SHB Đà Nẵng – B. Bình Dương 1-1: đành phải hài lòng với kết quả hòa


Trước một Bình Dương đang khủng hoảng nghiêm trọng, gần như tất cả đều tin tưởng vào một chiến thắng cho thầy trò Lê Huỳnh Đức khi SHB Đà Nẵng đang cực kỳ hưng phấn sau 2 trận thắng liên tiếp đầy ấn tượng trước Đồng Tâm Long An (3-0) rồi Hòa Phát Hà Nội (2-0).

Sự vắng mặt của Lee Nguyễn (do chấn thương) rồi những vấn đề nội bộ buộc thủ môn Thế Anh phải làm khán giả càng tạo thêm niềm tin cho đội bóng chủ sân. Thế nhưng, dường như khi bị tổn thương, Bình Dương đã nỗ lực cao nhất có thể để buộc SHB Đà Nẵng chia điểm, dù cho HLV Lê Huỳnh Đức có lý do tiếc nuối.

Tiền đạo Merlo của SHB Đà Nẵng trong vòng vây của các cầu thủ Bình Dương

Chấp nhận thế trận “dưới kèo”, Bình Dương hết sức thận trọng trước đội chủ sân xuất phát với đội hình chiến thuật 4-4-2. HLV Ricardo Formosinho lo lắng không vô cớ khi SHB Đà Nẵng nhập cuộc đầy hứng khởi.

Những pha lên bóng khá đa dạng từ hai biên kết hợp với những bài tấn công trung lộ nhanh chóng giúp các học trò của nhà cầm quân Lê Huỳnh Đức làm chủ thế trận. Ngay từ phút 14, Merlo đã cảnh cáo đối phương bằng quả đánh đầu cực mạnh sau đường chuyền của thủ quân Minh Phương. Rất tiếc cho SHB Đà Nẵng bởi pha kết thúc này lại đúng vào vị trí của thủ môn Đặng Đình Đức. Đến phút 22, Ngọc Thanh lại uy hiếp cầu môn Bình Dương cũng sau một pha bóng “tầng hai”.

Say sưa tấn công, hàng thủ đội chủ sân đã thiếu tập trung với pha phản công hiệu quả của đội khách khi bị Philani thu hút và đường chuyền vào khá thuận lợi của cầu thủ Nam Phi này đã được Nwafor tận dụng bằng cú đệm bóng vào cầu môn trống. Bình Dương bất ngờ có bàn mở tỷ số vào phút 27.

Lẽ ra, phút 44, Nguyễn Rogerio đã có thể gây nguy hiểm cho khung thành đội khách nếu tiền vệ này không quá nắn nót sau đường chọc khe tinh tế của Kalifa (thay Nicolas, phút 43). Nhưng chỉ 1 phút sau khi hiệp 2 bắt đầu (phút 46), Kalifa lại có đường chuyền rất tốt để Ngọc Thanh kịp băng vào sửa bóng trước tầm tay thủ môn Đặng Đình Đức, san bằng tỷ số 1-1 cho SHB Đà Nẵng.

Hầu như trong thời gian còn lại, Bình Dương chỉ tập trung chống trả các đường lên bóng ào ạt của đội chủ nhà và chỉ tranh thủ tổ chức các đợt phản công cũng như tận dụng các tình huống cố định. Tuy nhiên, với sự điều chỉnh kịp thời khi Quang Cường vào thay Hoàng Quãng để đảm trách hành lang cánh phải và Duy Lam được chuyển sang cánh đối diện cùng với sự có mặt của Thanh Hưng từ phút 60 (thay Nguyễn Rogerio), SHB Đà Nẵng không mấy khó khăn để bẻ gãy các đường lên bóng của Bình Dương. Cơ hội rõ nét nhất của đội khách ở hiệp đấu này là cú xoay người sút vô-lê rất bất ngờ của Vũ Phong (phút 53) nhưng thủ môn Thanh Bình lại là người chiến thắng.

Cũng trong chừng ấy thời gian, đội quân của Lê Huỳnh Đức có không ít cơ hội để giành trọn 3 điểm. Đáng tiếc cho đội chủ nhà bởi các chân sút SHB Đà Nẵng đều không một lần tận dụng thành công. Đáng kể nhất là cú trả bóng của Quốc Anh vào trung lộ nhưng Merlo lại vội vã sút vọt xà (phút 53) hay cú sút căng từ sát vạch 16,50 mét của Kalifa đưa bóng dội xà (phút 79) rồi pha đột phá của Quốc Anh ở phút 80 kết thúc bằng cú dứt điểm quá hiền của tiền vệ này vào tay thủ môn Đình Đức.

Chia điểm trong một trận đấu lẽ ra có thể giành trọn vẹn 3 điểm, HLV Lê Huỳnh Đức chỉ phát biểu ngắn gọn: “Bóng đá là thế. Khi có rất nhiều cơ hội nhưng không tận dụng thành công, chúng tôi đành phải hài lòng với kết quả hòa…”.

NGUYÊN AN

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Vững niềm tin với Trường Sa và nhà giàn DK


“Qua chuyến công tác, mỗi chúng ta đều nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, càng thấy rõ hơn trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm biển đảo của Tổ quốc”, Thiếu tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND khẳng định.

Lưu luyến phút chia tay. Ảnh: Đăng Trường.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Tổng cục XDLL CAND (18/6/1981 – 18/6/2011), được sự đồng ý của Đảng ủy CATW, lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục XDLL CAND tổ chức đoàn đại biểu gồm 62 đồng chí đến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Tham gia đoàn công tác của Tổng cục XDLL CAND có đại diện Tổng cục An ninh I; đại diện Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; đại diện Quân chủng Hải quân.

Đoàn do đồng chí Thiếu tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND làm Trưởng đoàn; đồng chí Nguyễn Cộng Hòa, Chuẩn đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân làm Phó trưởng đoàn. Tới ngày 17/4, tàu Hải quân HQ 936 cập cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, làm việc tại biển đảo Trường Sa và khu vực nhà giàn DK I.

Lưu luyến buổi chia tay

Con tàu Hải quân HQ 936 trở thành ngôi nhà chung với đoàn công tác suốt chặng hải trình tròn 10 ngày trên vùng biển đảo Trường Sa và nhà giàn DK I. Những ngày ở xa đất liền, môi trường sống, làm việc cùng mục tiêu, chí hướng “vì Trường Sa thân yêu” đã khiến tất cả thành viên của đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ Hải quân, thủy thủ đoàn vừa giữ nghiêm tác phong, kỷ luật điều lệnh khi làm nhiệm vụ, lại vừa thể hiện đậm nét tình cảm đồng chí, đồng đội sâu sắc trong sinh hoạt, hỗ trợ công tác. Khoảng thời gian ấy giờ trở nên nhanh hơn thường lệ và buổi chia tay, kết thúc chuyến công tác tổ chức ngay trên boong tàu với tâm trạng  lưu luyến, xao xuyến nhớ.

Đó là những phát biểu kết luận súc tích, đúc rút kết quả đạt được của chuyến công tác, khẳng định niềm tin và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của Trưởng đoàn công tác, Thiếu tướng Trần Bá Thiều; đó là những cảm xúc chân thực và lắng đọng, những suy nghĩ đầy tâm huyết của nguyên Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, Thiếu tướng Trần Quang Trọng; đó là tình cảm mật thiết giữa lực lượng Hải quân với Công an nhân dân như khẳng định của Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa…

Kỷ niệm giường tầng, chiếu cói

10 ngày, chặng hải trình vượt hàng nghìn hải lý từ đất liền ra đảo, từ đảo nổi đến đảo chìm, rồi đến nhà giàn, nếu nói về điều kiện ăn nghỉ, mỗi người như sống lại thời học viên với giường tầng, chiếu cói. Do điều kiện khó khăn, mỗi phòng ngủ trên tàu có hai giường tầng với bốn chỗ nhưng ban tổ chức phải bố trí thành 7-8 người (bốn ngủ ở giường, còn lại ngủ sàn). Nhưng điều đó không khiến ai băn khoăn. Chất lính, sự giản dị và đồng cam cộng khổ, đó là cơ sở để ngay cả những cán bộ cấp cao sinh hoạt trong cảnh đó cũng thấy ấm lòng. Điều kiện sinh hoạt ấy hóa kỷ niệm thiêng liêng, thế nên có phòng 8 cán bộ đều cấp hàm đại tá mà chỉ có 2 giường tầng, còn phòng bên thì hai cán bộ cấp tướng ở cùng hai giường tầng với 5 cán bộ cấp tá, đó là điều bình dị, và những vần thơ ấm áp, lấp lánh sự lãng mạn ra đời trong bối cảnh ấy.

Buổi sáng, tiếng phát thanh “toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu” lúc 5h30 trở nên quen thuộc, tất thảy dậy làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng trên tàu và nhanh chóng xuống xuồng vào đảo. Để hiểu hơn cuộc sống, rèn luyện trên đảo của cán bộ, chiến sĩ, nhiều đêm đoàn công tác nghỉ tại đảo nổi, ngủ trên chính giường cá nhân mà người lính Hải quân vẫn sử dụng hằng ngày…

Vững niềm tin với đảo xa

Đây là chuyến thăm, làm việc chính thức đầu tiên của đoàn công tác Bộ Công an tới quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK I với sự tham gia của nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao cấp trong CAND. Để thực hiện chuyến đi đặc biệt ý nghĩa này, đoàn công tác đã có sự chuẩn bị chu đáo về con người, phương tiện, kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Hải quân (Bộ Quốc phòng). Hưởng ứng hoạt động ý nghĩa hướng về Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ Tổng cục và nhiều đơn vị thuộc Bộ đã dành khoản tiền trích từ tiền lương và phụ cấp, quyên góp ủng hộ cán bộ, chiến sĩ công tác tại đảo. Nhiều phần quà có ý nghĩa cũng được cán bộ, chiến sĩ và học viên các trường CAND gửi tặng.

Đoàn CBCS Tổng cục XDLL CAND tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại Trường Sa.

Đoàn công tác nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của Quân chủng Hải quân, trong đó có Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4. Đích thân Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, người có hàng chục năm lăn lộn với biển, đảo, trực tiếp đi cùng đoàn.

Trong thời gian nói trên, đoàn đã tới thăm, làm việc tại một số đảo nổi: Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Đông, Trường Sa; đảo chìm Đá Lớn, Đá Thị, Đá Tây; nhà giàn Huyền Trân, thuộc khu vực nhà giàn DK I. Với đảo chìm – nơi được xây bằng bê tông cốt thép trên nền san hô nên điều kiện sống khó khăn, khí hậu khắc nghiệt. Đảo Trường Sa, nơi được mệnh danh là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa”, đảo nổi lên như một pháo đài sừng sững giữa biển Đông, cách Cam Ranh (Khánh Hòa) 254 hải lý.

Đảo Trường Sa hôm nay là trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa, ngoài các đơn vị Quân đội còn có các hộ dân sinh sống, các công trình văn hóa, tâm linh như: Nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ, chùa. Nơi đây có trạm khí tượng thủy văn nằm trong hệ thống thủy văn quốc gia và thế giới, thường xuyên cung cấp tình hình thời tiết ở khu vực biển Đông. Đảo cũng đã xây dựng nhà khách Thủ đô, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho khách khi đến với đảo.

Qua chuyến công tác tại các đảo cho thấy đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đã được cải thiện nhiều so với trước, đáng chú ý là việc đầu tư các thiết bị về thông tin liên lạc, nghe nhìn, điện năng lượng mặt trời, điện gió. Ở bất kỳ đảo nào, cán bộ, chiến sĩ Hải quân và lực lượng liên quan cũng đều thể hiện tinh thần, bản lĩnh vững vàng, ý chí kiên cường. Họ cũng là những người rèn rũa trong môi trường rèn luyện nghiêm khắc, thể hiện tình cảm sâu đậm với đồng chí, đồng đội, với đoàn công tác.

Như khẳng định của Thiếu tướng Trần Bá Thiều, qua chuyến công tác, mỗi chúng ta đều nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, càng thấy rõ hơn trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm biển đảo của Tổ quốc. Đồng thời càng khâm phục tinh thần khắc phục khó khăn, đoàn kết gắn bó của cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng trên đảo. Mặc dù cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió vô cùng khó khăn, các chiến sĩ vẫn luôn kiên định vững vàng, tràn đầy niềm tin và luôn phát huy phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ. Chính tinh thần lạc quan, yêu đời và kỷ luật thép của những người lính đã nhân lên niềm tin trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thiếu tướng Trần Bá ThiềuKhông thể quên những tình cảm nồng ấm

Tất cả những nơi đoàn đến đều được đón nhận những tình cảm nồng ấm và sâu sắc nhất của cán bộ, chiến sĩ và quân dân trên đảo. Chúng ta không thể nào quên hình ảnh những chiến sĩ trẻ chọn những bông hoa, những con ốc đảo, những cây bàng vuông đẹp nhất tặng các thành viên đoàn công tác. Đặc biệt, chúng ta dự lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa, lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc với tình cảm thiêng liêng và xúc động. Trong chuyến công tác này, Đoàn Ca múa nhạc CAND mặc dù sau chuyến hành trình dài trên biển, các diễn viên đều bị say sóng nhưng với tình cảm và tinh thần trách nhiệm cao trước đồng đội thân yêu, các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phục vụ cán bộ và nhân dân huyện đảo Trường Sa 10 buổi biểu diễn văn nghệ…

Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quânNiềm tin chủ quyền biển đảo

Đây là đoàn công tác đầu tiên của Bộ Công an tới Trường Sa, tham gia đoàn có nhiều tướng lĩnh, cán bộ cấp cao trong CAND, điều đó thể hiện tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của lực lượng Công an. Đến với Trường Sa, tôi nghĩ rằng mỗi người đều trở về với niềm tin mãnh liệt, đó là niềm tin vào chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tin vào cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở hải đảo, tin vào bản lĩnh, ý chí và sức lực của chúng ta. Qua chuyến công tác càng khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa Công an và Quân đội, trong đó có lực lượng Hải quân. Cũng phải nói rằng, chuyến đi này thời tiết thực sự ủng hộ. Từ đầu năm 2011 tới nay đã có 6 đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo nhưng cả 6 đoàn đều không thể lên nhà giàn DK I do sóng lớn, riêng đoàn của ta là thứ bảy đã thực hiện được nhiệm vụ thiêng liêng đó.

Thiếu tướng Trần Quang Trọng, nguyên Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CANDNơi gian khó nhất là nơi rèn luyện tốt nhất

Đây là lần đầu tiên tôi được đến với Trường Sa. Khi ra đảo, các đồng chí Hải quân nói với tôi rằng giờ điều kiện nước sinh hoạt khá phong phú, đoàn công tác tắm giặt theo nhu cầu. Nhưng tôi nghĩ, có thể vì chúng tôi là sĩ quan cấp tướng nên các anh muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất để chúng tôi không ái ngại, không vất vả. Tôi hiểu điều đó nên đến đảo nào mình cũng có ý thức tiết kiệm từng âu nước. Hôm ở đảo Sinh Tồn Đông, 3h sáng thức dậy, tôi bước ra hành lang. Tôi thấy một chiến sĩ vừa đi gác về, anh dùng một chậu nhỏ và đổ ít nước vừa đủ để vắt khăn lau người. Hành động đó khiến tôi rưng rưng nước mắt. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo rất vất vả, hết lòng vì Tổ quốc, trong khi cuộc sống hôm nay nhiều bạn trẻ ở đất liền đang theo đuổi lợi ích riêng mình. Bởi thế, sự cống hiến của họ rất đáng khâm phục. Họ cũng là những người rất giàu tình cảm. Quả thực, nơi gian khó nhất là nơi rèn luyện tốt nhất.

Đăng Trường

 


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kon Tum nâng cao mức sống cho đồng bào các dân tộc


Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, trong hai ngày 16-17/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội ,Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác của Trung ương đã làm việc tại tỉnh Kon Tum. Sáng 17/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, tập trung vào các nội dung tình hình triển khai Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng; tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, đặc biệt là các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn; công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.Báo cáo về tình hình của Kon Tum, Bí thư Tỉnh ủy Hà Ban cho biết là tỉnh miền núi biên giới còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, đạt nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc tại Kon Tum.

Đến nay, bình quân thu nhập đầu người đạt hơn 13 triệu đồng/người/năm; tăng trưởng kinh tế năm qua đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây; thu ngân sách trên địa bàn đã vượt 1.300 tỷ đồng. Các cây trồng chủ lực (lúa, ngô, cao su, càphê, hồ tiêu…) đều được đầu tư phát triển mạnh, góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu lên gần 60 triệu USD.

Thực hiện Kết luận số 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ, tỉnh quyết định tạm dừng đầu tư 7 công trình với tổng kinh phí 37,7 tỷ đồng; giãn tiến độ đầu tư 3 công trình với tổng kinh phí 15,5 tỷ đồng; tiết kiệm 10% chi thường xuyên tương đương hơn 23 tỷ đồng, dừng mua 8 ôtô với giá trị 8,81 tỷ đồng…

Trong quý 1 năm 2011, Kon Tum chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán và dịch bệnh gia súc, nhiều diện tích cây trồng bị mất trắng, hàng ngàn con trâu, bò, lợn bị chết hoặc tiêu hủy… Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách trên địa bàn đều tăng, tỉnh cũng đã cấp chứng nhận 18 dự án đầu tư, thành lập mới 78 doanh nghiệp, mở rộng đầu tư 20 doanh nghiệp… tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động.

Công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 tại Kon Tum được triển khai tích cực, nghiêm túc, đảm bảo đúng tiến độ, trình tự, thủ tục, phát huy dân chủ, đúng quy định của pháp luật. Toàn tỉnh dự kiến có 717 khu vực bỏ phiếu, được bầu 6 đại biểu Quốc hội, 50 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, 279 đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, 1.416 đại biểu Hội đồng nhân dân xã.

Do đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới, địa bàn rộng, giao thông, thông tin liên lạc khó khăn, thời điểm bầu cử lại vào mùa mưa, được phép của Hội đồng bầu cử, Kon Tum sẽ tiến hành bầu cử sớm, trước một ngày (21/5/2011) so với ngày bầu cử toàn quốc, đối với một số khu vực bỏ phiếu trên địa bàn huyện Kon Plong, Sa Thầy, Tu Mơrông, Đăk Glei.

Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng, thông qua nhiều chương trình, chính sách cụ thể, thiết thực, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng mong muốn cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chủ động, tích cực hơn nữa trong việc cải thiện và nâng cao mức sống cho đồng bào.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Kon Tum đã nhanh chóng tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, tỉnh cần tiến hành bài bản hơn nữa, làm sao quán triệt sâu sắc những đường lối chiến lược, quan điểm cơ bản, những mục tiêu nhiệm vụ cụ thể và giải pháp lớn, trên cơ sở đó vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế tại địa phương, đưa Kon Tum ngày càng phát triển, đồng thời góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng mong muốn Kon Tum khẩn trương cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra thành các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của địa phương về tài nguyên, đất đai, rừng… đẩy mạnh phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý Kon Tum giải quyết thấu đáo các vấn đề thiết thân đối với địa phương, bảo đảm đất sản xuất cho dân, quan tâm phát triển thủy lợi, đẩy mạnh trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao trình độ dân trí, xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao…

Chia sẻ những khó khăn trong sản xuất và đời sống mà bà con phải gánh chịu trong bối cảnh tình hình lạm phát, giá giả leo thang như hiện nay, Tổng Bí thư mong muốn bà con hãy tích cực hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Nhấn mạnh Tây Nguyên, trong đó có Kon Tum là địa bàn chiến lược về quốc phòng an ninh, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng mong rằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí trong dân, trong Đảng, xây dựng cơ sở chính trị, thế trận lòng dân vững chắc, làm tốt công tác dân tộc, công tác tôn giáo, công tác dân vận, giữ vững ổn định ngay từ cơ sở, đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, thì công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được coi là nhiệm vụ then chốt.

Kon Tum cần tập trung chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ đảng viên gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, giữ vững niềm tin của dân đối với Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý Kon Tum tiếp tục chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết, bảo đảm việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 thành công tốt đẹp, thực sự dân chủ và đúng luật. Tại Kon Tum, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đã đến thăm bà con các dân tộc ở thôn Đắc Mút, xã Đắc Mar, làm việc với lãnh đạo huyện Đắc Hà.

Nói chuyện với bà con dân tộc Bahnar trong ngôi nhà Rông truyền thống ở thôn Đăk Mút, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng ân cần thăm hỏi tình hình sản xuất, đời sống của bà con, từ hộ làm kinh tế giỏi như gia đình Mguih đến hộ nghèo như gia đình Achun.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng căn dặn bà con phải luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống, giữ gìn những sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc, không nghe kẻ xấu xúi giục làm điều xấu, tập trung thi đua lao động sản xuất hướng tới ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, nghiêm chỉnh thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của công dân.

Làm việc với lãnh đạo huyện Đắc Hà, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền các cấp trong huyện đã tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm); có nhiều mô hình mới, hiệu quả nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh từ đất và rừng, phát triển mạnh các cây trồng chủ lực như cao su, cà phê, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, mở hướng phát triển vững chắc trong cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, huyện luôn chăm lo các hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thông qua mô hình “Ngân hàng lương thực cộng đồng,” Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý Đăk Hà quan tâm giải quyết một số vấn đề thiết yếu ở địa phương, tìm hướng lâu dài để bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ phát triển sản xuất; chăm lo xây dựng, phát triển Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước vươn lên trở thành một huyện giàu có. Tại Đăk Mút, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà Già làng A Jur và gia đình nông dân A Văng./.

Nguyễn Thị Sự
Nguồn: http://nguyenphutrong.com/2011/04/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-kon-tum-nang-cao-muc-song-cho-dong-bao-cac-dan-toc.htm

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng: “Vì chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc”


Chiều 7-4, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị triển khai công tác của Ban chỉ đạo biển – đảo và xây dựng, quản lý bảo vệ khu vực biên giới thành phố Đà Nẵng năm 2011.

Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng tuần tra bảo vệ an ninh trên biển.

Theo Đại tá Dương Đề Dũng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, từ tháng 10-2010 đến nay, trên vùng biển Đà Nẵng đã xảy ra 42 vụ việc. Trong đó, có 16 tàu vận tải và tàu đánh cá ngư dân bị chìm, hư hỏng, khiến 12 người chết, 3 người bị mất tích; đứt trôi gần 4.000 mét lưới, dây neo các loại… thiệt hại ước tính trên 1 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tai nạn lao động trong khi hành nghề, bất cẩn trong điều khiển phương tiện, thiếu thiết bị bảo đảm an toàn hàng hải và chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy chưa nghiêm…

Khi xảy ra các vụ việc trên, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đều tiếp nhận nguồn tin và kịp thời xử lý. Các lực lượng, phương tiện của Biên phòng Đà Nẵng đã kịp thời cứu hộ cứu nạn 30 ngư dân, hướng dẫn trên 2.000 phương tiện tàu thuyền tránh bão, cứu kéo 236 phương tiện đánh bắt của ngư dân đến vị trí an toàn…

Trao kỷ niệm chương cho các cá nhân có thành tích xuất sắc.

Trong thời gian tới, bộ đội biên phòng sẽ đề nghị với trên triển khai lực lượng chuyên trách, có các phương tiện và trang bị hiện đại đủ sức thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, giám sát việc thi hành pháp luật trên biển; phát hiện, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các hành vi phạm pháp, ứng phó hiệu quả các sự cố mất an toàn về tính mạng, tài sản, tài nguyên và môi trường trên vùng biển và thềm lục địa được phân công.

Tại hội nghị, 29 cá nhân xuất sắc đã được trao kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc”.

Tin, ảnh: Tùng Lâm


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Gia Lai cần giữ vững ổn định và phát triển từ cơ sở


Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai- một tỉnh miền núi, biên giới phía bắc Tây Nguyên, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, yên lòng dân, giữ vững ổn định và phát triển từ cơ sở là tiền đề vững chắc cho phát triển lâu dài.

Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Trung ương, cùng Đoàn công tác của Trung ương đã thăm, làm việc tại tỉnh Gia Lai trong 2 ngày 15-16/4 về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội theo tinh thần Kết luận số 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 11 của Chính phủ; công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong buổi làm việc với đại diện chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở huyện Chư Sê, Gia Lai

Sáng 16/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tổ chức thực hiện có kết quả trên địa bàn.

Quý I/2011, mặc dù bị ảnh hưởng bởi hạn hán, dịch bệnh trên gia súc, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn duy trì ở mức khá, đạt hơn 12%. Tổng thu ngân sách đạt 817 tỷ đồng, bằng 30,26% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác chuẩn bị bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã được chuẩn bị chu đáo, đúng quy trình, quy định.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý, trong cơ cấu thành phần đại biểu, Gia Lai cần bảo đảm tỷ lệ thích đáng đại biểu nữ, đại biểu là người dân tộc thiểu số, trên cơ sở các tiêu chuẩn, điều kiện, năng lực, đáp ứng yêu cầu công tác của đại biểu.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh việc triển khai học tập, quán triệt sâu sắc những nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV, trên cơ sở đó cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011.

Về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý Gia Lai cần quan tâm làm tốt công tác quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, rừng; chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đặc biệt ở cơ sở; chăm lo đời sống nhân dân, hạn chế chênh lệch giàu – nghèo.

Khẳng định vị trí, tầm quan trọng chiến lược của địa bàn Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Gia Lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh để giữ vững quốc phòng an ninh, tỉnh cần tập trung xây dựng cơ sở vững chắc cả về chính trị, kinh tế, đặc biệt là củng cố, nhân lên niềm tin của dân đối với Đảng. Yên lòng dân, giữ vững ổn định và phát triển từ cơ sở, đó mới là tiền đề vững chắc cho phát triển lâu dài.

Trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại huyện Chư Sê, nơi có 123/183 thôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số, một trọng điểm của tỉnh Gia Lai về phát triển cây công nghiệp (cao su, hạt tiêu, cà phê).

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên, người lao động Binh đoàn 15, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới và cán bộ, chiến sỹ Quân đoàn 3.

Nguyễn Sự

Nguồn : http://nguyenphutrong.com


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến về cở sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ra thông báo đồng ý bổ sung Dự án Phát triển cở sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vào danh mục dự án nhóm A thuộc kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2011 của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trên cở sở tổng mức vốn đã giao tại Quyết định 2145/QĐ-TTg ngày 23/11/2010.

Mô hình Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập và xây dựng từ năm 1998 với tổng diện tích gần 1.600 ha. Hiện, Khu Công nghệ đang là một trong những địa điểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Được biết, Ban Quản lý Khu Công nghệ đã thu hút được 52 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư lên tới 1,3 tỷ đô la Mỹ. Hiện nay có 13 dự án đầu tư vào Khu Công nghệ đi vào hoạt động và 6 dự án đang trong quá trình xây dựng. Ngoài ra, một loạt các dự án tiềm năng đang được chờ xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Trong năm 2011, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc dự kiến thu hút khoảng 12-15 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1 tỷ đô la Mỹ.

Quốc Hà

Nguồn: http://nguyentandung.org/y-kien-thu-tuong/y-kien-thu-tuong-nguyen-tan-dung-ve-phat-trien-co-so-ha-tang-khu-cong-nghe-cao-hoa-lac.html


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường


Ngày 15/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Trong năm tài chính, giá bán điện chỉ được điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành.

Theo đó, nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường là thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là ba tháng.

Từ 1/6, điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường phải được thực hiện công khai, minh bạch. Trường hợp cần thiết, Nhà nước sử dụng Quỹ bình ổn giá điện và các biện pháp khác để bình ổn giá bán điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Ba trường hợp được thay đổi giá bán điện

Quyết định nêu rõ, trường hợp giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành và cơ cấu sản lượng điện phát thay đổi so với kế hoạch phát điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt, làm giá bán điện tại thời điểm tính toán:

- Giảm từ 5% trở lên so với giá bán điện hiện hành thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh giảm giá bán điện tương ứng.

- Tăng 5% so với giá bán điện hiện hành thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trường hợp sau 5 ngày làm việc mà Bộ Công Thương  chưa có ý kiến trả lời, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện 5%.

- Tăng trên 5% so với giá bán điện hiện hành thì EVN báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài Chính để thẩm định. Sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ mà chưa có ý kiến trả lời, cho phép EVN được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/6/2011.

Giá bán điện bình quân là giá bán điện được xác định theo nguyên tắc tính bình quân cho 1 kWh điện thương phẩm, bao gồm 4 thành phần: Giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, chi phí điều hành – quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện (gọi là giá bán điện).

Hoàng Diên

Nguồn: http://nguyentandung.org/doi-song/thu-tuong-nguyen-tan-dung-dieu-chinh-gia-ban-dien-theo-co-che-thi-truong.html


(Theo www.nguyenbathanh.com)