Hiển thị các bài đăng có nhãn Kinh tế. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Kinh tế. Hiển thị tất cả bài đăng

Financial Times:Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh là Lý Quang Diệu của Việt Nam.


Sơn Trà, Đà Nẵng

Financial Times cho rằng Đà Nẵng là thành phố có quy hoạch hoàn hảo, và gọi Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh là Lý Quang Diệu của Việt Nam.

Khi nghĩ tới đầu tư vào Việt Nam, mọi sự chú ý sẽ hướng về Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tạp chíFinancial Times lại đưa ra ý kiến rằng, các nhà đầu tư hãy nhìn về Đà Nẵng.

Đà Nẵng, thành phố đông dân thứ 4 của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhờ vị trí địa lý tuyệt vời, có núi rừng bao phủ và hàng chục km bãi biển trải dài.

Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của Đà Nẵng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, biệt thự và sân golf, cùng với một số lượng lớn các nhà máy mọc lên, tận dụng lợi thế vị trí địa lý của Đà Nẵng ở trung tâm của Việt Nam để phát triển hoạt động kinh doanh.

Ông Peter Ryder, Giám đốc điều hành của Indochina Capital, một công ty tiên phong đầu tư vào một số dự án phát triển cao cấp tại thành phố này nói rằng, thành công của Đà Nẵng một phần nhờ vào tư tưởng lãnh đạo của ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng.

Ông nói: “Đà Nẵng thường xuyên được bình chọn là nơi tốt nhất để đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, với các cơ sở hạ tầng tốt nhất, vượt xa tất cả các đô thị lớn khác và sự tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người cao hơn các khu vực khác tại Việt Nam. Nguyễn Bá Thanh có thể được coi là Lý Quang Diệu của Việt Nam”.

Giống như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nền kinh tế của Đà Nẵng đã phát triển với tốc độ cao hơn tốc độ phát triển quốc gia trong 10 năm qua. Từ 2006-2010, kinh tế Đà Nẵng đã tăng trưởng khoảng 11% /năm và đặt mục tiêu tăng trưởng 13,5% -14,5% trong 5 năm tiếp theo.

Trái ngược với tình trạng hỗn loạn giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với 900.000 dân là một thành phố rất sạch đẹp và quy củ với những làn gió mát trong lành, với những đại lộ rộng rãi, những đường vành đai và những cây cầu. Tất cả mọi thứ đều được quy hoạch một cách hoàn hảo.

Ông Ryder cho biết: “Chúng tôi đã rất quan tâm về hoạt động xây dựng trên bãi biển. Các hoạt động của chúng tôi vẫn sẽ tiến triển tốt, nhưng chúng tôi chưa có bất kỳ kế hoạch nào cho các dự án mới.

Một nhà kinh tế cho rằng nhu cầu từ tầng lớp giàu có tại Việt Nam, những người muốn kết hợp giữa nhà nghỉ và đầu tư sẽ tiếp tục hỗ trợ hơn nữa cho sự phát triển tại Đà Nẵng.

Tuyết Mai

Theo FT


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Phát triển nhanh thành phố Đà Nẵng văn minh hiện đại


LTS: Năm 2010 là năm cuối thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh giai đoạn 5 năm 2006-2010 và các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX, thành phố Đà Nẵng tiếp tục đạt những kết quả quan trọng, tạo động lực thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và kế hoạch 5 năm 2011-2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX. Nhân dịp năm mới Tân Mão 2011, P.V Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với đồng chí TRẦN VĂN MINH, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

* P.V: Thưa đồng chí Chủ tịch! Năm 2010, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng tình hình kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng tiếp tục có những bước phát ổn định và đạt được những thành quả đáng trân trọng. Xin Chủ tịch cho biết nhờ những giải pháp nào có được sự thành công đó?

- Đồng chí Trần Văn Minh: Thành phố triển khai kế hoạch năm 2010 trong điều kiện kinh tế thế giới dần phục hồi, đã tác động tích cực đến việc ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng. Kết quả tình hình kinh tế – xã hội, sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố tiếp tục phục hồi và chuyển biến tốt, quốc phòng-an ninh được giữ vững, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội hoàn thành vượt mức kế hoạch, đặc biệt là lĩnh vực thu ngân sách, du lịch đã về đích sớm trước gần 2 tháng.

Để có được kết quả đó, ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã tập trung triển khai việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh. Công tác giao kế hoạch kinh tế – xã hội, xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách… được tổ chức sớm, đã tạo điều kiện cho các ngành, địa phương chủ động triển khai thực hiện. Thành phố đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư và ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình và tiếp tục giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chương trình mục tiêu năm 2009, sớm giải ngân các nguồn vốn năm 2010. Tích cực làm việc với các bộ, ngành Trung ương để bổ sung vốn cho các công trình, dự án.

Triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ về “Những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát tăng cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010”; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp về các vấn đề về thủ tục hành chính, tiếp thu các phản ánh của nhà đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về duy trì tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách của Chính phủ về miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp. Chỉ đạo Điện lực thành phố thực hiện các biện pháp bảo đảm điện cho sản xuất kinh doanh…

Đêm sông Hàn. Ảnh: Ông Văn Sinh

Thành phố cũng tập trung chỉ đạo các vấn đề văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”; triển khai thực hiện Đề án “Thành phố môi trường”. Các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện có kết quả. Chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân rất quan trọng nữa là, các chủ trương và giải pháp của Đảng bộ, chính quyền thành phố triển khai trong năm 2010 nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của nhân dân và các thành phần kinh tế. Ngoài ra, năm 2010 cũng là một năm “mưa thuận gió hòa” với Đà Nẵng, nhiều công trình, dự án trọng điểm bảo đảm tiến độ do không bị ảnh hưởng của bão lụt.

* P.V: Hơn 90.000 hộ dân của thành phố phải di dời giải tỏa, tái định cư để xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị, đó là một thành công rất lớn, là minh chứng sống động của lòng dân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Vậy những bài học lớn rút ra của Đà Nẵng đưa đến sự thành công đó ra sao, thưa đồng chí?

- Đồng chí Trần Văn Minh: Trong những năm qua, thành phố luôn ưu tiên đặt công tác giải tỏa đền bù, tái định cư là nhiệm vụ trọng tâm, đây là nội dung thường xuyên được quan tâm và triển khai mạnh mẽ. Bài học lớn rút ra của Đà Nẵng là thành phố đã tập trung giải quyết những vấn đề trong công tác giải tỏa đền bù, tái định cư, bảo đảm công khai minh bạch, kiên quyết, nhưng đồng thời cũng kiên trì, không nóng vội; không để những đối tượng xấu lợi dụng tuyên truyền chống phá chủ trương, chính sách đúng đắn của thành phố. Việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhân dân là ưu tiên hàng đầu khi tiến hành các dự án, hầu hết các hộ dân trong diện giải tỏa đều được bố trí đất tái định cư các khu quy hoạch mới, có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật. Lãnh đạo thành phố thường xuyên tổ chức tiếp dân để giải đáp và xử lý, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể, đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân.

* P.V: Thành phố Đà Nẵng tiếp tục chọn chủ đề năm 2011 là “Năm giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư và an sinh xã hội”. Đây cũng là vấn đề mà cử tri quan tâm, chất vấn tại các kỳ họp HĐND thành phố. Vậy để thực hiện tốt các nội dung này, thành phố cần phải làm gì, thưa Chủ tịch?

- Đồng chí Trần Văn Minh: Từ khi trực thuộc Trung ương đến nay, mặc dù công tác giải tỏa đền bù, tái định cư của Đà Nẵng luôn được đánh giá cao về cách làm hiệu quả, được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của nhân dân nhưng năm 2010 thành phố vẫn chọn là  “Năm giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư và an sinh xã hội” và tiếp tục thực hiện nội dung đó trong năm 2011. Thực tế cho thấy, việc thành phố đưa ra chủ trương này đã có tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm ổn định đời sống của đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần giữ vững an ninh và trật tự xã hội. Trong mọi chủ trương liên quan đến quy hoạch, chỉnh trang đô thị đều lồng ghép trong đó mục tiêu hướng về con người. Đây là mục tiêu luôn được Đảng bộ, chính quyền thành phố quan tâm, coi trọng và mang tính xuyên suốt, từ đó những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Phối cảnh cầu Rồng qua sông Hàn

Để thực hiện tốt hơn nữa các nội dung này, thành phố sẽ tiếp tục có các quy định chính sách về đền bù, giải phóng mặt bằng và giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn phù hợp; các chủ trương, chính sách luôn bám sát các văn bản quy định của Trung ương về chính sách giải tỏa đền bù, hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót, bất cập trong quá trình triển khai. Các chính sách giải tỏa đền bù, được ban hành hằng năm, thường xuyên, sẽ được cập nhật kịp thời các quy định của Trung ương và những vấn đề thực tế phát sinh tại địa phương, nhằm thực hiện đầy đủ các chính sách đền bù cho người bị thu hồi đất.

Ngoài các chính sách chung Nhà nước đã quy định tại các Nghị định và Thông tư hướng dẫn, thành phố đã có những vận dụng cụ thể phù hợp với tình hình sử dụng đất thực tế tại địa phương, tập quán sinh sống của người dân từng vùng để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân trên cơ sở bảo đảm sự công bằng, khách quan và có tính chất động viên, khuyến khích người bị thu hồi đất nhanh chóng thực hiện giải tỏa, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND thành phố thường xuyên đi kiểm tra thực tế, họp giao ban định kỳ với các chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công để đôn đốc tiến độ thi công nhằm nhanh chóng giao đất tái định cư cho các hộ giải tỏa. Công tác giải tỏa đền bù được chuyên môn hóa, các chính sách giải tỏa đền bù được quán triệt đầy đủ và nhất quán đối với tất cả các dự án.

* P.V: Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XX  Đảng bộ thành phố và Kế hoạch 5 năm 2011-2015, là năm mở đầu thời kỳ tập trung phát triển các ngành dịch vụ mà thành phố có lợi thế. Xin đồng chí cho biết những mục tiêu tổng quát, các giải pháp thực hiện và định hướng nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội của thành phố?

- Đồng chí Trần Văn Minh: Mục tiêu tổng quát của nhiệm vụ về phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2011 là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại và đồng bộ, tập trung hoàn thành các công trình trọng điểm. Tiếp tục lấy năm 2011 là “Năm giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư và an sinh xã hội”.

Các giải pháp thực hiện và định hướng nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội của thành phố là tập trung ưu tiên trong lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các biện pháp và phân bổ nguồn lực để bố trí kịp thời đất tái định cư cho các hộ giải tỏa, nhanh chóng giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án; chú trọng đầu tư và phát triển dịch vụ, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp. Tập trung tranh thủ và thu hút mọi nguồn lực để đầu tư nhằm tăng tốc phát triển thành phố, chú trọng cả đầu tư trong và ngoài nước.

Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, tập trung quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực. Duy trì thành quả đạt được và đẩy mạnh thực hiện các chương trình an sinh xã hội và giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc. Nâng cao hiệu lực bộ máy tổ chức và điều hành của chính quyền các cấp. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đạt và vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2011, góp phần hoàn thành mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011 – 2015.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2011, thành phố Đà Nẵng đề ra 5 giải pháp đồng bộ. Đó là:

Thứ nhất, thúc đẩy phát triển nhanh các ngành dịch vụ thành phố có lợi thế, đi đôi với nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, từng bước nâng cao tỷ trọng trong cơ cấu GDP, tăng cường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Thứ hai, tập trung phát triển công nghiệp, thủy sản – nông – lâm, kinh tế biển để tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015.

Thứ ba, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đi đôi với tăng cao tỷ trọng vốn thực hiện; tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư; nâng cao hiệu quả của hoạt động đối ngoại, kinh tế đối ngoại, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển.

Thứ tư, thực hiện tốt và có hiệu quả công tác quản lý đầu tư – xây dựng cơ bản, công tác quy hoạch, quản lý đô thị, các chương trình mục tiêu; gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững.

Thứ năm, quản lý cân đối, hiệu quả thu – chi ngân sách.

Các chỉ tiêu và giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 của thành phố Đà Nẵng rất nặng nề. Nhưng với truyền thống năng động và sáng tạo, đoàn kết nhất trí, chung sức, chung lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cùng với sự chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương, tin tưởng rằng, thành phố sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2011.

* P.V: Xin cảm ơn Chủ tịch. Chúc Chủ tịch năm mới sức khỏe và hạnh phúc!

Lê Văn Hoa (Thực hiện)

 

 


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Làng ô-tô ở Đà Nẵng


Trở lại Làng đá mỹ nghệ Non Nước những ngày cuối năm, tiếng máy xẻ đá hòa cùng tiếng nói, tiếng cười râm ran. Tháng Chạp là tháng thực hiện và thanh lý nhiều hợp đồng chế tác, cung cấp đá trang trí với số lượng lớn ra thị trường. Tháng Chạp cũng mở ra nhiều bữa tiệc tất niên mừng kết thúc một năm làm ăn phát đạt. Người dân Làng đá mỹ nghệ Non Nước hôm nay còn tự hào với danh xưng: Làng ô-tô.

Ấn tượng làng đá mỹ nghệ non nước

Gặp nghệ nhân Nguyễn Việt Minh, Chủ tịch Hội Làng đá mỹ nghệ Non Nước, ông đặt ngay câu hỏi: “Nhà báo có nhận thấy Làng đá này phồn thịnh không?’’. Ông Nguyễn Việt Minh khoe: “Làng đá Non Nước bây chừ có thêm danh xưng mới, đó là Làng ô-tô’’. Trung bình 2 hội viên làng nghề thì một người có ô-tô. Nhiều người thợ, chủ xưởng hiện nay một bước là ngồi ô-tô láng coóng.

Làng đá mỹ nghệ Non Nước hiện có gần 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh với hơn 3.000 lao động tập trung ở các khối 7, 8, 9 Đông Hải và khối 3, 4 Sơn Thủy. Từ những đôi bàn tay khéo léo, người thợ đá Non Nước đã cho ra đời hàng trăm sản phẩm với nhiều kích cỡ, mẫu mã khác nhau làm nên một thị trường đá mỹ nghệ đầy danh tiếng. Ðược biết, doanh thu từ Làng đá mỹ nghệ Non Nước năm 2010 ước đạt 150 tỷ đồng. Sản phẩm ở đây đã có mặt tại các thị trường lớn trong nước như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh… và xuất khẩu sang các nước ASEAN, Mỹ…

Nếu như những năm trước, thị trường nước ngoài chiếm đến 60% doanh số thì hiện nay cán cân đã thay đổi, khi thị trường trong nước lại chiếm ưu thế. Vì vậy, việc gia tăng sản xuất ở những ngày cuối năm để giao hàng đang diễn ra sôi động. Người Làng đá luôn mở tiệc tất niên, đón Tết sớm nhưng xong tiệc là quay sang làm việc. Hiện ông Nguyễn Việt Minh có hai cơ sở sản xuất và kinh doanh đá ở Ngũ Hành Sơn với hơn 30 công nhân. Thu nhập của công nhân dao động từ 2 đến 7 triệu đồng/tháng tùy vào công việc. Trong đó thợ chế tác lành nghề, bảo đảm được sản lượng và chất lượng sản phẩm cao sẽ có mức thu nhập từ 5 triệu đến 7 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Việt Minh tự hào nói: “Qua những biến động về kinh tế-xã hội, trong khi ở nhiều khu công nghiệp công nhân mất việc làm thì ở đây, ngay dưới chân núi Ngũ Hành, các nghệ nhân điêu khắc đá vẫn miệt mài làm việc, ổn định cuộc sống và đang từng bước nâng cao tay nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng’’.

“Quận Ngũ Hành Sơn đang triển khai phương án xây dựng Làng đá mỹ nghệ Non Nước với quy mô 37ha tại tổ 17, khu vực Đông Trà, phường Hòa Hải để di dời toàn bộ cơ sở sản xuất đá hiện nay nhằm khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường và phục vụ du lịch. Theo đó, tại đây sẽ có 583 cơ sở sản xuất, bao gồm 28 cơ sở quy mô từ 10 lao động trở lên sẽ được bố trí mỗi cơ sở 1.000 – 1.200m2; 49 cơ sở có từ 5-9 lao động được bố trí mỗi cơ sở 700 – 900m2 và  406 cơ  sở  dưới 5 lao động được bố trí mỗi cơ sở 300 – 400m2. ”

(Nguồn: UBND quận Ngũ Hành Sơn).

Tuy nhiên Làng đá vẫn liên tục đứng trước những khó khăn, đó là thiếu lao động có tay nghề cao. Thợ có tay nghề cao thường có xu hướng thoát ra phận làm công để đứng ra mở cơ sở sản xuất mới. Một số người vào các tỉnh phía nam lập nghiệp, gầy dựng cơ sở sản xuất và thị trường, song thành công nơi đất khách quê người không nhiều. Làng đá vẫn là nơi đất lành và vì thế số lượng cơ sở sản xuất tăng lên mỗi năm. Tuy nhiên, Làng đá đang đứng trước thách thức về việc gìn giữ môi trường và trong thời gian quy hoạch, giải tỏa nên hiện tại không có sự đầu tư lớn.

Giữa chiều cuối năm giá lạnh nhưng những người thợ trẻ đam mê đá vẫn miệt mài sáng tạo, từ chiếc lọ đựng tăm, chiếc vòng đeo tay, bình hoa, hình 12 con giáp, tượng Phật… đến muôn vàn những vật dụng trang trí khác. Ðá ở đây là loại cẩm thạch nhiều màu sắc như trắng sữa, hồng phấn, sáng đục, xám vân đỏ, nâu đen, xanh đậm, mang vẻ đẹp bền bỉ trước thời gian. Ở đường Huyền Trân Công Chúa dưới chân núi Ngũ Hành, có nhiều cơ sở điêu khắc đá nổi tiếng của các nghệ nhân Nguyễn Việt Minh, Việt Hùng, Út Lan…

Bài và ảnh: TRIỆU NAM PHƯƠNG


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh dự CIENCO 5 tổng kết công tác 2010 và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động


Sáng 22/1/2011, Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông 5 – CIENCO 5 – đã tổ chức tổng kết công tác năm 2010, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2011, đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới của Tổng Giám đốc và các danh hiệu thi đua. Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP Đà Nẵng cùng đại diện các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Năm 2010, vượt qua những khó khăn chung của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, bằng sự nỗ lực không mệt mỏi của tập thể cán bộ, công nhân viên, Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 – CIENCO 5 – đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đề ra. Tổng giá trị sản lượng trên 4.900 tỷ đồng, đạt 124% kế hoạch, doanh thu gần 4.600 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 859 tỷ đồng, đạt 189% so với kế hoạch, đảm bảo việc làm thường xuyên cho trên 12.000 lao động với mức thu nhập bình quân mỗi người 4 triệu đồng/tháng.

Riêng Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thân Đức Nam, thành tích nổi bật là vực dậy một CIENCO 5 trên bờ vực phá sản trở thành doanh nghiệp mạnh của ngành Giao thông vận tải. Không chỉ chú trọng đến hoạt động kinh doanh, CIENCO 5 còn là một trong những đơn vị luôn đi đầu trong công tác xã hội – từ thiện. Điều đáng quý ở ông Thân Đức Nam là đã biết khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, biết nghĩ và sống cho người khác. Với những thành tích đã đạt được trong những năm qua, ông Thân Đức Nam, Tổng Giám đốc Tổng Cty đã được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Trong dịp này, ông Lê Bá Cố cũng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba. Bộ Giao thông Vận tải tặng 15 cá nhân đạt Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn ngành giai đoạn 2008- 2010./.

Nguyễn Chín


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đà Nẵng thống nhất về phương án thiết kế quy hoạch và kiến trúc của dự án Tổ hợp Ánh Dương


Ngày 29/12/2010, tại Văn phòng UBND Tp. Đà Nẵng, đồng chí Trần Văn Minh – Chủ tịch UBND TP đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo một số đồ án kiến trúc, quy hoạch trên địa bàn thành phố. Cuộc họp có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Bá Thanh – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, lãnh đạo Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương của TP và một số doanh nghiệp khác.

Phối cảnh thiết kế Tổ hợp Ánh Dương (Tp. Đà Nẵng).

Sau cuộc họp, ngày 7/1/2011, đồng chí Trần Văn Minh – Chủ tịch UBND TP đã ký Thông báo số 04/TB-UBND, thông báo kết luận của đồng chí tại cuộc họp. Trong thông báo có phần liên quan tới Dự án Tổ hợp Ánh Dương tại ngã ba đường Phạm Văn Đồng và Sơn Trà – Điện Ngọc, do Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị là chủ đầu tư. Theo đó, UBND Tp. Đà Nẵng cơ bản thống nhất phương án quy hoạch Tổng mặt bằng do Tập đoàn phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế trình bày, tuy nhiên cần nghiên cứu thêm về tổ chức các khoảng sân vườn, lối ra vào công trình đảm bảo thông thoáng và an toàn giao thông tại khu vực. Về phương án kiến trúc, Tp. Đà Nẵng cũng cơ bản thống nhất với phương án 02 do Tập đoàn và đơn vị tư vấn đề xuất, bao gồm 01 khối khách sạn và Condotel cao 58 tầng và 03 khối căn hộ chung cư cao 47 tầng nhưng cần nghiên cứu thêm về tỉ lệ hình khối (phần khối mái) của công trình Khách sạn và Condotel (58 tầng) đảm bảo mỹ quan công trình, hài hòa cảnh quan khu vực. UBND Tp. Đà Nẵng cũng giao Sở Xây dựng và các đơn vị chức năng liên quan hỗ trợ Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập các thủ tục xây dựng cơ bản tiếp theo nhằm sớm triển khai khởi công dự án và quý III/2011.

Nguyễn Ngọc Liêm


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Mở nhiều đường bay từ Trung Quốc đến Đà Nẵng


Chiều 31-12, chuyến bay thẳng đầu tiên Côn Minh – Đà Nẵng theo hình thức bay thuê chuyến do China Eastern Airlines, một trong ba hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc, khai thác đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng với 142 du khách Trung Quốc.

Một máy bay của China Eastern Airlines

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết, China Eastern Airlines sẽ khai thác định kỳ đường bay này đến hết năm 2011 với tần suất 2 chuyến/tuần.

Theo kế hoạch đã đăng ký, đến ngày 26-1, China Eastern Airlines sẽ thực hiện tiếp chuyến bay đầu tiên từ Thành Đô (Trung Quốc) đến Đà Nẵng. Hai ngày sau, đường bay Thượng Hải – Đà Nẵng cũng sẽ được hãng này đưa vào khai thác. Đến đầu tháng 2-2011, China Eastern Airlines sẽ đưa vào khai thác thêm đường bay Bắc Kinh – Đà Nẵng. Các đường bay trên đều được thực hiện theo hình thức bay thuê chuyến.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cũng cho biết thêm, ngày 1-1, cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) sẽ đón tàu du lịch biển quốc tế Seabourn Pride với 200 khách Đức, Anh, Mỹ… do Công ty du lịch Tân Hồng khai thác “xông đất” năm 2011. Trong năm 2010, Đà Nẵng đã đón 49 tàu du lịch biển quốc tế với gần 35.000 lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2009.

Cẩm An


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Khai trương Sàn giao dịch thị trường công nghệ thành phố Đà Nẵng


Sáng 24-12, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Doanh nhân Trẻ thành phố Đà Nẵng phối hợp với Công ty Cổ phần VNet khai trương “Sàn giao dịch Thị trường công nghệ thành phố Đà Nẵng” với tên miền www.techmartdanang.vn.

Đại diện các đơn vị ký kết hợp tác nhằm tăng cường chất lượng sàn giao dịch

Sàn giao dịch hoạt động sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong quá trình giao dịch, chuyển giao công nghệ, nhất là thúc đẩy quá trình thương mại hóa các sản phẩm khoa học giữa các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học và các doanh nghiệp.

Thông qua việc chia sẻ dữ liệu sẵn có của Vnet E-Market và của các địa phương khác, giúp cho các doanh nghiệp tại thành phố Đà Nẵng có khả năng tiếp cận, giao thương với các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế.

Đồng thời, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ thiết thực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, trao đổi thị trường công nghệ của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền thành phố.

Tin và ảnh: Đắc Mạnh


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Căng xe, căng phòng, căng cả hướng dẫn


Những chuyến bay thuê bao trực tiếp từ Trung Quốc, Hong Kong theo dự kiến liên tục đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng từ tháng 12 năm nay đến tháng 5 năm sau khiến hệ thống dịch vụ không kịp đáp ứng. Nhiều nhà lữ hành cho biết, chưa bao giờ đối phó với lượng khách quốc tế lớn dồn vào cùng lúc như vậy.

Khu nghỉ mát quốc tế Silver Shores dự kiến chia sẻ khách cho các khách sạn lân cận khi nơi này không đáp ứng kịp lượng khách quá lớn.

Thiếu trầm trọng hướng dẫn viên (HDV) “tiếng hiếm”

Tiếng Trung Quốc được coi là tiếng hiếm, khi ông Tiêu Công Minh, Giám đốc Chi nhánh Công ty Du lịch Đông Phương Quốc tế (ĐPQT), một trong số rất ít công ty khai thác luồng khách thuê bao này, thống kê, lượng HDV tiếng Trung mà Đà Nẵng hiện có chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ước tính sơ bộ của Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho thấy, với tổng lượng khách vào khoảng 1.500 người, thì chí ít phải cần tới 50 HDV. Gom hết HDV của cả ba địa phương Đà Nẵng-Huế-Hội An cũng chưa được 20 người. Trong khi ĐPQT kêu gọi HDV trụ cột của công ty từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội về, thì Vitours cũng tuyển chọn, sàng lọc và huấn luyện nhanh cho 10 người nói tốt tiếng Trung.

Tuy nhiên, do một số HDV này đã rút lại quyết định vì không muốn đi xa, vì thế, theo ông Minh, chi nhánh phải nhận sinh viên Đại học Ngoại ngữ mới tốt nghiệp, tổ chức thực tập nhanh, cho họ ghi âm lời giới thiệu của các HDV các điểm tham quan để về luyện cho thành thục. Đồng thời, mời các giáo viên chuyên dạy du lịch từ Trung Quốc sang đào tạo các kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và nắm bắt nhu cầu của du khách cho các HDV mới này.

Vì các kế hoạch bay chính thức mới được đưa về từ giữa tháng 11, mà lịch bay lại quá sít sao nên các hãng lữ hành thật sự lúng túng. “Mặc dù được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đà Nẵng hứa sẽ hỗ trợ tích cực, nhưng trong tình huống xấu nhất là không chuẩn bị đủ lượng HDV, chúng tôi chưa tưởng tượng ra việc đón khách sẽ như thế nào”, ông Minh nửa đùa nửa thật.

Chia sẻ khách cho Lăng Cô, Hội An

Các hãng lữ hành chật vật tìm hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung, khi phải cần 5-6 HDV cho lượng khách từ 140 đến 180 người/chuyến.

Nhận xét “Đà Nẵng chỉ có khoảng 3-4 nhà xe có uy tín, mỗi hãng chỉ sở hữu khoảng 10 xe chia đều cho tất cả các thị trường khách”, ông Minh cho hay khá khó khăn để tìm đủ lượng xe chất lượng cao trong cùng một thời điểm. Ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vitours cho biết, phải “kéo” xe từ TP. Hồ Chí Minh về và đầu tư thêm một số chiếc mới.

Không chỉ vậy, Vitours còn cho nhân viên đi tìm phòng ở Lăng Cô, Hội An trước lượng khách quá lớn. Ông phân tích: “Tiêu chuẩn của khách Trung Quốc phải là khách sạn 5 sao có giá từ 80 USD trở xuống, trong khi đó, hầu hết các khách sạn 5 sao của Đà Nẵng đều không thể chấp nhận mức giá đó. Mà điều chuyển qua 4 sao thì đa số khách lại không chịu”.

Ngay cả Khu nghỉ mát Quốc tế Silver Shores, nơi chuyên đón khách bay thuê bao từ Hong Kong, Quảng Châu, Côn Minh, Thành Đô cũng dự trù chia sẻ khách với các khu nghỉ dưỡng cao cấp lân cận. “Để đáp ứng lượng khách cao trong những dịp này, chúng tôi đã ký các hợp đồng hợp tác đầu tiên để sang nhượng khách với Life Resort và Sandy Beach trong trường hợp không đáp ứng đủ số phòng”, ông Cyril Chan, Quản lý Silver Shores nói.

“Cuối cùng chúng tôi cũng lo xong, nhưng không đáp ứng được mỹ mãn yêu cầu của khách. Nếu họ không chịu thì đành buông thôi. Sức ép lên hệ thống quá lớn khi cùng một thời điểm mà khách vào quá dồn dập, gấp gáp”, ông Dũng kết luận.

Bài và ảnh: HẰNG VANG


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Thành lập Trung tâm về các vấn đề WTO thành phố Đà Nẵng


UBND thành phố Đà Nẵng vừa có quyết định thành lập Trung tâm về các vấn đề WTO thành phố Đà Nẵng trực thuộc Sở Công Thương. Trung tâm có tên giao dịch tiếng Anh là Center on WTO – related Issues of Da Nang City (CID), chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Sở Công Thương, có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu và mở tài khoản để giao dịch theo quy định

WTO

Trung tâm về các vấn đề WTO thành phố Đà Nẵng có nhiệm vụ tham mưu cho Sở Công Thường và UBND thành phố triển khai, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chương trình, kế hoạch và hoạt động liên quan đến các vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO trên địa bàn thành phố; làm cầu nối triển khai, điều phối các hoạt động giữa Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế với thành phố Đà Nẵng và các tỉnh khu vực miền Trung – Tây nguyên; nghiên cứu, tiếp nhận, xử lý thông tin; tuyên truyền, phổ biến kiến thức; cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO cho các tổ chức, cá nhân, người dân, doanh nghiệp và các đối tượng khác theo nhu cầu; phối hợp, liên kết các tổ chức khoa học, tổ chức tư vấn pháp luật, tổ chức khác có liên quan, các chuyên gia trong và ngoài nước phục vụ hoạt động của Trung tâm; thực hiện các nhiệm vụ về hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO theo yêu cầu của Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương, UBND thành phố và Sở Công Thương….

(Văn Lâm)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đô thị và nông thôn mới


Mới đây, huyện Hòa Vang đã chính thức triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) theo bộ tiêu chí quốc gia, với mục tiêu xây dựng từ 7-8 xã đạt bộ tiêu chí này theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015). Trong khi đó, theo khảo sát mới đây, trong tổng số 11 xã trên địa bàn, có 1 xã đạt 15/19 tiêu chí, 3 xã đạt từ 9-13 tiêu chí, 3 xã đạt từ 6-8 tiêu chí…

Thế nhưng, vấn đề ở đây không phải là việc đạt được các tiêu chí hay không, mà chính là việc giải quyết những vấn đề về mối quan hệ trong xây dựng NTM với quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Hòa Vang.

Trong thời gian qua, với tốc độ phát triển nhanh của thành phố, huyện Hòa Vang cũng đã có những bước chuyển khá mạnh trên các mặt kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng. Chỉ tính riêng năm 2010, tổng vốn đầu tư trên địa bàn huyện tăng mạnh và đạt 630,8 tỷ đồng, bằng 1,6 lần so với năm 2009. Sự phát triển các ngành đi đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu với tổng giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng đạt 396 tỷ đồng, tăng 15,7%; tổng giá trị sản xuất thương mại-dịch vụ đạt 221 tỷ đồng, tăng 16,6%; từ đó xác định tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế của huyện là nông nghiệp 37%, công nghiệp 35,2%, dịch vụ 27,8%. Điều đó cho thấy đang có xu hướng hình thành một NTM theo hướng công nghiệp-dịch vụ một cách mạnh mẽ ở Hòa Vang.

Khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú (nằm trên địa bàn xã Liên Chiểu và Hòa Liên huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.)

Năm 2010 cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quy hoạch và phát triển của Hòa Vang, khi trên địa bàn huyện có đến 13 dự án với quy mô lớn được triển khai, chiếm 1.390ha (chưa kể 7 dự án đã phê duyệt ranh giới quy hoạch có quy mô 1.570ha). Từ đó, đã đưa số dự án đang triển khai trên địa bàn lên 54 dự án, với tổng diện tích đất thu hồi hơn 5 nghìn ha, trong đó có 5.114 hộ thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp và 3.404 hộ đất ở.

Nhìn trên tổng thể phát triển chung của thành phố và của huyện Hòa Vang những năm qua, đặc biệt là tốc độ đầu tư phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thì có thể thấy, nhiều tiêu chí trong bộ 19 tiêu chí về NTM không khó hoàn thành. Đó là những tiêu chí về: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, giáo dục, y tế, văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, tỷ lệ hộ nghèo, hệ thống tổ chức chính trị xã hội …Trong khi đó, lại đặt ra những vấn đề hết sức gay gắt trong quá trình xây dựng NTM ở Hòa Vang trong tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ của Đà Nẵng hiện nay và ở tương lai gần.

Đó là vấn đề về quản lý quy hoạch, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, môi trường… Việc quản lý quy hoạch hết sức khó khăn và phức tạp. Thách thức về bảo vệ tài nguyên-môi trường là rất lớn, không chỉ từ những dự án trên địa bàn huyện mà từ các vùng lân cận. Hoạt động của các khu công nghiệp đã, đang và sẽ là những thách thức không nhỏ đối với môi trường sống cần được bảo vệ ở nông thôn, nhất là với những vùng cần đạt tiêu chí về NTM. Không chỉ là chất thải, mà việc khai thác tài nguyên một cách bừa bãi, thiếu kiểm soát cũng đang từng ngày ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Bên cạnh những tác động đó, thì trong đời sống nông thôn ở Hòa Vang cũng đang tồn tại những vấn đề cần giải quyết trong quá trình xây dựng NTM. Đó là việc tổ chức sản xuất để nâng cao đời sống, thu nhập của người nông dân; trong đó có cả việc tạo cơ chế thu hút đầu tư về nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ. Ở Hòa Vang, mặc dù đã đặt ra mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp đô thị nhưng cho đến nay, chuyển biến vẫn chưa rõ nét; giống cây trồng, con vật nuôi chưa được đầu tư một cách khoa học và hiện đại; năng suất lao động vẫn còn thấp; thiếu những cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ theo quy định ở vùng khó khăn… Việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vẫn phụ thuộc nhiều vào thành phố chứ chưa có chuyển biến mạnh ở trên địa bàn.

Một vấn đề quan trọng nữa để xây dựng NTM chính là xây dựng ý thức và nâng cao nhận thức của người dân về chương trình này… Trước tiên, đó là phải làm cho người dân ý thức được rằng, xây dựng NTM không phải từ việc cấp vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng…mà phải bằng việc xây dựng một nếp sống mới, có sự đầu tư từ nội lực trong chính mỗi người dân trong vùng nông thôn đó. NTM cũng cần phải gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống làng, xã vốn tồn tại lâu đời một cách hợp lý trong mối tương quan với tốc độ đô thị hóa và hiện đại hóa của thành phố…

Dù còn nhiều vấn đề cần bàn đến, nhưng xây dựng NTM hay đô thị hóa nông thôn Hòa Vang, cũng cần phải hướng đến mục tiêu lớn nhất là xây dựng đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân Hòa Vang ngày một tốt hơn.

Anh Quân


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Cơ quan hành chính tiết kiệm gần 95 tỷ đồng


Ngày 17-12, UBND thành phố tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 130/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước” và Nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Qua 5 năm triển khai thực hiện, đến nay, thành phố Đà Nẵng đã có 100% đơn vị thực hiện Nghị định 130/NĐ-CP và 352/357 đơn vị thực hiện Nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó, 26 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí, 116 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí… Hầu hết các đơn vị đều xây dựng phương án, đề án và xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; bảo đảm mục tiêu và nguyên tắc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bảo đảm tính công khai, dân chủ và quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức; chủ động trong việc sử dụng biên chế và kinh phí được cấp; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sử dụng kinh phí có hiệu quả hơn, phát huy được năng lực của người lao động, nâng cao hiệu quả và năng suất lao động, tạo quyền chủ động cho đơn vị trong quản lý, sử dụng kinh phí, tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập cho người lao động.

Từ năm 2006 đến năm 2010, các cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố đã tiết kiệm nguồn kinh phí gần 95 tỷ đồng; trong đó, tiết kiệm do thực hiện tinh giản biên chế trên 21 tỷ đồng, tiết kiệm chi phí hành chính trên 72 tỷ đồng, chiếm 15,14% so với tổng dự toán kinh phí tự chủ được giao các năm. Tại hội nghị, UBND thành phố cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện rút kinh nghiệm, những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc; đồng thời, bàn giải pháp, nhiệm vụ triển khai thực hiện hiệu quả 2 Nghị định trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị,  Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đánh giá cao việc triển khai và kết quả thực hiện 2 Nghị định trên ở các cơ quan, đơn vị; đồng thời, giao nhiệm vụ cho Sở Nội vụ, Sở Tài chính tiếp thu các ý kiến tham gia để tham mưu cho UBND thành phố điều chỉnh định mức khoán biên chế, định mức chi tiêu hành chính cho các đơn vị theo hướng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về kinh phí, về phương tiện cơ sở vất chất, về tổ chức bộ máy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới.

Dịp này, UBND thành phố đã tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 11 cá nhân có thành tích trong việc triển khai thực hiện 2 Nghị định của Chính phủ.

Tin và ảnh: THÀNH LÂN


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)