Time: 10 sự kiện nổi bật thế giới năm 2010


(ĐNĐT) – Động đất tại Hahiti, quả bom nhiệt hạch WikiLeaks, căng thẳng bán đảo Triều Tiên, World Cup Nam Phi… là những sự kiện quốc tế nổi bật nhất trong năm 2010 theo bình chọn của tạp chí Time.

1. Động đất tại Haiti

su kien 1 copy.jpg

Trận động đất ngày 12-1 làm rung chuyển thủ đô Port-au-Prince của Haiti có thể chưa phải là trận động đất lớn nhất trong lịch sử cận đại, nhưng nó được xem là một trong những thảm họa kinh hoàng nhất.

Trong vòng vài giờ, hàng triệu người đã mất nhà cửa. Những tòa nhà trong thành phố và khu vực lân cận đã trở thành những đống đổ nát. Khoảng 230.000 người đã chết, hàng trăm nghìn người bị thương. Cộng đồng quốc tế đã phản ứng một cách nhanh chóng, hàng chục quốc gia đã đưa các nhóm cứu hộ và nhân viên quân đội đến hỗ trợ ổn định tình hình.

Tuy nhiên, sự tàn phá đã ảnh hưởng nặng nề đến quốc gia nghèo nhất vùng Tây Bán cầu này. Hàng chục nghìn người vẫn đang trú trong các thành phố lều. Đã xảy ra nhiều vụ hãm hiếp và một đại dịch tả tấn công, làm chết hơn 300 người, dẫn đến việc kêu gọi cứu trợ quốc tế.

2. WikiLeaks



 

WikiLeaks, một tổ chức tìm kiếm và xuất bản những dữ liệu nhạy cảm hoặc các bí mật của chính phủ. Trang tin này đã thả hai quả bom lớn bằng việc tiết lộ 77.000 tài liệu của quân đội Mỹ trong cuộc chiến Afghanistan và hơn 400.000 nhật ký chiến trường từ Iraq vào tháng 10.

Vào tháng 11, trang web này lại cho nổ quả bom nhiệt hạch khi tiết lộ hơn 200.000 bức điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ làm đau đầu Nhà Trắng và buộc Washington phải tiến hành một cuộc điều tra tội phạm đối với Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks.Vụ việc gây phản ứng nhiều chiều trong giới lãnh đạo cũng như cộng đồng mạng của nhiều nước trên thế giới.

3. Giải cứu 33 thợ mỏ Chile

Vào ngày 5-8, 33 thợ mỏ tại mỏ đồng San Jose ở sa mạc Atacama bị vùi lấp ở độ sâu hơn 700 mét dưới lòng đất. 69 ngày, kéo theo một thảm kịch gây sự xúc động sâu rộng trên toàn cầu. Sau một đêm, toàn bộ các thợ mỏ bỗng chốc trở thành những anh hùng, hình ảnh của họ xuất hiện trên hầu hết các tờ báo toàn cầu.

Hình ảnh về cuộc giải cứu, khoang cứu hộ, và cuộc sống riêng tư của họ đã được truyền hình trực tiếp một cách ấn tượng, còn hơn cả phim ảnh khi mỗi con người dũng cảm đi lên từ trong lòng đất đến trong vòng tay đẫm nước mắt của các thành viên gia đình và Tổng thống Chile.

4. Lũ lụt ở Pakistan

su kien 4 copy.jpg

Những trận mưa mùa vào tháng 7 đã gây ra một nạn lụt chưa từng có trong lịch sử Pakistan. Gần 1/5 đất nước chìm trong nước. Khoảng 20 triệu người Pakistan mất nhà cửa do nước sông dâng cao, 2.000 người chết và khoảng 10 triệu gia súc bị chết hoặc cuốn trôi. Thiệt hại về kinh tế khoảng 43 tỷ USD. Đây là một đòn giáng mạnh vào đất nước Pakistan vốn chịu nhiều mất mát của chiến tranh.

5. Vụ đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc



su kien 5 copy.jpg

Vụ việc bắt đầu vào tháng 3 khi tàu Cheonan, một tàu chiến của Hải quân Hàn Quốc bị chìm tại vùng biển tranh chấp giữa hai miền Triều Tiên, làm chết 46 thủy thủ. Một cuộc điều tra của quân đội Hàn Quốc tiến hành cho thấy chiếc tàu đã bị ngư lôi Triều Tiên đánh đắm. Vụ việc làm cho tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng.

Sau đó, vào ngày 23-11, Triều Tiên lại nã pháo lên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc làm chết 4 người, trong đó có hai lính hải quân và 2 dân thường, làm cho tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng hơn bao giờ hết.

6. World Cup Nam Phi



su kien 6 copy.jpg

Trong nhiều tháng trước khi diễn ra World Cup tại Nam Phi, báo giới quốc tế nghi ngờ khả năng tổ chức một sự kiện nổi tiếng nhất hành tinh của nước chủ nhà.

Đây là World Cup đầu tiên được tổ chức tại lục địa đen và vì vậy, đã có rất nhiều quan ngại: Liệu các sân vận động mới có được hoàn thành kịp thời gian? Liệu cơ sở hạ tầng có đủ để hàng vạn người hâm mộ trên thế giới đổ về Nam Phi? Liệu các biện pháp an ninh có đảm bảo trong một quốc gia nổi tiếng là tội phạm?

Trong 4 tuần diễn ra World Cup, Nam Phi là một cảnh tượng thành công nhất của những mùa World Cup gần đây, với những đám đông cuồng nhiệt, đặc biệt, trận đấu giữa đội Ghana với Tây Ban Nha và tiếng kèn vuvuzela gây tranh cãi trên toàn cầu.

7. Yemen: Mặt trận chống khủng bố mới



 

Vào hôm Giáng sinh năm 2009, một nghi phạm khủng bố đã thất bại trong vụ đánh bom trên chuyến bay đến Detroit. Và vụ đó đã nhắc nhở cộng đồng quốc tế về một Yemen, một quốc gia nghèo nhất và chia rẽ nhất thế giới đang trở nên nổi tiếng về chứa chấp các phiến quân ly khai. Một kẻ đánh bom đã được huấn luyện tại nước này. Kể từ đó, thế giới đã biết về một mối đe dọa đang ngày càng lớn của chi nhánh al Qaeda Yemen.

8. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Châu Âu

Đối với châu Âu, có lẽ đó là mùa hè của sự tức giận. Do ảnh hưởng của cuộc Đại suy thoái, một nước  thuộc nền kinh tế châu Âu đã áp dụng biện pháp thắt lưng buộc bụng. Khi Hy Lạp sắp rơi vào phá sản vào tháng 5, hàng chục nghìn người đã biểu tình tại thủ đô Athens và các thành phố khác để phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu công. Nhiều người cảm thấy họ đang bị trừng phạt vì các lỗi lầm của các chính trị gia.



 

Trên khắp châu Âu, người ta có cảm giác rằng các chính sách xã hội lâu dài được tạo ra sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đang bị đe dọa: trong nhiều tuần tại Pháp, các thành phố và thị trấn đã bị phong tỏa bởi các cuộc đình công khi những thanh niên và người tham gia biểu tình chống các kế hoạch kéo dài tuổi nghỉ hưu thêm hai năm.

Vào tháng 10, chính phủ mới do Đảng Bảo thủ của Anh lãnh đạo đã tuyên bố cắt giảm ngân sách 128 tỷ USD, cắt giảm phúc lợi của quân đội làm dấy lên một sự phẫn nộ của công chúng.

9. Cuộc chiến chống ma túy ở Mexico



 

Cuộc chiến của Mexico chống lại các tập đoàn ma túy đã chuyển sang giai đoạn khủng khiếp nhất vào năm 2010. Các thành phố dọc theo biên giới đã bị cuốn vào tình trạng bạo lực trong các cuộc thanh trừng các đầu sỏ ma túy.

Vào tháng 9, đã có khoảng 400 cảnh sát hối lộ bị sa thải. Tổng thống Felipe Calderon đã có một số thắng lợi trong cuộc chiến chống lại các tập đoàn ma túy.

Tuy nhiên, những tin tốt lành còn lâu mới so được với các tin tức đều đặn báo cáo về các vụ bắt cóc, sát hại tập thể và xử tử vào ban đêm. Hơn 3.000 người đã bị giết chỉ trong năm nay.

10. Cuộc biểu tình của những người Áo Đỏ Thái Lan

Vào tháng 4 và tháng 5, hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ đánh chiếm trung tâm thương mại Bangkok, thủ đô Thái Lan. Những người Áo Đỏ đã tìm cách hạ bệ chính phủ mà họ cho là kém dân chủ.



 

Sau những cuộc tuần hành liên tục nhằm chứng tỏ một sự không khoan nhượng đối với chính phủ, tình hình đã trở nên bạo lực. Các đường phố ở thủ đô Bangkok đã trở thành chiến trường giữa quân đội của chính phủ và những người biểu tình. Cuộc trấn áp mạnh mẽ của Chính phủ đã dẫn đến cái chết của 91 người và hơn 1.800 người bị thương.

Vào tháng 11, hàng ngàn người Áo Đỏ lại tuần hành ở Bangkok để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong đợt biểu tình đó. Người ta lo rằng, trong tương lai sẽ còn tiếp tục diễn ra biểu tình và các hành động khác nữa.

ĐNĐT

.


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét