Đà Nẵng tìm kiếm giải pháp triển khai “Thành phố Wifi”


Chiều 12-9, tại Công viên Phần mềm Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng phối hợp với Công ty Juniper Networks tổ chức hội thảo lấy ý kiến về giải pháp xây dựng Đà Nẵng thành “Thành phố Wifi”.

Đại diện nhà cung cấp mạng của Công ty Juniper đang trình bày tính năng ưu việt của giải pháp mạng Wifi Juniper Wireles.

Đại diện nhà cung cấp mạng của Công ty Juniper đang trình bày tính năng ưu việt của giải pháp mạng Wifi Juniper Wireles.

Tại hội thảo, đại diện Juniper đã cung cấp giải pháp mạng Wifi Juniper Wireless với tính năng vượt trội như: độ tin cậy, hiệu năng, bảo mật và khả năng quản lý mạng WLAN cao; hệ thống mạng mới dựa trên hạ tầng chuyển mạch vô tuyến và hữu tuyến giúp tiết kiệm đường đi của gói tin mà vẫn đảm bảo chất lượng cao; trang thiết bị có thể đầu tư theo giai đoạn nên giúp cho tổng chi phí ở mức thấp nhất…

Theo ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông thành phố Đà Nẵng, việc phủ sóng Internet không dây (Wifi) cho thành phố sẽ góp phần hỗ trợ cung cấp và sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch…để người dân và khách du lịch tiếp cận thông tin và dịch vụ hành chính công mọi lúc, mọi nơi trên địa bàn thành phố.

Đắc Mạnh

(Theo baodanang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng – Thành phố thân thiện với môi trường


Thành phố Đà Nẵng vừa được trao giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN năm 2011”. Lễ trao thưởng được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN tại Bali, Indonesia vào ngày 23-11-2011. Những thành tựu về xây dựng và bảo vệ môi trường của Đà Nẵng đang được tôn vinh và hình ảnh đô thị Đà Nẵng được quảng bá ra bạn bè quốc tế.

images726105 danang S5300073 Đà Nẵng   Thành phố thân thiện với môi trường

Thành phố Đà Nẵng được vinh danh là thành phố môi trường bền vững ASEAN 2011. (Ảnh tư liệu)

Ông Nguyễn Trung Chính, một cựu sĩ quan quân đội quê ở Đại Lộc (Quảng Nam) đã chọn phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn làm quê hương thứ hai. Tôi gặp ông hằng ngày. Ông nói: “Ở Đà Nẵng, tôi khao khát được sống, được tận hưởng thành quả của sự phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội mà lớp con cháu đang dựng xây”. Biết tôi là nhà báo, ông xem tôi như bầu bạn. Ông hốt hoảng khi hệ thống nước thải tại khu vực Sao Biển chảy ra bãi tắm. Ông vui khi nhặt nhạnh từng bẹ dừa khô ven đường trong buổi sớm mai. Ông kể, báo chí khen ông Hồ Việt, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (tỉnh QN-ĐN) sáng sáng, chiều chiều nhặt từng cọng rác nhỏ bỏ vào thùng để cho bãi biển Phước Mỹ thêm sạch là tốt quá. “Già mẫu mực thì trẻ xông pha”, ông Chính nói thêm. Hiện ông Hồ Việt cũng đề xuất ý tưởng lập “Hội những người yêu biển Đà Nẵng” để bảo vệ môi trường bãi biển.

 

Bạn trẻ Lê Thị Trang, CLB Môi trường – Đại học Bách khoa Đà Nẵng trong một chuyến tham gia bảo vệ môi trường biển khoe: “Đà Nẵng hiện nay có khoảng 10 CLB hoạt động chuyên sâu về lĩnh vực môi trường. Các CLB luôn hành động kêu gọi bảo vệ môi trường, kết hợp với tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân hiểu sâu hơn và tham gia tốt hơn vào việc tự giác bảo vệ, cải thiện môi trường sống của chính mình”.

 

Thông tin về thành phố Đà Nẵng được vinh danh “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN-2011” được người dân đón nhận với niềm tự hào. Nhớ lại, năm 2008, thành phố Đà Nẵng đã chạm tới danh vị này nhưng ngay thời điểm nhận giải, Công ty CP Thép Thành Lợi lúc bấy giờ nhập về Cảng Tiên Sa trên 400 tấn thép phế liệu có chứa chất thải độc hại. Sự kiện này làm cho thành phố càng quyết tâm hơn trong việc quản lý và bảo vệ môi trường.

 

Anh Nguyễn Có, công nhân tại KCN Hòa Khánh cho biết, hiện môi trường ở KCN đã được cải thiện. Nhận thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN) đối với bảo vệ môi trường được nâng lên. Ví như Công ty CP Thép Đà Nẵng sau thời gian đứng trước nguy cơ bị đóng cửa do sản xuất gây ô nhiễm môi trường, đến năm 2010, công ty đã chuyển thông điệp đến người lao động rằng “Bảo vệ môi trường hay là chết” bằng khẩu hiệu ngay trước công ty, nhà xưởng. Theo đó, công ty đã đầu tư và đưa vào vận hành Hệ thống bảo vệ môi trường đặc dụng. Được biết, Công ty CP Thép Đà Nẵng có số vốn điều lệ ban đầu khi cổ phần hóa là 41 tỷ đồng, nhưng sau 3 năm đã quay lại đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường hơn 30 tỷ đồng. Từ một điểm đen về ô nhiễm môi trường, cho đến thời điểm này, thông qua các số liệu quan trắc đo đạc của cơ quan chức năng, Công ty CP Thép Đà Nẵng có thể khẳng định đã giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất luyện thép gây ra.

 

Một câu chuyện khác làm người nghe hoài nghi nhưng đó là chuyện có thật. Ngày mùng 6 Tết Tân Mão 2011, đoàn công tác do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương dẫn đầu đến thăm một DN chế biến thủy sản trên địa bàn quận Sơn Trà. Vị giám đốc đưa đoàn đi thăm xưởng sản xuất và thăm hệ thống xử lý nước thải. Không ngần ngại, vị giám đốc vốc nước trong bể sau xử lý lên rửa mặt. Trên đường về, có người nghi ngại ông giám đốc đang diễn kịch nhưng cũng có ý kiến: “Diễn để làm gì? Đầu năm mới, Tết nhứt mà vốc nước bẩn lên mặt thì… không đáng để diễn đâu”.

 

Du khách tấm tắc khen Đà Nẵng nhiều không kể xiết. Nhiều người “mắt tròn, mắt dẹt” khi nghe kể về những chủ trương của thành phố như ngoài việc bảo vệ môi trường từ định hướng vĩ mô, Đà Nẵng còn hiện thực hóa bằng nhiều giải pháp cụ thể và độc đáo. Chẳng hạn, nếu người nào phát hiện hành vi đổ rác không đúng nơi quy định sẽ được thưởng nóng 1 triệu đồng. Theo đó, tất cả các quận, phường phải lập đường dây nóng, cử lực lượng trực 24/24 giờ để nhận tin báo. Khi nhận tin, lập tức có mặt ở hiện trường lập biên bản xử lý. Đây được coi là liệu pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng đổ rác trộm, đồng thời kích thích người dân tham gia vào việc phát giác, ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm môi trường.

 

Có thời gian, tình trạng đổ xà bần, rác tràn lan trên các lô đất chưa xây dựng, lại thường vào ban đêm nên khó phát hiện. Nhưng từ khi có chính sách thưởng cho người báo tin, xử lý nặng, kiên quyết với các hành vi đổ rác trộm, tình trạng này gần như không còn. Sau khi chặn đứng việc đổ rác, thành phố tiến hành bước tiếp theo là xử lý các lô đất đã bị đổ rác, xà bần cho sạch sẽ để tránh ô nhiễm, dịch bệnh.

 

Thành phố đã triển khai cách làm rất hay được nhiều người đồng tình. Đó là bỏ tiền thuê người dọn sạch, sau đó cho thuê hoặc rào lại. Các chủ đất khi muốn bán hoặc sử dụng lô đất đó xây nhà phải trả lại tiền thành phố đã bỏ ra dọn rác. Hầu hết chủ nhân các lô đất này đều ở xa, mua để đầu cơ, ít có cơ hội chăm lo, vì thế khi được thành phố dọn dẹp, quản lý hộ thì rất đồng tình. Trong khi nhiều thành phố khác còn loay hoay chưa biết xử lý thế nào với đất bỏ hoang, thì với cách làm sáng tạo trên của thành phố Đà Nẵng vừa tránh được tình trạng lãng phí đất vàng do để không, lại vừa bảo vệ được môi trường trong lành.

 

Ở Đà Nẵng, ý thức tự giác trồng thêm cây xanh đường phố của người dân được ước tính chiếm 35-40% số lượng cây xanh trồng mới hằng năm. Nhiều gia đình tự bỏ tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng trồng cây xanh trước nhà để tạo cảnh quan, đẹp nhà, đẹp phố.

 

Tâm huyết xây dựng “Thành phố môi trường” luôn được thắp lửa bởi ý chí từ phía lãnh đạo thành phố. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã thẳng thừng từ chối tiếp nhận dự án hàng tỷ USD bởi những lo ngại ảnh hưởng về môi trường. Hay như mới đây, ngày 16-8-2011, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã “vi hành” kiểm tra tình hình thực tế và trực tiếp chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường tại âu thuyền Thọ Quang. Sự kiện này được coi là thông điệp khẳng định rằng lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đang và sẽ kiên quyết trả lại môi trường xanh, sạch, đẹp cho cộng đồng bằng những nỗ lực cao nhất, đưa Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống với sự phát triển bền vững về môi trường.

 

Trên nhiều diễn đàn hội nghị, hội thảo trong nước, mỗi lần nói về  vấn đề môi trường, người ta lại viện dẫn việc Đà Nẵng từ chối 2 “siêu” dự án FDI với tổng vốn 2,5 tỷ USD để minh chứng. Chưa địa phương nào ở Việt Nam “dũng cảm” như thế. Điều đó minh chứng Đà Nẵng đang quyết tâm xây dựng “Thành phố môi trường”, chú trọng phát triển bền vững chứ không chạy theo đầu tư bằng mọi cách. Ngay tại Diễn đàn Kiến trúc châu Á với sự tham gia của đại diện 16 quốc gia được tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua, trong diễn văn phát biểu đại diện cho Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tự hào nói: Thành phố Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là thành phố đang đổi mới mạnh mẽ, đi tiên phong phát triển đô thị theo hướng bền vững.

 

TRIỆU TÙNGDaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ông Nguyễn Bá Thanh thăm, tặng quà Tết Trung thu cho trẻ em


Đến thăm và tặng quà cho các cháu thiếu nhi, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại Trường Chuyên biệt Tương Lai nhân dịp Tết Trung thu – 2011, ngày 9-9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanhchúc các cháu sức khỏe, nghe lời thầy cô và các bậc cha mẹ.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tặng quà cho thiếu nhi sau mổ tim bẩm sinh đang điều trị tịa Bệnh viện Đà Nẵng

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tặng quà cho thiếu nhi sau mổ tim bẩm sinh đang điều trị tịa Bệnh viện Đà Nẵng

Bí thư Thành ủy biểu dương những kết quả của thầy và trò nhà trường đạt được trong những năm qua; căn dặn các thầy cô giáo, nhân viên nhà trường kiên trì và có những giải pháp sáng tạo trong việc dạy học, chăm sóc các em bằng chính tấm lòng của mình; đồng thời cho rằng, chỉ số hài lòng của các bậc phụ huynh về sự tiến bộ của con em, học sinh chính là chỉ tiêu quan trọng nhất trong việc phấn đấu dạy và học của nhà trường.

Hiện nay, Trường Chuyên biệt Tương Lai có 154 học sinh từ cấp học mầm non đến THCS, nuôi dạy các em học sinh khiếm thính và dị tật bẩm sinh.

* Nhân dịp Tết Trung thu, sáng cùng ngày, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã đến thăm, tặng quà cho 25 cháu thiếu nhi sau mổ tim bẩm sinh tại Đơn vị Tim Mạch, Bệnh viện Đà Nẵng.

* Ngày 9-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh đến thăm, tặng quà Tết Trurg thu cho trẻ em Làng Hy vọng. Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Nguyễn Xuân Anh biểu dương thầy cô Làng Hy vọng đã vượt mọi khó khăn về tài chính và đời sống, chăm lo cho các em nên người; đồng thời mong các em chăm ngoan, học giỏi để tương lai được tươi sáng hơn.

* Cũng trong ngày 9-9, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang đã đến thăm, tặng quà và chúc Tết Trung thu gần 200 học sinh khuyết tật Trường Chuyên biệt Thanh Tâm.

Được thành lập từ năm 1990 và chuyển sang cơ sở mới trong năm 2010, Trường Chuyên biệt Thanh Tâm là một trong số ít những trung tâm giáo dục dành cho trẻ em khiếm thính, thiểu năng trí tuệ, thiểu năng vận động đầu tư cơ sở vật chất hiện đại tại thành phố Đà Nẵng.

THÀNH – HOA – DŨNG (Theo BaoDaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh làm việc với Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng


Ngày 8-9, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đã làm việc với Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng cùng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan để kiểm tra tiến độ xây dựng Bệnh viện Ung thư.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh nghe báo cáo về tiến độ xây dựng và công tác chuẩn bị cho Bệnh viện Ung thư

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh nghe báo cáo về tiến độ xây dựng và công tác chuẩn bị cho Bệnh viện Ung thư

Theo báo cáo của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng, từ năm 2010 đến nay, Ban Quản lý dự án Bệnh viện Ung thư đã tuyển dụng và đưa đi đào tạo 110 bác sĩ, kỹ sư, kỹ thuật viên (trong đó có 35 bác sĩ, 6 kỹ sư, 4 dược sĩ và các kỹ thuật viên, điều dưỡng…).

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh, để chuẩn bị cho Bệnh viện Ung thư đi vào hoạt động trong năm 2012, cần hình thành Ban Giám đốc, đội ngũ các khoa, trong đó ưu tiên những khoa chủ lực, thu hút các bác sĩ có kinh nghiệm và năng lực từ Hà Nội vào. Đồng thời lãnh đạo bệnh viện phải là người quản lý giỏi, vừa giỏi về tài chính, vừa hiểu biết về y học. Nhiệm vụ hàng đầu của Bệnh viện Ung thư là chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư, sau đó là chữa trị bệnh, đồng thời nghiên cứu phát đồ điều trị ung thư. Trước mắt tập trung vào một số bệnh chính mà người dân thường mắc phải (ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung, ung thư gan…).

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng nồi cháo từ thiện tại Bệnh viện Ung thư nhằm hỗ trợ và chia sẻ với những bệnh nhân nghèo. Đây cũng là bệnh viện phi lợi nhuận, bệnh nhân nghèo được giảm từ 30-50% chi phí điều trị và bệnh nhân đặc biệt nghèo được miễn phí hoàn toàn.

Tú Phương (Theo Báo Đà Nẵng)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh thông báo kết quả Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII.


Ngày 8-8, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII, đơn vị Đà Nẵng gồm các ông, bà: Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng (UVTWĐ), Phó Chủ tịch QH; Nguyễn Bá Thanh, UVTWĐ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị Đà Nẵng; Huỳnh Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị Đà Nẵng; Lê Văn Hoàng, Thân Đức Nam và Nguyễn Thị Kim Thúy đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu và Cẩm Lệ, các lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức… trên địa bàn thành phố nhằm thông báo kết quả Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII.

 Đ/c Nguyễn Bá Thanh- UVTW Đảng, Bí thư Thành  ủy Đà Nẵng

Đ/c Nguyễn Bá Thanh- UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

Cử tri luôn theo sát đại biểu

Trước những kết quả tốt đẹp từ Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII, các ý kiến tâm huyết của cử tri đều bày tỏ niềm tin vào một nhiệm kỳ mới của QH; trong đó có việc bầu ra một đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của đất nước trong nhiệm kỳ 2011-2016. Các ý kiến cho rằng, các vị ĐBQH cũng như các vị lãnh đạo được đánh giá có trình độ cao hơn, điều đó cho thấy hy vọng về hiệu quả trong hoạt động của QH cũng như bộ máy Nhà nước. Bà Dương Thị Sách, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu đánh giá cao kết quả của cuộc bầu cử QH khóa XIII; đặc biệt cử tri rất quan tâm và phấn khởi trước kết quả QH đã bầu ra các cơ quan của QH, bộ máy Nhà nước, Chính phủ nhiệm kỳ mới với đội ngũ những người có tâm huyết, năng lực lãnh đạo đất nước. Ông Nguyễn Trọng Cường, phường Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu) bày tỏ tin tưởng rất cao vào bộ máy Nhà nước được bầu lần này sẽ đảm đương được nhiệm vụ mà cử tri gửi gắm, đưa đất nước tiếp tục thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH, khẳng định vị thế Việt Nam trong khu vực và thế giới.

“Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng hoạt động của QH, các ĐBQH phải có thực quyền; thực quyền của ĐB cũng chính là thực quyền của đông đảo nhân dân, của cử tri đã gửi gắm niềm tin và bầu chọn ĐB”, ông Đặng Vân, tổ 33, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu bày tỏ. Ông cũng cho rằng, các ĐBQH phải thực hiện những nội dung đã đưa ra trong chương trình hành động trong quá trình vận động, tiếp xúc cử tri, bởi cử tri luôn theo dõi sát sao việc thực hiện này. Đó cũng là cách để nhìn nhận, đánh giá chất lượng ĐBQH.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Hội Viên, quận Sơn Trà cho rằng, nhân dân luôn đặt trọn niềm tin vào các ĐBQH mà họ đã lựa chọn, vì vậy cần phải thể hiện trách nhiệm rõ ràng trước nhân dân. Tuy nhiên, qua theo dõi, cử tri còn thấy một số vị ĐB chỉ hứa chung chung, chưa thấy ai chịu trách nhiệm cụ thể về những vấn đề còn tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ. Đây là vấn đề cần giải quyết trong nhiệm kỳ mới.

Về chất lượng ĐB, nhiều cử tri thắc mắc trước những thông tin liên quan đến ĐB Đặng Thị Hoàng Yến (ĐB tỉnh Long An) được đăng tải trên báo chí. Các ý kiến cho rằng, cần phải xem xét tư cách của ĐB này để bảo đảm chất lượng của QH. Trước những ý kiến đó, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cho biết, ĐB Đặng Thị Hoàng Yến đã được cử tri của tỉnh Long An tín nhiệm bầu và trúng cử ĐBQH khóa XIII. Tại kỳ họp thứ nhất, Ủy ban Thẩm tra tư cách ĐB đã tiến hành thẩm tra và báo cáo kết quả với QH; theo đó 500 người trúng cử ĐBQH đều bảo đảm tư cách ĐB theo quy định của pháp luật. Những vấn đề báo chí nêu sẽ được các cơ quan chức năng xem xét.

Còn nhiều vấn đề cần giải quyết

Một vấn đề không còn mới nhưng được nhiều cử tri quan tâm là chất lượng thực hiện pháp luật vẫn chưa bảo đảm. Ông Nguyễn Bá Diệp, tổ 38, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ nhấn mạnh, mặc dù luật xây dựng nhiều nhưng hướng dẫn và đưa vào thực thi vẫn còn nhiều bất cập. “Người dân ngang nhiên tát CSGT giữa phố, lái xe hất CSGT lên nắp xe rồi chạy, kiểm lâm bị lâm tặc hành hung… diễn ra rất bức xúc, rất đau lòng nhưng chúng ta vẫn chưa trừng trị nghiêm minh. Điều đó cho thấy việc thực thi pháp luật của chúng ta chưa nghiêm”, ông Nguyễn Bá Diệp bày tỏ.

Trong khi đó, những vấn đề bức xúc về kinh tế – xã hội gần đây của đất nước thu hút sự quan tâm của người dân và cử tri đề nghị ĐBQH cần có ý kiến để đưa ra các giải pháp thực thi. Ông Văn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Đà Nẵng cho rằng, “nóng” nhất hiện nay đối với doanh nghiệp là lãi suất và với người dân là lạm phát. Quốc hội, Chính phủ phải có những giải pháp để nhanh chóng giải quyết tình trạng này. Ông cho rằng, phải chăng vì để bảo đảm an toàn cho các ngân hàng nên lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN), nhất là DNNVV trong việc vay vốn sản xuất kinh doanh, dễ dẫn đến nguy cơ phá sản. Ông cũng đề nghị, để tháo gỡ khó khăn cho các DNNVV ở Đà Nẵng trong sản xuất, nên chăng cần thành lập khu công nghiệp cho loại hình doanh nghiệp này. Trước bức xúc đó của giới doanh nhân, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cho rằng, đang có lộ trình nhằm thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất cho vay và vay để DN bảo đảm sản xuất nhưng việc bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng cũng là vấn đề cần thiết. Lãnh đạo thành phố sẽ xem xét chấp thuận việc thành lập khu công nghiệp cho DNNVV nếu các DN sản xuất có nhu cầu và đề xuất.

Trước tình hình thị trường trong nước đang có biến động về giá cả và nguồn hàng, nhất là mặt hàng nông sản, ông Nguyễn Ngọc Nhiễu, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu cho rằng, cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm của hàng nội, bảo đảm cạnh tranh với hàng ngoại nhập, đồng thời tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu…

Ứng xử Biển Đông cần khôn khéo

Vấn đề Biển Đông nói riêng và bảo đảm an ninh-quốc phòng, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc nói chung, chiếm sự quan tâm rất lớn của cử tri trong các buổi tiếp xúc với ĐBQH. Cử tri đề nghị cùng với việc thúc đẩy phát triển kinh tế, Nhà nước cần quan tâm đầu tư bảo đảm cho quốc phòng vững mạnh, đủ sức bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ; phát huy tinh thần yêu nước của toàn dân kết hợp với nhiều biện pháp hợp lý thể hiện quyết tâm bảo vệ đến cùng chủ quyền lãnh thổ. Ông Thái Thanh Hùng, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu đề nghị phải đưa lịch sử quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào chương trình phổ thông giảng dạy cho học sinh hiểu và có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Trong khi đó, ông Nguyễn Hội Viên nêu ý kiến, cử tri cần có thông tin chính xác và đầy đủ về tình hình Biển Đông, bởi đây là phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc và mỗi người dân có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc.

Việc tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền trên Biển Đông đối với Việt Nam thời gian gần đây đã làm ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt hải sản, sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp và ngư dân. Chất lượng hoạt động trên biển của ngư dân vẫn chưa được đầu tư cải thiện đáng kể. “Ngư dân vẫn còn đánh bắt theo kiểu cầu may”, ông Văn Hữu Thiết nhìn nhận. Vì vậy, các ý kiến cho rằng, cần đầu tư thích đáng cho phát triển kinh tế biển, trong đó có đánh bắt, chế biến thủy sản là một thế mạnh của Việt Nam. Việc phát triển kinh tế cũng là biện pháp để bảo đảm giữ vững chủ quyền, khẳng định được vị thế của Việt Nam…

Trước những ý kiến của cử tri, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cho rằng, việc thông tin về tình hình Biển Đông hiện nay vẫn luôn bảo đảm chính xác. Việt Nam thể hiện sự kiên quyết trong đấu tranh giữ vững chủ quyền với biện pháp hòa bình, mềm dẻo khôn khéo, vừa giữ chủ quyền Tổ quốc, đồng thời với gìn giữ mối quan hệ quốc tế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

 

N. Thành – S. Trung


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tiếp Đại sứ Hòa Kỳ David B. Shear


Sáng 7-9, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng đã có buổi tiếp Ngài David B. Shear, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh chào mừng chuyến thăm của Đại sứ Hoa Kỳ David B. Shear.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh chào mừng chuyến thăm của Đại sứ Hoa Kỳ David B. Shear.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh bày tỏ lời chào mừng nồng nhiệt chuyến thăm của tân Đại sứ Hoa Kỳ đến Đà Nẵng và chúc Ngài Đại sứ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong thời gian công tác tại Việt Nam; để từ đó mối quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp. Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng mong muốn với vai trò của mình, Ngài Đại sứ David B. Shear tác động thúc đẩy các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Đà Nẵng ngày càng nhiều hơn, đồng thời quan tâm đến dự án Bệnh viện Ung thư đang được tiến hành xây dựng và hoàn thành vào năm 2012, bởi đây là bệnh viện lớn đầu tiên của Việt Nam hoạt động phi lợi nhuận; tác động đến Chính phủ Hoa Kỳ trong việc trích một phần kinh phí của chương trình tẩy độc chất da cam/dioxin tại Sân bay Đà Nẵng để ủng hộ từ thiện cho bệnh viện này…

Cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Ngài Đại sứ David B. Shear cho biết, đây là chuyến thăm đầu tiên tại Việt Nam (ngoài Hà Nội) sau thời gian nhậm chức tại một trong những thành phố được xem là quản lý tốt nhất Việt Nam. Ngài Đại sứ Hoa Kỳ khẳng định sẽ thực hiện tốt vai trò của mình trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng phát triển; mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp vào Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng; tập trung vào hợp tác song phương về giáo dục, y tế… Với sự quan tâm sâu sắc đến việc chăm sóc sức khỏe con người, Ngài Đại sứ David B. Shear cam kết mạnh mẽ trong các hoạt động xử lý chất độc da cam/dioxin tại Sân bay Đà Nẵng, hỗ trợ cho người khuyết tật và hợp tác triển khai các giải pháp của dự án Bệnh viện Ung thư bởi tầm quan trọng đặc biệt của dự án này.

Trong chuyến thăm tại Đà Nẵng, Đại sứ Hoa Kỳ David B. Shear cho biết sẽ đến thăm địa điểm xử lý ô nhiễm ở Sân bay Đà Nẵng, thăm Bệnh viện Chỉnh hình, dự lễ hồi hương di hài quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam…

N. Thành (theo báo Đà Nẵng)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh: Làm cho cuộc sống người dân tốt hơn


Sáng 6-9, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã có buổi gặp mặt, đối thoại với gần 2.000 hộ dân vùng giải tỏa trên địa bàn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến và lãnh đạo các sở, ngành, các doanh nghiệp có liên quan.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh gặp gỡ, đối thoại với nhân dân Hòa Liên

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh gặp gỡ, đối thoại với nhân dân Hòa Liên

Phải đặt người dân  là trung tâm

“Trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện có khoảng 70 dự án, riêng địa bàn xã Hòa Liên có tổng diện tích thu hồi khoảng 1.400ha với 2.500 trong tổng số 3 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Trong khi có một số dự án đã được hoàn thành, thì vẫn còn những dự án chưa tìm được tiếng nói chung giữa nhà đầu tư và nhân dân”, ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết lý do của buổi gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố và các hộ dân.

Tiếng nói của người dân, theo ông Trần Trung Long, ở thôn Quan Nam 3, là trong việc áp giá đền bù, địa bàn xã Hòa Liên được xem là miền núi nên giá đền bù thấp; chưa kể việc người đi trước thì nhận đền bù thấp, người sau thì được đền bù cao hơn. Một số khu vực dân chưa chịu giao đất, nhưng nhà đầu tư đổ đất “cao thấy ngợp”, dẫn đến việc ngập lụt là không thể tránh khỏi khi mùa mưa đến. Các nhà đầu tư chở đất đá san lấp công trình gây bụi bặm, tiếng ồn, nhân dân nói nhưng không được giải quyết nên mới xảy ra chặn xe. “Người ta đi chặn xe không được ai trả tiền, mất công ăn việc làm nhưng do ô nhiễm quá, chịu không nổi nên mới chặn xe!”, ông Trần Trung Long cho biết nguyên nhân việc chặn xe của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự mà đỉnh điểm là sự việc đáng tiếc trong quan hệ giữa Công ty CP Tập đoàn Trung Nam (gọi tắt là Công ty Trung Nam) với nhân dân xã Hòa Liên vừa qua.

Tiếp nối những vấn đề đó, ông Ngô Văn Tước ở thôn Quan Nam 5 cho rằng, cần khẩn trương nạo vét dòng chảy thông thoáng để giải quyết ngập úng; sửa chữa những tuyến đường bị sạt lở do xe chở vật liệu gây nên. Ông nhấn mạnh, cần phải khẩn trương thi công các khu tái định cư, có đầy đủ đường, điện, nước để người dân có đất thực tế làm nhà trước khi bàn giao mặt bằng do vùng nông thôn không có nhà thuê…

Cùng với những bức xúc đó, các ý kiến của nhân dân xã Hòa Liên còn nêu lên những vấn đề về ô nhiễm tiếng ồn, chất thải tại các nhà máy thép nói riêng và của khu công nghiệp nói chung, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; việc người dân phân vân trước những khu quy hoạch nhưng chưa triển khai dự án; các khu đất nông nghiệp còn lại chưa triển khai không thể sản xuất; việc cắt đất cho người thân trong gia đình làm nhà trong vùng quy hoạch; thái độ tiếp dân và giải quyết vấn đề của cán bộ… Để giải quyết vấn đề này, ông Ngô Quang Trường cho rằng, nhân dân luôn ủng hộ các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và thành phố để góp phần phát triển đất nước và địa phương; tuy nhiên có những chủ trương khi triển khai thì làm không đến nơi đến chốn. Vì vậy, phải đặt nhân dân là trung tâm của các vấn đề để tập trung giải quyết.

Một góc khu tái định cư trên địa bàn xã Hòa Liên

Một góc khu tái định cư trên địa bàn xã Hòa Liên

Các ngành chức năng nói gì?

Trước những bức xúc của người dân về ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, cơ quan chức năng trong quá trình đánh giá tác động của dự án trên địa bàn đã lưu ý các doanh nghiệp và đề nghị có những giải pháp cụ thể để giảm thiểu ô nhiễm, tuy nhiên do khối lượng công trình lớn nên đã gây ra ô nhiễm. Về chất thải khu công nghiệp, do đường ống bị hư hỏng nhưng đã được xử lý. Do các nhà máy thép Dana-Ý và Thái Bình Dương đóng gần khu dân cư nên mặc dù đã có những giải pháp khắc phục nhưng vẫn chưa ngăn chặn triệt để tình trạng ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn; nên sắp tới sẽ tiến hành di dời khu dân cư ra khỏi khu vực này.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng có ý kiến thực hiện 2 phương án để thoát nước tạm trong khu vực dự án, đồng thời với việc sẽ khảo sát, xây dựng kênh thoát nước để đưa ra sông Cu Đê, tránh tình trạng ngập lụt cho khu vực này. Còn ông Phạm Hoài Nam, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng cho biết, hiện đã có khoảng 3.500 hộ dân trên địa bàn sử dụng nước sạch; ở những vùng tái định cư, đơn vị luôn sẵn sàng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cấp nước sạch của người dân…

Trong khi đó, vấn đề quan tâm lớn nhất là đền bù, hỗ trợ cho người dân đã được ông Nguyễn Nhu, Phó Ban Giải tỏa đền bù các công trình xây dựng số 3 giải trình chi tiết với nhân dân trong khu vực dự án, cụ thể là đối với Khu đô thị Quan Nam-Thủy Tú, khu dân cư Nam đường Nguyễn Tất Thành và đường Nguyễn Tất Thành nối dài. Theo đó, toàn xã Hòa Liên có 1.924 hồ sơ đất nông nghiệp, 512 hồ sơ nhà ở với tổng diện tích 190,5ha trong diện giải tỏa, đền bù. Việc đền bù đất nông nghiệp có sự điều chỉnh giá là do thực hiện theo quyết định ở từng thời điểm khác nhau, với các mức giá 21,5 triệu, 29 triệu, 35 triệu và 42,5 triệu đồng cho mỗi sào. Toàn bộ hồ sơ nhà ở đã kiểm định xong; số hộ dân bố trí vào khu tái định cư Hòa Liên 2 đã ổn định. Về hỗ trợ xây dựng móng nhà và gia đình khó khăn, đến nay đã có 193 hộ có quyết định hỗ trợ.

Theo đó, các hộ có sổ đỏ và nhà ở thực sự được hỗ trợ 10 triệu đồng làm móng nhà được trừ vào tiền đất tái định cư. Hỗ trợ công bồi trúc: Diện tích nhà nhỏ hơn 50m2 được 5 triệu đồng; từ 50 đến 100m2 được 10 triệu đồng và từ 100m2 trở lên được 15 triệu đồng. Hỗ trợ khó khăn đối với những nhà có tổng giá trị đền bù từ 200-300 triệu đồng được hỗ trợ 5 triệu đồng; từ 100-200 triệu đồng là 10 triệu đồng và nhỏ hơn 100 triệu đồng là 20 triệu đồng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục trình lãnh đạo thành phố xem xét, phê duyệt các trường hợp còn lại”, ông Nguyễn Nhu khẳng định.

“Phải làm sao cho cuộc sống người dân tốt hơn”

“Trong quá trình xây dựng và triển khai các chủ trương, chính sách mới, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm, trăn trở phải làm sao cho cuộc sống người dân tốt hơn. Tuy nhiên, trong quá trình làm, có thể do năng lực còn hạn chế nên vẫn còn những bất cập”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh khẳng định trong phần trả lời những vấn đề bức xúc của người dân xã Hòa Liên.

Trong những trăn trở đó, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cho rằng, sau 36 năm giải phóng, với truyền thống anh hùng, nhưng nhân dân vùng núi huyện Hòa Vang còn nghèo, còn cực, vẫn còn luẩn quẩn với lúa khoai… nên những vùng nào không có tiềm năng phát triển nông nghiệp sẽ chuyển sang công nghiệp, sang xây dựng khu đô thị… vì thế mới có chủ trương mở rộng đô thị lên phía Hòa Vang. “Trong quá trình thực hiện đô thị hóa, có nhiều vấn đề đặt ra như người dân mất ruộng sẽ làm gì, trước được ở rộng nhưng sau thì ở chật hơn, trong quá trình xây dựng sẽ ô nhiễm tiếng ồn, bụi bặm… nhưng cũng phải thấy là ở chật hơn nhưng có đường rộng, đời sống văn minh hơn”, đồng chí Bí thư Thành ủy chia sẻ với người dân.

Để giải quyết bức xúc của người dân, đồng chí Bí thư Thành ủy đã có những chỉ đạo cụ thể đối với việc triển khai các dự án trên địa bàn. Theo đó, các đơn vị chức năng rà soát những tuyến đường vận chuyển vật liệu xây dựng để ưu tiên đền bù, bố trí tái định cư cho các hộ dân ven đường; đơn vị vận chuyển phải bảo đảm đủ 20 xe tưới nước, giảm thiểu bụi trong quá trình vận chuyển đất đá đồng thời với việc nạo vét sông rạch, thoát nước tránh ngập úng cho vùng dân cư, tu sửa đường đi cho nhân dân. Các Ban giải tỏa đền bù liên quan đến dự án cũng như đơn vị đo đạc bản đồ, đơn vị cung cấp nước sạch phải thường trực ở trụ sở xã Hòa Liên nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc, bức xúc của nhân dân. Đất chưa thực hiện đền bù, bàn giao thì không được san lấp, nếu làm thì sẽ bị phạt nghiêm khắc. Công ty Trung Nam phải giáo dục ý thức cho đội ngũ lái xe, đồng thời cơ quan chức năng phải xử phạt “hết khung” đối với những lái xe vi phạm pháp luật, gây tai nạn giao thông. Các doanh nghiệp gây ô nhiễm phải có giải pháp mạnh mẽ, không để tình trạng ô nhiễm tái diễn và không để dân nói nhiều.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo, toàn bộ đất nông nghiệp trên địa bàn xã Hòa Liên không sản xuất được do ảnh hưởng các dự án thì dù chưa triển khai dự án cũng phải tiến hành kiểm định, đền bù và trả tiền cho nhân dân. Các đơn vị chức năng phải rà soát từng trường hợp trong vùng dự án, để ai cũng có mái nhà để ở, có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các hoàn cảnh khó khăn.

Về vụ việc đáng tiếc xảy ra vừa qua giữa Công ty Trung Nam và nhân dân xã Hòa Liên, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cho biết “hơi bất ngờ”. Đồng chí cho rằng, người của Công ty Trung Nam có hành động đánh dân là vi phạm pháp luật; cần phải biết khôn khéo, tranh thủ sự đồng thuận của nhân dân trong vùng để thực hiện dự án. Tuy nhiên, đồng chí cũng cho rằng, việc chặn xe không đúng chức năng là hành động vi phạm pháp luật nên yêu cầu nhân dân Hòa Liên không được chặn xe, nếu có tình trạng ô nhiễm, bụi bặm thì báo với chính quyền xử lý. Công an thành phố phải bố trí lực lượng thường trực để giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự tại khu vực này.

“Tôi mong và tin nhân dân xã Hòa Liên ý thức đúng về dự án này. Vụ việc vừa qua chỉ là sự cố. Để khi triển khai xong dự án, lúc quay lại thấy người dân Hòa Liên vui vẻ thì lãnh đạo thành phố mới thấy hạnh phúc!”, đồng chí Bí thư Thành ủy chân tình chia sẻ.

Nguyễn Thành (Theo Báo Đà Nẵng)




(Theo website Nguyễn Bá Thanh)