Hiển thị các bài đăng có nhãn An ninh Quốc Phòng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn An ninh Quốc Phòng. Hiển thị tất cả bài đăng

Bảo vệ Tổ quốc bằng tư duy mới và tầm nhìn thời đại


Hoàn toàn không có chuyện Việt Nam chạy đua vũ trang, bởi quan điểm của Đảng, Chính phủ Việt Nam là xây dựng được một nền quốc phòng đủ mạnh để tự vệ, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ”, Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng đã lên tiếng trong một hội nghị tổ chức tại Đà Nẵng đầu năm 2010.

Thông điệp phát đi từ một hội nghị trong nước dù sao vẫn khó vọng tới được những người bạn bên ngoài biên giới Việt Nam, những người đang mang sự nghi kị khi mối quan tâm đến sự lớn mạnh của quân đội Việt Nam lớn hơn cùng với sự gia tăng về vị thế của đất nước này. Việc đầu tư xây dựng và phát triển quân đội không còn là câu chuyện riêng của mỗi quốc gia khi hội nhập.

Với những nỗ lực và hành động cụ thể, thiết thực trong năm ASEAN vừa qua, quân đội Việt Nam có lẽ đã chứng tỏ với khu vực và thế giới tin về một Việt Nam hòa bình, hòa hiếu với chính sách quốc phòng tự vệ, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không xâm phạm ai.

Đàm để không phải đánh

Người phụ trách đối ngoại của Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng nói rõ: trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, không thể mở rộng quan hệ quốc tế mà thiếu lòng tin. Quốc phòng lại là lĩnh vực nhạy cảm nhất, nên tăng cởi mở, minh bạch trong hoạt động quốc phòng, tăng cường hợp tác quốc phòng chính là để xây dựng và củng cố lòng tin.

“Chuyên nghiệp và cởi mở đến khó tin”, một phóng viên nước ngoài thường trú tại Hà Nội có mặt tại phiên họp báo trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã phải thốt lên như vậy.

Hình ảnh mới về Quân đội Việt Nam – Hiện đại và Hòa bình – Ảnh Lê Anh Dũng

Từng đọc nhiều sách báo về những người lính Việt Nam, quen với câu chuyện về sự dũng cảm, tính nguyên tắc của những người trong quân ngũ, và cả tính nhạy cảm, bí mật của lĩnh vực này, năm 2010 là một sự trải nghiệm mới mẻ của anh phóng viên nọ để có cái nhìn khác, chân xác hơn về lính Cụ Hồ thời đại mới.

Lịch sử của dải đất Việt Nam quá nhiều thương đau chiến tranh gắn liền với những hi sinh và chiến công của người lính. Những thắng lợi trên chiến trường của quân đội tạo đà để những nhà ngoại giao hoàn thành sứ mệnh đàm phán vì tự do, độc lập và hòa bình cho tổ quốc. Thế nhưng, giờ đây, bàn đàm phán không còn là lãnh địa riêng của những nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

Ngay cả người Việt Nam cũng không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh lạ về anh bộ đội Cụ Hồ. Không chỉ còn là ba lô, súng ống, và đạn dược, vũ khí… những bài tập vất vả nơi thao trường… và những hi sinh nơi chiến trường, màu xanh áo lính đã ghi dấu ấn trong tâm trí người Việt ở vị trí khác: bên bàn hội nghị, giữa những cuộc tiếp tân, những cái bắt tay…

“Có việc thì đi, cần vũ khí thì mua, giống như tất cả các nước khác. Hợp tác với nhiều nước nhưng không phương hại tới lợi ích của nước thứ ba“, vị tướng già của binh đoàn Trường Sơn, tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng đã nói như vậy.

Hàng chục hội nghị lớn nhỏ của giới quân sự đã được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2010. Một loạt các vấn đề lớn đã được đặt lên bàn thảo luận của những người mặc quân phục các quốc gia, dưới sự chủ trì của chủ nhà Việt Nam, bao gồm những vấn đề lợi ích sát sườn của Việt Nam như tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Chưa bao giờ, tần suất đi của bộ đội Việt Nam ra các nước, cả trong khu vực và các nước lớn đối tác lại dày như năm nay, cả chính thức và không chính thức, nhằm tham vấn.

Không chỉ đi, quân đội Việt Nam còn vời bạn đến với mình, để hiểu và tin, để cùng thảo luận, thỏa thuận và hợp tác thực.

5 chuyến thăm chính thức cấp Bộ trưởng Quốc phòng đến Việt Nam cùng với việc hàng loạt các tàu hải quân các nước cập cảng, ghé thăm Việt Nam trong một năm… là quá đủ để thấy nhu cầu đi và đến của quân đội Việt.

Chỉ riêng để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ADMM+ lần đầu tiên được tổ chức, ngay từ đầu năm 2010, khó có thể đếm được bao nhiêu chuyến tham vấn đã được Việt Nam tổ chức, đến từng nước thành viên ASEAN, ban thư kí ASEAN cũng như các đối tác cộng.

Từ việc chưa thật rõ ý kiến của các nước ASEAN về hiện thực hóa ADMM+ và hầu như không có thông tin về thái độ của các nước đối tác đối thoại với tiến trình này, Việt Nam đã lắng nghe, nắm bắt, cập nhật và chia sẻ thông tin với các nước qua tham vấn, từ đó tạo đồng thuận để có được cơ chế hợp tác mới.

Đó là chưa kể việc Việt Nam tranh thủ các hội nghị, diễn đàn khu vực và quốc tế như Đối thoại Shangri-La, Đối thoại Nhật Bản – ASEAN, các hội nghị ARF… để vận động cho tiến trình này.

Chưa từng có nước chủ tịch ADMM nào tổ chức tham vấn toàn diện như Việt Nam, vừa phản ánh trách nhiệm cao vừa cho thấy tầm nhìn và cách tiếp cận đúng đắn của nước chủ tịch“, Phó Tổng thư kí ASEAN đã nhận xét như vậy.

Sau 4 năm chuẩn bị, khi thời gian tiến tới ADMM+ đầu tiên chỉ còn tính bằng ngày và công tác chuẩn bị đã cơ bản được hoàn tất, các đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn tiếp tục lên đường để giúp các nước làm công tác chuẩn bị và sẵn sàng phối hợp với các nước đưa các sáng kiến mới ra Hội nghị hướng tới Hội nghị ADMM+ đầu tiên thành công tốt đẹp.

Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam – Ảnh Lê Anh Dũng

Những người quan tâm đến an ninh khu vực nín thở lo cho Việt Nam trong vai trò chuẩn bị hội nghị ADMM+ vào tháng 10 tới ở Hà Nội, với băn khoăn, liệu Biển Đông, mối quan tâm lớn của các nước lớn và khu vực có được nêu ra tại Hội nghị.Cao điểm thách thức kĩ năng ngoại giao chuyên nghiệp của các anh lính Cụ Hồ phải kể đến thời điểm từ cuối tháng 7 năm 2010, sau ARF tại Hà Nội. Bầu không khí trong khu vực “tích điện” với phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về tình hình Biển Đông, và phản ứng của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, bỏ ra khỏi phòng họp 30 phút và trở lại với thái độ cứng rắn.

Hình ảnh rất đẹp của quân đội



Sẽ là thất bại chung nếu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc vắng mặt nhưng cũng là thất bại không của riêng Việt Nam nếu Biển Đông hoàn toàn vắng bóng trong chương trình nghị sự.

Hội nghị ADMM+ với cách tiếp cận mềm về Biển Đông đủ làm hài lòng tất cả các bên là minh chứng hùng hồn cho sự ngoại giao chuyên nghiệp của những người vốn bị mặc định gắn với súng đạn, binh đao.

Một nhận thức mới, một tư duy mới về quân đội, về quốc phòng đang ngày càng sáng tỏ, với những nỗ lực “đàm” thay vì tập trung lo nhiệm vụ “đánh” như trước đây.

Đổi tư duy

Hợp tác trong quốc phòng không còn chỉ ở việc hỗ trợ khí tài, đạn dược, không chỉ cắt cử cố vấn… để giúp quân đội Việt Nam ăn no, đánh thắng như trong thời chiến.

Cái nhìn về quân đội Việt Nam cũng không còn là sự nghi kị, thăm dò bởi đã “đánh thắng hai đế quốc to”, với số lượng quân đông đảo nhất khu vực, với sức mạnh quân sự được xếp hàng đầu thế giới như khi Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh, bắt đầu hội nhập khu vực.

Cùng với sự hội nhập của đất nước, từ những hợp tác mang tính thăm dò ở khu vực những năm đầu thập kỉ 90 của thế kỉ 20, rồi khởi động hợp tác quốc phòng đa phương ở cấp thấp trong khuôn khổ ASEAN sau khi Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức khu vực, quân đội Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập cùng khu vực và thế giới.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên từng chỉ ra, mối lo về ngoại xâm, về chiến tranh đã bớt, nhưng Việt Nam lại đối mặt với “những hình thức xâm lăng mới hiện nay tinh vi hơn, khó nhận biết hơn trước rất nhiều như xâm lăng kinh tế, xâm lăng văn hóa, nước lớn chèn ép, bắt chẹt nước nhỏ về kinh tế”.

Lực lượng quân đội mạnh, vũ khí trang bị tốt là cần nhưng sẽ là chưa đủ để thực hiện bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Như Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng phụ trách đối ngoại, Bộ Quốc phòng đã nói: Quốc phòng đồng nghĩa với bảo vệ tổ quốc, mà kế sách bảo vệ tổ quốc cao nhất của cha ông ta là củng cố hòa bình và không để ai xâm lược nước mình

Chỉ vài năm trước, có lẽ vẫn còn không ít dè dặt đối với hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ thì nay, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam khi trả lời trên Thanh Niên mới đây đã khẳng định Việt Nam hoan nghênh sự có mặt của Mỹ ở khu vực này. Nếu nhìn từ lịch sử, không thể không nói đây là một bước đổi mới tư duy “địch- ta”.

Trang phục mới – Hình ảnh mới



“Đối với một nước không lớn như VN, sự hiện diện và ảnh hưởng của các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ ở khu vực là một thực tế khách quan. Không có gì phải lo ngại về vấn đề này… Cách ứng xử tốt nhất của VN là giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế, sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên vì lợi ích chung, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực”, ông Nguyễn Chí Vịnh giải thích.

Từ tư duy đó, Quân đội Việt Nam đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác với tất cả quân đội các cường quốc, một minh chứng cho đường lối đối ngoại quốc phòng đúng đắn như một phương sách bảo vệ tổ quốc cao nhất – xây dựng và củng cố môi trường hòa bình, an ninh và ổn định để đất nước phát triển. 

Bảo vệ tổ quốc, hơn lúc nào hết, cần những cái đầu tỉnh táo, hiểu thời cuộc, hiểu mình và hiểu người. Và những người lính Cụ Hồ trong thế kỉ 21 đang tạo dựng một hình tượng mới như vậy về mình.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ngư dân phát hiện hơn 2.000 lượt tàu cá nước ngoài xâm nhập trái phép


Thông tin từ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đà Nẵng cho biết, qua 5 năm thực hiện Quyết định 06 của UBND thành phố Đà Nẵng ban hành quy chế tổ chức đánh bắt hải sản trên biển theo tổ, 7 Đài Thông tin trinh sát biển từ Bộ Chỉ huy đến các Đồn Biên phòng được trang bị đầy đủ máy thông tin ICOM, bảo đảm kết nối 24/24 giờ với các tổ, đội và tàu đang khai thác trên biển. Nhờ vậy, 105.695 lượt tàu của ngư dân đã liên lạc qua các Đài Thông tin của BĐBP Đà Nẵng, cung cấp 2.732 nguồn tin có giá trị, phát hiện hơn 2.000 lượt tàu đánh cá nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, góp phần quan trọng bảo vệ ngư dân yên tâm bám biển sản xuất.



UBND thành phố Đà Nẵng đã đồng ý đầu tư xây dựng Trung tâm Thông tin biển của BĐBP rộng 4.000m2 tại âu thuyền Thọ Quang để bảo đảm kết nối đồng bộ với tàu thuyền của ngư dân, nắm tình hình bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự, tìm kiếm cứu nạn trên biển. Đây cũng là nơi tập huấn, giáo dục pháp luật biển và sửa chữa, bảo dưỡng máy ICOM cho ngư dân. Tuy nhiên, hiện BĐBP Đà Nẵng vẫn chưa có kinh phí để xây dựng trung tâm này.

Cẩm An


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Interpol phát lệnh truy nã nhà sáng lập WikiLeaks


(ĐNĐT) – Ngày 1-12,  Cảnh sát quốc tế Interpol cho biết đã yêu cầu các quốc gia thành viên bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks, Julian Assange do nghi ngờ hãm hiếp dựa trên cơ sở lệnh bắt của Thụy Điển.

Nhà sáng lập WikiLeaks, Julian Assange (Ảnh: Reuters)

Một phát ngôn viên của Interpol cho biết, Thụy Điển đã có Lệnh đỏ và khẳng định rằng Interpol đã đưa lên website của mình lời đề nghị của Thụy Điển về hỗ trợ việc tìm kiếm người đàn ông Australia 39 tuổi này.

Phòng Công tố Công cộng quốc tế Thụy Điển tại Gothenburg đã phát đi một lệnh bắt đối với Julian Assange vào ngày 18-11, nói rằng “nguyên nhân có thể là tội hãm hiếp, lạm dụng tình dục và cưỡng bức trái pháp luật”.

Assange, một người hiện chưa rõ nơi ở, đã gửi đơn kháng án tại Tòa án Thụy Điển nhưng đã bị từ chối tuần qua và ông đã gửi một lá đơn thứ hai.

Vào lúc này, Assange có thể đối mặt với việc bắt giữ và dẫn độ về Thụy Điển từ bất kỳ đâu trên thế giới, nơi mà chính quyền sở tại quyết định thực hiện lệnh bắt nói trên.

Những người ủng hộ Assange đã tố cáo các lực lượng ẩn danh cố tình hư cấu ra việc ông ta đã phạm tội tình dục đối với hai phụ nữ Thụy Điển vào tháng 8 nhằm đánh vào chiến dịch đưa tài liệu mật mà WikiLeaks đang sở hữu ra công chúng.

Hiện WikiLeaks vẫn đang tiếp tục việc tiết lộ tài liệu mật. Tuần này, khoảng 250 ngàn bức điện tín mật của Bộ Ngoại giao Mỹ đã được tung lên mạng internet và các tờ báo trên thế giới.

Việc tiết lộ các tài liệu, chủ yếu là các bức điện ngoại giao nội bộ của Mỹ, đã gây một sự ngượng ngùng cao độ cho Mỹ và một vài đồng minh thông qua những tiết lộ chấn động và hớ hênh đi cùng những sự kiện thế giới.

Ngày 30-11, Assange đã trả lời phỏng vấn của tạp chí Time từ một địa điểm bí mật qua dịch vụ điện thoại Skype. Dù là người Australia, Assange được cho là sống chủ yếu ở châu Âu và gần đây là Anh quốc.

Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, đã lên án vụ ăn cắp và phơi bày những bức điện tín ngoại giao là phạm tội hình sự, giáng một đòn vào sự ổn định và thực tiễn ngoại giao thế giới. Mỹ đã tiến hành điều tra và làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan trong vụ rò rỉ thông tin này.

Quang Hiển

(Theo AFP)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Brazil phóng thử tên lửa không người lái tầm trung


Ngày 12/12, Brazil đã phóng thử thành công tên lửa không người lái cỡ trung, mang theo khoảng 400kg hàng hóa và nhiều trang thiết bị thí nghiệm siêu nhẹ lên vũ trụ.

Các nhà khoa học cho biết tên lửa VSB-3 đã được phóng từ Trung tâm Alcantara ở Đông Bắc Brazil, đạt độ cao khoảng 242km so với mặt biển.

Tên lửa VSB-3

Tên lửa do các nhà khoa học Đức và Brazil thiết kế này đã bay khoảng 18 phút trước khi đáp xuống địa điểm cách bờ biển Brazil khoảng 233km ở ngoài khơi Đại Tây Dương.

Brazil đặt mục tiêu cùng với Trung Quốc và Nga trở thành những nền kinh tế mới nổi hàng đầu có chương trình vũ trụ riêng.

Vụ thử nghiệm này được xem là hoạt động chủ chốt cho chương trình vũ trụ của Brazil vốn đối mặt với nguy cơ thất bại và thảm kịch trong nhiều năm qua, trong đó có vụ tai nạn tên lửa tháng 8/2003 cũng tại Ancantara khiến 21 kỹ sư và kỹ thuật viên Brazil thiệt mạng./.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Tàu Hải quân Trung Quốc thăm thành phố Đà Nẵng


Sáng 3-12, tàu Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Xiangfan (FFG 567) cùng 215 chỉ huy, sỹ quan, thủy thủ đã cập cảng Tiên Sa, thăm hữu nghị thành phố Đà Nẵng. Đây là lần thứ 4 tàu sang thăm Việt Nam.

Trong thời gian ở thăm từ ngày 3-12 đến ngày 7-12, chỉ huy, sỹ quan, thủy thủ của tàu sẽ đến chào xã giao lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh vùng C Hải quân, Bộ Tư lệnh Quân khu 5.

Tàu Xiangfan có chiều dài 112m, rộng 14m, với trọng tải 2.500 tấn cập cảng Tiên Sa thăm hữu nghị thành phố Đà Nẵng

Ngoài ra, sỹ quan, thủy thủ tàu còn có các hoạt động giao lưu như hội báo boong tàu; thi đấu bóng chuyền với đội bóng của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân và tham quan một số danh lam thắng cảnh tại thành phố Đà Nẵng. Trên đường trở về (ngày 7-12), Hải quân hai nước sẽ tiến hành diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Trước đó, Hải quân nhân dân Việt Nam và Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã tổ chức tuần tra liên hợp thường niên lần thứ 10 trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Chuyến thăm lần này của tàu Hải quân Trung Quốc góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và quân đội nhân dân hai nước nói riêng.

Chỉ huy trưởng tàu Trung Quốc (trái) bắt tay xã giao với Hải quân Việt Nam

Bắt tay xã giao với Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng

Giới thiệu về tàu Hải quân Trung Quốc


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

10 ngày sôi sục trên bán đảo Triều Tiên


Bán đảo Triều Tiên đột ngột nóng lên dữ dội từ thứ ba tuần trước khi pháo miền bắc dội xuống đảo của miền nam. Hơn một tuần sau tình hình vẫn không lắng dịu với bên tàu chiến, bên tên lửa cách nhau chỉ vài chục km.

Một chiếc máy bay trên hàng không mẫu hạm USS George Washington trong cuộc diễn tập quân sự tại biển Hoàng hải. Ảnh: AFP

Đây không phải lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh kết thúc hơn nửa thế kỷ trước hai miền Triều Tiên căng thẳng với nhau. Thái độ đối đầu kéo dài khiến người dân nơi đây dường như đã quen chung sống với khủng hoảng. Tuy nhiên, những gì xảy ra ngày 23/11 trên đảo Yeonpyeong và các diễn biến sau đó vẫn đánh dấu một mức độ nghiêm trọng mới của tình hình tại điểm nóng Đông Á này.

Nhiêm trọng nhất từ Chiến tranh Triều Tiên

Trong khi truyền thông thế giới đang đổ dồn về vụ giẫm đạp đẫm máu tại Campuchia ngày 23/11, tin tức phát đi từ bán đảo Triều Tiên đã khiến dư luận thay đổi sự chú ý. Những khẩu đội pháo bên bờ biển của Triều Tiên đột nhiên rót xối xả xuống hòn đảo nhỏ Yeonpyeong, nơi có căn cứ quân sự nằm lẫn với khu dân cư của Hàn Quốc. Hơn 60 ngôi nhà tại đây bị thiêu cháy, trong khi thường dân Hàn Quốc trên đảo bỏ chạy tìm nơi trú ấn hoặc di tản về đất liền.

Lực lượng lính thuỷ đánh bộ của Hàn Quốc trên đảo đáp trả bằng đạn pháo về phía Triều Tiên nằm cách đó chỉ khoảng 10 km, đồng thời cho máy bay chiến đấu xuất kích. Cảnh tượng tại đây gợi nhớ đến cuộc chiến hơn nửa thế kỷ trước. Vụ tấn công khiến hai binh sĩ và hai thường dân Hàn Quốc thiệt mạng, cùng thiệt hại về vật chất khoảng hơn 5 triệu USD. Sự kiện này khiến dư luận bị sốc và được đánh giá là dữ dội nhất kể từ cuộc chiến tranh 1950-1953.

Vụ giao tranh giữa hai miền xung quanh hòn đảo Yeonpyeong, nằm cách đường ranh giới Liên Triều trên biển khoảng 3 km về phía nam và cách thủ đôSeoul của Hàn Quốc 120 km về phía tây, chỉ diễn ra trong khoảng một tiếng, nhưng đã đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn căng thẳng nghiêm trọng mới giữa hai bên. Sự kiện này diễn ra chỉ vài ngày sau khi một nhà khoa học Mỹ tiết lộ việc Triều Tiên đã xây dựng nhà máy tinh chế uranium hiện đại, mở ra cách thức thứ hai nước này có thể chế tạo vũ khí hạt nhân.

Trận pháo kích của miền bắc lên đảo Yeonpyeong đã gây sốc nhưng không quá bất ngờ, nếu xâu chuỗi các sự kiện xảy ra gần đây trên bán đảo Triều Tiên. Tình hình tại đây leo thang căng thẳng từ vụ chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm hồi tháng 3/2010, trong khi tại miền bắc năm nay cũng chứng kiến những chuyển biến chính trị mang tính lịch sử về chuyển giao quyền lực ở cấp cao nhất. Khu vực quanh đảo Yeonpyeong từng là hiện trường của 3 vụ giao tranh đổ máu giữa hải quân hai miền vào các năm 1999, 2002 và 2009.

Các bên thận trọng với Bình Nhưỡng

Bản thân chính phủ Hàn Quốc thì rơi vào thế khó sau vụ tấn công của miền bắc. Ngoài việc bắn đáp trả khoảng 80 quả đạn pháo, họ không thể tính đến việc trả đũa quân sự trên quy mô lớn. Tổng thống Lee Myung-bak một mặt lệnh cho cấp dưới “trừng phạt đích đáng” miền bắc, một mặt lại yêu cầu họ phải đảm bảo “tình hình không leo thang”. Nói cách khác Hàn Quốc có quá nhiều thứ để mất nếu để chiến tranh thực sự giữa hai miền xảy ra và điều này đã đẩy họ vào thế khó.

Tuy nhiên, Hàn Quốc đã có những điều chỉnh đáng kể về quân sự sau sự kiện đảo Yeonpyeong. Đáng chú ý là việc Seoul thay đổi quy tắc giao chiến theo hướng tăng sự chủ động trong cách đối phó với sự khiêu khích của Triều Tiên. Đây được cho biện pháp nhằm khắc phục sự thụ động trong phương thức giao chiến cũ vốn chỉ chú trọng đến việc ngăn chặn sự leo thang căng thẳng. Quy tắc mới được phân định cụ thể các cách thức phản ứng khác nhau trước các vụ tấn công của miền bắc nhằm vào dân thường hay quân đội.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc tăng quân cho 5 hòn đảo nhỏ gồm Baegnyeong, Daecheong, Socheong, Woo và đảo Yeonpyeong mới bị pháo kích, nằm ngay sát Triều Tiên. Vụ tấn công của Triều Tiên cũng khiến Bộ trưởng Quốc phòng Kim Tae-young phải từ chức để nhận trách nhiệm.

Trong khi đó, đồng minh chính trị và kinh tế quan trọng nhất của Triều Tiên là Trung Quốc không hề có động thái lên án vụ tấn công của Bình Nhưỡng, mà chỉ kêu gọi các bên kiềm chế. Bắc Kinh còn chia sẻ quan điểm với Bình Nhưỡng về việc phản đối cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc trên vùng biển Hoàng hải. Quan điểm này đã khiến Washington lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình tác động lên Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, bản thân đồng minh quan trọng nhất của Hàn Quốc là Mỹ cũng tỏ ra thận trọng không kém. Washington mặc dù lên án Triều Tiên gay gắt và tái khẳng định sẽ bảo vệ Hàn Quốc, nhưng tránh không đả động gì tới bất cứ hành động quân sự nào để đáp trả vụ tấn công. Chính quyền Mỹ cũng không coi đây là một hành động chiến tranh hay sự vi phạm thoả thuận ngừng bắn giữa hai miền từ năm 1953.

Tập trận răn đe

Hành động cụ thể của Mỹ đối với vụ tấn công của Triều Tiên cũng không khác so với vụ chiến hạm Cheonan bị đánh chìm trước đây. Họ tiếp tục thực hiện “bài” ngoại giao chiến hạm, khi điều tàu sân bay USS George Washington tới khu vực ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Con tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân này mang theo 75 máy bay chiến đấu và thuỷ thủ đoàn 5.700 người tới vùng biển Hàn Quốc hôm chủ nhật để tiến hành cuộc tập trận hải quân chung kéo dài 4 ngày.

Phía Triều Tiên phản đối kịch liệt vụ tập trận và doạ đáp trả “không thương tiếc” đối với sự kiện mà họ coi là khiêu khích này, đồng thời hướng tên lửa và pháo ra phía biển nơi có cuộc tập trận trong tư thế sẵn sàng khai hoả.

Hàn Quốc báo động quân đội trước lời đe doạ và chuẩn bị cho một vụ tấn công mới của miền bắc có thể xảy ra, nhưng vẫn không nhượng bộ khi tiếp tục cùng đồng minh Mỹ thị uy sức mạnh quân sự từ 28/11 đến 1/12. Tuy nhiên Seuol đã tạm hoãn một nội dung diễn tập bắn đạn thật trong cuộc tập trận này với lý do thời tiết. Trước đó, một cuộc diễn tập bắn đạn thật cũng được cho là nguyên nhân khiến Triều Tiên khai hoả.

Song song với căng thẳng qua hình ảnh bên tên lửa bên tàu chiến ở biển Hoàng hải là các nỗ lực ngoại giao hối hả diễn ra, nhằm tháo ngòi tình hình được đánh giá là “bên bờ vực chiến tranh” trên bán đảo Triều Tiên. Những nguồn tin từ Bắc Kinh cho hay Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đã tới Bình Nhưỡng, cùng thời gian trợ lý cao cấp của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il là Choe Thae-bok tới Bắc Kinh.

Trong khi đó, sau khi cuộc tập trận kết thúc hôm qua, khép lại 10 ngày sôi sục trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục cùng Mỹ có hoạt động quân sự chung với quy mô lớn hơn nhiều. Cuộc diễn tập hải quân bắn đạn thật mới có thể diễn ra ngay trong tuần tới, tại 29 điểm quanh Hàn Quốc. Điều này cho thấy liên quân Mỹ-Hàn không có sự nhượng bộ nào sau vụ tấn công đảo Yeonpyeong của miền bắc. Như vậy không khó dự đoán, tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ còn diễn biến khó lường trong thời gian tới sau 10 ngày nóng như “đổ lửa” vừa qua.

Đình Nguyễn


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ấn Độ thử thành công tên lửa siêu thanh


Tên lửa BrahMos của Ấn Độ trong vụ phóng thử hôm 5/9. Ảnh: brahmand.com.

Ấn Độ vừa phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos từ một căn cứ quân sự ở bờ biển phía đông bắc nước này hôm nay.

Tờ PTI dẫn nguồn tin quân sự chobiết vụ bắn thử được thực hiện từ bệ phóng di động tại bãi thử ở Chandipur, bang Orissa.

Giới chức quân sự yêu cầu chính quyền địa phương đưa 3.220 người dân sống trong bán kính 2 km đi sơ tán để đảm bảo an toàn. Trong vụ thử trước đó hôm 5/9, lần đầu tiên tên lửa BrahMos thực hiện cú bổ nhào góc hẹp, Ria Novosti cho hay.

BrahMos có tầm xa khoảng 290 km và có thể mang theo đầu đạn thông thường nặng tới 300 kg. Nó có tốc độ gấp 2,8 vận tốc âm thanh và gấp 3 lần tốc độ của tên lửa hành trình cận siêu thanh Tomahawk của Mỹ.

BrahMos được đặt tên theo sông Brahmaputra của Ấn và sông Matxcơva của Nga. Nó được phóng thử lần đầu năm 2004. Từ đó đến nay, BrahMos liên tục được thử nghiệm để hoàn thiện khả năng nhắm trúng mục tiêu.

Ngọc Sơn


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Mỹ siết lỗ hổng rò rỉ thông tin, Website WikiLeaks bị tấn công


Chính phủ Mỹ cho rằng lấy làm tiếc vì vụ tiết lộ thông tin mật và sẽ siết chặt an ninh nhằm ngăn ngừa những vụ rò rỉ như vụ tiết lộ của WikiLeaks đối với các bức điện tín của Bộ Ngoại giao.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố về vụ tiết lộ tài liệu mật tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 29-11 (Ảnh: Getty)

Hơn 250.000 bức điện tín đã được WikiLeaks thu nhận và gửi cho báo New York Times và các tập đoàn truyền thông khác để bày ra trước công chúng toàn thế giới những câu chuyện bếp núc ngoại giao Mỹ, kể cả những đánh giá vô tư và đầy sống sượng của các nhà lãnh đạo thế giới.

Trước đó, WikiLeaks đã tung ra hơn 500.000 tài liệu mật của Mỹ về cuộc chiến Iraq và Afghanistan.

Bộ Tư Pháp Mỹ cho biết bộ này đang tiến hành một cuộc điều tra tội phạm của việc rò rỉ thông tin, đồng thời Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao đều nói họ đang tiến hành các bước nhằm ngăn ngừa những vụ tiết lộ trong tương lai.

Trong khi Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng bà không bình luận trực tiếp gì đối với các bức điện tín cũng như bản chất của chúng thì bà lại nói rằng chính phủ Mỹ sẽ có những bước đi kỹ lưỡng nhằm quy trách nhiệm cho những người nào đã “ăn cắp” chúng.

Bà Clinton nói: “Mỹ lấy làm hối tiếc với vụ tiết lộ thông tin vốn được xem là thông tin mật, kể cả những thảo luận riêng tư giữa những người đồng nhiệm hoặc những nhận xét và quan sát cá nhân của các nhà ngoại giao”.

Bà Clinton nhắc lại lên án trước đó của Mỹ đối với vụ rò rỉ là “đưa sinh mạng của nhiều người vào chỗ nguy hiểm, đe dọa an ninh quốc gia, làm giảm đi các nỗ lực cộng tác với các quốc gia khác trong việc giải quyết những vấn đề chung”.

Một số tiết lộ “gây sốc”

Một trong số những tiết lộ ban đầu được đưa ra công chúng của tờ Guardian và New York Times là Vua Saudi, Abdullah từng thúc giục Mỹ tấn công chương trình hạt nhân của Iran. Ông cho nói với phía Mỹ hãy nhanh chóng chặt đầu con rắn.

Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks, đang là nhân vật gây đau đầu cho giới chức Mỹ và một số nước trên thế giới (Ảnh: Getty)

Một bức điện khác tiết lộ rằng, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Hà Á Phi nói với đại diện ngoại giao Mỹ tại Bắc Kinh rằng, Triều Tiên đang cư xử như một “đứa trẻ hư hỏng” khi gây sự chú ý của Washington vào tháng 4-2009 bằng việc tiến hành thử tên lửa.

Trong một bức điện của Đại sứ Mỹ tại Seoul, một quan chức hàng đầu của Hàn Quốc được cho là đã nói hồi tháng giêng, rằng một số quan chức Trung Quốc sẽ không can thiệp nếu Triều Tiên sụp đổ.

Đại sứ Mỹ, Kathleen Stephen viết rằng, Chung Yung-woo, Thứ trưởng Ngoại giao lúc bấy giờ của Hàn Quốc cho biết, thế hệ lãnh đạo Trung Quốc sau này không xem Triều Tiên là một đồng minh hữu ích hoặc đáng tin cậy và sẽ không mạo hiểm với một cuộc xung đột quân sự mới trên bán đảo Triều Tiên, tờ Guardian tường thuật.

Trên tờ New York Times, những lời bình luận về các nhà lãnh đạo nước ngoài cũng đã được đăng tải. Trong đó, có cả việc mô tả Tổng thống Nga, Dmitry Medvede diễn vai “Robin với Người Dơi Putin”, Thủ tướng Nga.

New York Times còn cho biết đã có trong tay đầy đủ 251.287 tài liệu từ một nguồn ẩn danh, còn WikiLeaks đã tung lên mạng 246 trong tổng số tài liệu đó trên website của mình vào ngày 29-11.

Ngày 29-11, tạp chí Forbes đưa tin nhà sáng lập WikiLeaks, Julian Assange dự định sẽ đưa hàng chục ngàn tài liệu nội bộ của các ngân hàng lớn tại Mỹ vào đầu năm tới.

Các tiết lộ trên đây xuất hiện giữa lúc căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên dâng cao sau vụ Triều Tiên nã pháo lên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc đúng một tuần.

Phản ứng của các nước

Chính quyền Mỹ gọi vụ tiết lộ của WikiLeaks là một cuộc tấn công vào cộng đồng thế giới, tuy nhiên những gì mà Mỹ đã dày công vun đắp sẽ vượt qua thử thách này.

Nhà Trắng đã lệnh cho các cơ quan của chính phủ siết chặt các chính sách xử lý thông tin mật và Bộ Ngoại giao cho biết đang xác định lại người nào đã truy cập vào mạng lưới, cơ sở dữ liệu của mình và sẽ đưa ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn.

Người dân xem thông tin về vụ WikiLeaks tiết lộ thông tin trên báo chi tại Washington (Ảnh: Reuters)

Ngày 30-11, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách thúc giục Mỹ “dàn xếp ổn thỏa những vấn đề có liên quan”.

Về phía Nga, nước này cho rằng, những tiết lộ đó không đáng để quan tâm. Ngày 29-11, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, Natalia Timakova phát biểu: “Không có gì thú vị và không đáng để bình luận.”

Trong khi đó, Ecuador đã mời ông Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks, đến định cư “vô điều kiện”. Thứ trưởng Ngoại giao Ecuador, Kintto Lucas đã ngợi khen những người như ông Assange là “những người đang điều tra không ngừng nghỉ và đưa ra ánh sáng những góc khuất của thông tin”.

Website WikiLeaks bị tấn công dữ dội



Sáng ngày 30-11, WikiLeaks cho biết website này đang bị một cuộc tấn công dữ dội trên mạng Internet, làm cho người dùng không thể truy cập được trong nhiều giờ tại châu Âu và Mỹ.

Trang này dường như đã hồi phục sau vụ tấn công nhờ sự giúp đỡ của hãng Amazon.com, một công ty cho thuê máy chủ tại Mỹ. Trưa ngày thứ ba, 30-11, luồng thông tin đến trang mạng này đã được Amazon điều hành.

Quang Hiển (Theo Reuters, BBC, AP)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Mỹ – Nhật sắp tập trận lớn


Nhật Bản và Mỹ chuẩn bị tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn vào ngày mai, trong bối cảnh tình hình xung đột trên bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng.

Lính Hàn đứng gác trên hòn đảo Yeonpyeong hôm qua. Ảnh: Chosun.

Cuộc tập trận mang tên “Keen Sword”, đã được lên kế hoạch từ trước cuộc pháo kích của Triều Tiên trên hòn đảo của Hàn Quốc vào tuần trước, sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 10/12, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định.

“Đây là thời điểm thích hợp để chứng tỏ mối khăng khít giữa Nhật Bản và Mỹ”, một quan chức cấp cao nói với tờ Yomiuri Shimbun.

Khoảng 34.000 binh lính Nhật Bản, 40 tàu chiến, 250 phi cơ sẽ cùng với hơn 10.000 lính Mỹ với 20 tàu chiến và 150 máy bay tham dự cuộc tập trận này. Cuộc diễn tập Mỹ – Nhật lớn nhất kể từ năm 2007 sẽ diễn ra trên vùng biển của Nhật Bản, gần với bờ biển phía nam Hàn Quốc.

Tokyo lần đầu tiên mời quan chức quân đội Hàn Quốc tới quan sát cuộc tập trận. Qua đó, Tokyo hy vọng sẽ chứng minh được sự đoàn kết giữa ba quốc gia. Nhật Bản cũng từng gửi binh lính tới quan sát cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc vào tháng 7, sau vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc, khiến 46 thủy thủ bị chết. Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng đã đánh chìm con tàu.

Cuộc tập trận chung này sẽ lớn hơn rất nhiều so với cuộc diễn tập giữa Mỹ và Hàn Quốc vừa kết thúc hôm qua – nhằm thị uy Bình Nhưỡng vì đã nã pháo vào hòn đảo nằm ở biên giới của Hàn Quốc.

Nhật Bản đề cao cảnh giác sau vụ pháo kích mà Hàn Quốc hứng chịu. Thủ tướng Naoto Kan chỉ đạo các bộ trưởng chuẩn bị cho bất cứ tình huống khẩn cấp nào.

“Cuộc tập trận giữa Nhật Bản và Mỹ là một hoạt động thông thường, diễn ra đều đặn trong nhiều năm”, thông điệp của Không quân Mỹ có đoạn, trong đó nhấn mạnh cuộc diễn tập nhằm củng cố mối hợp tác giữa các lực lượng Mỹ và Nhật Bản.

Sau vụ pháo kích của Bình Nhưỡng lên hòn đảo Yeonpyeong làm 4 người Hàn Quốc thiệt mạng, hôm 23/11, Trung Quốc đã kêu gọi 6 quốc gia liên quan có cuộc gặp mặt khẩn cấp để bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thỏa thuận có cuộc hội đàm riêng tại Washington vào ngày 6/12. Những nước còn lại trong đàm phán 6 bên là Trung Quốc, Triều Tiên và Nga.

Song Minh


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

10 tiết lộ ngoại giao gây sốc nhất của WikiLeaks


Việc WikiLeaks tiết lộ hơn 250.000 trang tài liệu ngoại giao mật của Mỹ mới đây đã cho thấy cái nhìn khá “thô ráp” về thế giới ngoại giao ngầm.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lên án tiết lộ của WikiLeaks là ”đòn tấn công vào cộng đồng quốc tế”. .

Dưới đây là 10 tiết lộ đáng chú ý nhất trong đợt tiết lộ mới nhất các tài liệu mật của WikiLeaks. Chúng có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Mỹ với các nước bạn cũng như thù.

1. Nhiều quốc gia Trung Đông lo ngại về chương trình hạt nhân của Iranhơn nhiều những gì họ chứng tỏ bên ngoài. Theo thông tin được WikiLeaks tiết lộ, Vua Abdullah của Ả rập Xê út đã nhiều lần yêu cầu Mỹ “cắt cái đầu rắn” – có nghĩa là có vẻ như đánh bom chương trình hạt nhân của Iran. Các lãnh đạo Qatar, Jordan, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và các quốc gia khác ở Trung Đông cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

2. Đại sứ Mỹ tại Seoul báo cáo với Washington hồi tháng 2 rằng những hợp đồng kinh doanh hợp lý có thể khiến Trung Quốc ưng thuận với một bán đảo Triều Tiên thống nhất. Giới chức Mỹ và Hàn Quốc cũng đã thảo luận về một sự tái hợp nhất trong trường hợp Triều Tiên sụp đổ dưới gánh nặng của các vấn đề kinh tế, chính trị.

3. Chính quyền Obama đã đưa ra các món mua chuộc để khiến các nước khác nhận tù nhân Guantanamo, như một phần trong nỗ lực (dù chưa thành công) nhằm đóng cửa nhà tù tai tiếng này. Ví dụ, Slovenia, đã được đề nghị một cuộc gặp với Tổng thống Obama, trong khi quốc đảoKiribati được đề nghị các khoản kích lệ trị giá hàng triệu USD.

4. Phó Tổng thống Afghanistan Ahmed Zia Massoud đã nhận 52 triệu USD tiền mặt khi ông tới thăm Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất vào năm ngoái. Chính phủ Afghanistan đã hứng chịu nhiều cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên ông Massoud khẳng định nhận tiền không vì mục đích cá nhân, mà vì đất nước.

5. Mỹ đã và đang nỗ lực làm việc để loại bỏ urani đã được làm giàu ở cấp độ cao khỏi một lò phản ứng hạt nhân của Pakistan, do lo ngại nó có thể được dùng để phát triển một thiết bị hạt nhân trái phép. Nỗ lực bắt đầu vào năm 2007 và vẫn đang được tiếp tục.

6. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã yêu cầu các nhà ngoại giao thu thập thông tin về các ngoại trưởng nước ngoài. Tài liệu được tiết lộ trên WikiLeaks còn cho thấy bà Clinton cũng có thể đã yêu cầu các nhà ngoại giao thu thập thông tin tình báo về kế hoạch của Tổng thư ký Liên hợp Quốc Ban Ki-moon đối với Iran, thông tin về Sudan (trong đó có Darfur), Afghanistan, Pakistan, Somalia, Iran và Triều Tiên.

7. Bộ Ngoại giao Mỹ xếp Qatar là quốc gia yếu kém nhất trong khu vực trong nỗ lực chống khủng bố. Dịch vụ an ninh của nước này “không phản ứng được với bọn khủng bố do lo ngại bị xem là sát cánh cùng Mỹ và sợ bị trả thù”.

8. Cũng theo tài liệu tiết lộ của WikiLeaks, Thủ tướng Nga VladimirPutin và Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi thân thiết hơn trước đây rất nhiều. Ông Putin đã tặng ông Berlusconi “những món quà quý giá” cùng những hợp đồng năng lượng lớn. Ngược lại, ông Berlusconi “có vẻ như ngày càng là người đại diện cho ông Putin” tại châu Âu.

9. Hezbollah tiếp tục được Syria bảo trợ về vũ khí. Một tuần sau khi Tổng thống Syria Bashar Assad cam kết với Mỹ sẽ không gửi vũ khí “mới” cho nhóm chiến binh Li-băng này, Mỹ cho biết họ có thông tin chứng tỏ Syria đang tiếp tục cung cấp cho Hezbollah vũ khí ngày càng tinh vi hơn.

10. Một số tiết lộ cho thấy quan điểm của Mỹ, mang rất ít tính chất ngoại giao, về các nhà lãnh đạo nước ngoài. Ví dụ Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai “bị hoang tưởng” hay Thủ tướng Đức Angela Merkel “hiếm khi sáng tạo”, hoặc nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi đi với một y tá Ukraine “tóc vàng khêu gợi”.

Phan Anh

Theo AP


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)