Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch. Hiển thị tất cả bài đăng

Đà Nẵng biểu diễn lướt ván và âm nhạc đường phố dịp 2-9


Hai hoạt động nhằm kỷ niệm 66 năm Ngày Quốc khánh 2-9 được Trung tâm Tổ chức sự kiện và lễ hội Đà Nẵng chính thức công bố sáng 31-8.

Diễn tập lướt ván vào chiều 28-8 trên sông Hàn

Diễn tập lướt ván vào chiều 28-8 trên sông Hàn

Theo đó, từ khoảng 17 đến 18 giờ ngày 2-9 sẽ là màn biểu diễn Jetski và dù kéo từ cầu Rồng đến cầu sông Hàn; lướt ván đơn, ván kép, ván chồng từ cầu Rồng đến cảng Đà Nẵng của 14 vận động viên thuộc CLB lướt ván Huy Khánh Đà Nẵng.

Từ 19 giờ 30 đến 21 giờ, những giai điệu flamenco sôi động cùng những tình khúc lãng mạn sẽ được trình bày bởi các nhạc công violon, guitar, saxophone của Đà Nẵng.

Sân khấu mở với hình ảnh hai cánh buồm ở vỉa hè đường Bạch Đằng (đoạn đối diện chợ Hàn) vừa là nơi biểu diễn âm nhạc, vừa dành cho khán giả thưởng thức chương trình. Hai màn hình lớn hai bên sân khấu cũng được lắp đặt cho người dân, du khách dễ theo dõi.

Trong suốt thời gian diễn ra hoạt động, Ban tổ chức cắt 1/3 đường Bạch Đằng để lấy không gian cho các hoạt động. Ba điểm giữ xe trên các con đường Hùng Vương, Nguyễn Thái Học, Phan Đình Phùng do UBND quận Hải Châu quản lý, lấy giá giữ xe 5.000 đồng/xe máy, 2.000 đồng/xe đạp.

Ông Hồ Văn Ánh, Giám đốc Trung tâm Tổ chức sự kiện và lễ hội Đà Nẵng, cho biết đây là hoạt động thể thao-văn hóa-du lịch lấy kinh phí xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân và du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ở thành phố, đồng thời quảng bá hình ảnh Đà Nẵng năng động, trẻ trung trong mắt du khách nội địa và quốc tế.

Hằng Vang


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đầu năm nườm nượp khách du lịch




Mới đầu năm mới, khách du lịch đã tấp nập đến Đà Nẵng trên các chuyến bay quốc tế trực tiếp, các chuyến tàu biển và qua đường bộ, báo hiệu một năm mới tươi sáng cho ngành Du lịch.

 



Mô tả ảnh.

Đà Nẵng chào đón và tặng hoa cho đoàn khách trên chuyến bay quốc tế trực tiếp đầu tiên đến thành phố vào tối mồng 2 Tết. Ảnh: Hằng Vang



Khách quốc tế chiếm ưu thế

Nếu như các năm trước, Tết Nguyên đán là mùa hút khách nội địa, thì năm nay, khách quốc tế do các hãng lữ hành khai thác đã tăng đột biến, với hơn 9.300 khách, tăng 132% so với cùng kỳ. Nhộn nhịp nhất là 31 chuyến bay quốc tế trực tiếp liên tục hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Đà Nẵng, đưa gần 3 nghìn khách từ Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hong Kong đến thành phố Đà Nẵng. Khách đường biển cũng khá đông, với gần 2 nghìn người cập cảng Tiên Sa trên 5 chuyến tàu biển. Hai đoàn khách tàu biển và hàng không xông đất Đà Nẵng vào ngày mồng 2 Tết được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức tiếp đón, dành tặng những bó hoa tươi thắm và những lời chúc tốt lành nhất.
Trừ khách tàu biển, số khách quốc tế trên đều có đợt nghỉ dưỡng dài ngày tại các khách sạn (KS) cao cấp và tham quan nhiều điểm đến nổi tiếng của Đà Nẵng như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Danh thắng Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà; tỏa về các di sản thế giới tại Quảng Nam, thành phố Huế. Nương theo lượng khách đó, các khách sạn (KS) 4-5 sao ven biển và khu trung tâm thành phố đạt công suất sử dụng buồng phòng từ 60-70%. Nhiều KS lớn như Silver Shore, Hoàng Anh Gia Lai phải “chạy” mệt nghỉ để lo cho lượng khách khá lớn lưu trú từ 3-4 ngày/đoàn. Các KS 3 sao như Minh Toàn, Sun River, Saigontourane… cũng thu hút khách lưu trú khoảng 60-70% số phòng. Để du khách quốc tế hiểu về văn hóa Việt Nam và cái Tết truyền thống, hầu hết các KS đều trang trí và tổ chức đón giao thừa với du khách, với nhiều chương trình thú vị như biểu diễn múa lân, viết thư pháp, Chợ quê, Tết Việt, chúc Tết và lì xì…
 



Mô tả ảnh.


Tàu du lịch biển quốc tế Seabourn Pride trên Cảng Tiên Sa ngày mồng 2 Tết Tân Mão. Ảnh: Văn Trấn



Hút khách bằng sản phẩm mới

Trong dịp Tết, Khu du lịch Bà Nà Hills Resort đã đưa 5 tuyến du lịch trecking (xuyên rừng) vào khai thác và giảm 20% giá phòng; đồng thời tổ chức chương trình Tết hấp dẫn như đón Tết cho khách tham quan, Chợ quê với những món ăn truyền thống và địa phương phục vụ du khách, viết thư pháp. Ngoài các tour truyền thống như câu cá cùng ngư dân, lặn biển ngắm san hô, vào mồng 6 Tết, BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch triển khai thêm các hoạt động hấp dẫn, mới lạ trên biển như lướt sóng cùng Jetski, cưỡi phao chuối, dù lượn trên không trong khuôn khổ chương trình du lịch “Du Xuân Sơn Trà”. Theo ước tính sơ bộ từ Sở VH-TT-DL, có khoảng 73 nghìn lượt khách đến tham quan các khu, điểm du lịch trong dịp Tết.
Để khai thác nguồn khách tại chỗ, các công ty lữ hành đều thiết kế các tour ngắn ngày tham quan thành phố, thăm bán đảo Sơn Trà, chùa Linh Ứng, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm… Đội Xích lô du lịch chia nhau đứng điểm phục vụ khách tại các khách sạn, các tuyến đường chính và điểm tham quan. Đội quản lý trật tự du lịch biển và Đội cứu hộ cũng thường xuyên cắm chốt tại các bãi biển du lịch để bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và an toàn tối đa cho khách tắm biển.


HẰNG VANG

.

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Liên minh Châu Âu hỗ trợ Đà Nẵng phát triển du lịch bền vững


Ngày 9/5, đoàn tư vấn của Liên minh châu Âu (EU) do ông Jan B. Bjarnason dẫn đầu đã có chuyến công tác nhằm tìm hiểu, đánh giá nhu cầu phát triển du lịch của Đà Nẵng, một trong những địa phương được hưởng lợi của chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESRT) do EU tài trợ.

Liên minh Châu Âu hỗ trợ Đà Nẵng phát triển du lịch bền vững

Ông Jan B. Bjarnason cho biết ESRT là chương trình hỗ trợ kỹ thuật du lịch quan trọng của EU dành cho một số tỉnh thành và địa phương có tiềm năng du lịch của Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng. Nội dung chương trình gồm 03 hợp phần: hỗ trợ chính sách và tăng cường thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm du lịch và quan hệ đối tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân; giáo dục và đào tạo nghề trong ngành du lịch. Chương trình có tổng kinh phí hỗ trợ là 11 triệu Euro,dự kiến được triển khai thực hiện trong vòng 05 năm.

 

Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP. Phùng Tấn Viết đánh giá cao chuyến công tác của đoàn, đống thời nhấn mạnh chương trình hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của thành phố mà trong đó du lịch là lĩnh vực ưu tiên phát triển. Trên cơ sở khung nội dung hoạt động của chương trình do phía đoàn tư vấn trình bày, phía thành phố đã đề nghị được chương trình hỗ trợ với các nội dung cụ thể gồm nâng cao năng lực cho cán bộ ngành du lịch thành phố; quy hoạch nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng; hỗ trợ đào tạo nghề du lịch, đặc biệt nghề thủ công mỹ nghệ; và đề án phát triển tàu du lịch trên sông Hàn.

Quỳnh Đan


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Máy bay, tàu lửa kín khách đến Đà Nẵng dịp lễ hội pháo hoa quốc tế


Các chuyến bay và tàu lửa từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng trong dịp lễ hội pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng, vào dịp 30-4 và 1-5 đã kín chỗ.

Đại diện Jetstar Pacific cho biết, hiện nay vé máy bay trên trục Thành phố Hồ Chí Minh – Đà Nẵng từ ngày 27-4 đến 30-4 hầu như kín chỗ. Chiều ngược lại từ Đà Nẵng về Thành phố Hồ Chí Minh cũng kín chỗ từ ngày 2-5 đến 5-5. Chiều từ Hà Nội đi Đà Nẵng cũng kín chỗ từ sớm, riêng chiều từ Đà Nẵng về Hà Nội vé đã kín trong các ngày 1-5 đến 3-5. Jetstar Pacific hiện đang khai thác 4 chuyến khứ hồi giữa Thành phố Hồ Chí Minh – Đà Nẵng, 2 chuyến khứ hồi giữa Hà Nội – Đà Nẵng.

Trong khi máy bay và tàu hỏa từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng gần như đã kín chỗ thì xe khách vẫn đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

Thông tin từ các đại lý bán vé máy bay của Vietnam Airlines trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hầu hết các chuyến bay từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào Đà Nẵng từ ngày 27 đến 30-4 này đã kín. Chiều ngược lại cũng kín vào các ngày từ 2 đến 4-5. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân dịp cao điểm nghỉ lễ, Vietnam Airlines sẽ tăng thêm gần 50 chuyến bay nội địa và quốc tế. Cụ thể, trong thời gian 28-4 đến 3-5, Vietnam Airlines sẽ tăng thêm 48 chuyến bay nội địa trên tất cả các đường bay. Riêng tuyến Hà Nội – Đà Nẵng tăng 8 chuyến; tuyến Thành phố Hồ Chí Minh – Đà Nẵng tăng 6 chuyến.

Ông Đỗ Thái Lâm, Phó trưởng Ga Đà Nẵng, cho biết các chuyến tàu Hà Nội – Đà Nẵng, Sài Gòn – Đà Nẵng cũng đã đặt kín chỗ. Ga Đà Nẵng chủ yếu là phục vụ khách khứ hồi trong dịp này. Dự kiến ngày 28-4 lượng khách sẽ dồn về Đà Nẵng rất đông (chủ yếu là khách đi theo đoàn). Để phục vụ hành khách được tốt, ngành đường sắt cũng đã cho nối thêm toa ở các chuyến tàu từ ga Hà Nội và ga Thành phố Hồ Chí Minh (mỗi toa khoảng 80 chỗ), đồng thời tăng thêm 2 chuyến tàu SE19, SE20 chạy hằng ngày từ Hà Nội – Đà Nẵng và chiều ngược lại.

Trong khi đó, theo ông Lê Viết Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng, mặc dù lượng khách đến Đà Nẵng trong dịp này ước tính tăng hơn 50% so với ngày thường, nhưng khách chủ yếu mua vé tàu và vé máy bay nên vé ô tô ra vào Đà Nẵng bình thường, đủ cung ứng cho nhu cầu tối đa của khách hàng. Giá vé trong dịp lễ này cũng đảm bảo không tăng lên.

“Số đầu xe phục vụ dịp lễ này tăng 130% so với ngày thường, trong đó khách chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa… vào Đà Nẵng dịp pháo hoa và nghỉ lễ này”, ông Hoàng cho biết thêm. Còn theo các hãng lữ hành ở Đà Nẵng, dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay trùng với lễ hội pháo hoa quốc tế nên khách đăng ký tour tới Đà Nẵng tăng gấp 50 -100% so với năm ngoái.

Hiện nay, các đơn vị khó khăn trong dịch vụ thuê xe du lịch vì xe của Đà Nẵng và các vùng lân cận như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế… đã hết. Giá cho thuê cũng tăng cao gấp 3 lần so với ngày thường. Đơn cử như tour Đà Nẵng – Hội An – Bà Nà (3 ngày), xe 45 chỗ ngồi dịp này thuê với giá 15 triệu (trong khi ngày thường chỉ 5 triệu). Một số hãng lữ hành phải thuê xe từ các tỉnh khác như Nha Trang, Quy Nhơn, thậm chí thuê từ Hà Nội.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh (Báo Đà Nẵng)


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Du ngoạn Đà Nẵng bằng trực thăng trong dịp Lễ hội pháo hoa quốc tế


Dịp lễ hội pháo hoa quốc tế năm 2011 tại Đà Nẵng (DIFC 2011), du khách có nhu cầu thưởng thức chương trình du lịch độc đáo: du lịch bằng trực thăng thăm quan Đà Nẵng, Sơn Trà, đảo Cù Lao Chàm…Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, Trưởng phòng điều hành Công ty TNHH MTV Lữ hành Vitours, dịch vụ này rất mới mẻ, độc đáo và lần đầu tiên đơn vị đưa vào khai thác trong dịp pháo hoa năm nay với giá cả bình dân để mọi người đều có thể tham gia.

Dịp pháo hoa năm nay, du khách có thể thưởng lãm khung cảnh của Đà Nẵng từ trực thăng trên cao với mức giá 4.990.000 đồng/người.

Nếu ngày thường, công ty chỉ tổ chức cho khách thuê tự do (khách lẻ) đăng ký tour này, với chi phí cho mỗi chuyến bay khoảng 100 triệu đồng/giờ, thì trong dịp pháo hoa tới, đơn vị sẽ tổ chức tour cao cấp này theo phương thức ghép đoàn (đăng ký đủ số ghế sẽ xuất phát một chuyến bay), do đó số tiền mỗi giờ bay sẽ được chia đều cho mỗi khách hàng. Khách hàng có nhu cầu bay đều có thể đăng ký, liên hệ qua đường dây nóng 0988016000 trước 3 ngày để đặt chỗ ưu tiên. Tham gia tour này, khách sẽ được bảo hiểm du lịch toàn bộ chuyến bay.

Trong ngày 30-4 có chương trình “Du ngoạn Đà Nẵng – Sơn Trà bằng trực thăng” với mức giá 4.990.000 đồng/khách. Khách được đón tại điểm hẹn rồi chở đến sân bay Đà Nẵng, được thoải mái chụp ảnh lưu niệm với trực thăng MI 17 (24 chỗ), trực thăng EC 155 (12 chỗ) hiện đại và đội phi công chuyên nghiệp phục vụ theo giờ.

Sau khi nghe hướng dẫn viên thuyết minh về lịch sử của sân bay Đà Nẵng và kỹ năng cần lưu ý, trực thăng cất cánh và đưa du khách lượn một vòng ngắm cảnh thành phố Đà Nẵng trên không, men theo vịnh Đà Nẵng, lượn một vòng ngắm đèo Hải Vân, bãi biển Red Beach, vượt cảng Tiên Sa, ngắm cầu Thuận Phước và hạ cánh tại sân bay trực thăng trên đỉnh Sơn Trà.

Tại đây sẽ có xe đón khách tham quan bán Đảo Sơn Trà: Trạm Radar nổi tiếng với tên gọi “Mắt Thần Đông Dương”, Đồi Vọng Cảnh, tham quan khu du lịch sinh thái Trường Mai; khám phá hòn ngọc xanh Sơn Trà; thưởng ngoạn cây đa ngàn năm tuổi với hình tượng chú nai khổng lồ hay ngắm nhìn những cây dâu rừng trĩu quả. Trên đường về lại Đà Nẵng, du khách dừng chân ghé thăm chùa Linh Ứng, chiêm ngưỡng tượng Phật bà cao nhất Việt Nam và ngắm cảnh thành phố từ trên cao.

Trong ngày 1-5, có chương trình “Du ngoạn Đà Nẵng – khám phá Cù Lao Chàm” bằng trực thăng với giá 5.990.000 đồng/khách. Du khách được chiêm ngưỡng các công trình nổi tiếng trong thành phố từ trên cao: sông Hàn, biển Mỹ Khê, núi Ngũ Hành Sơn, tượng Phật chùa Linh Ứng… và máy bay sẽ hạ cánh tại sân bay trực thăng đảo Cù Lao Chàm và tiếp tục hành trình khám phá đảo: tham quan chùa Hải Tạng, Âu thuyền, Giếng Chăm cổ, lặn ngắm san hô và tắm biển. Ăn trưa hải sản tại Cù Lao Chàm, được tự do nghỉ ngơi tắm biển và lặn ngắm san hô.

Yên Giang

 


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Du khách quốc tế khá hài lòng đối với điểm đến Đà Nẵng


Theo kết quả điều tra mới nhất của Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng vừa công bố, mức điểm trung bình đo lường về mức độ hài lòng chung của du khách quốc tế sau khi đến với Đà Nẵng là 3,8 trên thang điểm 4. Điều này cho thấy du khách quốc tế khá hài lòng đối với điểm đến Đà Nẵng.

Khách quốc tế khá hài lòng đối với điểm đến Đà Nẵng

Kết quả điều tra của Viện được thực hiện trong thời gian tháng 3 và tháng 12/2010 với 523 mẫu phiếu khảo sát được phát cho khách du lịch đến Đà Nẵng từ châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, Đông Bắc Á và các nước Đông Nam Á. Kết quả khảo sát cho thấy, khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng với mục đích tham quan là chủ yếu, chiếm tỷ trọng 87,16%. Du khách tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí chỉ chiếm 29,5% và tham gia các lễ hội chỉ chiếm 23,95%. Điều này cho thấy các hoạt động vui chơi giải trí và lễ hội trên địa bàn thành phố vẫn chưa thực sự thu hút được sự quan tâm của khách quốc tế và chưa phải là động lực chính để thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế đến với Đà Nẵng.

Ngoài ra, độ dài thời gian lưu trú của du khách quốc tế khi đến Đà Nẵng khá ngắn. Tỷ lệ du khách lưu trú chỉ dưới một ngày tại Đà Nẵng chiếm tỷ lệ khá cao 45,3%; từ 1 đến 2 ngày chiếm 24,4%; từ 3 đến 5 ngày chỉ chiếm 24,2%. Cũng do thời gian lưu trú ngắn, chi tiêu của phần lớn du khách quốc tế khi đến với Đà Nẵng chỉ ở mức khá thấp. 92,3% du khách chỉ chi tiêu dưới mức 2000 USD/người (trong đó vé máy bay đã chiếm phân nửa). Có đến 70,8% du khách được khảo sát chi tiêu dưới mức 500 USD; 15% chi tiêu từ 500 – dưới 1000 USD; 6,5% chi tiêu từ 1000 – dưới 2000 USD. Số lượng du khách chi tiêu trên 2000 USD chiếm tỷ lệ thấp chỉ vào khoảng 7,6%.

Đặ biệt, kết quả khảo sát cho thấy có đến 77,8% du khách trả lời là không biết chắc chắn là có quay trở lại Đà Nẵng hay không (trong đó, 35,8% trả lời không biết; 27,3% trả lời có thể có; 10,2% trả lời có thể không) và có 4,6% du khách trả lời chắc chắn sẽ không quay lại. Chỉ có khoảng 22,2% du khách được khảo sát trả lời là chắc chắn có quay trở lại. Kết quả của cuộc khảo sát này cho thấy, mặc dù xét trên tổng thể, Đà Nẵng gây được ấn tượng khá tốt cho du khách quốc tế, nhưng việc níu chân du khách vẫn còn là một bài toán khó cho ngành du lịch thành phố và vẫn còn rất nhiều việc phải làm phía trước.

Kỳ Anh


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Đà Nẵng sẽ lắp đặt thêm 10 máy tra cứu thông tin du lịch


Sẽ lắp đặt máy tra cứu thông tin du lịch tại Nhà hát Trưng Vương – một trong những địa điểm tập trung đông khách du lịch.

UBND thành phố Đà Nẵng vừa đồng ý cho lắp đặt thêm 10 máy tra cứu thông tin du lịch (được đầu tư từ dự án công nghệ thông tin và truyền thông thành phố) tại một số điểm trên địa bàn thành phố.

Theo đó, 10 máy sẽ được lắp đặt tại Nhà ga mới – Sân bay quốc tế Đà Nẵng, Trạm cáp treo Bà Nà, Siêu thị BigC, Góc khách sạn Bạch Đằng, Bảo tàng Chăm (thay mới), Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Công viên biển Đông, Nhà hát Trưng Vương, Khu vực Bến xe trung tâm và Khách sạn Đà Nẵng.

UBND thành phố cũng giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với các đơn vị liên quan để lắp đặt 10 máy tra cứu thông tin du lịch nêu trên; đồng thời triển khai việc mua phần mềm và các hoạt động bảo dưỡng, bảo vệ thiết bị.

Sơn Trà

(28/02/2011)

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Financial Times:Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh là Lý Quang Diệu của Việt Nam.


Sơn Trà, Đà Nẵng

Financial Times cho rằng Đà Nẵng là thành phố có quy hoạch hoàn hảo, và gọi Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh là Lý Quang Diệu của Việt Nam.

Khi nghĩ tới đầu tư vào Việt Nam, mọi sự chú ý sẽ hướng về Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tạp chíFinancial Times lại đưa ra ý kiến rằng, các nhà đầu tư hãy nhìn về Đà Nẵng.

Đà Nẵng, thành phố đông dân thứ 4 của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhờ vị trí địa lý tuyệt vời, có núi rừng bao phủ và hàng chục km bãi biển trải dài.

Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của Đà Nẵng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, biệt thự và sân golf, cùng với một số lượng lớn các nhà máy mọc lên, tận dụng lợi thế vị trí địa lý của Đà Nẵng ở trung tâm của Việt Nam để phát triển hoạt động kinh doanh.

Ông Peter Ryder, Giám đốc điều hành của Indochina Capital, một công ty tiên phong đầu tư vào một số dự án phát triển cao cấp tại thành phố này nói rằng, thành công của Đà Nẵng một phần nhờ vào tư tưởng lãnh đạo của ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng.

Ông nói: “Đà Nẵng thường xuyên được bình chọn là nơi tốt nhất để đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, với các cơ sở hạ tầng tốt nhất, vượt xa tất cả các đô thị lớn khác và sự tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người cao hơn các khu vực khác tại Việt Nam. Nguyễn Bá Thanh có thể được coi là Lý Quang Diệu của Việt Nam”.

Giống như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nền kinh tế của Đà Nẵng đã phát triển với tốc độ cao hơn tốc độ phát triển quốc gia trong 10 năm qua. Từ 2006-2010, kinh tế Đà Nẵng đã tăng trưởng khoảng 11% /năm và đặt mục tiêu tăng trưởng 13,5% -14,5% trong 5 năm tiếp theo.

Trái ngược với tình trạng hỗn loạn giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với 900.000 dân là một thành phố rất sạch đẹp và quy củ với những làn gió mát trong lành, với những đại lộ rộng rãi, những đường vành đai và những cây cầu. Tất cả mọi thứ đều được quy hoạch một cách hoàn hảo.

Ông Ryder cho biết: “Chúng tôi đã rất quan tâm về hoạt động xây dựng trên bãi biển. Các hoạt động của chúng tôi vẫn sẽ tiến triển tốt, nhưng chúng tôi chưa có bất kỳ kế hoạch nào cho các dự án mới.

Một nhà kinh tế cho rằng nhu cầu từ tầng lớp giàu có tại Việt Nam, những người muốn kết hợp giữa nhà nghỉ và đầu tư sẽ tiếp tục hỗ trợ hơn nữa cho sự phát triển tại Đà Nẵng.

Tuyết Mai

Theo FT


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Chuyến bay quốc tế “xông đất” sân bay quốc tế Đà Nẵng


Chuyến bay quốc tế thuê bao trực tiếp đầu tiên của năm mới Tân Mão từ HongKong chở 184 vị khách du lịch đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng vào tối 4-2 (mồng 2 Tết).

Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cùng Công ty du lịch SmileViet (Nụ cười Việt) chào đón và tặng hoa cho du khách trên chuyến bay HongKong-Đà Nẵng tối mồng 2 Tết

Số khách này sẽ trở về nước trong 5 ngày tới, sau khi có đợt nghỉ dưỡng tại các khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, Silver Shore, tham quan những điểm đến nổi tiếng của Đà Nẵng như Sơn Trà, Danh thằng Ngũ Hành Sơn…, cũng như các di sản thế giới tại Huế, Hội An.

Đây là một trong những chuyến bay của đường bay HongKong-Đà Nẵng khai trương từ cuối tháng 11 năm ngoái, do Công ty SmileViet (Nụ cười Việt) và Vietnam Airlines phối hợp khai thác. Dự kiến, tần suất đường bay 2 chuyến/tuần bằng máy bay A321 với sức chứa 185 chỗ ngồi tiếp tục được duy trì đến hết năm nay.

HẰNG VANG


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng đón hai tàu biển du lịch nước ngoài


Khach den Da Nang

Ngày 11/1/2011, tàu du lịch Amazara Quest mang quốc tịch Pahamas và tàu Seabourn Pride đã cập Cảng Tiên Sa- Đà Nẵng bắt đầu hành trình du lịch tại Đà Nẵng và các di sản văn hóa thế giới tại Miền Trung như Hội An, Huế, Thánh địa Mỹ Sơn.

Tàu Amazara Quest chở theo 450 khách Nhật Bản, Trung Quốc, Anh và tàu Seabourn Pride chở 200 du khách từ Anh, Đức, Mỹ.

Đây là những chuyến tàu di lịch biển thứ hai và thứ ba cập Cảng Đà Nẵng trong 11 ngày đầu năm. Trước đó, vào ngày 1/1/2011, 200 khách du lịch tàu biển mang quốc tịch Đức, Anh, Mỹ đã cập cảng Đà Nẵng cũng trên chuyến Seabourn Pride.

Theo kế hoạch, từ đây đến hết tháng Giêng, thêm ba chuyến tàu biển với gần 2.500 khách du lịch châu Á và châu Âu sẽ cập cảng Tiên Sa.

Theo đánh giá của các hãng lữ hành khai thác tàu biển ở Đà Nẵng, năm 2011, theo đà phục hồi kinh tế thế giới, lượng khách đi du lịch đường biển sẽ tăng khoảng 20%. Dự kiến 23 chuyến tàu biển sẽ đến thành phố trong quý 1/2011, mang theo trên 10.000 người, chủ yếu từ các thị trường châu Âu truyền thống.

Đặc biệt, năm 2011 đánh dấu sự trở lại của các chuyến tàu du lịch biển lớn Costa Classica với sức chứa gần 2.000 khách/chuyến. Các luồng khách châu Á là Nhật Bản, Trung Quốc sẽ góp phần làm tăng trưởng đáng kể lượng người đi du lịch bằng đường biển trong thời gian này trên các chuyến tàu Azamara Quest do hãng OSC (Huế) khai thác.

tàu Azamara Quest, quốc tịch Malta chở 500 du khách từ các nước Anh, Nhật, Mỹ, Canada... cập cảng Tiên Sa

Với nguồn khách trên, ngành Du lịch Đà Nẵng kỳ vọng thu hút khoảng 450.000 lượt khách quốc tế, đóng góp vào tổng số 2,1 triệu lượt khách đến thành phố trong năm 2011.

Tàu Azamara Quest, quốc tịch Malta

Theo Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Đà Nẵng, việc tập trung phát triển du lịch theo ba hướng du lịch biển, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng nghề; du lịch công vụ, mua sắm, hội nghị-hội thảo; song song với đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá ở các thị trường trong và ngoài nước là cơ sở để đạt tới lượng khách khá lớn như trên./.

Văn Sơn


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Căng xe, căng phòng, căng cả hướng dẫn


Những chuyến bay thuê bao trực tiếp từ Trung Quốc, Hong Kong theo dự kiến liên tục đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng từ tháng 12 năm nay đến tháng 5 năm sau khiến hệ thống dịch vụ không kịp đáp ứng. Nhiều nhà lữ hành cho biết, chưa bao giờ đối phó với lượng khách quốc tế lớn dồn vào cùng lúc như vậy.

Khu nghỉ mát quốc tế Silver Shores dự kiến chia sẻ khách cho các khách sạn lân cận khi nơi này không đáp ứng kịp lượng khách quá lớn.

Thiếu trầm trọng hướng dẫn viên (HDV) “tiếng hiếm”

Tiếng Trung Quốc được coi là tiếng hiếm, khi ông Tiêu Công Minh, Giám đốc Chi nhánh Công ty Du lịch Đông Phương Quốc tế (ĐPQT), một trong số rất ít công ty khai thác luồng khách thuê bao này, thống kê, lượng HDV tiếng Trung mà Đà Nẵng hiện có chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ước tính sơ bộ của Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho thấy, với tổng lượng khách vào khoảng 1.500 người, thì chí ít phải cần tới 50 HDV. Gom hết HDV của cả ba địa phương Đà Nẵng-Huế-Hội An cũng chưa được 20 người. Trong khi ĐPQT kêu gọi HDV trụ cột của công ty từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội về, thì Vitours cũng tuyển chọn, sàng lọc và huấn luyện nhanh cho 10 người nói tốt tiếng Trung.

Tuy nhiên, do một số HDV này đã rút lại quyết định vì không muốn đi xa, vì thế, theo ông Minh, chi nhánh phải nhận sinh viên Đại học Ngoại ngữ mới tốt nghiệp, tổ chức thực tập nhanh, cho họ ghi âm lời giới thiệu của các HDV các điểm tham quan để về luyện cho thành thục. Đồng thời, mời các giáo viên chuyên dạy du lịch từ Trung Quốc sang đào tạo các kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và nắm bắt nhu cầu của du khách cho các HDV mới này.

Vì các kế hoạch bay chính thức mới được đưa về từ giữa tháng 11, mà lịch bay lại quá sít sao nên các hãng lữ hành thật sự lúng túng. “Mặc dù được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đà Nẵng hứa sẽ hỗ trợ tích cực, nhưng trong tình huống xấu nhất là không chuẩn bị đủ lượng HDV, chúng tôi chưa tưởng tượng ra việc đón khách sẽ như thế nào”, ông Minh nửa đùa nửa thật.

Chia sẻ khách cho Lăng Cô, Hội An

Các hãng lữ hành chật vật tìm hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung, khi phải cần 5-6 HDV cho lượng khách từ 140 đến 180 người/chuyến.

Nhận xét “Đà Nẵng chỉ có khoảng 3-4 nhà xe có uy tín, mỗi hãng chỉ sở hữu khoảng 10 xe chia đều cho tất cả các thị trường khách”, ông Minh cho hay khá khó khăn để tìm đủ lượng xe chất lượng cao trong cùng một thời điểm. Ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vitours cho biết, phải “kéo” xe từ TP. Hồ Chí Minh về và đầu tư thêm một số chiếc mới.

Không chỉ vậy, Vitours còn cho nhân viên đi tìm phòng ở Lăng Cô, Hội An trước lượng khách quá lớn. Ông phân tích: “Tiêu chuẩn của khách Trung Quốc phải là khách sạn 5 sao có giá từ 80 USD trở xuống, trong khi đó, hầu hết các khách sạn 5 sao của Đà Nẵng đều không thể chấp nhận mức giá đó. Mà điều chuyển qua 4 sao thì đa số khách lại không chịu”.

Ngay cả Khu nghỉ mát Quốc tế Silver Shores, nơi chuyên đón khách bay thuê bao từ Hong Kong, Quảng Châu, Côn Minh, Thành Đô cũng dự trù chia sẻ khách với các khu nghỉ dưỡng cao cấp lân cận. “Để đáp ứng lượng khách cao trong những dịp này, chúng tôi đã ký các hợp đồng hợp tác đầu tiên để sang nhượng khách với Life Resort và Sandy Beach trong trường hợp không đáp ứng đủ số phòng”, ông Cyril Chan, Quản lý Silver Shores nói.

“Cuối cùng chúng tôi cũng lo xong, nhưng không đáp ứng được mỹ mãn yêu cầu của khách. Nếu họ không chịu thì đành buông thôi. Sức ép lên hệ thống quá lớn khi cùng một thời điểm mà khách vào quá dồn dập, gấp gáp”, ông Dũng kết luận.

Bài và ảnh: HẰNG VANG


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Doanh nghiệp trong nước đầu tư mạnh về du lịch


Thành phố Đà Nẵng hiện có 55 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch (10 dự án đầu tư nước ngoài và 45 dự án đầu tư trong nước).

Trong năm 2010, có một số hạng mục du lịch lớn được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Bãi tắm Sao Biển, các khu du lịch: Silvershore Hoàng Đạt, Life resort, sân golf 18 lỗ tại Hòa Hải, điểm dừng chân du lịch Nam đèo Hải Vân, v.v… góp phần tăng số lượng khách sạn và dịch vụ giải trí cao cấp trên địa bàn thành phố.

Silvershore – Hoàng Đạt



Tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng trong năm ước đạt 1.770.000 lượt người, tăng 33% so với năm 2009 và đạt 122% kế hoạch năm; trong đó có 370.000 lượt khách quốc tế, tăng 18% so với năm 2009 và đạt 106% kế hoạch, khách nội địa tăng 38% so với năm 2009 và đạt 127% kế hoạch. Tổng doanh thu chuyên ngành du lịch năm 2010 ước đạt 1.239 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2009 và đạt 122% kế hoạch. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch trong năm 2010 ước đạt 3.097 tỷ đồng.

Khu Du lịch dã ngoại – Nam đường Hầm Đèo Hải Vân



NAM PHƯƠNG


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)