Tham nhũng, Cựu Phó Thị trưởng Hàng Châu bị tuyên án tử hình


Ngày 12-5-2011, Toà án Nhân dân Thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã tuyên án tử hình nguyên Phó Thị trưởng TP Hàng Châu Hứa Mại Vĩnh do tội nhận hối lộ, tham ô, lạm dụng chức quyền.

Hứa Mại Vĩnh. Ảnh Internet

Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 5/1995 – tháng 4/2009, Hứa Mại Vĩnh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình (như Phó Thị trưởng Tiêu Sơn, Khu trưởng Khu Tây Hồ, Hàng Châu, Phó Thị trưởng Hàng Châu) để thu lợi bất chính thông qua việc giành quyền sử dụng đất của các đơn vị và cá nhân liên quan; hưởng các chính sách ưu đãi về thuế; chuyển nhượng dự án, nhận thầu công trình; quyết toán sai lệch các khoản công trình, đề bạt cán bộ và sử dụng người thân, với số tiền nhận hối lộ và tham ô lên tổng cộng lên tới 145 triệu Nhân dân tệ; lợi dụng chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty hữu hạn thực nghiệp Kim Cảng Hàng Châu để chiếm đoạt tài sản nhà nước tổng cộng 53 triệu Nhân dân tệ.

Trong thời gian là Khu trưởng Khu Tây Hồ thành phố Hàng Châu, Hứa Mại Vĩnh còn lạm dụng chức quyền, chuyển nhượng đất sai mục đích nhằm hưởng lợi hơn 71 triệu NDT.

Ngoài bị tử hình, toàn bộ tài sản của Hứa Vĩnh Mại bị tịch thu. Trước đó, ngày 9/5, nguyên Thị trưởng TP Thâm Quyến Hứa Tông Hoành cũng bị tuyên án tử hình vì tham nhũng.

Nguyễn Chiến

Theo: http://nguyentandung.org/the-gioi/tham-nhung-cuu-pho-thi-truong-hang-chau-bi-tuyen-an-tu-hinh.html


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Cienco 5 tặng 480 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó


Tiếp nối chương trình “Cienco 5 cùng bạn đến trường”, ngày 7-5, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5), Công ty CP Xây dựng công trình 545 (đơn vị thành viên) đã phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức trao 480 suất quà, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng cho các học sinh nghèo vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến (thứ 2 từ trái sang) và ông Thân Đức Nam, Tổng Giám đốc Cienco 5 trao quà cho các học sinh.

Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đã đánh giá cao những đóng góp của tập thể cán bộ, công nhân Cienco 5 về những nghĩa cử cao đẹp đã dành cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, góp phần thực hiện thành công các chương trình an sinh xã hội của thành phố.

Tin và ảnh: ĐỨC THỊNH

(Theo www.nguyenbathanh.com)

An toàn vệ sinh lao động: Thanh tra nhiều, vi phạm không giảm


Nhân tháng An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ năm 2011 (từ ngày 1-3 đến 15-4), Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đã thanh tra 19 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật lao động…

Lỗi sai phạm: “vũ như cẩn”!
Trong 19 doanh nghiệp mà đoàn thanh tra đợt này, có 16 đơn vị là công ty cổ phần, 2 công ty TNHH và 1 hợp tác xã. Tổng số lao động đến thời điểm kiểm tra có trên 2 ngàn người, trong đó có gần 500 lao động nữ, chiếm 22% trên tổng số.
Theo cán bộ thanh tra trong đoàn, những lỗi vi phạm năm nay vẫn là những lỗi mà hầu hết các doanh nghiệp đã mắc phải trong những lần kiểm tra trước. Chẳng hạn: Có 8 đơn vị chưa xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc đã xây dựng nhưng chưa đăng ký theo quy định; 5 đơn vị chưa xây dựng và đăng ký thang, bảng lương theo quy định là: Công ty CP XL Bưu điện miền Trung, Công ty CP Xây dựng miền Trung, Nhà máy sản xuất thép Tấn Quốc, Công ty CP XL và CN tàu thủy miền Trung, Công ty CP XD Sông Hồng Đà Nẵng. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến những vi phạm trong việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ tranh chấp, đình công trong những năm gần đây do không bảo đảm quyền lợi, thu nhập cho người lao động như thỏa thuận.

Công ty TNHH Daiwa Việt Nam là một trong những đơn vị thực hiện tốt chính sách BHXH cho người lao động.

Hầu hết các doanh nghiệp được thanh tra lần này không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng chưa đúng về công tác an toàn vệ sinh lao động. Đã có 12 doanh nghiệp không thực hiện báo cáo định kỳ về bảo hộ lao động và tai nạn lao động theo quy định; 8 doanh nghiệp chưa xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động; 9 đơn vị chưa thành lập hội đồng bảo hộ lao động, 11 doanh nghiệp chưa thực hiện công tác  huấn luyện định kỳ cho lao động đang làm việc… Đặc biệt, trong khi thanh tra, đoàn đã phát hiện 9 thiết bị cần có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn của 4 đơn vị: Công ty TNHH SX&TM Hải Vy, Nhà máy Sản xuất thép Tấn Quốc, Công ty CP Muối và thương mại miền Trung; Công ty CP Dinco nhưng chưa được đăng ký và kiểm định. Bên cạnh đó, còn có 13 đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại. 4 doanh nghiệp là Công ty CP XD giao thông 325, Công ty CP XD miền Trung, Công ty CP Công nghệ Tâm Hợp nhất và Công ty CP Cơ khí XD công trình 623 tại Đà Nẵng đã chưa cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, 10 đơn vị khác chưa thực hiện khám sức khỏe định kỳ và lưu hồ sơ cho lao động, 15 đơn vị không có cán bộ y tế doanh nghiệp…

Xử lý và tái phạm?
Qua đợt thanh tra này, đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp. Trong đó có 2 đơn vị là Công ty CP Dinco và HTX Sản xuất sắt Thanh Tín bị xử phạt về hành vi vi phạm pháp luật lao động với số tiền 15 triệu đồng; 3 đơn vị khác là Công ty CP XD Sông Hồng Đà Nẵng, Công ty CP XD Bưu điện miền Trung và Công ty CP cơ khí XD công trình 623 tại Đà Nẵng số tiền gần 10 triệu đồng… Ngoài ra, đoàn cũng đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định cũng như áp dụng pháp luật lao động trong các trường hợp cụ thể về lao động, tiền lương, BHXH, công tác an toàn lao động…
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết: “Năm nào Sở cũng tổ chức 2-3 cuộc thanh tra về việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, riêng công tác kiểm tra luôn là công việc thường xuyên. Trong lần thanh tra này, có 1.577 lao động được đóng BHXH (chiếm tỷ lệ cao 99,8%). Đây là con số đáng mừng. Tuy nhiên, các đơn vị cũng vẫn mắc phải những lỗi vi phạm như những lần trước. Hầu hết các doanh nghiệp đều sai sót trong ghi hợp đồng lao động, ảnh hưởng quyền lợi của người lao động. Nhiều tổ chức Công đoàn chưa bảo vệ được quyền lợi cho người lao động”. Như vậy, “đến hẹn lại lên” các đợt thanh, kiểm tra hằng năm không ít nhưng các hành vi vi phạm pháp luật lao động vẫn còn nhiều, quyền lợi của người lao động không được bảo đảm. Đó là bởi chế tài chưa đủ mạnh, mức phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các đơn vị.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Ứng cử viên đại biểu HĐND Nguyễn Bá Thanh tiếp xúc cử tri


Sáng ngày 10-5, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) với các ứng cử viên (ƯCV) đại biểu HĐND thành phố khóa VIII (đơn vị bầu cử số 1) gồm các ông, bà: Lê Văn Hiểu, Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Út và Ngô Thị Kim Yến. Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Quận ủy Hải Châu cùng đông đảo cử tri tại địa phương.

Cử tri phường Hòa Cường Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thành

Tại hội nghị, sau khi nghe giới thiệu tóm tắt tiểu sử và chương trình hành động của các ƯCV, cử tri phường Hòa Cường Nam đã phát biểu đề cập những vấn đề các ƯCV cần quan tâm nếu trúng cử đại biểu HĐND thành phố khóa VIII. Theo đó, cần tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn phường, có giải pháp mạnh mẽ hơn trong xử lý các lô đất trống gây ô nhiễm; có chính sách chăm sóc tốt hơn sức khỏe của nhân dân; bảo đảm chế độ chăm sóc người cao tuổi; dành quỹ đất xây dựng các công trình phục vụ dân sinh trên địa bàn dân cư; có giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông; quan tâm hơn nữa đến đời sống những hộ nghèo, người làm công ăn lương, người hưu trí và cán bộ xã, phường có thu nhập thấp trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội; chăm lo sự nghiệp giáo dục trên địa bàn phường… (N.Thành)

* Sáng 10-5, tại Hội trường UBND phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu) đã diễn ra buổi tiếp xúc giữa cử tri phường Hòa Thuận Đông với các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII thuộc đơn vị bầu cử số 2, gồm các ông, bà: Trần Văn Minh, Huỳnh Nghĩa, Hoàng Giang Yên Thủy, Nguyễn Thị Bé Minh, Hồ Thị Tuyết Anh đã có buổi tiếp xúc cử tri phường Hòa Thuận Đông.

Sau khi nghe giới thiệu tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động của các ứng cử viên (ƯCV), cử tri phường Hòa Thuận Đông đã tham gia đóng góp ý kiến thẳng thắn và gửi gắm tâm tư nguyện vọng vào những ƯCV nếu trúng cử làm đại biểu HĐND thành phố khóa VIII. Các ý kiến của cử tri tập trung vào những nội dung chính như việc xây dựng nhà văn hóa phường Hòa Thuận Đông trì trệ suốt 4 năm qua; phường không có khu vui chơi giải trí cho trẻ em; Trường THPT Phan Thành Tài giải tỏa đã lâu nhưng một bên đường chưa có vỉa hè, cống thoát nước; phường chưa có trạm dân phòng; cần rà soát lại danh sách hộ nghèo để tránh tình trạng người thoát nghèo vẫn còn nằm trong danh sách; đường Hoàng Diệu nối dài bị lấn chiếm lòng, lề đường đã lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết.

* Chiều cùng ngày, tại phường Bình Hiên, các ƯCV thuộc đơn vị bầu cử số 2 gồm các ông, bà: Trần Văn Minh, Huỳnh Nghĩa, Hồ Thị Tuyết Anh, Hoàng Giang Uyên Thủy, Nguyễn Thị Bé Minh đã có buổi tiếp xúc cử tri phường Bình Hiên. Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã phát biểu những ý kiến tâm huyết, phản ánh một số bức xúc của bà con ở địa phương như: giải quyết nạn ngập nước trong các kiệt hẻm đường Hoàng Diệu mỗi khi mùa mưa đến; việc Bến xe trung tâm thành phố vẫn cho thu phí gửi xe, đi ngược lại với chủ trương của thành phố.

Thay mặt các ƯCV, ông Trần Văn Minh ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp chân thành và thẳng thắn của cử tri. Đồng thời khẳng định, đại biểu HĐND là người đại diện cho dân, bảo vệ quyền lợi cho dân, cần “Hứa ít làm nhiều, hơn hứa nhiều làm ít, và hứa với cử tri nếu trúng cử sẽ hoàn thành nhiệm vụ của một đại biểu mà nhân dân tin tưởng bầu chọn. (Khánh Hòa)

* Sáng ngày 10-5, ƯCV đại biểu HĐND thành phố khóa VIII thuộc Đơn vị bầu cử số 11 gồm các ông, bà: Võ Văn Đáng, Phan Thị Tuyết Nhung, Nguyễn Nho Trung, Trần Thọ, Hồ Tân (TT Thích Thiện Nguyện), Hà Đồng Thông tiếp xúc với cử tri phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn để vận động bầu cử.

Nội dung dự kiến chương trình hành động của các ƯCV tập trung tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố nói chung, quận Ngũ Hành Sơn nói riêng, trong đó có phường Hòa Hải. Các ƯCV đều quan tâm đến việc giải quyết những vấn đề hậu giải tỏa mà cử tri rất quan tâm là hoạch định chính sách đền bù, bố trí tái định cư hợp lý, giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề. ƯCV Trần Thọ khẳng định nếu được bầu làm đại biểu HĐND thành phố khóa VIII sẽ tập trung vấn đề phát triển hạ tầng đô thị, trong đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn để tạo đà phát triển kinh tế- xã hội; đồng thời tiếp tục hoàn thiện chính sách an dân đối với nhân dân vùng giải tỏa. Tập trung giải quyết những vấn đề cử tri bức xúc như chỗ ở, giải quyết việc làm, ô nhiễm môi trường. Chương trình hành động của các ƯCV đều đề cập đến việc giám sát thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật trên địa bàn. Trên cơ sở lắng nghe, tìm hiểu nguyện vọng của cử tri để tham gia hoạch định chính sách phát triển của thành phố. Làm sao để các chính sách xuất phát từ nguyện vọng của cử tri chứ không chỉ nằm trên nghị quyết mà không đi vào cuộc sống.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá cao nội dung dự kiến chương trình hành động của các ƯCV. Cử tri đề nghị các ƯCV sau khi trúng cử phải giữ đúng lời hứa và thực hiện đến nơi đến chốn. Cử tri yêu cầu những người trúng cử phải giám sát tiến độ triển khai các dự án phát triển kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn quận, phường và kiến nghị xóa quy hoạch treo ở những dự án chậm triển khai quá 3 năm để không làm ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của nhân dân. Tham gia vào việc hoạch định các chính sách giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh sau giải tỏa phải tốt hơn, hiệu quả hơn và làm an lòng dân; đồng thời thực hiện chính sách an sinh xã hội nhằm bảo đảm đời sống cho người nghèo, gia đình chính sách, người có thu nhập thấp.

* Chiều ngày 10-5, các ƯCV thuộc Đơn vị bầu cử số 1 gồm các ông, bà: Lê Văn Hiểu, Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Út, Ngô Thị Kim Yến tiếp xúc cử tri phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã bày tỏ đồng tình với nội dung dự kiến chương trình hành động của các ƯCV. Cử tri đề nghị người trúng cử quan tâm tham gia điều chỉnh chính sách đền bù giải tỏa hợp lý, bảo đảm quyền lợi của người dân. Hiện tại trên địa bàn phường Hòa Cường Bắc có gần 1.400 trẻ em trong độ tuổi mầm non nhưng chỉ có một trường mầm non không đủ để thu nhận hết trẻ trong độ tuổi. Cử tri đề nghị những người trúng cử có tiếng nói kiến nghị để thành phố đầu tư cơ sở vật chất giảm tải cho học sinh mầm non và tạo điều kiện cho trẻ học mầm non trên địa bàn phường. Cử tri đề nghị những người trúng cử đại biểu HĐND thành phố khóa VIII phải góp phần tăng hiệu lực giám sát, kiểm soát giá cả những mặt hàng tiêu dùng tăng giá một cách vô lý. Cử tri phản ánh nhiều khu dân cư mới dân đã ở lâu nhưng hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là rất thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng. Một số tuyến đường bê-tông nội bộ làm dở dang rồi dừng lại gây khó khăn cho người dân trong sinh hoạt. Trên địa bàn vẫn còn nhiều lô đất bỏ hoang gây ô nhiễm môi trường.

Thay mặt các ƯCV, ông Nguyễn Bá Thanh (Bí thư Thành ủy) trao đổi lại những vấn đề cử tri quan tâm. Những vấn đề tại địa phương cử tri đang bức xúc thuộc trách nhiệm của cấp nào thì cấp đó giải quyết, lãnh đạo thành phố yêu cầu xử lý và giám sát giải quyết những bức xúc cử tri nêu. (S.Trung)

* Sáng 10-5, tại UBND phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII thuộc đơn vị bầu cử số 3 gồm các ông, bà: Văn Hữu Chiến, Mai Đức Lộc, Nguyễn Thị Nguyệt, Hoàng Thị Hồng Nhạn, Kiều Văn Toàn, Võ Thành Nhân đã tiếp xúc cử tri phường Hải Châu 1 để vận động bầu cử và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Sau phần tóm tắt tiểu sử, các ửng cử viên đã trình bày chương trình hành động của mình. Theo đó, các ứng cử viên mong muốn sẽ nỗ lực hết mình hoàn thành tốt vai trò của người đại biểu của dân, nghiên cứu, giám sát nhằm xây dựng phát triển thành phố, nâng cao đời sống nhân dân. Hầu hết cử tri đều mong các ứng cử viên nếu trúng cử phải giữ đúng lời hứa, đặc biệt là mạnh dạn chống tham nhũng, lãng phí. Cử tri Trần Xuân Tính, tổ 9, nói: “Tôi mong các đại biểu trúng cử cần tập trung vào việc kêu gọi đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đặc biệt là sinh viên mới ra trường, tránh lãng phí chất xám”. Nhiều cử tri còn đề nghị những người trúng cử phải đóng góp ý kiến cho HĐND thành phố nhằm giải quyết những vấn đề còn bức xúc như trật tự vỉa hè, văn minh đô thị, an sinh xã hội…

* Cùng thời gian, tại phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố thuộc đơn vị bầu cử số 5  gồm các ông, bà: Nguyễn Quốc Bình, Trần Văn Hấn, Lê Tiến Hưng, Phan Thị Thúy Linh, Trần Văn Lĩnh đã tiếp xúc cử tri phường Tam Thuận để vận động bầu cử.

Sau khi nghe các ứng cử viên trình bày dự kiến chương trình hành động, cử tri đã phát biểu mong những người trúng cử đại biểu HĐND thành phố cần tập trung vào các vấn đề như: Trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường… Đại biểu Trần Tễ, tổ 33, phường Tam Thuận, đại diện cho cử tri nói lên nguyện vọng: “Những người đại biểu HĐND phải phản ánh được những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân, đặc biệt là tình hình các loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng, an toàn giao thông chưa bảo đảm…”.

* Chiều ngày 10-5, tại phường Hải Châu 2, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố thuộc đơn vị bầu cử số 3 gồm các ông, bà: Văn Hữu Chiến, Mai Đức Lộc, Nguyễn Thị Nguyệt, Hoàng Thị Hồng Nhạn, Kiều Văn Toàn, Võ Thành Nhân đã tiếp xúc cử tri phường Hải Châu 2.. Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã bày tỏ sự đồng tình với các chương trình hành động của các ứng cử viên và mong muốn các ứng cử viên sau khi trúng cử tập trung phản ánh được những vấn đề gắn với quyền lợi của người dân như: Vấn đề nhà ở xã hội, những chế độ chính sách đối với người có công cách mạng. Cử tri Hoàng Đình Nhân, tổ 11 nói: “Các ứng cử viên nếu trúng cử HĐND thành phố cần góp ý về vấn đề đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, chú ý đến tinh thần, thái độ công tác của cán bộ thực thi nhiệm vụ hành chính đối với dân, giúp các trẻ em nghèo hiếu học…”.

* Chiều ngày 10-5, tại phường Tân Chính, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố thuộc đơn vị bầu cử số 5 gồm các ông, bà: Nguyễn Quốc Bình, Trần Văn Hấn, Lê Tiến Hưng, Phan Thị Thúy Linh, Trần Văn Lĩnh đã có buổi tiếp xúc cử tri. Tại buổi tiếp xúc, cử tri mong muốn các ứng cử viên nếu trúng cử đại biểu HĐND thành phố cần phải gần dân hơn nữa để lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Các cử tri cũng mong các vị trúng cử phải nói lên được những vấn đề “nóng” như: Việc làm, ô nhiễm môi trường, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là vấn đề chống tham những phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn, bảo vệ tài nguyên rừng, khoáng sản… (Phương Trà)

* Sáng ngày 10-5, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII (đơn vị bầu cử số 14) gồm các ông: Trần Đình Hồng, Đặng Công Thắng, Nguyễn Kim Dũng, Dương Hiển Tuấn, Lê Thị Nam Phương, Cao Thị Huyền Trân đã có buổi tiếp xúc cử tri xã Hòa Tiến (Hòa Vang). Các ứng cử viên đã trình bày trước đông đảo cử tri chương trình hành động của mình, trong đó tập trung vào những nội dung mà cử tri quan tâm như phòng chống tham nhũng, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm cho nông dân… đồng thời hứa nếu trúng cử sẽ nỗ lực thực hiện chương trình hành động của mình, góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.

Cử tri xã Hòa Tiến đồng tình, ghi nhận và đặt niềm tin đối với các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố và chương trình hành động họ đã trình bày, đồng thời yêu cầu các ứng cử viên giữ đúng lời hứa, đưa chương trình hành động của mỗi đại biểu đi vào thực tế cuộc sống khi trúng cử. (N.C)

* Sáng ngày 10-5, tại UBND phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII (đơn vị bầu cử số 13) gồm các ông Võ Văn Thương, Nguyễn Đức Trị, Nguyễn Thiện Hùng, Lê Thị Như Hồng và Huỳnh Văn Tân có buổi tiếp xúc cử tri phường Hòa Thọ Đông.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri hoan nghênh dự kiến chương trình hành động của các ứng cử viên liên quan đến công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, bảo vệ an ninh – quốc phòng trên địa bàn thành phố. Các cử tri bày tỏ mong muốn các ứng cử viên sau khi trúng cử làm tốt nhiệm vụ đại biểu nhân dân, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, gần dân để thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ theo luật định. Các cử tri đã đóng góp nhiều ý kiến về các vấn đề như quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng, xây dựng chính quyền, vệ sinh môi trường… Trước mắt, cần tập trung giám sát các lĩnh vực như cải thiện hạ tầng đô thị, ô nhiễm môi trường, sử dụng nước sạch, nạn xe ben xe tải phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn giao thông, giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo… (Thành Lân)

* Ngày 10-5, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII thuộc đơn vị bầu cử số 7 gồm các ông, bà: Thái Thanh Hùng, Viên Đình Tâm, Lê Kim Hùng, Trương Bá Thanh, Lương Nguyệt Thu đã tiếp xúc cử tri hai phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Tại các buổi tiếp xúc, các ứng cử viên đã lần lượt trình bày chương trình hành động và đưa ra những cam kết nếu trúng cử sẽ tập trung vào các vấn đề mà cử tri quan tâm như giải pháp xóa đói, giảm nghèo, chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho người dân của hai phường.

Tại cuộc tiếp xúc, bà Dương Thị Sách, 84 tuổi (tổ 45 – phường Hòa Minh) mong muốn “Các đại biểu HĐND thành phố ngoài cái Đức, các Tài còn phải có cái Tâm để phục vụ ngày càng tốt hơn cho nhân dân”. Về tình hình thực tế tại địa phương, nhiều cử tri đã nêu ra những tồn tại, vướng mắc như một số khu dân cư không có chợ hoặc chợ xuống cấp, không có nhà sinh hoạt cộng đồng… Ngoài ra, cử tri hai phường còn kiến nghị những chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp; giải quyết chỗ ở cho công nhân và sinh viên.

* Cùng ngày, tại Hội trường UBND phường Hòa Khánh Bắc và phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu cũng đã diễn ra các buổi tiếp xúc cử tri của hai phường với các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII thuộc đơn vị bầu cử số 8 gồm các ông, bà: Tạ Tự Bình, Lê Văn Long, Đặng Thị Kim Liên, Hồ Kỳ Minh, Đỗ Thị Hoa Mỹ, Phạm Văn Sử.

Trong chương trình hành động của mình, các ƯCV đều bày tỏ sẽ nỗ lực thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; tham gia góp ý kiến để xây dựng thành phố nói chung, phường Hòa Khánh Bắc và Hòa Hiệp Nam nói riêng ngày càng giàu đẹp; đề xuất, góp ý kiến giải quyết những vấn đề bức xúc của cử tri… gắn với từng lĩnh vực chuyên môn của mình.

Các cử tri bày tỏ mong muốn các ƯCV giữ đúng lời hứa, tránh tình trạng “nói hay cày dở”, dành nhiều thời gian tiếp xúc để lắng nghe nguyện vọng của đông đảo cử tri. (Văn Nở – Thanh Tân)

* Chiều cùng ngày, các ƯCV: Võ Văn Đáng, Phan Thị Tuyết Nhung, Hồ Tân (TT Thích Thiện Nguyện), Trần Thọ, Hà Đồng Thông, Nguyễn Nho Trung đã có buổi tiếp xúc cử tri phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn.

Các ý kiến cử tri phát biểu cho rằng chương trình hành động của các ƯCV đã thể hiện sự quyết tâm cao trong việc triển khai các giải pháp nâng cao đời sống nhân dân; đổi mới trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Cử tri cũng đề xuất nhiều vấn đề để ƯCV quan tâm đưa vào chương trình hành động khi trúng cử đại biểu HĐND thành phố; đó là tăng cường giải quyết dự án quy hoạch “treo”; phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố và quận; giải quyết việc làm cho người dân; giám sát, xử lý cán bộ gây nhũng nhiễu, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân một cách quyết liệt và đúng pháp luật; tăng cường giải pháp đối nội, đối ngoại, bảo đảm an ninh-quốc phòng tại địa phương… (N.Thành)

* Chiều ngày 10-5, tại UBND xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII  gồm các ông, bà: Nguyễn Kim Dũng, Trần Đình Hồng, Đặng Công Thắng, Dương Hiển Tuấn, Lê Thị Nam Phương, Cao Thị Huyền Trân đã có buổi tiếp xúc với gần 200 cử tri xã Hòa Phước.

Sau khi nghe các ứng cử viên trình bày chương trình hành động, các cử tri đã có nhiều ý kiến về việc giải quyết đất đai, ô nhiễm môi trường, giải tỏa đền bù, đặc biệt chú trọng đến việc giải quyết nhanh thủ tục hành chính, trả lời chính xác các quy định về quản lý đất đai, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, quan tâm hơn đến việc đào tạo nghề cho nông dân, nâng cấp nhà ở cho các gia đình chính sách, xóa nhà tạm cho các hộ nghèo, mong muốn được thành phố quan tâm hơn nữa, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con…

Cử tri phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thanh Tình

Các ứng cử viên cho biết nếu trúng cử sẽ phấn đấu làm tốt chức năng giám sát của người đại biểu HĐND, tích cực sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri, là cầu nối cử tri đến với các cấp có thẩm quyền thành phố. (Thanh Tình)

* Chiều ngày 10-5, tại UBND phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII (đơn vị bầu cử số 13) gồm các ông, bà: Võ Văn Thương, Nguyễn Đức Trị, Nguyễn Thiện Hùng, Huỳnh Văn Tân, Lê Thị Như Hồng đã có buổi tiếp xúc với cử tri. Sau khi nghe các ứng cử viên giới thiệu chương trình hành động, cử tri phường Hòa Thọ Tây đã phát biểu mong muốn sau khi trúng cử, các đại biểu HĐND thành phố cần tiếp tục quan tâm về vấn đề an sinh xã hội, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục-thể thao, cải cách thủ tục trong lĩnh vực tư pháp- hộ tịch; giảm thiểu tai nạn giao thông… Về đầu tư phát triển kinh tế, thành phố cần quan tâm đầu tư và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường. Đối với công tác quản lý đất đai, quản lý đô thị, cần sớm triển khai các dự án quy hoạch bởi hiện nhiều dự án quy hoạch kéo dài ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.  (TRIỆU TÙNG)

* Ngày 10-5, ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII thuộc đơn vị bầu cử số 4 gồm các ông, bà: Nguyễn Thị Anh Đào, Văn Công Hân, Trần Văn Huy, Tô Năm và Nguyễn Hoàng Sơn đã có buổi tiếp xúc cử tri của 2 phường Thạc Gián và Vĩnh Trung (quận Thanh Khê).

Tại cuộc tiếp xúc, các ứng cử viên đã trình bày chương trình hành động của mình nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND thành phố và hầu hết đều bày tỏ những nỗ lực của mình trong việc thực hiện tốt vai trò của người đại biểu nhân dân đúng với quy định của pháp luật, góp phần xây dựng quận Thanh Khê phát triển tích cực về an ninh-chính trị và các mặt kinh tế-xã hội. Trong đó, quan tâm đặc biệt đến các vấn đề dân sinh như môi trường, nhà ở, việc làm, học tập… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cố gắng tích cực góp phần để Thanh Khê tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chính quyền điều hành, quản lý phục vụ nhân dân tốt hơn.

Đông đảo cử tri bày tỏ sự tin tưởng vào các chương trình hành động của từng ứng cử viên trong những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội. Một số cử tri cũng đã có những đóng góp thẳng thắn và mong muốn các ứng cử viên phải thực hiện được chương trình hành động của mình bằng những việc làm thiết thực. (N.AN)

* Ngày 10-5, tại UBND phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ,  các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII (đơn vị bầu cử số 12) gồm ông, bà: Ngô Tấn Cư, Đỗ Thị Kim Lĩnh, Nguyễn Thị Huyền, Đoàn Thị Bích Trinh đã tiếp xúc cử tri phường Khuê Trung. Các ứng cử viên đã trình bày chương trình hành động của mình, tập trung vào một số nội dung chính như: Sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, lắng nghe ý kiến của cử tri về các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, việc làm và bảo vệ môi trường để có những đề xuất, góp ý vào các chủ trương của thành phố. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến giải quyết việc làm, quy hoạch phát triển hạ tầng cơ sở, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em, bình đẳng giới…

Các ý kiến cử tri cho rằng Khuê Trung là phường có tốc độ phát triển nhanh, nhất là lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhưng chủ yếu là kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ, trình độ công nghệ còn lạc hậu, cơ sở hạ tầng còn đang trong giai đoạn xây dựng, chưa đồng bộ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Nguyện vọng của các cử tri là đề nghị nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là điện, nước và bảo vệ môi trường, hỗ trợ phát triển kinh tế cho hộ gia đình, doanh nghiệp…

* Chiều ngày 10-5, tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, các ứng cử viên Ngô Tấn Cư, Đỗ Thị Kim Lĩnh, Nguyễn Thị Huyền, Đoàn Thị Bích Trinh đã có buổi tiếp xúc với cử tri.

Các ý kiến cử tri cho rằng phường Hòa Xuân đi lên từ xã thuần nông nên có nhiều khó khăn, nhất là vấn đề việc làm cho người nông dân sau giải tỏa, cho phụ nữ và những người cao tuổi. Vì vậy, cử tri mong muốn nếu trúng cử, các ứng cử viên phải gần dân, nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để đề xuất, góp ý với lãnh đạo thành phố có những chủ trương đúng đắn, tạo thuận lợi cho cuộc sống nhân dân phát triển. Đông đảo cử tri mong muốn các Ban quản lý dự án phải đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình và hoàn thiện đồng bộ hạ tầng cơ sở, góp phần nhanh chóng ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Quy hoạch các chợ phải tính đến việc làm, cuộc sống của các tiểu thương, những hộ nghèo đang “sống nhờ” các chợ. Việc xây dựng các tuyến đường cần phải đồng bộ về điện chiếu sáng, nước sinh họat cho nhân dân… Các ứng cử viên nếu trúng cử cần phát huy hết vai trò của người đại biểu nhân dân, gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ảnh kịp thời với HĐND và lãnh đạo thành phố để có các chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. (Đức Thịnh)

* Chiều ngày 10-5, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII (đơn vị bầu cử số 15) gồm các ông, bà: Nguyễn Văn Sơn, Trần Hữu Do, Trương Phước Ánh, Vũ Hùng, Huỳnh Thị Cúc đã tiếp xúc cử tri xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang.

Các chương trình hành động được các ứng cử viên trình bày tại cuộc tiếp xúc thể hiện quyết tâm, trách nhiệm của mình nếu được bầu làm đại biểu HĐND thành phố. Các ứng cử viên đã hứa nếu trúng cử sẽ đi sâu đi sát công việc, gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời phản ánh, đề nghị HĐND thành phố, các ngành, các cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề  của dân.

Các cử tri xã Hòa Sơn đều nhất trí với chương trình hành động của các ứng cử viên và có những kiến nghị như lực lượng Công an thành phố cần tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường giao thông nối các xã Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Ninh nhằm bảo đảm an ninh trật tự; chăm lo nhiều hơn nữa đời sống mọi mặt của nhân dân…, đồng thời bày tỏ nguyện vọng nếu các đại biểu trúng cử cần quan tâm hơn nữa bà con ở vùng sâu vùng xa, phải đến tận nơi người dân sống để giải quyết khiếu tố, khiếu nại khi bà con không có điều kiện đến các cơ quan công quyền.(Duyên Anh)

* Ngày 10-5, các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII thuộc đơn vị bầu cử số 15 gồm các ông Trương Phước Ánh, Trần Hữu Do, Vũ Hùng, Nguyễn Văn Sơn và bà Huỳnh Thị Cúc đã tiếp xúc cử tri xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Các ứng cử viên đã trình bày chương trình hành động của mình cũng như  đưa ra những cam kết nếu trúng cử sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của huyện Hòa Vang nói chung và xã Hòa Nhơn nói riêng ngày càng phát triển. Đặc biệt, các ứng cử viên đều thể hiện quyết tâm luôn sâu sát với nguyện vọng của cử tri, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách xã hội của thành phố và địa phương. Trong đó ưu tiên quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con nông dân, cải thiện hạ tầng cơ sở, hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường, giải pháp tạo việc làm cho người nông dân…

Cử tri xã Hòa Nhơn đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên đưa ra, phù hợp với nguyện vọng đông đảo cử tri và mong rằng nếu trúng cử, các ứng cử viên phải giữ đúng lời hứa trước dân, nỗ lực hết mình vì trách nhiệm và nghĩa vụ của đại biểu nhân dân. Nhiều ý kiến cử tri cũng đã phản ánh những tồn tại lâu nay tại địa phương, đó là vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân còn nhiều hạn chế, TNGT trên địa bàn có chiều hướng gia tăng. Đề nghị các ứng cử viên phải lưu tâm đến các vấn đề này, để thông tin kịp thời với cơ quan chức năng, đồng thời giám sát chặt chẽ quá trình khắc phục những tồn tại này.

Source: T.S


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Toàn quyền Australia thăm và làm việc tại Đà Nẵng


Chiều ngày 10-5, Toàn quyền Australia, Quentin Bryce cùng Phu quân và Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam, theo lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân. Đón tiếp đoàn tại sân bay Đà Nẵng có Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của thành phố Đà Nẵng.

Chiều cùng ngày, bà Quentin Bryce cùng Đoàn công tác đã tham dự khai mạc “Hội nghị quốc tế về phòng chống đuối nước” do Hiệp hội Cứu nạn Hoàng gia Úc, tổ chức Liên minh vì an toàn của trẻ em (TASC – Hoa Kỳ), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Sở Ngoại vụ Đà Nẵng phối hợp tổ chức tại khách sạn Furama (Đà Nẵng).

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đón toàn quyền Úc Quentin Bryee tại sân bay Đà Nẵng
Hơn 400 đại biểu là các nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực nghiên cứu đuối nước, phòng chống, cứu nạn, cứu người… đến từ 50 quốc gia đã tham gia hội nghị. Các tham luận tại hội nghị tập trung nêu ra các nguyên nhân, hệ quả của đuối nước ở trẻ em, tập trung thảo luận để tìm ra những biện pháp phòng tránh đạt hiệu quả cao nhất. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nạn đuối nước là 1 trong 4 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em nhiều quốc gia, nhất là tại các nước thu nhập thấp và trung bình ở châu Á (ước tính mỗi năm có khoảng 300.000 trẻ bị tử vong do nạn đuối nước).

Nguyên nhân chính, theo tiến sĩ Steve Beerman, Chủ tịch Hội cứu trợ quốc tế (ILS) là do các em chưa được trang bị về những kỹ năng cơ bản của việc phòng tránh đuối nước.

Ngoài những trang bị cần thiết như áo phao thì việc dạy những kỹ năng bơi cơ bản cho trẻ là biện pháp hiệu quả lại ít tốn kém nhất nhằm giảm thiểu tử vong do đuối nước gây ra.

Các đại biểu thống nhất cao với quan điểm: Việc giúp đỡ cho các gia đình trang bị kiến thức, phương tiện để giám sát an toàn cho trẻ em, tạo những khu vực an toàn cho cộng đồng nơi mà những bà mẹ có thể để con vui chơi trong lúc bận rộn là những cách đơn giản, chi phí thấp mà hiệu quả cao nhằm giảm thiểu nạn đuối nước ở trẻ. 

Cũng trong chiều nay, bà Quentin Bryce và đoàn cũng đã đến thăm viện Anh ngữ (ELI)  – dự án hợp tác của Đại học Đà Nẵng với Đại học Queenland Úc).

Tin và ảnh: Đắc Mạnh

(Theo www.nguyenbathanh.com)

Liên minh Châu Âu hỗ trợ Đà Nẵng phát triển du lịch bền vững


Ngày 9/5, đoàn tư vấn của Liên minh châu Âu (EU) do ông Jan B. Bjarnason dẫn đầu đã có chuyến công tác nhằm tìm hiểu, đánh giá nhu cầu phát triển du lịch của Đà Nẵng, một trong những địa phương được hưởng lợi của chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESRT) do EU tài trợ.

Liên minh Châu Âu hỗ trợ Đà Nẵng phát triển du lịch bền vững

Ông Jan B. Bjarnason cho biết ESRT là chương trình hỗ trợ kỹ thuật du lịch quan trọng của EU dành cho một số tỉnh thành và địa phương có tiềm năng du lịch của Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng. Nội dung chương trình gồm 03 hợp phần: hỗ trợ chính sách và tăng cường thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm du lịch và quan hệ đối tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân; giáo dục và đào tạo nghề trong ngành du lịch. Chương trình có tổng kinh phí hỗ trợ là 11 triệu Euro,dự kiến được triển khai thực hiện trong vòng 05 năm.

 

Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP. Phùng Tấn Viết đánh giá cao chuyến công tác của đoàn, đống thời nhấn mạnh chương trình hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của thành phố mà trong đó du lịch là lĩnh vực ưu tiên phát triển. Trên cơ sở khung nội dung hoạt động của chương trình do phía đoàn tư vấn trình bày, phía thành phố đã đề nghị được chương trình hỗ trợ với các nội dung cụ thể gồm nâng cao năng lực cho cán bộ ngành du lịch thành phố; quy hoạch nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng; hỗ trợ đào tạo nghề du lịch, đặc biệt nghề thủ công mỹ nghệ; và đề án phát triển tàu du lịch trên sông Hàn.

Quỳnh Đan


(Theo www.nguyenbathanh.com)

Nguyễn Bá Thanh – Bí thư Thành ủy “bật mí” bí quyết để Đà Nẵng trở thành “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam”


Mặc dù chưa có bất cứ tổ chức nào công bố, nhưng theo nhiều chuyên gia và người dân trên cả nước nhận xét, Đà Nẵng hiện được đánh giá là “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam”. Trong Hội nghị tổng kết năm 2010 của Hội Nhà báo Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Bá Thanh – Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng đã “bật mí” những bí quyết giúp Đà Nẵng đạt được danh hiệu đáng tự hào này.

Để có được những thành tựu như ngày hôm nay, ngoài những giải pháp chung đã được nhiều tỉnh thành trên cả nước áp dụng, Đà Nẵng còn có những “chiêu” chưa hề có tiền lệ, góp phần phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ và tạo ra sự ổn định trong đời sống xã hội.

Một góc Đà Nẵng lộng lẫy và quyến rũ

Những chuyện “hổng” giống ai

Nhắc đến Đà Nẵng là người ta thường nghĩ ngay đến chương trình “5 không, 3 có”, đã làm nên thương hiệu và bản sắc riêng của Đà Nẵng trong suốt những năm qua. 5 không – đó là không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của. Sau 5 năm tích cực triển khai kể từ năm 2000, kết quả đạt được thật là mỹ mãn.

Từ cuối năm 2000, Đà Nẵng đã hoàn thành mục tiêu không có hộ đói; cuối năm 2004, cơ bản hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, trong 2 năm 2001 và 2002 hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ đến người cuối cùng trong độ tuổi 6-35, tập trung 1.537 lượt người lang thang xin ăn vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, giải quyết cho 14.570 lượt đối tượng xã hội được hưởng chế độ trợ cấp cứu trợ thường xuyên, giải quyết cứu trợ đột xuất cho 101.964 lượt người gặp khó khăn, hoạn nạn. Về tội phạm ma túy, từ năm 2001 đến 2005, Công an thành phố đã bắt và xử lý 245 vụ, gồm 705 đối tượng, kiềm chế được sự gia tăng tội phạm về ma túy.

Rất nhiều cây cầu ở Đà Nẵng không chỉ là nơi đi lại mà còn là một công trình nghệ thuật, nơi tham quan du lịch

Sau “5 không”, Đà Nẵng “dấn” thêm bước nữa đó là triển khai chương trình “3 có” – Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Do triển khai tích cực và có cách làm hiệu quả mà bình quân hằng năm Đà Nẵng đã giải quyết công ăn việc làm cho 30 – 32 nghìn lao động, hơn 9.000 căn hộ được dành cho những người thiếu chỗ ở. Trong khi đó, “Thành phố môi trường”, một đề án mới đang được triển khai cũng có thể coi là hướng phát triển của việc xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị.

Tuy nhiên, một việc khá nổi tiếng, đã đem lại bộ mặt khang trang và hiện đại cho Đà Nẵng mà ai cũng biết, nhưng lại chưa địa phương nào làm được đó là vấn đề giải phóng mặt bằng để làm đường. Không như các thành phố khác, khi giải phóng mặt bằng để làm đường, Đà Nẵng thường lấy vào 2 bên đường mới một khoảng không từ 30 đến 50 mét và sau đó quy hoạch bán đấu giá. Việc này theo ông Thanh không chỉ tạo ra những con đường khang trang, sạch đẹp do việc xây dựng đồng bộ, tránh được nhà siêu mỏng, siêu méo, mà nó còn tạo ra nguồn vốn lớn từ chính quỹ đất này do đường sá khang trang, rộng rãi nên giá đất tại những khu vực này cũng đã tăng lên rất nhanh. Không chỉ dừng lại tại đó mà việc đấu giá những lô đất hai bên đường mới cũng sẽ tránh được việc lợi dụng biết trước quy hoạch để mua đất bên trong chờ ra mặt đường.

Đà Nẵng luôn cầu thị và tiếp thu những ý kiến của các chuyên gia để xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố văn minh, hiện đại

Một việc khác cũng chưa từng có tiền lệ đó là xây dựng bệnh viện ung thư và bệnh viện phụ nữ. Đối với bệnh viện ung thư thì ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh đã có nhưng đó là tiền do ngân sách nhà nước xấy dựng, còn ở Đà Nẵng là do các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp. “Tôi chính là trưởng ban vận động quyên góp xây dựng nên bệnh viện này. Do thấy chúng tôi làm việc này là vì cái tâm nên đã có không ít cá nhân trong và ngoài nước hết lòng ủng hộ. Chúng tôi cũng đã quyên góp được hàng trăm tỷ đồng xây dựng nên một bệnh viện cho những người ung thư với hơn 500 giường bệnh và sắp tới sẽ đưa vào khánh thành. Đối với bệnh viện phụ nữ thì đây có lẽ là nơi khám chữa bệnh đầu tiên trên cả nước duy nhất chỉ dành cho phụ nữ. Tất cả chị em bị ung thư sẽ được chữa trị miễn phí”, ông Thanh cho biết.

Đường phố Đà Nẵng hấp dẫn về đêm

Đối với vấn đề thu hút nhân tài, tránh chảy máu chất xám, Đà Nẵng cũng có những “chiêu” tỏ ra rất cao tay đó là thành lập ra một trường trung học chuyên Lê Quý Đôn. Tất cả những em theo học ở đây đếu phải trải qua cuộc thi tuyển đầu vào gắt gao, không có chuyện nhờ vả, chạy vạy hay xin xỏ. Khi ra trường em nào xuất sắc sẽ được cho đi học tiếp ở nước ngoài, em nào giỏi học đại học trong nước và tất cả đều được thành phố tài trợ kinh phí ăn học sau đó quay về được bố trí công việc phù hợp và đặc biệt phải cống hiến cho thành phố ít nhất là 7 năm. Theo ông Thanh giải thích là trong thời gian làm việc tại Đà Nẵng thì họ đã gắn bó với Đà Nẵng, gắn bó với công việc và đặc biệt là họ sẽ xây dựng gia đình và sinh con đẻ cái. Đó chính là nguyên nhân giữ người tài ở lại với Đà Nẵng và tại sao Đà Nẵng không bị chảy máu chất xám trong thời gian qua.

Không chỉ tự ý làm mà chính quyền Đà Nẵng còn rất tôn trọng ý kiến của các chuyên gia, các nhà chuyên môn trong việc định hướng quy hoạch và phát triển Đà Nẵng trong những năm tiếp theo. Điển hình của việc cầu thị này là mới đây thôi thành phố đã mời các chuyên gia đầu ngành của mọi lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, quy hoạch… đến dự hội thảo bàn về “Ý tưởng xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố ngang tầm với các thành phố hiện đại Châu Á và thế giới”. Tại cuộc hội thảo Đà Nẵng đã nhận được những góp ý rất chân tình, thiết thực và quý báu từ các nhà chuyên môn, các chuyên gia để biến Đà Nẵng thành một thành phố văn minh và hiện đại trong khu vực.

Hay như một việc mà không phải địa phương nào cũng làm được đó là tổ chức cuộc thi pháo hoa Quốc tế. Đây là một hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức định kỳ 2 năm một lần và đến nay đã trở thành sự kiện văn hóa giải trí gắn liền với thương hiệu của Đà Nẵng và đã thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng. Đây cũng là dịp để Đà Nẵng thúc đẩy việc quảng bá phát triển kinh tế thông qua các hoạt động du lịch.

Ngày càng có nhiều du khách muốn đến với Đà Nẵng

“Nói không” với tệ nạn



Trong khi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các đô thị lớn trên toàn quốc đang phải “vật vã” với tệ nạn đua xe trái phép và coi đó là vấn đề nan giải và chưa tìm ra cách giải quyết triệt để, thì đối với Đà Nẵng chuyện này lại trở thành chuyện nhỏ. Ông Thanh tâm sự “Chúng tôi không phải thức khuya, thức đêm để ngăn chặn nạn đua xe. Với Đà Nẵng, nếu đua xe sẽ bị tịch thu phương tiện bán và xung công quỹ để ủng hộ người nghèo, không có chuyện phạt, gọi điện hay nhờ vả xin xỏ. Đã nhiều lần Quốc hội chất vấn tôi và cho rằng Đà Nẵng làm sai luật, nhưng tôi đặt câu hỏi lại các đại biểu là đã có luật nào cho phép đua xe?. Đua xe không chỉ gây nguy hiểm cho kẻ đua mà còn gây nguy hại cho những người xung quanh nên chúng tôi sẽ tiếp tục làm mạnh tay và đến cùng. Và thế là Đà Nẵng đã từ lâu không bao giờ có tệ nạn đua xe”.

Với người nghiện ma túy, khi phát hiện Đà Nẵng kiên quyết đưa đi tập trung cai nghiện mà không để ngoài xã hội nên đã tránh được nhiều tệ nạn, móc túi, cướp giật và đặc biệt là cướp của giết người. Không những thế, chính quyền Đà Nẵng còn treo thưởng cho những ai phát hiện ra người nghiện hút chích ngoài đường sẽ được thưởng tiền. Nhưng hình như kể từ khi đề ra quy định này vẫn chưa có ai được thưởng bởi dù người dân “lọ mọ” đến mấy thì cũng khó có ai phát hiện ra người nghiện ngoài đường.

Với vấn đề bạo hành trong gia đình, Đà Nẵng đã có sáng kiến có một không hai đó là đích thân Bí thư thành ủy ký giấy mời và đứng ra gặp hơn 130 ông chồng hay đánh vợ đến để khuyên nhủ. Sau khi được đích thân Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh ân cần tâm sự và khuyên nhủ thì tất cả các ông chồng trên đều tự nguyện ký vào cam kết sẽ không đánh vợ nữa. Bên cạnh đó các bà vợ hay bị chồng ngược đãi cũng được các cấp hội phụ nữ thành phố tư vấn cách ứng xử làm thế nào để giữ được hạnh phúc gia đình. Nhờ có những chính sách đặc biệt đó mà việc bạo hành trong gia đình tại Đà Nẵng đã giảm rõ rệt, dịp Tết vừa qua đã có gần 100 ông chồng được thành phố mời đến tặng bằng khen và thưởng tiền với mức 500 ngàn đồng/người.

Một việc làm khá khó và vô cùng tế nhị đó là giáo dục trẻ em chậm tiến thì cách làm của Đà Nẵng cũng khá độc đáo đó là đưa các em tới thăm trại giáo dưỡng, thăm nhà giam phạm nhân lớn tuổi và cuối cùng là cho các em đi du lịch cáp treo tại Bà Nà. Theo ông Thanh giải thích đó là thành phố muốn các em chứng kiến cảnh phải tù túng vất vả trong tù khi phạm tội và cuộc sống tự do vui tươi ở ngoài, nhằm động viên các em hãy sống tốt để có thể hưởng thụ cuộc sống vui tươi ở ngoài đời. Việc giáo dục này đã phát huy rõ rệt và tỷ lệ trẻ em phạm tội ở Đà Nẵng hiện thấp nhất trong cả nước.

Và còn rất nhiều chuyện khác biệt đã tạo nên một Đà Nẵng văn minh, hiện đại, xanh sạch đẹp như ngày hôm nay mà ông Thanh cho rằng đó chỉ là “ba cái chuyện lẻ tẻ”. Nhưng với những việc làm đặc biệt kể trên cùng với những chính sách “hổng giống ai” như: không tuyển công chức học tại chức, không thu tiền gửi xe trong các bệnh viện, không cho bán hàng bên bờ biển, vận động thành công Nhà nước và nhân dân cùng làm các công trình công cộng, đối thoại định kỳ với các tổ chức tôn giáo, đi tiên phong giải quyết nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp hay kiên quyết từ chối 2 dự án lớn về sản xuất thép và giấy để quyết tâm trờ thành thành phố xanh sạnh đẹp, vì môi trường… cùng biết bao việc làm có ý nghĩa khác không thể kể hết ra đây, thì “ba cái chuyện lẻ tẻ” đó xứng đáng được nhiều địa phương trong cả nước học tập để sao cho mỗi người dân khi nói về quê hương của mình đều ánh lên vẻ tự hào như Đà Nẵng đã làm được ngày hôm nay.

Tiến Dũng


(Theo www.nguyenbathanh.com)