Hướng kiến trúc mới cho thành phố Đà Nẵng


Những năm gần đây, kiến trúc đô thị Đà Nẵng đã có nhiều nét mới. Điểm chung là đã toát lên vẻ hiện đại, song thành phố vẫn chưa dừng lại với những gì hiện có, mà luôn khích lệ các nhà đầu tư, các chủ dự án khám phá thêm những kiểu thiết kế kiến trúc mới, xu hướng mới.

Kiến trúc xanh
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, chia sẻ:  Với tốc độ đô thị hóa nhanh như Đà Nẵng thì việc làm ngay là biết đón đầu những xu hướng mới trên thị trường xây dựng, công nghệ xanh, công nghệ tự động hóa thân thiện với môi trường là tất yếu. Thật vậy, đã đến lúc con người mong muốn không chỉ tạo dựng những đô thị, nhà ở đẹp, hiện đại, phục vụ tốt cho cuộc sống của mình với những trang thiết bị tự động hiện đại nhất mà còn cần sống trong môi trường trong lành, gần gũi với thiên nhiên, hạn chế sự tác động tiêu cực đến khí hậu trái đất. Kiến trúc xanh sẽ là xu hướng mới để bù đắp tài nguyên cây xanh, mặt nước đô thị.
Thiết kế kiến trúc xanh ở dự án Hyatt Regency Đà Nẵng.
Và xu hướng kiến trúc xanh đang bắt đầu lan tỏa. Từ kiến trúc xanh ở các khu resort, nay đến với các dự án đô thị sinh thái. Dự án Ecorio là một ví dụ. Một trong những lợi thế của Ecorio là có mật độ xây dựng thấp, chỉ từ 25% đến 30%. Quy hoạch tổng thể của dự án cũng bảo đảm nhu cầu sinh sống và nghỉ dưỡng trong một môi trường trong lành, thoáng mát và tách biệt khỏi trung tâm thành phố nhộn nhịp. Một khách hàng đã nhận xét: “Điểm nổi bật của dự án là các dãy nhà phố đều có sân vườn cả ở trước và sau, các đường dạo ven sông được bố trí khéo léo cho tất cả các cư dân ở đây sử dụng. Điểm khác biệt mà tôi bị thuyết phục hoàn toàn khi lần đầu tiên  khu công viên tượng được nhà đầu tư tạo cảnh quan, đây có lẽ là một điểm khác biệt hấp dẫn mà tôi chưa nhìn thấy bất cứ khu đô thị nào ở Việt Nam từ trước đến nay”.
Ngay sau Ecorio là dự án Golden Hills. Đây là khu đô thị sinh thái sẽ mang đến diện mạo mới cho sự phát triển đô thị Đà Nẵng. Nhà đầu tư đã hợp tác cùng công ty thiết kế quy hoạch đô thị hàng đầu thế giới là Skidmore, Owings & Merrill LLP (SOM) đến từ Mỹ và đơn vị thiết kế cảnh quan CICADA của Singapore để tham gia vào quá trình quy hoạch, thiết kế tổng thể dự án. Sự khác biệt của Golden Hills xuất phát từ việc kết hợp ý tưởng cửa sông (estuary) và quần đảo (islands), SOM đã tận dụng tối đa nét đẹp của sông, núi và biển để tạo nên khu đô thị sinh thái Golden Hills có kết cấu phát triển bền vững, lâu dài. Thiên nhiên nơi đây sẽ là sợi dây gắn kết con người và Golden Hills. Đây là thành phố hiện đại với đầy đủ các chức năng nhà phố, villa, sân tập golf, biệt thự sinh thái, bến du thuyền, khách sạn 4 sao, resort 5 sao, khu massage spa. Các hạng mục của công trình công cộng đáp ứng nhu cầu dân sinh, bệnh viện, trường học chuẩn quốc tế, công trình vui chơi giải trí, thể dục-thể thao, khu thương mại dịch vụ, văn phòng…
Kiến trúc bền vững
Ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng, cho rằng: Đà Nẵng nên xây dựng thành phố theo hướng phát triển bền vững, là một đô thị thông minh, đô thị cách tân, đô thị toàn cầu và đô thị đáng sống. Việc xây dựng một đô thị phát triển thì không thể thiếu vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc kết nối với thế giới, không những về kinh tế, khoa học mà còn cả về văn hóa, xã hội. Đà Nẵng là một thành phố trẻ nên chọn lối kiến trúc hiện đại, năng động làm nền tảng trong xây dựng và tạo nên điểm sáng thu hút xung quanh.
Còn theo ý tưởng của ông Phạm Phú Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Thiết kế Xây dựng Đà Nẵng, thì Đà Nẵng nên chọn phong cách kiến trúc hiện đại làm nền tảng. Không nên làm giả cổ hay pha tạp giữa các lối kiến trúc Đông Tây kim cổ. Ông Bình giải thích vì Đà Nẵng là thành phố trẻ, năng động. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 nên lối kiến trúc cổ không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Ông Bùi Thiện Cảnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị FPT Đà Nẵng cũng cho rằng, kiến trúc hiện đại là nét riêng để Đà Nẵng khác với Hội An và Huế. Kiến trúc hiện đại vừa phù hợp với thời đại, vừa phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết của miền Trung là năm nào cũng mưa bão lớn.
Cơ sở hạ tầng được coi là hệ thống xương sống của một đô thị thì hệ thống thủy văn được coi là một trong những vấn đề quan trọng trong việc phát triển đô thị bền vững, nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Hiện Sở Xây dựng đang triển khai đề án xây dựng mô hình thủy văn và mô phỏng sự phát triển đô thị Đà Nẵng. Mục đích của dự án là giải quyết bài toán tổ hợp về lũ lụt, ngập úng và thủy triều với mục tiêu cuối cùng là xây dựng các bản đồ ngập lụt ứng với các kịch bản tần suất khác nhau có xét đến quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu.
Xem xét đến các tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu, lũ lụt trong quá trình đô thị hóa, từ đó có các giải pháp thích ứng với điều kiện khí hậu, lũ lụt trong tương lai để quy hoạch, thiết kế kiến trúc xây dựng phát triển đô thị bền vững. Ông Tô Quang Toán (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam – đơn vị đã xây dựng bản đồ ngập lụt tại Đà Nẵng trước đây) cho biết, đã có báo cáo những vấn đề liên quan đến lượng mưa, mức độ ngập lụt, tình trạng nước biển dâng tại Đà Nẵng. Tình hình thời tiết khí hậu hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp, tại Đà Nẵng, lượng mưa vào mùa khô ngày càng giảm, lượng mưa vào mùa mưa ngày càng tăng, nên hạn hán và lũ lụt ngày càng nhiều. Theo ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, qua xây dựng một mô hình thủy văn phù hợp cho Đà Nẵng trong việc quy hoạch và phát triển đô thị thích ứng với tình hình diễn biến phức tạp của khí hậu sẽ bảo đảm tính ổn định và bền vững lâu dài trong tương lai của đô thị Đà Nẵng.
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

(Theo www.nguyenbathanh.com)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét