Kinh tế 2010 đang trên đà phát triển


Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phát triển KT-XH năm 2011 với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 7- 7,5%, là mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Những phân tích từ góc độ thống kê dưới đây cho thấy rõ xu hướng chung của nền kinh tế là đang phát triển tích cực, làm căn cứ cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng nói trên.

Nếu năm 2009, tăng trưởng kinh tế rơi xuống đáy trong quý I, thoát đáy vượt dốc đi lên từ quý II thì năm nay kinh tế nước ta đang trên đà phục hồi, tiến tới phát triển.

Trước hết, sự phục hồi biểu hiện ở tốc độ tăng trưởng GDP. Tăng trưởng GDP năm 2010 có một số điểm đáng lưu ý: Một là tốc độ tăng của năm nay cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước.Hai là tốc độ tăng có xu hướng cao lên qua các quý. Ba là, nếu ước quý IV và ước cả năm GDP đạt được như dưới đây thì tuy tốc độ tăng của năm 2010 còn thấp hơn tốc độ tăng của các năm từ 2000- 2007 (bình quân tăng 7,63%/năm, trong đó năm thấp nhất tăng 6,79%, năm cao nhất tăng 8,46%), nhưng đã cao hơn tốc độ tăng của năm 2009 (5,32%) và năm 2008 (6,31%), cho thấy xu hướng phục hồi đã thể hiện rõ.

Cuối cùng, đây là tín hiệu khả quan để chúng ta quyết định mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong  2011 và trong thời kỳ 2011- 2015.

Tốc độ tăng GDP năm 2009 và 2010:

Năm căn cứ để tin

Sự phục hồi thể hiện tương đối nhanh và rõ rệt đối với sản xuất công nghiệp. Mạch tăng giá trị sản xuất công nghiệp 2 chữ số trong 18 năm liền (từ 1991- 2008) nhưng đã bị ngắt quãng, rơi xuống đáy sâu nhất vào quý I/2009, sau đó thoát đáy vượt dốc đi lên từ quý II, tăng trưởng cao lên nhanh hơn qua các tháng, từ tháng 8/2009, mức tăng 2 chữ số đã trở lại, được giữ vững và liên tục đạt được cho đến nay.

10 tháng năm 2010 so với cùng kỳ năm 2009 và khả năng cả năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp sẽ tăng 13,7%, tuy còn thấp hơn tốc độ tăng trong các năm từ 2000 – 2008, nhưng đã cao gấp 1,8 lần tốc độ tăng của năm 2009. Điều đó cho thấy công nghiệp là lĩnh vực đang phục hồi nhanh nhất.

FDI thực hiện 10 tháng ước đạt 9 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2009; khả năng cả năm có thể đạt khoảng 11 tỷ USD, mức cao thứ 2 từ trước tới nay, chỉ sau kỷ lục 11,5 tỷ USD của năm 2008, cao hơn mức 10 tỷ USD của năm 2009 và cao hơn nhiều so với các năm từ 2007 trở về trước.

Tiêu thụ trong nước mà biểu hiện chủ yếu ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là TMBL) đạt kết quả khá. 10 tháng đạt 1.282 nghìn tỷ đồng; khả năng cả năm có thể đạt trên 1.510 nghìn tỷ đồng, tương đương 78 tỷ USD (năm 2005 đạt 30,3 tỷ USD, năm 2009 đạt 67 tỷ USD). So với cùng kỳ năm trước, TMBL tăng 25,1%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân thì tăng 15%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng (10,1%) của cùng kỳ năm trước và cao gấp đôi tốc độ tăng GDP. Như vậy, TMBL đã trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế.

Xuất khẩu 10 tháng ước đạt 57,8 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng đạt được ở cả 2 khu vực, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô lớn hơn (31 tỷ USD so với 26,8 tỷ USD), có tốc độ tăng cao hơn (25,8% so với 20,4%). Tăng trưởng đạt được cao hơn ở nhóm hàng công nghiệp chế biến (33,9%), tiếp đến là nông, lâm, thủy sản (18%); tăng cao hơn về giá và tăng về lượng đối với một số mặt hàng; ở hầu hết các mặt hàng chủ yếu.

Mới qua 10 tháng đã có 14 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, tăng 3 mặt hàng so với cùng kỳ. Tăng trưởng đạt được ở nhiều thị trường, trong đó có các thị trường lớn tăng khá như Mỹ, EU, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nếu 2 tháng còn lại đạt được mức như tháng 10, thì tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt trên 70 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2009, cao gần gấp 4 lần tốc độ tăng theo mục tiêu (6%) đề ra.

Nhờ tốc độ tăng của xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng của nhập khẩu (10 tháng là 23,3% so với 20,7%), nên tỷ lệ nhập siêu đã thấp hơn cùng cùng kỳ năm trước (16,4% so với 19%); khả năng cả năm nay sẽ thấp hơn năm trước cả về quy mô tuyệt đối, cả về tỷ lệ nhập siêu.

Cuối cùng, một biểu hiện phục hồi khá rõ là khách quốc tế đến Việt Nam cả về lượng khách, cả về tốc độ tăng (10 tháng đạt 4,172 triệu lượt người và tăng 39%); khả năng cả năm có thể lần đầu tiên vượt qua mốc 5 triệu lượt người, vượt xa so với đỉnh điểm trước đây. Cùng với sự tăng lên của lượng khách là khả năng cao hơn về lượng ngoại tệ thu được (khả năng có thể vượt 4,6 tỷ USD, cao gấp rưỡi năm 2009).

Hoạt động xuất khẩu là một trong những điểm sáng của nền kinh tế nước ta 10 tháng đầu năm nay

Những thách thức tiềm ẩn

Tuy nhiên, sự phục hồi của nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ chưa bền vững. Nói như vậy xuất phát từ hai mặt, một mặt là những hạn chế, bất cập hiện có của nội tại nền kinh tế đất nước; mặt khác là những khó khăn thách thức đang tiểm ẩn ở phía trước. Các hạn chế bất cập và khó khăn thách thức sau đây cần được quan tâm.

Sau 10 tháng (tức là tháng 10/2010 so với tháng 12/2009), CPI đã tăng 7,58%, gần bằng với mục tiêu điều chỉnh của cả năm. Nếu 2 tháng cuối năm nay tăng 0,39%, thì cả năm sẽ vượt qua mốc 8%; nếu tăng bằng với 2 tháng cuối năm 2009 (tháng 11 tăng 0,55%, tháng 12 tăng 1,38%) thì cả năm sẽ tăng 9,66%; nếu tăng bằng với mức 2 tháng qua thì vượt qua một chữ số.

Nếu tính bình quân 10 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước (mặt bằng giá), thì CPI đã tăng 8,75%. Vì vậy, kiềm chế lạm phát trở thành vấn đề nóng nhất hiện nay, đặc biệt trong những tháng tới nhu cầu đầu tư, tiêu dùng tăng lên.

Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt, như không tăng tỷ giá (để tránh nhập khẩu lạm phát làm khuyếch đại lạm phát ở trong nước); cho nhập khẩu vàng để giá vàng trong nước không cao hơn giá vàng thế giới và giảm thiểu tâm lý, kỳ vọng lạm phát; tăng lãi suất cơ bản từ 8% lên 9%; tạm dừng chủ trương hạ lãi suất đầu vào, đầu ra mà để cho thị trường điều chỉnh nhằm hạn chế tiền từ ngân hàng ra lưu thông, hút tiền từ lưu thông vào ngân hàng; tăng quỹ bình ổn giá,…

Nhập siêu 10 tháng ở mức 9,05 tỷ USD, khả năng cả năm có thể ở mức thấp hơn năm trước (gần 12,9 tỷ USD) và thấp hơn mức kế hoạch của năm nay, nhưng đây là năm thứ 4 liên tục, mức nhập siêu (tính bằng tỷ USD) đã ở mức hai chữ số. Nhập siêu chủ yếu ở các thị trường không phải là công nghệ nguồn. Nguyên nhân nhập siêu chủ yếu do cơ cấu sản xuất, cơ cấu xuất khẩu còn mang nặng tính gia công, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển; do hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; trong một bộ phận dân cư có tâm lý chuộng hàng ngoại,…

Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh diễn ra phức tạp, khó lường, gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản; việc khắc phục phải mất nhiều chi phí, công sức, thời gian,…

Mặc dù còn phải khắc phục những hạn chế, bất cập và còn phải vượt qua khó khăn, thách thức, nhưng xu hướng chung của nền kinh tế nước ta vẫn là đang trên đà phục hồi, là tín hiệu khả quan để thực hiện mục tiêu cao hơn trong thời gian tới.

Ngọc Minh


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

XNLD Dầu khí Vietsovpetro phát hiện dòng dầu mới


Ngày 11/11/2010, trong khi thử vỉa tại giếng khoan thăm dò R-32 ngoài khơi tại khu vực Đông Bắc mỏ Rồng thuộc Lô 09-1 thuộc bồn trũng Cửu Long, XNLD Dầu khí Vietsovpetro đã nhận được dòng dầu tự phun với lưu lượng trung bình 500m3/ngày đêm.



Đây là một trong những khu vực triển vọng được Xí nghiệp xác định là trọng tâm tìm kiếm thăm dò để ổn định và gia tăng sản lượng khai thác dầu khí trong những năm tới.

Dự kiến năm 2011, XNLD Dầu khí Vietsovpetro sẽ đầu tư xây dựng giàn nhẹ RC-7 để khai thác dầu tại giếng R-32 và tiếp tục tiến hành khoan một số giếng mới để thăm dò, thẩm lượng và gia tăng sản lượng khai thác dầu tại các khu vực triển vọng ở Lô 09-1.

Thế Kim


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Dầu khí Đông Nam Á vươn ra biển lớn như thế nào?


Khu vực Đông Nam Á có tiềm năng dầu khí lớn của thế giới. Trữ lượng dầu lớn đang nằm ở ngoài khơi các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam…



Indonesia – từng là thành viên duy nhất ở Đông Nam Á trong khối OPEC

Petronas (Malaysia) không có tiềm lực tài chính lớn nhưng cũng đã tiến ra nước ngoài rất mạnh mẽ với mục tiêu chủ yếu là lợi nhuận dựa vào ưu thế kinh nghiệm kỹ thuật và lợi thế của một quốc gia Hồi giáo trong quan hệ với các nước Hồi giáo đang nắm giữ phần lớn nhất trong tổng trữ lượng dầu khí còn lại của thế giới.

Gần đây Petronas đã có những thành công ngoạn mục  trong các cuộc đấu thầu quốc tế giành quyền thăm dò- khai thác dầu khí ở Trung Đông, ở Phi Châu và nhiều nơi khác mà kinh nghiệm của họ là những bài học rất bổ ích đối với chúng ta.

Công ty dầu khí quốc gia Indonesia cũng là một công ty có tiềm lực rất mạnh nhưng vì trữ lượng trong nước tương đối lớn nên họ chủ trương tự đầu tư hoặc tham gia đầu tư với các công ty dầu khí nước ngoài vào các đề án tìm kiếm –thăm dò-khai thác trong nước là chính, còn đầu tư ra nước ngoài rất là thận trọng và hạn chế.

Trong câu chuyện giữa những người đồng nghiệp, các bạn Indonesia nói rằng không việc gì phải bỏ những địa bàn trong nước, nơi mà mình biết rất rõ những thách thức và thuận lợi để đi vào những nơi có những rủi ro lớn đang chờ đợi mình.Có lẽ các bạn ấy là những người ít thích mạo hiểm, phiêu lưu.

Trước khi đầu tư ra nước ngoài các công ty dầu phải xác định rõ mục tiêu, đối tượng mà mình nhắm tới sao cho tương thích với tầm vóc của mình. Sau đó, điều tối quan trọng là phải hiểu biết về địa chất khu vực một cách tương đối đầy đủ  để từ đó chọn địa bàn  hoạt động sao cho ít rủi ro nhất.

Công việc này thường do các viện dầu khí và các trường đại học tiến hành, các công ty dầu tiếp tục nghiên cứu tỉ mỉ  những lô, những mỏ, những tầng chứa…mà họ dự định tham gia đấu thầu để cùng với những kết quả nghiên cứu về luật pháp, về môi trường đầu tư nói chung, nhất là những rủi ro để  làm cơ sở cho những quyết định lựa chọn đề án, quyết định đầu tư.

Khi không có đủ điều kiện để tiến hành các công việc nói trên thì các công ty dầu chọn phương án tham gia vào các đề án đã có chủ là những công ty có tiềm lực  và uy tín lớn.

Nói chung , các công ty lần đầu đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm- thăm dò khai thác dầu khí thường chọn phương án giảm thiểu rủi ro bằng con đường liên doanh, liên danh, liên kết với các công ty khác hoặc mua các mỏ đang khai thác.

Rủi ro khó đánh giá nhất là rủi ro địa chất, rủi ro an ninh, chính trị và rủi ro thị trường nên các công ty thường rất thận trọng, không phiêu lưu trong quyết định của mình. Đối với một đơn vị sản xuất- kinh doanh thì tiêu chí quan trọng nhất là đầu tư phải có lãi.

Cuối cùng để đánh giá hoạt động  đầu tư trong lĩnh vực thượng nguồn  người ta dùng 3 chỉ tiêu sau đây để xem xét:

-Khả năng vất thể hóa kết quả đầu tư. Chỉ tiêu này được phản ảnh qua số lượng phát hiện dầu khí thương mại , cụ thể là số mỏ,  số trữ lượng  tại chỗ, trữ lượng thu hồi gia tăng trong mỗi năm.

-Hiệu quả vốn đầu tư, thể hiện qua chi phí phát hiện và chi phí khai thác-vận chuyển trên mỗi thùng dầu trữ lượng thu hồi.

-Tốc độ đưa phát hiện vào khai thác.Thông thường một công ty dầu được đánh giá là giỏi  khi thời gian từ khi phát hiện mỏ thương mại đến khi khai thác dòng dầu đầu tiên nằm trong khoảng từ 2 đến 3 năm.



Còn tiếp…

TS. Trần Ngọc Toản (Nguyên Viện trưởng Viện Dầu khí)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng liên kết với Nam Úc triển khai dự án đào tạo nghề


Ngày 15/11, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh chủ trì buổi tiếp đoàn công tác của Bộ Việc làm, Đào tạo và Giáo dục sau Phổ thông bang Nam Úc do Bộ trưởng Jack Snelling dẫn dầu.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Jack Snelling cho biết bang Nam Úc đánh giá cao sự phát triển của Đà Nẵng, đặc biệt là ngành công nghiệp du lịch. Ông thông báo Viện Giáo dục và Đào tạo Nghề Nam Úc (Viện TAFE) vừa ký kết dự án hợp tác với Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng mở các chương trình đào tạo hệ cao đẳng theo tiêu chuẩn quốc tế các nghề quản trị khách sạn-nhà hàng, du lịch, công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh. Ông bày tỏ hy vọng sự hợp tác giữa hai trường sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho việc mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Nam Úc và Đà Nẵng.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ chuẩn bị cơ sở vật chất cho sự phát triển của ngành công nghiệp du lịch và dịch vụ. Vì vậy, chương trình liên kết đào tạo của hai trường hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của thành phố, qua đó không chỉ cung cấp nhân lực cho Đà Nẵng mà còn cho cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Chủ tịch đề nghị cần lưu ý đến công tác quảng bá chương trình đào tạo này và xác định chi phí đào tạo hợp lý để sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận chương trình. Ngoài ra, cần xác định một số ngành nghề cần thiết cho Đà Nẵng hiện nay như nghề hướng dẫn viên du lịch để ưu tiên triển khai đào tạo. Phía thành phố cam kết hỗ trợ hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết để hai bên có thể sớm triển khai chương trình.

(Quỳnh Đan)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng: Tổ chức Lễ Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2010)


Sáng ngày 16/11, Thành uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQVN thành phố Đà Nẵng tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2010). Tham dự buổi lễ có các đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thành Ủy, Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố, Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch UBMTTQVN thành phố, các đồng chí lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVTND, AHLĐ, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBMTTQVN thành phố Nguyễn Thanh Quang đã ôn lại chặng đường lịch sử 80 năm vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất VN. Dù mang nhiều tên gọi khác nhau để phù hợp với đặc điểm và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong từng thời kỳ, nhưng Mặt trận đã luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình là giương cao ngọn cờ yêu nước, tập hợp tất cả người Việt Nam không phân biệt tôn giáo, dân tộc, chính kiến… đoàn kết một lòng phấn đấu hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Riêng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã không ngừng tăng cường củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc thông qua việc thực hiện đa dạng hoá các hình thức vận động. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống các tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, Mặt trận cũng đã tích cực vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, cứu giúp thiên tai… Riêng Quỹ Vì người nghèo đã huy động được gần 60 tỷ đồng, góp phần xây dựng và sửa chữa gần 8.000 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thành uỷ Trần Thọ khẳng định thành quả 13 năm qua của Đà Nẵng kể từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương chính là nhờ được lòng dân. Chính sự đồng thuận của người dân là nguồn lực mạnh mẽ ủng hộ, cổ vũ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, đặc biệt là sự đồng tình hưởng ứng của tuyệt đại đa số người dân trong việc thực hiện chủ trương giải toả, di dời với gần 90 nghìn hộ, tạo cho thành phố có diện mạo và sức sống như ngày hôm nay. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, đồng chí lưu ý Mặt trận thành phố các cấp cần phải đổi mới phương thức hoạt động, củng cố, mở rộng và giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân. Đặc biệt, Mặt trận phải chủ động đưa ra các chương trình, chủ trương cụ thể, thiết thực về các chính sách an sinh xã hội, an dân, giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trong nội bộ nhân dân, bảo đảm không phát sinh các điểm nóng về xã hội.

(Ngọc Thuỷ)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng: Tháo “nút thắt” cho 10 dự án lớn


Đường Nguyễn Văn Linh nối dài được đổi tên thành đại lộ Võ Văn Kiệt.

Ngày 3-11, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và Phó Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến đã đối thoại với lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện 10 dự án thuộc loại lớn nhất, ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân của TP Đà Nẵng.

Trong buổi họp, ông Thanh khẳng định nếu đơn vị thi công nào nhận quá nhiều công trình mà kham không nổi, TP sẽ thay đơn vị thi công khác để đảm bảo tiến độ. Ông Thanh lưu ý khi bố trí tái định cư phải cân nhắc giải quyết cho những trường hợp người dân cần thêm lô đất phụ (có lý do chính đáng). Ngoài ra, cần tránh nạn “cò” đất đội giá làm khó người dân.

Phối cảnh kiến trúc công trình cầu Rồng.

Ông Thanh cũng yêu cầu ban bồi thường và chủ tịch các quận, huyện không được tự tiện họp dân trong vùng giải tỏa sai quy trình. “Nếu anh nào tự ý tổ chức họp dân thì cũng nên tự giác viết đơn xin nghỉ việc” – ông Thanh nói. Hằng tuần, lãnh đạo TP sẽ đến các quận, huyện kiểm tra việc thực hiện bồi thường giải tỏa, tái định cư. Đầu tháng 12, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh sẽ họp dân để giải đáp thắc mắc về công tác giải phóng mặt bằng.

Phối cảnh kiến trúc công trình cầu Rồng.

Về chiến lược phát triển đô thị Đà Nẵng, ông Thanh cho hay sẽ phối hợp với ngành công an thu hồi đất trại giam Hòa Sơn làm mặt bằng tái định cư. UBND TP Đà Nẵng cũng quy hoạch khu phía đông thuộc Sư đoàn bay 372 thành sân bay quốc tế, khu vực phía tây sẽ là sân bay quân sự. Cạnh đó, phường Hòa An (Cẩm Lệ) sẽ được quy hoạch làm trường đại học quốc tế.

Trong buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cũng công bố khu vực đường Nguyễn Văn Linh nối dài sẽ được đặt tên của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (trở thành đại lộ Võ Văn Kiệt).

LÊ PHI


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Vietnam Airlines mở đường bay Đà Nẵng – Nhật Bản


Ngày 15-11, Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng cho biết, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã chính thức phê chuẩn lịch bay thẳng Nhật Bản – Đà Nẵng – thành phố Hồ Chí Minh – Nhật Bản với tần suất bay 7 chuyến/tuần.

Máy bay của Vietnam Airlines tại sân bay quốc tế Kansai, Nhật Bản

Theo đó, từ ngày 15-12-2010 Vietnam Airlines thực hiện khai thác tuyến bay mùa đông hai chiều từ Narita – Đà Nẵng – thành phố Hồ Chí Minh – Narita trên máy bay Airbus A321 với 184 ghế. Hành khách khởi hành tại Đà Nẵng vào lúc 2 giờ 55 phút và đến Narita (Tokyo- Nhật Bản) vào lúc 13 giờ 20 phút giờ Tokyo.

Theo Vietnam Airlines, tuyến bay hai chiều mùa đông này sẽ duy trì đến hết quý I/2011. Sau đó, Vietnam Airlines sẽ tiến hành lịch bay trực tiếp hai chiều từ Đà Nẵng – Nhật Bản – Đà Nẵng, không trung chuyển qua thành phố Hồ Chí Minh.

Được biết, qua một năm xúc tiến hình thành đường bay thẳng từ Nhật Bản – Đà Nẵng, các đơn vị chức năng đã thực hiện thành công 4 chuyến bay thuê và 10 chuyến bay tiếp dầu kỹ thuật. Từ những kết quả này, Vietnam Airlines đã triển khai chuyến bay trực tiếp Đà Nẵng – Nhật Bản với mục tiêu phát triển du lịch, thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng.

Tin và ảnh: NAM PHƯƠNG


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)