CDIA hỗ trợ Đà Nẵng xử lý nước thải đô thị


Hệ thống xử lý nước thải

Ngày 22/3, Tổ chức Sáng kiến phát triển các thành phố châu Á (CDIA) cam kết hỗ trợ Đà Nẵng 400.000 USD trong việc xử lý nước thải đô thị.

Nội dung hỗ trợ của CDIA bao gồm nghiên cứu tiền khả thi cho dự án và tìm kiếm các nhà đầu tư thực hiện dự án. Phía thành phố cũng cam kết đóng góp 80.000 USD cho công tác hậu cần của dự án.

Hiện nay thành phố Đà Nẵng đang phải đối mặt với không ít vấn đề trong việc xử lý nước thải tại các khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu, Thọ Quang gây ô nhiễm môi trường cho cư dân xung quanh khu công nghiệp và việc xả thẳng nước thải sinh hoạt ra biển tại khu vực ven biển phía Đông thành phố.

CDIA được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Đức thành lập năm 2007.

Cùng với sự tham gia của các chính phủ Thụy Điển, Tây Ban Nha và Áo, tổ chức này hỗ trợ các thành phố có quy mô vừa phải ở châu Á trong việc triển khai các dự án môi trường bền vững, quản lý đô thị, nghiên cứu các dự án phát triển hạ tầng…/.

Đỗ Trưởng (TTXVN/Vietnam+)

 


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Xây dựng Đà Nẵng trở thành nơi sống tốt ở châu Á


Một “thành phố sống tốt” phải hội đủ các yếu tố về vật chất và tinh thần, có giá trị nhân văn, phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa – xã hội, trong đó người dân đặt ở vị trí trung tâm.

Một góc đô thị Đà Nẵng hôm nay (Ảnh: Thanh Tuyền)

Xây dựng Đà Nẵng trở thành “thành phố du lịch, môi trường, công nghệ cao, có môi trường sống lý tưởng, có giá trị nhân văn, hạnh phúc cho con người” là những ý tưởng được các giáo sư, tiến sĩ, nhà quy hoạch, quản lý đô thị hàng đầu Việt Nam đưa ra tại Hội thảo “Các ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng ngang tầm với các thành phố phát triển của khu vực ASEAN và châu Á” vừa được tổ chức tại Đà Nẵng.

Để trở thành “thành phố sống tốt” trong 20 năm tới,  theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM, cho rằng Đà Nẵng phải xây dựng thành phố theo hướng phát triển bền vững, gắn liền với quy hoạch mang đặc điểm nền kinh tế đô thị, gắn với phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, phát triển KT-XH đặt trong điều kiện hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.

Theo ông, với thực tiễn và tiềm năng của mình, Đà Nẵng nên đặt mục tiêu trong 20 năm tới phải thật sự là thành phố hiện đại, năng động nhất khu vực Đông Nam Á, thành một trong những đô thị tốt nhất khu vực châu Á.

Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng nên xây dựng thành một thành phố có đặc trưng riêng thông qua các hoạt động có tính mũi nhọn để thu hút đầu tư và kinh doanh phát triển, như xây dựng thành phố du lịch – hội nghị chất lượng cao; thành phố thể thao – du lịch – chữa bệnh (nghĩ dưỡng).

“Bên cạnh tổ chức cuộc thi pháo hoa quốc tế, Đà Nẵng cần mạnh dạn mở rộng hoạt động sự kiện mang tầm quốc tế khác, vừa tạo cơ hội đầu tư từ cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông vừa thúc đẩy dịch vụ đa ngành với trình độ cao. Đồng thời mở cửa bầu trời, cảng biển ra quốc tế, xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến của quốc gia và quốc tế”, Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn hiến kế.

Dưới góc nhìn của một nhà quản lý quy hoạch, TS-KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội  quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng Đà Nẵng hội đủ điều kiện để phát triển thành một thành phố du lịch, hiện đại và độc đáo. Tuy nhiên, hiện nay thành phố vẫn chưa thực sự hút du khách, nhà đầu tư bởi thực tế chưa xứng với tiềm năng của nó.

Ông Chính đưa ra một số ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng trong thời gian tới: đã là một thành phố du lịch ngang tầm khu vực và thế giới cần phải xây dựng trung tâm du thuyền tại vịnh Đà Nẵng; xây dựng hòn đảo nhân tạo với các hoạt động vui chơi, giải trí độc đáo kiêm bảo tàng hải dương học trên vịnh Đà Nẵng; xây dựng tụ điểm dịch vụ du lịch trên đỉnh Sơn Trà – vị trí đẹp nhất nhìn về Đà Nẵng về đêm; xây dựng thành phố trên cao tại bán đảo Sơn Trà…  “Ý tưởng này phù hợp với tiêu chí thành phố du lịch gắn với công nghệ cao”, ông nói.

Phát triển bền vững

“Khi nói đến phát triển đô thị, người ta đều đề cập một sự phát triển hài hòa cả kinh tế, môi trường và  văn hóa – xã hội một cách bền vững mà mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân khá giả hơn lên, sống thỏa mái hơn, hạnh phúc hơn cả về vật chất lẫn tinh thần ở mức hưởng thụ cao; cơ sở vật chất hiện đại tiên tiến ở mức thế giới; quan hệ giữa người với người tốt đẹp, mọi cá nhân có cơ hội phát triển như nhau, môi trường sống tốt… Khi các tiêu chí đã được thống nhất giữa các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học và người dân sẽ cụ thể hóa thành chỉ tiêu phấn đấu trong kế hoạch hàng năm, 5 năm và dài hạn trong quá trình xây dựng thành phố”, Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.

Ông nhận định: Đà Nẵng là địa phương đi trước một bước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo môi trường mở cho thu hút đầu tư, tuy nhiên, trong quá trình quy hoạch phát triển, Đà Nẵng cần chú trọng vào phát triển dịch vụ công, đặc biệt là không gian công cộng. Ông đề xuất: Đà Nẵng phải chú trọng phát triển công nghiệp chất lượng cao, vì chỉ công nghiệp chất lượng cao mới mang lại nguồn thu bền vững cho sự phát triển.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Trần Ngọc Ca, Văn phòng Hội đồng Chính sách khoa học công nghệ quốc gia, phát triển công nghệ và công nghệ cao ở Đà Nẵng phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cạnh tranh bền vững tiến tới trở thành một cực (hub) về công nghệ đặc thù. Với những thế mạnh là trung tâm kinh tế vùng, lối ra biển của Hành lang kinh tế Đông – Tây, hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, viễn thông; internet,…rất tốt; môi trường sống tốt; nằm giữa các di sản văn hóa thế giới là Cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn…; Đà Nẵng có nhiều tiềm năng trở thành một trung tâm du lịch – kinh tế lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, để chọn hướng đi cho công nghệ Đà Nẵng trong tương lai, Tiến sĩ Trần Ngọc Ca cho rằng, Đà Nẵng nên chọn hướng phát triển khu công nghệ cao chứ không chỉ là khu công nghiệp công nghệ cao. Ưu điểm của khu công nghệ cao là khai thác và phát triển được các năng lực về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo. “Khi chọn mô hình này, về lâu dài Đà Nẵng sẽ có nhiều lợi thế phát triển kinh tế dựa trên giá trị gia tăng cao hơn, nhiều lợi thế cạnh tranh hơn, thay vì chỉ tập trung sản xuất công nghiệp đang có xu thế gia công, ít giá trị gia tăng và rất dễ bị rơi vào “bẫy lao động trẻ, thu nhập và giá trị gia tăng thấp”, ông Ca nói.

Thanh Tuyền


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Khu công nghệ cao Đà Nẵng chuyển động tích cực


Ngày 28-10-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1979/QĐ-TTg thành lập Khu công nghệ cao (KCNC) Đà Nẵng. Như vậy, sau hai KCNC ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thì đây là KCNC thứ ba của cả nước được thành lập. Được xem là một cơ hội, là đòn bẩy cho thành phố phát triển nhưng thách thức cũng rất nhiều bởi khối lượng công việc thật lớn, cũng như độ khó khăn với từng hạng mục công việc. Tuy nhiên, với sự chủ động và quyết tâm của lãnh đạo thành phố, nên dù quỹ thời gian chưa nhiều nhưng dự án đã có những chuyển động rất tích cực.

Sơ đồ Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Tổng diện tích quy hoạch dành cho KCNC lên đến trên 1.000ha và nằm trải dài trên địa hình khá phức tạp, thuộc quyền sử dụng của nhiều đối tượng như của người dân, quân đội, đất công cộng, cùng với hiện trạng khá “ngổn ngang” nhà ở, đất trang trại, đất trồng lúa, đất dành cho nghĩa trang và có cả mạng lưới điện 500kV, 120kV đi qua… Mặc dù vậy, đến nay, công tác áp giá đền bù, giải phóng mặt bằng đã hoàn tất và đơn vị thi công đang tiến hành dọn mặt bằng để thi công những hạng mục đầu tiên.  Đây được xem là thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng kỷ lục tại Đà Nẵng.

Cùng với đó, hệ thống văn bản mang tính pháp lý dành cho KCNC được ban hành. Cùng ngày ký quyết định thành lập KCNC Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định ban hành Quy chế hoạt động KCNC, tiếp đó là quyết định thành lập Ban Quản lý (BQL) dự án, công bố quy hoạch chi tiết dự án, dự thảo dự án thu hút đầu tư vào KCNC, đánh giá tác động môi trường… Không những hệ thống văn bản liên quan đến dự án sớm được ban hành, mà còn mang tính đột phá hơn so với hai KCNC ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó nổi bật nhất là việc cho phép BQL dự án KCNC Đà Nẵng (trực thuộc UBND thành phố Đà Nẵng) là cơ quan quản lý Nhà nước tương đương cấp Tổng cục, có con dấu hình quốc huy, là đơn vị dự toán cấp 1, đầu mối được giao chỉ tiêu kế hoạch hằng năm và được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước. Theo các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực quản lý KCNC, thì đây chính là mấu chốt để KCNC Đà Nẵng tạo nên những chuyển động hết sức tích cực trong thời gian vừa qua.

Điển hình nhất trong số này là công tác tiếp thị thu hút đầu tư vào KCNC Đà Nẵng đang diễn ra sôi động và đã mang lại kết quả khả quan. Sau hàng loạt sự kiện thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước là Diễn đàn mời gọi các nhà đầu tư vào KCNC Đà Nẵng được tổ chức vào ngày 29-3-2009; Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế và những gợi ý cho việc xây dựng và phát triển KCNC Đà Nẵng. Cũng trong năm 2009, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng tổ chức đợt tiếp thị đến các quốc gia có nền khoa học và công nghệ phát triển trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc…

Công nghệ thông tin và truyền thông là một trong những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng. (Ảnh minh họa) Ảnh: Ông Văn Sinh

Cùng với hạ tầng tốt, với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, như các doanh nghiệp đầu tư thuộc lĩnh vực CNC, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghiệp, phát triển công trình hạ tầng hoặc sản xuất phần mềm tại đây sẽ được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% trong 9 năm tiếp theo đã thực sự thu hút được sự quan tâm của những đối tác. Về tiền thuê đất, dự kiến từ 0,40 – 0,60 USD/m2/năm, nếu trả một lần sẽ được miễn, giảm theo quy định, chi phí sử dụng hạ tầng dự kiến 0,20 USD/m2/năm, trả từng năm. Tất cả động thái này thực sự tạo được sự hấp dẫn với những nhà đầu tư trong và ngoài nước vào KCNC Đà Nẵng.

Tính đến thời điểm hiện nay, thành phố đã ký nhiều biên bản ghi nhớ với các đối tác lớn trong nước như Tập đoàn VNPT, Sovico Holdings và Công ty Giải pháp tích hợp vi tính viễn thông Việt Nam về việc đầu tư vào KCNC. Ngoài ra, các trường đại học lớn của Việt Nam là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế… đều thông báo sẽ có kế hoạch đầu tư vào KCNC Đà Nẵng dưới hình thức phòng thí nghiệm-ứng dụng-sản xuất. Riêng các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ như Viện Ứng dụng Khoa học công nghệ, Viện Nguyên tử, Viện Thông tin Khoa học công nghệ… đều đã có  những dự án cụ thể đầu tư tại KCNC. Đối với các đối tác nước ngoài, theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng, đã có 78 dự án được phê duyệt sẽ đầu tư vào KCNC.

Ngoài ra, hiện còn có rất nhiều đối tác tiềm năng đến từ Thung lũng Silicon của Mỹ đang tìm hiểu để đầu tư vào KCNC Đà Nẵng. Mới đây, trong chuyến tháp tùng Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam đến thăm và làm việc với Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh, đại diện của Tập đoàn Hàng không vũ trụ và Phòng thủ châu Âu (EADS) cũng đã thông báo trong năm 2011 sẽ đầu tư vào KCNC Đà Nẵng. Đặc biệt, với việc thành phố Đà Nẵng quyết định chọn mô hình cho KCNC theo hướng mở, tức là vừa tập trung vừa phân tán (nhà đầu tư không nhất thiết phải xây dựng cơ sở vật chất và hoạt động trong khuôn viên của KCNC) thực sự mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư đến với thành phố. Nhờ vậy, nhiều đối tác lâu nay đã đầu tư trên lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu và đào tạo trong và ngoài nước đã có mặt tại Đà Nẵng như Viện Sinh học, Viện Hóa học, Đại học Griffith Úc, cũng như các đối tác Nhật Bản là Học viện Katayanaki, Viện Nghiên cứu công nghệ AIST, Viện Công nghệ Monohakobi… đều cho biết sẽ mở rộng và tăng cường đầu tư vào thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến.

Trần Luân Sơn

 


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Nguyễn Bá Thanh-Bí thư Thành ủy tổng kết nhiệm kỳ 2004-2011


Sáng 17/3, Hội đồng Nhân dân TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2004-2011. Các đồng chí Nguyễn Bá Thanh- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Huỳnh Nghĩa- Phó Chủ tịch H ĐND thành phố chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Bá Thanh- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ lần này diễn ra trong bối cảnh cả nước đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Hội nghị có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá hoạt động của HĐND thành phố trong nhiệm kỳ qua, rút ra những bài học kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới; là cơ sở quan trọng để HĐND, UBND thành phố khóa mới xem xét, rút kinh nghiệm vận dụng tỏng công tác giám sát, chỉ đạo quá trình xây dựng và phát triện TP…

Báo cáo tổng kết hoạt động của HĐND thành phố, đồng chí Huỳnh Nghĩa- Phó Chủ tịch HĐND thành phố cho biết: Hoạt động của HĐND thành phố nhiệm kỳ 2004-2011 diễn ra trong bối cảnh Đà Nẵng trở thành đô thị loại 1 cấp quốc gia, có những cơ chế thuận lợi trong việc phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình lạm phát trong nước kéo dài, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hướng đến phát triển kinh tế- xã hội của TP. Từ tháng 4 năm 2009, TP Đà Nẵng là một trong 10 địa phương của cả nước được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn làm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện và phường.

Trong điều kiện đó, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, HĐND thành phố đã cụ thể bằng chương trình công tác hằng năm để tổ chức thực hiện, quyết định những vấn đề quan trọng của TP, thể hiện bằng các nghị quyết, thường xuyên giám sát việc thực hiện các nghị quyết dưới nhiều hình thức; đồng thời việc tổ chức các kỳ họp, các hoạt động giám sát, phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri, tiếp dân, giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp và thực hiện một số nhiệm vụ khác… đã được triển khai có chất lượng, hiệu quả với phương châm bảo đảm ngày càng tốt hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe Chủ tịch UBND thành phố báo cáo tổng kết hoạt động của UBND thành phố nhiệm kỳ 2004-2011; nghe Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP báo cáo kết quả công tác tham gia xây dựng chính quyền và mối quan hệ với HĐND thành phố nhiệm kỳ 2004-2011; nghe Chành án Tòa án Nhân dân TP báo cáo công tác của ngành Tòa án và mối quan hệ với HĐND nhiệm kỳ 2004-2011; nghe Viện Trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP báo cáo về công tác của ngành Kiểm sát và mối quan hệ với HĐND thành phố nhiệm kỳ 2004-2011.

Các tập thể, cá nhân được khen thưởng tại Hội nghị

Ngoài ra, các đại biểu dự Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề có liên quan; kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung để Thường trực HĐND thành phố tiếp thu, tổng hợp, tạo cơ sở để HĐND khóa tới hoạt động tốt và hiệu quả hơn.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cho rằng: Hầu hết các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị đều khẳng định những thành tựu quan trọng đạt được trong nhiệm kỳ qua, rút ra những bài học kinh nghiệm cho hoạt động của HĐND nhiệm kỳ tới. Đó cũng chính là kết quả của sự thống nhất, đoàn kết và đồng thuận cao trong nội bộ tổ chức HĐND cũng như trong các tầng lớp nhân dân TP. Đây là điều mà HĐND và UBND thành phố nhiệm kỳ tới cần tiếp thu, rút kinh nghiệm, qua đó thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động với mục tiêu đưa TP phát triển nhanh, bền vững theo tinh thần “5 đột phá” về phát triển kinh tế- xã hội mà Đại hội XX Đảng bộ TP đã đề ra.

Dịp này, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cũng kêu gọi cán bộ, chiến sỹ và nhân dân TP ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ TP, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Để ghi nhận những thành tích và đóng góp của các tập thể, cá nhân đối với hoạt động của HĐND thành phố nhiệm kỳ qua, tại Hội nghị đã có 01 tập thể và 01 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tăng Bằng khen và 12 tập thể, 18 cá nhân được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen./.

Đình Tăng

(18/03/2011)

(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Nhật Bản đối phó rò rỉ phóng xạ cao gấp 1.000 lần bình thường


Phóng xạ tăng cao gấp 1.000 lần so với bình thường ở trong và quanh công ty điện Tokyo, thuộc nhà máy điện hạt nhân Số 1 Fukushima vào hôm nay, một ngày sau khi xảy ra trận động đất 8,9 richter, Cơ quan an toàn hạt nhân nước này cho biết.

Sau thảm họa động đất, sóng thần, Nhật còn phải đối mặt với nguy cơ rò rỉ phóng xạ.

Đây là trường hợp rò rỉ phóng xạ đầu tiên được ghi nhận tại Nhật kể từ khi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần vào ngày hôm qua. Như vậy điều nhiều người ở quốc gia phụ thuộc khá lớn vào nguồn năng lượng điện hạt nhân này đã hiện hữu.

Tuy nhiên, Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật cho rằng lượng phóng xạ sẽ không gây ảnh hưởng tức thì tới sức khỏe của người dân sống gần đó.

Song khu vực gần nhà máy điện hạt nhân số 2 Fukushima cũng được cơ quan này khoanh vùng là khu vực cần phải được sơ tán. Nhà máy Số 2 cũng gặp trục trặc sau khi xảy ra động đất.

Nhà quản lý của cả hai nhà máy này tại tỉnh Fukushima dự kiến sẽ giảm áp lực ở các nhà chứa lò phản ứng, theo một sắc lệnh chưa từng có tiền lệ của chính phủ, để phòng trường hợp các nhà máy bị hư hại. Tuy nhiên, việc giảm áp lực cũng đồng thời làm thải hơi nước có thể mang theo chất phóng xạ.

Lượng phóng xạ đã lên cao gấp 1.000 lần bình thường ở phòng điều khiển của lò phản ứng số 1 trong nhà máy điện hạt nhân Số 1 Fukushima, Cơ quan an toàn Hạt nhân và Công nghiệp Nhật cho hay.

Cơ quan này cũng cho biết phóng xạ ở gần cổng chính của nhà máy cao gấp hơn 8 lần so với bình thường.

Giới chức trách đã mở rộng khu vực dân cư phải sơ tán quanh nhà máy Số 1 từ 3km lên 10km, theo lệnh của Thủ tướng Nhật Naoto Kan, người đã tới thị sát nhà máy.

Chính phủ cũng tuyên bố nhà máy Số 2 Fukushima được đặt trong tình trạng khẩn cấp về hạt nhân, bên cạnh nhà máy Số 1, theo đó cũng mở rộng khu vực sơ tán quanh nhà máy này.

Vũ Quý Theo Kyodo


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ủy ban Bầu cử thành phố: Thống nhất thời gian nhận hồ sơ ứng cử


Sáng ngày 10-3, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐNĐ thành phố, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XII đơn vị Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố chủ trì phiên họp thứ hai của Ủy ban Bầu cử (UBBC) ĐBQH khóa XIII và đại biểu HĐND thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: N.THÀNH

Theo báo cáo dự kiến công việc trong tháng 3, cùng với việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho Chủ tịch UBND các phường, xã và các cơ quan Trung ương, các đơn vị lực lượng vũ trang, trường học đóng trên địa bàn, cơ quan Thường trực UBBC thành phố thống nhất chốt thời gian nhận và kiểm tra hồ sơ ứng cử ĐBQH tại thành phố chậm nhất lúc 17 giờ ngày 18-3 và đối với đại biểu HĐND thành phố chậm nhất lúc 17 giờ ngày 23-3; trên cơ sở đó chuyển tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên ĐBQH đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố để đưa vào hiệp thương trước ngày 19-3 và đối với người ứng cử đại biểu HĐND thành phố trước ngày 24-3-2011. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đối với bầu cử ĐBQH vào ngày 22-3, đại biểu HĐND thành phố vào ngày 25-3 và đại biểu HĐND cấp xã chậm nhất vào ngày 28-3-2011.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe các báo cáo về kế hoạch tuyên truyền, cổ động trực quan; tuyên truyền và bảo đảm thông tin liên lạc trong thời gian bầu cử; báo cáo về công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử và quy định mức kinh phí phục vụ công tác bầu cử…

Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đề nghị các đơn vị liên quan cần lưu ý đến công tác tuyên truyền, cổ động trực quan ở những vùng xa trung tâm và trên các tuyến đường chính vào trung tâm thành phố, các quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn…; cân đối hỗ trợ kinh phí cho trang thông tin điện tử tuyên truyền về bầu cử, hỗ trợ hợp lý cho việc tuyên truyền, tìm hiểu tiểu sử ứng cử viên ở thôn, tổ dân phố; bảo đảm an ninh trật tự, quản lý cử tri ở các địa bàn trọng điểm, khu vực tái định cư, trường học, khu chung cư…; chủ động, có phương án cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng trong các lực lượng nhằm phòng, chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch… Phiên họp cũng đã thống nhất màu phiếu bầu cử là: bầu ĐBQH phiếu màu hồng, bầu đại biểu HĐND thành phố phiếu màu xanh và bầu đại biểu HĐND cấp xã phiếu màu trắng.

NGUYỄN THÀNH


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Nguyễn Bá Thanh-Bí thư Thành ủy thăm, chúc mừng Hội LHPN TP


Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ, sáng 8-3, đồng chí Nguyễn Bá Thanh-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP đã đến thăm, chúc mừng Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố (LHPNTP).

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tặng quà Hội LHPNTP. Ảnh: A.T

Cùng đi có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận và Văn phòng Thành ủy.

Thay mặt lãnh đạo Hội LHPN TP, bà Đỗ Thị Kim Lĩnh-Chủ tịch Hội đã báo cáo sơ lược tình hình hoạt động của Hội LHPN TP trong thời gian qua với đồng chí Bí thư. Thay mặt Thành ủy, HĐND, đồng chí Nguyễn Bá Thanh gửi lời chúc sức khỏe, chúc mừng ngày Quốc tế Phụ nữ đến lãnh đạo, CBNV đang công tác tại Hội LHPNTP, Hội LHPN các quận, huyện và toàn thể phụ nữ trên toàn TP. Đồng chí Bí thư Nguyễn Bá Thanh biểu dương và ghi nhận những kết quả mà các cấp Hội phụ nữ đã đạt được trong năm qua. Đồng thời, cũng mong muốn Hội LHPNTP và các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ, giúp những phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phụ nữ nuôi con một mình thoát nghèo bền vững.

A.T


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)