Thành phố trẻ Đà Nẵng “bùng nổ” đặt tên đường nói lên điều gì?


Tên đường phố cũng là một dạng địa danh, nó thể hiện sự trân trọng của các thế hệ hôm nay và mai sau đối với lịch sử, văn hóa của một vùng đất, một dân tộc. Với thành phố trẻ Đà Nẵng, tốc độ phát triển, quy hoạch đô thị đã mở ra hàng trăm con đường mới khiến cho việc đặt tên đường trở nên cấp thiết hơn. Nhằm cung cấp kênh thông tin liên quan đến nội dung trên, kể từ số báo này, Đà Nẵng cuối tuần mở chuyên mục “Hồ sơ Tên đường”. Rất mong được sự ủng hộ của bạn đọc và cộng tác viên xa gần.

Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 12 năm 2010, trên địa bàn thành phố đã có 1.000 tuyến đường, 3 cây cầu và 2 công trình công cộng được đặt tên.

Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, một trong những con đường vừa được đặt tên trong năm 2010

Từ đầu thế kỷ XX đến năm 1955, Đà Nẵng chỉ có 45 đường phố được đặt tên, trong đó có đến 40 đường mang tên bằng tiếng Pháp và chỉ 5 đường mang tên Việt thuần túy là Đò Xu, Đồng Khánh, Đỗ Hữu Vị, Gia Long và Quảng Nam.

Trong 20 năm, từ 1955 đến 1975, Đà Nẵng chỉ thêm được 32 đường có tên, các tên đường bằng tiếng Pháp trước đó đã được đổi thành tên người, tên đất của người Việt bằng tiếng Việt, trừ Pasteur và Yersin là tên hai vị ân nhân y học đáng kính của nhân loại.

21 năm tiếp theo, từ 1975 đến cuối 1996, Đà Nẵng thêm được 13 đường có tên. Nhưng chỉ 5 năm, từ 1997 đến tháng 7 năm 2002, sau khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, thành phố đã có thêm 124 đường được đặt tên (con số cực kỳ ấn tượng so với tổng số 90 đường được đặt tên trong gần 5 thập kỷ trước đó), nâng tổng số đường có tên ở Đà Nẵng vào thời điểm này lên 214.

Và, sẽ còn ngạc nhiên hơn sau khi tham khảo số lượng đường phố Đà Nẵng được chính thức đặt tên trong mấy năm trở lại đây.

Trong 5 năm, từ 2005 đến hết 2009, Đà Nẵng đã có thêm 414 đường được đặt tên. Thống kê cho thấy số đường được đặt tên trong thời gian này tăng dần qua từng năm, trong đó năm 2009 có đến 143 đường được đặt tên qua hai đợt.

Tuy nhiên, năm 2010 mới là năm “bùng nổ” đặt tên đường ở Đà Nẵng. Qua hai đợt đã có đến 401 đường phố, công trình công cộng trên địa bàn được đặt tên, bằng xấp xỉ số đường được đặt tên trong 5 năm trước đó!

Năm 2010 đã để lại dấu ấn trong lòng người dân Đà Nẵng (và cả nước) qua việc thành phố đặt tên đường, công trình công cộng, không chỉ ở số lượng mà còn ở “chất lượng” như Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, Norman Morrison, Francis Henry Loseby…

Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 12 năm 2010, trên địa bàn thành phố đã có 3 cây cầu, 2 công trình công cộng và 1.000 tuyến đường được đặt tên.

Con số này nói lên điều gì?

Thực tế cho thấy, sự bùng nổ số lượng đường phố tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển đô thị.

TP. Hồ Chí Minh có hơn 1.500 đường phố (theo Thạch Phương – Lê Trung Hoa, Từ điển Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, 2008). Thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 1.000 đường được đặt tên. Theo điều tra dân số ngày 1-4-2009, dân số TP. Hồ Chí Minh gần 7,17 triệu người, trong khi Đà Nẵng chỉ trên 887 nghìn người. Đặt một vài con số này gần nhau để thấy rằng, môi trường – không gian sống của Đà Nẵng là mơ ước của cư dân nhiều thành phố lớn trên cả nước.

LÊ GIA LỘC


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đoàn học viên sĩ quan Hoa Kỳ thăm Đà Nẵng


Sĩ quan hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ chào xã giao tại lễ đón tàu khu trục USS John S. Mc Cain diễn ra vào sáng 10-8-2010. Ảnh minh họa

Ngày 3-3, Sở Ngoại vụ thành phố đã có buổi tiếp Đoàn học viên nghiên cứu về nghệ thuật tác chiến nâng cao của quân đội Hoa Kỳ do Đại tá Michael William Snow dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Đà Nẵng trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam từ ngày 27-2 đến ngày 6-3. Dự buổi làm việc, có đại diện Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố.

Tại đây, Đoàn đã xem video clip giới thiệu tổng quan về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng. Thành viên của Đoàn đã có buổi trao đổi với lãnh đạo Sở Ngoại vụ để tìm hiểu thông tin về phát triển du lịch của Đà Nẵng, xây dựng thành phố môi trường, giáo dục-đào tạo, quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng với các địa phương và các tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà thành phố đang đối mặt… Đoàn cũng được thông tin thêm về việc Đà Nẵng đã phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan trong nước và cơ quan tìm kiếm người mất tích của Hoa Kỳ về tìm kiếm và hồi hương hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh. Đại diện của Đoàn cho biết, các gia đình, thân nhân của người mất tích được hồi hương hài cốt đánh giá cao hoạt động nhân đạo này của Việt Nam.

S.T


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng gắn chủ quyền an ninh biên giới với phát triển kinh tế biển


Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại, là một thành phố trẻ phát triển nhanh theo hướng bền vững.

Đại tá Nguyễn Quốc Bình đón ngư dân gặp nạn trên biển được tàu Biên phòng cứu nạn vào ngày 25-1-2011. Ảnh: BÁ VĨNH

Tuy nhiên, do tác động nhiều mặt của tình hình thế giới, khu vực và trong nước nên thành phố nói chung và khu vực biên giới biển nói riêng còn tồn tại và nảy sinh nhiều phức tạp mới, có tác động ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế biển của thành phố. Đáng chú ý là hoạt động xâm phạm chủ quyền của tàu thuyền nước ngoài; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại; buôn bán, sử dụng chất nổ, xung điện khai thác thủy hải sản làm hủy hoại môi trường sinh thái biển; những lợi thế về biển chưa được nhận thức, khai thác và phát huy tốt; những tai nạn rủi ro do thiên tai bão lũ diễn ra thường xuyên và có thời điểm hết sức khốc liệt gây thiệt hại về người và tài sản của ngư dân.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố đã nghiên cứu quán triệt và cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, tập trung lãnh đạo đổi mới toàn diện các mặt công tác biên phòng, trước hết là công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, củng cố, kiện toàn tổ chức biên chế, nâng cao chất lượng huấn luyện và xây dựng đơn vị chính quy, chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật; gắn xây dựng cấp ủy, tổ chức Đảng TSVM với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CBCS; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng và cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của nền Biên phòng toàn dân, nên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh trật tự khu vực biên giới biển và có nhiều đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển của thành phố… được lãnh đạo thành phố đánh giá cao và được nhân dân ghi nhận, tin yêu.

Phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc, thông qua hoạt động thực hiện công tác Biên phòng và xây dựng lực lượng, nhất là thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của Thành ủy, HĐND, UBND… cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố đã nêu cao trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, có nhiều đóng góp to lớn hơn để thực hiện tốt một trong những định hướng quan trọng của thành phố là chú trọng phát triển kinh tế biển. BĐBP thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng, thông qua triển khai thi hành Luật Biên giới quốc gia, các nghị định, chỉ thị của Chính phủ và của thành phố, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao thêm một bước nhận thức về biển, về vị trí, vai trò, tiềm năng của biển, đảo và thực trạng tình hình biển đảo hiện nay, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và pháp luật liên quan đến biên giới biển, đảo trong tình hình mới cho quần chúng nhân dân, để nhân dân có nhận thức tốt hơn, đúng hơn, đầy đủ hơn về vấn đề biển, đảo và phát triển kinh tế biển, nhất là ngư dân ở khu vực biên giới biển.

Tăng cường công tác nắm tình hình trên khu vực biên giới biển, nhất là công tác dự báo về âm mưu, chủ trương của các nước láng giềng, những âm mưu, thủ đoạn từ xa của các thế lực thù địch đối với biển Đông, về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài, về thời tiết khí hậu… để kịp thời thông báo cho ngư dân, làm tốt vai trò nòng cốt và tổ chức cho ngư dân xử lý các tình huống xấu xảy ra trên biển trên nguyên tắc “Kiên quyết bảo vệ chủ quyền, nhưng phải mềm dẻo, khôn khéo, lấy phòng ngừa, xua đuổi là chính, không gây căng thẳng, đối đầu, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại…” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại, rủi ro về tài sản, tính mạng của nhân dân khi hoạt động trên biển.

Trên cơ sở coi trọng và thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện, gắn với việc kiểm tra, kiểm soát có trọng điểm người và phương tiện ra vào hoạt động trên biển trên cả ba lĩnh vực an ninh trật tự, trang bị kỹ thuật tàu thuyền và thiết bị an toàn khi đi biển. Liên tục tổ chức các đợt cao điểm đấu tranh phòng chống có hiệu quả với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán sử dụng các chất ma túy, sử dụng chất nổ, hóa chất, xung điện đánh bắt hải sản trên biển để bảo vệ môi trường nguồn lợi biển, tạo ra điều kiện và môi trường, bình yên để ngư dân an tâm bám biển phát triển kinh tế.

Chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, lực lượng, phương tiện và tích cực hỗ trợ các dịch vụ như cung cấp thông tin về ngư trường cho ngư dân, đào tạo kỹ thuật về tàu thuyền. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan bảo đảm an ninh trật tự khu vực cảng cá mới Thọ Quang theo chỉ đạo của UBND thành phố, góp phần phục vụ việc phát triển kinh tế biển của thành phố.

Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các quận, huyện và các ngành có liên quan tiến hành khảo sát toàn diện về lực lượng, phương tiện để xây dựng các tổ, đội đánh cá, nhất là các phương tiện đánh bắt xa bờ, lực lượng tàu cá của Đà Nẵng tham gia trong vùng đánh cá chung.

Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố xây dựng đề án kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh trên biển, xây dựng lực lượng nòng cốt trong ngư dân, nhất là lực lượng dân quân trên biển; coi trọng nếp sống có văn hóa trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, trong giao tiếp với nhân dân theo hướng tất cả vì sự bình yên trên khu vực biên giới biển, góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp về một thành phố an toàn, thân thiện, hội nhập và phát triển.

Đại tá NGUYỄN QUỐC BÌNH

Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng sẽ lắp đặt thêm 10 máy tra cứu thông tin du lịch


Sẽ lắp đặt máy tra cứu thông tin du lịch tại Nhà hát Trưng Vương – một trong những địa điểm tập trung đông khách du lịch.

UBND thành phố Đà Nẵng vừa đồng ý cho lắp đặt thêm 10 máy tra cứu thông tin du lịch (được đầu tư từ dự án công nghệ thông tin và truyền thông thành phố) tại một số điểm trên địa bàn thành phố.

Theo đó, 10 máy sẽ được lắp đặt tại Nhà ga mới – Sân bay quốc tế Đà Nẵng, Trạm cáp treo Bà Nà, Siêu thị BigC, Góc khách sạn Bạch Đằng, Bảo tàng Chăm (thay mới), Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Công viên biển Đông, Nhà hát Trưng Vương, Khu vực Bến xe trung tâm và Khách sạn Đà Nẵng.

UBND thành phố cũng giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với các đơn vị liên quan để lắp đặt 10 máy tra cứu thông tin du lịch nêu trên; đồng thời triển khai việc mua phần mềm và các hoạt động bảo dưỡng, bảo vệ thiết bị.

Sơn Trà

(28/02/2011)

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Hòa Vang khánh thành Công viên – Nghĩa trang liệt sĩ Hòa Phong


Sáng ngày 26-2, tại thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong, UBND huyện Hòa Vang đã tổ chức lễ khánh thành Công viên – Nghĩa trang liệt sĩ Hòa Phong (Hòa Vang). Đến dự lễ có các đồng chí Trần Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và đại diện các sở, ban, ngành, các tầng lớp nhân dân trong huyện.

Các đồng chí Trần Văn Minh và Trần Thọ dâng hương tại nghĩa trang.

Được biết, năm 2004, khi Quốc lộ 14B được nâng cấp, Nghĩa trang liệt sĩ nằm ở vị trí trũng sâu, thường xuyên bị ngập nước vào mùa mưa khiến nhân dân địa phương và nhân dân các liệt sĩ không an tâm.

Để thể hiện lòng kính trọng và biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, đáp ứng lòng mong mỏi của thân nhân các liệt sĩ và nhân dân trong huyện, vào năm 2009, Công viên-Nghĩa trang mới được khởi công xây dựng với tổng kinh phí 13,5 tỷ đồng, trên diện tích 11.274m2. Công trình tọa lạc tại đồi Gò Cốc, thôn Cẩm Toại Trung và đã quy tập gần 1.000 phần mộ của những anh hùng, liệt sĩ xã Hòa Phong và những liệt sĩ của nhiều miền đất nước đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước.

Công viên-Nghĩa trang còn là khu di tích lịch sử, một điểm nhấn về kiến trúc và khu du lịch để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ của huyện Hòa Vang hôm nay và mai sau.

Tin và ảnh: KIM OANH


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng tôn vinh các Doanh nghiệp tạo việc làm cho người khuyết tật


Ngày 26-2, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children), Ban hành động vì sự phát triển hòa nhập (IDEA) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức buổi gặp mặt đầu xuân với các doanh nghiệp (DN) đóng trên địa bàn.

Các doanh nghiệp được khen thưởng vì đã tạo việc làm cho người khuyết tật.
Trong dịp này, 30 doanh nghiệp có nhiều hoạt động trong hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật (NKT) đã được tôn vinh như Công ty TNHH ONEDANAR, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thủ Đô, Công ty TNHH may Tâm Thiện, Công ty TNHH N. Trung… Đây là những đơn vị đã tham gia tích cực vào Dự án “Tăng cường các cơ hội và dịch vụ kinh tế cho NKT tại Đà Nẵng”. Dự án triển khai từ năm 2008, đến nay đã giúp trên 1.300 NKT và người chăm sóc NKT có  kỹ năng mềm và phát triển kinh doanh, cùng hàng trăm NKT được hưởng lợi từ dự án trong các hoạt động sản xuất kinh doanh… để họ hòa nhập cộng đồng..
Tin và ảnh: Phương Trà

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân


Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở cấp phường, xã tại Đà Nẵng là một trong những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và hiệu quả công tác cải cách hành chính. Qua thực tế triển khai cho thấy, biện pháp này thực hiện tốt hay không phụ thuộc vào sự đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật và trình độ của cán bộ ở cơ sở.

Hầu hết các phường, xã trên toàn thành phố đều được trang bị đồng bộ hệ thống máy tính và các phần mềm ứng dụng để xử lý công việc. Trong ảnh: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê.
Giải quyết nhanh, gọn
Anh Nguyễn Minh Trí, Trưởng Bộ phận cải cách hành chính phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê cho biết, hiện nay, phường sử dụng hai phần mềm chính là phần mềm Văn phòng không giấy và phần mềm một cửa, một cửa liên thông. Qua quá trình sử dụng, hai phần mềm này đã phát huy hiệu quả rất tích cực trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết các công việc trong nội bộ phường cũng như hồ sơ công dân gửi đến. “Đối với phần mềm Văn phòng không giấy, khi đưa vào sử dụng, toàn bộ các công văn, giấy tờ của phường đều được xử lý trên máy tính, qua mạng Lan nội bộ.
Chẳng hạn, hằng tuần, mỗi cán bộ, công chức phường lên lịch làm việc tuần. Sau đó, bộ phận văn phòng sẽ tổng hợp và đưa lên mạng nội bộ. Lãnh đạo phường căn cứ trên lịch làm việc này mà quản lý cán bộ. Hoặc khi có công văn từ cấp trên gửi đến phường thì Chủ tịch UBND phường sẽ phân công cho từng bộ phận cụ thể xử lý và trực tiếp theo dõi quá trình thực hiện trên mạng nội bộ. Nếu chưa đọc công văn của lãnh đạo hoặc chậm trễ trong thi hành nhiệm vụ thì Chủ tịch UBND phường nắm bắt được ngay”, anh Nguyễn Minh Trí nói.
Riêng đối với phần mềm một cửa và một cửa liên thông khi triển khai ở phường Vĩnh Trung đã giúp cho công việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được rút gọn và quan trọng hơn là sớm giải quyết những thủ tục hành chính mà trước đây bị xem là rườm rà, mất thời gian. Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trung, Nguyễn Văn Hải khẳng định: “Với phần mềm Văn phòng không giấy, hội họp ở cơ quan ít đi, những cuộc họp không quan trọng có thể chuyển thành những thông báo trên mạng nội bộ.
Nhờ phần mềm này mà không phải tốn giấy để in ấn văn bản, rút gọn thời gian tiếp nhận, xử lý, chuyển tải thông tin trong nội bộ phường. Riêng Chủ tịch UBND thì quản lý cán bộ tốt hơn. Vì khi Chủ tịch chuyển công văn qua mạng Lan yêu cầu một bộ phận nào đó thực hiện thì nếu bộ phận đó triển khai chậm, hệ thống phần mềm sẽ thông báo ngay. Chính nhờ vậy mà Chủ tịch có thể giám sát, nhắc nhở cán bộ, công chức và có cơ sở để đánh giá hiệu quả làm việc của từng cá nhân”. Rõ ràng, việc đưa CNTT vào quá trình giải quyết các thủ tục hành chính công đã giảm bớt thời gian chờ đợi, nhanh, gọn, chính xác, dễ kiểm tra trạng thái hồ sơ do người dân gửi đến.
Hạ tầng kỹ thuật và đội ngũ cán bộ
Những mặt tích cực mà CNTT mang lại trong quá trình xử lý các thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông hiển hiện rõ qua hiệu quả công việc và mức độ hài lòng của công dân. Nhưng để đạt hiệu suất công việc tối ưu, có hai yếu tố quan trọng cần chú ý là hạ tầng kỹ thuật và người sử dụng. Trong đó, hạ tầng kỹ thuật bao gồm cả hệ thống phần cứng là máy móc, thiết bị và hệ thống phần mềm là những chương trình xử lý dữ liệu được cài đặt. Với một hệ thống chính sách ưu tiên đặc biệt cho phát triển CNTT, những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị máy móc và phần mềm xử lý dữ liệu cho bộ phận một cửa, một cửa liên thông 56 xã, phường.
Theo đánh giá của ông Đặng Công Ba, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Tây, quận Sơn Trà thì hệ thống máy tính của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường đã được trang bị khá tốt. Ngoài ra, hiện mỗi cán bộ, công chức của phường đều được cấp một máy tính để làm việc. Chị Trần Đỗ Quốc Minh, Trưởng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường An Hải Tây khẳng định: “Hạ tầng kỹ thuật và con người để ứng dụng CNTT ở phường đều đã sẵn sàng. Chúng tôi chỉ cần đợi đến lúc UBND thành phố hỗ trợ trang bị mạng Lan nội bộ nữa là đưa vào ứng dụng ngay, không gặp khó khăn gì”.
Cho đến thời điểm này, hầu hết các phường, xã trên địa bàn thành phố đều được hỗ trợ máy tính cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Tuy nhiên, cũng có một số địa phương chưa được trang bị mạng Lan nội bộ nên quá trình triển khai công việc còn gặp trở ngại. Theo đánh giá chung, hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức ở các phường, xã hầu hết đều biết sử dụng máy tính phục vụ cho công việc chuyên môn. Trong quá trình ứng dụng các phần mềm hành chính, việc đào tạo, tập huấn có thể được triển khai song hành. “Trước khi đưa các phần mềm vào sử dụng, UBND phường Vĩnh Trung đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức. Phía công ty cung cấp phần mềm chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cách sử dụng và nhờ vậy, quá trình vận hành sau đó không gặp nhiều trở ngại”, anh Nguyễn Minh Trí cho biết. Khó khăn chủ yếu đang tồn tại ở các địa phương là trong quá trình sử dụng, cũng có lúc phần mềm bị lỗi và công việc vì thế sẽ bị gián đoạn, chậm trễ. Đồng thời, trình độ của cán bộ cũng không đồng đều nên cần có thời gian để mọi chuyện đi vào nền nếp.
Từ thực tế trên cho thấy, việc trang bị và ứng dụng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT cho các phường, xã sẽ giúp Đà Nẵng sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử. Đến khi đó, nền hành chính sẽ được công khai, minh bạch và phục vụ hiệu quả hơn cho sự phát triển của thành phố, tạo lòng tin trong nhân dân về năng lực quản lý, điều hành và hoạt động của hệ thống hành chính từ cấp thành phố đến cơ sở.
Bài và ảnh: Hà An

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)