Đà Nẵng phấn đấu trở thành "TP đáng sống"


(Tin tuc) - "Đà Nẵng phải tiếp tục bám sát mục tiêu trở thành một "TP thanh bình, TP đáng sống!". Đó là yêu cầu của Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh tại buổi gặp mặt đầu xuân lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP sáng 30-1.

Ông Nguyễn Bá Thanh nêu rõ, tình hình kinh tế đất nước trong năm 2012 dự báo vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên TP Đà Nẵng vẫn sẽ dồn sức thực hiện đạt kết quả cao 12 công trình trọng điểm, trong đó có 3 cây cầu mới bắc qua sông Hàn là cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Nguyễn Tri Phương cùng Trung tâm Hành chính TP, Bệnh viện Ung thư và hàng loạt khu tái định cư cho người dân ở các khu vực phải di dời giải toả.

"Đến 2-9 phải đưa Bệnh viện Ung thư đi vào hoạt động, không chỉ phục vụ bệnh nhân ở Đà Nẵng mà cả miền Trung - Tây Nguyên. Đến 31-12 phải hoàn thành phần thô của 3 cây cầu để khánh thành cùng lúc vào dịp 29-3-2013 (kỷ niệm 38 năm giải phóng Đà Nẵng). Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Hành chính TP để cuối năm 2013 đưa hầu hết trụ sở các sở, ban, ngành vào đây. Đồng thời khẩn trương triển khai các khu tái định cư để có đất bố trí cho dân. Mục tiêu đến năm 2014 người dân ở hầu khắp các khu vực của TP sẽ an cư, không còn phải di dời, giải toả nữa!" - ông Nguyễn Bá Thanh nói.

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng yêu cầu đến cuối năm 2012 phải cơ bản hoàn thành phần thô công trình xây dựng cầu Rồng để chính thức khánh thành vào dịp 29-3-2012

Với tinh thần tiếp tục bám sát mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một "TP thanh bình, TP đáng sống", ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu Giám đốc Công an TP Đà Nẵng chuẩn bị nội dung để làm việc với lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP, tập trung vào các nội dung: vấn đề: tạm dừng nhập cư vào TP để rà soát; tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn và tình hình tội phạm đang có chiều hướng gia tăng gây bức xúc trong dư luận.

Ông nhấn mạnh: "Trong nhiều vấn đề mà Đà Nẵng đã làm tốt thì có một vấn đề vẫn chưa được như mong muốn. Đó là phải làm sao để du khách các nơi đến đây thực sự được an ninh, an toàn, không lo tai nạn giao thông, không lo bị cướp giật, trộm cắp... Phukhet, Bali có lượng du khách gấp hàng chục lần Đà Nẵng nhưng tại sao họ làm được mà Đà Nẵng không làm được? Đó là do thiếu quân hay do cơ chế? Phải củng cố đường dây nóng của HĐND TP và Công an TP phải lập tổ xử lý các tình huống nóng đối với du khách...".

Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, để đảm bảo cho nhân dân có điều kiện đón Tết, TP đã trích ngân sách hơn 96,6 tỉ đồng trợ cấp Tết, tập trung chủ yếu vào các đối tượng chính sách là thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, các hộ nghèo, khó khăn; các hộ dân cư vừa mới giải toả di dời chưa ổn định cuộc sống…

Nhìn chung giá cả thị trường trên địa bàn trong dịp Tết Nhâm Thìn tuy có biến động song mức độ không nhiều; riêng một số mặt hàng thực phẩm giá cả tăng nhanh như thịt heo mông loại ngon, thịt bò đùi và philê, cá thu loại lớn, hoa quả tươi ngon để chưng và cúng trong những ngày tết, còn lại các mặt hàng khác ít biến động, lượng hàng hoá trên thị trường dồi dào, không có tình trạng khan hiếm, thiếu hàng, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân TP.

Trong dịp Tết vừa qua, tổng lượng khách đến Đà Nẵng tham quan, du lịch ước đạt 129.663 lượt, tăng 19,4% so với cùng kỳ. Trong đó khách quốc tế ước đạt 39.277 lượt, tăng 56,74% so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 90.386 lượt, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Do thời tiết trong dịp tết Nhâm Thìn 2012 khá tốt nên lượng khách đến tham quan các khu điểm du lịch như Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà... tăng trưởng khá, ước đạt 75.536 lượt khách, tăng 10,27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ ngày 22 - 27/01/2012 (29 tháng Chạp Tân Mão đến mồng 5 Nhâm Thìn), trên địa bàn xảy ra 03 vụ phạm pháp hình sự, giảm 1 vụ so với cùng kỳ, tài sản thiệt hại khoảng 158 triệu đồng. Cùng thời gian này đã xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông (giảm 1 vụ) làm chết 1 người (bằng năm 2011), bị thương 0 người (giảm 2 người) so với Tết Tân Mão 2011. Ngoài ra có một vụ cháy vào ngày 23/01 (mồng 1 Tết) thiệt hại khoảng 30 triệu đồng.

Đà Nẵng: Thí điểm nâng cao chất lượng dân nhập cư tại 2 quận


Sáng 30-1, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội nghị giao ban đầu năm với các cơ quan ban ngành trên địa bàn.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể quan tâm chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm ngay trong đầu năm là đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của quý 1-2012; đẩy mạnh công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án và bố trí tái định cư; tập trung đẩy nhanh tiến độ 12 công trình trọng điểm, phấn đấu trong tháng 9-2012 sẽ đưa Bệnh viện Ung thư vào hoạt động; phấn đấu hoàn thành 3 cây cầu và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 3 năm 2013.

Để Đà Nẵng là “Thành phố bình yên và đáng sống”, cần tập trung đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm và tập trung quyết liệt đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, đối với vấn đề tạm dừng nhập cư vào TP, ông Thanh cho rằng không hẳn là cấm cửa hoàn toàn. Trước mắt, TP Đà Nẵng sẽ chọn 2 quận Hải Châu và Thanh Khê để làm thí điểm về nâng cao chất lượng dân nhập cư.

Thượng tướng Trần Đại Quang thăm và chúc Tết tại TP Đà Nẵng


Nhân chuyến thăm và làm việc tại TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã tặng quà, gửi thư khen Công an TP Đà Nẵng và Tổ chuyên án 122C đã kịp thời bắt giữ Nguyễn Tuấn Vũ đột nhập hàng loạt cơ quan công sở để trộm cắp tài sản. Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng cũng công bố thưởng cho các lực lượng tham gia phá án 200 triệu đồng về thành tích này.
Sáng 11/1, Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã đi thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng.

Trong không khí thân mật, cởi mở của cuộc gặp mặt trước thềm Xuân Nhâm Thìn - 2012, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, báo cáo cho biết: Năm 2011, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đề ra và đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, du lịch, an ninh quốc phòng.

Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và an toàn giao thông; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; thực hiện các chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài... Mục tiêu năm 2012 của TP là tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đảm bảo phúc lợi, an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, nâng cao công tác xây dựng Đảng và chính quyền, công tác vận động quần chúng; đẩy mạnh công tác đối ngoại...

Bộ trưởng Trần Đại Quang ghi nhận và chia vui với thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng đã đạt được; đồng chí Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, thành tích đó đã góp phần quan trọng vào việc ổn định và phát triển kinh tế địa phương và đất nước nói chung. Với sự đồng thuận cao của nhân dân, Đảng bộ và chính quyền TP Đà Nẵng thực hiện thành công Đề án “Thành phố môi trường” và các Chương trình “5 không”, “3 có”, đã góp phần rất lớn trong công tác phòng ngừa phát sinh tội phạm, đảm bảo ANTT và ATXH.

Bộ trưởng Trần Đại Quang đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng phát huy truyền thống thành phố Anh hùng, phát huy những thành quả đã đạt được, chung sức, chung lòng để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong năm 2012; tích cực góp phần vào công tác an sinh xã hội, giảm tỉ lệ hộ nghèo; công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, tiếp tục ổn định chính trị, TTATXH, góp phần phát triển đất nước. Đặc biệt, chú trọng công tác đảm bảo bình yên cho thành phố để nhân dân đón Tết, vui xuân trong no ấm, an toàn và hạnh phúc.

*  Cũng trong sáng 11/1, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã đến thăm và làm việc với Công an TP Đà Nẵng.

Đồng chí Bộ trưởng ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao của cán bộ, chiến sĩ Công an TP Đà Nẵng trong năm 2011; đặc biệt đánh giá cao kế hoạch phòng chống tội phạm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn - 2012.

Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tặng quà Tổ chuyên án 122C Công an TP Đà Nẵng.

Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh, phương châm hành động của Bộ Công an năm 2012 là “Kỷ cương - Trách nhiệm - Hiệu quả” để tạo sự chuyển biến thật sự trong toàn lực lượng Công an. Nhân chuyến thăm và làm việc, Bộ trưởng đã tặng quà, gửi thư khen Công an TP Đà Nẵng và Tổ chuyên án 122C đã kịp thời bắt giữ đối tượng Nguyễn Tuấn Vũ đột nhập hàng loạt cơ quan công sở để trộm cắp tài sản. Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng cũng công bố thưởng cho các lực lượng tham gia phá án 200 triệu đồng về thành tích này

Long Vân - Thân Lai

Năm 2012, trình Quốc hội thông qua luật CĐ sửa đổi


Ngày 9.1, LĐLĐ TP.Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động CĐ năm 2011 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012. Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng và Bí thư Thành uỷ TP.Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã tham dự hội nghị.

Năm 2012, LĐLĐ TP.Đà Nẵng đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm như tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CNVCLĐ, tiếp tục phát triển lực lượng đoàn viên, CĐCS... Tại hội nghị, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng đã biểu dương sự phát triển của phong trào CN và CĐ TP.Đà Nẵng. Dù trong năm 2011, tình hình kinh tế thế giới khó khăn nhưng tăng trưởng của Đà Nẵng đạt 13%, cao gấp đôi trung bình của cả nước.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng trao tặng bằng khen cho các đơn vị có thành tích tốt ở TP.Đà Nẵng. Ảnh: L.Đ.Dũng

Trong đó, có công đóng góp nhất định của tổ chức CĐ và CNVCLĐ. Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng của năm 2012 là làm sao trình cho Quốc hội thông qua Luật CĐ sửa đổi, Bộ luật LĐ sửa đổi phải có những điều khoản thuận lợi cho CN, và để tổ chức CĐ hoạt động thuận lợi. Đặc biệt, cần phải đưa việc thu kinh phí 2% của đoàn viên vào luật để phục vụ cho CĐCS. Bộ luật Lao động sửa đổi lần này cũng có nhiều vấn đề đặt ra như đề nghị giảm giờ làm của NLĐ, thời gian nghỉ tết có thể tăng lên 5 ngày, tuổi nghỉ hưu của NLĐ...

Tại hội nghị lần này, Bí thư Thành uỷ TP.Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã gợi ý LĐLĐ TP.Đà Nẵng nên lập đề án khảo sát nhà trọ xuống cấp để từ đó trích quỹ cho chủ trọ vay sửa nhà. Số tiền đó sẽ trừ vào tiền lương hằng tháng của CN. LĐLĐ TP.Đà Nẵng cũng đang lập đề án thí điểm cho vay để trình HĐND TP để cho cán bộ được vay tiêu dùng có xác nhận của CĐ.

Tại hội nghị lần này, các CĐCS, đoàn viên có thành tích tốt trong hoạt động đã được trao tặng bằng khen và cờ thi đua. LĐLĐ TP.Đà Nẵng cũng trao tặng cho con em CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn 20 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng.

LĐLĐ tỉnh Quảng Nam cần tập trung công tác đào tạo nhân lực

Dự lễ kỷ niệm 15 năm tái lập CĐ Quảng Nam và đón nhận Huân chương Độc Lập hạng Nhì của LĐLĐ địa phương này sáng 9.1, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng cho biết: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012 của tổ chức CĐ là hoàn tất việc xây dựng CĐCS đối với DN có 50 LĐ trở lên; tập trung đào tạo nguồn nhân lực là cán bộ CĐ chuyên trách tại cơ sở; xây dựng và vận động tốt để thông qua Luật CĐ sửa đổi theo hướng có lợi cho NLĐ và hoạt động CĐ...
Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng chỉ đạo  CĐ Quảng Nam cần chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, kỹ năng thương thảo, nghiệp vụ cho cán bộ CĐ chuyên trách tại các CĐCS. Đây cũng là chỉ thị chung của Đảng - Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đối với LĐLĐ các tỉnh thành cả nước. “Tổ chức CĐ không thiếu tiền cho công tác đào tạo cán bộ.

Từ trước tới nay, Tổng LĐLĐVN đã chỉ thị trích 15% tổng kinh phí chi cho công tác đào tạo cán bộ, tuy nhiên không có tỉnh thành nào “tiêu” hết số tiền này. Điều đó chứng tỏ các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo nhân lực. Từ năm 2012, đề nghị Quảng Nam cũng như LĐLĐ các địa phương trong cả nước phải tập trung công tác đào tạo nhân lực” - đồng chí Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh.

Nếu có được cán bộ giỏi, tổ chức CĐ ở cơ sở mới thật sự được vững mạnh, tạo uy tín cho tổ chức CĐ, đồng thời tạo dựng niềm tin cho NLĐ. Đây là cơ sở quan trọng để có được CĐCS vững mạnh. Ngoài ra, việc xúc tiến việc hoàn tất thành lập CĐCS tại các DN có trên 50 NLĐ trở lên là hết sức cần thiết, đề nghị hoàn tất trước 6 tháng đầu năm 2012.

Một trong những trọng tâm trong công tác CĐ năm 2012 là hoàn thành tốt các chỉ tiêu do Tổng LĐLĐVN đề ra, đồng thời tích cực tuyên truyền tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ cũng như các hoạt động thiết thực của tổ chức CĐ. Điều này có tác động quan trọng đến việc vận động các đại biểu Quốc hội thông qua Luật CĐ sửa đổi.

Ông Nguyễn Đức Hải - Uỷ viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam rất đồng tình với những chỉ đạo của Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trong nhiệm vụ công tác năm 2012. Trong đó, đặc biệt là vấn đề phát triển đảng viên trong tổ chức CĐ.

Ông Hải nói, nếu mỗi năm, mỗi CĐCS ở Quảng Nam giới thiệu cho tổ chức Đảng 2-5 đoàn viên CĐ xuất sắc, để có thể kết nạp được 1 đảng viên mới, thì Quảng Nam sẽ có thêm được gần 2.000 đảng viên. Đây là con số quan trọng, nhất là thực trạng “trống” đảng viên trong các DN ngoài quốc doanh như hiện nay. Đảng bộ Quảng Nam rất chú trọng phát triển Đảng trong các DN, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN ngoài quốc doanh. Việc phát triển Đảng từ tổ chức CĐ là con đường khả thi và hiệu quả nhất.

Lê Đình Dũng - Thanh Hải

Miễn phí cho bệnh nhân chạy thận


Hàng trăm bệnh nhân suy thận mãn các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam đang được “tiếp sức” bởi chương trình riêng có của Đà Nẵng - miễn phí toàn bộ phần đồng chi trả với BHYT (5-20%) cho bệnh nhân, từ nguồn ngân sách thành phố.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Đà Nẵng. Ảnh: NH.

Chương trình được triển khai từ đầu tháng 6-2011 tại Khoa Thận nhân tạo, BV Đa khoa Đà Nẵng cho tất cả các bệnh nhân Đà Nẵng, Quảng Nam.

Dọc hai dãy hành lang Khoa Thận nhân tạo, các máy chạy thận liên tục hoạt động để bố trí cho các bệnh nhân thay ca. Khác với tâm lý áp lực như những lần điều trị trước, giờ thì nhiều bệnh nhân chạy thận tỏ rõ niềm vui.

Ông Nguyễn Tài (52 tuổi, phường Hải Châu 2, Hải Châu, Đà Nẵng) gần 5 năm nay phải gắn liền với nơi đây. Tháng 5-2007, ông Tài đổ bệnh, 2 tháng đầu nhập viện do chưa kịp đóng BHYT nên chi phí chạy thận gần 40 triệu đồng. Từ ngày lâm bệnh, gia đình ông Tài từ hộ khá xuống hộ nghèo, túng quẫn. “Nếu không có chủ trương của thành phố, chắc tôi khó lòng dám điều trị đến cuối đời” - ông Tài nói.

Bà Lê Thị Ái (53 tuổi, phường Mỹ An, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), bệnh nhân có hơn 10 năm chạy thận, tâm sự: “May mà Đà Nẵng có chủ trương hỗ trợ bệnh nhân kịp thời, nhân đạo” - bà Ái vui mừng.

Khoa Thận nhân tạo (BV Đa khoa Đà Nẵng) hiện có 180 bệnh nhân suy thận đang điều trị, hầu hết gia cảnh đều đã khánh kiệt.

BS Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc BV Đa khoa Đà Nẵng cho hay: Trong lần thăm hỏi Khoa Thận nhân tạo, Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh cùng lãnh đạo Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương chi ngân sách thành phố hỗ trợ bệnh nhân chạy thận để chia sẻ gánh nặng với gia đình các bệnh nhân. Đây là chính sách riêng có của Đà Nẵng cùng nhiều biện pháp hỗ trợ đối với các bệnh nhân suy thận đặc biệt.

Mới đây, Đà Nẵng vừa đầu tư gần 8 tỷ đồng mua 16 máy chạy thận nhân tạo, nâng tổng số máy hoạt động tại BV Đa khoa Đà Nẵng lên 44 máy, góp phần giảm áp lực quá tải và nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Trong đó có 2 máy HDF siêu lọc cho bệnh nhân chạy thận.

Theo BS. Nguyễn Hữu Đa, Trưởng khoa Thận nhân tạo: Dù bệnh nhân phải đồng chi trả BHYT ở mức 5-20% phí điều trị (tùy đối tượng) nhưng do đặc thù bệnh nhân suy thận cần chăm sóc, điều trị liên tục đến cuối đời nên nếu không có các chính sách, chủ trương phù hợp từ phía nhà nước, địa phương và các tổ chức, cá nhân thì khó có thể giúp họ an tâm và đủ điều kiện trị bệnh.

Trung bình mỗi tháng, số tiền thành phố chi cho phần đồng chi trả BHYT cho các bệnh nhân suy thận mãn lên đến 60 triệu đồng.

Nguyễn Huy

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh đến thăm trường THPT chuyên Lê Quý Đôn


Chiều 18-11, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đến thăm, chúc mừng đội ngũ thầy, cô giáo và học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhân kỷ niệm 25 năm thành lập trường và chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

images729138 DSC 0316 Đồng chí Nguyễn Bá Thanh đến thăm trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tặng quà cho Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

Thay mặt lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh gửi lời chúc mừng và bày tỏ mong muốn đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, phấn đấu dạy tốt, học tốt, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố; góp phần tích cực và chủ động vào việc đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng.

 

Bí thư Thành ủy cho rằng, thầy, cô giáo của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn phải thực sự là người phát hiện, bồi dưỡng và định hướng cho sự phát triển của mỗi học sinh, để các em trở thành những cán bộ xuất sắc trong thực tiễn của Đà Nẵng.

TS Nguyễn Đình Vĩnh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cảm ơn sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Đảng, chính quyền và của đông đảo các bậc phụ huynh. Với sự hỗ trợ, động viên kịp thời đó, trong năm học qua, thầy và trò nhà trường đã phát huy những thành tích xuất sắc trong 25 năm qua, từ đó thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Với những thành tích đó, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; Đảng bộ nhà trường giữ vững danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”; nhà trường được UBND thành phố tặng cờ dẫn đầu của các ngành học, bậc học của thành phố…

 

N.T – T.PHƯƠNG


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh thảo luận ở tổ về dự án Luật Giám định tư pháp


Chiều 15-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Giám định tư pháp. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên và thành phố Cần Thơ.

images727907 TTXVN Đồng chí Nguyễn Bá Thanh thảo luận ở tổ về dự án Luật Giám định tư pháp

Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng tham gia thảo luận ở tổ chiều 15-11. Ảnh: TTXVN

Chủ trì thảo luận, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến những vấn đề lớn của dự án luật như phạm vi điều chỉnh, quyền yêu cầu giám định của đương sự trong vụ việc dân sự, hành chính; cơ cấu tổ chức, địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ của các tổ chức GĐTP; việc xã hội hóa hoạt động GĐTP; về hội đồng GĐTP, kết luận GĐTP và trách nhiệm người đứng đầu tổ chức GĐTP; chế độ đối với người GĐTP; chính sách đối với hoạt động GĐTP; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động GĐTP.

 

Về vấn đề có nên giữ lại bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh hay không, các vị đại biểu Quốc hội có nhiều quan điểm khác nhau.

 

ĐB Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cho rằng, hoạt động giám định pháp y cần có cơ sở vật chất, đội ngũ bác sĩ giỏi của ngành Y tế. Hiện nay, 63/63 tỉnh đều có pháp y y tế, riêng pháp y công an thì vẫn còn 13 tỉnh chưa có. Theo ĐB, pháp y y tế có cả đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đầu ngành, nên đã đến lúc cần đặt pháp y vào đúng vị trí, đúng chuyên môn như Điều 13, quy định tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y bao gồm Viện Pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm Pháp y tỉnh; Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm Giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. ĐB đề nghị luật cần quy định rõ khi có mâu thuẫn giữa kết luận giám định pháp y công lập và tư nhân thì giải quyết thế nào? Đồng thời, ĐB cũng đề nghị quy định rõ việc thành lập hội đồng giám định lại.

 

ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) bày tỏ quan điểm nhất trí với quy định tại Điều 1 và Điều 24 dự thảo luật, cho phép các bên đương sự trong vụ án dân sự, hành chính được quyền trưng cầu GĐTP, nhưng đề nghị bổ sung theo hướng cho phép đương sự trong vụ án hình sự cũng được quyền yêu cầu GĐTP nếu yêu cầu đó không liên quan đến vấn đề xác định tội danh hay vấn đề chịu trách nhiệm hình sự. Về xã hội hóa GĐTP, ĐB nhất trí như quy định dự thảo luật. Riêng về Điều 13 dự thảo luật quy định theo hướng bỏ bộ phận giám định pháp y của Công an cấp tỉnh, ĐB đề nghị nên cân nhắc giữ lại như hiện nay, vì lĩnh vực này luật chưa cho xã hội hóa.

 

ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng, GĐTP là công cụ quan trọng phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, góp phần giải quyết các vụ án chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Theo ĐB, dự thảo luật có nhiều điểm mới rất cần thiết và quan trọng như đổi mới mô hình tổ chức GĐTP trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần; tạo cơ chế đáp ứng yêu cầu giám định hiện nay; có chính sách tôn vinh, đãi ngộ đối với ngành GĐTP; tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực GĐTP; quy định rõ trách nhiệm của giám định viên tư pháp… Tuy nhiên, về vấn đề xã hội hóa GĐTP, ĐB đề nghị cần nghiên cứu thật sự nghiêm túc, có chế tài cụ thể, bảo đảm tính hiệu quả cao khi thực hiện.

 

ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đề nghị giữ lại bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, vì pháp y công an có đặc thù riêng, luôn lên đường làm nhiệm vụ cho dù nắng, mưa hay bão lũ.

 

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, Điều 8 dự án luật quy định thời hạn công tác thực tế để đề nghị bổ nhiệm chức danh giám định viên chỉ có 5 năm là quá ít, đề nghị luật cần quy định thời hạn này ít nhất từ 10 năm trở lên. Về vấn đề bồi thường, ĐB đề nghị luật cần quy định rõ tổ chức GĐTP ban hành kết quả giám định sai thì bồi thường thế nào, không nên ghi chung chung như dự thảo luật.

 

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng, trong những năm qua, lực lượng pháp y công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, phục vụ kịp thời yêu cầu điều tra, đấu tranh, phát hiện tội phạm, nhất là việc điều tra những vụ trọng án. Do đó, ĐB đề nghị cần phải tiếp tục duy trì bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh. Theo ĐB thì công tác giám định pháp y trong thực tế rất vất vả, nhất là việc giám định thi thể những người đã chết 2 – 3 ngày. Anh em làm công tác giám định pháp y trong ngành Công an đã không quản ngại khó khăn, mưa, nắng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lực lượng này đang hoạt động có hiệu quả, có kinh nghiệm, ngoài kiến thức pháp y còn có kiến thức về kỹ thuật hình sự, có tính kỷ luật cao, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu giám định. Do đó, ĐB cho rằng, giao cho ngành Công an tiếp tục thực hiện công tác giám định pháp y thì chỉ có lợi, nhất là trong tình hình hiện nay.

 

Các vị đại biểu Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng), Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) đều bày tỏ quan điểm ủng hộ việc giữ lại bộ phận pháp y Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như hiện nay.

 

PHẠM HỮU HOA


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)