Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh chúc mừng Ban Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC


Sáng 19-7, tại Đà Nẵng, Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP. Đà Nẵng. Tham dự lễ có Trung tướng Đặng Văn Hiếu-Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Bá Thanh-Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; đồng chí Trần Văn Minh-Ủy viên TW Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố…

nguyen ba thanh

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tặng hoa Ban Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC.

Sở Cảnh sát PCCC Đà Nẵng do Đại tá Dương Cảnh Mai, Phó Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng giữ chức vụ Giám đốc Sở CSPCCC, với 3 Phó giám đốc cùng 200 cán bộ chiến sĩ với 4 phòng nghiệp vụ (Phòng Hành chính, Hướng dẫn phòng cháy, Hướng dẫn chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Hậu cần và trang bị kỹ thuật), 4 phòng CSPCCC quận, huyện (Hải Châu, Sơn Trà, Liên Chiểu, Hòa Vang). Trung tướng Đặng Văn Hiếu đã trao quyết định cho 4 đồng chí trong Ban Giám đốc Sở cảnh sát PCCC. Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tặng hoa và chúc mừng Ban giám đốc. Được biết, Đà Nẵng là 1 trong 7 tỉnh, thành phố được Bộ Công an thí điểm thành lập Sở CSPCCC.

nguyen-ba-thanh

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh chúc mừng Ban Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC

Phương Trà


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Hội nghị lần thứ XVI Ban công tác đặc biệt Việt-Lào


Ngày 18-7, tại Đà Nẵng, Ban công tác đặc biệt (BCTĐB) Chính phủ Việt Nam-Lào tiến hành Hội nghị kiểm điểm đánh giá các công việc đạt được. Dự Hội nghị có Trưởng Đoàn BCTĐB Chính phủ Việt Nam Trung tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Trưởng Đoàn BCTĐB Chính phủ Lào Trung tướng Chăn Xa Mỏn Chăn Nha Lạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

nguyen thanh cung

Trung tướng Nguyễn Thành Cung (phải) trao số tiền tượng trưng cho Trung tướng Chăn Xa Mỏn Chăn Nha Lạt.

Trong năm qua, dưới sự chỉ đạo của hai BCTĐB Chính phủ Việt Nam-Lào, hai bên đã phối hợp chặt chẽ, tích cực công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đạt hiệu quả cao. Các đội quy tập khảo sát, thu thập tài liệu, thông tin và đã tiến hành kết luận được phần lớn tình hình liệt sĩ ở địa bàn cấp huyện (trên 60% số huyện đã tìm kiếm nhiều lần, không còn thông tin mộ liệt sĩ).

Các số liệu thống kê cho thấy, mùa khô 2010-2011, hai bên đã phối hợp tìm kiếm, cất bốc hồi hương được 482 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường Lào, trong đó có 49 hài cốt liệt sĩ xác định được tên, quê quán. Lễ tiễn đưa hồi hương hài cốt liệt sĩ Việt Nam được các địa phương hai bên tổ chức chu đáo, trang nghiêm, phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán của nhân dân hai nước.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện nay các số liệu do các Đội quy tập Việt Nam thống nhất với các cấp chính quyền địa phương Lào dự kiến còn khoảng 1.500 thông tin phần mộ liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Số mộ còn lại tuy không nhiều, nhưng vì ở các địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, nhiều dữ liệu chưa đầy đủ phải tiến hành thu thập bổ sung.

Với trách nhiệm được giao, BCTĐB Chính phủ Việt Nam-Lào đã đề ra các biện pháp cụ thể để công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ mùa khô 2011-2012 và những năm tiếp theo đạt kết quả tốt hơn.

Trung tướng Chăn Xa Mỏn Chăn Nha Lạt, cho biết, Chính phủ và nhân Lào rất biết ơn sự hy sinh đóng góp to lớn của quân tình nguyện Việt Nam đối với cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân các bộ tộc Lào. Việc tìm kiếm, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam là  trách nhiệm, nghĩa vụ  và tình cảm của quân đội, nhân dân Lào.

Để ghi nhận, tôn vinh sự hy sinh to lớn, sự kề vai sát cánh của quân tình nguyện Việt Nam và cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Lào, đồng thời giáo dục truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ hai nước, đồng chí Chăn Xa Mỏn Chăn Nha Lạt nhất trí đề xuất của Trung tướng Nguyễn Thành Cung sẽ rà soát các công trình tưởng niệm hiện có và báo cáo Chính phủ hai nước về chủ trương xây dựng tượng đài, bia tưởng niệm về tình đoàn kết chiến đấu Việt-Lào ở Thủ đô Viêng Chăn và một số địa phương khác.

Nhân dịp này, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, BCTĐB Chính phủ Việt Nam trao số tiền 110.000 USD để hỗ trợ cho các hoạt động tìm kiếm, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam trong mùa khô 2011-2012 cho BCTĐB Chính phủ Lào và các địa phương.

Nguyên Châu


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ông Nguyễn Bá Thanh dự hội thảo “Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung”


Ngày 15-7, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo khoa học “Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung” (từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa) lần thứ nhất do Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng đăng cai tổ chức. Ban Điều hành Hội thảo gồm các đồng chí: Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng (UVTWĐ), Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Đào Tấn Lộc, UVTWĐ, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên và Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, Tổ trưởng Tổ Tư vấn. Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Hoàng Tuấn Anh, UVTWĐ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và 7 tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học; các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn của cả nước.

Biến sức mạnh liên kết thành “con số nhân”

Vấn đề liên kết để phát triển đã được đặt ra từ lâu, nhưng trên thực tế, mối liên kết các địa phương trong khu vực 7 tỉnh duyên hải miền Trung (sau đây gọi chung là Vùng) thời gian qua đã không được triển khai một cách mạnh mẽ vì thế không đạt được hiệu quả như mong muốn. Sự hợp tác và liên kết Vùng chưa mang lại hiệu quả từ quy hoạch phát triển, thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực đến cơ chế phối hợp điều hành. “Tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh trong Vùng khá tương đồng nhau cả về tiềm năng biển và ven biển, tiềm năng du lịch, tiềm năng phát triển cảng và các khu công nghiệp tập trung quy mô lớn. Nhưng hiện tại tính liên kết trong Vùng để cùng phát huy lợi thế cạnh tranh còn rất lỏng lẻo, thậm chí trong nội bộ Vùng còn cạnh tranh mạnh mẽ, làm cản trở sự phát triển chung” – TS Nguyễn Bá Ân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận.

Lãnh đạo 7 địa phương ký biên bản cam kết thực hiện nội dung liên kết.

Lãnh đạo 7 địa phương ký biên bản cam kết thực hiện nội dung liên kết.

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh: Phải thẳng thắn thừa nhận, sự kết nối để cùng nhau phát triển giữa các tỉnh, thành chúng ta nếu có thì phần lớn do tác động của các chính sách kinh tế vĩ mô, các chiến lược phát triển kinh tế tổng thể của quốc gia chứ chưa phải từ nỗ lực hay từ sự chủ động của mỗi địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, sự liên kết tự thân giữa các địa phương chúng ta cho đến nay vẫn nhỏ lẻ và rời rạc.

Với góc độ của một nhà nghiên cứu, TS Trần Du Lịch cho rằng, trong hai thập niên qua, nhất là trong 10 năm gần đây, Đảng bộ và chính quyền mỗi địa phương trong Vùng với khát vọng vươn lên, đã có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, thu hút đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương. Tuy nhiên, quá trình phát triển vừa qua cũng cho thấy, nếu chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh” về điều kiện tự nhiên mỗi địa phương có được để thực hiện chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư, mà thiếu sự liên kết để tạo ra “lợi thế động” nhằm tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn, thì sẽ khó có thể nâng cao sức cạnh tranh của toàn Vùng. Với sự quy hoạch phân bố lực lượng sản xuất theo mô hình cơ cấu kinh tế tỉnh dẫn đến sự phân tán nguồn lực và thiếu sự liên kết để giải quyết những vấn đề chung của bài toán phát triển đã và đang đặt ra khá gay gắt đối với mỗi địa phương.

“Nhận thức vấn đề đúng, nhưng làm thế nào trong điều kiện mà lợi ích phát triển của mỗi địa phương không chỉ có điểm tương đồng, mà còn chứa đựng cả những dị biệt, thậm chí mâu thuẫn lợi ích. Mặt khác, sự liên kết không làm mất đi động lực cạnh tranh, tính năng động sáng tạo của từng địa phương; đồng thời phải biến sức mạnh kinh tế của Vùng thành “con số nhân”, chứ không phải là “con số cộng” của 7 địa phương hiện nay” – TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Đứng về phía lãnh đạo địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, việc liên kết hợp tác đã khởi xướng từ lâu, nhưng đến nay mới có các điều kiện cần và đủ, quan trọng nhất là xuất phát từ nội tại của 7 tỉnh. “Việc liên kết sẽ có lợi cho 7 tỉnh và cả Vùng. Việc liên kết để cùng có tiếng nói chung trong đề xuất, kiến nghị giải quyết những vấn đề quan trọng về phát triển của vùng; đồng thời liên kết để bàn việc của từng tỉnh!” – Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh. Còn Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc thì cho rằng, việc liên kết trong vùng có truyền thống tốt, nhưng trước những đòi hỏi hiện nay, cần phải tăng cường hợp tác, liên kết để tăng tính cạnh tranh trong phát triển của cả Vùng…

Tập trung để huy động nguồn lực

Chính từ việc nhận thức cần thiết phải có sự liên kết của 7 tỉnh duyên hải miền Trung, hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm từ các nhà lãnh đạo, quản lý đến các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các doanh nhân…

Thông qua việc phân tích tiềm năng, thế mạnh cũng như những điểm yếu của từng địa phương và mối liên kết, hợp tác trong Vùng, nhóm nghiên cứu nội dung của Hội thảo do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) và các nhà khoa học đã đề xuất mục tiêu liên kết của Vùng là hướng đến việc khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và toàn Vùng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững. Phát triển mạnh các ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có tầm cỡ khu vực và quốc tế; ưu tiên phát triển kinh tế biển (hạ tầng cảng biển, dịch vụ hàng hải, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, chế biến và xuất khẩu thủy, hải sản), góp phần tạo việc làm, nâng cao mức sống và trình độ dân trí cho các tầng lớp dân cư. Trong đó, những năm trước mắt, ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu, có tính khả thi cao như phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ liên tỉnh; hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ phát triển du lịch; phân công, chuyên môn hóa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, đầu tư… nhằm tạo lập không gian kinh tế thống nhất toàn Vùng để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế…

Trên cương vị của mình, những nhà lãnh đạo, nghiên cứu thuộc các bộ, ngành liên quan cũng đã tán thành việc tập trung cho những lĩnh vực này và có những ý kiến bổ sung khá quan trọng. TS Nguyễn Bá Ân cho rằng: Liên kết phát triển tạo lập không gian kinh tế chung cho phát triển kinh tế của toàn Vùng để phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của các tỉnh trong Vùng. Trên cơ sở phối hợp có trọng tâm, trọng điểm ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu mà Vùng có lợi thế, tạo môi trường thuận lợi và tiền đề cho sự phát triển chung của cả Vùng như hợp tác phát triển để kết nối mạng kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng thông tin và truyền thông; cung cấp điện, nước; hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ phát triển du lịch.

Trong khi đó, bàn về một nội dung quan trọng là kết nối hệ thống hạ tầng giao thông, TS Lý Huy Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông và Vận tải) nhấn mạnh 2 nội dung liên kết. Đó là: Việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Vùng cần theo đúng quy hoạch đã đề ra, trong đó thực hiện trước các dự án ưu tiên; việc phát triển theo đúng quy hoạch sẽ bảo đảm lợi ích đóng góp tối ưu của kết cấu hạ tầng giao thông đối với phát triển kinh tế – xã hội Vùng và cả quốc gia, tránh tư tưởng cục bộ gây lãng phí trong đầu tư. Phối hợp chặt chẽ trong việc quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh; khi lập quy hoạch giao thông vận tải một tỉnh, cần có sự tham vấn các tỉnh lân cận để có phương án phối hợp quy hoạch phát triển hợp lý, thống nhất vị trí, quy mô kết nối để đảm bảo hiệu quả chung của toàn Vùng.

Về phát triển du lịch-một thế mạnh của Vùng, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, trong liên kết phát triển, phải xác định du lịch sinh thái biển là một định hướng phát triển chiến lược không chỉ cho 7 tỉnh, thành duyên hải miền Trung mà còn cho cả ngành du lịch Việt Nam. “Đây là cơ hội cực kỳ thuận lợi  giúp ngành du lịch Việt Nam cạnh tranh được với các nước trong khu vực cũng như góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, làm thay đổi bộ mặt và diện mạo các tỉnh, thành duyên hải miền Trung. Vì vậy, tập trung đầu tư cho du lịch sinh thái biển chính là đầu tư cho ngành “Công nghiệp không khói” tương lai”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhìn nhận. Đồng thuận với ý kiến này, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh cho rằng, trong liên kết khu vực, phải xác định mục tiêu trước mắt là liên kết về du lịch. Trong đó, có những vấn đề như phát triển hạ tầng du lịch, gắn kết chuỗi đô thị duyên hải miền Trung; phát triển thương mại gắn với phục vụ du lịch; liên kết tổ chức các tour, tuyến và các sự kiện phục vụ du lịch; tập trung đầu tư vốn, đào tạo nguồn nhân lực và nhất là ưu tiên cho các dự án du lịch được triển khai thuận lợi… Qua đó, cần tạo được hiệu ứng xã hội về liên kết trong du lịch. Cùng nhìn nhận về đồng thuận xã hội để tạo nên sức mạnh liên kết, PGS.TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc bắt tay nhau trong liên kết của chính quyền 7 địa phương là tốt, nhưng cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp cùng tham gia vào vấn đề này; bởi trên thực tế, nếu các doanh nghiệp không bắt tay nhau thì nỗ lực của chính quyền cũng hạn chế.

Còn với góc độ của mình, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh một vấn đề cần quan tâm trong liên kết, đó chính là những nội dung quan trọng của liên kết phải dựa trên nền tảng văn hóa để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. “Văn hóa bao giờ cũng gắn với phát triển”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đúc kết.

Là người có quá trình gắn bó với đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, GS.TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, ngoài hệ thống các trường cao đẳng, đại học hiện có thì đối với các trường cao đẳng, đại học được thành lập mới từ nay đến năm 2020, các địa phương trong Vùng cần có sự phối hợp thống nhất với nhau về cơ cấu ngành nghề, định hướng phát triển, vị trí xây dựng của từng trường… Có như vậy mới tạo nên sức mạnh về đào tạo nhân lực chất lượng cao trong toàn hệ thống cao đẳng, đại học trong Vùng.

Nhằm hiện thực hóa những nội dung liên kết được đưa ra, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà đưa ra vấn đề tài trợ vốn; trong đó ông cho biết trong những năm tới BIDV tập trung tài trợ vốn cho 4 lĩnh vực: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ liên tỉnh, quốc tế; phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch; phát triển kinh tế biển; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, ông cũng nêu lên các giải pháp cơ bản cho công tác huy động vốn phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng dựa trên liên kết, hợp tác giữa các tỉnh; trong đó có nguồn vốn quốc tế hỗ trợ chính thức phát triển, tăng cường phát hành trái phiếu địa phương, thu hút vốn thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP) và nguồn vốn tín dụng ngân hàng…

Tạo cơ chế chặt chẽ cho liên kết

Để việc triển khai những nội dung liên kết một cách cụ thể và đạt hiệu quả thiết thực, TS Trần Du Lịch đề xuất, cần xây dựng và tiếp tục tổ chức hoạt động của nhóm tư vấn liên kết phát triển. Trong đó, mỗi địa phương cử một đồng chí Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo phối hợp xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện; thống nhất thành lập Tổ điều phối Vùng và Nhóm tư vấn liên kết phát triển Vùng để chuẩn bị nội dung cho các kỳ họp và các vấn đề khác.

Nhóm Tư vấn liên kết phát triển Vùng đặt tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng; là bộ phận thường trực theo dõi, tổng hợp tình hình phát triển kinh tế – xã hội của vùng; nghiên cứu đề xuất các giải pháp, luận cứ khoa học cho việc liên kết phát triển vùng bền vững; phối hợp tham gia nghiên cứu, tư vấn cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Vùng; giúp Tổ điều phối và lãnh đạo các địa phương chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức thực hiện Biên bản cam kết và là đơn vị đầu mối tham mưu tổ chức các hội thảo, giao ban Vùng. Mỗi địa phương cũng thành lập một bộ phận chuyên trách về liên kết tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Cơ chế điều phối được đưa ra tại hội thảo là: Định kỳ họp giao ban tại các địa phương để đánh giá tình hình thực hiện các nội dung cam kết liên kết trên các lĩnh vực, thống nhất kế hoạch cụ thể cho thời gian tiếp theo, thông qua các kiến nghị chung đối với Trung ương và các bộ, ngành… Định kỳ mỗi năm từ 1-2 lần, lãnh đạo cấp cao 7 tỉnh, thành phố luân phiên tổ chức các cuộc hội thảo nhằm thu hút được nhiều ý kiến đa dạng, nhiều chiều từ các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp, là cơ sở tham khảo quan trọng để các địa phương trong Vùng hoạch định chính sách phát triển. Từ nay về sau, các địa phương thông báo cho nhau về các dự án lớn, nếu có khó khăn vướng mắc thì cùng đề xuất, kiến nghị giải quyết; lãnh đạo cấp cao phải tham dự những sự kiện lớn được các địa phương trong Vùng tổ chức…

Những nội dung này đưa vào Biên bản ghi nhớ được lãnh đạo 7 tỉnh, thành miền Trung ký kết ngay tại hội thảo, thể hiện rõ cam kết trong việc đưa nội dung liên kết vào thực tiễn.

Đồng thời, trước yêu cầu bức thiết, Hội thảo cũng đã công bố quyết định thành lập “Quỹ Nghiên cứu phát triển Vùng” để phục vụ kinh phí hoạt động của Tổ Điều phối, công tác nghiên cứu của Nhóm Tư vấn và hoạt động chung của Vùng. Quỹ được hình thành từ nguồn đóng góp của các địa phương trong Vùng (các tỉnh có nguồn thu nộp lên Trung ương đóng góp 500 triệu đồng/năm, các tỉnh còn lại 200 triệu đồng/năm), sự tài trợ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và sự ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chủ tịch Hội đồng Quỹ là ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV; các Phó Chủ tịch gồm: Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc. Ngay tại hội thảo, Chủ tịch “Quỹ Nghiên cứu phát triển vùng” Trần Bắc Hà công bố đã nhận được sự tài trợ ban đầu của các doanh nghiệp với tổng số tiền lên đến 27,6 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, vốn điều lệ ban đầu của Quỹ là trên 30 tỷ đồng.

Nhằm hiện thực hóa những nội dung liên kết đã thông qua, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc đã tiếp nhận quyền đăng cai tổ chức hội thảo lần thứ hai, dự kiến diễn ra tại thành phố Tuy Hòa vào tháng 12-2011 nhằm bàn về các vấn đề liên quan đến liên kết phát triển du lịch trong Vùng.

Nguyễn Thành


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh phát biểu tại buổi hội thảo “Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung”


Bài phát biểu khai mạc Hội thảo do đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng trình bày.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Kính thưa các đồng chí,

Thưa quý vị đại biểu,

Hôm nay, thành phố Đà Nẵng vinh dự đăng cai tổ chức Hội thảo khoa học “Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung”. Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi xin gửi đến toàn thể quý vị đại biểu lời chúc sức khỏe và lời chào mừng nồng nhiệt nhất. Sự hiện diện của các đồng chí và quý vị sẽ đóng vai trò quyết định cho sự thành công của Hội thảo khoa học lần này.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh

Thưa quý vị đại biểu,

Trong những năm gần đây, miền Trung đã và đang nổi lên với một diện mạo mới: một điểm đến du lịch hấp dẫn, một khu vực kinh tế nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, nói đến dải đất miền Trung Việt Nam, trong đó có vùng duyên hải, người ta thường nghĩ đến đó là những miền đất đầy cát, gió và nghèo khó, là nơi gắn liền với hậu quả nặng nề của chiến tranh, nơi thiên tai quanh năm tàn phá, nơi những khuôn mặt người dân sạm đi vì những vất vả mưu sinh. Chính vì vậy, đối với nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội, khúc ruột miền Trung là chủ đề bất tận để viết những tác phẩm đẹp nhưng không vui, là đích đến của những tấm lòng từ thiện sau mỗi mùa bão lũ, thiên tai.

Còn đối với các nhà quản lý, nhà khoa học có nhiều trăn trở về sự phát triển của vùng đất này, không ít vấn đề được đặt ra cần có lời giải đáp: “Tại sao được coi là khu vực “mặt tiền” của Việt Nam ra Biển Đông và Thái Bình Dương nhưng miền Trung lại kém phát triển hơn so với các khu vực khác của cả nước?”, “Phải chăng một trong những nguyên nhân của sự thua kém đó là tư duy phát triển manh mún, dàn trải, chủ yếu dựa trên thế mạnh của từng địa phương?” hay “Phải chăng đó là kết quả của việc thiếu liên kết, tạo các chuỗi mắt xích để cùng nhau phát triển vì sự thịnh vượng chung của cả khu vực?”.

Xác định vai trò quan trọng của khu vực duyên hải miền Trung trong sự phát triển chung của cả nước, Trung ương đã đề ra nhiều chủ trương và chính sách cụ thể để thúc đẩy sự đi lên của khu vực này, trong đó đặc biệt chú trọng sự liên kết Vùng. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, sự kết nối để cùng nhau phát triển giữa các tỉnh, thành chúng ta nếu có thì phần lớn do tác động của các chính sách kinh tế vĩ mô, các chiến lược phát triển kinh tế tổng thể của quốc gia chứ chưa phải từ nỗ lực hay từ sự chủ động của mỗi địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, sự liên kết tự thân giữa các địa phương chúng ta cho đến nay vẫn nhỏ lẻ và rời rạc. Điều này không khó lý giải: vì xuất phát điểm của hầu hết các tỉnh, thành còn thấp nên cần phải có sự đầu tư nhanh và nhiều. Tiềm năng và lợi thế cũng có nhiều điểm tương đồng. Do vậy, mỗi địa phương đều có sự cạnh tranh trong vận động thu hút đầu tư, chưa có điều kiện để quan tâm một cách nghiêm túc đến một chiến lược phát triển chung cho cả khu vực.

Xuất phát từ thực tế trên, hôm nay, lãnh đạo 7 tỉnh, thành vùng duyên hải miền Trung cùng với lãnh đạo các bộ, ban ngành, các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp, những người tập trung tại Hội thảo này có thể được coi là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng, một cuộc hội ngộ lớn, thể hiện ý chí, quyết tâm cao của các địa phương mong muốn gắn bó chặt chẽ với nhau hơn, hiểu nhau hơn nhằm liên kết để cùng giải quyết khó khăn và cùng phát triển.

Thưa quý vị đại biểu,

Liên kết là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và đồng thuận trên cơ sở cân bằng được lợi ích của tất cả các bên, cũng như cần đến sự hỗ trợ tích cực của Trung ương và các bộ ngành. Tôi hy vọng rằng, Hội thảo khoa học lần này sẽ là sự khởi động cần thiết để các địa phương đưa liên kết Vùng vào thực chất. Tôi tin tưởng rằng, Hội thảo là dịp tạo ra cơ hội, nếp nghĩ và cách làm việc chung giữa lãnh đạo các địa phương với nhau đồng thời sẽ đưa ra những sáng kiến và đề xuất có tính khả thi cao góp phần giải quyết những vấn đề vướng mắc tồn tại nhiều năm qua. Vì vậy, chúng tôi thực sự cầu thị và rất mong muốn được nghe ý kiến của quý vị đại biểu, những người có bề dày nghiên cứu và tâm huyết vì sự phát triển của các tỉnh, thành duyên hải miền Trung.

Với ý nghĩa đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học lần thứ nhất “Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung”.

Kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, các vị khách quý sức khỏe và thành đạt. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn.

PV


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: Liên kết không phải cộng lại


Miền Trung cần liên kết để phát triển, điều này nói nhiều, nhưng làm ít. Đã đến lúc, chuyện liên kết không thể trì hoãn mà phải bằng hành động cụ thể.

Ngày 15-7, Hội thảo Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung (từ TT-Huế tới Khánh Hòa) diễn ra tại Đà Nẵng với sự tham gia của lãnh đạo 7 tỉnh, thành phố, các nhà khoa học, các chuyên gia…

Chọn lọc liên kết

Nói như TS Trần Du Lịch – Phó đoàn ĐBQH TPHCM, liên kết để biến sức mạnh kinh tế của vùng thành cấp số nhân chứ không phải con số cộng. Đặc thù trong vùng là phát triển tương đồng theo kiểu “dàn hàng ngang”. Tỉnh nào cũng có mô hình na ná nhau, từ sân bay, cảng biển, khu kinh tế, cơ cấu công nghiệp… Điều này dẫn đến sự cạnh tranh nhỏ lẻ nội vùng, không chỉ làm suy yếu nhau mà còn mất năng lực cạnh tranh của cả vùng, yếu tố cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Từ đặc thù đó, đòi hỏi, sự liên kết phải chọn lọc để không mất đi tính năng động sáng tạo của từng địa phương. Nói cách khác, sẽ có liên kết trục dọc toàn vùng để phát triển “chiều ngang” của từng địa phương. Vậy chọn lọc vấn đề gì để liên kết? TS Trần Văn Minh– UVT.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, cần chọn du lịch là nội dung liên kết cụ thể, trước mắt và hành động ngay. Du lịch là thế mạnh mà tất cả các địa phương đều có tiềm năng. Liên kết du lịch sẽ kéo theo các vấn đề về hạ tầng, đào tạo nhân lực, nguồn vốn đầu tư các sản phẩm, các điểm đến. Bên cạnh đó, phát triển du lịch sẽ kéo theo phát triển y tế, văn hóa, dịch vụ… Đồng quan điểm, ông Hoàng Tuấn Anh-UVT.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cho rằng, với lợi thế bờ biển dài, các Di sản thế giới, các điểm đến hấp dẫn, du lịch trong vùng rất cần hợp lực để phát triển lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng. Năm 2010, cả nước có 5 triệu khách quốc tế thì riêng trong vùng đã có 2,5 triệu, một con số ấn tượng.

Quang cảnh hội thảo.

GS.TSKH Bùi Văn Ga- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, trong vùng cần có phân cấp đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực. Cần có các đại học chuyên ngành gắn liền với từng địa phương để đào tạo ra nhân lực chất lượng cao. Bản thân các trường đại học chuyên ngành này kinh phí đầu tư rất lớn, đòi hỏi các địa phương trong vùng cần liên kết, phân công đầu tư. Chẳng hạn tại Quảng Nam cần xây dựng đại học Văn hóa- Du lịch dựa trên nền tảng văn hóa địa phương và du lịch Vùng, đại học Tài nguyên và Môi trường với các chuyên ngành năng lượng, môi trường, tài nguyên, biến đổi khí hậu… Hoặc ở Quảng Ngãi cần xây dựng đại học Công nghệ với các ngành cơ khí, điện-điện tử, công nghệ lọc hóa dầu, chế biến dầu khí… Phát triển Đại học Đà Nẵng thành đại học nghiên cứu theo định hướng ứng dụng. Việc phân công đào tạo, theo hướng các đại học vùng, đại học chuyên ngành, đại học nghiên cứu phù hợp với điều kiện, lợi thế từng địa phương sẽ tránh tình trạng đào tạo trùng lặp, đầu tư nhiều, nhân lực đào tạo ra nhiều nhưng thiếu nhân lực cao, chuyên sâu, không theo kịp xu hướng thị trường.

Lấy kinh tế biển và du lịch làm đầu mối liên kết - khả năng nằm trong tiềm năng và lợi thế của các tỉnh, thành phố miền Trung (trong ảnh: Tàu du lịch nước ngoài đến Đà Nẵng).

 

Có kết nối mới liên kết

Do đặc điểm địa lý, các tỉnh trong vùng cách nhau khá xa, trung bình 100km, do đó việc liên kết giao thông có vai trò mấu chốt. Ông Đào Tấn Lộc- UVT.Ư Đảng, Bí thư tỉnh Phú Yên cho rằng, mỗi tỉnh đều có vài chục ki-lô-mét đường ven biển. Bây giờ phải kết nối các đầu mối, cùng chung sức để thông suốt con đường này. Bởi nó có ý nghĩa lớn phát triển kinh tế biển, du lịch, quốc phòng. Ông Lộc cũng đề cập đến chuyện liên kết đội tàu đánh bắt đủ lớn mạnh để vươn ra biển Đông.

Vì sao phát triển na ná nhau, ông có cảng, sân bay thì tôi cũng phải có. Vì cái tư duy theo nhiệm kỳ. Biết là giống nhau nhưng cũng làm để tạo dấu ấn, không người ta lại bảo cả nhiệm kỳ không để lại cái gì. Phải biết hy sinh vì cái lợi ích chung lâu dài, toàn vùng, thì liên kết mới thực sự hiệu quả, bền vững. PGS.TS Lê Xuân Bá- Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.Hiện mỗi tỉnh có hàng ngàn tàu khai thác, cần liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, hình thành các tập đoàn khai thác, hậu cần, vận chuyển, hỗ trợ nhau trên biển vững mạnh. Chia sẻ vai trò của liên kết giao thông trong toàn vùng, ông Phạm Ngọc Minh – Tổng GĐ Tổng Cty Hàng không Việt Nam cho biết, máy bay vận chuyển hành khách không thiếu. Nhưng vì sao thời gian qua cứ bị quá tải. Nguyên nhân vì hạ tầng hàng không chưa đủ mạnh. Nguyên tắc khi khách đông, Tổng Cty sẽ rút máy bay nhỏ, thay máy bay lớn hơn, nhưng điều kiện cảng lại không đáp ứng đủ. Thành thử nâng cấp hạ tầng sân bay các tỉnh trong vùng là cấp bách, bởi lượng khách trong khu vực đang tăng mạnh, tính riêng năm 2010 đã có hơn 3,5 triệu khách nội địa, chiếm 43% khách vận chuyển của Vietnam Airlines.

Bên cạnh đó, các tỉnh trong vùng cần liên kết phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm khai thác thế mạnh về vùng nguyên liệu, lao động; hợp tác trong việc huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế chính sách để đầu tư phát triển chung của vùng; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh vùng; hợp tác bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu… Tất cả các vấn đề liên kết đó là nhu cầu thực tiễn đòi hỏi có chọn lọc, cần một quá trình thực hiện. Sự liên kết này vừa chắp cánh phát triển các thế mạnh đồng thời không triệt tiêu động lực cạnh tranh của mỗi địa phương.

nguyen ba thanh

Ông Nguyễn Bá Thanh - UVT.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

* Ông Nguyễn Bá Thanh – UVT.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

Liên kết vùng là vấn đề 500 năm qua giải quyết chưa đến nơi đến chốn. Nhận thức thì ngon đấy nhưng hành động cụ thể lại không làm được.

Trong vùng có lợi thế là mặt tiền hướng ra biển Đông nhưng cũng là khu vực kém phát triển so với nhiều vùng, phải chăng vì phát triển manh mún, thiếu liên kết? Lần này lãnh đạo các tỉnh chủ động liên kết với quyết tâm cao, trên cơ sở chia sẻ lợi ích các bên, đưa vùng phát triển mạnh, giàu sức cạnh tranh. Quyết tâm thì có, còn lại là hành động, phải cụ thể, không thể nói xong để đó.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đòan tầu hải quân Hoa Kỳ thăm thành phố Đà Nẵng


nguyen ba thanh

Tàu USS Chung Hoon. Ảnh: defense.pk

Được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam, đoàn tàu Hải quân Hoa Kỳ gồm ba chiếc sẽ thăm thành phố Đà Nẵng từ ngày 15 đến 21 – 7.

Trong thời gian chuyến thăm, sĩ quan và thủy thủ đoàn tàu sẽ đến chào lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Theo Cục đối ngoại, Bộ Quốc phòng, trong khuôn khổ chuyến thăm này, hải quân hai nước sẽ tiến hành các cuộc trao đổi chuyên môn về tìm kiếm cứu nạn, hoa tiêu hàng hải, lặn cứu hộ và y học dưới nước, kiểm soát hư hại/sức sống tàu và thông tin liên lạc.

Bên cạnh đó, thủy thủ đoàn tàu Hoa Kỳ cũng sẽ giao lưu thể thao và văn hóa với sỹ quan, thủy thủy Hải quân nhân dân Việt Nam và nhân dân địa phương.

Đoàn cũng thực hiện một số hoạt động tại địa phương như khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí, thăm và tặng quà các em thiếu nhi khuyết tật.

Theo kế hoạch, đoàn tàu Hải quân Hoa Kỳ gồm tàu khu trục USS Chung Hoon, tàu khu trục USS Preble và tàu cứu hộ USNS Safeguard sẽ cập cảng Tiên Sa lúc 8 giờ sáng 15 – 7.

Lễ đón đoàn tàu tại cảng sẽ diễn ra từ 11h đến 11h30’ cùng ngày.

Ngay sau đó, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng sẽ phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức họp báo về chuyến thăm của đoàn tàu. Báo QĐND Online sẽ cập nhật thông tin về sự kiện này.

Ngọc Hưng


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Con đường Nam quốc sơn hà Kỳ 3: Khi bộ đội thời bình hóa “Bộ đội Trường Sơn”


Kỳ 3: Khi bộ đội thời bình hóa “Bộ đội Trường Sơn”

Trên đường tuần tra biên giới đang mở, bên cạnh mái đầu hoa râm của những người lính từng mở đường trong những năm chống Mỹ, hầu hết là những gương mặt trẻ. Họ đã lớn lên như lửa thử vàng, như “rõ mình” hơn ở nơi còn in bóng dáng một thời thế hệ cha anh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”…

Những vùng đất “đệ nhất khổ”

Chỉ nhìn nước da đen sạm, bộ quân phục loang lổ vết muối mồ hôi trong cái nắng bỏng rát Tây Nguyên cũng đủ biết Thượng úy Đặng Văn Tuấn, 33 tuổi, quê Hải Phòng, chỉ huy trưởng công trường Công ty 145 (Binh đoàn 12) tại xã Đắc Long, huyện Đắc Glây (Kon Tum) phải lăn lộn với con đường này ra sao. Đã bốn năm rồi, anh và đồng đội mở núi để làm đường trên bình độ 1500m. Chỉ có 8km đường mà họ đã phải đào tới hơn 1,2 triệu mét khối đất đá trong 2 năm qua. Về thăm vợ vừa sinh đứa con đầu lòng được 3 ngày thì Tuấn khoác ba lô vào Kon Tum nhận nhiệm vụ. Anh đã có tới hai lần thoát chết trong gang tấc. Lần đầu đi nhận tuyến, cả nhóm như đàn khỉ leo lên vách đá cheo leo. “Rắc”, mỏm đá Tuấn bám trượt vỡ, anh lăn xuống, nghĩ mình chắc chết thì may bám vào được một dây leo. Lần khác, Tuấn ở lại trực Tết trên công trường năm 2009. Chiều mồng 2 Tết, xa nhà, buồn tê tái, anh em rủ nhau ra làm… khai xuân và cũng để vơi đi nỗi buồn. Tuấn cùng cậu Hiệp lên đỉnh dốc nổ mìn phá đá. Hai anh em đã đào một công sự ẩn nấp. “Ầm”, “ục, ục, ục”, đá từ trên đỉnh lũ lượt lăn xuống. “Chạy mau”, Tuấn chỉ vội hét lên rồi kéo Hiệp nhảy khỏi công sự. Cả hai nhanh trí nhìn thấy cái máy đào đỗ gần đó, vội vàng chui vào gầu máy lánh nạn. “Binh!” – tảng đá khổng lồ lao thẳng đè lên gầu máy đào rồi khựng lại. Suốt chiều hôm ấy, anh em đào bới mới đẩy được đá, cứu hai người ra. Nếu không có cái máy đào, có lẽ cả hai đã tan xương nát thịt.

nguyen ba thanh

Bữa cơm của công nhân trẻ tại Kon Tum trong những ngày mưa thiếu thực phẩm. Ảnh: Nguyên Minh.

28 tuổi, Trung úy Phạm Văn Tuấn là phó giám đốc xí nghiệp trẻ nhất của Công ty xây dựng Lũng Lô. Ngày 1-6-2009, Tuấn vừa nhận quyết định bổ nhiệm chức phó giám đốc thì nhận lệnh gói ghém ba lô đi làm đường tuần tra biên giới. Nhanh đến mức, anh cũng chưa biết con đường này nó hình thù ngang dọc ra sao. Và rồi, nơi anh tới là một xứ “khỉ ho cò gáy”: Gói thầu ở Đắc Sú (Kon Tum) sát biên giới nước bạn Cam-pu-chia. Đường vào tuyến không có, phải nhờ nước bạn, làm một con đường công vụ 15km để đưa vật liệu, xăng, dầu vào. Nhưng đường công vụ cũng dốc dựng đứng, mọi thứ lại phải tập kết ở đầu đường, rồi dùng xe ủi ra “cõng” từng thứ. Tiếng là phó giám đốc, nhưng Tuấn chủ yếu đi bộ, đi xe máy, họa hoằn đường tốt mới được ngồi xe u-oát mà có lẽ tuổi đời của nó còn lớn hơn cả tuổi Tuấn.

Chỉ có trên đường tuần tra biên giới

Ăn khổ, ở khổ, ngày nào cũng dãi dầu cái nắng như thiêu nên khi gặp dòng suối nước trong vắt, cánh lính trẻ Công ty Đồng Tân (Quân khu 7), đang thi công tuyến đường ở nam sông Ia Đrăng, huyện Chư Prông (Gia Lai) sướng “phát điên”. Chiều muộn, cậu Nam, kỹ sư cầu đường rủ cậu Hùng, cán bộ vật tư đi tắm, thì thầm bảo nhau: “Cuối tuần về thăm nàng, người ngợm phải “tươm tươm” tý. Lính thì phải “tráng”, lại giữa rừng già, chẳng một bóng phụ nữ, tội gì không… tắm tiên. Hai chàng nhảy xuống suối, hí hửng vẫy vùng.

“Cứu… cứu… em”… “Cứu em”!

Những tiếng kêu thảng thốt khiến anh Dũng, chỉ huy trưởng công trường cùng anh em đang ăn cơm quẳng bát đũa chạy ra. Trên bờ suối, hai chàng trần như nhộng, tay tóm chặt chỗ kín nhảy tưng tưng, mặt còn lộ vẻ kinh hoàng, máu tuôn ra đỏ lòm cả bàn tay.

- Chúng mày bị làm sao thế?

- Các anh ơi! Con gì nó đớp, đớp… ấy chúng em!

- Chết! Đớp mất rồi à, có còn tý nào không? Quân y đâu?

Quân y chạy ra, nhưng không tài nào cầm máu được. May mà “phần quan trọng” của hai chàng vẫn còn, chỉ bị thương. Anh em vội vàng đưa hai chàng lên cáng, phủ chăn, chạy bộ ra Trung tâm y tế gần đó. Bác sĩ cho biết, họ đã bị cá cóc, một loài cá rất độc ở vùng Ia Đrăng cắn vào hạ bộ. Loài cá này khi chết phình to như quả bóng, con vật nào ăn phải nó cũng chết luôn. Nó cắn ai thì cầm máu rất khó, nếu không có thuốc đặc trị có thể mất máu mà chết. Hùng và Nam thoát nạn. Từ ấy, anh em chấp nhận là những kẻ “kém tắm”, không ai dám bén mảng tới bờ suối nọ.

nguyen ba thanh

Cán bộ chiến sĩ đơn vị công binh H8 (Quân chủng Phòng không – Không quân) thường treo hàng loạt điện thoại di động trên dây phơi để đón “sóng rơi, sóng vãi”. Ảnh: Nguyên Minh.

“Làm giám đốc không cần phải biết nấu cơm” – Trung tá Đỗ Quang Tiến, Giám đốc xí nghiệp 9 (Công ty 319) giờ đây đã phải ân hận vì quan niệm này. Năm 2008, anh vào chỉ huy làm đường bên bờ sông Sa Thầy, tỉnh Gia Lai, khí thế bừng bừng. Được một tháng, công việc đang ngon ăn thì 5, 10, 15, 20 rồi đến… 50 anh chàng to như trâu mộng cứ thế lăn đùng ra sốt rét. Quân y, thủ kho, rồi cấp dưỡng sốt rét hết. Chỉ còn mình Tiến phải vào bếp nấu ăn phục vụ mấy… “ông trẻ”. Khổ thân anh, từ bé đến giờ chưa một lần… cầm dao, phải vừa vào bếp, vừa ra giường hỏi mấy chú em đang rên hừ hừ cách chế biến. Sau đợt ấy, anh em gọi đùa gói thầu đồn 721 là gói thầu “bảy hai sốt”.

Đoàn cán bộ của Trung tâm Tư vấn khảo sát thiết kế công trình quốc phòng đi khảo sát tại Bù Gia Mập thì bất ngờ chạm trán một đàn voi rừng. Con voi đầu đàn rất hung dữ, xông thẳng tới đoàn. Trước tình huống nguy cấp ấy, Lê Văn Ngọc, chàng trai trẻ nhất đã nhanh trí ra hiệu cho mọi người ngồi xuống nấp. Riêng cậu thì dũng cảm chạy sang hướng khác gây sự chú ý của đàn voi, giúp mọi người an toàn.

Mùa mưa, đường vào tuyến nhão nhoẹt, khi vào công trường, bạn sẽ bắt gặp những chiếc xe máy nom vô cùng quái dị. Bánh xe được quấn thêm một lớp xích xe đạp chằng chịt để tăng độ bám. Bộ đội làm đường nhìn như chàng Đông-ki-sốt, đánh vật với chiếc xe như con ngựa bất kham vùng vẫy giữa dòng sông bùn. Đó cũng là phương tiện giao thông duy nhất tồn tại được trong mùa mưa.

Xác ô tô, xác xe máy cũng ngổn ngang dọc các cung đường. Mới có mấy năm ra quân, nhưng đã có tới hàng chục ô tô, xe máy thành sắt vụn vì gặp sự cố hoặc hỏng hóc do đường quá xấu.

Đến doanh trại của Lữ đoàn 28, Công ty 319, 789 và nhiều nơi khác, chúng tôi bắt gặp những chiếc điện thoại di động treo lơ lửng trên cành cây hay dây thép trước hiên nhà. Anh em đã dò tìm, nơi ấy, chỗ ấy có “sóng rơi, sóng vãi” của Viettel. May mắn hôm nào trời quang mây tạnh, sóng khỏe thì lõm bõm đàm thoại được dăm ba câu. Còn bình thường, điện thoại cứ treo đó, tin nhắn sẵn rồi, khi có sóng thì máy tự gửi đi!

Báo chí là thứ quý hiếm, anh em đọc đến nát nhàu. Thượng úy Nguyễn Xuân Hưng, Công ty 789 kể, có hôm vào thăm anh em, mua ít thịt chó cho anh em cải thiện. Thịt chó gói giấy báo, lấy thịt ra rồi, cánh lính trẻ phơi báo cho khô, rồi vuốt thẳng để đọc cho đỡ phí!

Chó là con vật được nuôi khá nhiều trên các tuyến đường. Chúng vừa đuổi rắn, vừa canh trộm. Anh em hầu như không bao giờ giết chó mình nuôi mà có khi còn được chúng… nuôi lại. Như con chó của kỹ sư Cường ở công ty 789 từng lập công khi phát hiện một con lợn rừng bị thương xuống suối uống nước. Anh em nhờ thế được… “một bữa no”!

Niềm tin, trăn trở và kỳ vọng

Đường tuần tra biên giới đã thực sự là nơi “lửa thử vàng”, có khá nhiều kỹ sư trẻ đã trở thành lãnh đạo các xí nghiệp mạnh. Cũng đã có rất nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân, chiến sĩ… được đứng trong hàng ngũ của Đảng từ công trường gian khổ này. Theo Đại tá Nguyễn Công Linh, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án 47, mỗi năm có tới hàng chục bạn trẻ được các chi bộ đội sản xuất, trung đội, đại đội công binh đề nghị kết nạp vào Đảng. Tuy nhiên, có một thực tế đáng suy nghĩ là làm thế nào để có nhiều bạn trẻ tài giỏi đến với con đường chiến lược này thì vẫn là một bài toán cần giải. Từ năm 2007 đến nay, Ban quản lý dự án 47 đã tuyển dụng hơn 20 kỹ sư trẻ vào làm việc. Nhiều người không sợ khó, sợ khổ nhưng do mức lương còn thấp, chỉ trên dưới 2 triệu đồng/tháng, rất chênh lệch so với làm việc ở thành phố và ở các đơn vị bên ngoài nên nhiều người đã xin chuyển công tác. Ở các đơn vị như đoàn 299, 239, 543, 83, 131, mỗi gói thầu đều có hàng chục chiến sĩ trẻ ngày đêm miệt mài làm đường. Là chiến sĩ nghĩa vụ nên họ không có lương, chỉ có vài trăm nghìn đồng phụ cấp mỗi tháng. Rất ít người trong số họ có cơ hội được đi học sĩ quan hay chuyển sang chế độ chuyên nghiệp.

Năm 2009, khi đến làm việc với Ban quản lý Dự án 47, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã ghi nhận, cho phép thực hiện cơ chế tuyển dụng và đãi ngộ đặc thù để thu hút nhiều nhân tài tham gia xây dựng đường tuần tra biên giới. Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Công Linh, vì nhiều lý do, chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” đó vẫn chưa được cụ thể hóa để trở thành hiện thực.

Từ thực tế tìm hiểu hoạt động của bộ đội làm đường tuần tra biên giới ở miền Trung, Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, cựu sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp đã liên hệ cách thu hút giới trẻ tham gia xây dựng tuyến đường sắt Bai-kan – A-mua xuyên Xi-bê-ri mà ông và bạn bè từng trải qua. Công trường thanh niên cộng sản này được coi là điểm đến, là niềm tự hào của tuổi trẻ, thôi thúc hàng triệu sinh viên các trường đại học trên toàn Liên Xô tình nguyện tham gia. Đường tuần tra biên giới, con đường chiến lược nếu như gắn với việc phát động một phong trào tuổi trẻ rộng khắp, chắc chắn sẽ thu hút được rất nhiều bạn trẻ có tài, có đức, cống hiến và trưởng thành!

————-


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)