Vietnam Airlines mở lại đường bay Hải Phòng- Đà Nẵng


Lễ khai trương diễn ra vào ngày 28-4, đúng dịp hai thành phố kết nghĩa tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế, kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4 và ngày Quốc tế Lao động 1-5. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines dự kiến sẽ mở lại đường bay Hải Phòng – Đà Nẵng sau 8 năm ngừng khai thác.

Vietnam Airlines sử dụng máy bay ATR-72 để khai thác đường bay Hải Phòng- Đà Nẵng

Vietnam Airlines sử dụng máy bay ATR 72 bay thẳng từ Hải Phòng đi Đà Nẵng và ngược lại với tần suất 5 chuyến/ tuần (vào các ngày thứ Hai, Tư, Năm, Sáu và Chủ nhật) với giá vé dự kiến từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượt.

Cũng trong dịp này, Vietnam Airlines sẽ khai trương đường bay Đà Nẵng – Macao kể từ ngày 4-5-2011.

VOVNews


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng tổ chức các hoạt động Kỷ niệm Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương


Nhân dịp kỷ niệm Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch) và chào mừng kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2011), trong những ngày qua, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã diễn ra sôi nổi nhiều sự kiện văn hóa – thể thao, thu hút đông đảo nhiều người dân tham gia.

Các đại biểu tham dự lễ hội và khánh thành trùng tu đình làng Hòa An. Ảnh: V. Nở

* Sáng 12-4, UBND phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) đã tổ chức lễ hội và khánh thành trùng tu đình làng Hòa An. Các đồng chí: Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng đã đến dự.

Công trình trùng tu đình làng Hòa An có tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, với tổng diện tích gần 5.000m2 do UBND thành phố Đà Nẵng đầu tư. Đây là nơi thờ cúng các bậc tiền hiền đã có công khai hoang, lập ấp vào thế kỷ 16, từ buổi đầu chỉ có 2 tộc họ, đến nay đã có 47 tộc họ sinh sống. Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống của làng, bày tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân đã có công khai hoang, lập ấp; cùng khẳng định lòng quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tại buổi lễ, ban tổ chức đã trao nhiều phần quà cho các em học sinh trong làng có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Sau lễ khai mạc, nhân dân trong làng đã tham gia các trò chơi dân gian truyền thống và xem hát tuồng do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn.NGỌC HÂN

* Trong 2 ngày 11 và 12-4 (tức mồng 9 và mồng 10-3), UBND quận Hải Châu đã tổ chức lễ hội đình làng Hải Châu lần thứ 3, năm 2011. Lễ hội đình làng Hải Châu là một sự kiện văn hóa đặc sắc của du lịch thành phố Đà Nẵng, với phần lễ bao gồm: Lễ vọng, chánh tế, lễ rước Bằng di tích lịch sử – văn hóa. Phần hội với các cuộc thi hát múa dân ca, trang phục các dân tộc Việt Nam, đấu cờ tướng, biểu diễn cờ người, gói bánh chưng, chưng hoa quả dâng cúng tổ tiên, biểu diễn nghệ thuật Tuồng cổ, vui chơi bài chòi, trưng bày hình ảnh Hải Châu xưa và triển lãm thư pháp…

VĂN NỞ

* Trước đó, ngày 8-4, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòa Vang phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện tổ chức Ngày hội Văn hóa-Thể thao với chủ đề “Chung một cội nguồn” lần thứ 2. Ngày hội đã thu hút đông đảo cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân tham gia thi đấu các môn: Cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, kéo co, nhảy bao bố, chạy tiếp sức… và hội thi văn nghệ.

VĨNH KHANG

* Sáng 12-4 (10-3 ÂL), nhân Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, tại đình làng Trung Nghĩa, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu đã diễn ra lễ khai mạc lễ hội đình làng năm 2011. Ngoài phần nghi lễ truyền thống, xen trước và sau lễ khai mạc là các hoạt động văn hóa thể thao sôi nổi của người dân nơi đây như hội bài chòi, thi cắm hoa chưng quả, cờ tướng, kéo co, đẩy gậy, chạy việt dã, đi xe đạp chậm, cầu lông…Được biết, từ năm 2000, lễ hội đình làng Trung Nghĩa được tổ chức hằng năm, đúng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Thanh Tân


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

LĐLĐ Đà Nẵng tiếp Đoàn Công đoàn thành phố Daegu, Hàn Quốc


Sáng ngày 13-4, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng đã có buổi tiếp Đoàn đại biểu Công đoàn thành phố Daegu, Hàn Quốc.Tại buổi tiếp, đại diện Công đoàn thành phố Daegu đã đánh giá cao mối quan hệ kết nghĩa tốt đẹp của hai tổ chức Công đoàn Daegu – Đà Nẵng, vai trò của tổ chức Công đoàn Đà Nẵng đối với đời sống, việc làm, tiền lương của công nhân, viên chức, lao động. Đồng thời đoàn rất quan tâm đến những kinh nghiệm của LĐLĐ thành phố Đà Nẵng trong việc chăm lo, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động phát triển doanh nghiệp bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đình công.

Daegu, thành phố lớn thứ 3 của Hàn Quốc và vùng lân cận ở phía Bắc tỉnh Gyeongsang đang gấp rút chuẩn bị để trở thành một trung tâm năng lượng xanh.

Trao đổi với đoàn, bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố đã giới thiệu khái quát những hoạt động các cấp Công đoàn thành phố trong thời gian qua, việc thực hiện các chế độ, chính sách, phúc lợi xã hội cho người lao động Việt Nam theo pháp luật như Luật Lao động, Luật BHXH… và các thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động được thể hiện ở Thỏa ước lao động tập thể. Ngoài ra, Công đoàn các cấp cũng có những hoạt động chăm lo cho người lao động từ ngân sách của tổ chức mình thông qua các hoạt động thăm hỏi, hiếu hỉ, trợ cấp khó khăn, chương trình xây dựng nhà Mái ấm Công đoàn…

Ngọc Yến

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đồng chí Trương Tấn Sang dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng


Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang dâng hương, tri ân công đức Tổ tiên tại Đền Hùng (Ảnh: Trương Văn Quân)

Ngày 10/4 (tức 8/3 âm lịch), các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ).

Với tấm lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đã  dâng hương, hoa, lễ vật bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, để con cháu nối tiếp truyền thống Lạc Hồng xây dựng nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh như ngày nay.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Thọ đã báo cáo với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị về công tác chuẩn bị tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2011 của tỉnh Phú Thọ; công tác xây dựng hồ sơ hát Xoan, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể.

Các đồng chí  Ủy viên Bộ Chính trị đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của tỉnh Phú Thọ trong công tác chuẩn bị cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc dân tộc trong những ngày vừa qua.

Các đồng chí mong muốn tỉnh Phú Thọ tiếp tục làm tốt công tác tổ chức các hoạt động trong dịp Giổ Tổ, nhất là việc chuẩn bị cho lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng vào sáng ngày 10/3 âm lịch.

Nhân dịp này, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đã dự Lễ khai mạc Lễ hội chè đất Tổ năm 2011, thăm Trung tâm Chỉ huy bảo vệ Lễ hội Đền Hùng (trực thuộc Công an tỉnh Phú Thọ)./.

Nguồn: http://truongtansang.com


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đồng chí Trương Tấn Sang: Thái Bình bộ máy cần chuyển đổi mạnh mẽ


Ngày 9/4, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã về làm việc, khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội” tại tỉnh Thái Bình.

Ảnh: Báo Thái Bình

Làm việc với tỉnh Thái Bình, đồng chí Trương Tấn Sang lưu ý, tổ chức bộ máy đầu mối của tỉnh tuy đã giảm nhưng biên chế chưa giảm. Vấn đề đào tạo chức danh lãnh đạo, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức… còn bất cập.

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X), tổ chức bộ máy các ban đảng của Tỉnh ủy Thái Bình đã được sắp xếp lại, phân định rõ chức năng nhiệm vụ cụ thể chi tiết đến từng phòng ban chuyên môn, từng chức danh cán bộ, công chức trong hệ thống bộ máy.

UBND tỉnh cũng ban hành các Quyết định thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể một số cơ quan chuyên môn, giảm số đơn vị cấp sở xuống còn 17 và 3 cơ quan ngang sở (Ban quản lý các Khu công nghiệp, Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND, Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng chống tham nhũng).

Sau khi sắp xếp, tổ chức bộ máy đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ, vai trò chức năng, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện) tương đối phù hợp với cơ cấu tổ chức bộ máy mới và tình hình thực tế, cơ bản khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý. Đồng thời, tỉnh từng bước thực hiện việc phân cấp cho cấp huyện về quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư, xây dựng, đất đai, giáo dục, tổ chức, cán bộ và quản lý viên chức sự nghiệp…

Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình, đồng chí Trương Tấn Sang ghi nhận những kết quả mà Thái Bình đã triển khai thực hiện, đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội.

Tuy nhiên, đồng chí Trương Tấn Sang cũng lưu ý, tổ chức bộ máy đầu mối của tỉnh tuy đã giảm nhưng biên chế chưa giảm. Vấn đề đào tạo chức danh lãnh đạo, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức… còn bất cập.

Đồng chí Trương Tấn Sang yêu cầu tỉnh cần đánh giá rõ hơn tác dụng, hiệu quả thực hiện của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) sau 4 năm, từ đó, khẳng định những mặt làm tốt và chỉ rõ những tồn tại, bất cập, chưa hợp lý để đề xuất, kiến nghị chỉnh sửa.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; tinh giảm biên chế, thực hiện chính sách cán bộ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả bộ máy.

Đồng chí Trương Tấn Sang cũng đề nghị Ban Chấp hành Tỉnh ủy Thái Bình nghiên cứu, rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) trong thời gian tới.

Trước đó, đồng chí Trương Tấn Sang đã đi khảo sát thực tế tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) tại huyện Kiến Xương./.

Thanh Phú

Nguồn: http://truongtansang.com


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Khởi công dự án khu đô thị sinh thái Golden Hills Đà Nẵng


Tối ngày 9/4, tại Đà Nẵng đã diễn ra lễ khởi công dự án khu đô thị sinh thái Golden Hills và đường Nguyễn Tất Thành nối dài. Dự án Golden Hills có qui mô 400 ha được xây dựng tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu với tổng vốn đầu tư 1,67 tỷ USD.

Mô hình dự án khu đô thị sinh thái Golden Hills.

Khi hoàn thành, nơi đây sẽ tạo ra một trung tâm đô thị sinh thái mới, hiện đại tại cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố Đà Nẵng với 5 phân khu gồm nhiều hạng mục công cộng như trường học quốc tế, bệnh viện, trung tâm vui chơi giải trí, khu thương mại dịch vụ, bến du thuyền, …

Cùng với khu đô thị sinh thái này, dự án đường Nguyễn Tất Thành nối dài vốn đầu tư 300 tỷ đồng (rộng 33 m, dài 2,7 km) cũng được khởi công xây dựng.

Đây là tuyến đường nối cửa ngõ Tây Bắc của thành phố với đường giao thông phía Nam hầm Hải Vân – Túy Loan, kết nối các trung tâm du lịch của thành phố với khu đô thị sinh thái Golden Hills, thông với đường cao tốc Bắc – Nam.

Hai dự án trên dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014, góp phần quan trọng trong phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội phía Tây Bắc thành phố cùng với Khu công nghệ cao, khu Công nghệ thông tin.

Dự án còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực dọc sông Cu Đê và quốc lộ 1A từ thuần nông sang phát triển dịch vụ và du lịch.

Cũng trong buổi lễ, Công ty cổ phần Trung Nam, nhà đầu tư dự án đã trao tặng 150 triệu đồng cho Quỹ hỗ trợ người nghèo xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang và 160 triệu đồng cho 2 phường Hoà Hiệp Nam và Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.

Hồng Hạnh

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Phiên tòa nghiêm minh, đúng Pháp luật, làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”


Ngày 4-4-2011, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xử sơ thẩm vụ án “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đối với bị cáo Cù Huy Hà Vũ, sinh năm 1957, trú tại 24 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình. Ngay sau đó, một số trang mạng, đài, báo và một số tổ chức ở nước ngoài đã bình luận rằng, đó là “phiên tòa vi phạm pháp luật”; “thiếu dân chủ”… Họ đòi “thả ngay Cù Huy Hà Vũ và các “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam (!)

Cần khẳng định, đây là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Việt Nam là một Nhà nước pháp quyền. Cù Huy Hà Vũ có những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, phải đưa ra xét xử theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Các quy định đó hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị. Tại Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”. Các quyền tự do, dân chủ của công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, được quy định rõ trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác, được tôn trọng bảo vệ và thực thi trên thực tế.

Đối với Cù Huy Hà Vũ, kết quả quá trình điều tra cơ quan pháp luật Việt Nam đã xác định rõ những hành vi phạm tội của ông ta. Ngày 21-10-2010, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội có báo cáo và đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ việc phát hiện trên trang mạng internet có một số bài trả lời phỏng vấn của người tự xưng danh là Cù Huy Hà Vũ với nhiều nội dung chống phá Nhà nước và nhân dân Việt Nam… Qua điều tra, các lực lượng chức năng phát hiện 40 đầu tài liệu, trong đó có một số bài báo do Vũ viết, trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; đòi đa nguyên, đa đảng; xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam…  Ngày 5-11-2010, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tổ chức khám xét chỗ ở của Cù Huy Hà Vũ tại 24 đường Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, tiếp tục thu giữ nhiều tài liệu mang nội dung chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Do đó, ngày 5-11-2010 cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra lệnh tạm giữ Cù Huy Hà Vũ và ngày 9-11-2010 đã ra quyết định khởi tố vụ án. Ngày 11-11-2010, Viện KSND tối cao ra quyết định chuyển vụ án đến Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội để ra quyết định khởi tố bị can đối với Cù Huy Hà Vũ về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam để điều tra làm rõ.

Bị cáo Cù Huy Hà Vũ tại phiên tòa

Quá trình làm việc tại cơ quan điều tra, Cù Huy Hà Vũ đã khai nhận: Các tài liệu bị thu giữ cùng một số bài viết, bài trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài châu Á tự do (RFA) với nội dung kêu gọi đa nguyên, đa đảng, đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp… là của Vũ.

Các bài Vũ viết được lưu giữ ở nhà và đưa lên mạng internet, trang bauxitvietnam cụ thể như sau: “Phải đa đảng mới chống được lạm quyền” (Vũ trả lời phỏng vấn đài châu Á tự do (RFA) ngày 1-2-2010);  “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30-4 dưới mắt Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ” (Vũ trả lời phỏng vấn đài VOA ngày 29-4-2010); “TS Cù Huy Hà Vũ từ khởi kiện Thủ tướng đến yêu cầu xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp” (Vũ trả lời phỏng vấn đài VOA tháng 6-2010); “Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam cộng hòa, lấy “Việt Nam” làm quốc hiệu để hòa giải dân tộc”, (Vũ trả lời phỏng vấn Đài RFA ngày 31-8-2010 và đăng trên trang mạng bauxitvietnam); “Phóng viên Trâm Oanh phỏng vấn Cù Huy Hà Vũ tháng 10-2010 có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê-nin, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; “Tam quyền nhất lập đồng lòng hại dân”, (Vũ viết và gửi đăng trên trang mạng bauxitvietnam); “Bà Trần Khải Thanh Thủy cố ý gây thương tích và dấu hiệu bẫy người khác phạm tội”; “Đường sắt cao tốc Bắc-Nam – dự án tham nhũng”, (Vũ trả lời đài VOA năm 2010); “Bàn về Đảng cầm quyền” (Vũ đang viết dở, nội dung phỉ báng xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam); “Bom áp nhiệt nổ giữa Ba Đình”, (bài viết có nội dung xuyên tạc Đảng Cộng sản Việt Nam, phỉ báng chính quyền nhân dân)… Cơ quan An ninh điều tra đã trưng cầu giám định âm thanh giọng nói trong đĩa CD của phóng viên Trâm Oanh, đài truyền thanh ở Đức. Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an kết luận: Đó là giọng nói của Cù Huy Hà Vũ…

Tội phạm đã rõ như vậy nhưng trước tòa Vũ lại không thừa nhận sai phạm của mình. Tuy nhiên, sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ, lời khai… thu thập được trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã xác định có đủ cơ sở kết luận hành vi của bị cáo Cù Huy Hà Vũ cấu thành tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo quy định tại Điều 88, Khoản 1, điểm C – Bộ luật Hình sự.

Việc các thế lực thù địch cho rằng “phiên tòa vi phạm pháp luật” “thiếu dân chủ” vì bị cáo không có sự bảo vệ của các luật sư, một số tài liệu của vụ án không được công bố tại tòa…, thì các chứng cớ lưu lại đều cho thấy đây là sự cáo buộc vô căn cứ, xuyên tạc sự thật. Các luật sư được Vũ mời tham gia bào chữa gồm: Trần Đình Triển, Vương Thị Thanh, Hà Huy Sơn, Trần Vũ Hải, đã đọc và nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án nhưng khi ra tòa lại yêu cầu hội đồng xét xử công bố các “tài liệu của vụ án và nhận xét báo cáo của cơ quan tổ chức”… Cần nói ngay rằng, theo Điều 214 Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS), việc làm trên của các luật sư là không tuân thủ pháp luật vì những tài liệu chứng cứ của vụ án này đã được Viện KSND Hà Nội công bố trước tòa.

Sau đó, Cù Huy Hà Vũ tiếp tục đưa ra các yêu cầu hết sức vô lý như: Đòi hủy phiên tòa vì Vũ chưa nhận cáo trạng; phiên tòa không có mặt “người bị hại”, chưa trả lời đơn đề nghị trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ; Tòa không để chú ruột Vũ là ông Cù Huy Chử làm người đại diện pháp luật cho bị cáo… Thậm chí, Vũ còn đòi thay toàn bộ Hội đồng xét xử vì đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; thay kiểm sát viên… Những lời đề nghị không có căn cứ pháp luật nêu trên đều bị HĐXX phiên tòa bác bỏ.

Không đạt được ý định hoãn phiên tòa, Vũ và các luật sư quay sang đòi Hội đồng xét xử công bố toàn văn 10 bài viết đăng tải trên VOA, RFA được cho là tuyên truyền chống đối Nhà nước… Chủ tọa phiên tòa đã bác bỏ đòi hỏi này vì các bằng chứng ấy đều đã được Kiểm sát viên công bố rõ trong cáo trạng, bản thân Vũ đã thừa nhận 10 tài liệu đó là của mình và các tài liệu trên đều có chữ ký xác nhận của Vũ. Trong những lần hỏi cung, Vũ thừa nhận và ký vào biên bản hỏi cung với cơ quan điều tra. Theo quy định của pháp luật, HĐXX chỉ công bố những tài liệu mới phát sinh (nếu có) trong vụ án để những người tiến hành tố tụng, luật sư, bị cáo và những người liên quan phân tích đánh giá. Ở vụ án này điều đó đã không xảy ra.

Không được tòa chấp nhận, nhiều lần các luật sư dọa bỏ về. Luật sư Trần Vũ Hải không chấp hành nội quy phiên tòa và đã bị chủ tọa phiên tòa nhắc nhở nhiều lần. Trước thực tế trên, căn cứ theo các Điều 197 và 198 Bộ luật TTHS, chủ tọa phiên tòa đã buộc vị luật sư này rời khỏi phòng xử án. Sau đó, các luật sư còn lại đã tự ý rời bỏ phiên tòa khi mới kết thúc phần xét hỏi. Với việc làm trên, các luật sư đã tự mình tước quyền bào chữa cho bị cáo được pháp luật quy định tại Điều 217 và 218 Bộ luật TTHS về tranh luận tại phiên tòa; vi phạm Điều 58 của Bộ luật TTHS về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa…

Tại phiên tòa cũng như sau phiên tòa, Vũ đã đưa ra nhiều lập luận, tự cho rằng: “Việc làm trên chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng”… Bản cáo trạng cũng như bản án kết tội của HĐXX đã khẳng định rõ, các bài viết và trả lời phỏng vấn của Cù Huy Hà Vũ là xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền và thể chế Nhà nước, bôi nhọ cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam… Dư luận quần chúng nhân dân đều cho rằng, mức án 7 năm tù, 3 năm quản chế sau mãn hạn tù đối với Cù Huy Hà Vũ là thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật./.

Tiến sĩ, Luật sư  Nguyễn Minh Tuấn

Nguồn: http://lehonganh.net/2011/04/phien-toa-nghiem-minh-dung-phap-luat-lam-that-bai-chien-luoc-dien-bien-hoa-binh.html


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)