Thượng tướng Trần Đại Quang thăm và chúc Tết tại TP Đà Nẵng


Nhân chuyến thăm và làm việc tại TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã tặng quà, gửi thư khen Công an TP Đà Nẵng và Tổ chuyên án 122C đã kịp thời bắt giữ Nguyễn Tuấn Vũ đột nhập hàng loạt cơ quan công sở để trộm cắp tài sản. Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng cũng công bố thưởng cho các lực lượng tham gia phá án 200 triệu đồng về thành tích này.
Sáng 11/1, Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã đi thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng.

Trong không khí thân mật, cởi mở của cuộc gặp mặt trước thềm Xuân Nhâm Thìn - 2012, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, báo cáo cho biết: Năm 2011, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đề ra và đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, du lịch, an ninh quốc phòng.

Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và an toàn giao thông; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; thực hiện các chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài... Mục tiêu năm 2012 của TP là tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đảm bảo phúc lợi, an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, nâng cao công tác xây dựng Đảng và chính quyền, công tác vận động quần chúng; đẩy mạnh công tác đối ngoại...

Bộ trưởng Trần Đại Quang ghi nhận và chia vui với thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng đã đạt được; đồng chí Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, thành tích đó đã góp phần quan trọng vào việc ổn định và phát triển kinh tế địa phương và đất nước nói chung. Với sự đồng thuận cao của nhân dân, Đảng bộ và chính quyền TP Đà Nẵng thực hiện thành công Đề án “Thành phố môi trường” và các Chương trình “5 không”, “3 có”, đã góp phần rất lớn trong công tác phòng ngừa phát sinh tội phạm, đảm bảo ANTT và ATXH.

Bộ trưởng Trần Đại Quang đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng phát huy truyền thống thành phố Anh hùng, phát huy những thành quả đã đạt được, chung sức, chung lòng để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong năm 2012; tích cực góp phần vào công tác an sinh xã hội, giảm tỉ lệ hộ nghèo; công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, tiếp tục ổn định chính trị, TTATXH, góp phần phát triển đất nước. Đặc biệt, chú trọng công tác đảm bảo bình yên cho thành phố để nhân dân đón Tết, vui xuân trong no ấm, an toàn và hạnh phúc.

*  Cũng trong sáng 11/1, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã đến thăm và làm việc với Công an TP Đà Nẵng.

Đồng chí Bộ trưởng ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao của cán bộ, chiến sĩ Công an TP Đà Nẵng trong năm 2011; đặc biệt đánh giá cao kế hoạch phòng chống tội phạm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn - 2012.

Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tặng quà Tổ chuyên án 122C Công an TP Đà Nẵng.

Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh, phương châm hành động của Bộ Công an năm 2012 là “Kỷ cương - Trách nhiệm - Hiệu quả” để tạo sự chuyển biến thật sự trong toàn lực lượng Công an. Nhân chuyến thăm và làm việc, Bộ trưởng đã tặng quà, gửi thư khen Công an TP Đà Nẵng và Tổ chuyên án 122C đã kịp thời bắt giữ đối tượng Nguyễn Tuấn Vũ đột nhập hàng loạt cơ quan công sở để trộm cắp tài sản. Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng cũng công bố thưởng cho các lực lượng tham gia phá án 200 triệu đồng về thành tích này

Long Vân - Thân Lai

Năm 2012, trình Quốc hội thông qua luật CĐ sửa đổi


Ngày 9.1, LĐLĐ TP.Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động CĐ năm 2011 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012. Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng và Bí thư Thành uỷ TP.Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã tham dự hội nghị.

Năm 2012, LĐLĐ TP.Đà Nẵng đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm như tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CNVCLĐ, tiếp tục phát triển lực lượng đoàn viên, CĐCS... Tại hội nghị, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng đã biểu dương sự phát triển của phong trào CN và CĐ TP.Đà Nẵng. Dù trong năm 2011, tình hình kinh tế thế giới khó khăn nhưng tăng trưởng của Đà Nẵng đạt 13%, cao gấp đôi trung bình của cả nước.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng trao tặng bằng khen cho các đơn vị có thành tích tốt ở TP.Đà Nẵng. Ảnh: L.Đ.Dũng

Trong đó, có công đóng góp nhất định của tổ chức CĐ và CNVCLĐ. Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng của năm 2012 là làm sao trình cho Quốc hội thông qua Luật CĐ sửa đổi, Bộ luật LĐ sửa đổi phải có những điều khoản thuận lợi cho CN, và để tổ chức CĐ hoạt động thuận lợi. Đặc biệt, cần phải đưa việc thu kinh phí 2% của đoàn viên vào luật để phục vụ cho CĐCS. Bộ luật Lao động sửa đổi lần này cũng có nhiều vấn đề đặt ra như đề nghị giảm giờ làm của NLĐ, thời gian nghỉ tết có thể tăng lên 5 ngày, tuổi nghỉ hưu của NLĐ...

Tại hội nghị lần này, Bí thư Thành uỷ TP.Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã gợi ý LĐLĐ TP.Đà Nẵng nên lập đề án khảo sát nhà trọ xuống cấp để từ đó trích quỹ cho chủ trọ vay sửa nhà. Số tiền đó sẽ trừ vào tiền lương hằng tháng của CN. LĐLĐ TP.Đà Nẵng cũng đang lập đề án thí điểm cho vay để trình HĐND TP để cho cán bộ được vay tiêu dùng có xác nhận của CĐ.

Tại hội nghị lần này, các CĐCS, đoàn viên có thành tích tốt trong hoạt động đã được trao tặng bằng khen và cờ thi đua. LĐLĐ TP.Đà Nẵng cũng trao tặng cho con em CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn 20 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng.

LĐLĐ tỉnh Quảng Nam cần tập trung công tác đào tạo nhân lực

Dự lễ kỷ niệm 15 năm tái lập CĐ Quảng Nam và đón nhận Huân chương Độc Lập hạng Nhì của LĐLĐ địa phương này sáng 9.1, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng cho biết: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012 của tổ chức CĐ là hoàn tất việc xây dựng CĐCS đối với DN có 50 LĐ trở lên; tập trung đào tạo nguồn nhân lực là cán bộ CĐ chuyên trách tại cơ sở; xây dựng và vận động tốt để thông qua Luật CĐ sửa đổi theo hướng có lợi cho NLĐ và hoạt động CĐ...
Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng chỉ đạo  CĐ Quảng Nam cần chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, kỹ năng thương thảo, nghiệp vụ cho cán bộ CĐ chuyên trách tại các CĐCS. Đây cũng là chỉ thị chung của Đảng - Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đối với LĐLĐ các tỉnh thành cả nước. “Tổ chức CĐ không thiếu tiền cho công tác đào tạo cán bộ.

Từ trước tới nay, Tổng LĐLĐVN đã chỉ thị trích 15% tổng kinh phí chi cho công tác đào tạo cán bộ, tuy nhiên không có tỉnh thành nào “tiêu” hết số tiền này. Điều đó chứng tỏ các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo nhân lực. Từ năm 2012, đề nghị Quảng Nam cũng như LĐLĐ các địa phương trong cả nước phải tập trung công tác đào tạo nhân lực” - đồng chí Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh.

Nếu có được cán bộ giỏi, tổ chức CĐ ở cơ sở mới thật sự được vững mạnh, tạo uy tín cho tổ chức CĐ, đồng thời tạo dựng niềm tin cho NLĐ. Đây là cơ sở quan trọng để có được CĐCS vững mạnh. Ngoài ra, việc xúc tiến việc hoàn tất thành lập CĐCS tại các DN có trên 50 NLĐ trở lên là hết sức cần thiết, đề nghị hoàn tất trước 6 tháng đầu năm 2012.

Một trong những trọng tâm trong công tác CĐ năm 2012 là hoàn thành tốt các chỉ tiêu do Tổng LĐLĐVN đề ra, đồng thời tích cực tuyên truyền tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ cũng như các hoạt động thiết thực của tổ chức CĐ. Điều này có tác động quan trọng đến việc vận động các đại biểu Quốc hội thông qua Luật CĐ sửa đổi.

Ông Nguyễn Đức Hải - Uỷ viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam rất đồng tình với những chỉ đạo của Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trong nhiệm vụ công tác năm 2012. Trong đó, đặc biệt là vấn đề phát triển đảng viên trong tổ chức CĐ.

Ông Hải nói, nếu mỗi năm, mỗi CĐCS ở Quảng Nam giới thiệu cho tổ chức Đảng 2-5 đoàn viên CĐ xuất sắc, để có thể kết nạp được 1 đảng viên mới, thì Quảng Nam sẽ có thêm được gần 2.000 đảng viên. Đây là con số quan trọng, nhất là thực trạng “trống” đảng viên trong các DN ngoài quốc doanh như hiện nay. Đảng bộ Quảng Nam rất chú trọng phát triển Đảng trong các DN, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN ngoài quốc doanh. Việc phát triển Đảng từ tổ chức CĐ là con đường khả thi và hiệu quả nhất.

Lê Đình Dũng - Thanh Hải

Miễn phí cho bệnh nhân chạy thận


Hàng trăm bệnh nhân suy thận mãn các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam đang được “tiếp sức” bởi chương trình riêng có của Đà Nẵng - miễn phí toàn bộ phần đồng chi trả với BHYT (5-20%) cho bệnh nhân, từ nguồn ngân sách thành phố.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Đà Nẵng. Ảnh: NH.

Chương trình được triển khai từ đầu tháng 6-2011 tại Khoa Thận nhân tạo, BV Đa khoa Đà Nẵng cho tất cả các bệnh nhân Đà Nẵng, Quảng Nam.

Dọc hai dãy hành lang Khoa Thận nhân tạo, các máy chạy thận liên tục hoạt động để bố trí cho các bệnh nhân thay ca. Khác với tâm lý áp lực như những lần điều trị trước, giờ thì nhiều bệnh nhân chạy thận tỏ rõ niềm vui.

Ông Nguyễn Tài (52 tuổi, phường Hải Châu 2, Hải Châu, Đà Nẵng) gần 5 năm nay phải gắn liền với nơi đây. Tháng 5-2007, ông Tài đổ bệnh, 2 tháng đầu nhập viện do chưa kịp đóng BHYT nên chi phí chạy thận gần 40 triệu đồng. Từ ngày lâm bệnh, gia đình ông Tài từ hộ khá xuống hộ nghèo, túng quẫn. “Nếu không có chủ trương của thành phố, chắc tôi khó lòng dám điều trị đến cuối đời” - ông Tài nói.

Bà Lê Thị Ái (53 tuổi, phường Mỹ An, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), bệnh nhân có hơn 10 năm chạy thận, tâm sự: “May mà Đà Nẵng có chủ trương hỗ trợ bệnh nhân kịp thời, nhân đạo” - bà Ái vui mừng.

Khoa Thận nhân tạo (BV Đa khoa Đà Nẵng) hiện có 180 bệnh nhân suy thận đang điều trị, hầu hết gia cảnh đều đã khánh kiệt.

BS Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc BV Đa khoa Đà Nẵng cho hay: Trong lần thăm hỏi Khoa Thận nhân tạo, Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh cùng lãnh đạo Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương chi ngân sách thành phố hỗ trợ bệnh nhân chạy thận để chia sẻ gánh nặng với gia đình các bệnh nhân. Đây là chính sách riêng có của Đà Nẵng cùng nhiều biện pháp hỗ trợ đối với các bệnh nhân suy thận đặc biệt.

Mới đây, Đà Nẵng vừa đầu tư gần 8 tỷ đồng mua 16 máy chạy thận nhân tạo, nâng tổng số máy hoạt động tại BV Đa khoa Đà Nẵng lên 44 máy, góp phần giảm áp lực quá tải và nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Trong đó có 2 máy HDF siêu lọc cho bệnh nhân chạy thận.

Theo BS. Nguyễn Hữu Đa, Trưởng khoa Thận nhân tạo: Dù bệnh nhân phải đồng chi trả BHYT ở mức 5-20% phí điều trị (tùy đối tượng) nhưng do đặc thù bệnh nhân suy thận cần chăm sóc, điều trị liên tục đến cuối đời nên nếu không có các chính sách, chủ trương phù hợp từ phía nhà nước, địa phương và các tổ chức, cá nhân thì khó có thể giúp họ an tâm và đủ điều kiện trị bệnh.

Trung bình mỗi tháng, số tiền thành phố chi cho phần đồng chi trả BHYT cho các bệnh nhân suy thận mãn lên đến 60 triệu đồng.

Nguyễn Huy

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh đến thăm trường THPT chuyên Lê Quý Đôn


Chiều 18-11, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đến thăm, chúc mừng đội ngũ thầy, cô giáo và học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhân kỷ niệm 25 năm thành lập trường và chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

images729138 DSC 0316 Đồng chí Nguyễn Bá Thanh đến thăm trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tặng quà cho Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

Thay mặt lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh gửi lời chúc mừng và bày tỏ mong muốn đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, phấn đấu dạy tốt, học tốt, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố; góp phần tích cực và chủ động vào việc đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng.

 

Bí thư Thành ủy cho rằng, thầy, cô giáo của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn phải thực sự là người phát hiện, bồi dưỡng và định hướng cho sự phát triển của mỗi học sinh, để các em trở thành những cán bộ xuất sắc trong thực tiễn của Đà Nẵng.

TS Nguyễn Đình Vĩnh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cảm ơn sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Đảng, chính quyền và của đông đảo các bậc phụ huynh. Với sự hỗ trợ, động viên kịp thời đó, trong năm học qua, thầy và trò nhà trường đã phát huy những thành tích xuất sắc trong 25 năm qua, từ đó thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Với những thành tích đó, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; Đảng bộ nhà trường giữ vững danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”; nhà trường được UBND thành phố tặng cờ dẫn đầu của các ngành học, bậc học của thành phố…

 

N.T – T.PHƯƠNG


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh thảo luận ở tổ về dự án Luật Giám định tư pháp


Chiều 15-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Giám định tư pháp. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên và thành phố Cần Thơ.

images727907 TTXVN Đồng chí Nguyễn Bá Thanh thảo luận ở tổ về dự án Luật Giám định tư pháp

Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng tham gia thảo luận ở tổ chiều 15-11. Ảnh: TTXVN

Chủ trì thảo luận, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến những vấn đề lớn của dự án luật như phạm vi điều chỉnh, quyền yêu cầu giám định của đương sự trong vụ việc dân sự, hành chính; cơ cấu tổ chức, địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ của các tổ chức GĐTP; việc xã hội hóa hoạt động GĐTP; về hội đồng GĐTP, kết luận GĐTP và trách nhiệm người đứng đầu tổ chức GĐTP; chế độ đối với người GĐTP; chính sách đối với hoạt động GĐTP; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động GĐTP.

 

Về vấn đề có nên giữ lại bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh hay không, các vị đại biểu Quốc hội có nhiều quan điểm khác nhau.

 

ĐB Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cho rằng, hoạt động giám định pháp y cần có cơ sở vật chất, đội ngũ bác sĩ giỏi của ngành Y tế. Hiện nay, 63/63 tỉnh đều có pháp y y tế, riêng pháp y công an thì vẫn còn 13 tỉnh chưa có. Theo ĐB, pháp y y tế có cả đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đầu ngành, nên đã đến lúc cần đặt pháp y vào đúng vị trí, đúng chuyên môn như Điều 13, quy định tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y bao gồm Viện Pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm Pháp y tỉnh; Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm Giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. ĐB đề nghị luật cần quy định rõ khi có mâu thuẫn giữa kết luận giám định pháp y công lập và tư nhân thì giải quyết thế nào? Đồng thời, ĐB cũng đề nghị quy định rõ việc thành lập hội đồng giám định lại.

 

ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) bày tỏ quan điểm nhất trí với quy định tại Điều 1 và Điều 24 dự thảo luật, cho phép các bên đương sự trong vụ án dân sự, hành chính được quyền trưng cầu GĐTP, nhưng đề nghị bổ sung theo hướng cho phép đương sự trong vụ án hình sự cũng được quyền yêu cầu GĐTP nếu yêu cầu đó không liên quan đến vấn đề xác định tội danh hay vấn đề chịu trách nhiệm hình sự. Về xã hội hóa GĐTP, ĐB nhất trí như quy định dự thảo luật. Riêng về Điều 13 dự thảo luật quy định theo hướng bỏ bộ phận giám định pháp y của Công an cấp tỉnh, ĐB đề nghị nên cân nhắc giữ lại như hiện nay, vì lĩnh vực này luật chưa cho xã hội hóa.

 

ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng, GĐTP là công cụ quan trọng phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, góp phần giải quyết các vụ án chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Theo ĐB, dự thảo luật có nhiều điểm mới rất cần thiết và quan trọng như đổi mới mô hình tổ chức GĐTP trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần; tạo cơ chế đáp ứng yêu cầu giám định hiện nay; có chính sách tôn vinh, đãi ngộ đối với ngành GĐTP; tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực GĐTP; quy định rõ trách nhiệm của giám định viên tư pháp… Tuy nhiên, về vấn đề xã hội hóa GĐTP, ĐB đề nghị cần nghiên cứu thật sự nghiêm túc, có chế tài cụ thể, bảo đảm tính hiệu quả cao khi thực hiện.

 

ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đề nghị giữ lại bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, vì pháp y công an có đặc thù riêng, luôn lên đường làm nhiệm vụ cho dù nắng, mưa hay bão lũ.

 

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, Điều 8 dự án luật quy định thời hạn công tác thực tế để đề nghị bổ nhiệm chức danh giám định viên chỉ có 5 năm là quá ít, đề nghị luật cần quy định thời hạn này ít nhất từ 10 năm trở lên. Về vấn đề bồi thường, ĐB đề nghị luật cần quy định rõ tổ chức GĐTP ban hành kết quả giám định sai thì bồi thường thế nào, không nên ghi chung chung như dự thảo luật.

 

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng, trong những năm qua, lực lượng pháp y công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, phục vụ kịp thời yêu cầu điều tra, đấu tranh, phát hiện tội phạm, nhất là việc điều tra những vụ trọng án. Do đó, ĐB đề nghị cần phải tiếp tục duy trì bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh. Theo ĐB thì công tác giám định pháp y trong thực tế rất vất vả, nhất là việc giám định thi thể những người đã chết 2 – 3 ngày. Anh em làm công tác giám định pháp y trong ngành Công an đã không quản ngại khó khăn, mưa, nắng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lực lượng này đang hoạt động có hiệu quả, có kinh nghiệm, ngoài kiến thức pháp y còn có kiến thức về kỹ thuật hình sự, có tính kỷ luật cao, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu giám định. Do đó, ĐB cho rằng, giao cho ngành Công an tiếp tục thực hiện công tác giám định pháp y thì chỉ có lợi, nhất là trong tình hình hiện nay.

 

Các vị đại biểu Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng), Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) đều bày tỏ quan điểm ủng hộ việc giữ lại bộ phận pháp y Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như hiện nay.

 

PHẠM HỮU HOA


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh: Đà Nẵng sẵn sàng đầu tư cho Hoàng Quý Phước


Theo đề nghị của Hiệp hội Bơi lội Việt Nam (Tổng cục TDTT), năm 2012, “dị nhân sông Hàn” Hoàng Quý Phước sẽ sang Mỹ tập huấn để nhắm đến Olympic London 2012 và những mục tiêu xa hơn nữa.

 

Câu chuyện”dị nhân sông Hàn” phá kỷ lục trên đường đua xanh tại SEA Games 26 là đề tài râm ran trong dư luận tại thành phố Đà Nẵng trong buổi sáng 14-11.

images727202 HQPhuoc Đồng chí Nguyễn Bá Thanh: Đà Nẵng sẵn sàng đầu tư cho Hoàng Quý Phước

Kính ngư Hoàng Quý Phước. Ảnh: ĐNĐT

Là hiện tượng của bơi lội Việt Nam những năm gần đây và lần thứ hai tham dự SEA Games, kình ngư Đà Nẵng Hoàng Quý Phước được đặt hy vọng rất lớn.

 

Tuy nhiên, việc tay bơi mới 18 tuổi này phá kỷ lục SEA Games với thành tích 53,07 giây (kỷ lục cũ 53,82 giây) là điều nằm ngoài sức tưởng tượng của giới chuyên môn lẫn người hâm mộ. Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng Nguyễn Phúc Linh không giấu nỗi niềm tự hào khi cho biết, đây cũng là lần đầu tiên thành phố có một VĐV phá được kỷ lục SEA Games.

 

Ông Lê Nguyên Hồng, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước Đà Nẵng cho biết, từ trước lúc Hoàng Quý Phước đi dự SEA Games 26, khi Hiệp hội Thể thao dưới nước Đà Nẵng bảo vệ kế hoạch chuẩn bị tiến đến Đại hội TDTT toàn quốc tại Nam Định (vào năm 2015) thì Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã chỉ đạo, nếu Hoàng Quý Phước muốn đi Mỹ, Úc hay chỗ nào tốt nhất để tiếp tục nâng cao thành tích thì Đà Nẵng sẵn sàng đầu tư.

 

Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng Nguyễn Phúc Linh cũng khẳng định, do Hoàng Quý Phước là trường hợp đặc biệt nên Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo có sự đầu tư thích đáng. Theo đề nghị của Hiệp hội Bơi lội Việt Nam, năm 2012, Hoàng Quý Phước sẽ đi tập huấn tại Mỹ bằng nguồn kinh phí “hợp tác” giữa Tổng cục TDTT và UBND thành phố Đà Nẵng.

Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đã chính thức có tờ trình với lãnh đạo thành phố về vấn đề này. “Với thành tích mà Hoàng Quý Phước vừa đạt được, tôi tin chắc chắn là lãnh đạo thành phố Đà Nẵng sẽ ủng hộ. Mục tiêu của việc đưa Hoàng Quý Phước sang Mỹ tập huấn không chỉ nhắm đến Olympic London 2012 mà vì em còn rất trẻ nên phải có chiến lược đầu tư lâu dài”, ông Nguyễn Phúc Linh nhấn mạnh.

 

Trước mắt, Hoàng Quý Phước vẫn còn nhiều nội dung thi đấu tại SEA Games và ông Nguyễn Phúc Linh hy vọng kình ngư này sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tích vang dội cho thể thao nước nhà. Ngay trong sáng 14-11, ông Lê Nguyên Hồng cho biết, Hiệp hội Thể thao dưới nước Đà Nẵng đã quyết định thưởng nóng cho Hoàng Quý Phước 10 triệu đồng.

 

Việt Ân(THeo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)

Ông Nguyễn Bá Thanh tham gia thảo luận về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính


Chiều 10-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên và thành phố Cần Thơ.

images726518 Than Duc Nam Ông Nguyễn Bá Thanh tham gia thảo luận về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính

ĐBQH Thân Đức Nam thảo luận ở tổ.

Chủ trì thảo luận, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến những vấn đề lớn của Luật như phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (XLHC); vấn đề giao Tòa án thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp XLHC; mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính; việc bỏ quy định đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh; các hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả; các chức danh có thẩm quyền xử phạt và cách quy định thẩm quyền xử phạt theo tỷ lệ phần trăm so với mức phạt tiền tối đa; vấn đề giao Chính phủ quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng một hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương.

 

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị tiếp tục duy trì việc quy định biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh là biện pháp XLHC, vì nếu không quy định biện pháp này thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn mại dâm, ma túy hiện nay. Theo ĐB thì đây cũng là biện pháp cần thiết và hiệu quả để quản lý trật tự xã hội.

 

ĐB cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, biện pháp bắt buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh được áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn nghiện ma túy hoặc người bán dâm thường xuyên có độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn tái phạm hoặc không có nơi cư trú nhất định. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma túy cũng quy định một trong những hình thức cai nghiện là cai nghiện ma túy bắt buộc.

 

Luật Phòng, chống ma túy vẫn xác định người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì phải áp dụng biện pháp XLHC là đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. ĐB cho rằng nếu bãi bỏ biện pháp hành chính này trong dự án luật thì sẽ không có các trình tự, thủ tục mang tính cưỡng chế đủ mạnh để đưa đối tượng nêu trên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

 

ĐB đề nghị nên giao Bộ Công an quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, vì hiện nay phần lớn các vụ việc vi phạm hành chính do Công an giải quyết. Bên cạnh đó, bộ máy giúp việc của Bộ Công an trong lĩnh vực này là Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã được kiện toàn, có thể bảo đảm tốt công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, Bộ Tư pháp mới chỉ có một vụ giúp việc là Vụ Hành chính – Hình sự. Vì vậy, đề nghị luật quy định theo hướng giao Bộ Tư pháp có chức năng phối hợp với Bộ Công an trong công tác thi hành pháp luật về XLHC. Theo ĐB thì đây là vấn đề rất quan trọng, đề nghị Quốc hội cần xem xét thận trọng trước khi quyết định, bởi lẽ khi giao nhiệm vụ này cho Bộ Tư pháp thì sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề như tăng biên chế để thực hiện nhiệm vụ từ cấp xã, phường trở lên, trình độ, kinh nghiệm…

 

ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đề nghị luật quy định theo hướng việc XLHC nên dứt điểm, tránh tình trạng cùng một hành vi vi phạm nơi này đã xử phạt rồi cho đi, đến nơi khác lại phạt tiếp… ĐB đề nghị cần nghiên cứu có chế tài quy định theo hướng đã xử phạt rồi thì hành vi đó phải chấm dứt ngay sau khi xử phạt.

 

ĐB Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng, biện pháp giáo dục tại xã, phường từ trước đến nay rất hiệu quả, hợp lý; biện pháp đưa các em đi trường giáo dưỡng cũng phát huy hiệu quả tốt; biện pháp bắt buộc chữa bệnh có tính nhân đạo, vừa đưa người bán dâm đi chữa bệnh vừa tránh lây lan bệnh tật trong cộng đồng. Tuy nhiên, ĐB bày tỏ sự băn khoăn khi giao Tòa án thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC, vì nhân sự ngành Tòa án hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu, nên chăng cần giữ nguyên thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC như hiện nay. Về mức xử phạt, ĐB cho rằng không nên quy định ở nông thôn mức phạt thấp, thành phố mức phạt cao, như vậy là không hợp lý.

 

ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) bày tỏ quan điểm đồng ý phương án 2 trong Tờ trình của Chính phủ, việc giao cho ngành Tòa án thẩm quyền áp dụng các biện pháp XLHC là một vấn đề lớn cần có lộ trình thích hợp, trước mắt đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.

 

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, việc nhận định các cơ quan Tòa án không đủ nhân sự, năng lực để thực hiện thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC là chưa hợp lý. ĐB đề nghị luật cứ quy định giao thẩm quyền áp dụng biện pháp XLHC cho Tòa án, nhưng gia hạn cho Tòa án 2 năm để chuẩn bị nhân sự, bộ máy, sau đó mới triển khai thực hiện thẩm quyền này. Về mức xử phạt nên hợp lý, không nên phạt quá cao nhằm tránh tình trạng “cưa đôi” số tiền phạt giữa người thi hành công vụ và người vi phạm.

 

Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng dự thảo luật giao Chính phủ quy định quá nhiều, cần xem lại một cách nghiêm túc vấn đề này. Vừa qua, Quốc hội mở rộng thẩm quyền tố tụng hành chính cho ngành Tòa án đã thêm gánh nặng rất nhiều cho ngành Tòa án. Bây giờ giao thêm cho ngành Tòa án chức năng áp dụng biện pháp XLHC thì không hợp lý, vượt quá khả năng hiện nay của ngành Tòa án.

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng, việc quy định mức xử phạt hành chính 2 tỷ đồng là quá cao, vì với số tiền lớn như vậy có khi đã vi phạm pháp luật hình sự, nếu luật quy định dễ dẫn đến tình trạng “lách luật”. ĐB đề nghị nên xem lại chế định về tuổi vị thành niên hiện nay, nhất là đối với các trường hợp phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng mà đương sự chỉ thiếu 2-3 ngày nữa là đủ tuổi vị thành niên. Theo ĐB thì Luật Xử lý vi phạm hành chính là một dự luật rất quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống hằng ngày của nhân dân nên cần xem xét thận trọng.

 

PHẠM HỮU HOA(Theo DaNang)


(Theo website Nguyễn Bá Thanh)