Hiển thị các bài đăng có nhãn Hàn Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hàn Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng

CHDCND Triều Tiên khẳng định mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ


Vẫn chưa có dấu hiệu thật sự cho thấy đàm phán 6 bên sẽ được nối lại sau 2 năm đình trệ. Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cùng 3 cựu lãnh đạo châu Âu ngày 28-4 đã rời CHDCND Triều Tiên để đến Hàn Quốc với thông điệp: Bình Nhưỡng yêu cầu sự bảo đảm của Washington trong việc ngừng chương trình vũ khí hạt nhân gây tranh cãi. Không có thông tin chính thức về cuộc gặp gỡ của ông Carter với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il và Đại tướng Kim Jong-un. Song, hãng Yonhap dẫn lời một quan chức Hàn Quốc cho hay, nhóm “bô lão” đã không gặp được ông Kim Jong-il.

Cựu Tổng thống Jimmy Carter (trái) gặp gỡ Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao CHDCND Triều Tiên Kim Young Nam. Ảnh: THX
Trong chuyến thăm Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc lần này, đồng hành với ông Carter là cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari, cựu Thủ tướng Na Uy Gro Harlem Brundtland và cựu Tổng thống Ireland Mary Robinson. Theo hãng tin AP, trên một blog, ông Carter cho biết, CHDCND Triều Tiên khẳng định mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ, đồng thời sẵn sàng đàm phán không điều kiện cùng Washington và Seoul. Ông Carter cho biết, điều quan trọng là Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân nếu không có sự bảo đảm an ninh từ Mỹ. Phát biểu tại cuộc họp báo khi đến Seoul, ông Carter cũng nhấn mạnh: Nhà lãnh đạo Kim Jong-il sẵn sàng đàm phán không điều kiện với Hàn Quốc, hoặc với Mỹ, hoặc với 6 cường quốc vào bất kỳ lúc nào.
Cựu Tổng thống Carter vốn được CHDCND Triều Tiên tôn trọng vì vai trò của ông trong thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Bình Nhưỡng vào năm 1994, giúp ngăn chặn được một cuộc chiến tranh. Vào thời điểm đó, CHDCND Triều Tiên đã trục xuất các thanh sát viên quốc tế, đe dọa phá hủy Seoul và nguy cơ chiến tranh bùng nổ. Ông Carter cùng đi với Tổng thống Mỹ đương nhiệm lúc đó là Bill Clinton đến Bình Nhưỡng và gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, tức cha của ông Kim Jong-il. Tuy nhiên, các quan chức ở Washington và Seoul lần này dường như không đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng của nhà ngoại giao Carter trong việc tháo gỡ bế tắc đối với đàm phán 6 bên. Hàn Quốc còn cho rằng, chuyến công cán của ông Carter sẽ khó thay đổi được thái độ của Bình Nhưỡng.
Mang sứ mệnh hòa bình đến CHDCND Triều Tiên, nhóm “bô lão” bị đẩy vào tình huống khó khăn khi đàm phán đình trệ đã hơn 2 năm. Trong giai đoạn đó, CHDCND Triều Tiên thực hiện các vụ thử hạt nhân và tên lửa, đồng thời tiết lộ về một cơ sở hạt nhân mới được cho là một cách khác để chế tạo bom nguyên tử, gây quan ngại cho khu vực Đông Bắc Á. Cuối năm ngoái, quân đội Triều Tiên đã nã đạn pháo lên đảo thuộc Hàn Quốc. Seoul còn cáo buộc Bình Nhưỡng là thủ phạm làm đắm tàu chiến Cheonan vào tháng 3-2010 làm 46 thủy thủ thiệt mạng.
Hãng AP cho biết, CHDCND Triều Tiên cũng đang thúc đẩy tiến trình xây dựng lò phản ứng năng lượng hạt nhân nước nhẹ. Thông tin này dựa theo hình ảnh vệ tinh thương mại vào đầu tháng 3 vừa qua nhưng được Viện Khoa học và An ninh quốc tế ở Washington công bố vào ngày 28-4. Trong khi Bình Nhưỡng cam kết về các mục đích năng lượng dân sự, một lò phản ứng như thế cho thấy rằng, đất nước này làm giàu uranium để có thể sử dụng trong vũ khí nguyên tử.
Mỹ khẳng định sẽ không xúc tiến đàm phán hạt nhân nếu Hàn Quốc không hài lòng về trách nhiệm của người láng giềng miền Bắc trong 2 vụ việc gây chết người vào năm ngoái. Song, đến nay Bình Nhưỡng vẫn từ chối xin lỗi và bác bỏ việc liên quan đến vụ đắm tàu Cheonan.
PHÚC NGUYÊN

(Theo www.nguyenbathanh.com)

LĐLĐ Đà Nẵng tiếp Đoàn Công đoàn thành phố Daegu, Hàn Quốc


Sáng ngày 13-4, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng đã có buổi tiếp Đoàn đại biểu Công đoàn thành phố Daegu, Hàn Quốc.Tại buổi tiếp, đại diện Công đoàn thành phố Daegu đã đánh giá cao mối quan hệ kết nghĩa tốt đẹp của hai tổ chức Công đoàn Daegu – Đà Nẵng, vai trò của tổ chức Công đoàn Đà Nẵng đối với đời sống, việc làm, tiền lương của công nhân, viên chức, lao động. Đồng thời đoàn rất quan tâm đến những kinh nghiệm của LĐLĐ thành phố Đà Nẵng trong việc chăm lo, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động phát triển doanh nghiệp bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đình công.

Daegu, thành phố lớn thứ 3 của Hàn Quốc và vùng lân cận ở phía Bắc tỉnh Gyeongsang đang gấp rút chuẩn bị để trở thành một trung tâm năng lượng xanh.

Trao đổi với đoàn, bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố đã giới thiệu khái quát những hoạt động các cấp Công đoàn thành phố trong thời gian qua, việc thực hiện các chế độ, chính sách, phúc lợi xã hội cho người lao động Việt Nam theo pháp luật như Luật Lao động, Luật BHXH… và các thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động được thể hiện ở Thỏa ước lao động tập thể. Ngoài ra, Công đoàn các cấp cũng có những hoạt động chăm lo cho người lao động từ ngân sách của tổ chức mình thông qua các hoạt động thăm hỏi, hiếu hỉ, trợ cấp khó khăn, chương trình xây dựng nhà Mái ấm Công đoàn…

Ngọc Yến

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Vì sao đụng độ liên Triều thường xảy ra trên biển


Đường phân định trên biển giữa hai miền Triều Tiên được Seoul công nhận từ sau cuộc chiến 1950-1953, nhưng Bình Nhưỡng kiên quyết bác bỏ. Đó là nguyên nhân khiến đây thường là nơi xuất phát của các vụ căng thẳng.

Đường giới hạn phía bắc (Northern Limit Line – NLL) được sở chỉ huy quân Liên Hợp Quốc đơn phương vạch ra vào cuối cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, như là giới hạn để các tàu của Hàn Quốc không vượt qua. Ngày nay nó được Hàn Quốc và các đồng minh như Mỹ coi là ranh giới trên biển giữa hai miền. Nhưng phía Triều Tiên phản đối ranh giới này và họ vạch ra một biên giới lãnh hải riêng.

Đường NLL (màu vàng đứt đoạn) nơi thường xảy ra căng thẳng giữa hai miền, với 5 hòn đảo nhỏ của Hàn Quốc. Ảnh:Stratford

Di sản chiến tranh

Việc vạch ra đường NLL với đường cong hướng lên phía bắc bán đảo Triều Tiên so với đường biên giới trên bộ đã giúp Hàn Quốc nắm trong tay 5 đảo nhỏ ngay sát bờ biển Triều Tiên, bao gồm Baegnyeong, Daecheong, Socheong, Woo và đảo Yeonpyeong mới bị pháo kích. Trong khi đó Bình Nhưỡng đã phải chấp nhận từ bỏ quyền kiểm soát những hòn đảo ngay gần lãnh thổ này trong chiến tranh. Nguyên nhân là do quân đội Triều Tiên và đồng minh Trung Quốc khi đó rất mạnh trên bộ, nhưng lại không có lực lượng hải quân có thể so sánh được với lực lượng Liên Hợp Quốc do Mỹ đứng đầu.

Ngày nay những hòn đảo nói trên có ý nghĩa chiến lược đối với Hàn Quốc, dù rằng các tàu tiếp tế cho chúng nằm trọn trong “vùng phủ sóng” của các khẩu đội pháo bên bờ biển cùng tên lửa chống hạm và tàu tuần tra của Triều Tiên. Những hòn đảo nhỏ này rất yếu về phòng thủ nhưng lại cho phép Hàn Quốc có những “đài quan sát” không thể thuận lợi hơn để do thám vùng bờ biển của Triều Tiên. Trong chiến tranh, những hòn đảo này cũng thường là nơi xuất phát cho các chiến dịch biệt kích của quân đội miền nam.

Hiện trên các đảo nhỏ, bao gồm Yeonpyeong, có dân thường sinh sống và chủ yếu sinh nhai bằng nghề đánh bắt hải sản. Họ được bảo vệ bởi lực lượng lính thuỷ đánh bộ Hàn Quốc, lực lượng tinh nhuệ bậc nhất trong quân đội miền nam. Theo giới phân tích quân sự, với sự triển khai của đội quân này, Hàn Quốc hoàn toàn có thể biến các đảo nói trên thành nơi phát động cho những cuộc đổ bộ Triều Tiên nếu Seoul quyết định tấn công.

Tàu đánh cá của ngư dân Hàn Quốc trên đảo Baegnyeong, nơi chiến hạm Cheonan bị chìm tháng 3 vừa qua. Ảnh: Life

Mặt trận mới nhất

Trong giai đoạn từ những năm 60 đến những năm 80 của thế kỷ trước, các vụ đụng độ giữa hai miền Triều Tiên thường xảy ra dọc đường biên giới trên bộ, khu phi quân sự cùng các vụ do lực lượng biệt kích và tình báo thực hiện bên ngoài bán đảo, như vụ đánh bom nhằm vào nội các Hàn Quốc ở Rangoon (Myanmar) năm 1983 và vụ tấn công một máy bay chở khách của Hàn Quốc năm 1987.

Từ năm 1999, chiến lược của Bình Nhưỡng đã có sự thay đổi với việc tập trung vào đường ranh giới NLL tranh cãi, khi xảy ra vụ đụng độ đẫm máu giữa tàu chiến hai bên trong khu vực. Năm 2002, trong một hành động được cho là có tính toán của Triều Tiên vào đúng thời điểm diễn ra trận đấu cuối cùng của đội bóng Hàn Quốc trên sân nhà World Cup năm đó, đã xảy ra một vụ chạm trán đổ máu khác giữa hải quân hai bên dọc đường NLL. Sau đó còn xảy ra các vụ giao tranh tương tự có thương vong vào các năm 2004 và 2009.

Tuy nhiên, những vụ căng thẳng nghiêm trọng nhất trên biển mới chỉ xảy ra trong năm nay, với việc Triều Tiên hai lần triển khai hệ thống vũ khí chưa từng được sử dụng kể từ cuộc chiến tranh 1950-1953 là ngư lôi và pháo. Tháng 3 vừa qua, chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm ngoài khơi đảo Baegnyeong, một trong năm hòn đảo của nước này nằm sát Triều Tiên, khiến 46 thuỷ thủ thiệt mạng. Cuộc điều tra quốc tế do Seoul chủ trì phát hiện một ngư lôi mang dấu hiệu của Triều Tiên đã tấn công tàu chiến này, nhưng Bình Nhưỡng phủ nhận trách nhiệm.

Tới thứ ba tuần trước, căng thẳng xung quanh đường ranh giới NLL gây tranh cãi đã được đẩy lên mức độ nghiêm trọng mới, khi Triều Tiên sử dụng trận địa pháo bên bờ biển tấn công một căn cứ lính thuỷ đánh bộ của Hàn Quốc trên đảo Yeonpyeong, đồng thời phá huỷ nhiều ngôi nhà của thường dân nằm gần đó. Bình Nhưỡng giải thích rằng họ chỉ pháo kích đáp trả sau khi lính thủy đánh bộ Hàn Quốc trên đảo nổ súng trước, bất chấp việc miền bắc phản đối qua điện thoại.

Hàn Quốc thừa nhận họ đang tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật vào thời điểm trên, nhưng khẳng định họ chỉ bắn ra biển ở phía nam và phía tây hòn đảo, chứ không hướng ra phía bắc là phần đất liền của Triều Tiên. Nhưng kể cả các vùng biển mà Hàn Quốc mô tả là nơi diễn tập bắn đạn thật cũng nằm trong vùng lãnh hải mà Triều Tiên tuyên bố chủ quyền theo đường ranh giới do nước này vạch ra, khác hoàn toàn so với đường NLL do Liên Hợp Quốc thực hiện năm xưa.

Tuy vậy hiện vẫn chưa rõ tại sao Triều Tiên trong thời gian gần đây lại chọn cách tập trung vào khu vực xung quanh đường NLL trên biển để “khuấy động”. Một trong những nguyên nhân có thể là những gì đang chứa đựng bên dưới mặt nước. Khu vực quanh NLL là ngư trường có rất nhiều cua, nơi mà các tàu của Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc đều muốn được tới đánh bắt. Với lệnh trừng phạt mà Triều Tiên đang đối mặt thì xuất khẩu hải sản là nguồn ít ỏi để nước này có thể thu được ngoại tệ.

Trong khi đó, sau vụ nã pháo hôm thứ ba tuần trước, nhiều dân thường trên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc cho biết họ sẽ không quay lại nơi này. Giới phân tích nhận định đây có thể là một mục tiêu của Triều Tiên khi muốn làm giảm số thường dân sinh sống trên các đảo của miền nam.

Các chiến hạm Hàn Quốc tuần tra ngoài khơi đảo Yeonpyeong. Ảnh: AP

Đảo Yeonpyeong: Dân di tản, binh sĩ đổ bộ

Người dân trên đảo Yeonpyeong lũ lượt di tản về đất liền sau vụ nã pháo của Triều Tiên để lại những ngôi nhà bị đánh tan hoang, trong khi binh sĩ được tăng cường để tiếp quản. Đứng từ đảo Yeonpyeong có thể nhìn thấy bờ biển của Triều Tiên nằm cách đó hơn 10 km. Còn khi tới hòn đảo trong những ngày này có thể nhận thấy sự triển khai các loại vũ khí dày đặc trên những sườn núi.

Hoạt động quân sự có thể thấy khắp mọi nơi khi Hàn Quốc đang tập trung quân đội trên đảo ra phía bờ biển kể từ sau khi bị Triều Tiên nã pháo. Phía bên ngoài đảo là hàng dài những chiến hạm Hàn Quốc đang neo đậu. Trực thăng cũng liên tục vần vũ phía trên đảo Yeonpyeong, trong khi các binh sĩ bộ binh mang ngụy trang di chuyển trên những chiếc xe tải chuyên dụng cùng vũ khí.

Theo mô tả của BBC, trái ngược với cảnh hối hả của quân đội, những sinh hoạt thường nhật trên đảo Yeonpyeong của người dân vốn sống khá đông đúc tại đây lại đìu hiu đến hoang tàn. Chỉ còn rất ít người dân trụ lại sau biến cố thứ ba tuần trước, còn hầu hết đã di tản về đất liền lánh nạn. Bãi đỗ xe bên cầu cảng đang đỗ kín những chiếc xe do mọi ngưởi để lại trước khi lên tàu về đất liền.

Khi bước vào khu dân cư, đập vào mắt là cảnh đổ nát sau vụ pháo kích của miền bắc. Những ngôi nhà sập hoàn toàn nằm lẫn với những công trình xây dựng khác chỉ bị vỡ kính. Những mảnh đạn găm chi chít trên tường một ngôi nhà dùng làm văn phòng trên đảo Yeonpyeong. Nói cách khác, cuộc sống trên đảo nay đã hoàn toàn thay đổi kể từ vụ pháo kích bất ngờ của miền bắc và nơi này đang được quân sự hoá một cách nhanh chóng.

Đình Nguyễn


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)