Việt Nam trở thành một trong những điểm đến được ưa chuộng


Vịnh Hạ Long, Việt Nam

Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến được ưa chuộng đối với các du khách Thái Lan, Australia, Nhật Bản và Singapore nhờ vào sắc thái văn hóa, cảnh đẹp và những địa điểm du lịch giá cả phải chăng.

Bản tin hôm thứ 6 của Bernama trích thuật tin tức báo chí Việt Nam nói rằng kết quả cuộc khảo sát do Công ty Visa và Hiệp hội Dự luật Á châu Thái bình dương thực hiện cho thấy trong số những người có phần chắc sẽ đến thăm Việt Nam trong vòng 2 năm tới có 17% là người Thái Lan, 16% người Australia, và 11% là du khách Nhật Bản và Singapore.

Bản tin trích lời ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, nói rằng để thu hút thêm du khách, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa cho việc tân trang cơ sở hạ tầng, đào tạo hướng dẫn viên, cải thiện phẩm chất dịch vụ và bảo vệ môi trường. Ông Cường cho biết trong 10 tháng đầu năm nay Việt Nam đã đón 4,2 triệu lượt khách nước ngoài, tăng 40% so với cùng thời gian này năm ngoái. Ông nói thêm rằng trong hai tháng 11 và 12, mỗi tháng sẽ có chừng 420 ngàn tới 450 ngàn khách nước ngoài tới Việt Nam, nên hoàn toàn có khả năng là du lịch Việt Nam đạt được con số 5 triệu lượt khách vào cuối năm nay, tăng 1 triệu 200 ngàn so với năm ngoái.

Nguồn: Bernama, VNA


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Canada muốn hợp tác về vận tải biển với Việt Nam


Ảnh minh họa

Ngày 11/11, Chủ tịch Hội đồng Ngân sách của Canada kiêm Bộ trưởng khu vực Cửa ngõ Châu Á-Thái Bình Dương, ông Stockwell Day, đã dẫn đầu đoàn Sáng kiến Cửa ngõ và Hành lang châu Á-Thái Bình Dương sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Đoàn đã làm việc và tìm hiểu hoạt động của các cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa Canada với Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong lĩnh vực vận tải biển, dịch vụ cảng biển.



Cửa ngõ và Hành lang châu Á-Thái Bình Dương (APGCI) là mạng lưới hạ tầng vận tải bao gồm các cảng biển, các mạch nối chính bằng đường bộ, đường sắt trải dài khắp miền Tây Canada và về phía Nam Hoa Kỳ; các tuyến đường biên giới trọng điểm, các sân bay chính của Canada.

Sáng kiến APGCI được Thủ tướng Canada công bố ngày 11/10/2006 nhắm đến mục tiêu tận dụng vị trí chiến lược của Canada để phát triển dịch vụ vận tải.

Tại cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Stockwell Day chia sẻ mong muốn tăng cường, thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước.

Ông Stockwell Day cho biết, từ mức đầu tư ban đầu 591 triệu USD, đến nay APGCI đã có 3,5 tỷ USD từ cam kết của chính quyền các cấp của Canada cho các dự án cơ sở hạ tầng của Cửa ngõ, bao gồm hơn 1,4 tỷ USD vốn góp của chính quyền liên bang.

Giới thiệu về APGCI với những lợi thế cạnh tranh, ông Stockwell Day khẳng định APGCI sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải của Việt Nam, giúp kết nối và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại thị trường Canada.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Trí nhấn mạnh Thành phố Hồ Chí Minh có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý cho hoạt động vận tải biển, nằm ở cửa ngõ giao thương của Việt Nam và khu vực, là đầu mối liên kết giao thông của vùng, giao lưu quốc tế của khu vực, với hệ thống vận tải đường sắt, cảng biển, hàng không…

Ông Lê Minh Trí cũng khẳng định hoạt động vận tải biển là hướng phát triển quan trọng của thành phố, tạo động lực giúp thành phố mở rộng giao lưu quốc tế và phát triển về nhiều mặt. Vì vậy, thành phố đang đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển mới nằm bên sông Soài Rạp tại Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, bên cạnh Cảng Sài Gòn hiện hữu với năng lực trên 10 triệu tấn/năm.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao Sáng kiến APGCI, mong muốn thành phố tham gia góp phần thực hiện Sáng kiến, hoan nghênh và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Canada nói chung, doanh nghiệp vận tải biển của Canada nói riêng đến thành phố tìm kiếm đối tác và cơ hội hợp tác, đầu tư./.

Hoàng Liên Sơn


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Nga kết thúc giai đoạn quan trọng cải cách quân đội


Quân đội Nga. (Nguồn: Reuters)

Ngày 10/11, tại phiên họp lưu động của Bộ Quốc phòng Nga ở Khabarovsk, Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdiukov tuyên bố nước này vừa kết thúc giai đoạn quan trọng nhất trong công cuộc cải cách quân đội, các quân khu đã được thành lập trước thời hạn.

Cũng tại phiên họp trên, các quan chức quốc phòng đã thảo luận chi tiết về các vấn đề thanh lý những trang thiết bị kĩ thuật cũ, cho phép giải phóng khoản tiền đáng kể để mua vũ khí và trang thiết bị kỹ thuật mới.

Nhằm hiện đại hóa quân đội và công nghiệp quốc phòng, năm 2011, Nhà nước Nga đã dành một khoản ngân sách quân sự lớn lên tới 3.000 tỷ rúp (khoảng 60 tỷ USD), chiếm 19% các khoản chi ngân sách nhà nước.

Được biết, chi phí cho tổ hợp quân sự trong 10 năm tới sẽ vượt 22.500 tỷ rúp (khoảng 600 tỷ USD) và chương trình quốc gia mới bao gồm tái trang bị 70-80% vũ khí hiện đại. Như vậy trong 10 năm tới, quân đội Nga hầu như sẽ được tái trang bị hoàn toàn.

Các chuyên gia cho rằng công cuộc tái trang bị quân đội hiện nay sẽ làm thay đổi ngành công nghiệp Nga, một số đơn đặt hàng sẽ dành cho các xí nghiệp công nghiệp trong nước.

Chính vì vậy, tái trang bị quân đội chính là một phần của công cuộc hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy toàn bộ ngành sản xuất Nga phát triển./.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Học giả quốc tế phê phán đường lưỡi bò của TQ


Tác giả: PHƯƠNG LOAN

Trong khi quan điểm của các học giả Trung Quốc đưa ra tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông được xem là “không có gì mới”, “vẫn là luận điệu cũ đòi ôm trọn Biển Đông”, thì các học giả quốc tế đều lên tiếng phê phán tuyên bố chủ quyền cũng như cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông.

VietNamNet ghi nhận ý kiến của các học giả quốc tế bên lề Hội thảo quốc tế về Biển Đông diễn ra tại Hà Nội tuần qua. Đáng tiếc, các học giả Trung Quốc tham gia hội thảo viện nhiều lí do đã từ chối trả lời phỏng vấn của báo giới Việt Nam.

Mập mờ, thiếu nghiêm túc

GS Valencia. Ảnh PL

GS Mark J. Valencia (Mỹ):

Tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền với Biển Đông rất mập mờ. Trung Quốc không làm rõ thực ra đường chữ U đó là gì. Khi được đề nghị giải thích về ý nghĩa của đường ranh giới này, là đường biên giới hay là gì khác, họ rất mập mờ: có thể thế, có thể không. Nó cũng giống như cách Mỹ trả lời việc có hay không chuyện Mỹ giúp Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc đại lục tấn công. Họ cứ để mập mờ, với cách giải thích mềm như vậy, để người khác phải đoán, còn họ thì cố gắng đạt lợi ích tối đa.

GS Ramses Amer. Ảnh: PL

GS Ramses Amer (Thụy Điển):

Trong khi Việt Nam có tuyên bố rõ ràng về từng khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền, cơ sở cho từng tuyên bố đó, có định nghĩa pháp lý rõ ràng cho từng khái niệm trong tuyên bố của mình thì tuyên bố của Trung Quốc lại không rõ ràng: từ khu vực tuyên bố chủ quyền tới cơ sở cho tuyên bố của họ.

Có ý kiến nói rằng về mặt hồ sơ, tư liệu, Trung Quốc có sự chuẩn bị tốt hơn. Thực ra, chỉ có tuyên bố chủ quyền mang tính lịch sử mới có thể chuẩn bị tài liệu giấy tờ. Thềm lục địa thì không thể chỉ trên văn bản, mà là thực địa. Dù anh có tuyên bố bao nhiêu vùng biển thuộc chủ quyền của mình thì đó cũng chỉ là tuyên bố mà thôi.

Thế nhưng, thực tế, cũng giống như vấn đề biên giới trên bộ, cuối cùng, các bên phải có cách tiếp cận chung. Cuối cùng, đó là vấn đề của đàm phán, thảo luận.

Sẽ là bất khả thi để đi đến đàm phán nếu như Trung Quốc vẫn không làm rõ tuyên bố của mình.

Đường lưỡi bò không giá trị

GS Mikhailovich. Ảnh: PL

GS Lokshin G. Mikhailovich (Nga)

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với tất cả các đảo trên Biển Đông. Họ muốn biến Biển Đông thành hồ của Trung Quốc. Điều đó là không thể chấp nhận được với bất kì nước nào.

Khi còn trẻ, là một phiên dịch, có dịp dịch cho đoàn quan chức Việt Nam tới thăm Liên Xô và có đề cập tới vấn đề Hoàng Sa. Chính sách của Trung Quốc lúc đó rất cứng rắn. Họ lấy lí do là qua nghiên cứu khảo cổ, họ đã phát hiện xương người Trung Quốc ở các đảo thuộc quần đảo này, và do đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với quần đảo. Lãnh đạo Việt Nam khi đó đã đáp lời Trung Quốc, hãy tới khảo cổ ở gò Đống Đa và các khu vực xung quanh Hà Nội, họ sẽ tìm thấy nhiều xương của người Trung Quốc hơn nữa.

Rõ ràng, quan điểm của Trung Quốc là hết sức thiếu nghiêm túc, chỉ mang tính tuyên truyền hơn là dựa trên lôgic, và tính pháp lý.

Các nước đã rất nỗ lực để giải quyết vấn đề Biển Đông, thế nhưng tiến trình đã bị ngưng trệ, bởi Trung Quốc áp dụng chính sách 3 không: nói không với quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, nói không với đối thoại đa phương, nói không với bất kì cơ quan thứ 3 nào can dự giải quyết vấn đề Biển Đông. Chính sách đối ngoại 3 không này khiến cho xung đột Biển Đông không có hướng giải quyết.

Điều này gây quan ngại cho nước Nga, bởi nhiều người nghĩ nước Nga xa Biển Đông, nằm ngoài khu vực tranh chấp này. Thực tế không phải như vậy. Nga có lợi ích và mối quan tâm ở Biển Đông, có sự kết nối với khu vực này và là thành viên của một khu vực lớn hơn: khu vực châu Á – TBD. Chúng tôi muốn một khu vực ổn định và hòa bình, đảm bảo tự do thông thương, vận tải và an ninh khu vực…

GS Ian Townsend-Gault. Ảnh: PL

GS Ian Townsend-Gault (Canada):

Các nước không cần phải lo ngại về đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra gần như bao trọn Biển Đông, vì khi Trung Quốc phê chuẩn Công ước Luật Biển của LHQ (UNCLOS), đường lưỡi bò đó trở nên không có giá trị vì theo Công ước, chủ quyền quốc gia được tính từ đường cơ sở ven biển vươn ra bao nhiêu hải lý đã được qui định rõ.

Hơn nữa đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ không được giới luật gia công nhận. UNCLOS là một văn bản luật quốc tế hiện đại. Một khi phê chuẩn có nghĩa là Trung Quốc phải từ bỏ việc đòi chủ quyền trong đường lưỡi bò.

Nazery Khalid (Malaysia):

Theo đánh giá của giới quan sát, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc có cơ sở pháp lý và lịch sử yếu nhất trong số các nước đưa ra tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Từ góc độ pháp lý, yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với bất kì quy định nào của UNCLOS.

“Nên từ bỏ tuyên bố đường ranh giới 9 đoạn”

Tướng Daniel Schaeffer. Ảnh PL

Tướng Daniel Schaeffer (Pháp):

Năm 1947, cùng với việc chiếm đóng đảo Itu Aba (đảo Ba Bình), lần đầu tiên đ]ường ranh giới trên biển đã xuất hiện trong bản đồ tư nhân, không phải là bản đồ chính thức của Trung Quốc. Bản đồ đó đã vẽ một đường gần như bao trọn Biển Đông. Lúc này đường không vẽ đứt khúc 9 đoạn mà vẽ liền.

Sau đó, vào những năm 1950, đường ranh giới này lại được chia tách thành 11 đoạn và thành đường ranh giới 9 đoạn từ thời Thủ tướng Chu Ân Lai nắm quyền, sau khi xóa bỏ 2 đoạn ở khu vực Vịnh Bắc Bộ.

Điều quan trọng là, thậm chí ngay cả khi đường 9 đoạn này tiếp tục được in trong các bản đồ của Trung Quốc, và khi Trung Quốc luôn bảo vệ những gì mà nước này đã yêu sách chủ quyền với Biển Đông trong khu vực bao quanh bởi 9 đoạn này, cho đến nay, Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra bất kì một văn bản pháp lý chính thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực được khoanh bởi 9 đoạn này.

Chưa bao giờ được giải thích bởi bất kì một cơ quan, tổ chức nào một cách rõ ràng, chắc chắn, vì thế, bản đồ này hoàn toàn không hợp lệ.

Đường 9 đoạn của Trung Quốc là yếu tố then chốt đầu độc liên tục mối quan hệ liên khu vực xung quanh vùng biển này.

Cùng với việc đưa ra bản đồ này, Trung Quốc đã gây ra sự mơ hồ và lạc lối cho những nhà quan sát trong việc giải thích đúng đắn sự tồn tại của đường ranh giới này.

Để biện hộ cho sự đúng đắn của việc duy trì sự tồn tại của đường ranh giới 9 đoạn, Trung Quốc nói rằng đường này có khoảng cách đều giữa bờ biển của các nước liền kề và các đảo mà Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền.

Bằng cách này, Trung Quốc đang đi ngược lại UNCLOS, khi Công ước quy định cơ chế xác định đường cơ sở này chỉ áp dụng với các quốc gia biển đảo, không phải với các đảo.

GS Stein Tonnesson trao đổi cùng GS Leszek Buszynski, ĐH quốc tế Nhật Bản. Ảnh: PL

Cách thức Trung Quốc định nghĩa vùng lãnh thổ bên ngoài đại lục, ở đại dương không phải cách ứng xử vì hòa bình và ổn định.

Có các luồng quan điểm khác nhau ở Trung Quốc giải thích cho đường ranh giới 9 đoạn này. Có quan điểm của cho rằng Biển Đông là vùng lãnh hải. Thực tế là đường 9 đoạn này đã được vẽ trước khi UNCLOS ra đời. Đó là một thực tế lịch sử. Lại có một số ý kiến cho rằng Biển Đông là vùng nước lịch sử của Trung Quốc.

Cả hai quan điểm này đều không chấp nhận được bởi vì theo như UNCLOS n của LHQ, không có cái được gọi là vùng nước lịch sử. Các vịnh lịch sử thì có, nhưng vùng nước lịch sử thì không.

Coi Biển Đông là vùng lãnh hải cũng không có ý nghĩa bởi lẽ khoảng cách từ bờ biển đến đường ranh giới Trung Quốc tuyên bố gấp nhiều lần khoảng cách cho phép được quy định bởi UNCLOS liên quan đến vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, và thậm chí là thềm lục địa.

Hơn nữa, tuyên bố này theo cách nào đó cũng đối lập với tuyên bố của Trung Quốc cho rằng tất cả các đảo thuộc lãnh thổ Trung Quốc và xem đường cơ sở mà nước này định nghĩa hoặc tưởng tượng xung quanh những đảo như là của một quốc gia biển đảo.

Đường 9 đoạn của Trung Quốc không tương thích với bất kỳ điểm nào của UNCLOS và do đó, không thể áp dụng theo Luật biển.

Hơn nữa, bằng việc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông, Trung Quốc đã không đưa ra một bức tranh về sự nghiêm túc với toàn thế giới. Muốn nhận được sự tôn trọng và được lắng nghe từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tốt nhất nên từ bỏ đường ranh giới 9 đoạn của mình.

Quan điểm cũng đã được đưa ra bởi GS Zhao Lihai, ĐH Bắc Kinh, người mà sau thời gian bảo vệ cho đường ranh giới 9 đoạn đã nhận ra rằng việc bảo vệ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông gây tác động ngược với điều mà Trung Quốc đang tìm kiếm: được lắng nghe để thu lợi lớn nhất.

Đơn phương

GS Stein Tonnesson (NaUy):

Quyết định cấm đánh bắt cá của Trung Quốc xuất phát từ mục đích tốt: bảo tồn nguồn cá, đảm bảo nguồn cung cấp cá to lớn, lâu dài cho hàng triệu cư dân sống ở khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, vấn đề là Trung Quốc lại thực hiện đơn phương.

Đáng ra, Trung Quốc nên cùng với các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… thảo luận và thiết lập một cơ chế cấm đánh bắt cá chung. Khi đó, quy định sẽ có hiệu quả thực tế hơn và cũng không làm căng thẳng tình hình Biển Đông.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Tấm bản đồ bất chính


Bản đồ do Trung Quốc tự vẽ và trưng ra như vậy không có giá trị pháp lý và đã vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia có các vùng biển, đảo bị cái “lưỡi bò” tham lam này “liếm” mất.

LTS: Chuyên đề An ninh Thế giới tuần số 1009 đăng tải bài viết “Tấm bản đồ bất chính” của tác giả Lưu Nguyễn liên quan đến việc Trung Quốc chính thức đưa lên bản đồ trực tuyến đường yêu sách 9 đoạn trên Biển Đông. Tuần Việt Nam giới thiệu như một góc nhìn tham khảo.

Việc Trung Quốc chính thức đưa lên bản đồ trực tuyến đường yêu sách 9 đoạn đã bộc lộ dã tâm và tiếp tục ngang nhiên công khai hóa tham vọng bành trướng của Trung Quốc muốn thâu tóm quyền kiểm soát đối với phần lớn Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và nhiều nước khác, kể cả những nước từng bày tỏ lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm tự do hàng hải ở đây.

Cục Đo đạc bản đồ quốc gia Trung Quốc mới đây đã khai trương dịch vụ bản đồ trực tuyến mang tên Map World tại địa chỉ http://www.tianditu.cn/ và http://www.chinaonmap.cn/ , mà trên đó họ thể hiện đường yêu sách 9 đoạn bao trùm lên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam.

Việc làm ngang ngược này của Trung Quốc tất nhiên đã bị Việt Nam phản đối.

Ngày 5/11/2010, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta nêu rõ rằng việc làm này “đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, vi phạm Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc”, đồng thời nhấn mạnh rằng “Việt Nam phản đối việc làm này của phía Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc nhanh chóng gỡ bỏ các dữ liệu tại bản đồ nêu trên có nội dung vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam, tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc duy trì hòa bình, ổn định, không làm phức tạp hoặc mở rộng tranh chấp ở Biển Đông”.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra đường yêu sách 9 đoạn, thể hiện tham vọng bành trướng của họ trên Biển Đông.

Đường yêu sách lưỡi bò đầy tham vọng của Trung Quốc

Ngày 7/5/2009, Trung Quốc cũng đã trưng ra một bản đồ với 9 đường kẻ ngắt quãng (đường gián đoạn), thể hiện đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông kèm theo lời phản đối của họ đối với các hồ sơ đăng ký riêng của Việt Nam và chung của Việt Nam và Malaysia  về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý được trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hiệp quốc (UNCLCS) một ngày trước đó.

9 đường kẻ ngắt quãng trên bản đồ do Trung Quốc đưa ra tạo thành một vùng có hình chữ U, còn gọi là đường lưỡi bò, bao phủ tới 80% diện tích Biển Đông.

Tất nhiên, cái bản đồ do Trung Quốc tự vẽ và trưng ra như vậy không có giá trị pháp lý và đã vấp phải sự phản đối của  nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia có các vùng biển, đảo bị cái “lưỡi bò” tham lam này “liếm” mất, trong đó có những vùng biển cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Nay Trung Quốc lại chính thức đưa lên bản đồ trực tuyến của Cục Đo đạc bản đồ quốc gia nước họ đường yêu sách 9 đoạn này, với các địa chỉ truy cập rất rõ ràng.

Việc làm này không chỉ “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc  về Luật Biển 1982, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc”, như tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta, mà còn bộc lộ dã tâm và tiếp tục ngang nhiên công khai hóa tham vọng bành trướng của Trung Quốc muốn thâu tóm quyền kiểm soát đối với phần lớn Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và nhiều nước khác, kể cả những nước từng bày tỏ lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm tự do hàng hải ở đây.

Với lắm mưu, nhiều kế, Trung Quốc đã tìm mọi cách và đã làm nhiều việc để thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ của họ trên Biển Đông. Chỉ riêng đối với Việt Nam, đã có thể thống kê hàng loạt hành động ngang ngược của họ. Họ đã chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Hàng năm họ ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong một thời gian dài trên Biển Đông mà “vùng cấm” bao gồm cả những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, rồi bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam hành nghề trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động mưu sinh của ngư dân Việt Nam.

Họ cũng đã quyết định thành lập cái gọi là ủy ban thôn trên hai đảo Vĩnh Hưng và Triệu Thuật, tức đảo Phú Lâm và Đảo Cây, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam  mà họ đang chiếm giữ trái phép.

Họ còn thông qua cái gọi là “Luật bảo vệ hải đảo” liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông; thông qua “Cương yếu quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010-2020″, trong đó xác định khu tổ hợp chức năng biển do tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đồng thời vạch ra kế hoạch tăng cường mở tuyến du lịch đường không và đường biển tới quần đảo Hoàng Sa, khuyến khích việc đăng ký quyền sử dụng đối với các đảo không người ở trên Biển Đông; và thiết lập mạng điện thoại di động ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ chiếm giữ trái phép.

Ngoài ra, họ thường xuyên cử các tàu ngư chính đến các vùng mà họ gọi là “Tây Sa” và “Nam Sa” (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), rồi gia tăng sức mạnh quân sự trên biển v.v. . Trong khi đó, trên mặt trận dư luận, các trang mạng mà Bắc Kinh khoác cho cái áo “không chính thức” cũng tung ra nhiều loại thông tin, kể cả những thông tin không có lợi cho quan hệ hữu nghị Việt – Trung, thậm chí là thông tin hù dọa, phục vụ cho mưu đồ bành trướng trên biển của họ…

Như vậy, việc Cục Đo đạc bản đồ quốc gia Trung Quốc khai trương dịch vụ bản đồ trực tuyến thể hiện đường yêu sách 9 đoạn bao trùm lên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam, cũng giống như các hành động được liệt kê trên đây của họ, tiếp tục làm phức tạp thêm tình hình vốn đã rất phức tạp trên Biển Đông, hoàn toàn  bất lợi đối với tiến trình đàm phán tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và càng không có lợi cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Tìm mọi mánh khóe, công khai hoặc ngấm ngầm, để vơ lấy những gì không phải là của mình, nói theo kiểu dân dã, là nhận vơ, là ăn gian.

Vì tham nên mới gian.

Tác giả: LƯU NGUYỄN


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Nhật bắt thủ phạm vụ rò rỉ video va chạm tàu cá


Cảnh sát Nhật Bản đang lên kế hoạch bắt giữ một nhân viên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển (JCG) vì người này đã tung đoạn băng ghi hình vụ va chạm giữa tàu đánh cá Trung Quốc với tàu tuần tra của Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku, phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, hồi đầu tháng Chín.

Vụ việc khiến quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng.

Chỉ huy JCG Hisayasu Suzuki ngày 10/11 đã thông báo vắn tắt trước Ủy ban Ngân sách Hạ viện rằng một nhân viên của lực lượng này thú nhận với thuyền trưởng tàu tuần tra Uranami là chính anh ta đã tung đoạn băng ghi hình trên lên mạng Internet. Được biết, tàu Uranami hiện đang trên đường trở về cảng Kobe.

Nhân viên trên đã thú nhận sau khi các nhà điều tra phân tích những dữ liệu thu được từ Youtube LLC – một đơn vị của Tập đoàn Google – và phát hiện đoạn băng hình bị rò rỉ được đưa lên mạng từ một máy tính cá nhân tại một quán càphê Internet gần trụ sở Văn phòng JCG ở Kobe.

Các nhà điều tra sẽ tiếp tục phân tích các bản ghi tên khách hàng sử dụng Internet và băng ghi hình của quán cà phê Internet trên để xác định rõ xem nhân viên trên có phải là người đã đưa đoạn băng lên mạng hay không.

Nếu đúng là nhân viên trên đưa đoạn băng hình lên mạng, các nhà điều tra sẽ phải xác minh làm thế nào anh ta có đoạn băng ghi hình đó vì Văn phòng JCG Kobe không tham gia các cuộc điều tra của cảnh sát về vụ va chạm giữa tàu đánh cá Trung Quốc với tàu tuần tra của Nhật Bản.

Băng ghi hình trên được lưu giữ tại các văn phòng của JCG ở Ishigaki và Naha, đều ở Okinawa, và cách Kobe 1.500km.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshito Sengoku cùng ngày cho biết chính Chỉ huy JCG Suzuki – mà không phải là các thành viên Nội các – phải chịu trách nhiệm về vụ rò rỉ này.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan lại có quan điểm thận trọng hơn sau khi có tin đã tìm ra thủ phạm của vụ rò rỉ trên.

Ông Kan cho rằng cần phải làm rõ nguyên nhân vụ việc sau đó mới đến quy trách nhiệm cho ai, đồng thời yêu cầu các bộ quan tâm đến vấn đề bảo mật thông tin và siết chặt các quy định đối với nhân viên./.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Limousine Zil mơ ước của Tổng thống Nga


Trung tâm thiết kế Slava Saakyan, Nga đã thỏa mãn được ước nguyện của Tổng thống Nga Medvedev khi cho ra mắt mẫu xe Limousine Zil thế hệ mới đầy vẻ sang trọng, hiện đại, độc đáo.

Mẫu xe Limousine Zil đã từng là biểu tượng quyền lực về vận tải của Xô Viết một thời. Tổng thống Nga Medvedev luôn mong muốn tái hiện lại mẫu xe này để đưa vào sử dụng, không chỉ cho riêng ông, mà còn phục vụ cho các quan chức chính phủ và phục vụ cho công tác ngoại giao.

Trung tâm thiết kế Slava Saakyan đã thỏa mãn được ước nguyện của Tổng thống Nga Medvedev khi cho ra mắt mẫu xe Limousine Zil thế hệ mới. Xe Limousine Zil được thiết kế dựa trên những nét thiết kế cổ điển, kết hợp với một số tính năng mới, tạo nên sự an toàn, thoải mái.

Mẫu Limousine ZiL này có hình dáng khá độc đáo. Loại xe này không có cửa kính hậu và có hình thù cùng các góc cạnh vuông vức một cách lạ thường

Hãy cùng chiên ngưỡng mẫu xe độc đáo này:

Thu Minh (Theo: Carscoop)

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)