiên gắn liền với các chương trình lớn của thành phố, đặc biệt là các chương trình thành phố “5 không”, thành phố “3 có”. Thành phố không đề nghị Hội phải nghiên cứu, xây dựng chương trình hành động để hoàn thành tất cả các mục tiêu của hai chương trình nêu trên. Ở đây tính chủ động và sáng tạo cần được phát huy để Hội có thể xây dựng thành những nội dung hoạt động phù hợp với đặc điểm của mình.

Bằng kỹ năng vận động thuyết phục, bằng khả năng kết nối và hơn hết bằng sự bền bỉ, tình cảm và lòng trắc ẩn của người phụ nữ, là những người mẹ, người cô, người chị, các cấp Hội cũng như mỗi hội viên phụ nữ hoàn toàn có thể thực hiện tốt và hiệu quả hơn nữa các nội dung như hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ phụ nữ diện hộ đặc biệt nghèo, hướng nghiệp, chuyển đổi ngành nghề cho phụ nữ thuộc diện giải tỏa, tái định cư; hỗ trợ phụ nữ đơn thân, phụ nữ nuôi con một mình có nhà ở; giúp đỡ học sinh bỏ học, thiếu niên hư, chậm tiến quay lại trường học.

Cần lưu ý rằng, các chương trình “5 không” và “3 có” của thành phố không thể đứng riêng lẻ và tách rời nhau. Chính vì vậy, bên cạnh những mục tiêu hết sức cụ thể đối với mỗi hoạt động, Hội cần có một cái nhìn tổng thể để làm sao ở mỗi giai đoạn nhất định, đều có sự tương hỗ và sự tiếp sức để các hội viên, đối tượng cũng như cộng đồng luôn nhận được hỗ trợ thiết thực và kịp thời để hòa nhập với cuộc sống.

Thứ hai, Hội cần phải đóng vai trò là đơn vị chủ công trong đấu tranh phòng, chống và giải quyết nạn bạo hành trong gia đình, đặc biệt là bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em. Chúng ta không thể tự hào về một Đà Nẵng đang từng bước trở nên văn minh và hiện đại khi đâu đó còn diễn ra tình cảnh những người vợ, những đứa con thường xuyên phải hứng chịu những trận đòn quằn thân, những lời xỉ vả cay nghiệt và những bạo hành về tinh thần. Để giải quyết toàn diện và triệt để vấn nạn nhức nhối trên không chỉ đơn giản là xử lý nhanh các vụ việc theo đơn thư của nạn nhân, càng không phải là việc ra tay hành động khi cái ác trong gia đình đã được đưa ra công luận. Tôi cho rằng, số lượng các vụ bạo lực gia đình được biết đến qua các báo cáo chính thức là rất nhỏ bé so với sự thật đằng sau những cánh cửa khép kín do sự che giấu của chính nạn nhân hoặc sự vô cảm của cộng đồng.

Chính vì vậy, tôi thực sự trông cậy Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố sẽ đi đầu trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết triệt để tình trạng này. Thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, mở các lớp kỹ năng tổ chức gia đình, Hội cần tuyên truyền rộng rãi để quần chúng hiểu biết về quy định của pháp luật; mặt khác, cần chủ động hoàn thiện quy trình xử lý bạo lực gia đình; phải dày công tìm hiểu tình hình thực tế, nắm bắt trong cộng đồng những phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bạo hành để có phương án ngăn chặn từ sớm; phải dứt khoát xóa bỏ tâm lý “đèn nhà ai nấy rạng”, coi chuyện bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi nhà mà phải coi đây là một vấn đề xã hội, làm sao phơi bày chân thực hiện trạng bạo lực gia đình để công luận và xã hội cùng lên án. Đặc biệt, phải xây dựng các cấp Hội cơ sở thực sự trở thành chỗ dựa đầy tin cậy và trách nhiệm cho những nạn nhân, đồng thời phải là những tổ chức kiên trì và nhẫn nại theo dõi đến cùng việc xử lý bạo lực gia đình.

Như vậy, có thể nói, các vấn đề kinh tế, xã hội, đô thị hóa của thành phố đang đặt ra cho Hội rất nhiều điều cần giải quyết. Tự hào được sống trong một thành phố đang thay đổi và đi lên từng ngày, chúng ta cũng cần thấy được trách nhiệm nặng nề làm sao giúp phụ nữ và trẻ nhỏ trên toàn thành phố được hưởng một cuộc sống an toàn và có chất lượng hơn. Chừng nào vẫn còn những phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân không nhà cửa; chừng nào vẫn còn đơn thư tố cáo về bạo lực gia đình được gửi lên các cấp Hội hay lãnh đạo thành phố, chừng nào vẫn còn trẻ em lang thang đường phố thì lúc đó hoạt động của các cấp Hội vẫn còn phải có trách nhiệm, chủ động và cải tiến hơn nữa.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ ba là tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức Hội các cấp một cách hợp lý và hiệu quả. Hiện nay, tôi nhận thấy có sự thiếu ổn định về cán bộ Hội các cấp. Nhiều cán bộ Hội có kinh nghiệm, có nhiệt huyết nhưng đã lớn tuổi, và sức khỏe hạn chế. Trong khi đó, số cán bộ Hội còn trẻ có trình độ, nhạy bén thì lại thiếu kinh nghiệm. Điều này đòi hỏi Hội Liên hiệp Phụ nữ phải tiếp tục chủ động trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện có theo hướng chuyên nghiệp. Trong bối cảnh mới, yêu cầu đặt ra đối với người cán bộ Hội như sau:

- Một là, tâm huyết với phong trào, có bản lĩnh, có lòng trắc ẩn, mạnh dạn xuất hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong giải quyết các “điểm nóng”, các vấn đề bất cập nảy sinh trong quá trình phát triển thành phố.

- Hai là, được đào tạo bài bản về các kỹ năng hoạt động Hội. Người cán bộ Hội tiêu biểu có thể là cán bộ dự án chuyên nghiệp nhưng cũng đồng thời là một cán bộ tuyên truyền có sức thuyết phục, sức cảm hóa và cũng là một người chị, người mẹ biết động viên, hòa giải, vỗ về những gia đình hay những chị em, những cháu nhỏ gặp phải những bất hạnh trong cuộc sống.

- Ba là, đối với các cấp Hội thành phố và quận, huyện, cần coi cơ sở, khu dân cư là cơ quan làm việc thứ hai của mình, cần nắm bắt sâu sát các chương trình, phong trào đang triển khai, cập nhật những vướng mắc để giải quyết kịp thời và thấu đáo nhằm chăm lo thiết thực quyền lợi của hội viên. Đây sẽ là cách thức hiệu quả nhất để giúp người cán bộ Hội không mắc phải căn bệnh quan liêu, hành chính hóa trong phong trào.

Thưa Đại hội,

Thưa các đồng chí đại biểu,

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố lần thứ XII cũng là dịp để các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành kiểm điểm, đánh giá lại công tác lãnh đạo và sự quan tâm của mình đối với phong trào phụ nữ. Chính vì vậy, tôi cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phong trào phụ nữ thành phố không ngừng phát triển, đáp ứng được những yêu cầu của tình hình mới và thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội đã đề ra.

Cùng với niềm vinh dự tự hào về lịch sử vẻ vang và phẩm chất cao đẹp, truyền thống anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang của phụ nữ Việt Nam, tự hào sống trong thành phố ngày càng phát triển, chúng ta càng phải nhận thức sâu sắc hơn nữa về trách nhiệm nặng nề của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố trong chặng đường sắp tới. Tôi tin tưởng rằng, sự năng động, sáng tạo, trí tuệ và trách nhiệm cao, lực lượng phụ nữ thành phố sẽ đoàn kết, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, chăm lo tốt hơn chất lượng cuộc sống phụ nữ, đưa phong trào phụ nữ toàn thành phố có những bước phát triển mới, góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thành phố thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ đã đề ra và tạo đà cho sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa của thành phố trong giai đoạn tới.

Cuối cùng, xin kính chúc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sức khỏe và trường thọ, xin chúc các đồng chí đại biểu, quý vị khách mời mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành đạt.

Theo DaNang


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tiếp Thường trực Hội Cựu chiến binh Việt Nam


Chiều 19-9, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã có buổi tiếp Thường trực Trung ương Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam do Trung tướng Trần Hanh, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội dẫn đầu. Cùng dự có các đồng chí: Trần Đình Liễn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Đại tá Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội CCB thành phố.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tặng quà lưu niệm cho Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tặng quà lưu niệm cho Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Tại buổi tiếp, đồng chí Nguyễn Bá Thanh bày tỏ vui mừng trước sự lớn mạnh về tổ chức và uy tín của Hội CCB Việt Nam; từ đó góp tiếng nói tích cực trên các mặt đời sống xã hội và công tác xây dựng Đảng. Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng đánh giá cao vai trò, vị trí của các cấp Hội CCB thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua đã luôn hỗ trợ, vận động thực hiện tốt các chủ trương, chính sách lớn của thành phố, tạo sự đồng thuận và phát triển mạnh mẽ của Đà Nẵng trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời lãnh đạo thành phố luôn tạo điều kiện cho sự phát triển của tổ chức Hội, quan tâm giải quyết những khó khăn trong hoạt động của Hội cũng như đời sống của hội viên.

Trung tướng Trần Hanh phát biểu cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện tích cực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng trong quá trình hoạt động, phát triển của Hội CCB Việt Nam nói chung và các cấp Hội CCB thành phố Đà Nẵng nói riêng. Trong sự hỗ trợ đó, Hội nghị Ban Thường vụ Hội CCB Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng trong thời điểm này có ý nghĩa quan trọng trong việc chuẩn bị các nội dung cho Đại hội điểm Hội CCB ở cơ sở, tiến tới tổ chức thành công Đại hội Hội CCB các cấp trong năm 2012.

N.T(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tiếp Đại sứ Hòa Kỳ David B. Shear


Sáng 7-9, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng đã có buổi tiếp Ngài David B. Shear, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh chào mừng chuyến thăm của Đại sứ Hoa Kỳ David B. Shear.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh chào mừng chuyến thăm của Đại sứ Hoa Kỳ David B. Shear.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh bày tỏ lời chào mừng nồng nhiệt chuyến thăm của tân Đại sứ Hoa Kỳ đến Đà Nẵng và chúc Ngài Đại sứ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong thời gian công tác tại Việt Nam; để từ đó mối quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp. Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng mong muốn với vai trò của mình, Ngài Đại sứ David B. Shear tác động thúc đẩy các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Đà Nẵng ngày càng nhiều hơn, đồng thời quan tâm đến dự án Bệnh viện Ung thư đang được tiến hành xây dựng và hoàn thành vào năm 2012, bởi đây là bệnh viện lớn đầu tiên của Việt Nam hoạt động phi lợi nhuận; tác động đến Chính phủ Hoa Kỳ trong việc trích một phần kinh phí của chương trình tẩy độc chất da cam/dioxin tại Sân bay Đà Nẵng để ủng hộ từ thiện cho bệnh viện này…

Cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Ngài Đại sứ David B. Shear cho biết, đây là chuyến thăm đầu tiên tại Việt Nam (ngoài Hà Nội) sau thời gian nhậm chức tại một trong những thành phố được xem là quản lý tốt nhất Việt Nam. Ngài Đại sứ Hoa Kỳ khẳng định sẽ thực hiện tốt vai trò của mình trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng phát triển; mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp vào Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng; tập trung vào hợp tác song phương về giáo dục, y tế… Với sự quan tâm sâu sắc đến việc chăm sóc sức khỏe con người, Ngài Đại sứ David B. Shear cam kết mạnh mẽ trong các hoạt động xử lý chất độc da cam/dioxin tại Sân bay Đà Nẵng, hỗ trợ cho người khuyết tật và hợp tác triển khai các giải pháp của dự án Bệnh viện Ung thư bởi tầm quan trọng đặc biệt của dự án này.

Trong chuyến thăm tại Đà Nẵng, Đại sứ Hoa Kỳ David B. Shear cho biết sẽ đến thăm địa điểm xử lý ô nhiễm ở Sân bay Đà Nẵng, thăm Bệnh viện Chỉnh hình, dự lễ hồi hương di hài quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam…

N. Thành (theo báo Đà Nẵng)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Hội thảo “Cải cách chính quyền địa phương – chia sẻ kinh nghiệm Việt Nam và Đức”


Hai Viện khoa học của Việt Nam và Đức vừa tổ chức hội thảo nhằm tìm hiểu những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình cải cách chính quyền địa phương.

nguyen ba thanh
Toàn cảnh hội thảo

Trong hai ngày 7-8/7/2011, tại Đà Nẵng, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp cùng Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) của Đức tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Cải cách chính quyền địa phương – chia sẻ kinh nghiệm Việt Nam và CHLB Đức”

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI với các yêu cầu liên quan đến cải cách chính quyền, sẽ là phương diện pháp lý để có những kiến nghị sửa đổi ở tầm hiến pháp liên quan đến cải cách chính quyền địa phương. Trong đó có nhiều vấn đề đặt ra  mà hiện nay Việt Nam rất quan tâm như phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ; sự phân cấp giữa Trung ương và địa phương; nguyên tắc phân công và phối hợp quyền lực có được áp dụng ở địa phương hay không…

Ông Stefan Urban, Giám đốc dự án của Viện KAS khẳng định, với kinh nghiệm về các vấn đề dân chủ hóa, nhà nước pháp quyền …, Viện KAS sẽ hỗ trợ Viện Nhà nước và Pháp luật cùng nghiên cứu những vấn đề liên quan đến cải cách chính quyền để giúp Việt Nam  góp phần nâng cao hiệu quả bộ máy tổ chức.

Hội thảo đã được nghe các nhà khoa học, các nhà quản lý Việt Nam và CHLB Đức báo cáo kinh nghiệm cải cách chính quyền địa phương tại CHLB Đức; về tổng quan thực tiễn cải cách chính quyền địa phương ở Việt Nam trong những năm đổi mới, xu hướng và những vấn đề đặt ra trong cải cách chính quyền địa phương…

Đồng thời, các đại biểu cũng tham luận các vấn đề thực tiễn tại các địa phương được đánh giá có sự đột phá trong cải cách chính quyền như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, …

Hồng Hạnh


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Hội nghị lần thứ XVI Ban công tác đặc biệt Việt-Lào


Ngày 18-7, tại Đà Nẵng, Ban công tác đặc biệt (BCTĐB) Chính phủ Việt Nam-Lào tiến hành Hội nghị kiểm điểm đánh giá các công việc đạt được. Dự Hội nghị có Trưởng Đoàn BCTĐB Chính phủ Việt Nam Trung tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Trưởng Đoàn BCTĐB Chính phủ Lào Trung tướng Chăn Xa Mỏn Chăn Nha Lạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

nguyen thanh cung

Trung tướng Nguyễn Thành Cung (phải) trao số tiền tượng trưng cho Trung tướng Chăn Xa Mỏn Chăn Nha Lạt.

Trong năm qua, dưới sự chỉ đạo của hai BCTĐB Chính phủ Việt Nam-Lào, hai bên đã phối hợp chặt chẽ, tích cực công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đạt hiệu quả cao. Các đội quy tập khảo sát, thu thập tài liệu, thông tin và đã tiến hành kết luận được phần lớn tình hình liệt sĩ ở địa bàn cấp huyện (trên 60% số huyện đã tìm kiếm nhiều lần, không còn thông tin mộ liệt sĩ).

Các số liệu thống kê cho thấy, mùa khô 2010-2011, hai bên đã phối hợp tìm kiếm, cất bốc hồi hương được 482 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường Lào, trong đó có 49 hài cốt liệt sĩ xác định được tên, quê quán. Lễ tiễn đưa hồi hương hài cốt liệt sĩ Việt Nam được các địa phương hai bên tổ chức chu đáo, trang nghiêm, phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán của nhân dân hai nước.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện nay các số liệu do các Đội quy tập Việt Nam thống nhất với các cấp chính quyền địa phương Lào dự kiến còn khoảng 1.500 thông tin phần mộ liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Số mộ còn lại tuy không nhiều, nhưng vì ở các địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, nhiều dữ liệu chưa đầy đủ phải tiến hành thu thập bổ sung.

Với trách nhiệm được giao, BCTĐB Chính phủ Việt Nam-Lào đã đề ra các biện pháp cụ thể để công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ mùa khô 2011-2012 và những năm tiếp theo đạt kết quả tốt hơn.

Trung tướng Chăn Xa Mỏn Chăn Nha Lạt, cho biết, Chính phủ và nhân Lào rất biết ơn sự hy sinh đóng góp to lớn của quân tình nguyện Việt Nam đối với cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân các bộ tộc Lào. Việc tìm kiếm, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam là  trách nhiệm, nghĩa vụ  và tình cảm của quân đội, nhân dân Lào.

Để ghi nhận, tôn vinh sự hy sinh to lớn, sự kề vai sát cánh của quân tình nguyện Việt Nam và cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Lào, đồng thời giáo dục truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ hai nước, đồng chí Chăn Xa Mỏn Chăn Nha Lạt nhất trí đề xuất của Trung tướng Nguyễn Thành Cung sẽ rà soát các công trình tưởng niệm hiện có và báo cáo Chính phủ hai nước về chủ trương xây dựng tượng đài, bia tưởng niệm về tình đoàn kết chiến đấu Việt-Lào ở Thủ đô Viêng Chăn và một số địa phương khác.

Nhân dịp này, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, BCTĐB Chính phủ Việt Nam trao số tiền 110.000 USD để hỗ trợ cho các hoạt động tìm kiếm, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam trong mùa khô 2011-2012 cho BCTĐB Chính phủ Lào và các địa phương.

Nguyên Châu


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Hiệp định FTA Việt Nam-EU đem lại lợi ích cho cả hai bên


Sáng 8/7, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Châu Âu (EuroCham) tổ chức Hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư” nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp/hiệp hội các thông tin cập nhật, chia sẻ các kinh nghiệm về FTA, những tác động và hiệu quả mà FTA sẽ mang lại.

May hàng xuất khẩu tại Tổng công ty Dệt may Gia Định.

May hàng xuất khẩu tại Tổng công ty Dệt may Gia Định.

Phát biểu tại hội thảo, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch EuroCham cho biết, với giá trị xuất khẩu sang EU chiếm 16% GDP của cả nước (tương đương với 14.9 tỷ USD), EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Có thể khẳng định rằng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU sẽ mang lại lợi ích song phương cho cả Việt Nam và EU.

Nói về lợi ích tiềm năng từ FTA, ông Juan-Jose Almagro Herrador, Cố vấn kinh tế và chính trị, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, sẽ hạ thấp thuế quan của EU, đặc biệt là những lĩnh vực chủ chốt như dệt may, thủy sản, da giày; hạ thấp thuế quan của Việt Nam, theo đó Việt Nam nhập khẩu từ EU với giá rẻ hơn; nhập khẩu các dịch vụ chất lượng cao của EU dường như có thể giúp nền kinh tế địa phương tăng khả năng cạnh tranh trong dài hạn.

Ông nhấn mạnh, tham gia vào FTA sẽ còn tăng đầu tư của EU vào Việt Nam, tăng sự đa dạng hóa trong đối tác thương mại tại Việt Nam và Việt Nam sẽ đạt được vị thế tốt hơn trên thị trường EU.

Tiến sỹ Đinh thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.

FTA Việt Nam-EU dự báo sẽ là một cam kết mở cửa thị trường mạnh và sâu trong hầu hết các lĩnh vực thương mại, tác động nhiều mặt đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam sẽ là chuyển dịch ngành phân phối-bán lẻ từ quy mô, khái niệm, cấu trúc, hệ thống và tập quán kinh doanh truyền thống sang một ngành thương mại hiệu quả, năng suất cao, công nghệ hiện đại và hướng tới người tiêu dùng.

PV


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Hội thảo “Cải cách chính quyền địa phương – chia sẻ kinh nghiệm Việt Nam và Đức”


Hai Viện khoa học của Việt Nam và Đức vừa tổ chức hội thảo nhằm tìm hiểu những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình cải cách chính quyền địa phương.

nguyen ba thanh
Toàn cảnh hội thảo

Trong hai ngày 7-8/7/2011, tại Đà Nẵng, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp cùng Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) của Đức tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Cải cách chính quyền địa phương – chia sẻ kinh nghiệm Việt Nam và CHLB Đức”

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI với các yêu cầu liên quan đến cải cách chính quyền, sẽ là phương diện pháp lý để có những kiến nghị sửa đổi ở tầm hiến pháp liên quan đến cải cách chính quyền địa phương. Trong đó có nhiều vấn đề đặt ra  mà hiện nay Việt Nam rất quan tâm như phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ; sự phân cấp giữa Trung ương và địa phương; nguyên tắc phân công và phối hợp quyền lực có được áp dụng ở địa phương hay không…

Ông Stefan Urban, Giám đốc dự án của Viện KAS khẳng định, với kinh nghiệm về các vấn đề dân chủ hóa, nhà nước pháp quyền …, Viện KAS sẽ hỗ trợ Viện Nhà nước và Pháp luật cùng nghiên cứu những vấn đề liên quan đến cải cách chính quyền để giúp Việt Nam  góp phần nâng cao hiệu quả bộ máy tổ chức.

Hội thảo đã được nghe các nhà khoa học, các nhà quản lý Việt Nam và CHLB Đức báo cáo kinh nghiệm cải cách chính quyền địa phương tại CHLB Đức; về tổng quan thực tiễn cải cách chính quyền địa phương ở Việt Nam trong những năm đổi mới, xu hướng và những vấn đề đặt ra trong cải cách chính quyền địa phương…

Đồng thời, các đại biểu cũng tham luận các vấn đề thực tiễn tại các địa phương được đánh giá có sự đột phá trong cải cách chính quyền như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, …

Hồng Hạnh


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Việt Nam chủ trương duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông


Ngày 27-6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã trả lời báo chí Việt Nam về cuộc gặp của Đặc phái viên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc ngày 25-6-2011. Xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:

nguyen ba thanh
Đảo Đá Tây trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh Internet

* Phóng viên: Ngày 25-6, tại Bắc Kinh, với tư cách là đặc phái viên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Thứ trưởng đã gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc để chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình Biển Đông thời gian gần đây. Xin Thứ trưởng cho biết nội dung Thông điệp của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam?

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Thông tin về chuyến đi đã được báo chí đưa tin, còn nội dung Thông điệp tập trung vào 3 điểm chính sau:

1. Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, Việt Nam sẽ nỗ lực cùng với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác của khu vực và thế giới.

2. Bày tỏ quan ngại về những vụ việc vừa qua ở Biển Đông; đồng thời khẳng định rõ lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh Việt Nam chủ trương duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông, đề nghị các bên nghiêm túc thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” DOC, giải quyết tranh chấp và các vấn đề nảy sinh bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận của cấp cao hai nước, không có những việc làm gây phức tạp thêm tình hình, không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.

3. Nêu một số kiến nghị cụ thể về việc thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới, như việc duy trì tiếp xúc cấp cao, tổ chức phiên họp lần thứ 5 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc tại Hà Nội.…

* Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết rõ những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, về việc giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị là gì?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn. Ảnh: Internet

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã được ghi nhận trong các Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, gần đây nhất là Tuyên bố chung tháng 10-2008 nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc. Theo đó, hai bên khẳng định quan tâm gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông, “tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và tinh thần “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), duy trì cơ chế đàm phán vấn đề trên biển, căn cứ nguyên tắc và chế độ pháp lý đã được xác định bởi luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật biển của LHQ năm 1982 tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu và bàn bạc về hợp tác cùng phát triển để tìm ra mô hình và khu vực thích hợp. Trong quá trình đó, hai bên cùng nỗ lực gìn giữ tình hình ổn định ở Biển Đông, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp. Hai bên đồng ý, với nguyên tắc dễ trước khó sau, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi trường, dự báo khí tượng thủy văn, thăm dò khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ trên biển, tàu hải quân đi thăm lẫn nhau, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin trực tiếp giữa quân đội hai nước”.

* Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết tiến trình đàm phán “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc”?

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Như các bạn đã biết, sau khi hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc cuối tháng 12-2008, ta và Trung Quốc đã thỏa thuận chuyển trọng tâm đàm phán về công tác biên giới lãnh thổ sang vấn đề trên biển. Hai bên nhất trí trước khi đi vào giải quyết các vấn đề cụ thể cần đàm phán ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Đó là những định hướng lớn, quan trọng mà hai bên cần tuân thủ.

Với tinh thần đó, từ đầu năm 2010 đến nay, ta và Trung Quốc đã tiến hành 6 vòng đàm phán cấp chuyên viên. Hai bên đã trao đổi ý kiến về một số nguyên tắc cơ bản như: nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982; Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam – Trung Quốc thì giải quyết song phương, những vấn đề liên quan đến các bên khác thì phải bàn bạc giữa các bên liên quan khác…Dự kiến vòng đàm phán thứ 7 sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian sắp tới.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Gặp gỡ cấp cao Việt Nam Trung Quốc về Biển Đông


nguyên-ba-thanh
Đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam (Ảnh: Thanh Vũ)

Ngày 25-6, tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình Biển Đông thời gian gần đây.

Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc đã trình bày lập trường và chủ trương của phía Trung Quốc về việc phát triển quan hệ song phương và vấn đề trên biển. Trước đó, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã hội đàm với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân.

Hai bên cho rằng, quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, đáp ứng nguyện vọng chung và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước Việt-Trung, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

Hai bên nhấn mạnh cần kiên trì đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển theo đúng phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Hai bên khẳng định, cần tích cực thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị; áp dụng biện pháp có hiệu quả, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông; tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước; đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc”; thúc đẩy việc thực hiện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các công việc tiếp theo, cố gắng sớm đạt tiến triển thực chất.

TTXVN


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Trung Quốc xuyên tạc sự thật và hăm dọa dân tộc Việt Nam


Ngày 11-6 vừa qua, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đã phát đi một bài xã luận đầy lời lẽ xuyên tạc thực chất của vụ việc và xuyên tạc phản ứng chính đáng của Việt Nam dưới đầu đề “Cứng rắn với Trung Quốc không thể mang lại lợi ích gì cho Việt Nam”. Để dư luận ở Việt Nam và Trung Quốc cũng như ở khu vực và trên thế giới hiểu đúng sự việc, nghĩ cũng cần nói lại đôi điều.

nguyen ba thanh
2 trong số 3 tàu hải giám Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam, lao vào cắt cáp và cản trở hoạt động của tàu Bình Minh 02 ngày 26-5-2011

Năm nay vừa tròn 20 năm hai nước Việt Nam và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ với nhau sau những năm tháng sóng gió. Một trong những nguyên tắc cơ bản hai bên đã thỏa thuận là “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, xây dựng mối quan hệ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, trở thành “láng giềng tốt, anh em tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Hơn thế nữa, gần đây hai nước còn thỏa thuận xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Đó là những tài sản quý giá, phải mất bao nhiêu công sức mới tạo dựng được và phía Việt Nam hết sức trân trọng giữ gìn.

Tiếc rằng, một số sách báo và báo mạng ở Trung Quốc không biết vì lẽ gì không ngớt đưa ra những bài không thiện chí, xuyên tạc về Việt Nam và mối quan hệ Trung-Việt. Tình hình này càng rộ lên sau hai sự việc liên tiếp trong chỉ có hai tuần lễ là vụ tầu hải giám của Trung Quốc vô cớ xông vào cắt phá cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 và dưới sự yểm trợ của tàu ngư chính, tàu cá Trung Quốc phá hoại tuyến cáp của tàu Viking II đang hoạt động khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Trong số những tờ báo ấy, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc “lớn tiếng” nhất. Ngày 11-6 vừa qua, Thời báo này đã phát đi một bài xã luận đầy lời lẽ xuyên tạc thực chất của vụ việc và xuyên tạc phản ứng chính đáng của Việt Nam dưới đầu đề “Cứng rắn với Trung Quốc không thể mang lại lợi ích gì cho Việt Nam”.

Để dư luận ở Việt Nam và Trung Quốc cũng như ở khu vực và trên thế giới – đang rất lo ngại về những hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông – hiểu đúng sự việc, thiết nghĩ cũng cần nói lại đôi điều.

Bài xã luận nói Việt Nam “đe dọa”, “dọa dẫm” Trung Quốc thì thật nực cười vì đâu phải tàu Việt Nam lao vào tàu Trung Quốc mà là ngược lại. Hành vi của tàu Trung Quốc không chỉ là “đe dọa” hay “dọa dẫm” mà là hành vi khiêu khích, gây hấn như luật pháp và thông lệ quốc tế đã định nghĩa rõ. Đó là chưa kể hàng loạt bài trên báo in và báo mạng ở Trung Quốc đã dồn dập tung ra những lời lẽ hằn học, ngỗ ngược, xúc phạm sâu sắc lòng tự trọng của nhân dân Việt Nam và chắc là cũng rất xa lạ với người dân Trung Quốc. Những lời lẽ như vậy thật không phù hợp chút nào với cách hành xử giữa các nước văn minh chứ chưa nói đến hai nước XHCN với nhau.

Đoạn cáp của tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt ngày 26-5-2011

Bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu ngày 11-6 đầy rẫy những lời hăm dọa như: phía Việt Nam “dường như hoàn toàn không đếm xỉa đến những phản ứng mà Trung Quốc có thể đưa ra”, “nếu dùng biện pháp chiến tranh để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, Việt Nam sẽ đều thất bại…” (nhân đây, tuy rất không muốn nhưng buộc phải nhắc lại những sự kiện năm 1974 quân đội Trung Quốc tiến đánh Hoàng Sa, năm 1979 tiến hành chiến tranh biên giới, năm 1988 tiến đánh một số đảo ở Trường Sa để thấy rõ ai là người chẳng những hay đe dọa mà còn dùng biện pháp chiến tranh trong quan hệ Trung-Việt). Nhân dân Việt Nam đã phải bỏ ra hàng mấy chục năm đấu tranh chống ngoại xâm, nay thiết tha mong có hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, lẽ nào lại muốn gây hấn với bất kỳ ai, nếu độc lập không bị đe dọa, chủ quyền không bị chà đạp.

Chính hành vi ngỗ ngược của tàu hải giám Trung Quốc và những bài đại loại như xã luận ngày 11-6 của Thời báo Hoàn cầu đã làm cho những cảm giác của người dân Việt Nam đối với Trung Quốc (không phải với nhân dân Trung Quốc nói chung) bị xói mòn, chứ không phải là “người dân Trung Quốc khi nhìn thấy các kiểu thể hiện của Việt Nam thông qua tin tức báo chí thì những cảm giác tốt đẹp của họ về Việt Nam tích lũy trong những năm qua gần như đã tiêu tan hết” như Thời báo Hoàn cầu viết.

Một mệnh đề được tác giả bài xã luận nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại là mối quan hệ giữa “nước lớn” và “nước nhỏ”. Trên thực tế, quả thật cũng có nước lớn và nước nhỏ. Song trong quan hệ quốc tế thì mọi quốc gia đều bình đẳng – một điều chính Trung Quốc cũng hay rao giảng. Hành vi ứng xử của phía Trung Quốc trong những ngày qua rõ ràng không phản ánh, hay nói đúng hơn là đi ngược lại chủ trương “tôn tiểu” mà bài báo nói tới; hơn thế nữa còn lộ rõ thái độ lấn lướt theo kiểu nước lớn – một điều đang gây lo ngại trong dư luận khu vực và quốc tế, làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh một nước Trung Hoa “trỗi dậy hòa bình”.

Bài xã luận còn suy luận rằng, sự phản ứng chính đáng của phía Việt Nam dường như do áp lực nội bộ, cổ vũ tinh thần trong nước, tăng cường sự chú ý của cộng đồng quốc tế…, phản ứng chủ nghĩa dân tộc, gây nên sự đối lập giữa nhân dân hai nước… Gốc gác của vấn đề chính là nằm ở sức ép của phía Trung Quốc thông qua hành vi ngang ngược, chà đạp luật pháp và thông lệ quốc tế của tàu thuyền Trung Quốc trên Biển Đông. Bất kỳ một người Việt Nam nào cũng đều bất bình; bất luận người nào có lương tri trên thế giới cũng đều lo ngại. Trong quan hệ giữa các quốc gia thời hiện đại không thể hành xử theo kiểu cứ lấn lướt rồi buộc đối phương câm lặng theo kiểu “trùm chăn mà đánh” được! Thử hỏi, tác giả bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu sẽ hành xử ra sao nếu tàu nước ngoài xông vào cắt cáp của tàu địa chấn Trung Quốc đang hoạt động bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế thực sự của Trung Quốc đúng theo luật pháp quốc tế (chứ không phải cái đường 9 đoạn tự dựng lên ở cách xa bờ biển Trung Quốc hàng ngàn dặm)? Trung Quốc đã từng bị nước ngoài xâm lấn, người dân Trung Quốc đã từng bị hạ nhục. Vì vậy, chắc rằng họ có thể hiểu nỗi bất bình của người dân Việt Nam.

Vị trí tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp cách Mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên, Việt Nam 120 hải lý ngày 26-5-2011

Bài xã luận đánh giá rằng, “Hà Nội đang có bước thụt lùi trước những kinh nghiệm thành công về giải quyết vấn đề trên bộ và phân định Vịnh Bắc Bộ, đang đưa hai nước quay lại con đường đọ sức giữa cứng rắn và cứng rắn”. Có lẽ chẳng cần tốn lời bác bỏ luận điệu nực cười như vậy. Cho nên, chỉ cần thay chữ “Hà Nội” bằng chữ “Bắc Kinh” là đủ! Thật đáng tiếc, trong hai chục năm qua đã phải bỏ ra biết bao công sức mới khép lại được quá khứ bất hạnh, tạo dựng được mối quan hệ hợp tác mới, thế mà hành vi quá khích của tàu Trung Quốc đã đẩy quan hệ hai nước giật lùi! Tác giả bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu đã kết thúc bài báo bằng câu: “mời các ngươi hãy xem lại lịch sử đi”. Đúng vậy! Hãy xem lại lịch sử mấy ngàn năm sống bên cạnh nhau để ứng xử sao cho phải đạo là hai nước láng giềng hữu hảo!

Ứng xử sao cho đúng là hai nước láng giềng hữu nghị, đó là mong mỏi chân thành của mỗi người dân Việt Nam. Và chắc rằng đó cũng là ý nguyện của người dân Trung Quốc và khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.

Hoàng Trường


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)