Mỹ siết lỗ hổng rò rỉ thông tin, Website WikiLeaks bị tấn công


Chính phủ Mỹ cho rằng lấy làm tiếc vì vụ tiết lộ thông tin mật và sẽ siết chặt an ninh nhằm ngăn ngừa những vụ rò rỉ như vụ tiết lộ của WikiLeaks đối với các bức điện tín của Bộ Ngoại giao.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố về vụ tiết lộ tài liệu mật tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 29-11 (Ảnh: Getty)

Hơn 250.000 bức điện tín đã được WikiLeaks thu nhận và gửi cho báo New York Times và các tập đoàn truyền thông khác để bày ra trước công chúng toàn thế giới những câu chuyện bếp núc ngoại giao Mỹ, kể cả những đánh giá vô tư và đầy sống sượng của các nhà lãnh đạo thế giới.

Trước đó, WikiLeaks đã tung ra hơn 500.000 tài liệu mật của Mỹ về cuộc chiến Iraq và Afghanistan.

Bộ Tư Pháp Mỹ cho biết bộ này đang tiến hành một cuộc điều tra tội phạm của việc rò rỉ thông tin, đồng thời Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao đều nói họ đang tiến hành các bước nhằm ngăn ngừa những vụ tiết lộ trong tương lai.

Trong khi Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng bà không bình luận trực tiếp gì đối với các bức điện tín cũng như bản chất của chúng thì bà lại nói rằng chính phủ Mỹ sẽ có những bước đi kỹ lưỡng nhằm quy trách nhiệm cho những người nào đã “ăn cắp” chúng.

Bà Clinton nói: “Mỹ lấy làm hối tiếc với vụ tiết lộ thông tin vốn được xem là thông tin mật, kể cả những thảo luận riêng tư giữa những người đồng nhiệm hoặc những nhận xét và quan sát cá nhân của các nhà ngoại giao”.

Bà Clinton nhắc lại lên án trước đó của Mỹ đối với vụ rò rỉ là “đưa sinh mạng của nhiều người vào chỗ nguy hiểm, đe dọa an ninh quốc gia, làm giảm đi các nỗ lực cộng tác với các quốc gia khác trong việc giải quyết những vấn đề chung”.

Một số tiết lộ “gây sốc”

Một trong số những tiết lộ ban đầu được đưa ra công chúng của tờ Guardian và New York Times là Vua Saudi, Abdullah từng thúc giục Mỹ tấn công chương trình hạt nhân của Iran. Ông cho nói với phía Mỹ hãy nhanh chóng chặt đầu con rắn.

Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks, đang là nhân vật gây đau đầu cho giới chức Mỹ và một số nước trên thế giới (Ảnh: Getty)

Một bức điện khác tiết lộ rằng, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Hà Á Phi nói với đại diện ngoại giao Mỹ tại Bắc Kinh rằng, Triều Tiên đang cư xử như một “đứa trẻ hư hỏng” khi gây sự chú ý của Washington vào tháng 4-2009 bằng việc tiến hành thử tên lửa.

Trong một bức điện của Đại sứ Mỹ tại Seoul, một quan chức hàng đầu của Hàn Quốc được cho là đã nói hồi tháng giêng, rằng một số quan chức Trung Quốc sẽ không can thiệp nếu Triều Tiên sụp đổ.

Đại sứ Mỹ, Kathleen Stephen viết rằng, Chung Yung-woo, Thứ trưởng Ngoại giao lúc bấy giờ của Hàn Quốc cho biết, thế hệ lãnh đạo Trung Quốc sau này không xem Triều Tiên là một đồng minh hữu ích hoặc đáng tin cậy và sẽ không mạo hiểm với một cuộc xung đột quân sự mới trên bán đảo Triều Tiên, tờ Guardian tường thuật.

Trên tờ New York Times, những lời bình luận về các nhà lãnh đạo nước ngoài cũng đã được đăng tải. Trong đó, có cả việc mô tả Tổng thống Nga, Dmitry Medvede diễn vai “Robin với Người Dơi Putin”, Thủ tướng Nga.

New York Times còn cho biết đã có trong tay đầy đủ 251.287 tài liệu từ một nguồn ẩn danh, còn WikiLeaks đã tung lên mạng 246 trong tổng số tài liệu đó trên website của mình vào ngày 29-11.

Ngày 29-11, tạp chí Forbes đưa tin nhà sáng lập WikiLeaks, Julian Assange dự định sẽ đưa hàng chục ngàn tài liệu nội bộ của các ngân hàng lớn tại Mỹ vào đầu năm tới.

Các tiết lộ trên đây xuất hiện giữa lúc căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên dâng cao sau vụ Triều Tiên nã pháo lên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc đúng một tuần.

Phản ứng của các nước

Chính quyền Mỹ gọi vụ tiết lộ của WikiLeaks là một cuộc tấn công vào cộng đồng thế giới, tuy nhiên những gì mà Mỹ đã dày công vun đắp sẽ vượt qua thử thách này.

Nhà Trắng đã lệnh cho các cơ quan của chính phủ siết chặt các chính sách xử lý thông tin mật và Bộ Ngoại giao cho biết đang xác định lại người nào đã truy cập vào mạng lưới, cơ sở dữ liệu của mình và sẽ đưa ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn.

Người dân xem thông tin về vụ WikiLeaks tiết lộ thông tin trên báo chi tại Washington (Ảnh: Reuters)

Ngày 30-11, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách thúc giục Mỹ “dàn xếp ổn thỏa những vấn đề có liên quan”.

Về phía Nga, nước này cho rằng, những tiết lộ đó không đáng để quan tâm. Ngày 29-11, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, Natalia Timakova phát biểu: “Không có gì thú vị và không đáng để bình luận.”

Trong khi đó, Ecuador đã mời ông Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks, đến định cư “vô điều kiện”. Thứ trưởng Ngoại giao Ecuador, Kintto Lucas đã ngợi khen những người như ông Assange là “những người đang điều tra không ngừng nghỉ và đưa ra ánh sáng những góc khuất của thông tin”.

Website WikiLeaks bị tấn công dữ dội



Sáng ngày 30-11, WikiLeaks cho biết website này đang bị một cuộc tấn công dữ dội trên mạng Internet, làm cho người dùng không thể truy cập được trong nhiều giờ tại châu Âu và Mỹ.

Trang này dường như đã hồi phục sau vụ tấn công nhờ sự giúp đỡ của hãng Amazon.com, một công ty cho thuê máy chủ tại Mỹ. Trưa ngày thứ ba, 30-11, luồng thông tin đến trang mạng này đã được Amazon điều hành.

Quang Hiển (Theo Reuters, BBC, AP)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét