Brazil phóng thử tên lửa không người lái tầm trung


Ngày 12/12, Brazil đã phóng thử thành công tên lửa không người lái cỡ trung, mang theo khoảng 400kg hàng hóa và nhiều trang thiết bị thí nghiệm siêu nhẹ lên vũ trụ.

Các nhà khoa học cho biết tên lửa VSB-3 đã được phóng từ Trung tâm Alcantara ở Đông Bắc Brazil, đạt độ cao khoảng 242km so với mặt biển.

Tên lửa VSB-3

Tên lửa do các nhà khoa học Đức và Brazil thiết kế này đã bay khoảng 18 phút trước khi đáp xuống địa điểm cách bờ biển Brazil khoảng 233km ở ngoài khơi Đại Tây Dương.

Brazil đặt mục tiêu cùng với Trung Quốc và Nga trở thành những nền kinh tế mới nổi hàng đầu có chương trình vũ trụ riêng.

Vụ thử nghiệm này được xem là hoạt động chủ chốt cho chương trình vũ trụ của Brazil vốn đối mặt với nguy cơ thất bại và thảm kịch trong nhiều năm qua, trong đó có vụ tai nạn tên lửa tháng 8/2003 cũng tại Ancantara khiến 21 kỹ sư và kỹ thuật viên Brazil thiệt mạng./.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Mẹ Thứ đã ra đi


Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, có chồng, 9 con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ, là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đã từ trần ở tuối 107.

Vào lúc 1giờ 40 ngày 10-12, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ đã qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 107 tuổi.

Mẹ Thứ. Ảnh: Vũ Công Điền

Mẹ Nguyễn Thị Thứ sinh năm 1904, tại xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mẹ Nguyễn Thị Thứ có 9 người con ruột, 1 con rể và 2 cháu ngoại lần lượt hy sinh.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ đã được Chủ tịch nước và Quốc hội trao tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng vào năm 1994. Bức tượng Mẹ được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Bằng tình cảm trân trọng với những gì các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã cống hiến cho tổ quốc, cho nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, lấy nguyên mẫu Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ và công trình đã được khởi công vào ngày 27-7-2009, tại Núi Cấm thuộc thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ – Quảng Nam.

Phác thảo tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu Mẹ Nguyễn Thị Thứ.

Mẹ Nguyễn Thị Thứ là mẹ Việt Nam điển hình về đức hy sinh, chịu đựng, sự can trường cho đất nước trong những năm tháng khói lửa đạn bom. Hình ảnh đau thương và anh hùng của Mẹ là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà điêu khắc, các nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo trong cả nước khai thác, sáng tạo nhiều tác phẩm hùng tráng.

Lễ viếng Mẹ bắt đầu từ 19 giờ ngày 10-12-2010, tại nhà riêng thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; lễ truy điệu tổ chức hồi 8 giờ ngày 14-12-2010, di quan lúc 9 giờ cùng ngày; an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn (xã Điện Thắng Trung).

VĂN NỞ


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đánh bại Singapore, Việt Nam vào bán kết


Trước sức ép buộc phải thắng để tự quyết định số phận của mình sau trận thua đáng thất vọng trước Philippines, các cầu thủ Việt Nam đã chơi một trận xuất sắc và đầy nhiệt huyết để đánh bại Singapore với tỷ số 1-0 dù phải chơi với 10 người trong 30 phút cuối, qua đó giành quyền vào bán kết với ngôi đầu bảng B.

Sau khi loạt trận cuối cùng của vòng bảng kết thúc, Việt Nam đứng đầu bảng B với 6 điểm và cùng Philippines (hòa 0-0 với Myanmar), đội xếp thứ hai với 5 điểm, đi tiếp. Ở vòng bán kết, ĐTVN sẽ gặp ĐT Malaysia, đội xếp thứ nhì bảng A.

Pha ghi bàn thắng duy nhất trận đấu của Vũ Phong. Ảnh: Reuters

Sau thất bại đầy bất ngờ trước Philippines ở lượt đấu trước, ĐTVN chỉ còn một sự lựa chọn duy nhất trong trận đấu tối nay là chiến thắng để tự định đoạt số phận của mình. Để thực hiện mục tiêu của mình, HLV Calisto đã có ba sự thay đổi ở đội hình xuất phát so với trận thua Philippines khi Trọng Hoàng, Việt Cường và Tấn Trường được vào sân ngay từ đầu thay thế cho Tấn Tài và Hồng Sơn.

Nếu như sự vắng mặt của Tấn Tài là bất khả kháng vì tiền vệ của K.Khánh Hòa dính chấn thương, thì việc ông “Tô” để Hồng Sơn ngồi trên ghế dự bị là một việc làm cần thiết bởi thủ môn của Hà Nội T&T đã chơi không tốt trong trận thua Philippines trước đó. Ở hàng thủ, Việt Cường đã kịp bình phục chấn thương để đá thay Đình Đồng bên cánh trái. Trên hàng công, Anh Đức vẫn đóng vai trò của một trung phong cắm thay vì Việt Thắng.

Ngay ở phút đầu tiên của trận đấu, ĐTVN đã có pha chồng biên rất đẹp để Quang Thanh tạt bóng nguy hiểm vào trong vòng cấm Singapore nhưng hậu vệ đội bạn đã kịp phá bóng giải nguy. Trong những phút đầu tiên, ĐTVN liên tục tổ chức tấn công bên cánh phải với bộ đôi Quang Thanh và Thành Lương. Ngay sau đó, Singapore đã có câu trả lời với pha đi bóng và dứt điểm từ góc hẹp của tiền đạo Duric, nhưng bóng đã đi không trúng khung thành.

Sự cổ vũ cuồng nhiệt từ gần 40.000 CĐV có mặt trên các khán đài sân Mỹ Đình dường như đã tiếp thêm sức mạnh cho các cầu thủ chủ nhà khi họ nhập cuộc rất tốt và liên tục uy hiếp khung thành đối phương. Phút thứ 5, nếu thủ thành Sunny không xuất sắc cản phá cú sút xa đầy bất ngờ của Việt Cường, ĐTVN đã có bàn mở tỷ số. Chỉ 2 phút sau đó, đến lượt Trọng Hoàng xâm nhập vòng cấm Singapore nhưng lại bị ngã trong vòng cấm. Các cầu thủ Việt Nam và HLV Calisto đã phản ứng đòi được hưởng quả phạt đền nhưng trọng tài lại cho đội khách phát bóng lên.

Đang trên đà hưng phấn, suýt chút nữa ĐTVN đã bị dội một gáo nước lạnh ở phút 15 khi Như Thành phá bóng đi thẳng về phía khung thành thủ môn Tấn Trường từ một pha căng ngang của các cầu thủ Singapore, may cho đội chủ nhà là bóng đá đi chệch cột dọc trong gang tấc. Ngay ở tình huống được hưởng phạt góc sau đó, ĐTVN lại bị một phen thót tim khi Alam Shah bay người đánh đầu… hụt trong một tư thế rất thuận lợi. Dù cầm bóng ít hơn nhưng mỗi lần lên bóng, các cầu thủ Singapore đều đặt khung thành ĐTVN vào thế báo động.

Phút 29, hàng thủ Việt Nam mắc sai lầm tạo điều kiện cho Cashmir vung chân dứt điểm rất căng nhưng thủ môn Tấn Trường đã kịp phá bóng cứu nguy. Ngay sau đó, đội chủ nhà có câu trả lời bằng pha căng ngang rất nguy hiểm của Thành Lương từ cánh phải nhưng không một cầu thủ Việt Nam nào dứt điểm trúng bóng. Một cơ hội bị bỏ lỡ rất đáng tiếc.

Chơi lấn lướt, cuối cùng ĐTVN cũng có bàn mở tỷ số ở phút 32 sau một pha phản công nhanh như chớp bên cánh phải. Thành Lương là người chuyền bóng để Vũ Phong dễ dàng đệm bóng tung lưới Singapore. 1-0 cho ĐTVN.

Bị dẫn trước, Singapore không còn cách nào khác là phải dồn lên tấn công hòng tìm kiếm bàn gỡ và đây là cơ hội để ĐTVN thực hiện những pha phản công nhanh. Phút 53, Trọng Hoàng đã cướp được bóng trong chân của trung vệ Bin Khaizan rồi dẫn tới khung thành của Singapore khiến trung vệ mang áo số 3 của đội khách buộc phải phạm lỗi với tiền vệ của SLNA. Bin Khaizan phải nhận một thẻ vàng còn ĐTVN được hưởng một quả phạt trực tiếp, tuy nhiên Vũ Phong đã dứt điểm không thành công.

Một pha tranh bóng giữa Minh Phương (trái) với cầu thủ Singapore. Ảnh: Getty

Phút 58, sau một sai lầm của hàng thủ Singapore, Trọng Hoàng có cơ hội bắt volley rất nhanh nhưng bóng lại đi trúng vị trí mà thủ môn Sunny đã chọn. Cũng giống như hiệp đấu đầu tiên, ĐTVN đang thi đấu rất tưng bừng trước sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nhà. Chỉ hai phút sau, nhận đường bấm bóng kỹ thuật của đồng đội, Thành Lương băng xuống rồi vung chân dứt điểm rất quyết đoán nhưng bóng lại đi vọt xà.

Phút 61, khán giả có mặt trên sân Mỹ Đình được một phen thót tim khi Như Thành khống chế bóng hụt từ cú sút của Cashmir, tạo điều kiện cho Duric dứt điểm trong một cự ly rất gần nhưng thủ môn Tấn Trường đã kịp sửa sai cho đồng đội bằng một phản xạ cực nhanh.

Phút 63, ĐTVN phải nhận một tổn thất không đáng có khi Trọng Hoàng nhận thẻ vàng thứ hai và bị truất quyền thi đấu. Sự cố bất ngờ buộc HLV Calisto phải có sự thay đổi khi ông tung Minh Châu và Đình Luật vào thay Thành Lương và Quang Thanh.

Phút 67 Vũ Phong kéo bóng tới sát biên ngang rồi sút căng vào góc gần rất hiểm, nhưng thủ môn Sunny phản xạ tốt đẩy bóng chịu phạt góc.

Phút 78 Tấn Trường ôm gọn cú đánh đầu của Duric từ cự ly gần, sau khi hàng phòng ngự đã chịu thua quả lật bổng từ cánh phải vào.

Những phút cuối trận Việt Nam tập trung gần hết cầu thủ bên phần sân nhà, chỉ cắm mình Anh Đức ở tuyến trên.

Đến phút 76, HLV Calisto tiếp tục có một sự thay đổi người khác khi tung Đình Đồng vào sân thay cho Việt Cường. Vào thời điểm này, ĐTVN chỉ cắm duy nhất một mình Anh Đức ở trên hàng công và bố trí một hàng thủ dày đặc trước khung thành thủ môn Tấn Trường.

Phút bù giờ cuối cùng của trận đấu, Anh Đức có cơ hội rất tốt để khép lại trận đấu nhưng tiền đạo này lại dứt điểm quá hiền để thủ môn của Singapore bắt được. Tuy vậy, chiến thắng 1-0 là quá đủ để

Đội hình xuất phát:



+ ĐTVN: Tấn Trường, Quang Thanh, Phước Tứ, Như Thành, Việt Cường, Tài Em, Minh Phương, Vũ Phong, Trọng Hoàng, Thành Lương, Anh Đức.

+ Singapore: Sunny, Bin Khaizan, Precious, Bin Jantan, Bin Ishak, Fahrudin, Bin Sulaiman, Bin Baharudin, Cashmir, Duric, Alam Shah.

Theo TT&VH Online


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Những chuyến bay về vùng rốn lũ


Những năm trở lại đây, dải đất miền Trung phải hứng chịu nhiều trận bão, lũ lớn khiến đời sống nhân dân vô cùng khốn khó. Song song với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Đoàn B72 – Quân chủng Phòng không – Không quân (PK-KQ) đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, tổ chức hàng trăm chuyến bay trong những điều kiện phức tạp để cứu dân những vùng rốn lũ.

Cán bộ, chiến sĩ thuộc Đoàn B72 cứu dân tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam năm 2009.

Thượng tá Lưu Văn Yên, Trưởng Ban Tuyên huấn, Đoàn KQ B72 cho biết: Nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đoàn, thời gian qua Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn đã tập trung lãnh đạo, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) xem nhiệm vụ PCBL-TKCN là một nhiệm vụ chiến đấu, đồng thời là trách nhiệm, tình cảm của CBCS đối với nhân dân vùng bão, lũ. Vì vậy, mỗi khi nhận nhiệm vụ, CBCS của Sư đoàn bất chấp hiểm nguy, đưa hàng cứu trợ đến cho đồng bào nơi lũ bị chia cắt một cách nhanh nhất. Với tinh thần “Cứu dân như cứu hỏa”, từ năm 1999 đến nay, Đoàn đã tổ chức 356 chuyến bay, chuyên chở hơn 170 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm các loại cứu trợ cho đồng bào các vùng lũ bị cô lập.

Trong hàng trăm lần cứu dân nơi nguy hiểm ấy, CBCS Đoàn nhớ nhất lần cứu 18 người dân mắc kẹt giữa rừng Cà Di (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam). Thượng tá Yên cho biết: Đêm 8-9-2009, nhận lệnh từ Quân chủng PK-KQ, Đoàn B72 cử đoàn bay thuộc Trung đoàn C54 lên đường làm nhiệm vụ. Trong đêm ấy, do mưa lớn, máy bay không thể cất cánh, các CBCS đều rất lo lắng cho tính mạng của 18 người dân đang “ngàn cân treo sợi tóc”. Phải đến tờ mờ sáng ngày 9-9, tổ bay mới cất cánh, khẩn trương đến rừng Cà Di. Sau khi hạ xuống từ độ cao hơn một nghìn mét, chiếc Mi17-411 phải quần đảo nhiều vòng để xác định tọa độ.

Giữa dòng lũ sông Đăk Mi đang cuồn cuộn, tổ bay thấy những người dân túm tụm trên một thân cây lớn. Phương án đáp máy bay không thực hiện được, nên lãnh đạo Trung đoàn phải quyết định máy bay bay treo cách mặt đất 25-30m, thả cáp để cho người nhái và lính dù theo xuống, giải cứu từng người một. Mỗi lần treo, máy bay chỉ tời, cứu được 5 người nên phải mất hơn một giờ với bốn chuyến quần đảo mới cứu hết 18 người ra khỏi nơi nguy hiểm. Sau khi được giải cứu khỏi nơi nguy hiểm, người dân mới hoàn hồn, cảm giác như được tái sinh. CBCS của đoàn bay vui lây niềm vui của người dân nên quên cả cái rét buốt người, sự vất vả, nguy hiểm vừa phải đối mặt.

Mới đây nhất là cứu dân trong cơn lũ lịch sử đầu tháng 10-2010 tại tỉnh Quảng Bình. Sau nhiều ngày lũ “ngâm”, nhiều địa bàn ở tỉnh Quảng Bình bị cô lập, hàng nghìn người dân bị đói rét, tình hình rất nguy kịch. Nhận mệnh lệnh từ Quân chủng, Đoàn tiếp tục cử đoàn bay của Trung đoàn C54 lên đường cứu trợ. Chiếc Mi17-411 do Cơ trưởng, Thượng tá Nguyễn Việt Hùng điều khiển đã cất cánh tại Sân bay Đà Nẵng vào chiều ngày 5-10, mang theo một tấn mì ăn liền đến 3 huyện Quảng Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy để thả hàng cứu trợ cho bà con đang bị cô lập.

Sau nhiều giờ quần đảo qua địa bàn 3 huyện, số hàng trên đã đến được tay bà con. “Nhận được hàng cứu trợ, bà con mừng lắm”, một chiến sĩ cho biết. Sau chuyến bay ấy, Đoàn B72 còn tổ chức 11 chuyến bay khác chở  hơn 3 tấn hàng đến cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Trung qua cơn nguy nan…

Thượng tá Lưu Văn Yên chia sẻ: Mỗi lần cùng các tổ bay trực thăng đi cứu dân vùng rốn lũ, thấy cảnh bà con sống chung với nước lũ, đói rét, chúng tôi rất thương xót. Khi nhận được gói mì tôm, chai nước, họ vừa rối rít cảm ơn lực lượng cứu hộ, vừa tự nhiên ăn ngay lúc ấy. Hình ảnh đó đọng mãi trong tâm trí chúng tôi, thúc giục chúng tôi phải hoàn thành nhiệm vụ…

Với những thành tích nổi bật trong công tác PCLB-TKCN, những năm qua, nhiều lượt tập thể, cá nhân của Đoàn đã được các cấp từ Trung ương đến địa phương khen thưởng xứng đáng.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Tàu Hải quân Trung Quốc thăm thành phố Đà Nẵng


Sáng 3-12, tàu Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Xiangfan (FFG 567) cùng 215 chỉ huy, sỹ quan, thủy thủ đã cập cảng Tiên Sa, thăm hữu nghị thành phố Đà Nẵng. Đây là lần thứ 4 tàu sang thăm Việt Nam.

Trong thời gian ở thăm từ ngày 3-12 đến ngày 7-12, chỉ huy, sỹ quan, thủy thủ của tàu sẽ đến chào xã giao lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh vùng C Hải quân, Bộ Tư lệnh Quân khu 5.

Tàu Xiangfan có chiều dài 112m, rộng 14m, với trọng tải 2.500 tấn cập cảng Tiên Sa thăm hữu nghị thành phố Đà Nẵng

Ngoài ra, sỹ quan, thủy thủ tàu còn có các hoạt động giao lưu như hội báo boong tàu; thi đấu bóng chuyền với đội bóng của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân và tham quan một số danh lam thắng cảnh tại thành phố Đà Nẵng. Trên đường trở về (ngày 7-12), Hải quân hai nước sẽ tiến hành diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Trước đó, Hải quân nhân dân Việt Nam và Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã tổ chức tuần tra liên hợp thường niên lần thứ 10 trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Chuyến thăm lần này của tàu Hải quân Trung Quốc góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và quân đội nhân dân hai nước nói riêng.

Chỉ huy trưởng tàu Trung Quốc (trái) bắt tay xã giao với Hải quân Việt Nam

Bắt tay xã giao với Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng

Giới thiệu về tàu Hải quân Trung Quốc


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

10 ngày sôi sục trên bán đảo Triều Tiên


Bán đảo Triều Tiên đột ngột nóng lên dữ dội từ thứ ba tuần trước khi pháo miền bắc dội xuống đảo của miền nam. Hơn một tuần sau tình hình vẫn không lắng dịu với bên tàu chiến, bên tên lửa cách nhau chỉ vài chục km.

Một chiếc máy bay trên hàng không mẫu hạm USS George Washington trong cuộc diễn tập quân sự tại biển Hoàng hải. Ảnh: AFP

Đây không phải lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh kết thúc hơn nửa thế kỷ trước hai miền Triều Tiên căng thẳng với nhau. Thái độ đối đầu kéo dài khiến người dân nơi đây dường như đã quen chung sống với khủng hoảng. Tuy nhiên, những gì xảy ra ngày 23/11 trên đảo Yeonpyeong và các diễn biến sau đó vẫn đánh dấu một mức độ nghiêm trọng mới của tình hình tại điểm nóng Đông Á này.

Nhiêm trọng nhất từ Chiến tranh Triều Tiên

Trong khi truyền thông thế giới đang đổ dồn về vụ giẫm đạp đẫm máu tại Campuchia ngày 23/11, tin tức phát đi từ bán đảo Triều Tiên đã khiến dư luận thay đổi sự chú ý. Những khẩu đội pháo bên bờ biển của Triều Tiên đột nhiên rót xối xả xuống hòn đảo nhỏ Yeonpyeong, nơi có căn cứ quân sự nằm lẫn với khu dân cư của Hàn Quốc. Hơn 60 ngôi nhà tại đây bị thiêu cháy, trong khi thường dân Hàn Quốc trên đảo bỏ chạy tìm nơi trú ấn hoặc di tản về đất liền.

Lực lượng lính thuỷ đánh bộ của Hàn Quốc trên đảo đáp trả bằng đạn pháo về phía Triều Tiên nằm cách đó chỉ khoảng 10 km, đồng thời cho máy bay chiến đấu xuất kích. Cảnh tượng tại đây gợi nhớ đến cuộc chiến hơn nửa thế kỷ trước. Vụ tấn công khiến hai binh sĩ và hai thường dân Hàn Quốc thiệt mạng, cùng thiệt hại về vật chất khoảng hơn 5 triệu USD. Sự kiện này khiến dư luận bị sốc và được đánh giá là dữ dội nhất kể từ cuộc chiến tranh 1950-1953.

Vụ giao tranh giữa hai miền xung quanh hòn đảo Yeonpyeong, nằm cách đường ranh giới Liên Triều trên biển khoảng 3 km về phía nam và cách thủ đôSeoul của Hàn Quốc 120 km về phía tây, chỉ diễn ra trong khoảng một tiếng, nhưng đã đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn căng thẳng nghiêm trọng mới giữa hai bên. Sự kiện này diễn ra chỉ vài ngày sau khi một nhà khoa học Mỹ tiết lộ việc Triều Tiên đã xây dựng nhà máy tinh chế uranium hiện đại, mở ra cách thức thứ hai nước này có thể chế tạo vũ khí hạt nhân.

Trận pháo kích của miền bắc lên đảo Yeonpyeong đã gây sốc nhưng không quá bất ngờ, nếu xâu chuỗi các sự kiện xảy ra gần đây trên bán đảo Triều Tiên. Tình hình tại đây leo thang căng thẳng từ vụ chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm hồi tháng 3/2010, trong khi tại miền bắc năm nay cũng chứng kiến những chuyển biến chính trị mang tính lịch sử về chuyển giao quyền lực ở cấp cao nhất. Khu vực quanh đảo Yeonpyeong từng là hiện trường của 3 vụ giao tranh đổ máu giữa hải quân hai miền vào các năm 1999, 2002 và 2009.

Các bên thận trọng với Bình Nhưỡng

Bản thân chính phủ Hàn Quốc thì rơi vào thế khó sau vụ tấn công của miền bắc. Ngoài việc bắn đáp trả khoảng 80 quả đạn pháo, họ không thể tính đến việc trả đũa quân sự trên quy mô lớn. Tổng thống Lee Myung-bak một mặt lệnh cho cấp dưới “trừng phạt đích đáng” miền bắc, một mặt lại yêu cầu họ phải đảm bảo “tình hình không leo thang”. Nói cách khác Hàn Quốc có quá nhiều thứ để mất nếu để chiến tranh thực sự giữa hai miền xảy ra và điều này đã đẩy họ vào thế khó.

Tuy nhiên, Hàn Quốc đã có những điều chỉnh đáng kể về quân sự sau sự kiện đảo Yeonpyeong. Đáng chú ý là việc Seoul thay đổi quy tắc giao chiến theo hướng tăng sự chủ động trong cách đối phó với sự khiêu khích của Triều Tiên. Đây được cho biện pháp nhằm khắc phục sự thụ động trong phương thức giao chiến cũ vốn chỉ chú trọng đến việc ngăn chặn sự leo thang căng thẳng. Quy tắc mới được phân định cụ thể các cách thức phản ứng khác nhau trước các vụ tấn công của miền bắc nhằm vào dân thường hay quân đội.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc tăng quân cho 5 hòn đảo nhỏ gồm Baegnyeong, Daecheong, Socheong, Woo và đảo Yeonpyeong mới bị pháo kích, nằm ngay sát Triều Tiên. Vụ tấn công của Triều Tiên cũng khiến Bộ trưởng Quốc phòng Kim Tae-young phải từ chức để nhận trách nhiệm.

Trong khi đó, đồng minh chính trị và kinh tế quan trọng nhất của Triều Tiên là Trung Quốc không hề có động thái lên án vụ tấn công của Bình Nhưỡng, mà chỉ kêu gọi các bên kiềm chế. Bắc Kinh còn chia sẻ quan điểm với Bình Nhưỡng về việc phản đối cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc trên vùng biển Hoàng hải. Quan điểm này đã khiến Washington lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình tác động lên Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, bản thân đồng minh quan trọng nhất của Hàn Quốc là Mỹ cũng tỏ ra thận trọng không kém. Washington mặc dù lên án Triều Tiên gay gắt và tái khẳng định sẽ bảo vệ Hàn Quốc, nhưng tránh không đả động gì tới bất cứ hành động quân sự nào để đáp trả vụ tấn công. Chính quyền Mỹ cũng không coi đây là một hành động chiến tranh hay sự vi phạm thoả thuận ngừng bắn giữa hai miền từ năm 1953.

Tập trận răn đe

Hành động cụ thể của Mỹ đối với vụ tấn công của Triều Tiên cũng không khác so với vụ chiến hạm Cheonan bị đánh chìm trước đây. Họ tiếp tục thực hiện “bài” ngoại giao chiến hạm, khi điều tàu sân bay USS George Washington tới khu vực ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Con tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân này mang theo 75 máy bay chiến đấu và thuỷ thủ đoàn 5.700 người tới vùng biển Hàn Quốc hôm chủ nhật để tiến hành cuộc tập trận hải quân chung kéo dài 4 ngày.

Phía Triều Tiên phản đối kịch liệt vụ tập trận và doạ đáp trả “không thương tiếc” đối với sự kiện mà họ coi là khiêu khích này, đồng thời hướng tên lửa và pháo ra phía biển nơi có cuộc tập trận trong tư thế sẵn sàng khai hoả.

Hàn Quốc báo động quân đội trước lời đe doạ và chuẩn bị cho một vụ tấn công mới của miền bắc có thể xảy ra, nhưng vẫn không nhượng bộ khi tiếp tục cùng đồng minh Mỹ thị uy sức mạnh quân sự từ 28/11 đến 1/12. Tuy nhiên Seuol đã tạm hoãn một nội dung diễn tập bắn đạn thật trong cuộc tập trận này với lý do thời tiết. Trước đó, một cuộc diễn tập bắn đạn thật cũng được cho là nguyên nhân khiến Triều Tiên khai hoả.

Song song với căng thẳng qua hình ảnh bên tên lửa bên tàu chiến ở biển Hoàng hải là các nỗ lực ngoại giao hối hả diễn ra, nhằm tháo ngòi tình hình được đánh giá là “bên bờ vực chiến tranh” trên bán đảo Triều Tiên. Những nguồn tin từ Bắc Kinh cho hay Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đã tới Bình Nhưỡng, cùng thời gian trợ lý cao cấp của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il là Choe Thae-bok tới Bắc Kinh.

Trong khi đó, sau khi cuộc tập trận kết thúc hôm qua, khép lại 10 ngày sôi sục trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục cùng Mỹ có hoạt động quân sự chung với quy mô lớn hơn nhiều. Cuộc diễn tập hải quân bắn đạn thật mới có thể diễn ra ngay trong tuần tới, tại 29 điểm quanh Hàn Quốc. Điều này cho thấy liên quân Mỹ-Hàn không có sự nhượng bộ nào sau vụ tấn công đảo Yeonpyeong của miền bắc. Như vậy không khó dự đoán, tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ còn diễn biến khó lường trong thời gian tới sau 10 ngày nóng như “đổ lửa” vừa qua.

Đình Nguyễn


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ấn Độ thử thành công tên lửa siêu thanh


Tên lửa BrahMos của Ấn Độ trong vụ phóng thử hôm 5/9. Ảnh: brahmand.com.

Ấn Độ vừa phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos từ một căn cứ quân sự ở bờ biển phía đông bắc nước này hôm nay.

Tờ PTI dẫn nguồn tin quân sự chobiết vụ bắn thử được thực hiện từ bệ phóng di động tại bãi thử ở Chandipur, bang Orissa.

Giới chức quân sự yêu cầu chính quyền địa phương đưa 3.220 người dân sống trong bán kính 2 km đi sơ tán để đảm bảo an toàn. Trong vụ thử trước đó hôm 5/9, lần đầu tiên tên lửa BrahMos thực hiện cú bổ nhào góc hẹp, Ria Novosti cho hay.

BrahMos có tầm xa khoảng 290 km và có thể mang theo đầu đạn thông thường nặng tới 300 kg. Nó có tốc độ gấp 2,8 vận tốc âm thanh và gấp 3 lần tốc độ của tên lửa hành trình cận siêu thanh Tomahawk của Mỹ.

BrahMos được đặt tên theo sông Brahmaputra của Ấn và sông Matxcơva của Nga. Nó được phóng thử lần đầu năm 2004. Từ đó đến nay, BrahMos liên tục được thử nghiệm để hoàn thiện khả năng nhắm trúng mục tiêu.

Ngọc Sơn


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)