Nhà thi đấu thể dục thể thao Đà Nẵng: Công trình độc đáo, hiện đại


Công trình Nhà Thi đấu thể dục thể thao (TDTT) thành phố đang đi vào giai đoạn hoàn thiện. Nhìn toàn cảnh, có người nói rằng đó là “con trai nhả ngọc”, người thì gọi “tổ chim” mô phỏng sân vận động quốc gia Bắc Kinh. Còn những người thợ đang ngày đêm thi công trên công trình thì đó là chiếc đĩa bay. Đây là công trình được thiết kế  độc đáo, hiện đại bật nhất Đông Nam Á hiện nay.

Phối cảnh Nhà thi đấu TDTT Đà Nẵng.

Thử thách

Ngay sau khi có chủ trương đầu tư xây dựng Nhà Thi đấu TDTT Đà Nẵng, nhiều nhà thầu lớn đã tự bỏ cuộc bởi áp lực quá lớn từ tiến độ công trình. Theo tính toán, công trình cần có thời gian thi công trên 20 tháng, thế nhưng duy chỉ có Tổng Công ty Sông Hồng đã bạo dạn phiêu lưu với thời gian thi công 14 tháng. Anh Đào Việt Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sông Hồng được điều động từ Hà Nội vào Đà Nẵng trong vai trò “tổng tư lệnh” với nhiệm vụ tổ chức thi công công trình đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng để đạt mục tiêu tối thượng là khai phá thị trường xây lắp ở Đà Nẵng và miền Trung. Dự án Nhà Thi đấu TDTT Đà Nẵng trở thành con bài “đánh cược” về uy tín, thương hiệu của một DN xây lắp trong nhóm hàng đầu ở Việt Nam.

Tháng 9-2009, thời tiết Đà Nẵng chuyển mùa, mưa như trút nước, bão số 9 vần vũ cả tuần nhưng Tổng Công ty Sông Hồng vẫn lặng lẽ vận chuyển trang thiết bị và nhân công tiến hành động thổ, thi công công trình. Những mũi khoan xuyên vào lòng đất ở độ sâu 36 mét. Anh Nguyễn Đức Toàn, Trưởng Ban điều hành công trình nhớ lại: “Gian nan lắm, tầng địa chất rất phức tạp. Có mũi khoan chạy tọt vào lòng đất sâu thẳm nhưng cũng có mũi vấp ngay vào đá ngầm. 12 giàn khoan cọc nhồi tưa như xác mướp”. Công việc với “thổ địa” cứ chờn vờn khi liên tục thay đổi vị trí móng cọc. Định vị được nền móng lại chuyển sang thi công tầng hầm sâu 9 mét. Bùn đất tiếp tục được đưa lên với bao công sức của hàng trăm công nhân mỗi ca làm việc căng thẳng trên công trường.

Tháng 9-2010, sau 12 tháng lặng lẽ, kể cả ngày lễ, Tết, cán bộ, kỹ sư, công nhân hối hả làm việc, để cho Nhà Thi đấu TDTT Đà Nẵng nên hình nên vóc. “Chúng tôi đã làm việc cật lực và chấp nhận thử thách, chấp nhận bị phạt tiến độ để lấy đó làm bài học mà động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi là những người lính và không cam chịu thất bại, không đầu hàng trước khó khăn, thử thách”, anh Nguyễn Đức Toàn bộc bạch. Thật vậy, Tổng Công ty Sông Hồng đã từng bị UBND thành phố Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án) 2 lần ra quyết định xử phạt (một lần 90 triệu đồng và một lần 150 triệu đồng) vì chậm tiến độ. “Tuy nhiên, đơn vị cũng không ít lần được thưởng vì những thành tích thi công lao động sáng tạo, vượt qua những khó khăn về thiết kế kiến trúc, nhất là khi công trình vừa thiết kế, vừa thi công”, anh Nguyễn Đức Toàn nói.

Kỳ tích và kỳ công

Việc thiết kế Nhà Thi đấu TDTT Đà Nẵng rất độc đáo, không trùng lắp bất kỳ một nhà thi đấu nào. Công trình có kết cấu riêng biệt, không điển hình với 100 cấu kiện khác nhau, kích thước khác nhau. Phần lớn các cấu kiện phải chế tạo, gia công riêng biệt nên rất tốn thời gian. Công trình có 40 cột xiên 8 độ theo hình elip cao 35 mét. Hình thái cột xiên này không thể đúc với khuôn ván hiện có mà nhà thầu phải gia công chế tạo. Đỉnh mỗi cột xiên có 2 vị trí chờ gắn bu-lông để lắp ghép với 39 vị trí khác mà mỗi vị trí bu-lông không được phép sai số 2mm. Tổng cộng có 80 vị trí đỉnh cột chờ gắn bu-lông được định vị tụ nhau một điểm giữa không trung. Với yêu cầu thi công phức tạp này, việc đổ bê-tông cột yêu cầu bảo đảm kỹ thuật, vững chắc về kết cấu nhưng làm sao khi đổ bê-tông lại không nén đầm. Đó là bài toán hóc búa và đã được đơn vị xử lý bằng phụ gia bê-tông và nâng mác xi-măng.

Ở hệ thống dầm là tập hợp những kết cấu hình tam giác, hình bình hành, hình thang. Đây là những kết cấu bê-tông, sắt-thép “thi gan” với lòng kiên nhẫn của người thợ. Hợp với dàn 40 cột xiên 40 vị kèo sắt nặng 1.400 tấn, khẩu độ dài 100 mét, dàn kèo được hệ thống cẩu, tời siêu trọng tải lên định vị vào chốt bu-lông cột xiên đang lơ lửng giữa trời.

Việc thi công phần mái, ốp kính cũng vô cùng gian nan. Riêng phần ốp kính đã ngốn 100 tấn ống tube để làm giàn giáo. Phần mái nhôm nặng 150 tấn cũng thi công 3 lớp lợp gồm bao che, chống nóng và tấm trang trí. Những người thợ thường xuyên thi công trong trạng thái đu dây, vừa vất vả, vừa nguy hiểm. Do thiết kế hình ovan, elip nên các tấm lợp, ốp kính đều chế tạo từng miếng riêng, lắp đặt riêng mà sai số chỉ được phép ở mức 1/2 mm.

Đến Nhà Thi đấu TDTT Đà Nẵng trong thời gian thi công dễ nhận thấy đó là một công trình xây lắp và có cả một loạt nhà xưởng gia công, chế tạo. Đó là xưởng sắt, xưởng kính, xưởng nhôm, xưởng đá… Những tháng qua, dịch bệnh sốt xuất huyết cũng đã quét qua, hàng chục kỹ sư ngã quỵ. Có trường hợp vào viện điều trị vài ngày đã phải… trốn về bởi công việc đang cần đến họ.  Kỹ sư Phạm Quốc Trung, Giám sát thi công tâm sự: “Hơn 10 năm làm việc ở Tổng Công ty Sông Hồng nhưng đối với công trình Nhà Thi đấu TDTT Đà Nẵng thực sự để lại ấn tượng sâu sắc trong đời người thợ”. Có thời điểm công trình huy động 1.400 công nhân lao động trong một phạm vi hẹp và xử lý những giải pháp kỹ thuật thi công trong không gian vô cùng phức tạp. Riêng việc đưa một cấu kiện thép nặng 100 tấn lên độ cao 35 mét bảo đảm khớp nối sai số dưới 2mm là một kỳ tích. Tính độc đáo của thiết kế và độ khó về thi công mà đơn vị đã vượt qua là bài học bổ ích cho những người thợ xây lắp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Anh Nguyễn Đức Toàn cho biết, công trình đang hoàn thiện các hạng mục nội thất và dọn vệ sinh để kịp bàn giao cho chủ đầu tư vào đầu tháng 12-2010.

Nhà Thi đấu TDTT như một chiếc đĩa bay giữa lòng thành phố, mang đến cho Đà Nẵng một công trình kiến trúc độc đáo, hiện đại, nâng tầm đô thị trong giai đoạn phát triển mới. Trước mắt, công trình đón chào Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI diễn ra trong tháng 12-2010.

Dự án công trình Nhà Thi đấu TDTT Đà Nẵng có sức chứa từ 5.000 – 7.000 khán giả, với tổng diện tích hơn 94.000m2; trong đó, diện tích nhà thi đấu gần 10.500m2. Nhà thi đấu được thiết kế 1 tầng hầm và 4 tầng nổi. Tầng hầm rộng hơn 4.100m2 là nơi bố trí các phòng quản lý thiết bị kỹ thuật cho công trình và phòng Câu lạc bộ. Tầng một với diện tích gần 11.300m2 bao gồm sân thi đấu TDTT, đại sảnh, khu truyền thông, khu khách VIP, phòng trọng tài, vận động viên, khu phục vụ… cùng hội trường đa chức năng. Tầng hai có diện tích 2.800m2 gồm sảnh, phòng điều khiển, khu bán đồ lưu niệm và khán đài. Tầng ba có diện tích 4.125m2 là khu vực quầy bán lẻ thiết bị, khu vệ sinh, hành lang… Tầng bốn có diện tích 7.945m2 là khu giải lao khách VIP.   (Nguồn: Sở Xây dựng).

Ghi chép của Triệu Nam Phương


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng: Một số tuyến đường cấm kinh doanh gas


UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành quy định về việc các cửa hàng kinh doanh gas phải có diện tích tối thiểu là 25m2 và 1 số tuyến đường không được kinh doanh gas.

Cửa hàng kinh doanh gas phải có diện tích tối thiểu là 25m2

Các cửa hàng kinh doanh gas phải cách siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, bệnh viện, trường học, bến tàu, xe, kho tàng, khách sạn, nhà hát, rạp chiếu bóng, các khu vui chơi giải trí đông người, tối thiểu là 25m.

UBND thành phố cũng quy định 1 số tuyến đường không được kinh doanh gas, bao gồm: Bạch Đằng, Trần Phú, Yên Bái, Nguyễn Thái Học, đường 2/9, Nguyễn Văn Linh, Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Phạm Văn Đồng, Trần Hưng Đạo, Hồ Xuân Hương, Huyền Trân Công Chúa, Sư Vạn Hạnh; đường Phan Chu Trinh đoạn từ Hùng Vương đến đường Hoàng Văn Thụ; đường Ông Ích Khiêm đoạn từ Quang Trung đến giao lộ đường Nguyễn Văn Linh; các tuyến đường, kiệt, hẻm có mặt đường rộng dưới 3,5m (không kể vỉa hè) và các đoạn đường cụt không quay đầu xe chữa cháy được.

Các cơ sở kinh doanh gas đang hoạt động không đáp ứng đủ các điều kiện trên chỉ được phép tiếp tục hoạt động đến hết ngày 30/6/2011.

Vĩnh Thanh


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố khóa VII


Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố vừa có buổi họp liên tịch để thống nhất nội dung và chương trình kỳ họp lần thứ 17 Hội đồng nhân dân thành phố khóa VII, nhiệm kỳ 2004-2011.

Phát biểu kết luận tại buổi họp, đồng chí Nguyễn Bá Thanh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố thống nhất các nội dung cụ thể tại kỳ họp lần này, gồm: Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2010 và phương hướng nhiệm vụ năm 2011; báo cáo tổng hợp kết quả trả lời ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 16 HĐND thành phố; về quyết toán ngân sách năm 2009; tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2010 và xây dựng, phân bổ dự toán thu chi ngân sách năm 2011; nghe UBMTTQVN thành phố thông báo công tác tham gia xây dựng chính quyền năm 2010 và những ý kiến, kiến nghị của cử tri; Thường trực HĐND, TAND, VKSND thành phố báo cáo kết quả hoạt động năm 2010 và phương hướng hoạt động năm 2011; Dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2011 của HĐND thành phố; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách; Ban Văn hóa – Xã hội; Ban Pháp chế HĐND thành phố và các nội dung quan trọng khác.

Kỳ họp lần thứ 17 HĐND thành phố khóa VII, nhiệm kỳ 2004 – 2011 sẽ thông qua một số nghị quyết về xây dựng và phân bổ dự toán thu, chi ngân sách năm 2011; nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2009; nghị quyết về đặt, đổi tên đường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; nghị quyết về quy định mức thu một số loại phí, lệ phí…đặc biệt sẽ thống nhất đưa nội dung quy định thời hạn thực hiện các dự án đã giao cho các nhà đầu tư ngoài nhà nước trên địa bàn thành phố, nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ thu hồi dự án giao cho nhà đầu tư khác thực hiện vào Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2011.

Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 03 ngày, từ ngày 07 đến ngày 09 tháng 12 năm 2010, truyền hình trực tiếp các ngày thứ nhất và ngày thứ ba.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Bà Nà sắp có hoa anh đào Nhật Bản


Khu du lịch Bà Nà (Đà Nẵng) sắp sửa đón nhận và trồng cây hoa anh đào đến từ xứ sở mặt trời mọc Nhật Bản

Ngày 26-11, nhân kỷ niệm ngày truyền thống ngành Lâm nghiệp Việt Nam (28-11), tại quần thể du lịch nghỉ dưỡng Bà Nà – Suối Mơ (Đà Nẵng) sẽ diễn ra một sự kiện vừa mang ý nghĩa về môi sinh môi trường, vừa đánh dấu bước phát triển trong mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản nói chung và Đà Nẵng – Nhật Bản nói riêng: lễ trao tặng và trồng tượng trưng cây hoa anh đào Nhật Bản tại khu du lịch nghỉ dưỡng Bà Nà Hills.

Hoa đào chuông nổi tiếng của Bà Nà

Trước đó, từ tháng 5-2010, Công ty TNHH sản xuất nguyên liệu giấy Việt – Nhật (Vijachip) đã bày tỏ mong muốn trao tặng thành phố Đà Nẵng 400 cây giống hoa anh đào mang tính biểu tượng của đất nước Nhật Bản. Qua đề nghị của các cơ quan chức năng, Công ty Cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà (Bà Nà Hills) đã được UBND thành phố Đà Nẵng chỉ định phối hợp với Công ty Cây xanh Đà Nẵng tiếp nhận và trồng số cây hoa anh đào Nhật Bản trên núi Bà Nà.

Tại lễ trao tặng và trồng tượng trưng hoa anh đào tại Bà Nà vào ngày 26-11 sắp tới, Ngài Yasuaki Tanizaki, tân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt – Nhật, Đài Truyền hình Nhật Bản NHK… sẽ trực tiếp có mặt chứng kiến cùng lãnh đạo UBND thành phố và các ban ngành hữu quan.

Ở Bà Nà vốn có cây đào chuông rất quý hiếm, mọc nhiều từ chùa Linh Ứng đến Bà Nà Bynight, cũng chỉ nở mỗi độ xuân về như hoa anh đào. Tên “đào chuông” do cư dân địa phương đặt, vì khi hoa nở trông như những chiếc chuông nhỏ màu hồng đậm, treo lủng lẳng trên cành, gặp nắng sớm ban mai tạo ra hiệu ứng óng ánh màu hồng như hàng trăm đôi môi người đẹp đang mỉm cười. Búp, lá non của đào chuông cũng đổi màu từ đỏ hồng đến xanh non rất đặc sắc.

Cáp treo Bà Nà

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà, cho hay: “Từ những ngày đầu xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng Bà Nà Hills – Đà Nẵng, với nhận thức phát triển du lịch bền vững phải gắn với bảo tồn thiên nhiên, chúng tôi rất quan tâm và coi trọng vấn đề quản lý bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học. Bà Nà Hills nói riêng và người dân Đà Nẵng nói chung rất tự hào với du khách thập phương về hoa đào chuông, một loại hoa quý hiếm độc đáo của Đà Nẵng. Và giờ đây, niềm tự hào ấy được nhân đôi vì có thêm sự xuất hiện của hoa anh đào Nhật Bản”.

Bình minh trên đỉnh Bà Nà

Được biết, 400 cây giống của loài hoa anh đào đẹp nổi tiếng này đã được đưa trực tiếp từ Nhật Bản sang Đà Nẵng bằng đường biển từ tháng 10 vừa qua. Ngoài 18 cây giống đầu tiên được trồng tượng trưng ở khu vực sân nhà ga 1 (ga đi) và ga 2 (ga đến) của Bà Nà Hills, theo chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng, số cây còn lại được Vijachip ươm trồng, chăm sóc tại vườn ươm của Công ty ở KCN Hoà Khánh. Sau 1 năm, khi cành hom đã sinh trưởng, phát triển ổn định (có đủ rễ, cành, lá), số cây anh đào này sẽ tiếp tục được đưa lên trồng ở quần thể du lịch Bà Nà – Suối Mơ.



Ông Đặng Minh Trường nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết sẽ nuôi dưỡng và bảo vệ những cây hoa anh đào như một sự tri ân những tấm thịnh tình quý mến đã dành cho Bà Nà Hills niềm vinh dự được tiếp nhận món quà quý báu này. Việc trồng cây hoa anh đào sẽ góp phần làm phong phú thêm thảm thực vật của khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa ở độ cao trên 1.400m so với mực nước biển, có điều kiện khí hậu phù hợp với loài cây xứ lạnh, tạo thêm sản phẩm độc đáo để thu hút khách du lịch”.

Cẩm An




(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng sẽ có công viên mang tên Biển Đông


Lần đầu tiên ở Đà Nẵng và có lẽ trong cả nước có một công viên sẽ được mang tên “Công viên Biển Đông“.

Du khách vui đùa cùng đàn chim bồ câu ở công viên sẽ được mang tên Biển Đông

UBND thành phố Đà Nẵng vừa chính thức công bố dự thảo đề án đặt tên đường, cầu và công viên trên địa bàn thành phố đợt 2, năm 2010 để trình HĐND thành phố khóa VII tại kỳ họp thứ 17 sẽ diễn ra đầu tháng 12-2010.

Đây là lần đầu tiên ở Đà Nẵng và có lẽ trong cả nước, sẽ có công viên được mang tên “Công viên Biển Đông“.

Công viên Biển Đông nằm đầu đường Phạm Văn Đồng nối từ cầu Sông Hàn ra đến bãi biển Mỹ Khê và nằm về phía Đông đường Hoàng Sa (nút cảnh quan đường Hoàng Sa – Phạm Văn Đồng).

Đây là nơi thường xuyên có đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thưởng lãm vẻ đẹp của một trong sáu bãi biển hấp dẫn nhất hành tinh, chiêm ngưỡng đàn chim bồ câu hơn 700 con đang được nuôi dưỡng và huấn luyện rất bài bản…

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, việc đặt tên Biển Đông cho công viên này cũng nhằm thể hiện chủ quyền đất nước, vì có một số sách báo trong nước và thế giới ghi vùng biển này là China Beach.

Trước đó, tuyến đường chạy dọc bờ biển này, nối từ bán đảo Sơn Trà đến giáp tỉnh Quảng Nam, ngang qua Công viên Biển Đông đã được kỳ họp thứ 16, HĐND thành phố khoá VII thống nhất đặt tên là Hoàng Sa và Trường Sa.

Cẩm An


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Phê duyệt đề án tái cơ cấu Vinashin


Chiều 18-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Thời gian tái cơ cấu: 2011-2013.

Tàu chở ô tô của Vinashin

Mục tiêu của việc tái cơ cấu nhằm sớm ổn định sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển, tập trung vào 3 lĩnh vực chính: công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển; đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp tàu biển.

Việc tái cơ cấu Vinashin phải đảm bảo được yêu cầu không để ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư chung của nền kinh tế; duy trì đội ngũ lao động, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính; bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của nhà đầu tư, người lao động trong các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp.

Khai thác, sử dụng có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại những tài sản đã và đang đầu tư; thu hồi tối đa các khoản đã đầu tư vào các lĩnh vực không liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính để tập trung cho phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển.

Mô hình Vinshin sau khi tái cơ cấu là tổ hợp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp phụ trợ, đào tạo, phục vụ đóng và sửa chữa tàu biển, gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường, bao gồm: công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết, đơn vị sự nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động.

Theo Đề án, Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát Vinashin trong việc cơ cấu lại tài chính, xử lý nợ, cân đối các nguồn vốn trả nợ, việc huy động và sử dụng vốn cho sản xuất kinh doanh, đầu tư; rút vốn bằng thương hiệu; xác định lại mức vốn điều lệ của Tập đoàn phù hợp với nhiệm vụ được giao, cấp đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong việc cơ cấu lại các khoản nợ và cho vay mới theo đúng quy định của pháp luật, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tái cơ cấu tài chính Vinashin.

ĐNĐT


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng sau mười năm trở lại


Tôi không sinh ra ở Đà Nẵng nhưng gia đình tôi định cư ở Đà Nẵng và hầu hết mọi thành viên gia đình đều đang học tập và làm việc tại đó. Riêng tôi, do tính chất nghề nghiệp, phải sống xa Đà Nẵng đã hơn 10 năm nay. Vừa rồi, tôi được Công ty Tư vấn BVI (Black and Veatch International), một doanh nghiệp tư vấn của Hoa Kỳ phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á tuyển dụng và bổ nhiệm vào vị trí Chuyên gia Kinh tế và Phân tích Tài chính cho Dự án Cấp nước Đà Nẵng.

Thành phố bên sông Hàn. Ảnh: Thu Thủy

Thế là sau hơn 10 năm xa cách, tôi mới được trở về công tác tại Đà Nẵng. Thời gian 10 năm đủ có cơ hội thấy hết những thay đổi của Đà Nẵng, chiêm nghiệm lại những khác biệt so với nơi khác và nhận thấy được tầm vóc và xu thế phát triển của Đà Nẵng trong tương lai.

Với những kiến thức thu thập được, những trải nghiệm trong công tác và tư duy quản lý chiến lược của mình khi khảo sát tình hình phát triển của Đà Nẵng hiện nay, tôi nhận thấy rằng thành phố đang đổi thay từng ngày đúng theo các tiêu chí phát triển bền vững mà hầu hết các đô thị hiện đại trên thế giới đang nỗ lực theo đuổi. Công tác quản lý đô thị và quy hoạch đô thị phổ biến hiện nay dựa theo một nguyên tắc nghe rất đơn giản. Đó là nguyên tắc bốn tiêu chí bền vững: bền vững về xã hội, bền vững về tự nhiên, bền vững về kỹ thuật, và bền vững về tài chính. Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau soi rọi bốn tiêu chí phát triển bền vững đó vào công tác quản lý và quy hoạch đô thị thành phố Đà Nẵng như thế nào.

Bền vững về xã hội là tiêu chí quan trọng bậc nhất. Công tác quản lý và quy hoạch phát triển đô thị thường có tác động sâu rộng đến cuộc sống nhiều người từ nhiều thành phần khác nhau với nhiều nguồn gốc văn hóa khác nhau. Để công tác quản lý và quy hoạch đô thị tồn tại vững vàng theo thời gian mong muốn thì công tác này trước hết phải vì con người, nghĩa là phải có tính nhân văn, phải cân bằng được với các giá trị văn hóa, tôn giáo; phải bảo đảm được đầy đủ các yếu tố xã hội như giáo dục, y tế, việc làm thu nhập, giao thông, vui chơi giải trí và các dịch vụ xã hội cần thiết khác, đó là những yếu tố tạo tiền đề cho bền vững xã hội.
Từ nhiều năm nay, Đà Nẵng đổi thay từng ngày theo tiến độ hoàn thiện các công trình xây dựng. Cả thành phố như một đại công trường. Tuy nhiên, công tác thi công luôn luôn được sắp xếp hợp lý và quản lý chặt chẽ, hạn chế tối đa những xáo trộn cuộc sống người dân, không gây ách tắc giao thông, không tác động tiêu cực đến công việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đã có số liệu thống kê cho thấy, Đà Nẵng thực hiện khối lượng công việc di dân và giải phóng mặt bằng nhiều nhất so với các địa phương khác trong cả nước. Ấy thế, nhưng hầu như mọi công trình trọng điểm đều được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Điều này cho thấy công tác di dân và giải phóng mặt bằng được thực hiện rất tốt. Làm được điều này, Đà Nẵng rất chú trọng công tác truyền thông. Tất cả mọi việc đều được công khai, với mong muốn của chính quyền thành phố là ý tưởng quy hoạch kết hợp với công nghệ tiên tiến phải hài hòa được với ý nguyện của nhân dân. Công tác truyền thông được tiến hành sâu rộng xuyên suốt qua các giai đoạn quy hoạch như (a) thăm dò ý tưởng, (b) mô hình hóa ý tưởng, (c) quy hoạch sơ bộ và quy hoạch chi tiết, và (d) thực thi đồ án quy hoạch. Đặc biệt, đối với hai giai đoạn sau cùng công tác truyền thông được đẩy mạnh rất sâu rộng và chi tiết bằng các cuộc khảo sát điều tra kinh tế-xã hội rất cụ thể.


Người dân Đà Nẵng rất có trách nhiệm với công việc chung, chính quyền thành phố rất tôn trọng ý kiến công chúng và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân nói lên ý kiến của mình. Bởi vậy, mọi đồ án quy hoạch đều được đón nhận và ủng hộ vì được thực hiện theo như ý nguyện của nhân dân.


Về công tác quản lý đô thị, phải ghi nhận một điều nổi bật ở Đà Nẵng là không gian đô thị và cuộc sống đô thị rất ngăn nắp và tươm tất, đường phố thông thoáng, hè phố rộng rãi. Đi bộ ở Đà Nẵng rất thoải mái, không bị vướng bận bởi sự hỗn loạn của giao thông, không bị quấy rầy chèo kéo của những người bán hàng rong, không bị đeo bám của những người ăn xin. Đà Nẵng là đô thị duy nhất trong cả nước thực hiện thành công tiêu chí “3 có” và “5 không”. Có thể coi đây là tiêu chí phát triển đô thị bền vững đặc trưng Việt Nam mà các đô thị khác trong cả nước nên học tập.


Bền vững về tự nhiên là tiêu chí quan trọng thứ hai. Tiêu chí này dựa trên nguyên tắc cơ bản là tất cả mọi cấu phần của công tác quản lý và quy hoạch đô thị phải tồn tại hài hòa và thân thiện với môi trường sinh thái tự nhiên. Và theo thứ tự ưu tiên, chúng ta cùng xem xét hai yếu tố ưu tiên số một trong thứ tự đó tại Đà Nẵng như thế nào.


Ưu tiên thứ nhất là nguồn nước: Đà Nẵng chưa phải là địa phương gặp khó khăn về nguồn nước, nhưng chính quyền đô thị đã rất quan tâm đến lĩnh vực này vì biết rằng nguồn nước sẽ trở nên khan hiếm trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Công tác bảo vệ nguồn nước đang được chính quyền chỉ đạo thực hiện rất triệt để. Các đồ án công trình phát triển nếu được đánh giá là có tác động tiêu cực đến nguồn nước đều bị từ bỏ. Đà Nẵng là một trong số địa phương đầu tiên quan tâm đến vấn đề quản lý nguồn nước theo lưu vực liên vùng. Thể hiện sự ủng hộ của mình đối với chính quyền đô thị Đà Nẵng, Ngân hàng Phát triển châu Á đã đồng ý tài trợ cho Đà Nẵng một dự án nguyên cứu nguồn nước sẽ được triển khai trong nay mai. Ngân hàng Phát triển châu Á cũng là đơn vị tài trợ Dự án Cấp nước đô thị cho Đà Nẵng.


Ưu tiên thứ hai là khoảng không gian xanh. Đà Nẵng chưa được gọi là thành phố xanh, tuy nhiên tình hình đang dần cải thiện với sự quan tâm của chính quyền đô thị. Cây xanh được gìn giữ bảo vệ và phát triển tươm tất. Ta dễ dàng nhận thấy rất nhiều hàng cây mới trồng đang cố gắng vươn cao tỏa bóng mát cho khách bộ hành. Chỉ tiêu mật độ đất cây xanh đô thị là 8 – 10m2 cho mỗi người dân đã được xác định và dành đất tại các đồ án quy hoạch phát triển đô thị đã góp phần cải thiện không gian chung cho toàn thành phố.


Đà Nẵng là đô thị rất đặc biệt, vừa có núi có sông lại vừa có biển bao quanh. Định hướng phát triển của Đà Nẵng đã được chính quyền chỉ đạo là hướng ra biển – “nối dài bờ sông, kéo dài bờ biển” trong sự hài hòa với cảnh quan núi rừng Sơn Trà và Bà Nà-Núi Chúa.
Những khoảng không gian xanh được gìn giữ và phát triển hợp lý tạo đặc trưng kiến trúc hòa nhập với cảnh quan thiên nhiên sẵn có. Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng nhiều khu công viên cây xanh như: Khu công viên Khuê Trung, công viên biển cuối tuyến đường Phạm Văn Đồng, các khu cây xanh gắn với trung tâm thể thao giải trí ở khu vực quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, vùng Bà Nà-Suối Mơ, ven sông Hàn, đường Cách mạng Tháng Tám. Các công viên rừng và bảo tồn thiên nhiên được xác định hình thành và đang dần rõ nét tại Sơn Trà, Phước Tường, Bà Nà-Núi Chúa, Đồng Nghệ.


Bền vững về kỹ thuật là tiêu chí quan trọng thứ ba. Điều này phản ánh rất rõ ràng trong các dự án phát triển của Đà Nẵng. Các dự án đều phải nhận diện và tích hợp tất cả các công trình hạ tầng phụ trợ cần thiết như cấp điện, cấp nước, thoát nước và vệ sinh, bưu chính-viễn thông, cây xanh và chiếu sáng, v.v… Tiến độ thi công cũng được thiết lập rất cụ thể chi tiết và đồng bộ, xây trước, xây sau nhịp nhàng và hợp lý, không đào đi đào lại lãng phí và hỗn loạn.


Có lẽ những ai đã từng chứng kiến cảnh náo loạn và ách tắc giao thông do những “lô cốt” trên đường phố từ các dự án xây dựng tại nhiều đô thị khác thì sẽ cảm nhận rất rõ ràng tính hợp lý và trân trọng công tác quản lý đô thị tại Đà Nẵng.


Bền vững về tài chính là tiêu chí quan trọng cuối cùng. Ở Đà Nẵng, công tác phân tích kinh tế-xã hội và tài chính rất được quan tâm thực hiện nghiêm ngặt và thẩm định chặt chẽ cho từng dự án đầu tư phát triển. Nguyên tắc chủ đạo của công tác này là phải nhận diện ra được toàn bộ mọi chi phí phát sinh đầu tư, vận hành, bảo dưỡng và quản lý công trình.


Một thực tế đáng ghi nhận tại Đà Nẵng là không những tài chính cho dự án mà tài chính cho những hộ dân bị ảnh hưởng của dự án cũng được xem xét và triển khai rất đồng bộ. Các hộ dân phải di dời, nhường lại mặt bằng cho dự án đều được chính quyền quan tâm ổn định cuộc sống và có việc làm, tạo thu nhập bền vững. Đây chính là yếu tố tạo động lực thành công cho công tác di dân giải phóng mặt bằng ở Đà Nẵng.


Đà Nẵng là một thành phố trẻ, nhưng công tác quản lý và quy hoạch đô thị đang là điểm sáng. Thành tựu này có được nhờ chính quyền quản lý đô thị luôn theo đuổi một nguyên tắc rất đơn giản: Bốn tiêu chí bền vững kết hợp với tư duy chiến lược vì con người.


TS. Trương Tiến Hải


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)