Xây dựng đô thị Đà Nẵng theo hướng văn minh, hiện đại


Với định hướng phát triển đô thị Đà Nẵng theo hướng văn minh, hiện đại, thành phố đang đầu tư phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng, tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Xây dựng thành phố thông minh được các đại biểu quan tâm tại Hội thảo “Các ý tưởng xây dựng thành phố Đà Nẵng” tổ chức vào tháng 3-2011.

Xây dựng thành phố thông minh được các đại biểu quan tâm tại Hội thảo “Các ý tưởng xây dựng thành phố Đà Nẵng” tổ chức vào tháng 3-2011.

Xu hướng phát triển

 

Cùng với thiết kế kiến trúc xanh, thiết kế kiến trúc đô thị đang dịch chuyển theo hướng đô thị “Thông minh + Kết nối” mà CNTT là một công cụ hạ tầng nền tảng. Thực tế trong những năm gần đây, việc ứng dụng các giải pháp CNTT ở mô hình các tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh đã được phát triển ở Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết theo Chiến lược quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thì đến năm 2040, tốc độ phát triển đô thị hóa sẽ đạt 50%, tổng diện tích đô thị sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2020, và 10 lần so với hiện nay. Theo đó, sẽ có thêm khoảng 20 triệu người Việt Nam chuyển đến sống tại các thành phố. Vì vậy, vấn đề đẩy mạnh việc tích hợp CNTT vào lĩnh vực xây dựng trong quá trình đô thị hóa với mục tiêu mang lại nhiều hơn nữa giá trị và tính bền vững cho người dân sống tại các thành phố.

 

Tại Hội thảo chuyên đề “Thông minh + Kết nối: Xu hướng phát triển nhà ở và đô thị” mới đây do Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin-Truyền thông và Tập đoàn Cisco tổ chức đã đánh giá Đà Nẵng là thành phố tiêu biểu cho khả năng ứng dụng tốt CNTT trong phát triển đô thị ở Việt Nam.

 

Bà Mrinalini Ingram, Giám đốc cao cấp của Tập đoàn Cisco cho rằng: “Lợi ích kết nối và cộng đồng các hệ thống mạng có thể mang tới cho các thành phố, cộng đồng dân cư trong việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Tại Việt Nam, thành phố Đà Nẵng cũng đã xây dựng, trở thành thành phố thông minh có hạ tầng CNTT đồng bộ. Tập đoàn Cisco sẽ hợp tác với UBND thành phố Đà Nẵng nâng cấp mạng lõi của Đà Nẵng thành mạng CNTT thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu của một thành phố thông minh”.

 

Độ sẵn sàng

 

Sử dụng Wifi sẽ được lựa chọn mà theo Sở Thông tin và Truyền thông cho biết hiện đã có 5 đơn vị CNTT lớn là Tập đoàn Juniper Networks, Kit, Công ty Cisco Systems Việt Nam, Công ty Đông Quân và Tập đoàn Motorola đưa ra những giải pháp cho việc xây dựng “Thành phố Wifi”. Mỗi đơn vị đều đưa ra một giải pháp thực hiện tối ưu. Theo Kit thì đưa ra giải pháp Wireless của Firetide có khả năng kết nối đa điểm với khả năng chuyển vùng và hội tụ cao. Tập đoàn Juniper Networks cung cấp giải pháp mạng và bảo mật Juniper Networks đưa ra nguyên tắc chung cho một hệ thống Wifi công cộng bao gồm 3 tiêu chí: Đơn giản – an ninh – linh động. Cisco Systems Việt Nam đề xuất mô hình Public Wifi có các tính năng vượt trội, có độ tin cậy, hiệu năng, bảo mật và khả năng quản lý mạng WLan cao.

 

Motorola đưa ra giải pháp xây dựng mạng đô thị Outdoor Mesh được sử dụng kỹ thuật công nghệ MeshConnex tăng cường khả năng quan sát hệ thống camera, phục vụ công cộng như báo đồng hồ điện, nước…Công ty Đông Quân lại đưa ra công nghệ và giải pháp kết nối Wifi tiên tiến với dòng sản phẩm Ruckus Wireless (USA). Sản phẩm Ruckus Wireless có thể sử dụng hiệu quả ở nhiều môi trường hoạt động gắn kết gia đình và cộng đồng trên nhiều không gian địa lý khác nhau.

 

Trong khi đó, IBM là đối tác quan trọng thực hiện tư vấn, xây dựng và phát triển kiến trúc và cơ sở hạ tầng CNTT hiện đại cho thành phố Đà Nẵng, nhằm hiện thực hóa tầm nhìn “Thành phố thông minh” tập trung các lĩnh vực như giao thông, quản lý tài nguyên nước, an toàn thực phẩm, thông tin và truyền thông, y tế và công nghệ cao. “IBM sẽ hỗ trợ đắc lực để Đà Nẵng giải quyết thành công những thách thức của phát triển đô thị”, ông Võ Tấn Long, Tổng Giám đốc Công ty IBM Việt Nam, cho biết.

 

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ông Nguyễn Bá Thanh thảo luận với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Cần Thơ, Hưng Yên.


Sáng 24-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách (NS) Trung ương năm 2012. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Cần Thơ, Hưng Yên.

Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên thảo luận ở tổ.  Ảnh: TTXVN

Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên thảo luận ở tổ. Ảnh: TTXVN

Chủ trì thảo luận, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến những nội dung quan trọng như việc thực hiện dự toán thu NSNN và khả năng thu nội địa, thu xuất nhập khẩu, thu dầu thô và những vấn đề nổi lên trong quản lý thu NS năm 2011; hiệu quả, tính hợp lý của các khoản tăng chi và tồn tại trong thực hiện dự toán chi NSNN năm 2011, nguyên nhân và giải pháp khắc phục; tính hợp lý của mức bội chi NSNN 4,9%; đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc điều chỉnh giãn, giảm, miễn một số chính sách thuế, cắt giảm đầu tư công đối với việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô năm 2011; đánh giá những thuận lợi, khó khăn và tính hợp lý của các nguyên tắc xây dựng dự toán NSNN năm 2012; đánh giá chỉ tiêu về tổng thu, tổng chi, cơ cấu thu, các giải pháp cơ cấu lại chi NSNN, tính hợp lý của các nguyên tắc phân bổ ngân sách Trung ương, cơ cấu NS Trung ương và NS địa phương , tính cụ thể, rõ ràng, hợp lý trong phương án phân bổ NS Trung ương năm 2012 và những đề xuất, kiến nghị…

 

Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) bày tỏ quan điểm tán thành với các báo cáo của Chính phủ do Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền trình Quốc hội, đồng thời đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội về nhận định tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2011. Về thu NSNN, ĐB cho rằng ước cả năm vượt 13,4% so với dự toán, tăng 20,6% so với thực hiện năm 2010 là mức tăng khá cao, song chưa vững chắc, bởi các nguồn thu chủ yếu chưa phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà phần lớn từ đất đai, bán tài nguyên dầu thô.

 

ĐB đề nghị phân tích rõ hơn trong cơ cấu số tăng thu ngân sách này thì phần tăng do yếu tố giá thế giới tăng là bao nhiêu, do thực lực phát triển kinh tế, đầu tư sản xuất kinh doanh là bao nhiêu để từ đó có biện pháp khắc phục. Đối với số vượt thu NS Trung ương khoảng 54 ngàn tỷ đồng, NS địa phương khoảng 25,5 ngàn tỷ đồng, ĐB đề nghị cân nhắc có thể dành khoảng từ 3 đến 4 ngàn tỷ đồng để tăng dự phòng nhằm xử lý kịp thời một số nhu cầu phát sinh cấp bách vào cuối năm. Về những giải pháp chủ yếu trong 2 tháng cuối năm 2011, ĐB đề nghị cần tăng cường chống thất thu, kiểm tra, kiểm soát buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là các tuyến biên giới, trên biển; rà soát các khoản nợ đọng thuế của các doanh nghiệp, vì hằng năm số nợ đọng này rất lớn; dành nguồn dự phòng ngân sách để kịp thời xử lý khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt.

 

ĐB cơ bản tán thành phương án NSNN năm 2012 do Chính phủ trình. Tuy nhiên, ĐB cho rằng nên xây dựng phương án dự phòng ứng phó khi tình hình xấu, các nguồn thu bị ảnh hưởng có thể không đạt như dự kiến. ĐB đánh giá cao việc dành ngân sách hơn 59 ngàn tỷ đồng chi cho tiền lương để nâng mức lương tối thiểu lên 1.050.000 đồng và phụ cấp công vụ ở mức 25%. Tuy nhiên, về dự toán thu dầu thô 87 ngàn tỷ đồng trên cơ sở sản lượng dự kiến 14,68 triệu tấn và giá bình quân 85 USD/thùng, ĐB cho rằng trong bối cảnh hiện nay, tình hình Trung Đông, Bắc Phi phức tạp nên giá dầu có thể biến động khó lường, đề nghị Bộ Tài chính giải trình rõ thêm căn cứ xây dựng dự toán giá dầu thô sao cho sát với thực tế. Về phân bổ vốn đầu tư phát triển năm 2012, đối với khoản bổ sung có mục tiêu từ NS Trung ương, dự kiến khu vực miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long bố trí kinh phí tăng từ 23-25%; trong khi đó khu vực đồng bằng Sông Hồng tăng trên 51%; ĐB đề nghị xem lại phương án phân bổ này, bố trí tăng chi cho khu vực miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long vì thường hay bị thiên tai, bão, lũ lụt gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Về ngân sách ngành Giao thông-Vận tải, theo ĐB Thân Đức Nam thì năm 2011 ngành chỉ triển khai các dự án sử dụng vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đáp ứng 50% nhu cầu, các dự án khác đều phải đình hoãn. Năm 2012, phương án ngân sách ngành GTVT được xây dựng ở mức tối thiểu, chủ yếu phục vụ các dự án dở dang và tăng cường các kênh huy động ngoài ngân sách. Về nguồn vốn NSNN cần khoảng 14,8 ngàn tỷ đồng, bao gồm các dự án ODA khoảng 8.200 tỷ đồng, dự án giao thông trong nước gần 6.200 tỷ đồng, nguồn trái phiếu Chính phủ khoảng 20 ngàn tỷ đồng và sẽ huy động ngoài ngân sách khoảng 20 ngàn tỷ đồng. Với nhu cầu thực tế này, trong dự toán NSNN năm 2012 bố trí cho ngành GTVT 5.590 tỷ đồng là ở mức quá thấp, chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu. Do đó, ĐB đề nghị cân đối tăng thêm, chí ít phải đáp ứng thanh toán khối lượng các dự án, công trình cấp bách đã hoàn thành.

 

Thiếu tướng, Phó Chính ủy Quân khu 5, ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) bày tỏ sự nhất trí cao với đánh giá thực hiện NSNN năm 2011, dự toán NSNN và phân bổ NS Trung ương năm 2012 cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội. Theo ĐB thì báo cáo thẩm tra có cơ sở, thẳng thắn và khách quan. ĐB cho rằng năm 2011 việc rà soát, cắt giảm, đình hoãn các dự án khởi công mới chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa khắc phục được tình trạng phân bổ dàn trải. ĐB đề nghị cần làm rõ vì sao các công trình trọng điểm, dự án chuyển tiếp chưa thật sự được ưu tiên bố trí vốn để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

 

Về chi NS Trung ương năm 2012, ĐB đề nghị cần bố trí ngân sách ở mức hợp lý, đồng thời tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện cũng như rà soát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công, chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chính sách dành cho người nghèo… Nâng cao hiệu quả các chính sách, bảo đảm đưa các hoạt động chi thường xuyên ra khỏi các công trình mục tiêu quốc gia, tập trung nguồn lực để thực hiện chỉ tiêu xóa nghèo năm 2012.

 

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khiếu nại. Tham gia phát biểu, đại biểu Quốc hội chuyên trách Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, tại các điều 12, 13, 14, 15 quy định việc cung cấp thông tin, tài liệu nhưng lại không quy định thời hạn cung cấp và cũng không thấy giao cho Chính phủ quy định. Do đó, ĐB đề nghị cần quy định thời hạn cung cấp thông tin, tài liệu vào trong luật để thuận tiện cho việc thực hiện sau này, đồng thời cần rà soát kỹ lưỡng vì vẫn còn một số điều khoản quy định chưa chính xác. ĐB đề nghị quy định bổ sung vào luật vấn đề thừa kế quyền và nghĩa vụ khiếu nại trong quá trình giải quyết khiếu nại và vấn đề phòng ngừa, ngăn chặn nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại.

 

PHẠM HỮU HOA(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đoàn công tác của Thành ủy Hà Nội làm việc với Thành ủy Đà Nẵng


Chiều 21/10, tại Đà Nẵng, Đoàn công tác của Thành ủy Hà Nội do đồng chí Tưởng Phi Chiến – Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thành ủy Đà Nẵng về công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP Đà Nẵng.

 

Quang cảnh buổi làm việc chiều 21/10

Quang cảnh buổi làm việc chiều 21/10

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Tiếng – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho biết, trên cơ sở Kết luận số 80-KL/TW, ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới về “Tăng cường công tác xây dựng đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch thực hiện; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước của TP (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 80); tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt sâu rộng trong nội bộ Đảng, các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể nhân dân, các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có từ 50 lao động trở lên…

 

Đồng chí Bùi Văn Tiếng cũng cho biết, từ khi triển khai Kết luận 80-KL/TW đến nay, các cấp ủy đảng trên địa bàn TP đã thành lập được 24 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; trong đó có 16 chi bộ cơ sở trực thuộc quận ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc và 08 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở xã, phường. Cùng với đó, toàn TP cũng đã kết nạp được 97 đảng viên mới trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Một số địa phương, đơn vị đã triển khai thực hiện tốt công tác kết nạp đảng, phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước như các đảng bộ: huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, các khu Công nghiệp TP. Trong khi đó, Liên đoàn Lao động TP cũng đã triển khai đẩy mạnh việc thành lập tổ chức Công đoàn. Đến nay các cấp công đoàn TP đã thành lập được 145 công đoàn cơ sở (có 59 tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước có từ 50 lao động trở lên, có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế) và kết nạp được 5.499 đoàn viên (có 3.699 đoàn viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có từ 50 lao động trở lên, có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế). Toàn TP cũng đã thành lập mới 12 chi đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước và đã kết nạp được hơn 229 đoàn viên thanh niên vào tổ chức Đoàn trong khu vực này.

 

Khẳng định các kết quả đã đạt được, đồng chí Trần Thọ – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng Ban Chỉ đạo 80 TP chobiết, các tổ chức đảng và đoàn thể tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đã thể hiện được vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên và người lao động thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo môi trường tốt cho đảng viên, đoàn viên sinh hoạt, đề cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần đối với người lao động; tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, chính sách xã hội của đơn vị.

 

Các tổ chức đảng, đoàn thể đã bám sát chức năng, nhiệm vụ theo các quy định của Trung ương, xác định rõ mối quan hệ của tổ chức đảng, đoàn thể với chủ doanh nghiệp; tập trung lãnh đạo và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu sản xuất kinh doanh nhằm phát triển doanh nghiệp…

 

Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Chỉ đạo 80 TP Đà Nẵng cũng đã trao đổi sâu với Đoàn công tác của Thành ủy Hà Nội về kinh nghiệm, mô hình, các giải pháp, mục tiêu, quan điểm…. trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển tổ chức cơ sở đảng và đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều nội dung công việc có liên quan về tổ chức, biên chế, kinh phí, mối quan hệ với các doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước… nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) trong thời gian tới cũng được hai bên đưa ra trao đổi, thảo luận.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Tưởng Phi Chiến – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước TP Hà Nội khẳng định, cách làm, mô hình và những kinh nghiệp bước đầu của Đà Nẵng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước rất thiết thực đối với TP Hà Nội.

 

Đặc biệt là các quan điểm chỉ đạo thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ TP Đà Nẵng cũng như các mô hình tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể nhân dân gắn với việc lấy việc phát triển đoàn viên Công đoàn làm cơ sở, tiền đề để giới thiệu, kết nạp quần chúng ưu tú cho Đảng; các cơ chế, chính sách có liên quan để thực hiện… Hà Nội sẽ tiếp thu, học tập và vận dụng sát với điều kiện của mình để làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới, góp phần thực hiện có hiệu quả Kết luận 80-KL/TW của Ban Bí thư.

 

Được biết, trước buổi làm việc này, Đoàn công tác của Thành ủy Hà Nội đã đến tìm hiểu công tác xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng và đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tại quận Liên Chiểu; đến thăm và làm việc với một số tổ chức cơ sở đảng trực thuộc đảng ủy Khu Công nghiệp và Chế xuất TP Đà Nẵng./.

 

Đình Tăng(Theo ĐCSVietNam)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Người đi nói chuyện hạnh phúc


Một nguyên tắc bà Nguyễn Thị Vân Lan luôn muốn chị em tuân thủ để có được tình yêu, là hãy biết làm đẹp. “Tiếp xúc với một phụ nữ, người ta nhìn trước, nghe sau. Ngược với gặp đàn ông, người ta nghe rồi mới nhìn”. Tưởng với “chân lý” này, bà Vân Lan là người rất “mốt”. Trên thực tế, bà chẳng đổi kiểu tóc qua hàng mấy chục năm và luôn trung thành với quần tây đen, áo sơ-mi đơn giản. Con dâu có lần nhắc khéo: “Mẹ mà cứ như vậy các tiệm làm đẹp chẳng thể sống nổi”. Còn bà lại nghĩ: Đẹp là phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Vân Lan cùng đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố thăm, chúc Tết các đơn vị thi công trên công trường Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng ngày 21-2-2010. (Ảnh tư liệu)

Bà Nguyễn Thị Vân Lan cùng đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố thăm, chúc Tết các đơn vị thi công trên công trường Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng ngày 21-2-2010. (Ảnh tư liệu)

Như lửa than bùng cháy

Người ta từng thấy bà Nguyễn Thị Vân Lan (sinh năm 1950) trong vai trò Chủ tịch Hội LHPN tỉnh QN-ĐN, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng. Đến lúc nghỉ hưu, bà lại đảm nhận thêm nhiều công việc mới: Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam; Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ, trẻ em nghèo bất hạnh thành phố. Nhưng còn một “nghề” bà Vân Lan vẫn nặng lòng gắn bó,  tựa như một đam mê. Đó là tư vấn tâm lý. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hạnh phúc gia đình.

Lần đầu tiên bà Vân Lan đóng vai trò chuyên gia tư vấn tâm lý là vào năm 2008, thời điểm vừa nghỉ hưu. Lúc bấy giờ, bà tham gia tư vấn cho hai kênh Hội LHPN và Hội Bảo trợ phụ nữ, trẻ em nghèo bất hạnh; đồng thời là cộng tác viên của tổng đài 108. Tuy nhiên, ước mong được chia sẻ, giãi bày về tâm lý đã ấp ủ trong bà từ khi bắt đầu tiếp nhận công việc Chủ tịch Hội LHPN tỉnh QN-ĐN cách đây 24 năm. “Hồi ấy, vừa nhận nhiệm vụ, tôi đã thành lập Trung tâm Hướng nghiệp và giáo dục gia đình. Ý nghĩ gia đình là quan trọng nhất, làm thế nào để mọi người nhận thức tốt điều này đã nhen nhóm từ rất lâu. Nên khi nghỉ hưu, nó như ngọn lửa than được bùng cháy”, bà Lan tâm sự.

Bà thú nhận: “Chia sẻ tâm tư để niềm vui được nhân đôi, nỗi buồn vơi đi một nửa mới là đam mê máu thịt của tôi”.

Có khi người ta mời bà đi nói chuyện với tư cách một chuyên gia. Có khi người ta gõ cửa phòng trong lúc bà đang làm việc. Sắp xếp được thời gian thì bà sẵn sàng bỏ hàng giờ đồng hồ hầu chuyện, còn không, bà vẫn bằng một cách nào đó giúp họ tháo gỡ nỗi niềm. Đặc biệt, với đặc thù công việc hiện nay thường xuyên tiếp xúc với phụ nữ nghèo, bà không bao giờ quên khéo léo lồng ghép chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc qua cách kể những câu chuyện tưởng như nghe cho vui. Đến thăm chị em đơn thân khu nhà liền kề hay trao quà cho phụ nữ bất hạnh, bà thường đọc tặng mấy câu thơ: “Nếu ai bắt mất hồn tôi-Chắc rằng bị giữ ở nơi dịu dàng” (Dịu dàng-Tác giả Nguyễn Hoài Xuân); “Nín đi em! Thằng bé cứ khóc gào-Chị mếu máo đầm đìa nước mắt-Hỡi bố mẹ bên bờ chia cắt-Phút giây thôi hãy nghe tiếng con mình” (Hai chị em-Tác giả Vương Trọng); “Đôi dép kia gắn bó bước song hành-Chẳng thề nguyền mà chẳng hề giả dối-Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội-Lối đi nào cũng có mặt cả đôi” (Đôi dép-Tác giả Nguyễn Trung Kiên)…

60 tuổi, bà Lan bắt đầu học… lái ô-tô và “lướt nét” điệu nghệ. Đó là những phương tiện giúp bà tự chủ trong cuộc sống. Và nhờ đó, kiến thức tâm lý hay các buổi đi nói chuyện trở nên thuận tiện hơn. Bà Vân Lan xuất thân là cử nhân chính trị, cử nhân luật, những bằng cấp có vẻ chẳng dính dáng đến niềm đam mê, nhưng rõ ràng đã bổ trợ rất nhiều cho một người tư vấn.

Lấy bài báo được cắt cẩn thận và tô đậm những dòng quan trọng, bà Lan nói thấy cái nào hay, “đụng” đến vấn đề gia đình là lập tức lưu giữ như một tư liệu quý. Vừa rồi, nghe thông tin tại thành phố Hồ Chí Minh có mở lớp về tiền hôn nhân, bà gọi điện xin theo học, nhưng tiếc là thời gian rải ra nhiều tháng nên không thể sắp xếp được công việc. Cách đây mấy hôm, bà  bỏ tiền túi in 500 cuốn sách tập hợp những bài nói chuyện “Làm thế nào để bảo vệ hạnh phúc gia đình”… tặng không cho mọi người, để cùng chia sẻ kinh nghiệm, để có thêm nhiều báo cáo viên làm phong phú thêm kiến thức về hạnh phúc gia đình.

Đồng cảm với từng hoàn cảnh

Có nhiều hoàn cảnh tìm đến khiến bà Vân Lan càng tin tư vấn tâm lý không chỉ là sở thích riêng tư nữa, mà trở thành trách nhiệm dù chẳng ai ràng buộc hay trả lương.

Để có bài nói chuyện thuyết phục, bà phải lên “giáo án” cho từng lần xuất hiện. Những câu chuyện, dẫn chứng lúc nào cũng sát thực, liên hệ ngay chính người trong từng ngành, trong giới để người nghe có cảm giác đang nói về chính mình. Sự kỳ công này xuất phát từ chỗ bà Lan không còn nghĩ mình là “bà nghị” báo cáo những điều lớn lao, mà chuyên gia tâm lý phải là một người đồng cảm với những trái tim đang thổn thức.

Có một lần sau buổi nói chuyện, một sĩ quan chạy lên xin phô-tô nội dung để về đưa cho vợ đọc. Đêm về, bà lại nghe điện thoại réo.

Bao nhiêu tâm tư về tình bạn, tình yêu cứ thế tuôn trào. Nhiều kỷ niệm không phai mờ trong hàng ngàn trường hợp tư vấn tâm lý bà từng thực hiện. Một nữ cán bộ ngân hàng bước vào phòng làm việc của bà với gương mặt bừng bừng. Bà nhận ra điều gì đó khác lạ: “Hình như em đang bất an?”. “Em đi tìm khẩu súng”, cô gái trả lời. Hóa ra, vì bị bội tình, người phụ nữ trẻ tuổi muốn giết người yêu. Nắm tay cô gái ngồi xuống ghế, bà kiên nhẫn nghe lại sự việc và đưa ra lời khuyên. Nét mặt cô dịu lại, bà biết, mình đã làm được hơn một việc là giúp người khác nguôi giận…

Lần khác, lúc tham dự phiên tòa ly hôn với tư cách đại diện Hội thẩm nhân dân, bà gặp một tình huống khá hài mà nếu không gỡ kịp thời sẽ thành… bi. Chồng là cán bộ Nhà nước làm việc trong thành phố, vợ chăm con ở quê Thăng Bình. Họ đâm đơn ra tòa với lý do “không thể nói”. Tòa đặt ra yêu cầu nếu người chồng không cho biết rõ vì sao ly hôn thì vụ án sẽ không được tiếp tục giải quyết. Chỉ đến khi ấy, anh chồng mới xin gặp riêng Hội thẩm để tâm sự. Anh bắt đầu câu chuyện: “Vợ tôi rất tốt. Tôi đi làm cả tháng mới về, cô ấy thay tôi chăm sóc cha mẹ chồng và nuôi các con. Tôi thương cô ấy.

Nhưng thú thực, hai năm rồi vợ chồng không ngủ chung vì vợ ăn trầu không chịu đánh răng. Không gần gũi thì còn gì tình nghĩa, thưa mấy chị?”. Bà Lan hỏi lại: “Vậy đã có bao giờ anh bỏ tiền lương ra tặng vợ bộ quần áo đẹp?”. Người chồng cự cãi: “Đó là chuyện đàn bà phải tự biết”. Bà Lan lại gặp riêng người vợ, nghe qua câu chuyện của chồng, chị khóc òa: “Hóa ra tôi hy sinh cho gia đình để rồi bị chê bai, ảnh đúng là không biết điều”. Lần này, bà Lan lại giở ngón nghề tư vấn… Sau 3 tháng quay lại gia đình ấy, bà suýt không nhận ra người vợ khi trông chị trẻ hơn 5 tuổi. Và hơn hết, họ không xa nhau nữa vì chị đã hiểu… đánh răng, giữ gìn thân thể thơm tho cũng là cách giữ chồng.

Tuy vậy, không phải lần nào cái kết cũng có hậu như chuyện cổ tích. Có nhiều trường hợp can thiệp và cuối cùng là sự chia tay. “Tôi không day dứt, bởi có những trường hợp giải phóng cho nhau là cách tốt hơn khi họ không thể tìm thấy sự hòa hợp”, bà Lan trầm giọng.

Đẹp là phù hợp

Chưa bao giờ hạnh phúc gia đình dễ dàng bị lung lay như bây giờ. Chính điều này càng khiến bà Lan như “sốt” lên khi chạm đến đề tài bảo vệ hạnh phúc gia đình: Con người ta cần cả vật chất lẫn tinh thần để tồn tại. Song xét cho cùng, tinh thần mới thực sự quan trọng khi nó là động lực để ta phấn chấn, yêu đời. Một người biết yêu thương và được sống trong tình yêu chắc chắn sẽ rạng ngời và làm được nhiều điều tốt đẹp.

Một nguyên tắc bà luôn muốn chị em tuân thủ để có được tình yêu đó là hãy biết làm đẹp. “Tiếp xúc với một phụ nữ, người ta nhìn trước, nghe sau. Ngược với gặp đàn ông, người ta nghe rồi mới nhìn”. Tưởng với “chân lý” này, bà Vân Lan là người rất “mốt”. Trên thực tế, bà chẳng đổi kiểu tóc qua hàng mấy chục năm và luôn trung thành với quần tây đen, áo sơ-mi đơn giản. Con dâu có lần nhắc khéo: “Mẹ mà cứ như vậy các tiệm làm đẹp chẳng thể sống nổi”. Còn bà lại nghĩ: Đẹp là phù hợp.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Lan, chuyên gia tư vấn tâm lý của Đà Nẵng hiện còn quá ít so với nhu cầu. Cho nên, dù bước vào con đường này như một ngã rẽ tình cờ, bà vẫn muốn được chuyên nghiệp hóa bằng cách mở văn phòng tư vấn. Song do bộn bề với những cương vị khác, bà đành làm công việc mình yêu thích một cách đơn lẻ, âm thầm. Ở tuổi 61, hy vọng lại đến khi chỉ cách đây ít ngày, một Việt kiều Mỹ, từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và gia đình Việt Nam đã quay về nước tìm đến bà ngỏ ý thành lập Trung tâm Nghiên cứu giới và gia đình đặt tại Đà Nẵng…

Toàn Vân(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng: Khiển trách, thuyên chuyển hiệu trưởng để xảy ra lạm thu


Theo đó, UBND quận Hải Châu đã quyết định kỷ luật ở mức khiển trách và chuyển công tác sang làm Hiệu trưởng một trường Tiểu học khác trên địa bàn quận đối với ông Lê Văn Lạc – Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Thanh vì xảy ra tình trạng để phụ huynh đóng góp tiền mua ti vi trang bị tại lớp học. Cô giáo Lê Thị Thu Hương – GVCN lớp 1/3 cũng bị khiển trách và chuyển sang dạy ở trường mới.

Chiếc ti vi tại phòng học lớp 1.3 hiện nay là do một phụ huynh trao tặng

Chiếc ti vi tại phòng học lớp 1.3 hiện nay là do một phụ huynh trao tặng

Theo tin từ UBND quận Hải Châu, chiều ngày 20/10, Hội đồng kỷ luật quận đã có buổi họp và thống nhất mức kỷ luật đối với GVCN lớp 1/3 và Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Thanh vì đã để cho phụ huynh vận động đóng góp để mua ti vi trang bị cho lớp học.

 

Ông Lê Văn Lạc – Hiệu trưởng nhà trường và cô Lê Thị Thu Hương – GVCN lớp 1/3 đều nhận hình thức kỷ luật ở mức khiển trách và thuyên chuyển công tác.

 

Trước đó, ngày 18/9, tại cuộc họp phụ huynh lớp 1/3, ban phụ huynh đã vận động mức đóng góp từ 300.000 – 500.000đồng/phụ huynh để mua ti vi trang bị cho lớp học. Có 34 phụ huynh trong tổng số 40 phụ huynh của lớp đồng ý nộp khoản thu này, tổng số tiền thu được là 11.400.000 đồng.

 

Sau đó, ngày 20/9, Hiệu trưởng nhà trường đã chỉ đạo hoàn trả lại tiền cho những phụ huynh đã đóng trước đó.

 

Ông Nguyễn Bá Thanh – Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng đã yêu cầu Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo TP,  UBND quận Hải Châu có hình thức xử lý kỷ luật đối với hiệu trưởng trường tiểu học Phan Thanh theo thẩm quyền quy định.

 

Nguyên Anh(TheoGDTD)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Phụ nữ nghèo Đà Nẵng dường như vui hơn


Chị mồ côi cả cha lẫn mẹ, có chồng và 4 đứa con. Người chồng tối ngày say xỉn, đánh đập vợ triền miên, rồi một ngày của 7 năm trước, anh bỏ đi biệt tích. Chị gửi một người con cho hàng xóm nuôi, 3 đứa ở với mẹ, trong đó có một em bị dị tật. Cuộc sống rơi vào bế tắc, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ cho 6 triệu đồng mua một con bò sinh sản. Niềm hy vọng về tương lai nhen lên được đúng vài ngày thì con bò bỗng nhiên… đi lạc đâu mất…

Hình minh họa

Hình minh họa

Câu chuyện bi đát của chị Lê Thị Phượng, tổ 3, thôn Đông Sơn, xã Hòa  Ninh, huyện Hòa Vang khác nào cuộc đời “chị Dậu” thời nay. Mà có riêng gì chị, dù cuộc sống đã thay đổi từng ngày thì quanh đây vẫn còn rất nhiều “chị Dậu” như thế. Vất vả, nhọc nhằn, cô đơn đè nặng lên đôi vai gầy guộc của biết bao người phụ nữ. Thế nhưng, bên cạnh những mất mát, các chị cũng nhận được sự sẻ chia từ chính các tầng lớp phụ nữ trong xã hội. Như chị Lê Thị Phượng chẳng hạn.

 

Sau khi con bò bỏ chủ ra đi (nói theo cách của chị), chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ xã và thành phố lại một lần nữa tìm đến nhà khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế. Qua cuộc gặp gỡ này, chị được tặng 25 triệu đồng sửa nhà và thêm 7 triệu đồng mua lại con bò khác. Có thể nói, trong lúc khó khăn nhất của cuộc đời, chị Lê Thị Phượng bỗng nhiên… hết buồn, khi giờ đây cùng với ngôi nhà kiên cố hơn, chị còn có đàn bò 5 con làm vốn.

 

Sát cánh với những mảnh đời phụ nữ yếu thế là một lý do để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ra đời và hoạt động cho đến ngày nay, năm thứ 81 của hành trình. Với phụ nữ Đà Nẵng, sự “hậu thuẫn” còn mạnh mẽ hơn khi chị em không chỉ có tổ chức Hội, mà còn có chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm. Ngày 20-10 năm nay, Hội Phụ nữ các cấp dường như vui hơn, làm việc ráo riết hơn trước mong muốn thực hiện tốt 2 chủ trương bố trí nhà ở cho phụ nữ nghèo, và xây dựng quỹ hỗ trợ phụ nữ tại địa bàn dân cư theo phương thức đối ứng, do Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh gợi mở tại Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố cách đây chưa lâu. Ngay khi “nhận lệnh”, chị em từ miền núi đến nông thôn, từ nội thành đến ngoại thành hăng hái vào cuộc.

 

Với việc xây dựng quỹ hỗ trợ phụ nữ, có địa phương cảm thấy dễ dàng về đích sớm, bởi mỗi hội viên góp 500 nghìn đồng không mấy khó khăn. Có nơi, 500 nghìn đồng/chị là số tiền đóng góp quá lớn so với mức thu nhập thực tế. Bù lại, cán bộ phụ nữ linh hoạt để các chị “hùn vốn” 50 nghìn đồng mỗi tháng cho đến khi nào đủ thì thôi. Dù bằng cách này hay cách khác, chị em cũng thật sự cảm thấy phấn khởi, bởi nỗi lo cơm áo chưa bao giờ là chuyện nhỏ đối với phần lớn phụ nữ.

 

Với chủ trương bố trí nhà chung cư cho tất cả phụ nữ nghèo, đơn thân nuôi con, đang ở nhà thuê của tư nhân, các cấp Hội cũng đã lên kế hoạch rà soát, lập danh sách để gửi lãnh đạo thành phố xem xét. Mục tiêu của các chị là không để bỏ sót bất kỳ trường hợp nào, bởi đây là cơ hội ngàn vàng không phải phụ nữ nơi nào cũng có được.

 

Sự chung tay sẻ chia và đồng lòng của xã hội như nguồn sức mạnh lớn lao tiếp động lực cho các cán bộ Phụ nữ, để họ đã nhiệt tình càng nhiệt tình hơn. Riêng chị em nghèo, cuộc đời như được thắp lên niềm tin và hy vọng. Và hơn hết, đây đâu chỉ là sự hỗ trợ “một chiều” khi nó đã phát huy “tác dụng phụ” là nhen lên lòng trắc ẩn mỗi người bất kể nam hay nữ.

 

Toàn Vân(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Phụ nữ Đà Nẵng dường như vui hơn


Chị mồ côi cả cha lẫn mẹ, có chồng và 4 đứa con. Người chồng tối ngày say xỉn, đánh đập vợ triền miên, rồi một ngày của 7 năm trước, anh bỏ đi biệt tích. Chị gửi một người con cho hàng xóm nuôi, 3 đứa ở với mẹ, trong đó có một em bị dị tật. Cuộc sống rơi vào bế tắc, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ cho 6 triệu đồng mua một con bò sinh sản. Niềm hy vọng về tương lai nhen lên được đúng vài ngày thì con bò bỗng nhiên… đi lạc đâu mất…

Hình minh họa

Hình minh họa

Câu chuyện bi đát của chị Lê Thị Phượng, tổ 3, thôn Đông Sơn, xã Hòa  Ninh, huyện Hòa Vang khác nào cuộc đời “chị Dậu” thời nay. Mà có riêng gì chị, dù cuộc sống đã thay đổi từng ngày thì quanh đây vẫn còn rất nhiều “chị Dậu” như thế. Vất vả, nhọc nhằn, cô đơn đè nặng lên đôi vai gầy guộc của biết bao người phụ nữ. Thế nhưng, bên cạnh những mất mát, các chị cũng nhận được sự sẻ chia từ chính các tầng lớp phụ nữ trong xã hội. Như chị Lê Thị Phượng chẳng hạn.

Sau khi con bò bỏ chủ ra đi (nói theo cách của chị), chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ xã và thành phố lại một lần nữa tìm đến nhà khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế. Qua cuộc gặp gỡ này, chị được tặng 25 triệu đồng sửa nhà và thêm 7 triệu đồng mua lại con bò khác. Có thể nói, trong lúc khó khăn nhất của cuộc đời, chị Lê Thị Phượng bỗng nhiên… hết buồn, khi giờ đây cùng với ngôi nhà kiên cố hơn, chị còn có đàn bò 5 con làm vốn.

Sát cánh với những mảnh đời phụ nữ yếu thế là một lý do để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ra đời và hoạt động cho đến ngày nay, năm thứ 81 của hành trình. Với phụ nữ Đà Nẵng, sự “hậu thuẫn” còn mạnh mẽ hơn khi chị em không chỉ có tổ chức Hội, mà còn có chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm. Ngày 20-10 năm nay, Hội Phụ nữ các cấp dường như vui hơn, làm việc ráo riết hơn trước mong muốn thực hiện tốt 2 chủ trương bố trí nhà ở cho phụ nữ nghèo, và xây dựng quỹ hỗ trợ phụ nữ tại địa bàn dân cư theo phương thức đối ứng, do Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh gợi mở tại Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố cách đây chưa lâu. Ngay khi “nhận lệnh”, chị em từ miền núi đến nông thôn, từ nội thành đến ngoại thành hăng hái vào cuộc.

Với việc xây dựng quỹ hỗ trợ phụ nữ, có địa phương cảm thấy dễ dàng về đích sớm, bởi mỗi hội viên góp 500 nghìn đồng không mấy khó khăn. Có nơi, 500 nghìn đồng/chị là số tiền đóng góp quá lớn so với mức thu nhập thực tế. Bù lại, cán bộ phụ nữ linh hoạt để các chị “hùn vốn” 50 nghìn đồng mỗi tháng cho đến khi nào đủ thì thôi. Dù bằng cách này hay cách khác, chị em cũng thật sự cảm thấy phấn khởi, bởi nỗi lo cơm áo chưa bao giờ là chuyện nhỏ đối với phần lớn phụ nữ.

Với chủ trương bố trí nhà chung cư cho tất cả phụ nữ nghèo, đơn thân nuôi con, đang ở nhà thuê của tư nhân, các cấp Hội cũng đã lên kế hoạch rà soát, lập danh sách để gửi lãnh đạo thành phố xem xét. Mục tiêu của các chị là không để bỏ sót bất kỳ trường hợp nào, bởi đây là cơ hội ngàn vàng không phải phụ nữ nơi nào cũng có được.

Sự chung tay sẻ chia và đồng lòng của xã hội như nguồn sức mạnh lớn lao tiếp động lực cho các cán bộ Phụ nữ, để họ đã nhiệt tình càng nhiệt tình hơn. Riêng chị em nghèo, cuộc đời như được thắp lên niềm tin và hy vọng. Và hơn hết, đây đâu chỉ là sự hỗ trợ “một chiều” khi nó đã phát huy “tác dụng phụ” là nhen lên lòng trắc ẩn mỗi người bất kể nam hay nữ.

Toàn Vân(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)