FED tiết lộ khoản vay cứu trợ cho các tập đoàn lớn


nguyen ba thanh

Ảnh Minh Họa

Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 6/7 đã tiết lộ các khoản vay khổng lồ mà thể chế này đã dành cho các tập đoàn ngân hàng-tài chính hàng đầu tại Phố Wall để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính cuối năm 2008, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.

Trong chương trình tín dụng khẩn cấp dành cho các ngân hàng đang bên bờ vực sụp đổ, Goldman Sachs đã nhận được tổng số tiền hơn 53 tỷ USD.

Lần vay “khủng” nhất mà tập đoàn này có được từ ngân hàng trung ương Mỹ là 15 tỷ USD với lãi suất 1,16% vào tháng 12/2008. Một tháng sau đó, lãi suất ưu đãi mà Goldman Sachs được hưởng từ chương trình này thậm chí còn thấp hơn nữa – còn 0,01% cho những khoản vay nhỏ hơn.

Cùng các ngân hàng của Mỹ, nhiều thể chế tài chính của nước ngoài hoạt động tại Mỹ cũng được hưởng lợi từ chương trình cứu trợ của FED, trong số này phải kể tới Royal Bank of Scotland (vay 70 tỷ USD), UBS Securities của Thụy Sĩ (vay 56 tỷ USD).

Chương trình cho vay khẩn cấp của Chính phủ Mỹ do FED thực hiện từ tháng 3-12/2008 đã cho phép các ngân hàng vay với lãi suất cực thấp trong vòng 28 ngày…

PV


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Giữ nguyên kế hoạch khai thác dầu khí ở biển Đông


Để hoàn thành mục tiêu sản lượng khai thác quy dầu đạt 23 triệu tấn trong cả năm 2011, trong 6 tháng cuối năm, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sẽ phối hợp với các nhà thầu khai thác dầu khí đưa 5 mỏ dầu khí vào khai thác nhằm gia tăng sản lượng khai thác dầu khí.

nguyen ba thanh

Ảnh Minh Họa

Ông Phùng Đình Thực, Tổng Giám đốc PVN đã cho biết kế hoạch khai thác dầu khí trên của PVN tại buổi giao ban trực tuyến sản xuất và kinh doanh ngày 5-7.

Ông Thực cũng khẳng định, việc PVN đang tìm kiếm thăm dò dầu khí trên biển Đông là hoàn toàn thuộc về quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hiện PVN đang phối hợp với các ngành liên quan thực hiện đúng kế hoạch thăm dò, khai thác dầu khí trên biển.

Bên cạnh việc đưa vào khai thác 5 mỏ dầu khí mới, Tổng Giám đốc PVN cho biết, PVN sẽ thực hiện tốt chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” nâng cao hơn nữa năng lực của các đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành để phát huy nội lực, tăng cường ưu tiên sử dụng dịch vụ/hàng hóa trong ngành, trong nước phục vụ các hoạt động dầu khí.

Ông Thực cũng cho biết, trong 6 tháng cuối năm, PVN sẽ cho ra 3 sản phẩm mới gồm: Giàn khoan tự nâng 90m nước lần đầu tiên đóng tại Việt Nam, sản phẩm xơ sợi phục vụ ngành dệt may và sản phẩm nhiên liệu sinh học Ethanol.

PVN đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất chủ yếu 6 tháng đầu năm, trong đó chỉ tiêu tài chính tăng cao so với cùng kỳ 2010.

Cụ thể, tổng doanh thu sáu tháng của PVN đạt 340.000 tỷ đồng, bằng 68% kế hoạch năm 2011 và tăng 45% so với cùng kỳ 2010.

Theo PVN, doanh thu 6 tháng của tập đoàn tăng mạnh so với 2010 là nhờ sự đóng góp lớn của doanh thu từ bán dầu đạt 6,05 tỷ USD, tăng 49% so với cùng kỳ 2010. Mặc dù lượng dầu xuất bán không tăng nhưng nhờ giá dầu bình quân sáu tháng đạt 115 USD/thùng, tăng 34 USD/thùng so với 2010 nên doanh thu từ bán dầu vẫn tăng mạnh.

Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ dầu khí tiếp tục được đẩy mạnh đã mang lại doanh thu 94.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ 2010 và chiếm 28% tổng doanh thu toàn tập đoàn. Nhờ doanh thu tăng cao, nộp ngân sách của PVN đạt 75.000 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2010, góp phần quan trọng thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

PV


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Phóng sự Con đường “Nam quốc sơn hà” (Kỳ 1)


Kỳ 1: Từ cột mốc đến con đường chiến lược

- Đường tuần tra biên giới ra đời không chỉ từ khát vọng ngàn đời của cha ông về một biên cương bình yên, no ấm mà còn từ cả những câu hỏi thực tiễn nóng bỏng. Những câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn đọc hình dung được sự ra đời của con đường này…

Từ sự cố cái cột mốc…

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người từng dành nhiều tâm huyết cho việc xây dựng con đường từ những ngày đầu. Qua điện thoại, khi tôi đặt vấn đề, nghe nói đến con đường, giọng ông sôi nổi: Đó là con đường chiến lược quốc gia! Một buổi sáng Hà Nội mưa tầm tã, trong căn phòng nhỏ ở Trạm khách 66, ông đã kể về sự ra đời của con đường…

nguyen ba thanh

Đoạn đường tuần tra biên giới ở Bù Gia Mập (Bình Phước) năm 2008... Ảnh: Vũ Quang Thái.

“Cuối thập niên 80, tôi đang làm Tư lệnh Quân khu 3. Nhiều lần tới vùng biên giới Bình Liêu, Móng Cái (Quảng Ninh), tôi rất băn khoăn khi nhận thấy, còn nhiều nơi sâu vào nội địa 5-7km không có dân ở. Trong khi đó, bên kia biên giới, dân cư ở rất sầm uất và họ còn thả cả trâu bò sang đất ta. Mặc dù đã có Bộ đội Biên phòng làm nhiệm vụ, nhưng đi 5-7 km sát đường biên không hề thấy bóng dáng một người dân. Tự nhiên trong tôi xuất hiện cảm giác chống chếnh, bất ổn. Đó là chưa kể gần các cột mốc, đường biên chỉ có trục đường ra theo trục ngang. Từ đó, định hình ý tưởng phải đưa dân ra sát biên giới, rồi từ ý tưởng trở thành quyết tâm lớn của tôi. Mà muốn đưa dân ra được thì phải có đường đi.

Nhưng đó là mình nghĩ vậy, còn tâm tư nguyện vọng của dân thì sao? Tôi nhiều lần đi nắm tình hình, gặp người dân dò hỏi. Bà con nói rằng, rất muốn ra biên giới, sinh sống gần đường biên nhưng còn “ngại”, phần vì mìn còn chưa gỡ hết, phần vì…

Thế rồi, lại thêm một “sự cố” xảy ra. Đầu năm 1988, tại một cuộc họp Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Biên phòng báo cáo bị mất một cột mốc ở Quảng Ninh. Bộ đội Biên phòng và Quân khu 3 nhận lệnh phải đi tìm bằng được. Cuối cùng, người tìm ra cột mốc là một già làng 78 tuổi. Câu chuyện ấy càng thôi thúc tôi ý tưởng đưa dân ra biên giới. Tôi bàn với lãnh đạo Quân khu, đưa bộ đội ra trước, tổ chức rà mìn, làm nương rẫy. Sau đó, xin ý kiến của tỉnh Quảng Ninh để đưa dân về các bản cũ sát biên giới. Từ một xã thí điểm, dần mở rộng ra 2-3 xã. Người dân được làm nhà, giao đất, giao rừng quản lý, đồng thời cũng “giao” cho dân phối hợp với bộ đội quản lý đường biên, cột mốc. Dự án vùng kinh tế – quốc phòng ở Tiên Yên, Ba Chẽ đã hình thành. Ý tưởng làm đường càng thôi thúc. Tôi đặt vấn đề với Bộ Quốc phòng và được đồng ý. Thế là, chúng tôi triển khai xây dựng những đoạn “đường vành đai biên giới” đầu tiên. Sau đó, anh Tư Sang (đồng chí Trương Tấn Sang – Thường trực Ban Bí thư – PV) và một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi kiểm tra đường tại Quảng Ninh đều đánh giá, khen ngợi cách làm này rất tốt, rất cần nhân rộng”.

Từ đoạn đường đầu tiên đó, các địa phương khác cũng từng bước xây dựng đường “vành đai biên giới”, tuy chỉ là đường nhỏ hẹp, cấp phối hoặc rải đá dăm nhưng rất thiết thực. Tính đến năm 2005, đã có 21 dự án dài 484 km do Bộ đội Biên phòng các tỉnh thực hiện.

…Đến “khoảng rừng nóng” Bù Gia Mập

Mùa hè năm 2004, vụ gây rối diễn ra ở Tây Nguyên. Đại tướng Phạm Văn Trà vào tìm hiểu tình hình, càng thấy rõ đòi hỏi hàng đầu đặt ra lúc này là phải có đường tốt hơn phục vụ tuần tra, kiểm soát biên giới. “Khó khăn nhất là từ Bình Phước đi Đắc Nông không có đường đi, phải xuyên qua rừng hoặc đi vòng 200km mới ra được biên giới. Lúc đó, tôi đã quyết định phải làm cho được đoạn đường gần 60km ở Đắc Nông, nhờ đó thông suốt tuyến biên giới từ Tây Ninh tới Đắc Nông. Tôi giao cho Bộ đội Công binh làm nhanh, với cơ chế đặc thù như xây dựng các công trình chiến đấu. Cùng với đó, yêu cầu xây dựng, hoàn thiện một đề án tổng thể về đường tuần tra biên giới đặt ra cấp bách và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất ủng hộ. Theo tôi, đó là một bước đột phá, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta”- Đại tướng Phạm Văn Trà kể.

nguyen ba thanh

Ảnh: Vũ Quang Thái

Thiếu tướng Hoàng Kiền, Giám đốc Ban quản lý dự án 47 khi đó là Tư lệnh Binh chủng Công binh nhận lệnh vào Tây Nguyên khảo sát, nhớ lại: “Chúng tôi tới rừng quốc gia Bù Gia Mập thuộc xã Đắc Ơ, là địa bàn có nhiều người vượt biên trái phép. Để làm gấp đoạn đường Bù Gia Mập, tôi đã chọn Trung đoàn Công binh 293, một trong những “quả đấm thép” của binh chủng. Sau một năm trời, với bàn tay miệt mài của người lính công binh 293, tuyến đường đầu tiên màu đất đỏ ba-dan như một sợi chỉ đỏ vắt ngang rừng đại ngàn”.

“Bản vẽ” con đường mang dáng hình đất nước

Thời gian này, việc xây dựng đề án tổng thể đường tuần tra biên giới được triển khai gấp rút. Trung tướng Phạm Hồng Lợi, lúc đó là Phó tổng tham mưu trưởng, Phó ban chỉ đạo Đường tuần tra biên giới liên tục đi khảo sát dọc biên cương. Thiếu tướng Hoàng Kiền nhớ lại: “Thủ tướng Chính phủ đã có tới 3 cuộc họp nghe lãnh đạo Bộ Quốc phòng báo cáo đề án con đường này. Lúc đầu, do nhiệm vụ cấp bách, Bộ Quốc phòng chỉ chuẩn bị phương án làm đường nhỏ, nền đường 3m, trải nhựa cấp phối hoặc đá dăm, đủ cho xe u-oát đi hoặc chỗ nào khó hơn thì đủ cho người, ngựa biên phòng đi tuần tra”. Đất nước còn nghèo, dù nhiệm vụ bảo vệ biên cương rất quan trọng, người lính không dám đòi hỏi sự ưu tiên, nhưng Chính phủ cùng các bộ, ngành lại có một câu hỏi được bàn thảo khá nhiều: “Nếu làm đường chỉ đủ đi tuần tra thì hơi phí? Liệu có thể làm một con đường lớn hơn, vừa phục vụ quốc phòng, vừa phục vụ dân sinh được không?”.

Ngày 4-11-2004, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị thường trực Chính phủ nghe Bộ Quốc phòng báo cáo dự thảo kế hoạch củng cố và xây dựng tuyến đường biên giới đất liền đến năm 2010. Sau khi nghe Thượng tướng Phùng Quang Thanh, khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng báo cáo, Thủ tướng đã kết luận: “Đã làm thì làm cho “đàng hoàng”, kết hợp tốt giữa kinh tế – xã hội với quốc phòng, an ninh. Không làm đường rộng 3m nữa mà phải làm đường lớn hơn”.

Đại tá Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó tư lệnh Công binh, được giao làm giám đốc đầu tiên của Ban quản lý dự án 47 kể: “Sau đó, chúng tôi đã xác định quyết tâm năm 2005 sẽ lập xong dự thảo đề án. Hàng loạt đơn vị khảo sát thiết kế tinh nhuệ nhất của Bộ Quốc phòng vào cuộc khẩn trương nên đến đầu tháng 8-2005 đã khảo sát được gần 5000km biên giới, dù xăng dầu, kinh phí chưa bảo đảm. Một phương án tuyến của con đường từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) đã ra đời. Có phương án tuyến, chúng tôi lại lên đường đi khảo sát cụ thể nhiều khu vực trọng điểm. Đoàn cán bộ, đa số đã kinh qua đánh Mỹ, dạn dày với mưa bom bão đạn, nay lại khoác ba lô trèo đèo, lội suối, băng rừng xác định từng cọc mốc, từng hướng tuyến sao cho ngắn nhất, hợp lý nhất, kinh tế nhất. Suốt mấy tháng trời, chúng tôi đi từ Bình Phước, dọc theo dòng suối sát biên, từ bìa rừng Bù Gia Mập sang Đắc Nông, đến những cánh rừng khộp Gia Lai, nơi còn in dấu đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Hết Tây Nguyên, chúng tôi lại ra Nghệ An, Thanh Hóa. Tới Sơn La, ngược dòng sông Mã, chúng tôi đi từ Chiềng Khương sang Sốp Cộp, từ Sông Mã sang Điện Biên rồi lại về biên giới Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng. Càng đi càng thấy đất nước ta hùng vĩ, dân tộc ta anh hùng, nhân dân ta cần cù chịu khó. Chúng tôi hiểu sứ mệnh của mình. Đau, yếu, sai khớp, chuột rút, có đồng chí bị ngã vì núi cao, đường trơn nhưng không ai chịu bỏ cuộc”.

Dự thảo đề án ở mức hoàn chỉnh hơn ra đời. Con đường bây giờ là đường ô tô có thể chạy suốt dọc dài biên giới, nền đường rộng 5,5m, mặt đường 3,5m, kết cấu bê tông xi măng; các công trình trên đường làm bằng thép và bê tông cốt thép.

Một ngày cuối năm 2005, tại Hội nghị thường trực Chính phủ, nghe Bộ Quốc phòng báo cáo dự thảo đề án, Thủ tướng Phan Văn Khải khá hài lòng. Phát biểu kết luận, ông nhấn mạnh: “Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng giao cho Bộ Quốc phòng, làm sao cho “nhanh, bền, tốt, rẻ, không có tiêu cực”. Thủ tướng giao cho Bộ Quốc phòng sớm bổ sung hoàn chỉnh đề án.

Con đường theo đề án phác thảo dài 14.250km, trong đó xây dựng mới hơn 10.196km, qua 25 tỉnh, dài hơn cả Vạn Lý Trường Thành, dự kiến sẽ phải làm trong hàng chục năm mới hoàn thành. Từng có nhiều cuộc tranh luận khác nhau về hình thức đấu thầu hay chỉ định thầu? Nhưng đây là con đường sẽ được làm trong điều kiện vô cùng gian khó mà có lẽ chỉ những người lính Bộ đội Cụ Hồ với truyền thống “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua” mới có thể gánh vác. Vì vậy, khi lãnh đạo Bộ Quốc phòng đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho phép xác định đây là công trình quốc phòng an ninh, quản lý theo cơ chế đặc thù, sử dụng lực lượng quân đội thi công theo hình thức chỉ định thầu, Thủ tướng tán thành. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nói ngay: Việc này không thể một mình cá nhân Thủ tướng quyết được mà phải có một nghị quyết của Chính phủ.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào tháng 12-2006, Chính phủ đã ra Nghị quyết về đường tuần tra biên giới, nhất trí với đề nghị trên. Ngày 14-3-2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định mang số 313/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Quy hoạch xây dựng đường TTBG đất liền giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo”.

Quyết định của Thủ tướng đã trở thành một cột mốc quan trọng, khẳng định tầm vóc chiến lược quốc gia của đường tuần tra biên giới, con đường mang dáng hình đất nước…

————————-


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Bảo vệ chủ quyền biển, đảo gắn phát triển kinh tế biển


Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” của Thành ủy Đà Nẵng xác định: “Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế biển, là một trong ba trung tâm lớn của nước ta, động lực phát triển khu vực miền Trung-Tây Nguyên hướng ra Biển Đông và các nước tiểu vùng sông Mê Kông“.

nguyen ba thanh

Bộ đội Biên phòng thành phố tham gia cứu nạn trên biển.

Thời gian qua, thành phố đã có nhiều chủ trương, giải pháp để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân trong quản lý, bảo vệ biên giới biển và các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia. Với chức năng là lực lượng chuyên trách, nòng cốt bảo vệ biên giới và là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) “Biển đảo và biên giới thành phố”, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố đã tham mưu cho các cấp và phối hợp với các ngành, các lực lượng, các địa phương thực hiện nhiệm vụ QP-AN bảo vệ chủ quyền biên giới, biển – đảo Tổ quốc.

Trên cơ sở quyết tâm phòng thủ khu vực thành phố, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã xây dựng kế hoạch bảo vệ chủ quyền biên giới, vùng biển, kế hoạch bảo vệ ngư dân hoạt động trên các vùng biển xa, kế hoạch bảo vệ tàu thăm dò địa chấn kết hợp tuần tra bảo vệ chủ quyền,… tham gia cùng cơ quan quân sự, công an và các lực lượng diễn tập các phương án A, A2, A3, A4, kế hoạch tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và phòng chống bão lụt… Thực hiện quy chế phối hợp 3 lực lượng Công an (CA), Quân sự (QS), Biên phòng (BP) thường xuyên tuần tra, quản lý giữ gìn ANTT địa bàn; tổ chức lực lượng (CA, BP) tăng cường chống cướp giật, chống tội phạm trên các địa bàn, tuyến đường trọng điểm và khu vực biên giới biển.

Để xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động với các ngành như: Ủy ban MTTQ thành phố về “Thực hiện ngày Biên phòng và xây dựng nền biên phòng toàn dân”, với Sở NN và PTNT về “Quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý hoạt động nghề cá và bảo đảm an toàn cho ngư dân”; với Sở VH-TT và DL về “Xây dựng điểm sáng văn hóa trên các tuyến biên giới, bờ biển, hải đảo”. Đồng thời ký kết và triển khai các chương trình phối hợp với Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, Sở Y tế và Sở Giáo dục – Đào tạo đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào cách mạng của quần chúng, phát triển KT-XH, chăm lo sức khỏe cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xóa đói nghèo, xóa nhà tạm, xóa mù chữ … góp phần nâng cao dân trí và ổn định an sinh xã hội ở khu vực biên giới biển.

Đảng ủy BĐBP thành phố cũng đã ký kết và triển khai thực hiện quy chế phối hợp với 5 Quận ủy và Huyện ủy Hòa Vang để tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-AN bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, tuyến sau hướng về biên giới, biển – đảo và tăng cường công tác dân vận – vận động quần chúng của BĐBP trên địa bàn thành phố; tổ chức liên kết, kết nghĩa giữa các đơn vị BĐBP với các đơn vị, địa phương, xây dựng mối đoàn kết quân dân, củng cố thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh và xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện.

Để tiếp tục đẩy mạnh và triển khai các chủ trương, giải pháp gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế biển với QP-AN, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển – đảo đáp ứng yêu cầu phát triển và tình hình trên biển hiện nay, BĐBP thành phố phối hợp với các ngành, lực lượng và các địa phương tập trung một số giải pháp:

- Xây dựng 17 phường biên giới biển vững mạnh toàn diện, QP-AN vững mạnh, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với bảo vệ chủ quyền biên giới, biển – đảo. Tập trung xây dựng các mô hình “Điểm sáng văn hóa trên biên giới, bờ biển, hải đảo“, xây dựng khu dân cư văn hóa biển (mô hình này đã thành công ở khu dân cư văn hóa biển Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) và đang triển khai tiếp ở phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) và một số phường ven biển do BĐBP phối hợp với Sở VH-TT và DL và các địa phương xây dựng. Quy hoạch các bến đậu tàu thuyền, bến du thuyền, cảng cá, tập trung xây dựng “Bến bãi, âu thuyền, cảng cá an toàn, văn hóa” theo mô hình tự quản ở âu thuyền, cảng cá Thọ Quang do UBND quận, BĐBP và Sở NN và PTNT xây dựng.

Nâng cấp Trung tâm thông tin biển ở Đồn Biên phòng 248 (công trình do UBND quận Thanh Khê đầu tư), xây mới Trung tâm thông tin của Đồn Biên phòng 252 tại âu thuyền Thọ Quang và một số cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ biển. Huy động các nguồn lực để trang bị cho các tàu thuyền đủ phương tiện thu, phát thông tin liên lạc trên cả 3 tuyến khơi, lộng và ven bờ. Ứng dụng công nghệ thông tin phần mềm quản lý tàu cá ở các đồn, trạm biên phòng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng số lượng tàu thuyền, nâng cao công suất phương tiện, nhất là tàu thuyền hoạt động xa bờ. Đi đôi với nâng cấp, cải hoán và chuyển đổi cơ cấu nghề, cơ cấu tàu thuyền trên các vùng biển, khẩn trương kiện toàn, xây dựng mới các tổ tàu thuyền “Đoàn kết, an toàn”, tổ “Tương hỗ” phù hợp từng nghề trên cơ sở 97 tổ đã được thành lập hoạt động; tiếp tục ký thực hiện cam kết đối với chủ phương tiện, thuyền viên, trên cơ sở đó kết nối thông tin liên lạc giữa các phương tiện với nhau và với BĐBP theo quy ước mật danh báo tọa độ trên biển. Xây dựng và bố trí lực lượng tự vệ trên cả 3 tuyến, trọng tâm là tuyến xa bờ.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN và PTNT theo chức năng nhiệm vụ bố trí lực lượng, phương tiện thực hiện quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường, nguồn lợi và các hoạt động khai thác hải sản, phối hợp các lực lượng chức năng và ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. BĐBP, Sở NN và PTNT, Sở TN-MT và Trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khu vực II cần có cơ chế phối hợp hoạt động để tăng cường tuần tra kiểm soát dân sự kết hợp làm kinh tế, cung ứng hậu cần nghề cá và bảo đảm an toàn cho ngư dân.

Kiến nghị Thành ủy đưa nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển – đảo và xây dựng lực lượng BĐBP vào chỉ thị về nhiệm vụ QP-AN hằng năm để lãnh đạo gắn với lãnh đạo phát triển kinh tế biển. Thành phố ưu tiên thích đáng nguồn ngân sách cho phát triển kinh tế biển và nhiệm vụ QP-AN bảo vệ chủ quyền biên giới, biển – đảo và xây dựng khu vực biên giới biển phát triển vững mạnh cả về kinh tế-văn hóa-xã hội và QP-AN. Ủy ban MTTQ thành phố chủ trì phối hợp các đoàn thể quần chúng phát động phong trào “Toàn dân hướng về biên giới biển – đảo và huyện đảo Hoàng Sa“, vận động quỹ hỗ trợ nhân đạo cho các hoạt động trên các vùng biển Tổ quốc gặp rủi ro, sự cố, tai nạn thiệt hại người, tài sản cần được giúp đỡ ngay để động viên, chia sẻ, đồng thời nhằm khơi dậy lòng yêu Tổ quốc, quý trọng từng tấc đất thiêng liêng mà cha ông đã đổ bao xương máu để bảo vệ vẹn toàn biên cương, bờ cõi Việt Nam thân yêu trong các tầng lớp nhân dân thành phố và cả nước.

PV


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Khai mạc Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa XI


Diễn ra từ ngày 4 – 7/7, Hội nghị lần thứ hai BCH TƯ Đảng khóa XI sẽ tập trung vào các nội dung chính là thảo luận, quyết định chương trình, quy chế làm việc, chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và công tác nhân sự.

Hội nghị khai mạc hôm nay, 4/7 tại Hà Nội, trong bối cảnh cả nước vui mừng trước thành công tốt đẹp của Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, thắng lợi toàn diện, to lớn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.

nguyen ba thanh
Ảnh toàn cảnh Hội nghị

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đồng thời nỗ lực phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ trước mắt theo tinh thần các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ nhằm vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, tích cực cho kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIII.

Quyết định chương trình, quy chế làm việc

Hội nghị sẽ thảo luận và quyết định về Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương; Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước và một số vấn đề quan trọng khác.

Về Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là công việc rất quan trọng của Hội nghị Trung ương đầu khóa, xác định những nội dung, bước đi, định hướng của việc cụ thể hóa, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội.

Với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến cách ra nghị quyết, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, chỉ đạo thực hiện, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, lựa chọn đưa vào Chương trình những vấn đề lớn, quan trọng và cần thiết nhất, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới mà Đại hội XI đã xác định. Ưu tiên cho những vấn đề bức xúc, khó khăn cần tháo gỡ, giải quyết hoặc những khâu cần đột phá như tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; chính sách pháp luật về đất đai; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường; chính sách an sinh xã hội…

Về quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đây là sự cụ thể hóa Điều lệ Đảng, chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc và phương pháp công tác của các cơ quan đảng, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc sinh hoạt và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ.

Về triển khai chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Báo cáo chính trị của Đại hội XI xác định rõ mục tiêu, định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Đại hội đã quyết định phải khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc rất khó và hệ trọng, cần được tiến hành một cách khoa học và chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói.

Giới thiệu nhân sự lãnh đạo chủ chốt

Một nội dung quan trọng nữa được Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề cập đó là việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, ngay sau Đại hội XI, Bộ Chính trị đã tiến hành phân công một bước các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chuẩn bị giới thiệu các đồng chí Ủy viên Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ ở cấp mình.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã thành công tốt đẹp. Theo quy định của pháp luật, ngày 21/7/2011 sắp tới, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung bầu hoặc phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của bộ máy nhà nước.

Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương có trách nhiệm chuẩn bị và giới thiệu nhân sự ứng cử vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước.

Vì vậy, tại Hội nghị lần này, Trung ương sẽ dành thời gian thích đáng để xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước để Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ, việc chuẩn bị nhân sự lần này cần quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác cán bộ do Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đề ra, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hài hòa của Đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung.

Theo chương trình dự kiến, Hội nghị sẽ diễn ra tới hết ngày 10/7/2011.

Nguyễn Hoàng


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén


Tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đồng tình với các chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay.

hop quoc hoi

Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Hôm nay (30/6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, một số giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2011.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH và ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, bước vào năm 2011, trên cơ sở các đánh giá, dự báo và nhận thức rõ về những thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra với nền kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2011.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Tuy nhiên, tình hình KT-XH trong nước và quốc tế những tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện nhiều yếu tố đáng lo ngại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát có xu hướng tăng cao.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP và báo cáo Bộ Chính trị ra Kết luận 02/KL-TW và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 59/NQ-QH12, với các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Mức bội chi thấp nhất mấy năm gần đây

Tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện những “điểm sáng” như giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,3% so với cùng kỳ, thu ngân sách tăng, xuất khẩu tăng cao gấp 3 lần kế hoạch, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ…

Kết quả thu – chi ngân sách nhà  nước 6 tháng đầu năm cho thấy, hết tháng 6/2011 tổng thu ngân sách đạt 327.820 tỷ đồng, bằng 55,1% dự  toán. Chi ngân sách đạt 355.600 tỷ đồng, đạt 49% dự toán. Như vậy, bội chi ngân sách 6 tháng là 27.780 tỷ đồng, bằng 23% dự toán. Đây là mức bội chi thấp nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây.

Đặc biệt, thị trường ngoại tệ và kinh doanh vàng đã ổn định; thu chi ngân sách đạt khá, bội chi giảm; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đang chậm lại; cắt giảm đầu tư công có hiệu quả nhưng vẫn tăng đầu tư cho “tam nông”; đã có những giải pháp hữu hiệu để kiềm chế tăng giá của thị trường bất động sản; an sinh xã hội được quan tâm và có những chuyển biến tích cực; quốc phòng – an ninh được tăng cường và giữ vững…

Tuy nhiên, trong báo cáo, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục. Đó là, lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; sản xuất kinh doanh còn khó khăn, tăng trưởng đạt thấp; thị trường chứng khoán sụt giảm; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn…

Phấn đấu một số chỉ tiêu cơ bản

Về những giải pháp cho 6 tháng cuối năm, Chính phủ cho rằng, cần tập trung quyết liệt vào điều hành một số chính sách lớn như chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Theo đó, cần thực hiện nhất quán chủ  trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng cũng như chính sách tài khóa thắt chặt phối hợp hài hòa với chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, tập trung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm để nâng cao năng lực, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với chính sách thương mại, giá cả, thị trường, tiếp tục tăng cường kiểm soát giá cả, ổn định thị trường, bảo đảm ổn định cung – cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Thực hiện kiên trì và nhất quán điều hành giá xăng dầu, điện, than theo cơ chế thị trường trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Với việc ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ cho rằng, cần tập trung chỉ đạo, điều hành để phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản năm 2011 là kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 15-17%; tăng trưởng GDP đạt khoảng 6%; tỷ lệ nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP.

Cần những giải pháp chiến lược dài hạn, vững chắc hơn

Thảo luận về  các báo cáo trên, nhiều đại biểu đồng tình với các chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho rằng, sự điều hành của Chính phủ đã tạo niềm tin của nhân dân, nhất là đối với các chính sách an sinh xã hội, tạo ổn định về mặt chính trị - xã  hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhìn nhận, những kết quả về KT-XH trên chỉ mới là kết quả bước đầu. Nền kinh tế còn đối diện nhiều thách thức, khó khăn, do đó, cần có những giải pháp kiên quyết hơn nữa.

Báo cáo thẩm tra của  Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, song song với những giải pháp mang tính tình thế, ngắn hạn, Chính phủ  cần chú trọng đến các giải pháp chiến lược mang tính dài hạn như công tác quy hoạch, kế hoạch, các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, hạn chế nhập siêu, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có thế mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, minh bạch hóa hệ thống tài chính, tránh đầu cơ, tiết kiệm năng lượng… Đặc biệt, cần tăng cường quản lý tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đẩy mạnh quản lý về giá cả, thị trường.

Điều khiển phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, bên cạnh những “điểm sáng” về thu ngân sách, tăng xuất khẩu, tăng trưởng sản xuất công nghiệp…, nền kinh tế nước ta cũng nổi lên những vấn đề lớn cần sớm được khắc phục. Đó là lạm phát tăng cao, lãi suất huy động và cho vay đều tăng, nhập siêu vẫn cao…

Vì thế, với 6 tháng cuối năm cần tính toán các tình huống khác nhau của nền kinh tế để có giải pháp vững chắc hơn. Bên cạnh đó, tăng tính đối thoại, trách nhiệm giải trình của các cơ quan hữu quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận trong xã hội.

Theo PV.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tham dự Hội nghị triển khai Nghị quyết Đại hội XI


Tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đang là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách được Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đặt ra hiện nay.

nguyen ba thanh
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cho cán bộ chủ chốt TP

Đến nay, ngoài việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo việc học tập Nghị quyết Đại hội XI trong toàn Đảng bộ, Thành ủy Đà Nẵng đã triển khai quán triệt Nghị quyết cho đội ngũ cán bộ chủ chốt thành phố và thông báo những nội dung cơ bản và mới trong các văn kiện Đại hội cho cán bộ cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn.
Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Trung ương về tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, ngày 22/4/2011, Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 02-KH/TU để chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành tập trung cho công tác học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng một cách nghiêm túc, đảm bảo yêu cầu đặt ra.

Đặc biệt, trong 2 ngày 7 và 8/6/2011, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cho cán bộ chủ chốt thành phố. Tại Hội nghị này, các đại biểu tham dự đã được nghiên cứu, quán triệt các chuyên đề lớn: Những nội dung cơ bản của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011 ); Những nội dung cơ bản của Báo cáo chính trị tại Đại hội XI của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011-2020; Kết quả thi hành Điều lệ Đảng và những sửa đổi, bổ sung; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ TP Đà Nẵng.

Hội nghị này cũng đã dành thời gian để các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, quán triệt nội dung các văn kiện Đại hội XI, nhất là thảo luận, quán triệt Chương trình hành động của Thành ủy Đà Nẵng với 4 nội dung trọng tâm: Tập trung thực hiện hiệu quả 5 hướng đột phá chiến lược về phát triển kinh tế – xã hội thành phố (dịch vụ, công nghiệp, công nghệ cao và CNTT, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với mục tiêu thành phố môi trường, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao); Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu khác về phát triển kinh tế – xã hội (kiềm chế lạm phát, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh hoàn thành công trình trọng điểm, cải cách hành chính, thu hút đầu tư…); Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh cải cách tư pháp; Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Sau Hội nghị trên, vào sáng 29/6/2011, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị thông báo những nội dung cơ bản và mới trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cho cán bộ cao cấp, tướng lĩnh và các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, TP qua các thời kỳ đang nghỉ hưu trên địa bàn TP.

Hội nghị đã nghe trình bày các chuyên đề: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội XI; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020; Điều lệ Đảng (sửa đổi, bổ sung).

nguyen ba thanh
Đại biểu cán bộ chủ chốt TP học tập Nghị quyết Đại hội XI của Đảng

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: Các văn kiện chính trị Đại hội XI của Đảng rất quan trọng, có ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển của đất nước ta. Để đưa Nghị quyết Đại hội XI đi vào cuộc sống, cần giải quyết nhiều vấn đề, trong đó, có 2 vấn đề cơ bản là: Nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết và tổ chức thực hiện. Nếu không quán triệt sâu nội dung Nghị quyết thì tổ chức thực hiện sẽ phạm những sai lầm, lệch lạc, trái với chủ trương, đường lối của Đảng. Ngược lại, nếu chỉ nghiên cứu, học tập mà không tổ chức thực hiện tốt thì Nghị quyết dù có đúng, có hay đến mấy cũng chỉ dừng lại ở nhận thức tư tưởng, mà không thể biến thành hiện thực. Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân được quán triệt một cách sâu sắc cả trong nhận thức và hành động theo đường lối, quan điểm và các quyết sách do Đại hội XI xác định và có những biện pháp thiết thực, tổ chức đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Vì vậy, việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay….

Để tiếp tục đạt được mục đích đó, hiện nay Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đang tiếp tục chỉ đạo cho Ban Tuyên giáo Thành ủy, các ngành có liên quan và Thường trực Đảng bộ các quận, huyện, các Đảng bộ khối, ngành và cơ sở tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Đảng bộ TP trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XI.
Theo kế hoạch, dự kiến các lớp học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí, hội viên Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật TP và cán bộ, đảng viên Nhà xuất bản Đà Nẵng (1 lớp); cán bộ Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP và trí thức tiêu biểu (1 lớp) sẽ được Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức trong tháng 7/2011.

Đối với quận, huyện và đảng ủy trực thuộc Thành ủy, Ban Thường vụ thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị này tổ chức Hội nghị quán triệt các văn kiện Đại hội XI của Đảng cho cán bộ chủ chốt cấp mình. Các Hội nghị này cũng hoàn thành trong tháng 7/2011.

Đối với cấp ủy cơ sở, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo cấp ủy có trách nhiệm tổ chức học tập, quán triệt các văn kiện Đại hội XI của Đảng cho toàn thể đảng viên; mời lãnh đạo các đoàn thể và cán bộ, chuyên viên các ban, phòng ở cơ sở không phải là đảng viên cùng tham dự. Bên cạnh đó, Văn phòng cấp ủy cùng với ban tuyên giáo các quận, huyện, ban tuyên huấn các đảng ủy trực thuộc Thành ủy có thể tổ chức một số lớp học tập, quán triệt cho các chi bộ có ít đảng viên nhằm tạo không khí học tập sôi nổi, nghiêm túc. Các Hội nghị này hoàn thành trong tháng 8/2011.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng yêu cầu các cấp, các ngành phải tập trung tuyên truyền rộng rãi đoàn viên, hội viên và nhân dân về Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cũng như Chương trình hành động của Thành ủy, cấp ủy, cơ quan, đơn vị mình. Riêng các cơ quan báo, đài cần có kế hoạch mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền rộng rãi văn kiện Đại hội XI của Đảng, đồng thời đưa tin, phản ánh kịp thời đợt triển khai học tập; phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến trong việc tổ chức học tập.

Đình Tăng


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)