Đồng chí Nguyễn Bá Thanh chủ trì buổi giao ban thường kỳ khối Đảng, đoàn thể


Chiều ngày 4-5, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy đã chủ trì buổi giao ban thường kỳ khối Đảng, đoàn thể nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong tháng 4 và triển khai nhiệm vụ trong tháng 5 năm 2011.

Theo báo cáo, tháng 4-2011, tình hình kinh tế – xã hội thành phố đạt kết quả tích cực. Trong đó, hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 4.200 tỷ đồng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước đạt 120,5 triệu USD, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm 2010. Hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, riêng Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế năm 2011 đã thu hút đông đảo du khách đến thành phố, tổng lượt khách du lịch ước đạt 232.484 người, tăng 43% so với tháng 4-2010. Tuy nhiên, tháng 4-2011, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,98% so với tháng trước và tăng 9,59% so với đầu năm; tình hình tội phạm diễn biến phức tạp với 40 vụ phạm pháp hình sự, làm chết 2 người, bị thương 6 người.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: S.T

Trong tháng 4, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ “Về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội” và Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị “Về tình hình kinh tế – xã hội năm 2011”; lãnh đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp tại thành phố; chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư…

Về những nhiệm vụ thời gian đến, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đề nghị các ban, ngành, địa phương tập trung chuẩn bị tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp vào ngày 22-5, chú ý vấn đề an ninh trật tự, bảo đảm tuyệt đối an toàn trước, trong và sau ngày bầu cử; tập trung học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ thành phố và  xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; lưu ý các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn với lãi suất ưu đãi, kiểm soát giá tiêu dùng, thực hành tiết kiệm, quản lý thu chi ngân sách chặt chẽ…

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chủ trương Năm giải tỏa đền bù, tái định cư và an sinh xã hội, tập trung ở những địa bàn trọng điểm như các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị UBND thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi, Trung tâm Hành chính thành phố; đẩy mạnh chương trình nhà ở xã hội; tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở; THPT thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong mùa hè; tăng cường trấn áp tội phạm, xử lý các vấn đề về an toàn giao thông; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

M.H


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “VN huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình”


Sáng 5-5, Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cùng với việc huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, của các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên.

Phát biểu khai mạc hội  nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, những thành tựu của 25 năm đổi mới (1986-2011) đã đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Kinh tế tăng trưởng bình quân 7,26%/năm trong 10 năm qua, tỷ lệ đói nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống dưới 10% năm 2010, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thể chế kinh tế thị trường tiếp tục được hoàn thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt thành tựu quan trọng trên nhiều mặt. Việt Nam đã hoàn thành và vượt trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: AFP)

Trong quá trình phát triển, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ to lớn và kịp thời của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, trong đó có ADB, cả về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, ủng hộ và tư vấn chính sách. Tính đến tháng 3 năm 2011, ADB đã cam kết cung cấp cho Việt Nam gần 10 tỷ USD cho hơn 100 chương trình và dự án, tập trung vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn, năng lượng và giáo dục.

Ghi nhận và đánh giá cao những hỗ trợ thiết thực của ADB dành cho Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam vui mừng luôn có một người bạn đồng hành là ADB; đồng thời cam kết sẽ tiếp tục sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả cao nhất nguồn vốn hỗ trợ từ ADB.

Thủ tướng nhấn mạnh thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, Việt Nam xác định những nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa đột phá là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng hiện đại.

Việt Nam đang tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.

Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Năm năm tới sẽ là giai đoạn kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2%/năm; thu nhập khu vực nông thôn tăng khoảng 2 lần so với năm 2010, vì mục tiêu phát triển hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa, xã hội.

Tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhưng theo Thủ tướng, hiện nay Việt Nam vẫn là một nước nghèo, trong chặng đường phát triển phía trước còn rất nhiều khó khăn. Cùng với việc huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, của các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên.

Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda cho biết, Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực còn đối mặt với nhiều thách thức (Ảnh: AFP)

Chúc mừng Việt Nam đã bước vào ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda cho biết, Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực còn đối mặt với nhiều thách thức, cho dù châu Á đang gia tăng vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu.

Theo ông Kuroda, trước mắt, các nước châu Á sẽ chịu ảnh hưởng ngắn hạn của thảm họa sóng thần tại Nhật Bản. Sau khi tăng trưởng bình quân 9% trong năm ngoái, các nước đang phát triển ở châu Á sẽ tăng trưởng chậm lại với tốc độ dự kiến 7,8% năm nay và 7,7% trong năm tới. Lạm phát sau khi duy trì ở mức thấp 4,4% trong năm ngoái, năm nay sẽ bùng phát trở lại do sự tăng trưởng nóng ở một số nền kinh tế và cú sốc giá lương thực, nhiên liệu.

“Các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc cẩn trọng các biện pháp kiểm soát lạm phát bởi những công dân nghèo nhất trong các quốc gia sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi điều này”, Chủ tịch ADB khuyến cáo và không quên nhắc lại thực tế là châu Á hiện còn hàng trăm triệu người thuộc diện nghèo nhất thế giới. Vấn đề lạm phát đã được ông Kuroda và nhiều diễn ra khác đề cập tại nhiều phiên thảo luận trước đó của ADB, như một trong những thách thức lớn nhất của châu Á hiện nay.

Trong bài phát biểu của mình, ông Kuroda đã gợi ý 5 vấn đề chủ chốt đóng vai trò thiết yếu nhằm khai thông tiềm năng phát triển của khu vực như: nâng cao vai trò lãnh đạo và cam kết quản trị điều hành hợp lý, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư khổng lồ, cải tổ hệ thống tài chính, chia sẻ kinh nghiệm phát triển, đồng thời gia tăng hợp tác và hội nhập khu vực.

Theo tính toán của ông Kuroda, từ nay đến 2020, mỗi năm châu Á cần khoảng 750 tỷ USD cho đầu tư phát triển hạ tầng, kể cả phần cứng lẫn phần mềm. Trước đó, Việt Nam cho biết sẽ cần 300 tỷ USD vốn đầu tư trong 5 năm tới, trong khi Ấn Độ cho biết số vốn cần trong 10 năm là 3.000 tỷ USD.

“Đầu tư phát triển hạ tầng đang thiếu hụt hiện nay là chìa khóa để đạt được sự tăng trưởng bền vững”, ông nhấn mạnh.

Theo TTXVN, nguyentandung.org


(Theo www.nguyenbathanh.com)

VN gửi công hàm Liên hợp Quốc khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam


Ngày 5-4-2011, Phái đoàn thường trực Philippines tại Liên hợp Quốc gửi công hàm đến Tổng Thư ký Liên hợp quốc bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. 

Ngày 14-4-2011, Phái đoàn thường trực Trung Quốc gửi công hàm đến Tổng Thư ký Liên hợp Quốc nêu ý kiến về công hàm của Phái đoàn Philippines.

Cụm tượng đài hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Do hai công hàm nói trên đều đề cập đến vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, nên ngày 3-5-2011, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp Quốc đã gửi công hàm số 77/HC-2011 đến Tổng Thư ký Liên hợp Quốc, một lần nữa khẳng định, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo đó.

TTXVN

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Parente Fireworks của Ý: “Sức sống dòng sông” đoạt giải nhất DIFC 2011


Màn trình diễn của đội pháo hoa Parente Fireworks (Ý) với chủ đề “Sức sống dòng sông” đã đoạt giả nhất Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2011 (DIFC 2011).

Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh trao giải cho các đội tham dự DIFC 2011

Với chủ đề “Sức sống của dòng sông”, đội pháo hoa Parente Fireworks – Ý mô tả các khía cạnh và đặc điểm khác nhau của dòng sông, bằng cách kết hợp hài hòa giữa nhạc và pháo hoa. Dòng nước lững lờ trôi giữa thiên nhiên còn nguyên vẹn vẻ hoang sơ, nước với ý nghĩa là cội nguồn của sự sống, sức mạnh và sự cuồng nộ của những dòng nước lũ, tất cả những yếu tố này đã khơi gợi tạo nguồn cảm hứng cho quá trình sáng tạo màn trình diễn.

Giải nhì thuộc về đội Panda – Trung Quốc và đội Hanwha – Hàn Quốc; giải ba thuộc về hai đội Jubilee Fireworks – Anh và chủ nhà Đà Nẵng – Việt Nam.

Đà Nẵng Điện tử giới thiệu màn trình diễn của đội Parente Fireworks, giải nhất DIFC 2011:

Sức sống dòng sông

Sức sống dòng sông

Sức sống dòng sông

Sức sống dòng sông


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Bệnh viện Đà Nẵng đưa máy gia tốc vào điều trị bệnh nhân ung thư


Ngày 30-4, Khoa Ung bướu – Bệnh viện Đà Nẵng tổ chức khai trương và đưa vào sử dụng máy gia tốc thế hệ mới để xạ trị cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Đây là chiếc máy đầu tiên áp dụng trong ngành Y tế thành phố, hạn chế tình trạng người bệnh phải đi xa để xạ trị các bệnh về ung thư do thiếu các trang thiết bị kỹ thuật cao.

Máy gia tốc thế hệ mới đưa vào sử dụng tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Xạ trị kỹ thuật cao là một bước đột phá mới nhằm nâng cao chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân ung thư. Được biết, kinh phí đầu tư máy gia tốc hơn 1 triệu USD, bằng phương thức xã hội hóa.

Tin và ảnh: D.Minh

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Các cơ quan nhà nước Đà Nẵng tạm dừng mua sắm xe công


Các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tạm dừng mua sắm ô tô, máy điều hòa nhiệt độ, máy tính xách tay, ti vi, tủ lạnh… 

Để phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố, ngày 4-5, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt danh mục tài sản tạm dừng mua sắm của các cơ quan nhà nước gồm: tất cả các loại ô tô; xe mô tô phục vụ cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị; máy điều hoà nhiệt độ; máy vi tính xách tay; máy ảnh kỹ thuật số; máy chiếu, máy quay phim; tivi; tủ lạnh; các loại tài sản khác có giá trị nguyên giá từ 50 triệu/1 đơn vị tài sản trở lên.

Đà Nẵng tạm dừng mua sắm xe công

UBND thành phố cũng quy định các trường hợp ngoại lệ được phép mua sắm bao gồm: Những trường hợp mua sắm mới các loại tài sản đã được UBND thành phố phê duyệt chủ trương, đã ký hợp đồng với nhà cung cấp theo đúng trình tự, thủ tục quy định từ ngày 24-2-2011 trở về trước. Ô tô và các phương tiện đi lại phục vụ công tác cho các dự án nước ngoài và các tổ chức tài trợ khác, thực hiện theo các hiệp định hoặc các văn bản đã được ký kết. Ca nô, tàu thuyền phục vụ công tác cứu hộ phòng chống bão lụt; tủ lạnh phục vụ cho việc khám chữa bệnh ngành y tế, phục vụ trong các phòng nghiên cứu khoa học.

Các loại tài sản được mua sắm nhằm trang bị ban đầu cho các cơ quan, đơn vị mới thành lập (riêng mua sắm ô tô, máy vi tính xách tay phải có ý kiến bằng văn bản của Chủ tịch UBND thành phố trước khi thực hiện). Tài sản có giá trị nguyên giá trên 50 triệu/1 đơn vị tài sản, máy điều hoà nhiệt độ đã được phê duyệt thuộc các dự án đầu tư XDCB. Máy điều hoà nhiệt độ trang bị phục vụ vận hành các trang thiết bị CNTT, an ninh, bảo mật, bảo quản, lưu trữ và các hoạt động mang tính đặc thù, chuyên ngành; tài sản phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn có tính năng chuyên ngành cao thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống lụt bão, dịch bệnh, các tài sản mang tính chất đặc thù, chuyên ngành như trang thiết bị y tế hoặc các trường hợp cần thiết phải trang bị để phục vụ cho những nhiệm vụ quan trọng năm 2011…
Như Quỳnh

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh gặp mặt lãnh đạo một số tỉnh miền Trung


Ngày 30-4, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng gồm Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã có buổi gặp mặt với lãnh đạo một số tỉnh miền Trung để trao đổi việc chuẩn bị tổ chức Hội thảo nhằm tăng cường liên kết và hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa các địa phương trong khu vực.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh phát biểu tại buổi gặp mặt

Tham dự buổi gặp mặt có Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao.

Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo các địa phương đều có cùng nhìn nhận rằng các tỉnh, thành trong khu vực Trung và Nam Trung bộ đều có những tiềm năng về kinh tế biển, du lịch, sân bay, khu công nghiệp, đào tạo nhân lực… cũng như quan hệ với các địa phương của Lào, Campuchia… Tuy nhiên, hiện nay, việc liên kết, hợp tác phát triển trong khu vực vẫn còn rời rạc, manh mún; nhận thức và quyết tâm chính trị về liên kết chưa đúng đắn và đầy đủ…

Từ phân tích trên, nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế của khu vực, lãnh đạo các địa phương thống nhất cần đẩy mạnh việc liên kết nhằm định hướng phát triển cho từng địa phương cũng như cả khu vực, tạo tiếng nói chung trên các lĩnh vực xúc tiến đầu tư, chính sách xã hội, nhân lực, biến đổi khí hậu…

Các bên đã quyết định sẽ tổ chức Hội thảo tại thành phố Đà Nẵng với chủ đề “Chiến lược liên kết phát triển vùng” vào khoảng cuối tháng 6-2011. Tại hội thảo, cùng với việc tiếp thu những ý kiến phân tích, nhận xét và đề xuất của các nhà kinh tế, nhà lãnh đạo…, lãnh đạo các địa phương sẽ ký kết thỏa thuận các nội dung quan trọng nhằm sớm đưa các chính sách liên kết phát triển vào thực tiễn.

Tin và ảnh: N.T


(Theo www.nguyenbathanh.com)