Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, hợp tác và liên kết kinh tế đang ngày càng trở nên bức thiết, đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.
Một trong những mục tiêu chính của liên kết kinh tế là phối hợp hoạt động của các bên nhằm tận dụng thế mạnh, lợi thế so sánh của nhau, đồng thời khắc phục những điểm yếu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực có hạn, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí để tạo ra những lợi ích lớn hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn. Nhờ vậy, các đối tác tham gia có thể thiết lập được một không gian kinh tế rộng lớn hơn, hiệu quả hơn cho các hoạt động kinh tế. Các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên cần liên kết để phát huy tiềm năng kinh tế biển. TRONG ẢNH: Cảng Tiên Sa đón khách quốc tế.
Miền Trung-Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế tạo điều kiện cho việc mở rộng giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế với nhiều vùng trong nước và quốc tế. Đây là khu vực có vị trí kinh tế chiến lược, nhiều tiềm năng phát triển du lịch, thuận lợi để xây dựng cảng biển, sân bay quốc tế gần đô thị lớn… tạo cơ hội cho khu vực này phát huy được vai trò và vị trí của mình trong hội nhập kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển mạnh khoa học-công nghệ.
Trong cuộc hội thảo về “Hợp tác kinh tế khu vực miền Trung-Tây Nguyên” được tổ chức vừa qua, TS Hồ Kỳ Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, nhận định: Liên kết, hợp tác kinh tế có vai trò to lớn, tác động tích cực đến sự phát triển của các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Hợp tác và liên kết kinh tế là yêu cầu cần thiết đòi hỏi phải hình thành sớm nhằm giúp từng địa phương và toàn khu vực tăng tốc, phát triển bền vững.
Ông Phạm Bắc Bình, Giám đốc Công ty CP vận tải Bình Vinh, Đà Nẵng, nói: “Một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp khu vực miền Trung-Tây Nguyên chưa vươn lên mạnh mẽ là do thiếu sự hợp lực, thiếu chia sẻ thông tin về khả năng của mỗi doanh nghiệp. Chúng tôi rất cần có sự hợp tác, liên kết kinh tế chặt chẽ giữa các tỉnh với nhau để chủ động trong nguồn hàng, sản phẩm. Ngay chính tại doanh nghiệp vận tải chúng tôi, hằng ngày nếu xe tải chở hàng lên một chuyến, thay bằng về xe không, nếu có sự hợp tác, chúng tôi sẽ chủ động nguồn hàng quay về lại. Lúc đó, mọi chi phí về xăng dầu, nhân công được tiết kiệm hơn, đồng nghĩa với việc giá thành vận tải sẽ hạ, tạo thuận lợi cho cả nhà xe và khách hàng”.
Mặc dù liên kết, hợp tác kinh tế là kết quả tất yếu, song thực tế vấn đề này tại miền Trung-Tây Nguyên còn nhiều rào cản. Một trong những rào cản đó là sự đánh đổi giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng. Do đặc điểm của các tỉnh ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên có những điểm khá tương đồng, đều có điều kiện phát triển và nhu cầu đầu tư khá giống nhau, trong khi đó, hầu hết các địa phương đều có xuất phát điểm thấp, nhu cầu tăng tốc phát triển trở nên bức thiết, dẫn đến việc chia sẻ lợi ích một cách công bằng trong một không gian kinh tế vượt khỏi các ranh giới hành chính vẫn gặp nhiều khó khăn. Không những thế, các doanh nghiệp vẫn còn hiện tượng chạy theo thành tích trong quản lý kinh tế như tốc độ tăng trưởng GDP nhanh, thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thành lập mới nhiều khu công nghiệp… dẫn đến những lực cản trong quá trình hợp tác, liên kết kinh tế. Đặc biệt, khu vực miền Trung-Tây Nguyên vẫn còn thiếu một trung tâm mạnh đóng vai trò là hạt nhân liên kết.
Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty giày BQ, cho rằng: Một trong những điểm yếu hiện nay của các doanh nghiệp miền Trung là việc tạo dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, trưng bày sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, mặc dù nhiều doanh nghiệp ở miền Trung-Tây Nguyên có những sản phẩm chất lượng với giá cả phù hợp, có khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường, song người tiêu dùng trong và ngoài nước lại chưa biết nhiều.
Trước những yêu cầu cấp thiết về hợp tác, kiên kết kinh tế giữa các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, cũng như qua phân tích những thế mạnh, rào cản, theo TS Hồ Kỳ Minh, các địa phương thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên nên có những định hướng trong việc hợp tác, liên kết. Có thể tiến hành hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế; hợp tác xây dựng không gian du lịch thống nhất; phát triển chuỗi logistic gắn kết các khâu sản xuất, lưu thông, giao nhận, xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa; hợp tác giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế hay liên kết phát triển công nghiệp chế biến giúp các địa phương tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu; hợp tác giữa các địa phương có thế mạnh về hệ thống các trường đại học, cao đẳng, cơ sở dạy nghề với các địa phương khó khăn hơn để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội… Tuy nhiên, để bảo đảm thành công, cần phải có một môi trường chính sách minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần tham gia liên kết, hợp tác kinh tế không chỉ các doanh nghiệp mà cần cả sự liên kết giữa chính quyền các tỉnh với nhau.
Bài và ảnh: Thanh Tình
Nguồn: BĐN
(Theo www.nguyenbathanh.com)