Phê duyệt đề án tái cơ cấu Vinashin


Chiều 18-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Thời gian tái cơ cấu: 2011-2013.

Tàu chở ô tô của Vinashin

Mục tiêu của việc tái cơ cấu nhằm sớm ổn định sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển, tập trung vào 3 lĩnh vực chính: công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển; đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp tàu biển.

Việc tái cơ cấu Vinashin phải đảm bảo được yêu cầu không để ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư chung của nền kinh tế; duy trì đội ngũ lao động, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính; bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của nhà đầu tư, người lao động trong các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp.

Khai thác, sử dụng có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại những tài sản đã và đang đầu tư; thu hồi tối đa các khoản đã đầu tư vào các lĩnh vực không liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính để tập trung cho phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển.

Mô hình Vinshin sau khi tái cơ cấu là tổ hợp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp phụ trợ, đào tạo, phục vụ đóng và sửa chữa tàu biển, gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường, bao gồm: công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết, đơn vị sự nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động.

Theo Đề án, Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát Vinashin trong việc cơ cấu lại tài chính, xử lý nợ, cân đối các nguồn vốn trả nợ, việc huy động và sử dụng vốn cho sản xuất kinh doanh, đầu tư; rút vốn bằng thương hiệu; xác định lại mức vốn điều lệ của Tập đoàn phù hợp với nhiệm vụ được giao, cấp đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong việc cơ cấu lại các khoản nợ và cho vay mới theo đúng quy định của pháp luật, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tái cơ cấu tài chính Vinashin.

ĐNĐT


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng sau mười năm trở lại


Tôi không sinh ra ở Đà Nẵng nhưng gia đình tôi định cư ở Đà Nẵng và hầu hết mọi thành viên gia đình đều đang học tập và làm việc tại đó. Riêng tôi, do tính chất nghề nghiệp, phải sống xa Đà Nẵng đã hơn 10 năm nay. Vừa rồi, tôi được Công ty Tư vấn BVI (Black and Veatch International), một doanh nghiệp tư vấn của Hoa Kỳ phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á tuyển dụng và bổ nhiệm vào vị trí Chuyên gia Kinh tế và Phân tích Tài chính cho Dự án Cấp nước Đà Nẵng.

Thành phố bên sông Hàn. Ảnh: Thu Thủy

Thế là sau hơn 10 năm xa cách, tôi mới được trở về công tác tại Đà Nẵng. Thời gian 10 năm đủ có cơ hội thấy hết những thay đổi của Đà Nẵng, chiêm nghiệm lại những khác biệt so với nơi khác và nhận thấy được tầm vóc và xu thế phát triển của Đà Nẵng trong tương lai.

Với những kiến thức thu thập được, những trải nghiệm trong công tác và tư duy quản lý chiến lược của mình khi khảo sát tình hình phát triển của Đà Nẵng hiện nay, tôi nhận thấy rằng thành phố đang đổi thay từng ngày đúng theo các tiêu chí phát triển bền vững mà hầu hết các đô thị hiện đại trên thế giới đang nỗ lực theo đuổi. Công tác quản lý đô thị và quy hoạch đô thị phổ biến hiện nay dựa theo một nguyên tắc nghe rất đơn giản. Đó là nguyên tắc bốn tiêu chí bền vững: bền vững về xã hội, bền vững về tự nhiên, bền vững về kỹ thuật, và bền vững về tài chính. Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau soi rọi bốn tiêu chí phát triển bền vững đó vào công tác quản lý và quy hoạch đô thị thành phố Đà Nẵng như thế nào.

Bền vững về xã hội là tiêu chí quan trọng bậc nhất. Công tác quản lý và quy hoạch phát triển đô thị thường có tác động sâu rộng đến cuộc sống nhiều người từ nhiều thành phần khác nhau với nhiều nguồn gốc văn hóa khác nhau. Để công tác quản lý và quy hoạch đô thị tồn tại vững vàng theo thời gian mong muốn thì công tác này trước hết phải vì con người, nghĩa là phải có tính nhân văn, phải cân bằng được với các giá trị văn hóa, tôn giáo; phải bảo đảm được đầy đủ các yếu tố xã hội như giáo dục, y tế, việc làm thu nhập, giao thông, vui chơi giải trí và các dịch vụ xã hội cần thiết khác, đó là những yếu tố tạo tiền đề cho bền vững xã hội.
Từ nhiều năm nay, Đà Nẵng đổi thay từng ngày theo tiến độ hoàn thiện các công trình xây dựng. Cả thành phố như một đại công trường. Tuy nhiên, công tác thi công luôn luôn được sắp xếp hợp lý và quản lý chặt chẽ, hạn chế tối đa những xáo trộn cuộc sống người dân, không gây ách tắc giao thông, không tác động tiêu cực đến công việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đã có số liệu thống kê cho thấy, Đà Nẵng thực hiện khối lượng công việc di dân và giải phóng mặt bằng nhiều nhất so với các địa phương khác trong cả nước. Ấy thế, nhưng hầu như mọi công trình trọng điểm đều được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Điều này cho thấy công tác di dân và giải phóng mặt bằng được thực hiện rất tốt. Làm được điều này, Đà Nẵng rất chú trọng công tác truyền thông. Tất cả mọi việc đều được công khai, với mong muốn của chính quyền thành phố là ý tưởng quy hoạch kết hợp với công nghệ tiên tiến phải hài hòa được với ý nguyện của nhân dân. Công tác truyền thông được tiến hành sâu rộng xuyên suốt qua các giai đoạn quy hoạch như (a) thăm dò ý tưởng, (b) mô hình hóa ý tưởng, (c) quy hoạch sơ bộ và quy hoạch chi tiết, và (d) thực thi đồ án quy hoạch. Đặc biệt, đối với hai giai đoạn sau cùng công tác truyền thông được đẩy mạnh rất sâu rộng và chi tiết bằng các cuộc khảo sát điều tra kinh tế-xã hội rất cụ thể.


Người dân Đà Nẵng rất có trách nhiệm với công việc chung, chính quyền thành phố rất tôn trọng ý kiến công chúng và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân nói lên ý kiến của mình. Bởi vậy, mọi đồ án quy hoạch đều được đón nhận và ủng hộ vì được thực hiện theo như ý nguyện của nhân dân.


Về công tác quản lý đô thị, phải ghi nhận một điều nổi bật ở Đà Nẵng là không gian đô thị và cuộc sống đô thị rất ngăn nắp và tươm tất, đường phố thông thoáng, hè phố rộng rãi. Đi bộ ở Đà Nẵng rất thoải mái, không bị vướng bận bởi sự hỗn loạn của giao thông, không bị quấy rầy chèo kéo của những người bán hàng rong, không bị đeo bám của những người ăn xin. Đà Nẵng là đô thị duy nhất trong cả nước thực hiện thành công tiêu chí “3 có” và “5 không”. Có thể coi đây là tiêu chí phát triển đô thị bền vững đặc trưng Việt Nam mà các đô thị khác trong cả nước nên học tập.


Bền vững về tự nhiên là tiêu chí quan trọng thứ hai. Tiêu chí này dựa trên nguyên tắc cơ bản là tất cả mọi cấu phần của công tác quản lý và quy hoạch đô thị phải tồn tại hài hòa và thân thiện với môi trường sinh thái tự nhiên. Và theo thứ tự ưu tiên, chúng ta cùng xem xét hai yếu tố ưu tiên số một trong thứ tự đó tại Đà Nẵng như thế nào.


Ưu tiên thứ nhất là nguồn nước: Đà Nẵng chưa phải là địa phương gặp khó khăn về nguồn nước, nhưng chính quyền đô thị đã rất quan tâm đến lĩnh vực này vì biết rằng nguồn nước sẽ trở nên khan hiếm trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Công tác bảo vệ nguồn nước đang được chính quyền chỉ đạo thực hiện rất triệt để. Các đồ án công trình phát triển nếu được đánh giá là có tác động tiêu cực đến nguồn nước đều bị từ bỏ. Đà Nẵng là một trong số địa phương đầu tiên quan tâm đến vấn đề quản lý nguồn nước theo lưu vực liên vùng. Thể hiện sự ủng hộ của mình đối với chính quyền đô thị Đà Nẵng, Ngân hàng Phát triển châu Á đã đồng ý tài trợ cho Đà Nẵng một dự án nguyên cứu nguồn nước sẽ được triển khai trong nay mai. Ngân hàng Phát triển châu Á cũng là đơn vị tài trợ Dự án Cấp nước đô thị cho Đà Nẵng.


Ưu tiên thứ hai là khoảng không gian xanh. Đà Nẵng chưa được gọi là thành phố xanh, tuy nhiên tình hình đang dần cải thiện với sự quan tâm của chính quyền đô thị. Cây xanh được gìn giữ bảo vệ và phát triển tươm tất. Ta dễ dàng nhận thấy rất nhiều hàng cây mới trồng đang cố gắng vươn cao tỏa bóng mát cho khách bộ hành. Chỉ tiêu mật độ đất cây xanh đô thị là 8 – 10m2 cho mỗi người dân đã được xác định và dành đất tại các đồ án quy hoạch phát triển đô thị đã góp phần cải thiện không gian chung cho toàn thành phố.


Đà Nẵng là đô thị rất đặc biệt, vừa có núi có sông lại vừa có biển bao quanh. Định hướng phát triển của Đà Nẵng đã được chính quyền chỉ đạo là hướng ra biển – “nối dài bờ sông, kéo dài bờ biển” trong sự hài hòa với cảnh quan núi rừng Sơn Trà và Bà Nà-Núi Chúa.
Những khoảng không gian xanh được gìn giữ và phát triển hợp lý tạo đặc trưng kiến trúc hòa nhập với cảnh quan thiên nhiên sẵn có. Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng nhiều khu công viên cây xanh như: Khu công viên Khuê Trung, công viên biển cuối tuyến đường Phạm Văn Đồng, các khu cây xanh gắn với trung tâm thể thao giải trí ở khu vực quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, vùng Bà Nà-Suối Mơ, ven sông Hàn, đường Cách mạng Tháng Tám. Các công viên rừng và bảo tồn thiên nhiên được xác định hình thành và đang dần rõ nét tại Sơn Trà, Phước Tường, Bà Nà-Núi Chúa, Đồng Nghệ.


Bền vững về kỹ thuật là tiêu chí quan trọng thứ ba. Điều này phản ánh rất rõ ràng trong các dự án phát triển của Đà Nẵng. Các dự án đều phải nhận diện và tích hợp tất cả các công trình hạ tầng phụ trợ cần thiết như cấp điện, cấp nước, thoát nước và vệ sinh, bưu chính-viễn thông, cây xanh và chiếu sáng, v.v… Tiến độ thi công cũng được thiết lập rất cụ thể chi tiết và đồng bộ, xây trước, xây sau nhịp nhàng và hợp lý, không đào đi đào lại lãng phí và hỗn loạn.


Có lẽ những ai đã từng chứng kiến cảnh náo loạn và ách tắc giao thông do những “lô cốt” trên đường phố từ các dự án xây dựng tại nhiều đô thị khác thì sẽ cảm nhận rất rõ ràng tính hợp lý và trân trọng công tác quản lý đô thị tại Đà Nẵng.


Bền vững về tài chính là tiêu chí quan trọng cuối cùng. Ở Đà Nẵng, công tác phân tích kinh tế-xã hội và tài chính rất được quan tâm thực hiện nghiêm ngặt và thẩm định chặt chẽ cho từng dự án đầu tư phát triển. Nguyên tắc chủ đạo của công tác này là phải nhận diện ra được toàn bộ mọi chi phí phát sinh đầu tư, vận hành, bảo dưỡng và quản lý công trình.


Một thực tế đáng ghi nhận tại Đà Nẵng là không những tài chính cho dự án mà tài chính cho những hộ dân bị ảnh hưởng của dự án cũng được xem xét và triển khai rất đồng bộ. Các hộ dân phải di dời, nhường lại mặt bằng cho dự án đều được chính quyền quan tâm ổn định cuộc sống và có việc làm, tạo thu nhập bền vững. Đây chính là yếu tố tạo động lực thành công cho công tác di dân giải phóng mặt bằng ở Đà Nẵng.


Đà Nẵng là một thành phố trẻ, nhưng công tác quản lý và quy hoạch đô thị đang là điểm sáng. Thành tựu này có được nhờ chính quyền quản lý đô thị luôn theo đuổi một nguyên tắc rất đơn giản: Bốn tiêu chí bền vững kết hợp với tư duy chiến lược vì con người.


TS. Trương Tiến Hải


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Bắt đầu tiến hành xử lý điểm nóng Dioxin tại Đà Nẵng


Chiều ngày 17/11, ông Howard Haidier, Giám đốc Chương trình Phát triển chung của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, đã có buổi làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng về việc triển khai các chương trình hỗ trợ người khuyết tật tại Đà Nẵng từ nguồn USAID và kế hoạch tẩy rửa chất độc Dioxin tại điểm nóng sân bay Đà Nẵng.

Theo thông tin từ Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng, từ năm 2007 đến nay, thông qua nhiều nguồn hỗ trợ từ các tổ chức Phi chính phủ Hoa Kỳ và USAID đã chuẩn chi cho chương trình khắc phục hậu quả dioxin tại VN lên đến 21 triệu USD. Trong đó có 2 triệu USD chi cho dự án “Khắc phục môi trường tại sân bay Đà Nẵng: Đánh giá, Lập Kế hoạch và Thiết kế Công trình” thông qua Công ty CDM International, dự án tập trung vào 2 phần: đánh giá và báo cáo tác động môi trường, và đề xuất thiết kế các giải pháp kỹ thuật cho việc tẩy độc môi trường; 3 triệu USD chi cho các dự án hỗ trợ người khuyết tật thực hiện qua các tổ chức NGO Mỹ, còn lại 16 triệu USD sẽ dùng để tẩy độc môi trường trên thực tế.

Theo đánh giá của Sở, các chương trình hỗ trợ người khuyết tật đã đem lại hiệu quả cũng như sự thay đổi đáng kể cuộc sống của người khuyết tật, các nạn nhân dioxin tại Đà Nẵng. Tuy nhiên chương trình cũng còn hạn chế như chi phí hành chính cao dẫn đến chi phí trực tiếp đến với người khuyết tật thấp, các hoạt động hỗ trợ sinh kế chưa bao phủ hết các quận huyện (còn 3 quận Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn chưa có hoạt động hỗ trợ sinh kế).

Về kế hoạch tẩy rửa chất độc tại sân bay Đà Nẵng, đại diện USAUD cho biết sẽ sử dụng giải pháp hấp thụ nhiệt (dùng điện đốt) và dùng thiết bị hút mùi, theo đó sẽ tiến hành đào đất ô nhiễm dioxin, cho vào ống phân hủy, đốt ở nhiệt độ trên 350 độ C.  Sau 2 năm sẽ làm sạch vùng đất nhiễm độc và có thể trồng cây, rau an toàn. USAID cũng cho biết tổng kinh phí thực hiện dự án này khoảng 34 triệu USD. Chính phủ Hoa Kỳ hiện mới phê duyệt 16 triệu USD, tuy nhiên cũng đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ để hoàn thành dự án.

(Ngọc Thuỷ)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Công an Đà Nẵng và công tác phòng, chống lụt bão


Nhằm chủ động phòng tránh, giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân trong mùa mưa bão năm nay, lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng đã triển khai kế hoạch hành động phòng chống lụt bão, ứng phó kịp thời khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Lực lượng CSGT đường thủy, Công an TP. Đà Nẵng nhắc nhở các phương tiện vào nơi neo đậu an toàn tránh bão.

Thực hiện kế hoạch và sự phân công của Giám đốc CATP Đà Nẵng, được xác định là lực lượng nòng cốt, xung kích, trong công tác phòng chống lụt bão, cán bộ chiến sĩ phòng CSGT luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, luôn được đặt lên hàng đầu. Theo đó, ngay từ những ngày đầu năm, đơn vị đã chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt-tìm kiếm cứu nạn CATP Đà Nẵng tiến hành rà soát, nắm chắc số lượng tàu, thuyền đánh cá của ngư dân; thường xuyên kiểm tra chất lượng, độ an toàn của phương tiện, việc chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết khi ra khơi như phao cứu sinh, dụng cụ chống thủng, thiết bị thông tin; đồng thời tuyên truyền cho ngư dân không ra khơi và vào nơi trú ẩn an toàn khi có tin gió bão. Bên cạnh đó, đơn vị đã triển khai phương án hướng dẫn tàu thuyền khi có tình huống xấu xảy ra.

Lực lượng CSGT đường thủy còn tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trên tất cả các tuyến sông nước trọng điểm để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý các loại tàu thuyền hoạt động không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Để thực hiện tốt nguyên tắc “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” và phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ, ngay trước mùa mưa bão, Phòng Kỹ thuật-Hậu cần CATP đã tiến hành kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng các loại ca-nô, tàu thuyền, đảm bảo 100% phương tiện hoạt động tốt.

Những phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão như phao cứu sinh, xăng dầu dự trữ, hệ thống thông tin liên lạc… cũng được cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, đảm bảo khi lụt bão xảy ra, toàn đơn vị sẽ nhanh chóng triển khai các phương tiện kỹ thuật tại các điểm xung yếu để tham gia công tác cứu hộ cứu nạn. Song song với đó, Phòng Kỹ thuật-Hậu cần CATP đã chủ động giao cho công an các quận, huyện nơi có nguy cơ ngập lụt cao nhất; các trạm CSGT các cửa ô của thành phố quản lý, sử dụng các ca-nô cứu hộ, đồng thời tổ chức tập huấn việc sử dụng phương tiện, thiết bị cho các cán bộ chiến sĩ trong CATP. Trong thời gian này, đơn vị cũng thường xuyên ứng trực 100% quân số.

Nếu bão lụt xảy ra, sẽ huy động tối đa xuồng máy cao tốc, các phương tiện đặc chủng tham gia di dời nhân dân đến nơi an toàn. Đồng thời chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men để tham gia công tác cứu hộ cứu nạn và giúp dân vượt qua bão lũ… Tính đến thời điểm hiện nay, các trang thiết bị cần thiết cho công tác Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn đã được cấp phát đủ số lượng cho công an các địa phương. Trong đó có hơn 1.000 áo phao, nhiều nhà bạt, máy phát điện, đèn cứu hộ. Việc bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy, nhất là đảm bảo thông tin liên lạc cho Công an các đơn vị, địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên xảy ra bị lũ chia cắt cũng được chuẩn bị chu đáo. Đại tá Lê Văn Cách-Trưởng phòng Hậu Cần-Kỹ Thuật, CATP Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã thành lập 1 đội thanh niên xung kích của phòng gồm những cán bộ chiến sĩ lái xe và lái ca nô giỏi kịp thời có mặt tại các điểm xung yếu để cứu người, cứu tài sản nếu tình huống xấu xảy ra.

Rút kinh nghiệm những năm trước, để hạn chế những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, năm nay, Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt – tìm kiếm cứa nạn CATP đã chủ động nắm chắc số lượng và triển khai phương án di dời, sơ tán dân cư ra khỏi vùng bị lũ quét, sạt lở nguy hiểm. Giám đốc CATP đã phân công trách nhiệm cho từng đơn vị, địa phương chủ động thực hiện phương án khi có tình huống xấu xảy ra. Đại tá Nguyễn Đình Chính-Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng – Trưởng ban chỉ đạo phòng chống bão lụt – tìm kiếm cứa nạn CATP cho biết: “Thực hiện phương án sẵn sàng cơ động, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố, các cơ quan ban, ngành từ thành phố đến các quận, huyện cương quyết không để xảy ra tình trạng kẻ gian lợi dụng thời tiết bất ổn để gây án, đồng thời bảo đảm TTATGT; bảo đảm an toàn trụ sở cơ quan, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trước, trong và sau khi bão lũ xảy ra”.

Cho đến giờ phút này, tất cả đã sẵn sàng để đối phó với mùa mưa lũ năm nay.

Bài và ảnh: QUỐC BÌNH


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Nguyễn Bá Thanh: Giáo dục thanh thiếu niên Đà Nẵng


Thành đoàn Đà Nẵng vừa phối hợp với Công an TP đưa 294 thanh thiếu niên được coi là “chậm tiến” đi thăm trường giáo dưỡng số 3 Tân Hòa (thuộc Bộ Công an), trại tạm giam Hòa Sơn và khu du lịch Bà Nà.

Trong buổi gặp gỡ chiều cùng ngày, ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy – Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, có thể khiến các em có những suy nghĩ tiêu cực, tuy nhiên không nên vì thế mà “buông xuôi” rồi bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo vào các hành vi phạm pháp. Bởi hậu quả của việc vi phạm pháp luật thì không chỉ có các em mà cả gia đình và xã hội phải gánh chịu.

Ông Nguyễn Bá Thanh tin tưởng sau chuyến tham quan này, các em bỏ được những thói hư tật xấu, trở thành những công dân tốt góp phần đẩy lùi những tệ nạn xã hội.

Chuyến đi ngày 7/9 nhằm mục tiêu nâng cao ý thức và trách nhiệm công dân cho thế hệ trẻ, qua đó từng bước kiềm chế, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, đảm bảo anh ninh trật tự.

Đây cũng là sáng kiến của TP Đà Nẵng – áp dụng phương pháp giáo dục thực tế nhằm đẩy lùi tệ nạn xã hội, tạo điều kiện cho giới trẻ sống tốt hơn.

294 thanh thiếu niên “chậm tiến” (vì đã có những hành vi như trộm cắp, đánh nhau gây mất trật tự xã hội, nghiện game online, bỏ nhà lang thang)… của 7 quận, huyện trên địa bàn Đà Nẵng đã được giao lưu, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các trẻ em phạm tội đang học tập và giáo dục tại trường giáo dưỡng số 3.

Các em cũng gặp gỡ và nói chuyện, tìm hiểu thực tế những cơ sở sản xuất, nơi sinh hoạt và cải tạo của các phạm nhân trại giam Hòa Sơn.

Ngoài ra các em còn được đưa đi tham quan thắng cảnh Bà Nà nổi tiếng của TP Đà Nẵng và sinh hoạt cộng đồng cùng các đoàn viên thanh niên ưu tú của Công an và Thành đoàn Đà Nẵng.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Nguyễn Bá Thanh – Đà Nẵng miễn thu phí chợ 1 tháng/năm cho các tiểu thương


UBNDTP Đà Nẵng vừa có quyết định miễn thu phí chợ 1 tháng/năm đối với các hộ tiểu thương thực tế đang kinh doanh đúng theo quy định tại 6 chợ trên địa bàn thành phố, gồm: chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Khu B Siêu Thị, chợ Đầu mối Hòa Cường, chợ Hòa Thuận.

Các tiểu thương phấn khởi, yên tâm kinh doanh khi được miễn nộp phí chợ 1 tháng mỗi năm

Theo Quyết định của Thành phố, việc miễn thu phí sẽ được thực hiện vào kỳ thu phí tương ứng tháng giêng âm lịch hàng năm (áp dụng từ ngày 1/1/2010).

UBND thành phố giao cho Sở Công thương và UBND quận Hải Châu triển khai đến các đơn vị trực thuộc thực hiện và kiểm tra tình hình thực hiện quyết định miễn thu phí chợ nêu trên; đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan tính toán số giảm thu ngân sách để tổng hợp vào dự toán ngân sách thành phố hàng năm.

Theo thông tin từ Sở Công Thương, hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 85 chợ với hơn 14.000 hộ kinh doanh, ước tính số tiền miễn thu phí lên đến vài chục tỷ đồng/năm.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cũng cho biết, thời gian quan thành phố đã có rất nhiều ưu đãi đối với các tiểu thương. Hiện thành phố đang nghiên cứu đầu tư xây dựng 3 chợ: chợ Cồn, chợ Hàn và siêu thị Đà Nẵng thành trung tâm mua bán lớn theo phương châm xã hội hóa, có thể xây dựng các trung tâm buôn bán tổng hợp nhiều tầng ngay trên diện tích các chợ cũ nhưng vẫn dành riêng khu vực cho tiểu thương tiếp tục buôn bán mà không tăng giá thuê mặt bằng. Với cơ sở vật chất của các chợ được nâng lên, bà con sẽ có điều kiện buôn bán tốt hơn


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Việt Nam – thành công và tỉnh táo


Nhà báo kinh tế Trần Ngọc Châu

Cho dù tình hình kinh tế tháng 11/2010 – nhất là biến động của giá vàng và đô la – lặp lại y hệt tháng 11 năm ngoái, tăng trưởng của Việt Nam năm 2010 vẫn cao nhất trong khu vực ASEAN.

Xuất khẩu vẫn phải là quốc sách.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,5%. Bình luận con số này, tờ báo New York Times viết: “Trong khi một quốc gia phát triển như Mỹ sẽ vui vẻ với mức tăng trưởng như vậy, thì Việt Nam lại đặt ra mục tiêu lớn hơn”. Thực tế cho thấy, Việt Nam đang phấn đấu vượt mức tăng trưởng 6,5% như kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, cái giá phải trả của tăng trưởng là lạm phát. Bên cạnh thành công nói trên, vào thời gian này chúng ta lại phải đối phó với nguy cơ lạm phát và sự sụt giảm xuất khẩu.

Mặc dù mức độ sụt giảm này thấp hơn hầu hết các nước đang phát triển khác, nhưng nó cũng khiến mức độ thâm thủng mậu dịch hay nhập siêu của chúng ta tăng lên. Tình hình trên cũng là thách thức gay gắt của các quốc gia đang phát triển.

Vị thế quốc tế tăng

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN + 8 cuối tháng 11 cho thấy vị thế Việt Nam trên trường quốc tế gia tăng. Đó là một thực tế chứ không chỉ là “lời ca ngợi”. Nhà báo Kavi, nguyên tổng biên tập tờ Nation của Thái Lan viết: “Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số đầy ấn tượng, Việt Nam đã có nhiều đóng góp đối với nền kinh tế ASEAN trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế toàn cầu.” Theo tác giả, trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã thành công trong việc khẳng định vai trò là một nền kinh tế chủ lực trong khối.

Tuy vậy, các nhà nghiên cứu về Việt Nam của đại học Havard cho rằng “Việt Nam cần cảnh giác với sự ngọt ngào của những lời khen ngợi.” Và chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng khi Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách của chúng ta luôn đủ bản lĩnh, bình tĩnh, tỉnh táo để ý thức về thành công và hạn chế, về điểm mạnh và yếu kém, về thời cơ, thuận lợi và những thách thức, khó khăn.

Việc Intel khánh thành nhà máy kiểm thử vi mạch lớn nhất thế giới tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy cộng đồng đầu tư quốc tế vẫn đánh giá cao Việt Nam bằng hành động.

Phải hướng về xuất khẩu

Nếu đã tiếp cận vấn đề từ đánh giá của bên ngoài, nhất là lợi thế cạnh tranh khi chúng ta gia nhập WTO, thì xuất khẩu vẫn phải là quốc sách.

Khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do khủng hoảng tài chính, một số nhà xuất khẩu Việt Nam được khuyến khích quay về thị trường nội địa, nhưng ta nên biết rằng đó chỉ là “tránh bão”, là giải pháp tình tế.

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Đồ gỗ Việt Nam, cho hay, ông cũng hướng tới việc đa dạng khách hàng bằng cách tìm kiếm khách hàng ở Trung Quốc và những khu vực đang phát triển của Việt Nam như thành phố Đà Lạt, nơi các biệt thự mới được xây dựng không ngừng. Tuy nhiên, thị trường địa phương không thể thay thế được tiềm năng khổng lồ của nhà tiêu dùng toàn cầu.

“Thị trường địa phương vẫn rất nhỏ so với thị trường Mỹ và tổng thể xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục tăng trưởng, mặc dù không nhiều như giai đoạn trước khủng hoảng”, Frederick R. Burke, luật sư điều hành Công ty Baker & McKenzie, nhà tư vấn xuất khẩu, nói./.

Nhà báo kinh tế Trần Ngọc Châu, Tiến sĩ báo chí Truyền thông, Nguyên Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn, hiện nay là Giám đốc Kênh truyền hình Kinh tế Tài chính FBNC.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)