Em đã tìm thấy con đường của mình…


“Nhờ có chuyến đi tham quan tại Trại giam Hòa Sơn, Trường Giáo dưỡng số 3 và được nghe bác Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng răn dạy, em đã tỉnh ngộ để làm lại cuộc đời, em đã tìm thấy con đường đi của cuộc đời mình…”, em Ngô Thị Phương Duyên, trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, học sinh lớp 8 Trường THCS Trần Đại Nghĩa tâm sự như vậy.

Sau đợt đi tham quan đặc biệt ngày 7-9-2010 và được nghe bác Bí thư Thành ủy đối thoại, Uyên đã tìm ra con đường đi của mình.

Sau đợt đi tham quan đặc biệt ngày 7-9-2010 và được nghe bác Bí thư Thành ủy đối thoại, Uyên đã tìm ra con đường đi của mình.

Một thời quậy phá…

Ngồi trước mặt tôi là một cô bé khá xinh, khuôn mặt hiền. Không ai nghĩ em có một quãng thời gian ăn chơi, quậy phá và “coi trời bằng vung” như vậy. Sinh ra trong một gia đình chỉ có 2 chị em gái, cứ tưởng ít anh em sẽ được bố mẹ quan tâm, chăm sóc. Nhưng rồi, khi em học đến lớp 3 thì gia đình bắt đầu lục đục, bố bỏ mẹ theo vợ bé. Mẹ lấy công việc để khỏa lấp đi những tháng ngày cô đơn nên em cũng ít được quan tâm, chăm sóc, động viên.

Em lớn lên trong một gia đình không có niềm vui, tiếng cười và điều gì đến cũng sẽ đến. Em bắt đầu chơi với đám bạn xấu khi mới học tiểu học. Lớn lên một chút thì những quán bar, nhà hàng cà-phê trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thậm chí ở các nơi khác không nơi nào em không bước đến. Sức học ngày càng giảm sút, cô thầy cũng chán ngán với cô học trò quậy phá. Những tháng ngày ăn chơi, em sẵn sàng hành hung bất cứ những học sinh nào cùng trang lứa mà mình thấy ghét hoặc có sự xích mích.

Nhiều lần bị phụ huynh kiện, mẹ em bắt đầu thấy “ớn” với đứa con gái “trời ơi” nên đã đưa Uyên vào tá túc tại thành phố Hồ Chí Minh, gửi nơi cửa Phật, những mong em thay đổi. Suốt 2 năm nhưng “mèo vẫn hoàn mèo” nên Uyên đành phải quay về Đà Nẵng. Trở về Đà Nẵng, em tiếp tục giao du với những đám bạn ăn chơi trước đó. Nhiều lần Uyên xông vào trường cũ của mình để đánh những học sinh mà em không “ưa”. Bị phụ huynh viết đơn kiện, em lại bị Công an gọi lên để làm việc và đưa vào diện quản lý, giáo dục. “Em đã 3 lần được Công an phường mời lên làm việc. Mỗi lần như vậy em lại hứa và lại tái phạm”, Uyên nói…

Chồi non mọc thẳng…

Ngày 7-9-2010, Uyên nằm trong danh sách 8 trường hợp đặc biệt của phường Khuê Mỹ được đi “tham quan” Trại giam Hòa Sơn, Trường Giáo dưỡng số 3 và được nghe bác Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đối thoại trực tiếp. Uyên tâm sự: “Khi được tham quan tại các địa điểm nói trên, nhìn những người bạn trẻ khoác trên mình chiếc áo tù, em thấy rùng mình. Nếu như mình mà vào đây chắc là chịu không nổi, hơn nữa chắc mẹ sẽ buồn phiền lắm. Nhất là khi được bác Nguyễn Bá Thanh răn dạy những điều hay lẽ phải, em như tỉnh người ra. Đêm đầu tiên trở về nhà, em không đi chơi với đám bạn như mọi khi mà nằm suy nghĩ mãi. Phải làm lại cuộc đời để mẹ khỏi phiền muộn và để mình không còn mang tiếng quậy phá, em tự hạ quyết tâm với chính mình!”.

Được sự quan tâm giúp đỡ của Cảnh sát khu vực, Uyên xin đi học lại lớp 7, Trường THCS Trần Đại Nghĩa.  Nếu trước đây em ăn chơi, quậy phá bao nhiêu thì nay em chăm chỉ, cần cù bấy nhiêu. Kết thúc năm học lớp 7, em đạt học sinh khá. Nhiều thầy cô nhận xét: Uyên học như để bù lại những tháng ngày lầm lỡ của mình nên rất siêng năng. Còn theo nhận xét của Thiếu úy Trương Văn Sáu, Cảnh sát khu vực Công an phường Khuê Mỹ, sau khi được đi tham quan và được  bác Bí thư Thành ủy gặp mặt, dặn dò, Uyên đã thay đổi hẳn; ít giao du với những đám bạn hư, chăm học hơn. Em thật sự đã tiến bộ.

Uyên tâm sự: “Em không thể chìm mãi vào hư hỏng. Em còn trẻ và còn cả một tương lai dài phía trước…”. Từ những lời nói đầy trách nhiệm của cô bé tuổi trăng tròn, tôi tin chắc em đã chọn được con đường để mình đi.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét