TT Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ Dự án mua trang thiết bị cho B.V Ung thư TP Đà Nẵng


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý trong Công văn 521/TTg-KGVX ngày 07/04/2011, chủ trương bổ sung Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế cần thiết cho Bệnh viện Ung thư TP.Đà Nẵng vào Danh mục các Dự án đầu tư được hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ theo Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009.

Bệnh viện Ung thư TP Đà Nẵng

Theo đó, Bộ Y tế cần thực hiện các thủ tục cần thiết trình Thủ tướng Chính ph xem xét, quyết định, đồng thời chủ trì nghiên cứu, đề xuất việc mở rộng hình thức đầu tư này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng giao UBND TP Đà Nẵng chịu trách nhiệm chỉ đạo việc đầu tư xây dựng và quản lý hoạt động của Bệnh viện theo đúng mục tiêu, nội dung của Dự án được phê duyệt và các quy định pháp luật hiện hành.

Được biết, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đã được khởi công ngày 28/3/2009, tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Bệnh viện được thết kế với quy mô 500 giường bệnh nội trú với 13 chuyên  khoa cấp 1. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2012.

Bệnh viện có chức năng tiếp nhận khám, chẩn đoán, điều trị có hiệu quả mọi bệnh lý ung thư, làm công tác dự phòng bệnh ung thư cho nhân dân TP Đà Nẵng và khu vực Miền Trung, triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học – công nghệ và tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn chuyên ngành ung thư…

Quốc Hà

Nguồn http://nguyentandung.org


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Bài học từ thành phố Đà Nẵng


Trong những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đã trở thành một trong những trung tâm đô thị lớn của Việt Nam. Trong sự phát triển đi lên tương đối toàn diện của Đà Nẵng, điều mà tôi – một công dân lâu năm của TPHCM – ngưỡng mộ nhất là ở thành phố biển miền Trung này gần như hoàn toàn sạch bóng người ăn xin lang thang, nhờ chính quyền thành phố có biện pháp giải quyết tốt.

Đường Nguyễn Tất Thành

Cách làm của Đà Nẵng thật ra cũng đơn giản thôi, nhưng sở dĩ thành công là nhờ chính quyền các cấp ở địa phương thật sự quyết tâm làm, không “đầu voi, đuôi chuột”. Lãnh đạo TP cho thành lập một đội chuyên trách gồm lực lượng công an và cán bộ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; đồng thời lập đường dây nóng, thông báo rộng rãi số điện thoại của đội này trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc kẽ trên các tấm pano treo trên đường phố để người dân tiện báo tin. Thành phố quy định: bất kỳ ai phát hiện được một người lang thang xin ăn và báo cho lực lượng chức năng đến xử lý sẽ được thưởng “nóng” 200.000 đồng. Những người lang thang xin ăn sau đó được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố. Cơ quan chức năng lập hồ sơ từng người, phân loại rồi báo về cho địa phương, gia đình đối tượng biết. Nếu bị bắt lần đầu, gia đình bảo lãnh và đối tượng cam kết không tái phạm sẽ được cho về. Trường hợp tái phạm nếu bị phát hiện sẽ đưa đi lao động tâp trung có thời hạn v.v…

Nhờ cách làm kiên quyết nói trên, trong 10 năm qua, Đà Nẵng đã xử lý được hơn 2.500 người lang thang xin ăn (trong đó 90% là dân địa phương khác). Trong năm 2010, toàn thành phố chỉ còn 66 đối tượng bị phát hiện và từ đầu năm 2011 đến nay vỏn vẹn chỉ có 4 người (theo báo Người Lao động, 29-3-2011).

Đường phố sạch sẽ

TP Hồ Chí Minh hiện nay là nơi tập trung số người lang thang xin ăn đông nhất nước. Trong số hàng ngàn người lang thang xin ăn mỗi ngày ở TP (từ em bé cho tới người già), số “ăn xin chuyên nghiệp” (giả bộ thương tật, ốm đau, đói rách hoặc bị chăn dắt bởi các đầu nậu…) chiếm tỷ lệ không nhỏ. Những người này lợi dụng lòng tốt của người khác thậm chí còn rủ rê, lôi kéo, ép buộc người khác tham gia với mình để tha hồ bóc lột, ăn chặn một cách hết sức tàn nhẫn. Việc làm trên vừa vô nhân đạo, bất công, đồng thời làm cho bộ mặt của TP thêm phần nhếch nhác,  gây phản cảm đối với du khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu TP chúng ta.

Thành phố Đà Nẵng trong ngày lễ

Bài học từ Đà Nẵng rất hay, nên chăng chính quyền TP cần tham khảo, vận dụng để sớm giải quyết vấn nạn xin ăn lang thang, góp phần làm cho TP Hồ Chí Minh thêm xanh – sạch – đẹp.

Theo Biên Hà


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng xây dựng Trung tâm y tế kỹ thuật cao


Chiều ngày 6-4, đồng chí Trần Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành có buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu về hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Chiều ngày 6-4, đồng chí Trần Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành có buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu về hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao kết quả đạt được của ngành Y tế thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là triển khai hiệu quả việc khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT cho hơn 70% người dân thành phố; công tác xã hội hóa thu hút đầu tư trang thiết bị và xây dựng kế hoạch thực hiện giảm quá tải ở tuyến y tế thành phố khi đưa vào hoạt động Trung tâm Phụ sản – nhi vào ngày 20-4 tới. Đồng chí đề xuất lãnh đạo UBND thành phố tập trung thu hút đội ngũ cán bộ y tế chuyên sâu, sớm xây dựng Trung tâm y tế kỹ thuật cao phục vụ khách nước ngoài đến du lịch và làm ăn tại thành phố. Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, mặc dù số bác sĩ trên số dân của Đà Nẵng cao, nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu hụt trên 200 bác sĩ, do vậy ngành y tế thành phố cần sớm xây dựng chính sách đào tạo và thu hút cán bộ, nhất là những chuyên gia đầu ngành về làm việc.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh cho biết thành phố đã và đang có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài có chất lượng chuyên môm giỏi về y tế về làm việc, đồng thời thống nhất quan điểm sẽ nghiên cứu, đầu tư để sớm xây dựng Trung tâm y tế kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm khu vực và đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ về mặt cơ chế để thành phố sớm triển khai.
* Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng Đoàn công tác của Vụ BHYT, Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám chữa bệnh…đã đến thăm Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, Trung tâm Phụ sản – nhi, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu và Trạm Y tế xã Hòa Sơn.
Tìm hiểu về hoạt động khám chữa bệnh, công tác xã hội hóa, tự chủ và nhân lực, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong công tác thu dung khám chữa bệnh, nhất là triển khai có kết quả Luật BHYT. Thứ trưởng đánh giá hạ tầng y tế tại thành phố Đà Nẵng phát triển nhanh và bước đầu bảo đảm tốt công tác thu dung, điều trị, chăm sóc, dự phòng dịch bệnh cho người dân. Những đề xuất, kiến nghị để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động được đoàn cán bộ Bộ Y tế ghi nhận và sẽ có hướng giải quyết trong thời gian đến.
Tin và ảnh: Việt Dũng

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh gặp TGĐ Tập đoàn WL Ross, Mỹ


Ngày 6-4, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã có buổi tiếp và làm việc với Ngài David Was, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn đầu tư WL Ross (Mỹ).

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tiếp đại diện Tập đoàn WL Ross. Ảnh: Mỹ Hạnh

Trao đổi tại buổi tiếp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đánh giá cao đầu tư của Tập đoàn tại Đà Nẵng thông qua liên doanh giữa Tập đoàn ITG (đơn vị thành viên của tập đoàn) với Tổng Công ty Phong Phú (Tập đoàn Dệt-may Việt Nam – Vinatex) để thực hiện dự án xây dựng cụm công nghiệp dệt-may tại Khu công nghiệp Hòa Khánh trị giá 80 triệu USD. Về những vướng mắc trong quá trình hợp tác giữa Tổng Công ty Phong Phú và ITG, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cho rằng, đại diện hai công ty cần ngồi lại bàn bạc, trao đổi để đi đến thỏa thuận sao cho có lợi cả đôi bên. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu, cũng cần chuẩn bị phương án viện đến sự phân xử của trọng tài kinh tế hoặc tòa án. Đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh khẳng định, chính quyền thành phố Đà Nẵng sẵn sàng đứng ra dàn xếp mâu thuẫn giữa hai công ty và tạo mọi điều kiện thuận lợi để liên doanh phát triển sản xuất kinh doanh, xúc tiến đầu tư một cách hiệu quả tại Đà Nẵng.

Ông David Was đã bày tỏ lòng cảm kích trước sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố đối với sự phát triển của liên doanh ITG và Tổng Công ty Phong Phú. Ông cho biết, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hoạt động của liên doanh gặp nhiều khó khăn trong năm 2008, 2009. Tuy nhiên, từ năm 2010, dự án cụm công nghiệp dệt may này đã đi vào hoạt động hiệu quả, sử dụng công nghệ dệt may tiên tiến nhất trên thế giới và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.

Được biết, để điều hành cụm công nghiệp này, hai công ty đã thành lập Công ty TNHH ITG-Phong Phú tại Đà Nẵng, trong đó ITG góp 60% và Tổng Công ty Phong Phú góp 40% vốn. Liên doanh này cung cấp cho các khách hàng trong và ngoài nước các giải pháp sản phẩm trọn gói, theo chuỗi sản xuất, từ khâu ban đầu là dệt, nhuộm, thiết kế sản phẩm đến khâu cuối cùng là hoàn tất, may và giặt mài thành phẩm. Ông David Was khẳng định, Tập đoàn WL Ross sẽ tập trung giải quyết mâu thuẫn giữa Tập đoàn ITG và Tổng Công ty Phong Phú trong năm 2011. Và sau đó, tiếp tục đầu tư công nghệ cao cũng như nguyên liệu tốt nhất cho các dây chuyền sản xuất, bảo đảm an toàn và phúc lợi xã hội tốt cho công nhân, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân thành phố, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Đà Nẵng những năm đến.

M.H


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Vì sao lao động Việt Nam ở Malaysia khó được nhận bảo hiểm?


Malaysia đang được đánh giá là thị trường xuất khẩu lao động triển vọng của năm 2011 khi nhu cầu tiếp nhận lao động nhập cư năm nay lên đến 90.000 người.

Tuy nhiên, đang có một thực tế ở thị trường “vàng” của xuất khẩu lao động Việt Nam một thời là lao động không may bị tai nạn rất khó được nhận bảo hiểm. Tỷ lệ lao động tử vong tại Malaysia nhận được bảo hiểm chỉ chiếm khoảng 25-30%.

Theo Luật bảo hiểm của Malaysia, quy định  về mức được hưởng dành cho lao động không may bị tai nạn lao động dẫn đến tử vong là 23.000RM đến 25.000 RM (khoảng 8.000 USD)/người, mức thương tật tùy vào từng trường hợp cụ thể căn cứ theo tỷ lệ mất khả năng lao động.

Cụ thể, lao động tử vong do tai nạn lao động trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm xảy ra tai nạn: mức bảo hiểm chi trả/lao động không vượt quá mức thấp hơn hoặc 18.000 RM hoặc 60 tháng lương cơ bản, ngoài ra bảo hiểm chi trả thêm 7.000 RM/lao động theo hệ thống chi trả bảo hiểm lao động FWCS, theo đó tổng chi trả bảo hiểm không quá 25.000 RM/lao động.

Nếu lao động bị tai nạn dẫn đến vĩnh viễn mất khả năng lao động toàn phần trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm xảy ra tai nạn thì mức bảo hiểm chi trả/lao động không vượt quá mức thấp hơn hoặc 23.000 RM hoặc 60 tháng lương cơ bản….

Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều trường hợp người lao động tử vong từ năm 2009 nhưng đến nay gia đình vẫn chưa nhận được chi trả bảo hiểm tai nạn lao động, cũng như sự hỗ trợ từ phía chủ sử dụng nước sở tại và doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam.

Đây là lý do khiến một số gia đình có người thân bị tử vong đã có đơn thư gửi cơ quan chức năng đề nghị can thiệp đòi quyền lợi bảo hiểm cho thân nhân họ.

Một doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước cho biết, trên thực tế có rất nhiều lao động Việt Nam đã gặp khó khăn trong việc thanh toán bảo hiểm khi đi làm việc ở nước ngoài không may gặp rủi ro. Đặc biệt là thị trường Malaysia.

Số liệu tổng hợp từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia cũng cho thấy, từ năm 2002 đến nay có khoảng gần 700 lao động Việt Nam chết tại Malaysia do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng phía Malaysia mới trao khoảng 200 tấm séc chi trả bảo hiểm cho người lao động Việt Nam.

Trao đổi với VnEconomy, đại diện Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia cho biết, có nhiều lý do gây ra việc chậm trễ trong việc thanh toán bảo hiểm cho lao động.

Có rất nhiều trường hợp lao động bị tai nạn tử vong nhưng không được bảo hiểm (như tử vong liên quan đến tội phạm, đánh giết nhau; do chết ngoài thời gian làm việc; chết do bệnh tật sinh ra không phải do công việc lao động …). Ngoài ra, cũng có  một số chủ sử dụng lao động thiếu trách nhiệm hoặc chậm trễ trong việc làm các thủ tục cần thiết để người lao động bị tai nạn được nhận bảo hiểm.

Tuy nhiên, nguyên nhân được cho là cốt yếu ở đây, theo một chuyên gia trong giới này nhìn nhận là do vướng mắc trong thủ tục phối hợp thông tin giữa các cơ quan đại diện Việt Nam tại Malaysia.

Thực tế, phần lớn những trường hợp chưa giải quyết được bảo hiểm vì hồ sơ chưa được hoàn tất do phía Malaysia không có đủ thông tin về gia đình hoặc người thụ hưởng liên quan. Có không ít trường hợp cơ quan lao động đã có thông báo tới Sứ quán về trường hợp thuộc diện nhận bảo hiểm nhưng chưa thể hoàn tất hồ sơ do thông tin về người thụ hưởng, địa chỉ tại Việt Nam, số điện thoại liên hệ không có hoặc thiếu chính xác.

Vấn đề khó khăn là, hồ sơ phía Malaysia chuyển cho Sứ quán lại không bao giờ đề cập đến công ty xuất khẩu lao động Việt Nam (nơi nắm giữ rõ nhất thông tin lao động), do luật pháp nước bạn không chính thức công nhận tư cách pháp nhân của các công ty môi giới cả trong và ngoài nước trong lĩnh vực tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc tại Malaysia.

Về vấn đề này, theo các chuyên gia, trách nhiệm chủ yếu vẫn là do các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam không báo cáo đầy đủ khi có lao động tử vong. Nếu thực trạng này không được cải thiện, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường Malaysia, nơi đang có gần 70.000 lao động Việt Nam sống và làm việc.

VŨ QUỲNH


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng: Cấp thêm giấy chứng nhận hai dự án đầu tư FDI


FDI

Theo thông tin từ Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, UBND thành phố vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho hai dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 560.000 USD.

Đó là dự án may mặc Gsafe (Việt Nam) của Công ty G Hardware (Singapore) chuyên sản xuất quần áo bảo hộ lao động và găng tay bảo hộ lao động công nghiệp để xuất khẩu và dự án thiết kế bảng mạch in UNITEC của Công ty cổ phần Điện tử UNITEC (Nhật Bản) cung cấp dịch vụ thiết kế bảng mạch in.

Được biết, trong ba tháng đầu năm 2011, có 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký gần 237 triệu USD; 7 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 185,6 triệu USD; nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn Đà Nẵng đến nay lên 196 dự án với tổng vốn đầu tư đạt trên 3,2 tỷ USD.

ĐNĐT


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Hai tàu đâm nhau trên biển Hội An, hai thuyền viên tử nạn


Sáng 6-4, trên vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) xảy ra vụ đâm nhau giữa hai tàu biển khiến 2 thuyền viên tử nạn, 3 thuyền viên mất tích.

Tàu SAR 412 đang tìm kiếm đưa thuyền viên gặp nạn vào bờ

Lúc 4 giờ 15 phút ngày 6-4, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC) nhận được tin báo: khoảng 3 giờ 10 phút sáng ngày 6-4, tàu Phúc Hải 05 trên đường từ Indonesia về Đà Nẵng thì va chạm với tàu vận tải Bình Minh 28 chở clanhke từ Thanh Hóa đi An Giang tại vị trí 15 độ 54,4 phút N, 108 độ 36,8 phút E, cách Danang MRCC khoảng 25 hải lý, khiến tàu Bình Minh 28 bị chìm, tàu Phúc Hải 05 bị thủng máy và thủng hầm hàng.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Danang MRCC lập tức điều tàu SAR 412 ra ngay hiện trường tiến hành cứu hộ cứu nạn.

Tại hiện trường lúc này có tàu Minh Hải 136 và tàu Phúc Hải 05 đang tìm kiếm. Sau đó, tàu Minh Hải 136 phát hiện có hai phao bè kết đôi đang trôi dạt. Lúc 6 giờ thì tàu này tiếp cận và đưa 6 thuyền viên của tàu Bình Minh đang kết trên hai phao bè đưa lên tàu.

Tàu SAR 412 đưa thuyền viên gặp nạn vào bờ

Lúc 7 giờ, tàu SAR 412 tiếp cận hiện trường và vớt được hai thuyền viên đang bị trôi dạt bên mạn trái của tàu Phúc Hải 05. Thuyền trưởng tàu SAR 412 (Danang MRCC) Phan Xuân Sơn cho biết, hai nạn nhân được vớt lên lúc này đã ngưng thở. Các thuyền viên đã khẩn trương tiến hành sơ cứu, thổi ngạt ban đầu và đưa vào bờ để điều trị.

Tuy nhiên, do bị thương nặng nên hai thuyền viên trên tàu Bình Minh 28 là Lê Ngọc Kiên (thợ máy, quê Thái Thụy, Thái Bình) và Nguyễn Thế Tuyển (sĩ quan Boong, quê Hưng Yên) đã tử nạn; 6 thuyền viên còn lại sức khỏe ổn định.
Theo thuyền trưởng tàu Bình Minh 28 Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1952, quê Diễn Châu, Nghệ An), tổng số thuyền viên trên tàu là 11 người.

Thợ máy Nguyễn Văn Điển kể lại sự việc lúc tàu bị đâm

Theo lời kể của thợ máy Nguyễn Văn Điển, thời tiết lúc tàu bị đâm có nhiều sương mù, tầm nhìn xa khoảng chưa đến 1km. Sau khi tàu Bình Minh 28 bị đâm chìm, các thuyền viên đã cố gắng nhảy ra khỏi tàu. Có một vài người bám được phao cứu sinh của tàu rồi kết bè lại, còn vài người trôi dạt mỗi người một nơi.
Hiện còn 3 thuyền viên của tàu Bình Minh 28 bị mất tích vẫn đang được tàu SAR 27-01 của Danang MRCC tiếp tục tích cực tìm kiếm.

Danh sách các thuyền viên trên tàu Bình Minh 28:

6 người được đưa vào bờ:

1. Nguyễn Văn Thắng, thuyền trưởng (quê Diễn Châu, Nghệ An)

2. Nguyễn Văn Điển, thợ máy (Thái Thụy, Thái Bình)

3. Nguyễn Văn Duy, thợ máy (Thái Thụy, Thái Bình)

4. Nguyễn Văn Hải, phục vụ (Quỳnh Lưu, Nghệ An)

5. Phạm Thế Dưỡng, thợ máy (Thái Thụy, Thái Bình)

6. Nguyễn Văn Bằng, thủy thủ (Thái Thụy, Thái Bình)

2 người tử nạn:

1. Lê Ngọc Kiên, thợ máy (Thái Thụy, Thái Bình)

2. Nguyễn Thế Tuyển, sĩ quan Boong (Hưng Yên).

3 người chưa tìm được:

1. Nguyễn Văn Giới, thủy thủ (Thái Thụy, Thái Bình)

2. Hà Văn Đồng, thợ máy

3. Hà Văn Nghĩa, thủy thủ
Đắc Mạnh

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)