Phát triển mạng lưới y tế, đáp ứng chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng biển, đảo và ven biển


Ngày 14/11, tại Hải Phòng, Viện Y học biển Việt Nam, Hội Y học biển Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia về y tế biển, đảo lần thứ III. Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia y tế biển đảo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu y học.

Đây là hoạt động cần thiết, cấp bách để đánh giá, thực hiện Nghị quyết 04 về chiến lược biển Việt Nam, phát triển mạng lưới y tế biển đảo phục vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh: Y học biển là chuyên ngành y học mới mẻ, rất rộng, bao hàm từ y học dự phòng nghề nghiệp biển, y học lâm sàng biển, y học dưới nước, áp suất trên cao đến cấp cứu và phòng chống thảm họa trên biển…rất cần được sự quan tâm đầu tư nghiên cứu, phát triển. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu dự Hội thảo tập trung thảo luận vấn đề phát triển mạng lưới y tế biển đảo phù hợp với đặc thù góp phần nâng cao chất lượng sống người dân vùng biển, ven biển và hải đảo ; tạo động lực phát triển kinh tế biển đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền của đất nước.



Đánh giá về thực trạng hoạt động hệ thống y tế biển, đảo nước ta hiện nay, Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam đồng thời là Chủ tịch Hội Y học biển Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Trường Sơn cho biết: Do các đảo nước ta độc lập, cách xa nhau, giao thông liên lạc giữa các đảo và với đất liền gặp nhiều khó khăn, nhất là khi biển động; chất lượng phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và các lực lượng lao động trên biển còn nhiều bất cập, hiệu quả không cao. Lực lượng cán bộ y tế vùng biển, đảo còn rất mỏng, thiếu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ yếu, chẩn đoán, điều trị các loại tai biến, bệnh lý đặc thù của lao động trên biển và dưới nước rất khó khăn do đội ngũ này chưa được đào tạo chuyên khoa y học biển. Thực tế cho thấy nhiều đảo được trang bị máy móc, thiết bị chẩn đoán, điều trị khá hiện đại nhưng rất ít được sử dụng hoặc sử dụng ít hiệu quả do thiếu cán bộ chuyên khoa, không có điện vận hành.



Viện Y học biển kiến nghị ngành y tế, các bộ ngành liên quan trước mắt: với 148 huyện thuộc vùng ven biển, đảo và ven biển với dân số hơn 29 triệu người , chiếm trên 34,6 % dân số cả nước cần gần khẩn trương xây dựng, phát triển mạng lưới y tế biển đảo trong đó bao gồm cả mạng lưới cấp cứu biển; hoàn thiện, ban hành một số tiêu chuẩn về y tế cho các ngành kinh tế biển. Đồng thời xây dựng một số chính sách về y tế biển, đảo nhằm thu hút cán bộ y tế tham gia phục vụ sức khỏe cho các lao động, nhân dân trên biển đảo; vấn đề y tế thảm họa biển cũng rất cần được quan tâm phát triển sớm…


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Thánh địa Mecca khai trương tuyến đường sắt cho người hành hương


Ả-rập Xê-út hôm qua đã khai trương tuyến đường sắt Mashair, còn được biết tới với tên gọi Mecca Metro, để phục vụ dòng người hành hương đang đổ thánh địa Mecca, đem tới một giải pháp mới cho các tín đồ Hồi giáo.

Tuyến đường sắt mới khai trương.

Tuyến đường sắt 2 làn kết nối 3 thánh địa Mina, Muzdalifah và núi Arafat – các khu vực vốn từng xảy ra tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng trong cuộc hành hương kéo dài 5 ngày.

Tuyến đường sắt dài 20km, ban đầu có 9 ga, sẽ thay thế khoảng 4.000 xe buýt được sử dụng trước đây.

Chuyến tàu chính thức đầu tiên khơi hành từ Mina lúc 8 giờ tối ngày 14/11 giờ địa phương khi những người hành hương tụ tập tại đây, bên ngoài Mecca để chuẩn bị cho ngày cao điểm khi khoảng 2,5 triệu người dự kiến sẽ đổ về núi Arafat và khu vực lân cận.

Tuyến đường sắt do Trung Quốc xây dựng hiện chỉ được sử dụng trong 5 ngày mỗi năm và hoạt động 35% công suất trong giai đoạn đầu này.

Tàu chỉ phục vụ những người hành hương Ả-rập Xê-út và vùng Vịnh, ước tính khoảng 150.000 người (130.000 người Ả-rập Xê-út và 10.000 người Kuwait và 10.000 người Bahrain). Con số này khá khiêm tốn so với tổng số người hành hương nhưng các tín đồ Hồi giáo những nước khác sẽ được sử dụng tuyến đường sắt ở giai đoạn 2.

Công ty dịch vụ Serco của Anh đã ký hợp đồng tư vấn bảo dưỡng và hoạt động cho tuyến đường sắt, phối hợp với Tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC).

Dự án trị giá 1,8 tỷ USD là tuyến đầu tiên trong 2 tuyến đường sắt được xây dựng nhằm giải toả tình trạng tắc nghẽn giao thông cho người hành hương.

Tuyến tàu cao tốc Haramain quy mô hơn nhiều dự kiến sẽ kéo dài 444km, nối Mecca và Medina, thánh địa thứ 2 của người Hồi giáo.

An Bình

Theo AFP


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Viettel và tham vọng “1 tỷ dân”


Mạng di động Metfone, thương hiệu của Viettel ở Campuchia

Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) lại vừa trúng thầu và được cấp phép khai thác thị trường viễn thông di động tại quốc gia Mozambique ở miền Đông Nam châu Phi.

Như vậy, chỉ chưa đầy hai năm, Viettel đã liên tiếp khai trương, đàm phán, mở rộng hợp tác đầu tư ra nhiều nước trên thế giới với số vốn cam kết hàng trăm triệu USD.

Theo Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global), dự kiến trong năm 2010, Viettel sẽ nâng tổng số thị trường đầu tư lên 6 nước, đồng thời tiếp tục tiến hành nghiên cứu, tìm kiếm thị trường đầu tư tại các nước khác thuộc châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Dồn dập đi tìm thị trường mới

Tháng 2/2009, Viettel chính thức khai trương mạng di động đầu tiên của hãng tại nước ngoài – mạng Metfone ở đất nước chùa Tháp Campuchia, sau một năm rưỡi xây dựng hạ tầng mạng rộng khắp toàn quốc. 8 tháng sau, Viettel tiếp tục khai trương mạng Unitel tại Lào.

Mặc dù là năm cả kinh tế thế giới lẫn trong nước gặp rất nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, nhưng ngay trong lúc khai trương hai mạng di động tại Campuchia và Lào, Viettel vẫn “âm thầm” đi tìm mở rộng ra các thị trường mới.

Đó là vụ thương thảo mua lại 60% cổ phần của mạng di động Teletalk tại Bangladesh, với số tiền Viettel cam kết đầu tư là là 250 triệu USD, và sau đó nâng lên 300 triệu USD; thương vụ 59 triệu USD mua lại 70% cổ phần của Công ty Viễn thông Teleco tại Haiti.

Teletalk là mạng di động nhỏ nhất tại Bangladesh, có khoảng 1 triệu thuê bao trong tổng số khoảng 50 triệu thuê bao di động ở quốc gia này. Tuy nhiên, Viettel vẫn chưa tiết lộ thông tin chính thức gì về Teletalk. Còn tại thị trường Haiti, ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel sẽ rót khoảng 300 triệu USD vào thị trường này.

Theo ông Trung, hiện tại, Viettel đang tập trung hợp tác và lên thiết kế tổng thể cho hệ thống hạ tầng, đồng thời nâng cấp mạng điện thoại cố định để nhanh chóng đưa vào phục vụ ở Haiti. Còn với mạng điện thoại di động, Viettel sẽ đầu tư xây dựng trên 1.000 trạm BTS và dự kiến đến quý 1/2011, Viettel sẽ chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại thị trường này.

Gần đây nhất, đầu tháng 11, thông tin từ ông Isidore Pedro da Silva, Chủ tịch Viện Viễn thông quốc gia Mozambique cho biết, Mozambique đã đồng ý cấp phép cho Viettel khai thác thị trường di động tại quốc gia này.

Theo thông tin ban đầu, Movitel – một đơn vị của Viettel liên doanh với một nhóm nhà đầu tư Mozambique, đã vượt qua hai công ty khác, trúng gói thầu với giá đưa ra là 29 triệu USD. Và dự tính trong 5 năm tới, Movitel sẽ đầu tư hơn 400 triệu USD tại Mozambique và cam kết cung cấp dịch vụ cho khoảng 85% dân số nước này.

Tất cả những kế hoạch đầu tư ra nước ngoài trên đây của Viettel có thể xem là những bước đi rất táo bạo và dồn dập của một tập đoàn còn non trẻ trong lĩnh vực viễn thông so với nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia về viễn thông trên thế giới.

Tham vọng “1 tỷ dân”



Có một đặc điểm chung nhất ở hầu hết các nước mà Viettel đầu tư đến là: có nền kinh tế chậm phát triển, mức thu nhập bình quân vào dạng thấp của thế giới; là những quốc gia có địa hình không thuận lợi, nhiều đồi núi; nhiều thiên tai, hạn hán hoặc bất ổn về chính trị.

Trên thị trường viễn thông trong nước, hiện tốc độ cạnh tranh ngày càng gay gắt và khốc liệt khi có tới 7 nhà mạng cùng tham gia khai thác. Thị trường viễn thông di động Việt Nam được nhận định là sắp cán ngưỡng bão hòa. Đấy chưa kể, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã xin giấy phép hoặc liên kết với doanh nghiệp đã có hạ tầng khác để tham gia vào thị trường này.

Tuy nhiên, ngay cả khi Viettel hiện đang là một trong ba mạng di động “thống lĩnh thị trường” và có ưu thế nhất về số lượng thị phần thuê bao, nhưng giá cước dịch vụ (chủ yếu là gọi và tin nhắn) đã sắp tiệm cận giá thành, không thể hạ thấp hơn.

Trong khi đó, doanh thu từ các nhà viễn thông di động trong nước hiện nay đa số vẫn là từ các dịch vụ truyền thống là gọi và SMS. Còn nguồn thu từ các dịch vụ giá trị gia tăng khác thì gần như vẫn chưa có gì.

Thị trường trở nên bão hòa, tốc độ tăng trưởng của thị trường viễn thông trong nước đã được Viettel nhận định sẽ giảm. Vì thế, chiến lược mà tập đoàn này tính toán là đi đầu tư, kinh doanh tại những thị trường có mật độ người sử dụng điện thoại di động thấp hơn.

Nhưng tại sao lại đầu tư ở những quốc gia có đặc điểm “hóc búa” như trên? “Đơn giản, vì những nơi dễ thì đã không còn nữa”, Phó tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng nói. Theo ông Hùng, trong lĩnh vực viễn thông, các công ty đã đi đầu tư được hơn 20 chục năm nên còn lại chỉ là những nơi khó và nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, vị Phó tổng giám đốc của Viettel ví von và phân tích, đó dù là những đất nước đó có chính trị không ổn định, nội chiến, thiên tai, nhưng dịch vụ viễn thông thì vẫn là thiết yếu, nó như là cơm là gạo, vì thế đất nước nào cũng cần, cần ở mọi nơi mọi lúc. Hơn nữa, viễn thông cũng là hạ tầng cơ sở, liên quan tới nhiều lĩnh vực khác như giáo dục đào tạo, xây dựng, kinh tế… Chính vì thế mà Viettel không ngần ngại khi đầu tư vào những thị trường trên.

Với kế hoạch dồn dập đầu tư ra nước ngoài đã và đang được thực hiện, tập đoàn này đặt tham vọng: “Đến năm 2015 sẽ có một thị trường quy mô khoảng 500 triệu dân, doanh thu từ thị trường nước ngoài lớn gấp 3 – 5 lần thị trường trong nước và trở thành một trong 10 doanh nghiệp viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới”.

“Tới năm 2020, Viettel sẽ phấn đấu có một thị trường với 1 tỷ dân”, ông Nguyễn Mạnh Hùng tâm sự.

Đến thời điểm hiện tại, cả hai mạng của Viettel tại thị trường Lào và Campuchia đều đã vươn lên vị trí số 1 về hạ tầng mạng lưới và đứng số 2 về thuê bao. Dự tính bắt đầu từ năm 2010, Viettel sẽ có lãi tại những thị trường này.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng cuối tuần: Vì một thành phố hiện đại và quyến rũ


Từ ngày 10 đến 20-11-2010, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật và Hội Mỹ  thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp cùng Quỹ  Điêu khắc Đà Nẵng tổ chức Trại sáng tác  Điêu khắc 2010. Những phác thảo tượng ngoài trời có chất lượng tốt sẽ được chọn lọc, nâng cao thành các tác phẩm hoàn chỉnh có thể đặt ở công viên, quảng trường, bờ sông, bãi biển… trên địa bàn thành phố.

Tượng Madona (Mẹ bồng con) thực hiện từ Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng được chuyển đến Na Uy.

Thời gian vừa qua, tại Đà Nẵng, cùng với việc mở rộng không gian đô thị, ngày càng có nhiều không gian đặt tượng thật lý tưởng, chỉ tiếc là bóng dáng tượng còn quá trống vắng. Trừ những dịp lễ hội, bù vào sự thiếu hụt này, lại phải huy động các sản phẩm đá mỹ nghệ bày dọc bên sông Hàn. Mặc dù những sản phẩm này thể hiện tài năng tinh xảo của các nghệ nhân làng đá Ngũ Hành Sơn, nhưng vẫn chưa thể nói lên diện mạo nghệ thuật điêu khắc của một thành phố ngày càng hiện đại như Đà Nẵng cần có. Vì vậy, việc mở trại điêu khắc sẽ là  một cơ hội để các nhà điêu khắc toàn quốc giới thiệu tác phẩm của mình trước công chúng thành phố, và đem đến cho họ sự tiếp cận, chọn lựa phong phú.

Đại diện Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng trao tặng phiên bản tượng thần Ganesha cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Ngoài sự tham gia của các hội viên Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng chuyên ngành Điêu khắc, Trại sáng tác còn có sự góp mặt của nhiều nhà điêu khắc cả nước. Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, Trưởng ban tổ chức Trại, cho biết: Trại sáng tác không hạn chế về đề tài và chất liệu, tuy nhiên, ưu tiên cho những tác phẩm phản ánh cuộc sống xã hội và lịch sử của TP. Đà Nẵng và thể hiện trên chất liệu đá. Các phác thảo tác phẩm là kết quả của Trại thuộc sở hữu của Ban tổ chức. Tác giả giữ bản quyền phác thảo tác phẩm của mình. Việc khai thác các phác thảo tác phẩm sau này phải được sự đồng ý của tác giả và tác giả được hưởng nhuận bút theo thỏa thuận giữa hai bên.

Tác phẩm của nhà điêu khắc Na Uy Oyvin Storbaekhen.

Trong kế hoạch sắp tới, cùng với việc tập trung vận động các nguồn tài trợ, tập hợp giới điêu khắc trong nước tham gia sáng tác, từng bước thực hiện đề án phát triển các tượng công cộng ngoài trời của thành phố Đà Nẵng, Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng sẽ hợp tác đào tạo thợ điêu khắc cho Lào và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ giao lưu văn hóa-nghệ thuật với các nhà điêu khắc quốc tế, nhất là với Na Uy.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng triển khai hàng loạt biện pháp bình ổn giá


Đà Nẵng đã triển khai hàng loạt các biện pháp bình ổn giá cả cuối năm như dự trữ 500 tấn gạo, thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm soát giá, hỗ trợ các doanh nghiệp dự trữ, đẩy mạnh sản xuất.

Chỉ số giá tiêu dùng thành phố Đà Nẵng tháng 10 tăng 0,51% so với tháng 9

Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng cho biết chỉ số giá tiêu dùng của thành phố tính hết tháng 10 tăng 8,14% so với cuối năm 2009, tăng 9,65% so với cùng kỳ. So với tháng 9 năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng thành phố Đà Nẵng tháng 10 tăng 0,51%.

Trong tháng 10, giá các mặt hàng lương thực không thay đổi so với tháng 9. Thị trường thực phẩm về cơ bản là ổn định, chỉ có một số mặt hàng tăng giá nhẹ.

Nhiều biện pháp bình ổn giá

Trong thời gian qua thành phố đã triển khai một số việc nhằm bình ổn giá cả như chỉ đạo Sở Công Thương, Công ty Cổ phần Lương thực Đà Nẵng thực hiện việc dự trữ 500 tấn gạo để bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến với giá thấp hơn giá thị trường khoảng 10%.

Hằng năm, thành phố đều chỉ đạo mua trữ trước 1.000 tấn thịt heo hơi để bình ổn giá cả mặt hàng này. Trong năm nay, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện bình ổn mặt hàng thịt heo cùng một số mặt hàng thiết yếu khác.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã làm việc với Tổng Cục dự trữ nhà nước, Dự trữ Quốc gia Khu vực Đà Nẵng để xây dựng cơ chế phối hợp trong việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm, phương tiện phòng chống và khắc phục bão, lụt.

Để không bị tư thương đẩy giá trục lợi, UBND thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm soát hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong những tháng cuối năm.

Về ổn định sản xuất, thành phố đã chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Đà Nẵng triển khai thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất cho vay trung, dài hạn trong năm 2010 theo Quyết định 443/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, giảm giá thành.

Đồng thời, uỷ thác vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố để cho vay giải quyết việc làm, cho vay hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu.

Hỗ trợ các doanh nghiệp dự trữ hàng bình ổn giá

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương

Dự báo về tình hình giá cả trong thời gian tới tại thành phố Đà Nẵng, ông Võ Duy Khương cho biết theo quy luật chung của thị trường, những tháng cuối năm giá cả có xu hướng tăng  song tại Đà Nẵng sẽ không có tình trạng tăng giá đột biến, ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Để tiếp tục ổn định tình hình giá cả thị trường trên địa bàn, UBND thành phố đã yêu cầu Sở Tài chính, Sở Công Thương tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường của các đoàn kiểm tra liên ngành mà thành phố đã thành lập, tổ chức tháng bán hàng khuyến mãi góp phần bình ổn giá cả thị trường.

Mặt khác, thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí và lãi suất cho các doanh nghiệp dự trữ lương thực, hàng hoá thiết yếu để bình ổn giá trong những tình huống khẩn cấp và dịp Tết Nguyên đán Tân Mão.

UBND cũng tiếp tục đẩy mạnh cho vay vốn hỗ trợ xuất khẩu từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố.

Đặc biệt sẽ tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng,  ngoại tệ và yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng tăng tần suất phát sóng, đăng bài để tuyên truyền chính sách quản lý nhà nước về giá của thành phố, diễn biến giá cả thị trường, tình hình cung ứng hàng hoá cho nhân dân trên địa bàn thành phố.

Hồng Hạnh


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng


UBND thành phố Đà Nẵng vừa có quyết định thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng. Trung tâm có tên giao dịch tiếng anh là Danang Biotechnology Center (DanaBC), chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu và mở tài khoản để giao dịch theo quy định.



Trung tâm Công nghệ sinh học có nhiệm vụ quản lý, lưu trữ và phát triển các nguồn gen giống cây, con.

Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng có nhiệm vụ tham mưu cho Sở Khoa học và Công nghệ và UBND thành phố về định hướng phát triển, xây dựng chương trình, mục tiêu nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ trong các lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến thực phẩm, y tế và môi trường. Nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao, thực hiện các dịch vụ, tư vấn và triển khai kỹ thuật hiện đại về công nghệ sinh học vào sản xuất. Liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghệ sinh học, quản lý lưu trữ và sưu tập nguồn gen phục vụ cho công tác nghiên cứu, chọn tạo, phục tráng và nhân nhanh giống cây, con bằng công nghệ sinh học… Trung tâm cũng có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học cho thành phố.

(Ngọc Thủy)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Việt Nam trở thành một trong những điểm đến được ưa chuộng


Vịnh Hạ Long, Việt Nam

Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến được ưa chuộng đối với các du khách Thái Lan, Australia, Nhật Bản và Singapore nhờ vào sắc thái văn hóa, cảnh đẹp và những địa điểm du lịch giá cả phải chăng.

Bản tin hôm thứ 6 của Bernama trích thuật tin tức báo chí Việt Nam nói rằng kết quả cuộc khảo sát do Công ty Visa và Hiệp hội Dự luật Á châu Thái bình dương thực hiện cho thấy trong số những người có phần chắc sẽ đến thăm Việt Nam trong vòng 2 năm tới có 17% là người Thái Lan, 16% người Australia, và 11% là du khách Nhật Bản và Singapore.

Bản tin trích lời ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, nói rằng để thu hút thêm du khách, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa cho việc tân trang cơ sở hạ tầng, đào tạo hướng dẫn viên, cải thiện phẩm chất dịch vụ và bảo vệ môi trường. Ông Cường cho biết trong 10 tháng đầu năm nay Việt Nam đã đón 4,2 triệu lượt khách nước ngoài, tăng 40% so với cùng thời gian này năm ngoái. Ông nói thêm rằng trong hai tháng 11 và 12, mỗi tháng sẽ có chừng 420 ngàn tới 450 ngàn khách nước ngoài tới Việt Nam, nên hoàn toàn có khả năng là du lịch Việt Nam đạt được con số 5 triệu lượt khách vào cuối năm nay, tăng 1 triệu 200 ngàn so với năm ngoái.

Nguồn: Bernama, VNA


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)